Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 27, 2012

Võ Văn Luyến - NHỮNG GIỌT SƯƠNG KHÔNG TAN (Nhân đọc tập thơ CÁI RỐN của thi sĩ Nguyễn Văn Đắc)




Thơ là thánh đường của hoa trái tâm hồn. Ở đó, những tín niệm thẳm sâu mang phấn hương xao xuyến bay lên cùng ngọn gió mát lành. Dường như thơ sống trọn vẹn nhất giữa đời thường yêu mến, giữa cơn nhói của tim, giữa hân hoan phiêu huyền nước mây tình tự. Không phải ngẫu nhiên, mỗi khi có cuộc trà dư tửu hậu, có phút sẻ chia ngọt đắng, thơ vụt hiện bên ta hoá giải muôn nỗi buồn vui trần thế. Và những lúc ấy, bất chợt tôi nhớ đến người thơ bồng bềnh sóng tóc như ảnh hình của cơn dư chấn tình yêu sau bao biến thiên hút bóng. Ngoài đời, anh tự nhận mình là người mang giọt sương hành hương về XỨ THƠ hành lễ. Thế mà giọt - sương - chữ khiêm nhường kia đủ để lay thức những nhớ quên giữa âm u tục luỵ.

Có lẽ không ngại giải ngôn mà rằng, anh trả lại cho thơ nguyên khối bản thể sinh tồn hằng cửu: thơ là người. Cái định nghĩa tưởng muôn năm cũ này vận vào thơ Nguyễn Văn Đắc lại cho ta một thức nhận mới. Đó nguồn cội máu thịt không phải xa xôi mà ngay ở “cái rốn” đời người. Chân lý hiện hữu nhãn tiền nhưng trầm ngãi ám ảnh một day dứt:

Có những người khuyết tật bẩm sinh
Họ phải mang một thân thể dị hình
Họ đã thiếu cái họ có thể thiếu
Nhưng họ không thể thiếu cái họ không thể thiếu.
                                                 (Cái rốn)

Trong dòng chảy văn hoá, người đọc dù khiêm tốn sẽ không khó bắt gặp những câu thơ viết về quê hương đi cùng nhật nguyệt nhưng đa phần gắn với ảnh hình trơn nhẵn, gần gũi quen thuộc. Quen thuộc bởi sự sắp đặt của quan niệm và vì thế, ý nghĩa toả phát từ con chữ trở nên yếu dần. Thông thường, trong thơ người ta ít để cho “tư duy lý sự” lấn át. Nói rõ ra là kỵ lối hiển ngôn. Hiển ngôn dễ làm cho cây thơ cong queo, gầy guộc. Nhưng đôi khi người thơ ngộ ra điều kỳ diệu ẩn trong “cái đã biết” lại như một thủ đắc. Đây là một dẫn dụ:

Từ ấy con mang rốn vào đời
Mang theo cả nỗi đau và niềm hạnh phúc
Có hạnh phúc nào lại không bắt đầu từ nỗi đau
Và có nỗi đau thì niềm hạnh phúc mới diệu vợi.
                                                (Cái rốn)           

Hay sự sống tượng hình trong quả trứng thực sự có ý nghĩa khi mỗi cá thể (individu) tự mình thoát khỏi cái “vỏ bọc” chính mình lại được nhìn bằng con mắt thơ hướng đến sự minh triết:

Chỉ một kiểu vỡ có sự sống:
Tự bung ra để hiện hữu một hình hài!
                                              (Quả trứng)
Chính mạch sống ấp iu suối nguồn yêu thương tưới lên cây đời mộng thắm nên một nụ mầm truyền nối cũng đủ làm cho đất trời trẻ lại. Hoá ra “mùa xuân không chịu lùi” trong anh dù khi lên chức ông nội là vì thế:

Tiếng khóc o oe cháu chào đời
Từ nay ông nội há phải chơi!
Thế mà cứ ngỡ ông còn trẻ
Tóc bạc nhuộm xanh quả yêu đời.
                                                (Cảm tác về ngày sinh cháu nội)

Cảm tác về ngày sinh cháu nội là một bài thơ có giọng vui “đáo để”. Sự kiện cháu nội ra đời đã triển chuyển tình cảm các thành viên trong đại gia đình, không gian trỗi nhịp tươi hồng và sự ấm áp được rọi qua kính chiếu yêu thật dễ thương làm sao!

Rồi ra giữa muôn trùng dâu bể, cố hương luôn là cõi đi về. Ở đó, có dòng sông như đời mẹ giúp ta gội những muộn phiền, tiếp sức cho ta băng qua mưa nguồn thác lũ, trún* cho ta ngụm nước ngọt ngào trăng sao lấp lánh  . Và trong chiêm bao ta bắt gặp những con sóng của dòng sông tâm thức miên man vỗ vào thời gian mà rộng dài vô tận. Thế nên dễ hiểu vì sao anh lý giải về dòng sông quê nhà:

Ô Lâu sông của dòng sông
Dòng sông tuổi mẹ mặn nồng tình quê.
                                              (Dòng sông tuổi mẹ)

Từ dòng sông soi bóng tuổi thơ lộng lẫy, người thơ mang niềm kiêu hãnh lãng mạn gối lên sao trời để lắng nghe lời dụ ngôn của dòng sông khởi nguồn ngát hương tình tự:

Ôi đôi mắt em một lần và mãi mãi
Mời ta vào vùng hoa cúc hoang đường
Lửa sao trời và nguồn suối mê hương.
                                             (Gọi tên em bốn mùa)

Lẽ thường, dưới mái trời có ai không mang tình yêu làm giàu khát vọng nhưng người thơ thì suốt đời mắc nợ trần gian. Món nợ mà chỉ có ở những tâm hồn rộng mở cùng trời xanh mây trắng mới hân hoan lấy trái tim tín chấp và lúc này đây, chính con người nhà thơ ở anh đã nâng bỗng nhà doanh nghiệp lên đỉnh sống nhân văn:

Vay sông một chuyến đò đêm
Vay biển ngọn sóng dâng lên ngút ngàn
Vay em một chút ngỡ ngàng
Vay quê hương điệu hò khoan dập dìu.
                                               (Vay)

Giữa minh mang trời đất Lăng Cô ngất ngây cảnh đẹp, nhìn những con sóng bạc đầu sẵn bày trò chơi đuổi bắt mê mải làm anh sống lại thuở ban đầu bên người tình trăm năm:

Lăng Cô ta đến lần đầu
Cô Lăng** ta đã bạc đầu với em
                                            (Lăng Cô êm đềm)

Nhưng rồi nghiệp dĩ của trái tim nhạy cảm về “ánh chớp” phận người, rượu nồng không đủ men say để cất giấu cái “chau mày” ở đâu đó trên dặm dài sắc không nhưng thừa sự xanh trong của đôi mắt quẫy sóng tình yêu, thanh tẩy bụi bặm:

Ta úp mặt dưới biển trời cao rộng
Mở mắt ra rửa bóng bụi trần.
                                           (Ký ức thời gian)

Hồ như những gì lướt qua “đôi mắt” mang ý nghĩ kiếm tìm của thi sĩ, ta thấy hiện lên chân dung thẳm sâu của con người:

Ru bao thân phận cuộc đời
Mỗi thân phận ấy một đời tàu đi.
                                           (Đời tàu)

Đọc thi phẩm Cái Rốn, sẽ thấy một hồn thơ trầm sâu nội cảm, giàu ý nghĩa triết lý nhưng không khoa ngôn lộng ngữ. Thơ anh tạo được đường dẫn từ trái tim đến trái tim bằng sự chân thành thấm đẫm. Những câu thơ lúc cô đúc tụ kết chiêm nghiệm, lúc co duỗi cuốn theo cảm xúc cao trào. Tác giả biết dựng dậy cơn ngái ngủ đời người trên trò chơi bập bênh con chữ bởi sứ mạng thi ca đòi hỏi sự trầm tư trong hồn nhiên, sự cay đắng trong ngọt ngào. Có được như thế, cây thơ mới tươi xanh, toả bóng xuống tâm hồn yêu cuộc sống. Khiêm nhường mà nói, thi sĩ Nguyễn Văn Đắc là người cơ may hứng được những giọt sương không tan trong mắt nhớ con người. Điều đó thật đáng để cho ta trân trọng biết mấy.


                                                Trọng thu Kỷ Sửu, 2009
                                                       VÕ VĂN LUYẾN

-------------------------
Võ Văn Hoa gởi đăng


READ MORE - Võ Văn Luyến - NHỮNG GIỌT SƯƠNG KHÔNG TAN (Nhân đọc tập thơ CÁI RỐN của thi sĩ Nguyễn Văn Đắc)

TRUYỆN NGẮN LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THAM VỌNG CỦA MÌNH? - Nguyễn Đức Tùng

Hình minh họa cho tiểu luận "The Ambition of the Short Story" của Steven Millhauser trên tạp chí The New York Times

“Tham Vọng Của Truyện Ngắn”, tác giả: Steven Millhauser,
người dịch: Hoàng Ngọc-Tuấn, Tiền Vệ, là nguồn cảm hứng cho bài viết này.

Trong các thể loại văn học ngoài thơ, tôi thích đọc truyện ngắn hơn cả, trước hết vì nó…ngắn, hay nói như Millhauser, vì sự “khiêm tốn” của nó. Thử tưởng tượng: bạn đi vào một căn nhà, một bữa tiệc, mọi người ăn mặc sang trọng, cười nói ồn ào, bỗng thấy một anh chàng nhà quê, điệu bộ lễ phép ngồi ở gần cửa, riêng một góc, gặp ai nhìn mình cũng mỉm cười đáp lễ, ngượng ngập nhưng không ra vẻ cầu cạnh. Bạn dễ chú ý đến anh chàng này: hoặc sẽ gặp một người đầy tài năng đang giấu mình rất kỹ, hoặc một người tuy chẳng tài gì nhưng vừa chân ướt chân ráo đến từ xó xỉnh nào đó, thế nào cũng mang theo một vài món quà bất ngờ. Tôi phải đồng ý với Millhauser rằng quả thật đằng sau cái vẻ khiêm tốn ấy có chứa một tham vọng thực sự, muốn chinh phục thế giới trong một hạt cát nhỏ bé.

Câu hỏi của tôi là: thường khi nó có làm được điều ấy không? Và nếu có, thì bằng cách nào?

Truyện ngắn không phải là một truyện dài được rút ngắn lại. Có nhiều người tìm cách định nghĩa truyện ngắn, nhưng tôi nghĩ công việc đó cũng khó như là khi ta tìm cách định nghĩa thơ . Mặc dù vậy, nếu cần một định nghĩa riêng của mình thì theo tôi truyện ngắn trước hết chứa đựng trong nó một câu chuyện kể. Câu chuyện được kể lại như thế nào? Nó được kể lại thông qua một cốt truyện, tức là thứ tự hoặc diễn trình của các hành động. Nhiều độc giả bình dân chỉ thích đọc hoặc xem phim với ý nghĩa này, tò mò biết cho được câu chuyện được kết thúc như thế nào. Cốt truyện bao giờ cũng dẫn từ khởi đầu đến các tình huống tạo ra xung đột, gọi là giai đoạn tăng tiến của hành động, đạt đến trạng thái khủng hoảng cao nhất, tình huống gay cấn nhất, và sau đó đi xuống, giai đoạn thoái bộ, trong diễn trình giải quyết vấn đề. Xung đột có thể xảy ra giữa con người và con người, giữa con người và thiên nhiên hay trong nội tâm của nhân vật. Dù trường hợp nào đi nữa thì số phận của một nhân vật chính là linh hồn của câu chuyện. Tôi muốn nói đến số phận trong một khoảnh khắc, vì truyện ngắn chỉ chạm đến các khoảnh khắc. Nhà văn dùng tác phẩm của mình để chiếu sáng khoảnh khắc ấy hay để giải quyết số phận của nhân vật trong chính khoảnh khắc ấy.

Như thế truyện ngắn là câu chuyện; một câu chuyện được kể dựa theo cốt truyện; cốt truyện thông qua các hành động của nhân vật mà diễn ra; nhân vật thông qua các hành động của mình mà bộc lộ các tính cách; xung đột giữa các tính cách hoặc giữa tính cách và hoàn cảnh tạo ra vấn đề của truyện ngắn.

Truyện ngắn được coi là khó viết vì đặc điểm của nó là sự dồn nén, sự tinh chế, sự loại trừ. Mặc dù có những ngoại lệ, nó đạt được hiệu quả thẩm mỹ là nhờ biết tập trung vào các điểm sau đây:

-          Tập trung vào một nhân vật
-          Xảy ra trong một hoàn cảnh hay một tình huống cụ thể
-          Diễn ra trong một thời gian ngắn
-          Tất cả là nhằm tiến tới một xung đột và vượt qua xung đột ấy

Ngày nay nhiều nhà văn viết truyện ngắn tìm cách vượt khỏi các quy ước thông thường, làm cho truyện ngắn của họ chạm đến ranh giới vốn mờ nhạt giữa truyện ngắn và các thể loại văn học khác như bút ký, tản văn, tuỳ bút, tiểu luận, làm cho người đọc có cảm giác rằng một truyện ngắn có thể không có câu chuyện, không có nhân vật nào là nhân vật chính, truyện chỉ toàn là độc thoại nội tâm, thậm chí truyện ngắn cố tình đánh mất tính hấp dẫn của nó và phô bày sự chán chường tuyệt vọng của đời sống như trong các truyện hậu hiện đại.

Theo tôi, trong những cố gắng này, sự thành công là có thật, thậm chí rực rỡ, nhưng hiếm hoi. Rất hiếm hoi. Các trường hợp thất bại hầu hết đều xuất phát từ sự non nớt của tác giả, không biết đến hoặc bỏ qua quan niệm căn bản của truyện ngắn đương đại. Quan niệm đó là các xung đột trong truyện không phải là các vấn đề có thể giải quyết được, nói cách khác, nhân vật của truyện ngắn về căn bản không thể vượt qua các xung đột ấy. Như thế truyện ngắn có thể kể một câu chuyện nhưng không có “tham vọng” giải quyết câu chuyện ấy. Đó là trường hợp của Raymond Carver và nhiểu người khác: truyện ngắn của họ chỉ trình bày các khía cạnh của đời sống và tâm hồn. Viết theo khuynh hướng này, chỉ cần non tay một chút, truyện ngắn sẽ thất bại. Cũng như thơ lục bát hoặc haiku, dễ viết nhưng khó thành.

Đọc các truyện ngắn tiếng Việt trong khoảng mười năm trở lại đây, tôi nhận thấy mấy điểm sau. Do các quan điểm thẩm mỹ ngày càng mới, sự quy định thể loại ngày càng rộng rãi và linh động, do sự rụt rè nhút nhát của các nhà phê bình, những kẻ vốn không bao giờ được quyền khiêm tốn, các nhà văn của chúng ta hiện nay, những kẻ vốn sinh ra đã có tài, không cần trường lớp, chẳng cần mentor men tiếc gì, có cảm giác rằng họ muốn viết gì thì viết, muốn gọi tác phẩm của mình là thơ hay truyện ngắn hay tuyệt tác đều được cả. Vì vậy họ dễ phạm vào các sai lầm:

-          truyện không có nhiều chi tiết sống động.

-          ngôn ngữ trừu tượng, khái quát.

-          dòng chảy của câu chuyện bị đứt quãng, làm cho người đọc khó chịu, như những người đang ngồi nghe chuyện thỉnh thoảng bị đập cửa bởi hàng xóm, làm người đọc không hòa mình hoàn toàn vào câu chuyện. Một ví dụ khác về sự đứt quãng: một người vừa kể chuyện vừa “làm dáng”, làm cho người nghe thay vì đặt những câu hỏi về nhân vật, thì lại tự hỏi về chính người kể chuyện.

-          nhân vật không biến đổi về tính cách, không có sự phát triển của nhân vật.

-          từ vựng nghèo nàn, nhiều chữ sáo, nhiều câu sáo.

-          đối thoại rườm rà, không thú vị.

-          quan trọng nhất là không soi sáng một điều gì, không đánh thức một điều gì, không đập vỡ một điều gì. Nặng tính riêng lẻ, không tiêu biểu. Hoặc tiêu biểu thì lại sáo mòn, nhà văn trở thành những con vẹt bắt chước. Truyện ngắn không nêu được các vấn đề nóng bỏng của lương tâm, tâm hồn, không đại diện được cho đa số người đọc trước các vấn đề xã hội, chính trị, đạo đức hay tâm linh.

Tôi hy vọng sẽ có dịp nhắc đến những thí dụ cụ thể của văn chương Việt Nam. Tại sao hiện nay một số  nhà văn chúng ta không mấy thành công với truyện ngắn? Vì truyện ngắn của họ không đủ tham vọng mà cũng không đủ khiêm tốn: chúng thiếu cả hai. Tùy lúc, một thứ này quan trọng hơn thứ khác. Truyện ngắn không đủ khiêm tốn như thế nào? Không biết tự thu nhỏ mình lại, vứt hết những quần áo giày mũ rườm rà đi, nói nhỏ lại, nói ít hơn. Không đủ tham vọng như thế nào? Không biết chăm chú lắng nghe người khác, không có ý định thâu tóm trong trí nó tất cả những câu chuyện được kể trong buổi tiệc, sau đó tự kể đi kể lại với mình nhiều lần, biết chắc rằng sẽ có lúc chính nó bị đẩy lên trước đám đông và được MC dành cho ba phút. Đúng ba phút mà thôi. Nó phải dùng những chữ chính xác nhất, tiết kiệm nhất, bay bổng nhất, nói một lần là xong, để không ai cần hỏi đi hỏi lại. Nó phải làm cho khán giả nhảy nhổm lên trên những chiếc ghế bọc da của mình.

Có phải vì quá yêu mà tôi đòi hỏi quá đáng ở truyện ngắn không?

Nguyễn Đức Tùng
bachnguyen@shaw.ca

READ MORE - TRUYỆN NGẮN LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC THAM VỌNG CỦA MÌNH? - Nguyễn Đức Tùng

ĐÊM - Thơ - Sông Thu





Trăng hạ tuần treo ở góc trời
Đêm tàn lất phất hạt mưa rơi
Cuộc cờ giải muộn còn dang dở
Chén rượu tìm khuây thoắt đã vơi
Thơ viết sai vần không muốn sửa
Đàn ngân lỗi nhịp chẳng buồn chơi
Gió lùa song cửa đem hơi lạnh
Buốt giá tâm hồn, mộng tả tơi...

                                  Sông Thu
                                24/10/2012
songthu195@yahoo.com.vn
READ MORE - ĐÊM - Thơ - Sông Thu