READ MORE - PHẠM THIÊN THƯ: XƯA LÀ GIỌT LỆ NAY LÀ HẠT CHÂU - Vĩnh Phúc
Nhà thơ Phạm Thiên Thư. Ảnh từ báo Giác Ngộ Online. |
Phạm Thiên Thư là một thi sĩ đặc biệt của cõi đạo, cõi đời, cõi thơ. Ông đã tinh đã lọc để làm thành những vần lục bát trong ngần mà rười rượi tinh thần ca dao muôn năm cũ. Đêm 22/6/2011, tại Khu du lịch Văn Thánh, TP HCM diễn ra đêm thơ & nhạc của ông với chủ đề “Chắp cánh ước mơ xanh” nhằm gây quỹ cho Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí - ngôi trường dành riêng cho trẻ tự kỷ. Chương trình chủ yếu giới thiệu tập “ Hát ru Việt sử thi” (NXB Thanh Niên 2010) và những ca khúc nổi tiếng mà Ns Phạm Duy phổ nhạc từ tập ” Động Hoa vàng” 40 năm trước.
Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi...
Rồi tàn cuộc hoa, hàng thơ lệ ố, quyên giục chim đi, cánh bướm đồi Tây hờ hững…Thơ chống chếnh bềnh bồng với trăm ngàn mật mã còn người thì cứ bí ẩn, im lặng trắng thức mây. Đã có những nhầm lẫn và cũng không thiếu nghi kỵ. Là thiền sư hay “nòi tình”, nhà ngoại cảm hay nhà thơ, là thầy thuốc hay ông chủ cà phê hay một “con vạc bờ kinh”? Rốt cuộc, Phạm Thiên Thư, ông là ai?
Trả lời câu hỏi này không khó nếu dựa vào Wikipedia, hay vào những thông tin trên Google. Muốn gặp và đàm thoại với thi sĩ cũng không thành vấn đề. Hãy đến quán cà phê Hoa Vàng những chiều chiều, PTT ngồi đó, an nhiên miệng cười, khói thuốc tròn vành thổi những chân mây nhân sinh nhàu nhĩ .
Hỏi nghề hớt tóc làm thơ/ Cà phê bán những lơ mơ chợ đời
Dùng ngoại cảm cứu bệnh người/Trăm năm hỉ hả tiếng cười hiên xanh
Hỏi tình thuyền cứ chòng chành/ Hỏi Phật, đợi đã, tròng trành cội hoa …(1)
Nhất định tiên sinh sẽ cười mấy câu thơ lục bát vặt vẹo của tôi khi mà mới ngoài ba mươi, tiên sinh đã giành được ngôi vị bá chủ thơ Lục bát (Đoạn Trường Vô Thanh được Giải thưởng văn học miền Nam năm 1973) nhưng quả thật, tiên sinh cũng lắm nghề mà nghề nào cũng đa đoan những lơ mơ, dan díu hệ lụy…Mười chín, chàng trai trẻ PTT nao nức sáng lập và tụ tập bạn bè vào Học hội Hồ Quý Ly để ngâm vịnh và bị cảnh sát Ngụy dòm ngó đành vào chùa tu nhưng rồi lại ngộ ra cõi Phật trong lìm chìm thi ca để rồi miệt mài thi hóa Kinh Phật, tạo ra cõi thơ lạ lẩm cho mình với Động Hoa Vàng, với Đạo ca, Qua suối mây hồng, Hội Hoa đàm, Suối nguồn vi diệu … Nhiều người băn khoăn nhưng ông cứ mặc nhiên như là: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”.
"Sớm nay thông ngó mây về /Non xa xõa mái tóc thề chơi vơi
Cành thông vươn dậy ngó trời /Tự nhiên bật tiếng cả cười hoan ca"
Cành thông vươn dậy ngó trời /Tự nhiên bật tiếng cả cười hoan ca"
Nhưng rồi cái ông tu sĩ lãng mạn Thích Tuệ Không (2) sau những chuổi cười dài ca hoan lại ỡm ờ râu tóc để tự hỏi mình hỏi người :
"Hỏi con vạc đậu bờ kinh /Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng thưa bác Thiên Thư / Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ…"
Vạc rằng thưa bác Thiên Thư / Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ…"
Cái hình không hư cuối cùng không lên non hái nụ mù sa mà về sông trèo lên cây bưởi hái nụ tầm xuân, không phải một mà đến ba nụ bởi lẽ “người ta có thể tìm thấy chân lý của Thiền ngay trong cõi trần tục”.
Ừ thì mình ngại mưa mau/Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi/ Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
Sông này chảy một dòng thôi/ Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông
Tóc Em ở cuối sông thì thôi, anh mây thẫm hãy xin nước cuốn xuôi dòng và dòng đời rồi cuốn ông đi với dâu bể thăng trầm có cả nghi kỵ, nước mắt & mồ hôi và tật bệnh. Hôm nào đó, trả lời nhà văn Thu Trần, ông nguệch ngoạc đôi hàng còn mất, vô với hữu lẩm bẩm hàng hàng lệ nhỏ: (3)
"Ta mất ngôn ngữ - ngôn ngữ mới /Hỏi Phật Quan Âm… chấm chấm gì?
Vô thanh-hữu thanh /thành- thánh- thảnh /Hai người cùng hỏi- vô vi chi!"
Vô thanh-hữu thanh /thành- thánh- thảnh /Hai người cùng hỏi- vô vi chi!"
Dù ai đó cho ông là thiền sư, đạo sĩ và dù nhận được danh thiếp từ tay ông ghi Cố vấn công ty, nhà ngoại cảm quốc gia, nhà thơ, tôi vẫn xác định vị trí duy nhất của ông giữa lòng người, giữa dòng chảy lịch sử thi ca: thi sĩ Phạm Thiên Thư với cõi riêng của mình. Không, không thể có có một danh hiệu nào khác hơn .
***
1- Phạm Thiên Thư, nhà thơ của cõi đạo
Động Hoa Vàng mở ra cõi thơ riêng dìu dặt đạo và đời, muôn hồng ngàn tía mà bát ngát mênh mông:
Ta về giũ áo mây trôi/ Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Đồi dạ lan, động hoa vàng là cái chốn nào, là thiên đường trần thế hay đường lên mậy tịnh lặng? Thơ cứ tung tẩy mê hoặc những ẩn ngữ với mật mã. Đa phần người đọc lại nhầm hiểu “từ quan” là từ chức vụ, từ bỏ quan trường nhưng quan ở đây là “quan niệm, quan điểm”. Giũ áo để lòng nhẹ nhàng thanh tịnh không phải bận rộn với thế sự bon chen, bỏ cái tục lụy lại sau lưng là đổi đời, là nhìn thấy động hoa vàng diệu vợi…
Nếu Động Hoa Vàng là bước chuyển tiếp đạo đời đan xen hòa trộn thì Kinh Hiếu, Kinh Ngọc - Qua suối mây hồng (Kinh Kim Cương), Hội hoa đàm (Kinh Hiền Ngu), Suối nguồn vi diệu (Kinh Pháp Cú)...thực sự là thơ của một mênh mang cõi đạo, đầy chất thiền. Ông thú nhận : … Tôi ra đi từ đời và trưởng thành từ đạo. Trong tôi, đạo và đời là một…”
Đây rồi, bè trúc ngọc, suối mây hồng, con chim với trái Nhãn không…Thơ gọi mời tham dự vào mọi nẻo bờ vô biên đến vô tận thời gian, không thị không phi, không phân biệt :
"Chẳng nương bè trúc ngọc /Vượt qua suối mây hồng /
Con chim vô lượng kiếp/ Về tha trái Nhãn không"
Đạo ca 1 (Pháp Thân) là cuộc hành trình đi tìm chân lý, tìm cái bản thể uyên nguyên, cái tương quan giữa xa xôi với hiện tiền :
Xưa em làm kiếp ao/ ưu tư mùa cuối hạ /Anh làm chim bói cá/ đậu soi mấy mùa trăng
Xưa em là chữ biếc /nằm giữa lòng cuốn kinh /Anh là thiền sư buồn /ngồi tụng dưới ánh trăng…
Xưa em là chữ biếc /nằm giữa lòng cuốn kinh /Anh là thiền sư buồn /ngồi tụng dưới ánh trăng…
Thông qua hình tượng chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Đạo ca 3 mở ra một đốn ngộ. Sự thật trên tay, hạnh phúc quanh đây mà người cứ mê muội :
Ngoài sông gầm gió, trên sông bắc cầu /Cùng con ngựa quý qua sông lúc nào
Chợt con ngựa cũ thân yêu hoá thành người yêu…
Chợt con ngựa cũ thân yêu hoá thành người yêu…
Cái quen thuộc làm mờ mắt nhân sinh để cứ quýnh quáng mơ màng, để mộng tưởng cứ mù lòa cuộc chơi .
Nếu Quán Thế âm - đạo ca 4- gợi ra nỗi đau khổ của người mẹ tìm con trên trên đỉnh đồi lan trắng, nỗi đau chia biệt rụng rời của cả nhân loại:
Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng /Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng /Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím /Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang…
Thì Tâm Xuân (đạo ca 10) là con đường trở về nguồn cội, chan hòa với thiên nhiên hoa lá cỏ cây mây gió và chữ Tâm thị hiện :
Mùa xuân có không? Hay là cõi Tâm? Mùa xuân có không? Hay là cõi Không?
Về nguồn về cội! Về nguồn về cội! Để rồi vươn tới với lòng mênh mông…
Về nguồn về cội! Về nguồn về cội! Để rồi vươn tới với lòng mênh mông…
Biêlinxki xác nhận: “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là những nhà tư tưởng”. Trên khía cạnh này, Phạm Thiên Thư ít nhiều giải bày: “Thơ hay phải có tư tưởng nghĩa là “Phải dày kinh nghiệm. Phải chiếm cảm quan, phải san trí tuệ, phải để trong tâm, phải trầm trong nhạc, phải nạp trong tình, tụ hình nơi khoảng trống, để sống với tất cả”. Tư tưởng đạo của họ Phạm thực sự khoáng đạt, mang tính tổng hòa của mọi hệ thống triết học Đông Tây nên Thơ đạo Phạm Thiên Thư cuối cùng không dẫn về mê muội ngờ vực với đa đoan mà bay lên như áng mây hồng buổi sớm, thanh sạch tiếng kinh ban chiều, tở mở bình minh chim hót thanh bình ca.
2- Phạm Thiên Thư, nhà thơ của cõi tình
Thi hóa mấy bộ Kinh Phật, PTT ít nhiều đã dìu thế nhận vào bến Ngộ nhưng thương hiệu thơ của ông lại bắt đầu từ những vần thơ tình bất tử (cộng hưởng là tác động của âm nhạc). Bài thơ tình đầu tiên là Vệt Chim Bay nhưng phải đến Ngày Xưa Hoàng Thị, Gọi em là Đóa Hoa sầu, Động Hoa Vàng … thơ mới chín, chín một phong cách Phạm Thiên Thư .
Đường về hái nụ mù sa/ Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi/Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Thôi thì em chẳng yêu tôi/Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Nếu Bùi Giáng có ngàn thu rớt hột, lá hoa cồn, tồn sinh …thì họ Phạm cũng tạo cho mình những nụ mùa sa, nương cà tím, rừng thiền, viền tà dương, áo hồng đào, đồi dạ lan, nhánh hoa u mặc,chuỗi ngọc lam, ải đỏ …ru mê người đọc vào cõi tình hư ảo mị mị đến lâm li. Nhưng thi sĩ không phải là “nòi tình’ hào hoa để đeo đẳng tình sầu thiên cổ lụy . Không hiếm nhan sắc mở rộng vòng tay nhưng thực tế, thi sĩ đã chạy trốn để rồi tiếc nhớ và thơ bay, thơ lay. Cho nên có thể có rất nhiều “đóa hoa sầu” trong thơ ông nhưng bằng xương bằng thịt chỉ có mỗi một Hoàng Thị Ngọ, cô bạn gái cùng trường buổi ông mới học lớp 9 mà những ban trưa ông lẻo đẻo làm cái đuội lặng im.
Em tan trường về /Đường mưa nho nhỏ /
Anh theo Ngọ về /Gót giầy lặng lẽ đường quê…
Lặng im để mà thất bại nghe thời gian phi và:
Mười năm rồi Ngọ/Tình cờ qua đây/Cây xưa vẫn gầy/Phơi nghiêng ráng đỏ…
Đó phải chăng là cái “ráng đỏ” của hoàng hôn cuộc đời, của những tà huy buồn rầu ngồi dưới cội hoa vàng nhìn người qua kẻ lại hôm nay? Ông tâm sự: Chính tôi cũng không thể cắt nghĩa được tình yêu là gì. Nó có thể là một trạng thái tâm thần. Nhưng chính cái gì lung linh nhất lại là cái thật nhất. Và lung linh nhất là Động Hoa Vàng với vàng hoa, vàng nắng, vàng đến ngờm ngợp bật dậy từ miền ký ức của thi sĩ về vùng núi Phụng Hoàng những ngày thơ dại. Lung linh vì ...thật. Thơ PTT, hàng không giả !
3- Phạm Thiên Thư, nhà thơ của cõi đời
Đã bước vào tuổi thất thập nhưng chiều chiều thi sĩ vẫn ngồi dưới cội mai vàng, cà phê quán, thả mù mịt khói lên lưng mây và hỉ hả cười nói rồi viết viết cho đời, không chỉ những vần thơ kể chuyện ngày xưa em chửa theo chồng, cái áo em mặc màu hồng đào hay biếc da trời mà còn là Tự điển cười (24.000 bài tứ tuyệt tiếu liệu pháp. Năm 2007, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục là người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ). Hỏi thăm cái nguồn cơn nguyên cớ, ông cười hóm hóm: Con người và cả thú đều có khả năng tự điều chỉnh để tồn tại. Tiếng cười hơn mười thang thuốc bổ. Và ông đưa ra ngàn ngàn cách cười, có khi phải cười bò lăn, cười đến vỡ bụng, có khi lại cười chảy nước mắt, cười mà nụ môi heo héo. PTT còn dí dỏm hơn trong cách quảng diễn khái niệm. Chỉ riêng cách chửi thì : chửi quang minh chính đại, chửi …mẹ đĩ, chửi ngọng nghịu, chửi ong óng, chửi hoài niệm :
Sư bố thằng kia lên gối bà/ Nghe lời con đĩ đánh bà nha
Xưa mày bám cứng dai như đỉa/ Biết thế thừa …để chó tha
Và với 180 kiểu chửi, 200 kiểu chết, 200 kiểu cười … Tự điển cười đã thực tế giúp người đọc học lấy ngữ ngôn thuần Việt. Phải chăng ông đã ngộ ra cái điều điên đầu của nhân thế :
Mặc ai tìm kiếm Tây Thiên/ Riêng ta biến cải não phiền thành hoa
( Đoạn trường vô thanh )
Điên đầu đi tìm Niết Bàn với thiên đường làm gì, hãy biến cái não phiền hôm nay thành hoa thành hương để sống với lạc quan xanh. Trên tinh thần này, Tự điển là một “ đóa hoa” lớn dâng hương cho đời .
Sau Tự điển cười, ông lại lầm lụi viết Hát ru Sử Việt với 3.335 câu lục bát, ghi lại diễn trình lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Rõ ràng, PTT không hề xuất thế mà nhập thế một cách có ý thức, với đầy đủ niềm tự hào dân tộc. Thơ ông là thơ của cõi đời buồn vui cười khóc với những kiến giải rất riêng :
À ơi cho cháu lời ru/ Cắt từ cái thuở sương mù cha ông
Chim Hồng chim Lạc qua sông/ Bay qua Việt sử từng dòng là thơ
Đêm đêm nhịp võng trăng mờ / Tay soi câu hát ru hờ con tim
Tay bà hóa cảnh chim lên/ Nhẹ đưa nhịp võng ru thuyền tương lai .
Ít nhiều ở đây thơ đã mất chất PTT, không ít câu vụng về nhưng như ông tự bạch là muốn góp phần soi sáng lịch sử, giúp cho mọi người dễ nhớ Sử Việt. Tính mục đích, tính tư tưởng trong dạng thơ về cõi đời không còn gì phải bàn. Ở đây, PTT hoàn toàn khác với một Bùi Giáng đem thơ mà gạ gẫm chuồn chuồn châu chấu và chẳng cần quan tâm thơ là gì, để làm gì, cũng không bận tâm đăng đàn tuyên ngôn lập chí :
Con chim thì ta biết nó bay/Con cá thì ta biết nó lội
Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ (Sa Mạc Trường Ca- Bùi Giáng )
4- Phạm Thiên Thư, nhà thơ của lục bát ca dao
Nếu Truyện Kiều của Tố Như tiên sinh dài 3254 câu lục bát thì PTT đã làm một cuộc đảo chánh chiếm lấy ngôi vị trường ca lục bát khi viết tiếp Hậu Kiều ( Đoạn trường Vô thanh dài hơn Đoạn trường Tân Thanh 20 câu- Giải nhất văn chương Miền Nam thực sự xứng đáng dành cho tác phẩm đồ sộ này). Vô thanh vì những nỗi đoạn trường của Kiều bơi bời tả tơi đến không thế thốt nên lời. Trong phần khai đề, nhà thơ cũng đã thưa lại mấy lời về chủ đề vô thanh:
Vô thanh như tiếng reo ca bát ngát của nhật nguyệt khiến giọt lệ Vương Thúy Kiều trở thành sợi mây hồng cất cánh vèo bay qua tài mệnh nhị tướng kết nên hạt minh châu …
Đoạn trường sổ gói tên hoa/ Xưa là giọt lệ nay là hạt châu
Chưa nói đến bút lực dồi dào ( về số lượng), ý lực thâm tàng bất lộ, văn chương của Đoạn Trường vô thanh cũng đã đến mức tuyệt vời đẹp đẽ với trong ngần. Đoạn cuối trong chương Chải tóc thu phong kể chuyện Kiều về thăm chốn cũ, thăm nhang cho mộ Đạm Tiên là một trong rất nhiều ví dụ. Hình ảnh của nàng thiếu phụ ngoài ba mươi vẫn mê hồn và thơm đi từ một dòng tóc hương để rồi thơm suối thơm mây bay lên thành một đóa mơ :
Bâng khuâng bước dạo cầu sương/Tóc bay dài một dòng hương la đà
Có nàng cắp rổ bèo hoa/Vén quần cánh nhụy lội qua suối về
Bè ai thả vó ven đê/ Nửa ngâm ráng đỏ , nửa kề mây xanh
Gió thu hiu hắt lùa nhanh/ Đáy khe cát trắng long lanh ngấn trời
Qua cầu suối cũng đua tươi/ Bờ vai phơ phất tóc xuôi hững hờ
Trên dòng tơ, dưới dòng tơ/ Hai dòng thêu một đóa hoa nhạt nhòa
Còn này là khúc đàn cho Kim Trọng :
Tiếng nào bàng bạc ngàn sim/ Tiếng nào mạch máu ngàn tim rung thành
Cây đàn tự vỡ nên thanh/ Tiếng đàn óng ánh trên nhành đọng sương
Sóng đàn là giải thoát hương/ Dây đàn bốn mạch chân thường thiết tha
Một dây làm mạch máu thành rung, một dây sương óng ánh và chập lại là cả chân thường. Trong giai âm đã hội đủ cả sắc màu và trí huệ. Thiết nghĩ khúc đàn Kiều gãy cho Kim Trọng của Nguyễn Du cũng không thể vượt qua khi chỉ gợi lên những hình ảnh so sánh :
Trong như tiếng hạc bay qua / Đục như tiếng suối mới xa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài / tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
(Đoạn trường Tân thanh )
Cho nên, chỉ khúc đàn này cũng đủ phô diễn tài thơ của tác giả Đoạn Trường Vô Thanh vì càng nghe càng rời rụng, càng đọc càng mê ly và nghe đến khúc đàn dành cho họ Từ thì tin rằng ai đó cũng phải lẩy bẩy rẩy run :
Vị gì nấc tiếng tơ lên/ Trong hơi gió vuốt rung trên tỳ bà
Lục bát của PTT thực sự có phong vị riêng và phong vị đó, trước hết là Việt tính :
Não nùng hai tiếng từ ly/ Buồn thưa thốt miệng, sầu chi chít lòng
Qua khe ngó cá lòng tong/ Áo xanh ai đó in dòng suối xanh
Nhớ nhà xe cuộn thêm nhanh/Ải xa cổng đó mấy nhành hồng mai
Đây là một đoạn Kiều chia tay về quê, một đoạn rất đặc sắc vì chan chứa đủ mùi vị: có nồng nàn , có dằng dặc , có cả róc rách buồn rầu và đặc biệt là rất Việt Nam Ngoài hai từ não nùng và từ ly còn lại là thưa thốt, chi chít , cá lòng tong …, những từ thuần Việt. Trong thâm ý đó, PTT cũng đã cố gắng Việt hóa ngay cả các tên địa phương để nàng Kiều là Kiều của Việt chứ không phải của Thanh Tâm Tài Nhân…Cũng như khi thi hóa Kinh Phật, tên địa phương của Ấn độ đã được cải biên.
Thơ là gì ? Sáng tác như thế nào? Hãy nghe ông tâm sự : “Sáng tác phải có cái riêng của Việt Nam. Người ta sáng tác, không theo nhà này thì theo nhà khác. Là nghệ sĩ, sáng tác, thì phải hướng về dân tộc”. Cái dân tộc tính đó không ở đâu xa mà trước hết là ngữ ngôn với con chữ. PTT đã tinh đã lọc để làm thành những vần lục bát trong ngần mà rười rượi tinh thần ca dao muôn năm cũ.
***
Thiền Sư lên chót đỉnh rừng/ Trong tim chợt thắp một viền tà dương.
Phạm Thiên Thư, ông là ai? Câu hỏi đã có thể trả lời. Tôi đã bỏ qua phần thông tin cần thiết về thân thế kể cả một bảng danh mục dài dằng dặc những tác phẩm đã in, cũng không nói đến các kỷ lục mà ông đạt được, không cả ghi chú những thành tích ông gặt hái trên phương diện điện công Phathata vì với tôi, PTT chính hiệu là nhà thơ mà Trong tim chợt thắp một viền tà dương. Viền tà dương đó vẫn còn lấp lóa sáng bên chiều Hoa Vàng và nhất định sẽ viết tiếp những vần thơ lục bát đượm tình ca dao … Xin chúc tiên sinh vẫn sống tiếp cuộc đời:
"Gối tay nệm cỏ nằm say /Gõ vào đá tụng một vài biển kinh /
Mai sau trời đất thái bình / Về lưng núi phượng một mình cuồng ca…"
Tp HCM 22/6/2011
Vĩnh Phúc
vinhphuccr@gmail.com
vinhphuccr@gmail.com
1- Mấy câu thơ của Vĩnh Phúc sau buổi gặp gỡ
2- Pháp hiệu của Phạm Thiên Thư
3- Trích Phỏng vấn của nhà văn Thu Trần
4- Các chữ in nghiêng là thơ trích và lời tự bạch của Phạm Thiên Thư
5- Đôi nét về Phạm Thiên Thư:
+ Tên thật Phạm Kim Long, nguyên quán Thái Bình, sinh tại Hải Phòng, năm Canh Thìn 1940 .
+ Tác phẩm chính của Phạm Thiên Thư: Thơ Phạm Thiên Thư (1968), Kinh Ngọc (Thi hoá Kinh Kim Cương), Động Hoa Vàng (Thơ, 1971), Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh (1972), Kinh thơ (Thi hoá Kinh Pháp Cú); Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (Thơ), Kinh Hiếu (Thi hóa), Kinh Hiền (Thi hoá Kinh Hiền Ngu, gồm 12.000 câu lục bát), Ngày xưa người tình (thơ), Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ, 1975), Thơ Phạm Thiên Thư (NXB Đồng Nai tái bản), Tự điển cười ( 24.000 bài tứ tuyệt tiếu liệu pháp).