Cứ mỗi lần sắp đến NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM, có lẽ, trong mỗi chúng ta, lại quay trở về tuổi học, với cả tấm lòng thương yêu quý kính, về những thầy cô giáo, đã dạy dỗ chúng ta, tự thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, từ lớp học trường làng, cho đến khi lên trường tỉnh, và hơn thế nữa. Rồi bao kỷ niệm buồn vui, tình cảm kính yêu dành cho thầy cô, có lúc tưởng chừng nhạt phai nơi miền ký ức, trong khung trời dĩ vãng mang dấu ấn học đường, lại ùa về sống động, dâng chật cứng tâm tư, khi ngày lễ đã đến gần.
Lòng thiết nghĩ, hai chữ TRI ÂN, luôn tỏ mờ hiện hữu trong mỗi chúng ta. Không nhất thiết chúng ta, phải học hành đỗ đạt, trở thành ông kia bà nọ, mới tỏ ra biết tôn sư trọng đạo, mới biết uống nước nhớ nguồn, mới ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Mà truyền thống tốt đẹp “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”, đã bén rễ trong ta, từ buổi mới cắp sách đến trường, học được những gì tốt đẹp nhất, cùng kiến thức, thầy cô giáo đã truyền thụ cho chúng ta, với khẩu hiệu “TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN”. Và thầy cô giáo, như là những thiên sứ, thực thi sứ mệnh chắp cánh ước mơ, cho chúng ta bay cao bay xa, dưới bầu trời tương lai đang rộng mở, từ khi ta còn là những cô chú nhóc thơ ngây. Những người được sinh ra và lớn lên trước 1975, có lẽ sẽ quen thuộc hơn, tình nghĩa hơn ít nhiều thế hệ trẻ bây giờ, khi đón nhận câu “Nhất tự vi sư - Bán tự vi sư”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quả đúng vậy! Một chữ cũng là thầy – nửa chữ cũng là thầy. Cuộc đời trong mỗi chúng ta, từ mẫu giáo cho đến lúc trưởng thành, được biết bao thầy cô giáo, góp công sức dạy dỗ ta nên người. Và mỗi thầy cô, ít nhiều, luôn để lại cho chúng ta, những điều tốt đẹp khó phai, khi quý thầy cô truyền thụ kiến thức cho chúng ta, với tình cảm từ trái tim, cống hiến cả tâm lực và trí lực, cho sự nghiệp trồng người cao cả. Quý thầy cô phải hy sinh biết bao điều, trong cuộc sống cá nhân, phải luôn là những tấm gương mẫu mực, khi đã chọn cái nghề cao quý nhất, trong những nghề cao quý. Ngày ngày quý thầy cô, phải đổ bao giọt mồ hôi trên bục giảng, phải khàn đau cả cổ họng, mong chúng ta được thành nhân trước khi thành danh, mang niềm vui đến cho gia đình và xã hội. Thầy cô giáo như những người lái đò, đưa lớp lớp qua sông suốt mấy chục năm nghề, có thể quên những người khách, đã từng bước lên đò. Nhưng, chúng ta không được phép quên quý thầy cô giáo, đã từng tổn hao tâm sức, dày công dạy dỗ mình. Cái lỗi ấy khó mà tha thứ được, khi chúng ta lớn lên, trong một đất nước được giáo dục, biết tôn trọng thầy cô giáo từ tấm bé, biết giữ đạo thầy trò, trong cuộc sống mỗi người, với cả những thầy cô không trực tiếp dạy, hoặc chỉ dạy được cho mình, những điều nhỏ bé nhất mà thôi.
Thầy cô dạy chúng ta mỗi ngày, phải chăng là vì công việc phải giảng dạy, vì cuộc sống cơm áo phải lo toan? Rằng, không hoàn toàn như thế! Quý thầy cô vì cái lớn lao hơn, là kế tục sự nghiệp trồng người, hết lớp đến lớp, hết thế hệ này đến thế hệ khác, luôn thực hiện trọng trách, của cái nghề cao quý nhất. Quý thầy cô phải thức khuya dậy sớm chuẩn bị giáo án, phải vắt óc soạn những bài giảng cho thật hay, cho thật dễ hiểu, hầu để cho những cô cậu học trò chậm tiêu nhất, cũng có thể lĩnh hội được. Ta nghĩ lại chẳng thấy thương sao, khi thầy cô bỏ công giảng giải đổ mồ hôi hột, mà đôi khi chúng ta,còn nói chuyện hay nghịch ngợm trong lớp, chẳng ngoan ngoãn tập trung lắng nghe. Làm thầy cô cố gắng công sức mấy, cũng như nước đổ đầu vịt, phải thất vọng, không vui nổi, bởi trò không chăm thì thầy cũng bó tay. Nên ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, nếu chúng ta biết nỗ lực phấn đấu, học hành chăm ngoan, là phần nào, đã đền đáp công ơn, cho những người đã dạy dỗ mình rồi đó. Ta không thấy quý sao, khi những năm đói khổ sau giải phóng, đồng lương giáo viên không đủ sống. Mà quý thầy cô, vẫn không bỏ học trò, dù chỉ vài tiết học, khi khốn khó trăm bề, luôn vây bủa từ mọi phía. Ấy là vì lẽ gì? – Là vì quý thầy cô, yêu nghề quá sâu nặng, thương học trò, lo cho thế hệ mai sau. Và thầy cô luôn đặt niềm tin vào chúng ta, những cô cậu học trò, sắp bước vào tuổi lớn, sẽ làm được những gì, có ý nghĩa cho mai sau. Nên quý thầy cô, chẳng nệ công sớm tối, dạy dỗ rèn giũa, đào tạo chúng ta, bằng cả khối óc và trái tim. Hầu mong chúng ta hết lớp này đến lớp khác, sẽ thành tài, góp phần không nhỏ vào công cuộc, đưa Việt Nam từ một nước đói nghèo, vượt lên chính mình, trở nên ngày càng giàu mạnh, dù không dám sánh với cường quốc năm châu.
Tự cổ, con người ta đã rất đề cao, vai trò của người thầy, trong các mối quan hệ cộng đồng, xã hội. Công ơn quý thầy cô, quả cũng lớn tày non bể, qua sự phân thứ bậc “Quân-Sư- Phụ” của người xưa. Có nghĩa là sau vua, người thầy được đề cao, trên cả cha mẹ chúng ta. Và ngoài câu : “Con ơi nhớ lấy câu nầy. Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên”, trong tục ngữ ca dao, còn có rất nhiều câu hay, như những lời khuyên bảo vàng ngọc, nhắc nhở chúng ta, phải luôn biết giữ đạo sư đồ. Lời người xưa đã dạy: “Phi phụ bất sinh. Phi sư bất thành. Phi quân bất vinh”, vẫn còn rất bổ ích, cho con người trong xã hội hiện đại của chúng ta, khi ta biết tiếp thu những tinh hoa, trong đạo lý thầy trò của Nho gia, giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo của nước nhà.
Người ta đã nói: “Tình thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp nhất trong xã hội”. Mỗi chúng ta phải biết, trân trọng giữ gìn tình cảm ấy. Vui làm sao, khi sau bao năm bôn ba, chúng ta bị trói trong nỗi lo cơm áo gạo tiền, bỗng một ngày nọ, tình cờ được gặp lại thầy cô, được tay bắt mặt mừng, được ôm nhau thân mật ấm áp, sau tháng ngày xa cách. Và cô cậu học trò của thuở ấy trong ta, đôi khi đứng mừng vui rơi nước mắt, trong hình hài đã nhuộm lắm thời gian. Trong phút giây, ta ngây ngất lâng lâng, trên đôi cánh hoài niệm, đưa ta về bên trường cũ thầy xưa, của những ngày xa ngái chốn học đường. ÔI thời gian! Làm sao ta tránh khỏi, quy luật tự nhiên của tạo hóa. Có những người trong chúng ta, đã bóng xế vòng đời, huống hồ chi là quý thầy cô của chúng ta, những người thuộc thế hệ trước đó, chẳng già yếu đến nơi, chẳng gần đất xa trời. Dẫu biết thế, vẫn cầu mong cho quý thầy cô giáo được mạnh khỏe, sống an vui trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.
Nay thường nghe đó đây hay ngao ngán, cho đạo đức của học sinh chốn học đường, đang xuống cấp trầm trọng. Truyền thống tôn sư trọng đạo, có lẽ mai một dần theo năm tháng, để lại nỗi lo buồn lớn cho ngành giáo dục. Nhưng không, chúng ta hãy lạc quan rằng, thời nao cũng có học sinh cá biệt, cũng có những học trò khá giỏi chăm ngoan, biết kính thầy yêu bạn, không phụ lòng thầy cô, đã bao năm dạy dỗ. Chúng ta hãy tin vào con em của chúng ta, những thế hệ tương lai, vẫn mãi kế tục truyền thống “Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của cha ông, trong xã hội nước nhà. Chúng ta luôn biết đối nhân xử thế, giữ đạo sư đồ, kính trên nhường dưới, tương ái tương thân, gắn kết cộng đồng, mở lòng ra với thế hệ trẻ, làm gương cho chúng, góp phần giữ gìn truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo”. Là coi như, chúng ta đã ít nhiều, trả được công ơn cho thầy cô rồi vậy. Chứ không nhất thiết phải túc trực chăm nom giúp đỡ, những thầy cô đã từng dạy dỗ mình, mới xứng nghĩa tri ân. Nhân sắp đến ngày NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM, xin gửi nơi đây một lời chúc sức khỏe, một tình cảm thiêng liêng trân trọng nhất, đến quý thầy cô, cùng tất cả mọi người. Mong tình sư đồ mãi gắn bó, nồng ấm trong mỗi chúng ta, nhất là trong dịp lễ HIẾN CHƯƠNG.
Sài GÒN 09/11/2024
Duy Toàn – Lưu Lãng Khách
<luulangkhach@gmail.com>