Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 2, 2012

CÁI HỘP GIẤY - Nguyễn Đức Tùng

Tác giả Nguyễn Đức Tùng

      Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, hiện là bác sĩ - nhà văn sống ở Canada. Anh làm thơ, dịch thuật, viết phê bình rồi đăng tải trên các trang mạng và các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Thơ Nguyễn Đức Tùng thâm trầm và giàu chất suy tưởng về sự vật, hiện tượng và con người xung quanh. Năm 2009, anh công bố cuốn sách “Thơ đến từ đâu” - trước đó đã đăng dài kỳ trên Talawas, bao gồm những bài phỏng vấn các nhà thơ đang sống ở trong nước và ngoài nước về thơ Việt mà đã được đăng rải rác trên các trang mạng văn chương. Cuốn sách ngay lập tức đã trở thành một hiện tượng văn học trong năm đó, và được thảo luận sôi nổi giữa các nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu.
       VNQT xin giới thiệu tuỳ bút CÁI HỘP GIẤY  mà  anh vừa mới gửi qua  email. 
La Thụy

Vừa lái xe ra khỏi siêu thị đông đúc ồn ào chiều cuối tuần, hai ngày trước lễ Giáng sinh, đang lúng túng, tôi giật mình nghe tiếng kêu của một gã lái xe chạy vụt qua. Không hiểu hắn ta nói gì, đoán là tiếng chửi thề của bọn thanh niên nóng tính. Trời cuối năm lạnh căm căm, mọi vật sáng lên một lúc như vẫn thường thấy khi bắt đầu đổ tuyết, sáu tháng sau khi tôi lấy bằng lái xe, một năm sau ngày đến Canada. Chạy thêm một quãng, lần này một chiếc xe khác ghé sát vào, chậm lại, cô gái ngồi ghế trước bên phải quay hẳn kính xuống, la: Cái hộp! Cái hộp của mày trên trần! Tóc cô quấn cao, môi son đỏ mọng.

Tôi giật mình tạt vào lề. Quả nhiên một cái hộp giấy vẫn còn nằm yên trên trần xe.

Đó là cái hộp không.

Hồi ấy bà con thường dùng những hộp giấy cứng để đóng thùng gửi quà về Việt Nam. Những người muốn giúp đỡ gia đình hay gặp rắc rối trong việc gửi tiền mặt, phần vì hệ thống chuyển tiền chưa thuận tiện như bây giờ, phần vì sự phản đối trong dư luận. Cách tốt nhất là gởi thuốc Tây, lý do nhân đạo, vẫn dễ hơn. Ngày nghỉ cuối tuần, thay vì đi câu cá hay đi nhảy đầm với bạn bè, uống bia trong các pub house, tôi cặm cụi vào hiệu thuốc tìm mua đủ loại, nhét đầy hộp. Đối với kháng sinh và thuốc đặc biệt, tôi phải đến bác sĩ để xin toa vì không thể mua ngoài thị trường. Những thứ khác, nhất là dầu khuynh diệp xanh lá cây hiệu con Ó, thơm nồng, cay mắt, tôi mua tự do. Cứ mười ve dầu đóng gói trong một hộp lớn, cũng màu xanh. Tôi mua sẵn để dành, gởi lần hồi. Người nhà tôi bị bệnh gì mà phải dùng đến kháng sinh, thuốc hồi dương, steroids, thuốc nấm móng tay, trị lao phổi, chống ung thư nhiều thế?

Họ chẳng có bệnh gì cả. Mà nếu bệnh, họ cũng chỉ uống thuốc rễ cây, uống nước rau má, xông hơi lá chanh lá sả ngoài hè, chứ chẳng hề dám nghĩ tới thuốc Tây sang trọng. Đến tay người nhận, chỉ vài ngày sau thùng thuốc đã nằm ngoài chợ trời. Ôi chợ trời. Tôi đã đi qua Hàm Nghi, dọc đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Gia Long, chợ Cồn Đà Nẵng, Hố Nai, Tây Lộc Huế, Đông Hà. Ở đâu chợ Trời cũng nhộn nhạo, vui vẻ, nhớp nháp, vừa héo vừa tươi. Ngươi đã nuôi sống bao nhiêu người khốn khó, cưu mang nhiều kiếp lạc loài. Bao người lương thiện nhờ ngươi mà sống sót, bao kẻ lưu manh nhờ ngươi mà thành quý tộc.

Xếp hàng bưu điện cuối năm đông người, vật lộn với những thùng giấy, những sợi dây bện, những cuộn băng keo đến toát mồ hôi, luống cuống cân đo, bị cô nhân viên mặt đầy mụn trứng cá khó đăm đăm trả đi trả lại vì ghi sai địa chỉ, trả tiền lệ phí, ra khỏi bưu điện trong siêu thị tôi thở phào mừng quýnh. Nghĩ đến những người thân bên kia biển Thái Bình sắp nhận thùng quà của mình, tôi vui quá nên quên trước quên sau. Nghĩ đến quang cảnh tòa nhà Bưu điện Sài gòn sơn xanh cũ kĩ nhưng uy nghi, duyên dáng, với đàn chim bồ cây trắng bay lượn mỗi chiều khi mưa vừa tạnh. Mặt bàn cà phê nhỏ xinh có mùi hành tỏi, mùi tương ớt của tô bún ốc ai vừa bưng đi. Nhớ người thiếu nữ sinh viên sư phạm mái tóc đen tuyền thả ngang vai, nhà ở gần đường Lạc Long Quân, chiều chiều đạp xe dưới hàng cây sầu đông qua trường đua Phú Thọ, về quận mười một, sắp nhận được cục xà phòng Camay thơm thơm, gói thật kỹ, nhét trong hộp thuốc tây, tôi sướng rơn người, tay run lên.

Rồi lan man nghĩ đến bức thư nhận được tháng trước của đứa cháu gái, con đầu lòng của ông anh họ đi tập kết. Hai vợ chồng anh tôi có bốn đứa con nhỏ, nó là đứa lớn nhất, mười ba tuổi, đứa em nhỏ mới sinh. Thư kể: bốn tháng nay nhà cháu không có cái ăn. Em bé mới sinh, mẹ khắt sữa không có gì bú, tối nào cũng khóc đến kiệt sức, cháu dỗ mãi mà nó không nín. Con bé đi học về liền ném cặp sách, xắn quần lội ruộng, mò cua bắt óc, nhưng trời nắng hạn, bùn khô quánh lại, có gì ăn được thì thiên hạ đã bắt hết. Anh tôi hình như là trưởng phòng công nghiệp huyện. Anh than: sắp sụp đổ rồi em ơi. Đó là những năm tám mươi. Đọc thư, tôi thương các cháu quá.

Và nghĩ đến mẹ tôi ở Nhan biều, chiều chiều ngồi dưới gốc cau già bên hiên duy nhất còn sót lại sau chiến tranh, giữa giàn lá trầu cả gió rụng sớm, đổ vàng. Tôi lấy cái hộp giấy nhân tiện ném vào băng ghế sau rồi tàn tàn lái đi tiếp. Đang mở cassete trên xe nghe tiếng hát Hương Lan Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè, sau một khúc quanh, lại nghe tiếng một người lái xe hét lớn: Cuộn băng! Cuộn băng keo của mày! Tôi hấp tấp dừng xe lần nữa, bước xuống coi đi coi lại, thì ra sau khi lấy cái hộp trên trần tôi vẫn còn sơ ý để quên cuộn băng keo lớn, khá nặng, ở trên mui phía sau. Cuộn băng keo màu xám, trong vắt, nằm ở đó lửng lơ nhưng không rớt dù xe đã chạy cả giờ đồng hồ, như một người hành khách lên trễ xe đò sợ bị đuổi xuống liền cố sức bám chặt vào mặt thép trơn, lạnh.

Thỉnh thoảng trên đường ta nghe một người lái xe hét lớn: Nắp xăng! Nắp bật ra! Dành cho một người lái xe có chuyện vội vàng quên đóng nắp xăng, mùi xăng bốc ra nửa thơm nửa gắt ngạt mũi. Và khi chiều về, mặt trời tắt sau núi, bỗng nghe một người lái xe khác chạy vút qua vui vẻ kêu lên: Ly cà phê! Ly cà phê trên trần! Có thể đoán kẻ lái xe là một người đãng trí, bị bệnh mất ngủ, thường uống cà phê, vì cái ly còn nóng. Hoặc lúc ấy hắn ta đang thất tình? Hay đang bâng khuâng nhớ nhà, nhớ nước, tưởng tượng đạp xe qua thong thả dưới hàng cây sầu đông hoa nhỏ tím một người muôn năm cũ, mái tóc ngang vai thơm xà phòng Camay, hay cánh tay để trần thoảng mùi dầu khuynh diệp?

Nguyễn Đức Tùng
bachnguyen@shaw.ca
                                                                    
READ MORE - CÁI HỘP GIẤY - Nguyễn Đức Tùng

NHỮNG BUỔI CHIỀU KỶ NIỆM - Đinh Thị Hiệp

Tác giả Đinh Thị Hiệp về dự buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Nguyễn Hoàng tại  Quảng Trị  24/6/12


          Có những buổi chiều đến với tôi, buồn hay vui, mang nhiều sắc màu khác nhau, tùy thuộc lứa tuổi, tùy theo tâm trạng của chính bản thân tôi.

          Ngày…tháng 3 năm 1972

          Chiều nay, ánh nắng đã dịu dần, không còn gay gắt nữa, nắng cứ trải dài trên con đường ven sông, đưa chân chúng tôi đến sân chơi của ty thanh niên Quảng Trị. Lứa tuổi thiếu niên thật vô tư làm sao! Sau giờ tan học, vừa về đến nhà, cất vội cặp sách là chạy ngay ra chỗ cũ, tha hồ những trò chơi tinh nghịch. Khi ánh chiều sắp tắt, bóng nắng ngã dài, rồi từng vệt loang lổ trên các vòm cây, trên các mái nhà, như còn đang lưu luyến một ngày; bạn bè chúng tôi ra về mà lòng còn tiếc nuối các trò chơi dở dang. Không riêng gì tôi mà hầu như đứa nào cũng vậy, mong ngày cứ dài ra mãi.

            Ngày…tháng 4 năm 1972

          Từ trưa đến chiều, gia đình tôi len lỏi qua đám người chạy đi tỵ nạn. Người đâu về thật đông, nhích dần qua từng đám người, xe cộ lũ lượt đổ dồn trên con đường vào Huế. Màn đêm đã buông xuống, trên sông Hương, dòng nước vẫn lửng lờ trôi dưới ánh điện vật vờ của những ngôi nhà ven sông. Cả nhà tôi ai nấy như ngồi trên đống lửa, vì đang còn chờ một người quen ra bảo lãnh cho vào thành nội. Chúng tôi trở thành cư dân bất đắc dĩ của thành phố Huế trong một thời gian thật ngắn ngủi, chỉ chưa đầy một tháng.

          Ngày….tháng 4 năm 1972    
 
  Một chiều đầu hè, trời nóng như đổ lửa. Ai cũng cảm thấy cái nóng hầm hập của từng cơn gió Lào bắt đầu thổi về. Trên con đường nhựa như có những làn hơi bốc lên cao. Tôi cùng gia đình, bà con ngồi trong thùng  một chiếc xe tải; có chiếc xe này như thế mới chở đủ số người. Chiếc xe cứ như thế chạy lắc lư, lắc lư vào Lăng Cô, leo ì à ì ạch lên đèo Hải Vân, xuống Nam Ô, rồi vào đến Đà Nẵng. Qua ô cửa nhỏ gần trên mui xe, tôi cố nhoài người ra để nhìn cho được làng Truồi, quê nội của tôi. Kia rồi là con đường dẫn vào làng, mà ngày nào vào dịp Tết, tôi được mẹ dẫn về đây thăm. Ở đó, có lúc tôi đứng tần ngần, rồi thích thú đứng mãi xem bà con chơi những ván bài chòi bằng cờ người. Bên này  là núi Truồi, kéo dài dưới chân núi cao là những nương dâu, những bãi ngô, khoai sắn xanh rì. Có dịp về quê nội, tôi rất thích ra bờ sông ngắm nhìn dòng sông nước trong xanh hiền hòa, xa xa có một vài chiếc đò xuôi ngược; ước gì có hôm tôi được thả mình trên một chiếc đò nan nào đó; đò cứ  việc  trôi, còn tôi thì tha hồ ngắm trời mây nước. Tôi còn thèm nghe tiếng còi tàu hỏa kéo dài, xen lẫn tiếng bánh xe sầm sập trên đường ray đến dường nào; lòng tôi như quặn thắt, vì tôi sẽ xa quê hương từ đây.
          
            Ngày…tháng 5 năm 1972

         Chiều nay, tại thành phố Đà Nẵng, tôi đã liên lạc được với người bạn thân. Hai đứa tay trong tay dắt nhau đi men theo các vỉa hè mấy con phố. Chia tay bạn mà lòng tôi thấm thía nỗi buồn, ngày mai tôi sẽ xa bạn, biết bao giờ mới gặp lại?

          Trên sân bay Đà Nẵng, mẹ tôi gấp gáp dẫn đàn con ra cho kịp giờ. Chiếc máy bay boeing cất cánh mang theo cả nỗi lo âu canh cánh trong lòng của mẹ tôi, trong khi đó ngược lại tôi có phần háo hức, tưởng tượng khung trời mới của miền đất phương Nam sẽ như thế nào đây? Một cảm giác hụt hẩng khi máy bay rời cánh trên đường băng bay lên cao. Qua ô cửa tôi nhìn xuống thành phố  với những con đường, những khu nhà, … dần dần thu nhỏ lại như bàn cờ. Con sông uốn quanh các làng mạc, núi non hùng vĩ càng lúc càng nhỏ lại và xa dần. Những đám mây trắng như bông pha lẫn màu nắng vàng đang trôi bồng bềnh tưởng như có thể với tay sờ tới được; chiếc máy bay  trôi trên dòng sông mây hướng về nam. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào buổi xế chiều, mợ tôi ra đón cả nhà, cho  lên xe về Mỹ Tho. Tôi ngỡ ngàng quan sát xung quanh: Ôi chao! Cái gì cũng khác lạ so với Quảng Trị. Người ta chất đầy những quầy trái cây: thơm, xoài…các loại trái của Nam bộ, bán dọc theo hai bên đường, từ Xa cảng miền Tây chạy dài, những vườn trái cây phủ một màu xanh um, mát rượi trong bóng chiều.

     Ngày …..tháng 9 năm 1973

          Đó là đường Hùng Vương, con đường ngập lá me bay. Hai hàng me già nối tiếp nhau chạy dọc theo hai bên đại lộ. Các vòm lá xanh, rợp đầy bóng mát, chỉ có một vài tia nắng hiếm hoi lọt qua từng kẽ lá. Con đường này hàng ngày đưa tôi đến trường. Những ngày đầu đi học, tôi đi bộ một mình, chỉ việc thong thả bước men theo vỉa hè  mà liên tưởng đến con đường làng ngày xưa đi tắt từ nhà in Nguyễn Văn Phước để đến ngôi trường nhỏ bé, phân hiệu của trường trung học Nguyễn Hoàng.

  Về sau, tôi đã có số bạn ở trường mới này. Có những buổi nghỉ học, chúng  rủ tôi qua vườn. Khi đi qua cây cầu gỗ bắt ngang một nhánh sông nhỏ của Tiền Giang, tôi chợt nhớ đến câu nói của một người thầy: “Nếu cho một đội quân đi đều bước một hai trên cây cầu ấy, sẽ gây cộng hưởng và cầu  có thể sập.” Đó là lời thầy ví dụ vậy thôi, chứ giờ đây chân chúng tôi vẫn tha hồ chạy nhảy trên cầu mà không hề lay chuyển gì. Cả đám bạn hướng về miệt vườn của nhà nhỏ bạn. Thật bất ngờ làm sao! Tôi thích thú ngắm nhìn khung cảnh diễn ra trước mắt; cả những vườn cây trái sum suê trĩu quả. Khi đi qua con đường mòn phải cúi đầu xuống vì sợ đụng phải những chùm xoài treo lủng lẳng. Nào những cây mận trái chín đỏ, đưa tay vói hái dễ dàng. Cả những bụi cây sa bu chê, trái nào trái ấy căng tròn, mấy nhánh cây xòa ngay cạnh đường đi. Nhiều cây chanh, cam, quýt ....trồng quanh ngôi nhà lợp bằng lá dừa, trái nhiều vô kể. Chúng tôi chạy ra tha hồ hái trái cho vào giỏ lác, rồi ngồi túm tụm dưới gốc cây, vừa ăn vừa trò chuyện. Tôi lại tha thẩn ra bờ sông, dõi mắt nhìn những chiếc xuồng qua lại. Trên khoang chất đầy dừa, thơm hoặc loại cây trái khác, người ta chở về chợ Hàng Bông để bán cho mấy chủ vựa. Bên kia sông, cũng là màu xanh của những khu vườn, mấy hàng dừa nghiêng nghiêng dọc theo bờ đất; chợt đâu đó vài đàn chim vụt bay lên gây nên âm thanh huyên náo cả một vùng.

          Quả thật thiên nhiên phú cho đất đai miền Nam màu mỡ, phì nhiêu; ruộng đồng bát ngát, cò bay thẳng cánh; những vườn cây trái um tùm…; người ta dễ kiếm cái ăn  nên không hề sợ đói; do đó tính tình của họ cũng trở nên chất phác, hiền lành, phóng khoáng và vô cùng hiếu khách.

          Ngày…tháng 5 năm 1974

         Cô em gái, con cậu, rủ tôi cùng với một số người bạn đi chơi thuyền; chiếc thuyền nhỏ chở chúng tôi chạy ven theo một cù lao trên sông Tiền. Tôi đã tận mắt ngắm cảnh hoàng hôn trên dòng sông. Mặt trời tròn, to chuyển sang màu đỏ sẫm đang lặn dần, khuất sau những hàng dừa của dải cù lao. Người ta gọi đây là cù lao Dừa vì đi đâu cũng thấy toàn là dừa. Chiếc thuyền từ từ rẽ sóng chạy men  bờ. Một cảm giác lâng lâng, hơi chao đảo; tôi ngồi lại cho vững, cố giữ thăng bằng, hai tay nắm chặt lấy mạn thuyền. Những làn nước mát lạnh bắn lên tung tóe, thấm ướt cả áo. Giữa không gian thoáng đãng, tôi cảm thấy choáng ngợp. Vũ trụ dường như bao la quá! Có đi xa, có đi nhiều nơi mới thấy được nhiều vẻ đẹp của đất nước mình. Trên hòn, nhà cửa thưa thớt khuất hẳn trong những khu vườn rậm rạp. Một vài làn khói lam chiều đang còn vương vất trên các ngọn cây. Những đàn chim bay về từng đàn tìm nơi trú ngụ, thật vội vã như đang chạy đua với bóng hoàng hôn.  Trời chiều đã ngả màu, ai cũng cảm thấy lạnh và thúc giục ra về. Người chủ thuyền nhẹ nhàng bẻ lái cho thuyền quay về bến ở vườn hoa Lạc Hồng. Thành phố bắt đầu lên đèn.
          
  Ngày…tháng 3 năm 2009

          Đâu đó có tiếng gà gáy trưa trong không gian vắng lặng khiến lòng tôi chợt thấy một nỗi buồn nao nao. Mọi vật như chìm vào giấc ngủ đầy mệt mỏi. Trời đang chuyển mùa nên thời tiết có vẻ khắc nghiệt hơn. Tôi chờ nghe tiếng tu hú gọi báo hiệu hè về.

          Bây giờ mới đầu tháng 3 mà một vài cây phượng ở đầu dốc đã bắt đầu trổ hoa. Những bông hoa đỏ đang có điều gì nhắn nhủ cho đám học trò vô tư đang đi trên con đường kia không nhỉ? Bài “Hoa học trò” của Xuân Diệu đã tả vẻ đẹp của tập thể phượng đông đúc trong mùa hè về; một khi trong buổi đầu một vài bông nở lác đác không đủ sức kêu gọi hè thì đến một hôm nào đó các em sẽ phải ngạc nhiên trước sự thôi thúc mạnh mẽ của mùa phượng vĩ.

          Những buổi chiều như chiều hôm nay, đều đặn, đến giờ là tôi chạy xe xuống con dốc dài về trường. Tôi ngỡ mình đi sớm nhưng không phải thế, trên sân trường đã có lác đác vài bóng dáng học trò. Tôi ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc, nhìn ra sân. Gần trước cổng chỉ có một cây phượng non tuổi chưa đủ sức lớn để tỏa bóng mát. Ở đây, không hiểu sao ngày trước người ta trồng nhiều cây bàng đến thế! Mấy hôm rồi, phải nói mùa lá rụng khiến cho đám học trò nhỏ ngày nào cũng phải thi nhau lượm, gom bỏ vào sọt đem đổ, để bác bảo vệ phơi khô, rồi đốt. Chỉ cần một vài cơn gió mạnh thổi đến là những chiếc lá vàng úa rơi lả tả đầy cả sân trường. Giờ đây bàng đã thay lá, những chiếc chồi non li ti ngày nào giờ đã lớn dần; lá đã bằng bàn tay, rồi dần dần to hẳn như cái quạt, kết thành những tán lá rậm dày che mát cho thầy trò khi đến giờ học thể dục. Tôi chợt mỉm cười khi nhớ đến lời bài hát năm mới ra trường tôi đã từng tập cho lớp: “Mùa đông áo đỏ. Mùa hạ áo xanh. Cây bàng khi mở hội là chim đến vây quanh…”

          Ngày…tháng 2 năm 2008

          Chiều nay, tôi đang trên đường về nhà sau buổi đến trường.

          - Hạnh ơi!

Tôi bất ngờ khi nghe tiếng gọi. Bên kia đường chị Hà đang đưa tay vẩy. Tôi cho xe chạy qua đường để gặp chị Hà, chị đưa cho tôi một phong  thư.

       - Thư mời của Nhóm Nguyễn Hoàng La Gi đó. Vài hôm nữa Hạnh đến chở, hai chị em mình cùng đi cho vui!

        Lần họp mặt Tết năm trước, năm 2007, tôi chưa đi được, còn bây giờ có  dịp để tôi tham gia. Một niềm vui nhen nhóm trong lòng. Tôi hẹn với chị chắc chắn là sẽ đi. 

        Suối Dứa là nơi được tổ chức, đây có phong cảnh hữu tình cho những ai có tâm hồn thi sĩ. Nhà hàng rộng rãi, thoáng mát; cách trang trí cho buổi gặp mặt khá đơn sơ nhưng không kém phần ấm cúng, dễ gây thiện cảm cho những ai về  hội ngộ. Tôi nhìn quanh quất, cố tìm cho ra ai là người bạn học của mình; nhưng vô cùng thất vọng. Toàn là những cô chú, anh chị lớn tuổi; thấy họ ôm nhau, tay bắt mặt mừng, cười nói tíu tít như thưở còn đi học khiến tôi vô cùng cảm động. Đã những lần tôi có ý định tìm Quỳnh, người bạn thân hồi học chung hai lớp đầu cấp trung học Nguyễn Hoàng. Nhà Quỳnh ở ven bờ sông Thạch Hãn, ngày ngày tôi thường qua nhà bạn cùng học, cùng chơi. Thật bất ngờ, chính ngay sau lần họp mặt này là mối dây liên lạc để tôi gặp được Quỳnh, gặp lại những đứa bạn cùng lớp, cùng khối của tôi. Những lần gặp nhau về sau đa số tại thành phố Hồ Chí Minh, hoặc có khi tìm về thăm nhà bạn ở Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận… Nhóm bạn kết nối ngày càng đông thêm.

          Ngày 5 tháng 7 năm 2009

         Chiều này, mặc dù mưa tầm tã nhưng tôi vẫn lên xe vào thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc họp mặt của các bạn như thường kì vào đầu mỗi tháng. Bên bạn bè tôi cảm thấy vui hơn, thấy mình như trẻ lại và bỏ qua một bên những ưu tư, bề bộn của công việc thường nhật. Giờ tôi ngồi đây ôn lại những kỉ niệm êm đềm về bạn bè, thầy cô, trường lớp cũ. Tôi ao ước sao cho mình được sống lại chỉ một ngày thôi, như ngày xưa thân ái ở quê nhà. Tình cảm bạn bè, tình đồng hương thật đáng trân trọng, quý giá biết dường nào! Tôi- chúng mình hãy dang tay đón nhận tình cảm chân thành ấy và hãy giữ cho ngọn lửa yêu thương  không bao giờ tắt nhé các bạn!


Đinh Thị Hiệp
dinh_thihiep@yahoo.com
READ MORE - NHỮNG BUỔI CHIỀU KỶ NIỆM - Đinh Thị Hiệp