Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 4, 2012

NGỠ NGÀNG ĐỔI THAY THÁP MƯỜI - Bút ký của Lê Bá Lư

         Đã khá lâu tôi mới có dịp về thăm lại Tháp Mười, một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp, thành lập cách đây hơn 30 năm, từ một vùng đất chua phèn,  còn nhiều hoang sơ, thuộc khu vực Đồng Tháp Mười - Tây Nam bộ.

     Từ trung tâm thành phố Cao Lãnh, men theo Quốc lộ 30  hướng về Quốc lộ 1A khoảng gần 10 km, đến ngã 3 Ông Bầu, ô tô rẽ trái vào tuyến đường N2, đi thêm chừng 30km đến Thị trấn Mỹ An -  trung tâm huyện lỵ Tháp Mười. Dọc đường đi, xe chạy với tốc độ chậm, mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến nơi, bởi nhiều đoạn đường đang thi công mở rộng, tráng nhựa cùng nhiều cây cầu kiên cố đang xây dựng. Đường N2 là một phần của đường Hồ Chí Minh chiến lược tại khu vực Nam bộ, đi qua 8 tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau với tổng chiều dài 440 km. Cách đây 30 năm, về Tháp Mười, chúng ta chỉ có thể đi bằng thuyền, hoặc xe đạp trên con lộ đất chật hẹp phải qua nhiều cầu khỉ, mất hết nửa ngày trời.




     Tuyến N2-  đường Hồ Chí Minh đi vào Tháp Mười đang xây dựng.
      Tôi thật sự ngỡ ngàng trước đổi thay của Tháp Mười. Vùng đất nghèo khổ ngày xưa trong ký ức:  nhà cửa đa số là tranh lá ẩm thấp; đường sá, cầu cống chật hẹp, lầy lội; giao thông đi lại chủ yếu là ghe thuyền; chợ búa nghèo nàn, hàng hóa chủ yếu là  nông- thổ - thủy sản địa phương; trường học, bệnh xá đơn sơ; những cánh đồng ngập phèn sản xuất năm một vụ lúa,  chỉ giải quyết được cái ăn cho người dân; mùa nước lũ hàng năm coi như thất nghiệp…; cái ăn cái mặc của người dân hầu như chỉ cầu trời cho được no, được ấm…




     Tháp Mười, trước mắt tôi bây giờ là một đô thị mới, với nhiều công trình hạ tầng khang trang, hiện đại. Phố chợ, siêu thị, quán xá sầm uất. Đường sá rộng rãi, hầu hết là bê tông và tráng nhựa, nhộn nhịp xe máy. Nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên san sát. Khu hành chính, trường học, bệnh viện xây dựng chính quy, hiện đai…Các em học sinh đồng phục sạch sẽ, chỉnh tề… Điện, Đường, Trường , Trạm - ước mơ bao thế hệ của người dân nơi đây đã thành hiện thực.  Những ao sen hoa nở 4 mùa; những cánh đồng lúa bạt ngàn tốt tươi. Hệ thống trạm bơm điện đảm bảo nguồn nước tưới cho đồng lúa sản xuất mỗi  năm 3 vụ và chống úng, chống ngập trong mùa lũ, đã làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, người dân  ấm no và yên tâm sống hòa bình với lũ dữ… Ai đã từng về đây một lần cách đây vài chục năm mới thấy hết sự đổi thay kỳ diệu của Tháp Mười.
      Ông Đinh Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyên Tháp Mười cho biết, huyện có diện tích 517,7 km2, với số dân hơn 140.000 người. Từ lúc mới thành lập, Tháp Mười  là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Đồng Tháp; đất đai bị chua phèn, mọc đầy cỏ hoang, lúa chỉ sản xuất mỗi năm 1 vụ  nhờ vào nước trời. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, huyện đã vươn lên nhiều mặt. Tiềm năng và thế mạnh của Tháp Mười đã được khai phá. Đến nay sản xuất lúa đã tăng lên 3 vụ/năm. Diện diện tích gieo trồng đã tăng lên gần 100.000 ha/năm; sản lượng lúa năm 2011 đạt gần 600.000 tấn, tăng gấp 10 lần so với thời kỳ huyện mới thành lập, trong đó gần 70% dành cho xuất khẩu.
    Theo lãnh đạo huyện, tiềm năng huyện được khai phá và đời sống nhân dân được nâng cao có nhiều nguyên nhân, trong đó khâu đột phá là Chương trình điện khí hóa nông thôn đã mang lại hiệu quả to lớn nhất. Đến nay 98,5% hộ dân Tháp Mười đã sử dụng lưới điện quốc gia. Hệ thống trạm bơm điện phát triển đều khắp đã giải quyết  nhiều khó khăn cho nhân  dân. Đến nay, 88% diện tích gieo trồng được tưới từ nguồn nước các trạm bơm điện, giúp nông dân chủ động gieo trồng và giảm giá thành sản xuất. Các trạm bơm điện còn giúp chống úng, thoát ngập  trong mùa lũ. Hệ thống kênh mương và đê bao, cống đập chằng chịt  đã tạo thành hệ thống giao thông nông thôn liên hoàn cho nhân dân đi lại dễ dàng, thuận lợi.
                                          

Trạm điện 110 KV
        
      Cùng với mở rộng diện tích gieo trồng, tăng vụ, huyện chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động và tạo điều kiện cho nông dân sử dụng các giống lúa năng suất cao, có khả năng chống sâu bệnh và sử dụng phân bón hiệu quả; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong quy trình sản xuất, từ làm đất, chăm sóc cho đến thu hoạch. Hiện nay, hơn 80% nông dân Tháp Mười đã thu hoạch lúa tươi và sấy bằng máy, đã làm tăng chất lượng hạt lúa để xuất khẩu ổn định. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã làm giảm đáng kể lực lượng  lao động nông nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp qua các ngành nghề khác.

  Cơ giới hóa nông nghiệp
                            
   Huyện đang triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu rộng từ 100 đến 300 ha sản xuất lúa hàng hóa, tạo nguồn nguyên liệu xuất khẩu ổn định; hình thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tránh tính trạng nông dân bị tư thương thao túng giá lúa. Nông dân còn được ngân hàng hỗ trợ vốn đầu tư ngắn hạn thực hiện các dự án ngắn ngày và cho vay dài hạn để mua tư liệu sản xuất…
      Ngoài đẩy mạnh phát triển cây lúa, huyện còn khuyên khích nông dân trồng các loại cây hoa màu có thế mạnh.  Tháp Mười hiện có hơn 1.000 ha diện tích ao hồ trồng sen và hàng ngàn ha trồng các loại hoa màu khác. Nhiều trang trại nuôi heo và tôm, cá, nhất là tôm càng xanh và cá rô đồng đang phát triển mạnh trên địa bàn..
      Sản xuất công nghiệp cũng đang phát triển khá mạnh, nhiều nhà máy cơ khí chế tạo đã mọc lên trên địa bàn để sản xuất các công cụ máy móc phục vụ nông nghiệp.  Một số nhà máy sản xuất hàng may mặc,  giày da xuất khẩu, chế biến lương thực… đã  hình thành, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, trong đó có một số nhà máy của các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô sử dụng đến hơn 3.000 công nhân.
     Huyện đã quy hoạch xây dựng 1 cụm công nghiệp và 2 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 400 ha và sẵn sàng “trải thảm đỏ”, tạo mọi thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hoạt động.
      Thương mại, dịch vụ cũng đang trên đà phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện có 18 chợ hoạt động. Một số doanh nghiệp từ nhiều nơi đã đến đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại. Huyện đang tập trung phát triển hệ thống chợ trên địa bàn với nhiều hình thức, như Nhà nước đầu tư;  kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở cho thuê đất  hoặc mua đất với giá ưu đãi để xây dựng chợ, khu thương mại….             


      Công tác y tế, giáo dục, an sinh xã hội của Tháp Mười đã đạt những thành tựu đáng kể. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được tới trường. Học sinh thi tốt nghiệp phổ thông các cấp hàng năm đạt tỷ lệ cao. Năm học 2010- 2011, học sinh tốt nghiệp PTTH đạt tỷ lệ 99,05% , là đơn vị đứng đầu tỉnh Đồng Tháp. Sức khỏe người dân được chăm lo chu đáo, với hệ thống cơ sở y tế gồm 1 bệnh viện và 13 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được huyện quan tâm. Hộ nghèo của huyện chỉ còn hơn 11%. Hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%...
       Qua hơn 30 xây dựng và phát triển, diện mạo Tháp Mười đã có những đổi thay to lớn trên mọi lãnh vực. Từ một vùng đất hoang sơ, đồng chua nước mặn, huyện đã trở thành một trung tâm kinh tế, một vùng đô thị mới với nhiều tiềm năng phát triển. Tháp Mười như một bông sen tươi đẹp đang hé nở giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông - vựa lúa khổng lồ phía Nam Tổ quốc.

                                                                Lê Bá Lư
READ MORE - NGỠ NGÀNG ĐỔI THAY THÁP MƯỜI - Bút ký của Lê Bá Lư