Hình minh họa cho tiểu luận "The Ambition of the Short Story" của Steven Millhauser trên tạp chí The New York Times |
“Tham Vọng Của Truyện Ngắn”, tác giả: Steven Millhauser,
người dịch: Hoàng Ngọc-Tuấn, Tiền Vệ, là nguồn cảm hứng cho
bài viết này.
Trong các thể loại văn học ngoài thơ, tôi thích đọc truyện
ngắn hơn cả, trước hết vì nó…ngắn, hay nói như Millhauser, vì sự “khiêm tốn”
của nó. Thử tưởng tượng: bạn đi vào một căn nhà, một bữa tiệc, mọi người ăn mặc
sang trọng, cười nói ồn ào, bỗng thấy một anh chàng nhà quê, điệu bộ lễ phép
ngồi ở gần cửa, riêng một góc, gặp ai nhìn mình cũng mỉm cười đáp lễ, ngượng
ngập nhưng không ra vẻ cầu cạnh. Bạn dễ chú ý đến anh chàng này: hoặc sẽ gặp
một người đầy tài năng đang giấu mình rất kỹ, hoặc một người tuy chẳng tài gì
nhưng vừa chân ướt chân ráo đến từ xó xỉnh nào đó, thế nào cũng mang theo một
vài món quà bất ngờ. Tôi phải đồng ý với Millhauser rằng quả thật đằng sau cái
vẻ khiêm tốn ấy có chứa một tham vọng thực sự, muốn chinh phục thế giới trong
một hạt cát nhỏ bé.
Câu hỏi của tôi là: thường khi nó có làm được điều ấy không?
Và nếu có, thì bằng cách nào?
Truyện ngắn không phải là một truyện dài được rút ngắn lại.
Có nhiều người tìm cách định nghĩa truyện ngắn, nhưng tôi nghĩ công việc đó
cũng khó như là khi ta tìm cách định nghĩa thơ . Mặc dù vậy, nếu cần một định
nghĩa riêng của mình thì theo tôi truyện ngắn trước hết chứa đựng trong nó một
câu chuyện kể. Câu chuyện được kể lại như thế nào? Nó được kể lại thông qua một
cốt truyện, tức là thứ tự hoặc diễn trình của các hành động. Nhiều độc giả bình
dân chỉ thích đọc hoặc xem phim với ý nghĩa này, tò mò biết cho được câu chuyện
được kết thúc như thế nào. Cốt truyện bao giờ cũng dẫn từ khởi đầu đến các tình
huống tạo ra xung đột, gọi là giai đoạn tăng tiến của hành động, đạt đến trạng
thái khủng hoảng cao nhất, tình huống gay cấn nhất, và sau đó đi xuống, giai
đoạn thoái bộ, trong diễn trình giải quyết vấn đề. Xung đột có thể xảy ra giữa
con người và con người, giữa con người và thiên nhiên hay trong nội tâm của
nhân vật. Dù trường hợp nào đi nữa thì số phận của một nhân vật chính là linh
hồn của câu chuyện. Tôi muốn nói đến số phận trong một khoảnh khắc, vì truyện
ngắn chỉ chạm đến các khoảnh khắc. Nhà văn dùng tác phẩm của mình để chiếu sáng
khoảnh khắc ấy hay để giải quyết số phận của nhân vật trong chính khoảnh khắc
ấy.
Như thế truyện ngắn là câu chuyện; một câu chuyện được kể
dựa theo cốt truyện; cốt truyện thông qua các hành động của nhân vật mà diễn
ra; nhân vật thông qua các hành động của mình mà bộc lộ các tính cách; xung đột
giữa các tính cách hoặc giữa tính cách và hoàn cảnh tạo ra vấn đề của truyện
ngắn.
Truyện ngắn được coi là khó viết vì đặc điểm của nó là sự
dồn nén, sự tinh chế, sự loại trừ. Mặc dù có những ngoại lệ, nó đạt được hiệu
quả thẩm mỹ là nhờ biết tập trung vào các điểm sau đây:
- Tập trung
vào một nhân vật
- Xảy ra
trong một hoàn cảnh hay một tình huống cụ thể
- Diễn ra
trong một thời gian ngắn
- Tất cả là
nhằm tiến tới một xung đột và vượt qua xung đột ấy
Ngày nay nhiều nhà văn viết truyện ngắn tìm cách vượt khỏi
các quy ước thông thường, làm cho truyện ngắn của họ chạm đến ranh giới vốn mờ
nhạt giữa truyện ngắn và các thể loại văn học khác như bút ký, tản văn, tuỳ
bút, tiểu luận, làm cho người đọc có cảm giác rằng một truyện ngắn có thể không
có câu chuyện, không có nhân vật nào là nhân vật chính, truyện chỉ toàn là độc
thoại nội tâm, thậm chí truyện ngắn cố tình đánh mất tính hấp dẫn của nó và phô
bày sự chán chường tuyệt vọng của đời sống như trong các truyện hậu hiện đại.
Theo tôi, trong những cố gắng này, sự thành công là có thật,
thậm chí rực rỡ, nhưng hiếm hoi. Rất hiếm hoi. Các trường hợp thất bại hầu hết
đều xuất phát từ sự non nớt của tác giả, không biết đến hoặc bỏ qua quan niệm
căn bản của truyện ngắn đương đại. Quan niệm đó là các xung đột trong truyện
không phải là các vấn đề có thể giải quyết được, nói cách khác, nhân vật của
truyện ngắn về căn bản không thể vượt qua các xung đột ấy. Như thế truyện ngắn
có thể kể một câu chuyện nhưng không có “tham vọng” giải quyết câu chuyện ấy.
Đó là trường hợp của Raymond Carver và nhiểu người khác: truyện ngắn của họ chỉ
trình bày các khía cạnh của đời sống và tâm hồn. Viết theo khuynh hướng này,
chỉ cần non tay một chút, truyện ngắn sẽ thất bại. Cũng như thơ lục bát hoặc
haiku, dễ viết nhưng khó thành.
Đọc các truyện ngắn tiếng Việt trong khoảng mười năm trở lại
đây, tôi nhận thấy mấy điểm sau. Do các quan điểm thẩm mỹ ngày càng mới, sự quy
định thể loại ngày càng rộng rãi và linh động, do sự rụt rè nhút nhát của các
nhà phê bình, những kẻ vốn không bao giờ được quyền khiêm tốn, các nhà văn của
chúng ta hiện nay, những kẻ vốn sinh ra đã có tài, không cần trường lớp, chẳng
cần mentor men tiếc gì, có cảm giác rằng họ muốn viết gì thì viết, muốn gọi tác
phẩm của mình là thơ hay truyện ngắn hay tuyệt tác đều được cả. Vì vậy họ dễ
phạm vào các sai lầm:
- truyện
không có nhiều chi tiết sống động.
- ngôn ngữ
trừu tượng, khái quát.
- dòng chảy
của câu chuyện bị đứt quãng, làm cho người đọc khó chịu, như những người đang
ngồi nghe chuyện thỉnh thoảng bị đập cửa bởi hàng xóm, làm người đọc không hòa
mình hoàn toàn vào câu chuyện. Một ví dụ khác về sự đứt quãng: một người vừa kể
chuyện vừa “làm dáng”, làm cho người nghe thay vì đặt những câu hỏi về nhân
vật, thì lại tự hỏi về chính người kể chuyện.
- nhân vật
không biến đổi về tính cách, không có sự phát triển của nhân vật.
- từ vựng
nghèo nàn, nhiều chữ sáo, nhiều câu sáo.
- đối thoại
rườm rà, không thú vị.
- quan trọng
nhất là không soi sáng một điều gì, không đánh thức một điều gì, không đập vỡ
một điều gì. Nặng tính riêng lẻ, không tiêu biểu. Hoặc tiêu biểu thì lại sáo
mòn, nhà văn trở thành những con vẹt bắt chước. Truyện ngắn không nêu được các
vấn đề nóng bỏng của lương tâm, tâm hồn, không đại diện được cho đa số người
đọc trước các vấn đề xã hội, chính trị, đạo đức hay tâm linh.
Tôi hy vọng sẽ có dịp nhắc đến những thí dụ cụ thể của văn
chương Việt Nam. Tại sao hiện nay một số
nhà văn chúng ta không mấy thành công với truyện ngắn? Vì truyện ngắn
của họ không đủ tham vọng mà cũng không đủ khiêm tốn: chúng thiếu cả hai. Tùy
lúc, một thứ này quan trọng hơn thứ khác. Truyện ngắn không đủ khiêm tốn như
thế nào? Không biết tự thu nhỏ mình lại, vứt hết những quần áo giày mũ rườm rà
đi, nói nhỏ lại, nói ít hơn. Không đủ tham vọng như thế nào? Không biết chăm
chú lắng nghe người khác, không có ý định thâu tóm trong trí nó tất cả những
câu chuyện được kể trong buổi tiệc, sau đó tự kể đi kể lại với mình nhiều lần,
biết chắc rằng sẽ có lúc chính nó bị đẩy lên trước đám đông và được MC dành cho
ba phút. Đúng ba phút mà thôi. Nó phải dùng những chữ chính xác nhất, tiết kiệm
nhất, bay bổng nhất, nói một lần là xong, để không ai cần hỏi đi hỏi lại. Nó
phải làm cho khán giả nhảy nhổm lên trên những chiếc ghế bọc da của mình.
Có phải vì quá yêu mà tôi đòi hỏi quá đáng ở truyện ngắn
không?
Nguyễn Đức Tùng
bachnguyen@shaw.ca
bachnguyen@shaw.ca
No comments:
Post a Comment