Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 3, 2019

TA CÒN NỢ EM - Thơ Lương Mùi





TA CÒN NỢ EM

Một buồng cau vàng
Một nhánh trầu cay
Một gói vôi trắng
Một mâm rượu nồng

Nợ em cặp nhẩn, đôi bông
Dây chuyền đeo cổ vàng vòng đeo tay
Ngày xưa còn khổ ai hay???
Gạo thì chưa đủ, qua ngày lất lây

Lấy mô mà sắm sửa đây?
Đồng lòng hai đứa chung tay thành nhà
Vui buồn sướng khổ mặn mà
Quanh đi ngoảnh lại: con ta một bầy

Nuôi con khôn lớn đêm ngày
Vừa bồng vừa bế, quá tày vú em
Nhờ ơn, con đã lớn thêm
Đứa vừa dựng vợ, đứa bèn đẻ con

Đến nay cháu chắt vuông tròn
Thời gian rắc muối, trắng sương tóc huyền
Sáu lăm, anh vẫn nợ em
Xin cho kiếp nữa mình đền nợ nhau

                                 Lương Mùi
                          20h ngày 2/6/2019

READ MORE - TA CÒN NỢ EM - Thơ Lương Mùi

LỜI MẸ DẠY - Thơ Nhật Quang



          Nhà thơ Nhật Quang


LỜI MẸ DẠY
(Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi)

Con yêu thương! Hãy nghe lời mẹ dạy
Muốn nên người, con phải gắng học chăm
Biết kính trên và yêu thầy, mến bạn
Biết thương người lúc hoạn nạn gian nan

Con yêu thương! Hãy nghe mẹ bảo ban
Phải sống thật thà, không nên dối trá
Nhặt của rơi, con đem trả cho người
Khi vấp ngã, hãy bình tâm đứng dậy

Con yêu thương! Hãy nghe lời mẹ dạy
Trên đường đời, bao cạm bẫy xa hoa
Con hãy tránh, đừng lạc bước sa đà
Không đam mê trò đỏ đen, chích hút

Con yêu thương!  Hãy nghe mẹ khuyên nhủ
Giấy có rách, con phải giữ lấy lề
Sống nghĩa nhân, cho đời khỏi trách chê
Đừng vì tiền mà làm hoen nhân cách

Con yêu thương! Dù đời bao thử thách
Luôn vững tin vào cuộc sống ngày mai
Hãy trau thân thành kẻ đức, người tài
Ra giúp đời, công danh ngời tươi sáng.

                                         Nhật Quang

READ MORE - LỜI MẸ DẠY - Thơ Nhật Quang

ĐỌC “NGŨ NGÔN TÌNH” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch


  
     Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “NGŨ NGÔN TÌNH” THƠ TRẦN MAI NGÂN
                                                                       Châu Thạch

Trước hết, đọc cài đầu đề của bài thơ là “Ngũ Ngôn Tình” cho ta hiểu đây là thứ ngôn ngữ của tình yêu. “Ngũ Ngôn Tình” hiểu theo nghĩa hẹp là bài thơ sáng tác theo thể ngũ ngôn (năm chữ) nói về tình yêu. “Ngũ Ngôn Tình” hiểu theo nghĩa rộng là 5 thứ ngôn ngữ có trong kho báu của tâm hồn để hai người yêu nhau đem tặng nhau và làm giàu lâu đài tình ái của mình. Lời nói yêu thương, quà tặng ý nghĩa, thời gian cho nhau, hành động cao thượng và cử chỉ trao nhau là 5 ngôn ngữ tình yêu cần và đủ để cuộc tình thăng hoa mà các nhà nghiên cứu đã rút ra từ kinh nghiệm tình trường, qua bao nhiêu thế hệ con người.
Nhà thơ Trần Mai Ngân trong ẩn ý, muốn đề cập đến ngôn ngữ đó trong quá khứ cuộc tình, thứ ngôn ngữ mà không thể lấy “tam đoạn luận” để hiểu nó được. Cho nên khi đọc thơ “Ngũ Ngôn Tình Yêu” ta cũng không thể đi vào thơ bằng cái suy luận “Tam Đoạn”, thứ cơ bản mà thầy đã khai trí khi ta còn ấu trỉ mới tập tò học triết.

Thật vậy, đọc khổ đầu bài thơ, dễ có kẻ đã ném đá vì chưa cảm thụ được cái hay của “Ngũ Ngôn Tình”:

Ngày không mưa không nắng
Tôi chẳng vui chẳng buồn
Thời gian không gian...lặng
Một nhịp sầu đang tuôn!

Có người sẽ ném đá ngay vào câu thơ “Một nhịp sầu đang tuôn!”. Họ sẽ hỏi rằng: Tâm trạng người thơ lúc ấy “chẳng vui, chẳng buồn” sao lại cảm nhận được “Có một nhịp sầu đang tuôn!”. Họ sẽ lý luận rắng: “Tôi đã vô cảm, không buồn không vui, thế thì theo ‘tam đoạn luận’ mọi vật quanh tôi sẽ cũng không buồn, không vui như tôi.”
Để phản biện lại những lời chỉ trích hàm hồ ấy, trước hết ta phải hiểu với nhau rằng, “chẳng vui, chẳng buồn” không phải là vô cảm. “chẳng vui chẳng buồn” là tâm trạng xảy ra giữa sự buồn và sự vui mà thôi. Khi Kiều ngồi trước Lầu Ngưng Bích, nàng nhớ cha mẹ, nhớ người tình, buồn cho tấm thân của mình đến độ ngồi trên cao mà nàng nghe “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Lúc đó mới chính là lúc Kiều như ngất đi và trở thành vô cảm. Ngược lại khi Kiều chẳng vui chẳng buồn, đàn cho khách chơi hoa nghe thì nàng không thấy hứng thú gì, nhưng sự cảm nhận thế giới chung quanh thì không mất được.
Ta hãy nghe một lần Bùi Giáng trong tâm trạng chẳng vui chẳng buồn:

Mùa xuân lại với chim về đã mỏi
Với cá về mây nước cũng lang thang
Anh nằm im nhắm con mắt mơ màng
Mở con mắt cũng mơ màng cỏ lá.
                           (Không đủ gọi)

Có phải chăng nhắm con mắt hay mở con mắt nhà thơ đều mơ màng, có nghĩa là nhà thơ đang chìm trong tâm trạng “chẳng vui chẳng buồn”. Thế nhưng Bùi Giáng vẫn nghe được “Mùa xuân lại với chim về đã mỏi” và “Với cá về mây nước cũng lang thang”. Phải chăng những điều đó là “một nhịp sầu đang tuôn” mà Trần Mai Ngân cũng như Bùi Giáng, đã nghe ở trong không gian và trong cả thời gian, nhưng Trần Mai Ngân đã diễn đạt trong thơ mình một cách khác mà thôi.
“Chẳng vui chẳng buồn” có khi là lúc tâm hồn trống rổng nhưng cũng có khi là lúc tâm hồn bình an nhất. Các nhà sư thiền định, khi họ “chẳng vui chẳng buồn” là đã đạt được sự bình an, tâm tư lắng đọng, không bị cảnh bên ngoài chi phối, vượt lên sự buồn vui thường tình, thực sự vững chắc an trú trong trong hạnh phúc tỉnh lạc của mình. Lúc đó nếu ta nói các thiền sư “chẳng vui chẳng buồn” là vô cảm thì xin lỗi, phải nói nặng một câu là “tư duy rất thấp kém”. Ai cũng biết rằng Phật và các vị Bồ Tát vui chơi trong cõi Thường Hằng, họ “chẳng vui chẳng buồn” nhưng họ vẫn nghe “một nhịp sầu đang tuôn” trong cõi ta bà của nhân loại trong từng phút từng giây.
Tất nhiên người viết bài nầy không bao giờ dám dùng cái tâm trạng “chẳng vui chẳng buồn” của Trần Mai Ngân để so với các bậc tu hành. Thế nhưng chủ ý của người viết là đem các vị ấy ra để minh chứng cho khổ thơ “Ngày không đông không hạ/ Tôi chẳng vui chẳng buồn/Thời gian không gian … lặng/Một nhịp sầu đang tuôn” là một khổ thơ hay, đặt cảm xúc ngưng tụ giữa vui buồn của nội tâm mình một cách hợp lý trong cuộc tình sầu dài năm tháng, dài như dòng sông tuôn chảy lặng lờ qua bao thế kỷ mà người thơ luôn nghe trong tận cùng tâm cảm của mình dầu đã đóng cả cửa tâm hồn mình lại.
Qua hai khổ thơ sau, nhà thơ Trần Mai Ngân thổ lộ rõ hơn nữa, cái “chẳng vui chẳng buồn” chính là sự hờn giận, trách móc chất chứa trong tim yêu nhiều, yêu lắm. Ta hiểu thêm, “chẳng vui chẳng buồn” là một cách nói ý nhị của nguời con gái đã yêu và yêu sâu đậm:

Mây không trôi dừng lại
Im ắng trắng tinh khôi
Lời xa xôi không nói
Có nói cũng vậy thôi!

Ngày không Đông không Hạ
Sao sốt lạnh trong ta
Mấy cánh hoa giã biệt
Bỗng thành người lạ xa...

Có người lấy câu thơ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” của Nguyễn Du để trách Trần Mai Ngân đã nghịch lý khi thổ lộ mình chẳng buồn chẳng vui mà lại đế cảm xúc tràn lên trong mỗi câu thơ.
Người hiểu như thế thì thà đừng đọc thơ. Bởi vì khi viết như thế Nguyễn Du chỉ đề cập đến tâm trạng của người tác động vào mắt mình khi nhìn ngoại cảnh. Thế nhưng có khi nhờ cảnh làm cho người buồn hóa vui mà cũng có khi tại cảnh làm cho người vui hóa buồn. Đó là Nguyễn Du chỉ nói ở vế cảnh bị thụ động bởi tâm trạng người. Ngược lại tâm trạng người bị thụ động bởi cảnh thuộc về một vế khác mà Nguyễn Du không đề cập đến. Ở bài thơ nầy Trần Mai Ngân viết “Ngày không mưa không nắng”, “Mây không trôi dừng lại”, “Ngày không đông không hạ” làm cho nhà thơ nghe “Có một nhịp sầu đang tuôn” và thấy “Hai bàn tay rỗng tuếch” là đem cảnh tác động vào tâm hồn người, nghĩa là tâm trạng người bị thụ động bởi cảnh, khác hoàn toàn với việc người buồn làm cảnh buồn theo.
Nhà thơ La Thụy đã nói: “Thơ có những cái nghịch lý mà. Hàn Mạc Tử khi viết bài Tình Quê ‘Gió chiều quên ngừng lại/ Dòng nước luôn trôi đi/ Ngàn lau không tiếng nói/ Lòng anh dường đê mê’.” Khi ‘gió chiều quên ngừng lại’ thì làm sao ‘ngàn lau không tiếng nói được’.
Nếu đem “Tam đoạn luận” vào đây để bình, có lẽ Hàn Mạc Tử bi ném đá là nhà thơ ngớ ngẩn chăng? Hay là người dùng thứ tam đoạn luận dốt nát?
Nhà thơ La Thụy viết thêm: “Thơ viết bằng tâm cảm, thể hiện tâm cảnh”.
Hiểu như thế ta sẽ thấy rằng Trần Mai Ngân đã hòa nhập tâm cảm của mình trong tâm cảnh của vạn vật, cho tất cả đều ngưng tụ lại bên tình yêu, nhưng tình yêu ấy không ngưng tụ, nó như dòng sông buồn vẫn tuôn chảy tháng năm.
Khi ta đứng bên dòng sông nào đó, để tâm hồn lắng đọng cùng với vạn vật yên bình, ta sẽ hiểu câu thơ của Trần Mai Ngân bằng tâm cảm của ta, thì sẽ thấy rằng câu thơ vô cùng tuyệt mỹ.

Ở khổ thơ chót, vẫn trong tâm trạng không vui không buồn, Trần Mai Ngân đã sống lại với quá khứ bằng một mơ ước rất hảo huyền:

Thoáng mây mưa đã qua
Hai bàn tay rỗng tuếch
Bám tìm vào không trung
Tưởng mộng cũ trùng phùng...

Chỉ “Mộng cũ trùng phùng thôi” còn tình cũ chắc không bao giờ quay lại!
Nhà thơ đã tìm trong cái mông lung vô định của không trung và bám vào đó bằng đôi bàn tay rỗng tuếch của mình.
Đọc như thế mỗi chúng ta đều hiểu được ý thật của câu nói “Tôi chẳng vui chẳng buồn”.
Trần Mai Ngân nói “Tôi chẳng vui chẳng buồn” bởi vì người ấy đã “Lời xa xôi không nói”, “Mấy cánh hoa giã biệt/Bỗng thành người xa lạ”. Đây là lời của một kẻ muốn đóng con tim nhưng con tim lại cứ nghịch với mình. Con tim ấy cứ mở ra cho dỗi hờn thổn thức, cho nỗi đau làm vạn vật ngưng lại trong tâm cảm mình, nhưng thực ra mọi vật vẫn vận hành và con tim thì tê tái, vì thế nó mới thành thơ “Ngũ Ngôn Tình” được.

Bài thơ ngũ ngôn của Trần Mai Ngân tất nhiên không để ca tụng thứ ngũ ngôn tình theo nghĩa làm thăng hoa cho những mối tình trai gái, Thế nhưng nếu cuộc tình không được thụ hưởng thứ ngôn tình thăng hoa đó, thì không khi nào nó biến thành một bài thơ được. Trần Mai Ngân đã dùng bài thơ ngũ ngôn (5 chữ) để nói về cuộc tình có đầy đủ năm ngôn ngữ của tình ở một thuở nào đó mà nay đã mất đi.
Bài thơ được viết sâu nhiệm trong những ẩn dụ, bằng những ngôn từ tiềm tàng tri thức, tưởng như người thơ đóng hết ngũ quan lại nhưng thật sự mở ra bằng ngôn ngữ tình thơ vô vàn cảm xúc.

                                                                      Châu Thạch


         


NGŨ NGÔN TÌNH

Ngày không mưa không nắng
Tôi chẳng vui chẳng buồn
Thời gian không gian...lặng
Một nhịp sầu đang tuôn!

Mây không trôi dừng lại
Im ắng trắng tinh khôi
Lời xa xôi không nói
Có nói cũng vậy thôi!

Ngày không Đông không Hạ
Sao sốt lạnh trong ta
Mấy cánh hoa giã biệt
Bỗng thành người lạ xa...

Thoáng mây mưa đã qua
Hai bàn tay rỗng tuếch
Bám tìm vào không trung
Tưởng mộng cũ trùng phùng...

                   Trần Mai Ngân
                      27-11-2017

READ MORE - ĐỌC “NGŨ NGÔN TÌNH” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch