Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, July 7, 2023

MẤY Ý KIẾN VỀ TÁC GIẢ BÀI THƠ “KHÓC BẰNG PHI” – Hoàng Đằng


Vua Tự Đức (1847- 1883)


KHÓC BẰNG PHI
 
Ới Thị Bằng ơi đã mất rồi!
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
 
Tác giả bài thơ “KHÓC BẰNG PHI”, trong sách giáo khoa văn học, là vua Tự Đức (sinh 1829 – mất 1883; lên ngôi năm 1847).
 
Tuy vậy, nhiều người vẫn không tin bài thơ ấy là của vua Tự Đức vì lời lẽ mùi mẫn, ướt át không phù hợp với văn phong của một vị vua.
Đặc biệt trong bài “Tác giả bài thơ ‘Khóc Bằng phi’ không phải là vua Tự Đức” đăng trên tạp chí Sông Hương ngày 03/12/2008, nhà sử học Phan Thuận An, ngoài dẫn ý kiến của nhà thơ – học giả Phan Văn Dật (1907 – 1987), học giả Bửu Kế (1914 – 1989) không tin bài “Khóc Bằng Phi” là của vua Tự Đức, còn tìm tòi những cứ liệu rất hàn lâm để chứng minh cho quan điểm của mình:
 
Cứ liệu 1
“ …  Đọc lại sử sách triều Nguyễn, chúng ta thấy suốt thời Tự Đức, trong số các bà "phi tần trở xuống", chỉ có 3 bà được phong lên hàng phi. Đó là bà Thiện phi, bà Học phi và bà Cung phi. Tất nhiên, đứng trên 3 bà phi ấy là bà Hoàng Quý phi ở địa vị đặc biệt. Xin tóm lược tiểu sử của cả 4 bà để thử tìm xem trong đó có bóng dáng của bà "Bằng phi" nào đó hay không.
1. Bà Hoàng Quý phi: Bà tên thật là Vũ Thị Duyên (còn có tên huý là Hài), sinh năm 1828, con gái của đại thần Vũ Xuân Cẩn. Bà được tuyển vào cung làm vợ vua Tự Đức từ năm 1843 khi nhà vua chưa lên ngôi. Sau khi vua đăng quang, năm 1848, bà được phong làm Cung tần, rồi lần lượt được thăng lên Cần phi (1850), Thuần phi (1860), Trung phi (1861). Đến năm 1870, bà mới được tấn phong làm Hoàng Quý phi. Bà là mẹ nuôi của "Hoàng trưởng dưỡng tử" Dục Đức (sau đó làm vua chỉ được 3 ngày thì bị bức tử). Khi chết vào năm 1902, bà được triều đình Thành Thái tặng thụỵ hiệu là Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh Hoàng hậu. Miếu hiệu của bà là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu. Như vậy, bà mất sau vua Tự Đức đến 19 năm (1883-1902). Việc than khóc thương tiếc nếu có thì chỉ có việc bà khóc vua Tự Đức khi nhà vua thăng hà, chứ không có chuyện nhà vua khóc bà này.
 
2. Bà Thiện phi: Bà phi này tên thật là Nguyễn Thị Cẩm, thứ nữ của Hải An Kinh lược Đại thần kiêm Định An Tổng đốc Nguyễn Đình Tân (1798-1873). Ông người huyện Quảng Điền, đậu Hương tiến (Cử nhân), làm quan từ thời Minh Mạng. Đến thời Tự Đức, dù ông là một đại thần có công, nhưng vì "con ông là Đình Cán cùng công tử Hồng Tập mưu làm trái phép, Đình Tân tri tình mà dung túng ẩn nặc, bị nghĩ tội "trượng đồ". Sau được vua gia ân cho khai phục Hồng lô Tự khanh rồi mất, truy tặng Lễ bộ Thượng thư". Từ Cung tần, bà Nguyễn Thị Cẩm được phong làm Chiêu phi vào năm 1860, rồi sau đó được tấn phong làm Thiện phi.
 
3. Bà Học phi: Bà tên thật là Nguyễn Thị Hương, người gốc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1870, theo lệnh vua Tự Đức, bà nhận công tử Nguyễn Phúc Ưng Hỗ (con của Kiên Quốc Công Nguyễn Phúc Hồng Cai: 1845-1876) bấy giờ mới 2 tuổi làm con nuôi (cho nhà vua). Về sau, vị Hoàng dưỡng tử này lên ngôi với niên hiệu Kiến Phúc (1884).
 
4. Bà Cung phi: Bà mang họ Lê, thường được gọi là Lê Thị Cung phi. Từ Thận tần, bà được tấn phong làm Cung phi vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 13, tức là tháng 1-1860”.
  
Cứ liệu 2
“Một loại cứ liệu đáng quan tâm nữa là những bài vị thờ các bà phi tần ở lăng Tự Đức. Nhà vua đã cho xây dựng trong khu lăng tẩm của mình hàng chục tòa nhà với những chức năng khác nhau, trong đó có Chí Khiêm Đường dùng "để thờ phụng các phi tần". Riêng bà Hoàng Quý phi (Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) thì được thờ chung với vua Tự Đức tại Hòa Khiêm Điện. Còn tất cả các bà từ hàng phi tần trở xuống đều được thờ tại Chí Khiêm Đường. Hiện nay, tòa nhà này vẫn còn hầu như nguyên vẹn, trong đó tồn tại hàng chục bài vị ghi rõ danh hiệu của các bà. Trong khi ở đó hiện có bài vị thờ bà Học phi và các bà khác thì chúng tôi không hề thấy bài vị nào ghi danh hiệu "Bằng phi" cả.”
 
Với cách dẫn cứ liệu rõ ràng và lập luận bài bản của nhà sử học (Huế học) Phan Thuận An, tôi đã nghĩ bài thơ “KHÓC BẰNG PHI” không phải của vua Tự Đức.
 
Nhưng …
 
Vừa rồi, tình cờ gặp trên net sách “THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU” của nhà sử học Nguyễn Lý Tưởng (sách xuất bản lần đầu 2001, tái bản tháng 5/2023 dưới dạng pdf), tôi đọc và bắt gặp thông tin BẰNG PHI tên Nguyễn thị Cẩm, con gái tổng đốc Nguyễn Đình Tân nuôi cháu gọi vua Tự Đức bằng bác ruột là Ưng Đường, về sau lên ngôi vua lấy niên hiệu là Đồng Khánh.
 
Tôi có nhờ cô bạn hỏi Nguyễn Lý Tưởng thông tin Nguyễn thị Cẩm là Bằng Phi lấy từ nguồn nào; trong e-mail trả lời, nhà sử học Nguyễn Lý Tưởng cho biết:
 
“Bằng Phi tên thật là Nguyễn Thị Cẩm, con Tổng Đốc Nguyễn Đình Tân, là bà phi thứ hai của vua Tự Đức. Bà là mẹ nuôi của hoàng tử Ưng Kỵ (hay Ưng Đường) sau nầy là vua Đồng Khánh. (xin đọc trang 254 sách Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu của NLT (bài Từ Ngôi Mộ Lưỡng Hổ Chầu đến Chiến khu Tân Sở )... phần nói về vụ Tứ Nguyệt Tam Vương... Đây là tài liệu chính sử (trích trong Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên - bản Hán văn, quyển 32)
 
Vua Tự Đức có 03 bà phi (1) Trang Ý là chính phi (mẹ nuôi của Dục Đức tức Hoàng tử Ưng Chân) (2) Bằng Phi, tên là Nguyễn Thị Cẩm con gái của Tổng Đốc Nguyễn Đình Tân là mẹ nuôi của Ưng Kỵ (Hay Ưng Đường) sau nầy là vua Đồng Khánh (3) Học Phi (tên là Nguyễn Thị Hương) là mẹ nuôi của Dưỡng Thiện (sau nầy là vua Kiến Phước)...
 
Chú ý: Cách viết của Nguyễn Lý-Tưởng ở trong phần nầy là căn cứ vào chính sử của triều đình do Quốc Sử Quán biên soạn, không phải là thu thập tin tức ở ngoài dân gian …”
 
 
Phan Thuận An và Nguyễn Lý Tưởng đều là đàn anh của tôi ở Viện Hán Học Huế ngày xưa.
 
Hai vị học khóa 1 (1959 – 1964), Phan Thuận An học đủ 5 năm, tốt nghiệp Viện Hán Học, và có bằng Cao Học Sử từ Đại Học  Văn Khoa Sài Gòn. Nguyễn Lý Tưởng học Viện Hán Học được 3 năm thì thi vào Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa khóa 1962 – 1965.
 
Còn tôi học Hán Học khóa 2 (1960 – 1965).
 
Hai vị ra đời có cơ hội tiếp xúc với sách vở, có điều kiện để nghiên cứu những vấn đề sử học và cả hai đều cho ra nhiều bài báo, nhiều quyển sách về sử học giá trị.
 
Về bà Nguyễn thị Cẩm, vợ vua Tự Đức: Phan Thuận An bảo là Thiện Phi, Nguyễn Lý Tưởng bảo là Bằng Phi. Tôi không có sách vở để tra cứu tận ngọn, nguồn, nhưng tôi đoán – đoán là quyền cá nhân – ý kiến của cả 2 vị đều đúng: Có thể Thiện Phi là danh hiệu chính thức, còn Bằng Phi là danh hiệu thường dùng???
 
Tôi tìm trong Wikipedia xem bà Nguyễn thị Cẩm sinh và mất năm nào, nhưng mục này để khuyết. Giá như có thông tin về năm sinh, năm mất - bà mất trước hay mất sau vua Tự Đức, thì chúng ta có thêm chứng cớ để xác quyết bài thơ “Khóc Bằng Phi” là của vua Tự Đức hay không.
 
Tôi lại tìm xem trong đoàn xa giá theo vua Hàm Nghi rời kinh thành trong biến cố thất thủ kinh đô sáng ngày 05/7/1885 (23/5/Ất Dậu) xem có bà Thiện Phi hay Bằng Phi không. Qua những tài liệu tôi tiếp cận, trong đoàn chỉ có tam cung: bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức), bà Hoàng Quý Phi Vũ thị Duyên (vợ vua Tự Đức, mẹ nuôi vua Dục Đức) và bà Học Phi Nguyễn thị Hương (vợ vua Tự Đức, mẹ nuôi vua Kiến Phước) mà không có bà Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm; như thế có thể nào bà Nguyễn thị Cẩm đã mất trước năm 1885 (thậm chí trước năm 1883 – năm vua Tự Đức mất)???
 
Tôi trở lại Wikipedia, phần vua Tự Đức. Mục Hậu Cung cho biết tổng đốc Nguyễn Đình Tân có đến 2 con gái được đưa vào cung làm vợ vua Tự Đức: bà chị Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm và bà em (không rõ tên, chỉ ghi Nguyễn Đình thị) được xếp Cửu Giai Tài Nhân (hàng thấp nhất trong hệ thống cửu giai xếp các bà vợ vua Tự Đức). Từ thông tin này, tôi nghĩ: Có thể nào Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm mất, người em được tiến vào thay thế???
 
Thêm thông tin này nữa … Đinh Công Vĩ, trong sách “Các Câu Chuyện Tình Vua Chúa Việt Nam”, nhà xuất bản Phụ Nữ năm 2005, cho biết vua Tự Đức có 104 vợ; Capitaine Gosselin trong sách “L’Empire d’Anmam” cho biết lúc vua Tự Đức mất năm 1883, còn lại 103 bà. Có thể nào bà không còn ấy là Thiện Phi (Bằng Phi) Nguyễn thị Cẩm???
 
Cuối cùng xét về văn phong trong bài “Khóc Bằng Phi” mà nhiều vị cho không xứng hợp với vua Tự Đức, tôi xin dẫn ra đây một bài thơ của vua Tự Đức để so sánh:
 
NGẪU CẢM
 
Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê!
Sống gửi, rồi ra lại thác về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
Tranh giành trước mắt mây tan tác,
Đày đọa sau thân núi nặng nề.
Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo,
Gượng làm chút nữa để mà nghe.
 
(Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Dương Quảng Hàm - 1898 – 1946, năm 1929)

Học giới xưa nay công nhận vua Tự Đức hay chữ, sành thơ văn. Theo tôi, bài thơ “Ngẫu Cảm” rất mượt mà. Vậy thì khi bà vợ yêu thương mất đi, cảm xúc trào dâng, nỗi niềm thương tiếc lấn át tất cả, vua làm ra bài thơ “Khóc Bằng Phi”, điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
 
*
“Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt”. Đến bây giờ, tôi vẫn tin bài thơ “Khóc Bằng Phi” là của vua Tự Đức. Không phải tự dưng mà nhiều nhà nghiên cứu văn học trước đây bảo bài thơ đó là của vua Tự Đức. Chắc chắn là do truyền khẩu – truyền khẩu cũng là một phương tiện – ngoài truyền thư – để lưu giữ ký ức.
 
Hoàng Đằng
08/7/2023

READ MORE - MẤY Ý KIẾN VỀ TÁC GIẢ BÀI THƠ “KHÓC BẰNG PHI” – Hoàng Đằng

LONG XÀ QUYẾT ĐẤU – Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện



Khi “Cô Gái Áo Vàng” đánh ra một chiêu, dao ngắn cùng nhuyễn tiên trên hai tay Chu Chỉ Nhược đều bị rơi xuống, người thì ngã sấp mặt xuống nền cỏ không ngóc đầu dậy nổi, thì ở trong đám những nhà sư áo xám, có một lão tăng bật lên một câu nói khẽ:
- Ồ Hoàng Sam Nữ Tử?
Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đang ngồi trên một tảng đá nghỉ khoẻ với giáo chủ Trương Vô Kỵ bật đứng ngay dậy la to lên:
- Thành Khôn [Côn] ngươi đừng có chạy? Ta nhận ra tiếng nói của ngươi rồi!
Nhà sư áo xám, đứng thẳng người lên, không còn giả vờ làm người gù lưng đứng sau Không Trí thần tăng nưã, vỗ tay vào ngực bật cườì lên ha hả:
- Chính ta là Thành Côn Viên Chân đây! Ngươi làm gì được ta nào?

Thấy tình cảnh hai thầy trò, một  mù một sáng  vị nào cũng ở vào cái tuổi thất tuần, mà là nạn nhân của một thời kỳ đen tối nhất lịch sử, bây giờ lại dẫn nhau vào cuộc tàn sát vô tiền khoáng hậu cho thiên hạ quan chiêm. Chẳng qua cũng vì chữ danh chữ lợi, mua cười cho hậu thế. Thấy cái chết vô ích lãng nhách, dù cho ai chết cũng giống nhau thế thôi! Hoàng Sam nữ tử bèn dừng lại thủng thẳng nói:
- Chuyện nào bỏ qua được thì bỏ qua, chuyện ân oán nào cần tính sổ thì cứ tính sòng phẳng. Tiểu nữ thấy cuộc đấu này không cần thiết và không công bằng, nên có đôi lời phân biện phải quấy, quần hùng thiên hạ có ai muốn nghe tiểu nữ nói hay không?

Quần hào võ lâm vốn đa sự vỗ tay hoan hô hưởng ứng ầm ĩ cả lên. Hoàng Sam nữ tử nói:
- Tiểu nữ xin được thay mặt cho Kìm Mao Sư Vương giao đấu hơn thua với Thành Côn Viên Chân đại sư. Cuộc đấu này hơn hay thua cũng chấm dứt tất cả những ân oán giang hồ vô lý kéo dài cả mấy chục năm nay, và vấn đề đao Đồ Long cùng Ỷ Thiên kiếm đến đây cũng kể như xoá sổ không bàn tới nữa. Nếu tiểu nữ thua thì sẽ tuyệt tích giang hồ, ngược lại nếu Viên Chân đại sư thắng, thì đại sư muốn gì?
- Tại hạ là kẻ tham sân si phản đạo phá chuà, nếu may mắn mà được thắng cô nương, thì tất cả phe phái Thiếu Lâm thuộc hệ Không Văn Không Trí sẽ tự động bỏ chuà Thiếu Lâm nơi Hà Nam này mà đi tu trì nơi khác, để lại cơ ngơi hoành tráng khang trang này cho tại hạ và đồng bọn giáo gian cuả tại hạ!   

Hoàng Sam nữ tử quay mặt về hướng phương trượng Không Văn , đại sư Không Trí cùng ba vị lão sư thúc tổ là Độ Nạn , Độ Ách và Độ Kiếp, ôm quyền cung tay kính cẩn bẩm:
- Các vị đại sư lão tiền bôí tính sao?
Không Văn phương trượng chắp hai tay trước ngực, niệm Phật hiệu “A Di Đà Phò” thiện tai thiện tai! Rồi chân tình nói:
- Vậy cứ theo sự phán quyết cuả cô nương đi.
Khi đó thì tả sứ Minh Giáo Dương Tiêu chen vội ngay vào vấn đề:
- Cuộc so tài này là cuộc “Long Xà quyết đấu”, có một không hai trong thời kỳ võ lâm đương hiện đại. Vậy xin cho tại hạ đi gặp Bình Nam Vương người đang chỉ huy hai vạn quân Mông Cổ tấn công lên chuà Thiếu Lâm, để trao đổi có nên dời ngày tấn công lại hay không? Chuyện đánh nhau thì lúc nào ở không đánh cũng đặng, còn chuyện đấu võ thì mấy trăm năm mới có một lần bỏ qua uổng lắm lắm. Sau đó thì bên nhà Nguyên cũng bằng lòng. Cuộc đấu võ có bán vé, chẳng qua là để giúp vốn cho chuà Thiếu Lâm, kẻ thua bị ra đi khoỉ chuà tay trắng nhận một ít ngân lượng [tức là cuả tịnh tài] lận lưng làm kế sinh nhai về sau.
*   
Cuộc đấu tay đôi không có trọng tài, không có còi  không có giải thưởng, vũ khí quyền cước không có mắt, ai sống ai chết cũng giống nhau, không có ai đứng ra thưa kiện cả quan phủ quan huyện cả, hiện trường là sân chuà Thiếu Lâm, cách đây hai ngày là nơi các thiên hạ quần hùng trổ tài võ vẽ. Hoàng Sam nữ tử cung tay mời Viên Chân đại sư:
- Kính lão đắc thọ, xin mơì đại sư ra tay trước!

Cũng không cần phải khách sáo lịch sự câu giờ làm gì, Viên Chân đại sư khom người chân trước chân sau, cánh tay co vào bên ngắn bên dài, bàn tay nắm lại chỉ để hai ngón tay trỏ cuả hai bàn tay thi triển tuyệt công phu “Ảo Âm Chỉ” nhắm ngay bụng cuả Hoàng Sam nữ tử mà tấn công. Hoàng Sam nữ tử đứng ngay ngắn thẳng người, chân mang giầy, chân đi đất. Mỗi chân đều có cột sẵn một sợi dây điện mầu xanh và mầu đỏ, còn hai tay, tay trên tay dưới để ở trước ngực, mu bàn tay quay vào phiá bụng, lòng bàn tay quay ra phiá ngoài, giống như hình quả cầu  hay miệng con cóc, là một tuyệt hảo công phu cuả Mạn Đà Sơn Trang Âu Dương Phong trong “Võ Lâm Ngũ Bá” thời trước, còn nội công thi triển là Ngọc Nữ chân kinh tâm pháp, bên kia Viên Chân phóng ra hai chỉ  một lượt, giống như hai sợi chỉ một đen một trắng, một cương một nhu, một ngắn một dài, một nhiệt một hàn. Còn bên này thì công phu giống như hai cuộn chỉ không có chỉ, cứ quay vòng vòng trước ngực, giống như thế “xe chỉ luồn kim hay châu về Hợp Phố”. Chừng vài phút sau thì Hoàng Sam nữ tử cuộn hết chỉ lực cuả Viên Chân và quăng hai trục chỉ xuống dưới đất, tay trái và tay phải dùng hai chiêu trong “Cửu Âm Bạch Cốt trảo” tay trái co rồi duỗi thức hổ trảo đâm thẳng năm ngón tay về phía trước ngay bàn tay cuả Viên Chân còn đang nắm lại, hai bàn tay dính cứng vào nhau không rời ra, còn tay phải thì dùng Long trảo, nhưng chỉ dùng hai ngón giữa và ngón trỏ theo thức Lưỡng Long sang châu, đâm trực diện vào hai mắt cuả Viên Chân. Viên Chân tuy hai mắt bị đâm lũng máu chẩy ra đầy mặt, nhưng dùng hai mắt và bàn tay phải giữ cứng hai tay cuả Hoàng Sam nữ tử để thi triển môn công phu Hấp Tinh Đại Pháp,  còn bàn tay trái thì đẩy ra nửa chừng thi triển môn công phu tuyệt học “Hàn Ngọc Chân Khí” dồn hơi cực lạnh vào thân thể Hoàng Sam. Cùng lúc thì Hoàng Sam nữ tử thi triển môn công phu “song đấu hổ bác” tay trái thì chuyển Cửu Dương thần công qua cơ thể Viên Chân, còn tay phải thì vẫn để y trong hai mắt đương sự, vận công chuyển hết Hàn khí cùng Nhiệt khí vào hai sợi dây điện vốn cột sẵn ở ngón chân cái dài thòng sẵn xuống cái hầm nhốt Kim Mao sư vương. Âm mầu Xanh, Dương mầu Đỏ, bao nhiêu nội lực cùng nhân điện cuả Viên Chân đại sư theo Hàn Ngọc chân khí chuyền qua hai sợi dây thấm hết vào nước lạnh dưới hầm, chuyển nước thành nước đá. Cùng lúc thì Viên Chân đại sư mất hết nội lực ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Cuộc đấu đến đó thì ngừng, Hoàng Sam nữ tử dơ tay trái sờ mũi cuả đại sư Viên Chân thấy còn hơi thở thoi thóp yếu ớt. Thế là nữ tử thò ngay tay phải vào bọc lấy ra một ve thuốc mầu xanh “Khuynh Diệp bác sĩ Tín” đổ ra lòng bàn tay, thổi phù một cái vào ngực cuả Viên Chân, một lúc sau thì Viên Chân hắt hơi lai tỉnh.   
 
*
Thấy công việc giải quyết đã xong, Hoàng Sam nữ tử cùng tám đồ đệ, bốn người mặc y trang mầu trắng, bốn người mặc y trang mầu đen, bốn ngươì thổi sáo, bốn người khẩy đàn một lượt tấu trổi lên nghe rất là trang trọng. Hoàng Sam mỹ tử ôm quyền chào mọi người sửa soạn xuống núi thì đại sư trụ trì chùa Thiếu Lâm là Không Văn đại sư dơ cả hai tay ngăn lại:
- Xin thiếu nữ hiệp lắng tai nghe bần tăng nói một đôi điều, Nam Sơn là một ngọn độc sơn, chiều ngang chừng hai dặm, chiều dài khoảng bốn dặm, chiều cao một dặm, là một ngọn núi nằm giữa cánh đồng bằng, không đẹp đẽ chi hết mà lại chia ra làm hai phần, phần bên phải thuộc cung Trùng Dương phái Toàn Chân, phía bên trái thì thuộc phái Cổ Mộ, nên goị nôm na là Chung [Nam Sơn ] đường xá lại xa xôi, theo ngu ý thì dãy Thiếu Thất Tung Sơn này có tới sáu quả núi, nào Đông nhạc, Tây nhạc, Nam nhạc, Bắc nhạc và Âm nhạc tức Trung Sơn, vậy xin kính biếu nữ hiệp cùng phái Cổ Mộ một đỉnh núi, làm cơ ngơi phát triển bản phái. Muốn đỉnh nào lấy đỉnh đó, chớ cả ngàn năm nay bá tánh thiên hạ ai ai cũng cho phái Thiếu Lâm [hay chuà Thiếu Lâm] là Thái Sơn Bắc Đẩu võ lâm, nghĩ lại đáng nực cười quá đi mất. Mới đây thì quận chúa Triệu Mẫn nương nương cho tóm cổ gọn hết cả chúng tăng chùa Thiếu Lâm mang về nhốt ở Vạn An Tự, và mới đây thì phái Thiếu Lâm cũng trổ tài võ vẽ, nhưng thực ra chả ăn ai cả, bần tăng nói theo điển xưa tích cũ là “ngoài trời là trời, ngoài đất là đất, ngoài người là người” đi tu là nhằm giải thoát, chứ không phải dành chức vô địch Võ Lâm, cái danh từ Thái Sơn Bắc Đẩu kia là một danh từ khoa đại khoác lác, làm cho con người tu hành càng ngày càng xa dần mối đạo, mục đích nhường cho phái Cổ Mộ một đỉnh núi, là để ngày ngày chúng tăng đi qua nhìn lên để biết rằng “Thái Sơn Bắc Đẩu võ lâm là người khác, ở chình ình ngay trước mặt mình, chứ không phải là mình, có như vậy chúng tăng mới an phận mà tu trì!

Hoàng Sam nữ tử khom mình vái đai sư phương trượng chuà Thiếu Lâm bốn vái và nói:
- Xin chân thành đa tạ đại sư, nhưng xin khẩn cầu quận chuá Triệu Mẫn và giáo chủ Trương Vô Kỵ chấp nhận cho vài điều kiện:
Giáo chủ cùng Quận chúa cùng lên tiếng:
- Xin tỷ tỷ chỉ dạy?
- Phần giáo chủ thì bỏ thì giờ quan tâm phò trợ đến bang chúng Cái Bang giùm, còn quận chuá thì làm ơn ra lệnh cho nhà in hay xưởng đúc vàng bạc nén gấp gấp chuẩn chi cho một số ngân lượng để thi công xây cất tổ đình phái võ Cổ Mộ.
Quận chúa Triệu Mẫn ôm quyền cung tay nhìn Dương tỷ tỷ nói:
- Chuyện võ vẽ mới khó chứ chuyện ngân lượng dù sao cũng chỉ là chuyện nhỏ, Dương tỷ tỷ cứ an tâm!
 
chuvươngmiện
 
READ MORE - LONG XÀ QUYẾT ĐẤU – Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện

ĐỌC “DỐC HOA VÀNG, NHỚ CẬU”, thơ Nguyễn Đại Hoàng - Châu Thạch


    
           Nguyễn Đại Hoàng đang phát biểu 
              tại diễn đàn Quán Văn                                       
 
          
DỐC HOA VÀNG - NHỚ CẬU
 
Tôi vẫn thấy- người về dốc thẳm
những mù sương Đà Lạt ngàn năm
những nụ cười im lặng xa xăm
những trang viết mang hồn đất nước…
 
Người ra đi – thơ còn xuôi ngược
để gởi tình yêu – gởi cuộc đời
những bài thơ tháng năm vẫn đợi
hoa quỳ vàng vời vợi cố nhân…
 
Hồn quê cũ mẹ hiền vương vấn
nếp nhà xưa mấy bận bâng khuâng
nhớ Nguyễn Hoàng - nhớ nắng Hải Lăng
mây trắng - nhớ tài hoa Quảng Trị
 
Tôi vẫn thấy người trên vạn lý
Hồ Xuân Hương lặng lẽ chiều buông
dốc hoa vàng
người đứng trong sương…
 
                            Nguyễn Đại Hoàng
 
 
ĐỌC “DỐC HOA VÀNG- NHỚ CẬU”, thơ Nguyễn Đại Hoàng 
                                                       Châu Thạch
 
Tôi chỉ mới biết nhà thơ Nguyễn Đại Hoàng gần đây. Tôi biết ông qua những bài tùy bút viết về thơ trên trang facebook có tên Anh Dung Hoang.
 
Phải nói tuy mới biết ông, nhưng tôi vô cùng ái mộ bởi bài viết của ông ngắn gọn, súc tích, chính xác và trí tuệ.
 
Hôm nay lại được đọc bài thơ ông viết để tưởng nhớ cậu ruột của mình, nhà thơ, nhà dịch giả, triết gia Đỗ Tư Nghĩa, cũng là một đồng môn mà tôi hằng cảm phục, khiến tâm hồn tôi như gặp, cảm xúc trong tôi như gần với cảm xúc trong thơ.
 
Chỉ cần đọc câu thơ đầu tiên “Tôi vẫn thấy - người về dốc thẳm” ta đủ tưởng tượng một khung trời buồn, một con dốc hút xa tầm mắt, và bóng người về mỗi lúc một hiện gần hơn.
 
Rồi thì “những mù sương Đà Lạt ngàn năm” định vị cho ta biết ngay, bóng người đi trong khung trời Đà Lạt sương mờ. Đà Lạt không sương mờ bây giờ, nó sương mờ từ ngàn năm trước.
 
Câu thơ kéo hình ảnh người đi như đi từ quá khứ xa xăm để về trên con dốc dài muôn dặm.
 
Từ hình ảnh người đi, tác giả cho ta liên tưởng ngay đến con người và sự nghiệp của con người đó.
 
“Những nụ cười im lặng xa xăm” phải chăng muốn mô tả bóng dáng của một hiền nhân suy tư trong im lặng và thỏa lòng với nụ cười chân thiện khi ngộ một vấn đề nan giải.
 
Đúng vậy, câu thơ “Những trang viết mang hồn đất nước…” cho ta biết người viết về những điều to lớn, ngang tầm đất nước, quê hương.
 
Vậy thì, đọc khổ thơ đầu, nếu nghĩ gần, ta thấy nhà thơ tả hình ảnh một người trí thức đi trên con dốc, dưới sương mờ Đà Lạt.
 
Đúng thế, nhưng nếu nghĩ xa hơn, ta sẽ thấy đàng sau những thước phim thực tế kía, có những ẩn ý sâu xa về thân phận, về cuộc sống âm thầm, ẩn dật, suy tư, lặng lẽ và miệt mài trên con đường đời, để đi tới lý tưởng mà Đỗ Tư Nghĩa, người cậu ruột của nhà thơ đã sống trên khung trời Đà Lạt sương mờ.
 
Qua khổ thơ thứ hai hiện rõ thêm việc làm và nhân cách của nhân vật trong thơ:
 
Người ra đi – thơ còn xuôi ngược
để gởi tình yêu – gởi cuộc đời
những bài thơ tháng năm vẫn đợi
hoa quỳ vàng vời vợi cố nhân…
 
Câu thơ “Người ra đi - thơ còn xuôi ngược” chứng tỏ người đó lao động trí óc suốt một đời.
 
Thành quả lao động trí óc của người đó dâng cho đời nhiều lợi ích đến nổi thơ vẫn còn xông xáo khi người ấy đã ra đi.
 
Di cảo của người ấy còn những bài thơ đẹp như “hoa quỳ vàng” vời vợi chờ cố nhân.
 
Cố nhân đây không phải chỉ là người tình, mà còn là tri kỷ từng gặp kiếp nầy, tri kỷ chưa gặp trong đời này nhưng có duyên từ kiếp trước, sẽ gặp trong thơ ở “Tam bách dư niên hậu” biết đâu.
 
Khổ thơ thứ hai làm cho sống động nhân vật trong thơ, dựng lên hình tượng cao thương trong tình yêu, trong cuộc đời, đem hoa quỳ Đà Lạt vào thơ bằng hình ảnh “Hoa quỳ vàng vời vợi cố nhân” làm hóa hình thơ của Đỗ Tư Nghĩa đẹp vô vàn trong khung trời Đà Lạt mộng mơ.
 
Khổ thơ thứ ba sơ lược tiểu sử đời người:
 
Hồn quê cũ mẹ hiền vương vấn
nếp nhà xưa mấy bận bâng khuâng
nhớ Nguyễn Hoàng– nhớ nắng Hải Lăng-
mây trắng - nhớ tài hoa Quảng Trị
 
Nhà thơ, dịch giả, triết gia Đỗ Tư Nghĩa để lại cho đời một gia tài văn chương, triết học đồ sộ, những bản dịch của ông quý giá cho đời.
 
Đọc tiểu sử đời ông không khác chi loài hoa Hoàng Lan, biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ, tràn trề, tựa như ngôi sao tỏa sáng rực rỡ.
 
Ông viết và viết, mang đến cho đời niềm vui trí tuệ, cho diễn đàn văn học nước nhà những tác phẩm hữu ích cho đời.
 
Đỗ Tư Nghĩa sinh tại Quảng Trị, lớn lên từ ngôi trường Hải Lăng, trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, sau đó trường đại học và trường đời.
 
Mẹ và quê chắc chắn ở trong con tim nhiều cảm xúc kia, tất nhiên nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ ngôi trường là điều phải có.
 
Nhớ nắng Hải Lăng, mây trắng là hình ảnh của tuổi thơ với bầu trời của mình, nhớ tài hoa Quảng Trị là nhớ bạn bè thân thương trong tuổi học trò.
 
Đất Quảng Trị nghèo khó, nắng cháy mưa dầm nhưng người Quảng Trị rất tài hoa và phong nhã.
 
Qua khổ thơ thứ tư, tiếng thơ lắng xuống nhẹ nhàng, êm ái, hình ảnh nhạt nhòa, thơ mộng trong bầu trời trầm lắng, trong con dốc thăm thẳm nhưng đầy hoa vàng, làm cho người đi tồn tại kỳ vĩ trong khói trong sương:
 
Tôi vẫn thấy người trên vạn lý
Hồ Xuân Hương lặng lẽ chiều buông
dốc hoa vàng
người đứng trong sương…
 
“Vạn lý” có nghĩa là rất dài, còn có nghĩa là muôn dặm như Vạn Lý Trường Thành.
 
Vậy Nguyễn Đại Hoàng thấy cậu mình trên vạn lý là thấy hoài trong tâm tưởng, thấy hình ảnh tồn tại trong dòng sông ký ức của mình.
 
Nhà thơ nhớ cậu khi cậu đứng bên Hồ Xuân Hương, khi đi trong sương trên dốc hoa vàng.
 
Tất cả những hình ảnh thân thương đó không duy là nỗi lòng của người cháu nhớ cậu mà là bản trường ca truy điệu, đại diện cho nhân sĩ thời đại nầy nhớ thương một nhân sĩ đã ra đi khuất bóng dốc hoa vàng, còn chăng là ảo ảnh trong sương mờ Đà Lạt, ẩn hiện trong mắt thi nhân vì thương nhớ.
 
Bài thơ “Dốc Hoa Vàng- Nhớ Cậu” của Nguyễn Đại Hoàng viết về một ảo giác giữa mù sương Đà Lạt, ảo giác đó mang hình ảnh thật nằm sâu trong ký ức, hằn lên những kỷ niệm thân thương về một nhân vật tài hoa đi về trên con dốc có hoa vàng, bên cạnh Hồ Xuân Hương. Nhân vật đẹp như thơ và bài thơ như mộng!
 
Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “DỐC HOA VÀNG, NHỚ CẬU”, thơ Nguyễn Đại Hoàng - Châu Thạch