Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, December 22, 2020

HAI GÁNH PHIỀN NÃO - Tùy bút Vĩnh Thông

 



HAI GÁNH PHIỀN NÃO

 

Tùy bút VĨNH THÔNG

 

Mạng xã hội Facebook có chế độ chặn những người mà mình không thích, có nghĩa là mình sẽ hoàn toàn không thấy họ và họ cũng hoàn toàn không thấy mình. Nhiều người thấy tiện, thấy hay. Bởi người mình không thích thì cứ… chặn cho khỏe, khỏi phải mắc công nhìn thấy họ rồi lại bực bội: “Nhìn bản mặt thấy ghét!”. Thỉnh thoảng tôi thấy một số bạn bè Facebook chụp hình lại danh sách chặn của mình rồi đăng lên trang cá nhân kèm lời chú thích đại khái như: đây là kết cuộc của những kẻ khó ưa!

Ở đây tôi chỉ xin bàn về những trường hợp chặn vì ghét, chứ không nói đến những trường hợp chặn vì bị làm phiền. Nhiều người nghĩ rằng khi chặn những người mình ghét trên Facebook có nghĩa là mình đã tránh được sự khó chịu. Thật ra không phải bạn đang tránh sự khó chịu đâu, mà dường như bạn đang cố trốn tránh lòng oán ghét của mình.

Có phải bạn đang nuôi dưỡng lòng oán ghét tiềm tàng? Nhìn thử xem, khi liệt ai đó vào danh sách chặn, có nghĩa là người nầy trở thành “phần tử nguy hiểm” trong mắt bạn, mặc dù không còn thấy họ trên Facebook, nhưng khi cái tên đó vẫn nằm mãi trong danh sách chặn tức là nó sẽ mãi nhắc nhở bạn rằng: “Tôi ghét hắn”. Mở danh sách chặn ra, bạn gặp tên người đó. Không mở danh sách chặn, bạn cũng nhớ rằng mình đã chặn người đó. 

Như vậy thì dù sao đi nữa, khi chặn một ai đó sẽ đồng nghĩa với việc bạn mãi mãi nuôi lòng oán ghét người nầy, chứ làm sao quên được? Chặn một người chẳng qua là nhắc nhở chính mình phải ghét họ. Danh sách chặn chính là bằng chứng cho sự tồn tại lòng hận thù trong bản thân mình. Khi nào bạn còn đưa người khác vào danh sách chặn của Facebook hay “danh sách ghét” của lòng, tức là bạn còn nuôi dưỡng lòng oán ghét. Điều bạn muốn quên chẳng qua là đối tượng mình ghét, chứ không phải quên đi lòng oán ghét.

Người bị ghét khổ là phải, vì họ bị người khác ghét nên khổ là đúng rồi. Song, người chủ động ghét người khác, sao cũng khổ? Có bao giờ chúng ta nghe ai nói: “Tôi sung sướng khi tôi ghét hắn” chưa? Toàn là khổ! Thí dụ nhé, bạn đang dạo bộ ở công viên, bỗng dưng gặp người mình ghét cay ghét đắng, tự dưng cuộc dạo bộ mất hết không khí vui tươi, bạn đâm ra bực dọc. Dù người nầy không nói gì đến bạn, thậm chí có thể không nhìn thấy bạn, nhưng hễ ghét rồi thì gặp mặt cũng đã cảm thấy… khó ưa. Rõ ràng là không ai gieo rắc phiền nào cho bạn, tự bạn đang tìm kiếm phiền não để ôm vào người.

Thấy rõ oán ghét là hại mình hại người, khổ mình khổ người, nhưng chúng ta vẫn cứ khăng khăng ôm về nhà những chiếc ba lô mang tên “thù hận”, rồi cất kỹ trong tủ, khóa lại cẩn thận. Đến khi sức khỏe đã quá tệ, không còn đủ khả năng mang những ba lô đó về nhà nữa, thì mình cũng sắp từ giã cuộc đời rồi. Cả cuộc đời, chỉ toàn mang về cho mình sự khổ đau!

Thay vì trốn tránh, tôi nghĩ bạn nên hãy tập chấp nhận.

Buông bỏ lòng oán ghét nghĩa là đối diện với người đó mà cảm xúc oán ghét trong lòng mình không còn tồn tại hoặc không phát sinh trở lại. Chỉ khi nào bạn không chặn họ, thấy họ hằng ngày trên Facebook, phát hiện họ vẫn có những điểm tốt, không quá đáng ghét, cái ghét trong bạn từ từ loãng dần rồi tan hẳn, đó mới là buông bỏ lòng oán ghét. Khi nào danh sách chặn trên Facebook rỗng và “danh sách ghét” của lòng cũng rỗng, bạn mới thực sự thảnh thơi.

Bỏ qua, không có nghĩa là tôi khuyên bạn nên tha thứ hay khoan dung. Bởi, bạn có chắc rằng mình là người đúng hay không mà đòi khoan dung kẻ khác? Khi nào đối phương sai ta mới có thể khoan dung, còn trong những trường hợp không thể chắc rằng ai đúng ai sai thì làm sao mình đòi quyền được khoan dung người khác? Bất đồng ý kiến về một quan điểm gì đó, có thể sẽ có kẻ đúng người sai. Nhưng có những thứ bất đồng không thể phân chia đúng sai.

Người nói ít, người nói nhiều, người nghiêm túc, người đùa cợt, người lạnh lùng, người hồ hởi… điều đó không làm cho con người ta trở nên đúng hoặc sai, bởi đó là bản chất. Người nghiêm túc mà đối phương cợt đùa, không có nghĩa là mình đúng còn họ sai. Như ớt phải cay, muối phải mặn, đường phải ngọt, chanh phải chua… đó là bản chất, không thể bắt ép phải thay đổi được, càng không có cái gọi là đúng sai. Trăm ngàn người có trăm ngàn tánh cách, người ta sẽ là người “đúng” khi sống đúng với tánh cách của họ và bạn sẽ là người “sai” khi bắt người khác phải sống theo ý muốn của mình. 

Tôi cũng không kêu gọi bạn hãy đừng ghét nữa, hãy yêu thương đi… tôi không hô hào kiểu đó. Mà là, hãy tập thay đổi thái độ nhìn nhận người khác đi. Để làm chi? Không phải vì họ, mà là vì mình, mình sẽ tìm được sự thoải mái cho lòng mình. Thay đổi thế nào? Đọc những trạng thái, bình luận, tin nhắn… mà không thấy nó khiến mình phải ghét người viết. Khi đọc một câu nào đó mà thấy khó chịu, có thể là lỗi của người viết, nhưng biết đâu cũng có thể là do chính bạn vì đã quá khó khăn và cố chấp. 

Với cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng trong giao tiếp không cần phải quá khắt khe, giáo điều. Người ta có thể nói chuyện lễ phép dạ dạ thưa thưa với bạn, nhưng có chắc rằng sau lưng bạn họ không nói xấu hay chửi bới? Có thể một người thốt ra một câu hơi mất lịch sự với bạn, khi nhận ra thì người nầy cảm thấy hối hận. Trong khi đó, bạn lại chấp vào câu nói kia để hờn giận, ghét bỏ. Nếu cả hai đều buông được, người kia không chấp câu nói đó để buồn, bạn không chấp câu nói đó để giận, thì chẳng phải cả hai đều thoải mái sao? Lời nói nhìn cho rốt ráo thì chúng lại… chẳng nói lên được điều gì cả, con người sống đâu phải vì mục đích chấp vào lời nói để phán xét nhau. 

Nếu có mười việc bắt gặp trong ngày, ta cảm nhận tám việc dễ chịu và hai việc khó chịu, thì đời sẽ đẹp biết bao. Nhưng rất tiếc nhiều người lại cảm nhận ngược lại. Chúng ta luôn thấy mọi thứ xung quanh mình khó ưa nhiều hơn là dễ thương. Gọi vui thì đó là hội chứng “nhìn đâu cũng thấy khó ưa”.

Trên đời vốn không có cái gì khó ưa hay dễ thương, mà chỉ có con người nhìn chúng với thái độ dễ thương hay khó ưa. Như một loài hoa ra đời sẽ tự mặc định về màu sắc, nhưng chúng không mặc định cho mình phải xấu hơn hoa nầy hay đẹp hơn hoa khác, cũng không một đấng thần linh nào mặc định cho chúng như thế. Tất cả chỉ là do con người tự ý xếp đặt một cách độc tài, rằng hoa hồng thì đẹp hơn bông vạn thọ chẳng hạn. Trong cuộc sống, sự đánh giá tốt xấu rốt cuộc đều từ cái nhìn của từng cá nhân. 

Người khác mang phiền não đến cho mình cũng đủ để mình mệt lắm rồi, mình ngu dại gì mà lại còn tự rước phiền não cho bản thân. Hai gánh phiền não, một của “tha nhân” và một của “tự thân”, mang chi mà nặng vậy?

Đôi khi chỉ một mỉm cười là đủ, vậy thôi. Còn bao giận hờn, thù ghét, ganh đua như phế thải xô bồ và rối rắm, mang chi để nhọc lòng…

 

VĨNH THÔNG

vinhthongts@gmail.com

 

READ MORE - HAI GÁNH PHIỀN NÃO - Tùy bút Vĩnh Thông

TẾT TƯƠI, TRÂU CƯỜI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

 

                  

Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân


TẾT TƯƠI, TRÂU CƯỜI

Truyện ngắn

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

 

        Tiếng ngoại rít thuốc lào từng cơn phá tan không gian yên tĩnh của buổi đêm, khi không khí chuẩn bị xuân bắt đầu tràn về qua từng nẻo của cơn nhà nhỏ. Ba tôi ngồi trên thềm cạnh ngoại, mắt cũng ước chừng khá đăm chiêu, ánh trăng đêm soi sáng hai người đàn ông một cách vằng vặc ngồi yên tĩnh bên thềm. Ngoại đưa cho ba điếu cày nhưng ba nhìn tôi rồi phẩy tay, lấy chén trà nhấp một ngụm rõ to. Ngoại cười khề khà:

     -Bây hứa với nó không hút thuốc, là ba cái thuốc lá có hại cho sức khỏe. Chứ cái ngữ này có hại gì đâu.

     Ba tôi chỉ phì cười, đó là ngoại nhắc tới lời hứa của ba với tôi, rằng khi tôi được học sinh giỏi ba sẽ bỏ thuốc. Má trong nhà đi ra thay ấm trà mới, tiếng bước chân dù rất nhẹ của má cũng là tiếng động duy nhất sau hồi yên tĩnh, chỉ có tiếng lũ nhái ngoài ruộng khẽ kêu từng cơn như dạo nhạc. Bỗng, tiếng cậu tôi í ới:

     -Ba, giữ con trâu lại. Nó chạy, ba…

     Làm cả ba tôi và ngoại lập tức chạy như bay ra cổng. Con trâu nhà tôi chiều dắt về đóng cột hẹp nên lỏng dây, hắn ăn xong, thấy dây nới rồi vùng chạy lúc nào không để ý. Nhưng còn biết đường mà về, cứ “diễu hành” trước mặt cậu như trêu ngươi cho cậu thấy rồi mới chạy. Dắt được con trâu về mà ngoại túa cả mồ hôi, quay qua nói với ba:

     -Tao định bán con trâu. Tết tươi sắp tới rồi, trước là qua hai cơn bão, nhà gần như mất hết, người còn nuôi không đặng huống gì trâu. Sau nữa, nếu dư được chút thì coi như gửi chút tiền cho bà già với vợ mày mua đồ sắm tết.

     Ba có vẻ phản đối:

     - Hết tiền thì mình xoay kiểu khác. Ba lớn tuổi rồi, con trâu trong nhà vừa thồ kéo, vừa để tới mùa lúa còn bớt nhọc.

     Nhưng ngoại có vẻ đã quyết, tôi nghe tiếng lũ nhóc em họ mới nghe ý ngoại đã bù lu bù loa cả lên, hứa hẹn đủ điều. Dẫu thế, ngoại vẫn ra chiều quyết tâm lắm, rít cả một hơi thuốc dài…

+++

    Hai cơn bão về quá đột ngột, dù được chuẩn bị đề phòng từ trước nhưng cũng cuốn đi của ngoại tôi hầu như mọi thứ. Ông bà ngoại tôi sống trong một căn chòi nhỏ mé sát một bờ kênh, ngày bão về được ba mẹ tôi rước về ở trong nhà cho bớt nguy hiểm. Nhà tôi dù cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều, cũng ngập nước lênh láng nhưng ít ra còn vững chãi hơn căn chòi nhỏ của ngoại. Nhưng đến khi bão tan, ngoại cứ nằng nặc đòi ra xem cái chòi như thế nào. Nó đã biến mất trên dòng kênh, bao nhiêu đồ đạc cuốn trôi tất. Vốn nó là một cái tạp hóa nhỏ, ngoại mở ra bán dăm gói mì, cái bánh cho vui thú tuổi già. Nhìn cảnh ngoại lội bì bõm trong một phần chòi còn sót lại, chiếc giường con mà ông bà vẫn hay nằm chiếu mền ướt sung và đôi mắt đỏ hoe của ngoại khiến tôi không khỏi xót xa. Nhưng khi thấy tôi, ngoại lập tức xua đi nước mắt, ôm tôi bế thốc lên qua vùng nước nổi:

     -Lát mày với ngoại dắt trâu đi lái bán rồi ngoại mua cho mày chậu tắc như mọi năm nhé?

     -Nhưng ngoại thương trâu lắm mà.

     -Ừ, nhưng cái này đi thì cái khác mới đến được. Tao cũng già rồi, không thể dắt nó đi làm mãi được. Bão vừa rồi, cái nhà mày bị dột, rớt laphong rồi, ba mày giấu không nói nhưng tao biết tất. Coi như một phần để nhà mày sửa sang tết.

     Nhưng khi thấy ngoại đưa trâu cho lái, ánh mắt ươn ướt tôi cũng không khỏi xót xa.

     Sau đợt lũ, ngoại về ở với nhà tôi, cùng nhau sửa sang nhà. Mọi thứ về cùng với Tết, kể cả tình thân và sự sum họp. Nhà tôi thành điểm hẹn để dì cậu cùng về. Nhìn ánh mắt ngoại vui mỗi khi con cháu tề tựu sum vầy không khỏi khiến người ta xúc động. Nhà ngoại đông con, mỗi người một phương trời rồi lập gia đình ở đó, chỉ có Tết mới về. Ngày giáp tết, nhà tôi vẫn giữ truyền thống tự làm bánh mứt cổ truyền, các cậu chia nhau đi chặt dừa non về làm mứt, các dì nhào nặn đổ khuôn các loại bánh xanh đỏ tím vàng. Ngoại tôi từng bảo:

     -Mấy thứ này có thể mua đầy ngoài chợ, nhưng nếu tự tay làm sẽ ý nghĩa hơn. Hơn nữa, khi là một gia đình, cùng nhau quay quần, cùng làm một điều gì đó sẽ là một kí ức đẹp.

     Nhất là nồi bánh chưng, lúc nào cũng phải nấu cả hai nồi to mới đủ chia hết cho con cháu.Lũ trẻ chúng tôi luôn dành nhau canh lửa nhưng chưa được non đêm là đã ngủ say rồi, để các người lớn phải ra bế vào rồi chia nhau ra canh. Ba tôi bảo ba và các cậu thường nhâm nhi lon bia đêm cho bớt lạnh rồi nói chuyện cả đêm quên cả ngủ bên nồi bánh dù có thể chia nhau luân phiên trực.

      Đêm giao thừa, các dì và mẹ tôi sẽ cùng xếp mâm ngũ quả “cỡ đại”, vì các gia đình đều tập trung đón giao thừa chung tại một nhà. Lũ trẻ nối đuôi nhau nhận lì xì từ người lớn. Đến ngoại, cậu cả trong nhà trịnh trọng:

     -Tụi con cũng có món quà mừng tuổi ba.

     Rồi anh họ tôi dắt từ dưới sân lên một con trâu, mới nhìn xoáy đã biết là lão trâu nhà. Chúng tôi, ngoại tôi vội đứng ngay dậy mắt rung rung:

     -Tụi bây, sao tự dung… Tiền đâu mà…”.

     Các cậu dì tôi quay quần ôm lây ngoại, tôi cũng không nghe rõ: “Tụi con chuộc về… Biết ba với lão trâu tình cảm lắm…”

     Ba tôi lúc này mắt cũng có màu hoàng hôn nhìn ngoại: “Ba đã hi sinh cả đời vì tụi con rồi, sao một món quà tết cũng không để tụi con thảo hiếu”.

     Tiếng dì dõng dạc: “Anh em trong nhà chia nhau, mỗi người một ít, không nhiều nhặn gì. Ba dạy tụi con đoàn kết mà thứ đoàn kết ý nghĩa nhất ba lại không nhận à?”

          Tôi nghe tiếng pháo hoa giao thừa nổ trong đêm. Tết người ta thường dặn nhau hãy cười nhưng cả nhà tôi đều khóc. Nhưng không hiểu sao, tôi lại thấy những giọt nước mắt này hạnh phúc lạ thường.

 

Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân

Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

Email: Phongtruongtu201@gmail.com

READ MORE - TẾT TƯƠI, TRÂU CƯỜI - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

THÁNG MƯỜI LỤC BÁT | LỜI RU TỪ QUÊ HƯƠNG - Thơ Phan Nam

 

Nhà thơ Phan Nam


Tháng mười lục bát


Góc phố xào xạc giấc thu

Người ngồi nhớ gió thổi từ trăm năm

Tiếng chổi khuất bóng mù tăm

Con đường trang trải những trầm tích xưa


Thương em biết mấy cho vừa

Tháng mười khao khát những mùa mưu sinh

Cửa hàng giấu kín đôi mình

Phiên chợ đã vãng, cuộc tình đã tan


Buổi đầu chiếc lá rơi ngang

Mặt trời ló dạng giữa hoàng hôn, em

Mẹ mang xe rác qua thềm

Trong veo xác lá, dịu êm cõi lòng


Tháng mười lục bát qua sông

Đà thành áo lụa bềnh bồng nụ yêu…


Lời ru từ quê hương


Lời ru của mẹ trắng xóa bến đò

Ngọn đèn dầu ngả nghiêng theo làn gió

Tự bao giờ mưa trút xuống quê hương

Mẹ ẵm tôi chạy như bay trên con đường


Cơn lũ không thể cất giữ dấu chân mẹ

Khu rừng ngày đêm soi mắt đỏ

Những đóa hoa dập duềnh

Những con thuyền lênh đênh


Mưa vẫn trắng trời miền trung

Lũ vẫn dâng lên, dâng lên

Bàn tay vô hình siết chặt lồng ngực

Tiếng chuông chùa bặt âm tiềm thức


Cây cỏ cúi mình nhặt nhạnh phù sa

Khói lam chiều giăng giăng tiếng nấc

Cơn lũ lặng lẽ đi qua

Những con người sẵn sàng nhường cơm sẻ áo...

PHAN NAM


-------------------------------------------------------

Tác giả: Phan Văn Nam, bút danh: Phan Nam.

Địa chỉ: ThônThanh Bôi, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.

<phanvannamsp@gmail.com>


READ MORE - THÁNG MƯỜI LỤC BÁT | LỜI RU TỪ QUÊ HƯƠNG - Thơ Phan Nam

HƯỚNG THIỆN TÂM LINH: ĐÂU CŨNG QUÊ NHÀ - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

 

 

(Tạp văn) 


Hướng thiện tâm linh: đâu cũng quê nhà

 

Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

-- 

 

TRÀ THIỀN

 

Hương trà thanh thoát
Dứt bặt tâm ngôn
Tuệ giác siêu việt
Thắm hoa cõi Thường

Trời đất bao la
Về trong một niệm
Quên người, quên ta
Vầng trăng tịch chiếu

Vị trà thoát tục
Dứt bặt tâm hành
“Chúng sinh tức Phật”
(*)
Pháp giới thanh xuân

Tâm Không - diệu dụng
Bất lập nhị nguyên
Duyên lành toả khắp
An vui cõi Thiền.

-- 

(*): Một thiền thoại cho trực giác tâm linh.
(Đường Về Minh Triết; Thivien.net)

------------------------- 

 

HƯỚNG THIỆN TÂM LINH: ĐÂU CŨNG QUÊ NHÀ

(Kính mời quý độc giả đọc trước các đoạn làm đậm chữ - liền sau các số thứ tự, trước khi đọc toàn bài, để có thể khêu gợi một cái nhìn nhất quán. Các trích đoạn tham khảo được sưu tầm từ phát biểu của một số nhà khoa học).

 

1) Khi nhà chuyên môn nghiên cứu về khoa học và tâm linh, họ có cái nhìn, có cảm nhận khác hơn đa số chúng ta về sự tồn tại của thân thể con người, về sự tồn tại của thế giới.

 

(Trích trong Sự Sống Sau Cái Chết: Gánh Nặng Chứng Minh (Deepak Chopra - tiến sĩ y học, nhà nghiên cứu tâm linh; được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 anh hùng và biểu tượng của thế kỉ XX; dịch giả: Trần Quang Hưng):

 

“Vũ trụ mà tôi và bạn thể nghiệm bây giờ, với cây cối, nhà máy, con người, nhà cửa, xe cộ, hành tinh và các thiên hà, chính là ý thức biểu hiện ở một tần số đặc biệt nào đó. 

(…)

Có thể là ý thức không nằm trong bộ não. Đó là một khả năng gây sửng sốt, nhưng phù hợp với truyền thống tâm linh cổ đại nhất thế giới. (…) Khoa học trong thời đại vật lí lượng tử không phủ nhận sự tồn tại của các thế giới vô hình. Hoàn toàn ngược lại.

(…)

Trường ý thức là cơ sở của mọi hiện tượng trong Tự nhiên, bởi vì khe hở tồn tại giữa mọi electron, mọi ý nghĩ, mọi khoảnh khắc thời gian. Khe hở là điểm khống chế, sự tĩnh lặng ở tâm của sáng tạo, nơi vũ trụ liên kết mọi sự kiện. (…) Chúng ta cần nhớ nguồn gốc chung của mình. Tinh thần con người suy thoái khi chúng ta hạn chế mình trong một kiếp người và giam trong một thể xác”.

 

M.A.Mikhiher, một viện sĩ khoa học Liên Xô (cũ), phát biểu về vấn đề này như sau (báo Giáo dục & Thời đại CN 9/3/1997): “Mỗi con người là một năng lượng tinh thần trong một vỏ vật chất. Chết chỉ là băng hoại vỏ vật chất, còn năng lượng tinh thần thì tiếp tục luân hồi, tiếp tục vòng phát triển mới”).

-- 

2) Những người tự nhiên có, hoặc phát triển được năng lực đặc biệt dạng ngoại cảm, họ thấy không có cái chết, không sợ mất đi ý nghĩa cuộc sống; họ biết sống an vui hơn, tâm ý hướng thiện hơn (dù còn trong luân hồi theo nhân-quả).

 

(Đây là trích dẫn về một hiện tượng tâm linh kì bí mà Eduard Sagalayev, một nhà khoa học lớn của Nga, đã trải nghiệm (tạp chí Tài Hoa Trẻ số 616/2010; Hoa Cương dịch theo Pravda):

 

“… Và đột nhiên, trong một khoảnh khắc không ngờ, tôi thấy chính bản thân mình từ một góc độ bên ngoài (như nhìn một người khác). Tôi thấy tôi đang ngồi ở ghế và nghe nhạc. Sau đó, tôi bắt đầu thấy rộng ra. Thấy rõ ràng tất cả những gì xảy ra trong các căn phòng khác, ở các căn hộ khác của toà nhà chung cư ấy, rồi thấy rõ tất cả mọi thứ trên một đường phố gần đó. Tôi nhận thấy mình ở một kích thước hoàn toàn khác của thực tại. (…).

 

Tôi vẫn tiếp tục “bay đi”. Tâm trí của tôi đã mở rộng ra rất nhiều và tôi cảm thấy mình không chỉ trong một số không gian đa chiều, mà hiện hữu trong một thế giới đặc biệt – nơi mà thiên hà của chúng ta trở nên ít bụi tinh vân hơn nhiều, so với các vùng khác. Tôi cảm thấy cõi đó rất tốt, thật ấm áp và chính tại nơi đó, tôi đã gặp lại người mẹ quá cố từ lâu của mình. Tôi không nhìn thấy rõ khuôn mặt của bà, nhưng chúng tôi đã nói chuyện với nhau – không phải bằng những từ ngữ, mà bằng thông điệp trong tim. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rõ rệt cùng lúc có hai nơi: trong căn hộ của người bạn và đồng thời, trong một thế giới chứa đầy năng lượng tốt lành và tràn ngập các thông tin – nơi có hàng tỉ linh hồn con người đang bình an cư trú. Tới lúc chợt nhận ra mình đã “trở về bản thân mình” thì thời gian ước tính đã qua mười lăm phút… Sau sự kiện đó tôi đã từ bỏ thói hư tật xấu không chút khó khăn mà nếu như trước kia, tôi vẫn không đủ nghị lực để từ bỏ”). 

--  

3) Năng lực các giác quan của chúng ta bị hạn chế và bị quy định bởi tâm trí, không cho phép chúng ta nhận biết đầy đủ và đúng đắn về cơ thể của mình, về mọi sự vật, về thế giới hiện tượng.

 

(Trích trong Vật Lí Lượng Tử Và Ý Thức (tác phẩm Trí Tuệ Nổi Trội; tiểu luận của Deepak Chopra, tiến sĩ y khoa, từng giảng dạy ở đại học Boston-Mĩ):

 

“Một số nhà khoa học có thể nói với bạn rằng, ngay lúc này hệ thần kinh bạn đang sử dụng sẽ tiếp nhận dưới một phần tỉ của các tác nhân kích thích hiện hữu. Các tác nhân kích thích mà hệ thần kinh của bạn tiếp nhận được là những tác nhân tăng cường sự vận động, ý tưởng, cách hiểu của bạn về những gì mà bạn nghĩ là tồn tại ngoài kia. Nếu bạn đã có cam kết với thực tế, thì những thứ mà tồn tại bên ngoài khung cam kết sẽ bị hệ thần kinh của bạn loại ra, hệ thần kinh mà bạn sử dụng để tạo ra sự quan sát. (…) Rốt cục, hệ thần kinh của con người chỉ có thể tiếp nhận bước sóng ánh sáng từ 400 đến 750 nanomet. Và nếu chúng ta ngẫu nhiên đồng ý với các quan sát từ các giác quan của chúng ta và sự lí giải cho những quan sát này, thì chúng ta đã tạo ra một khuôn khổ cho những lí giải mà chúng ta thống nhất”). 

--

4) Thử tham khảo quan điểm sau đây (từ nghiên cứu tâm linh, tôn giáo và khoa học) về hình thái sự sống của con người.

 

(Trích trong Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu (E-rơ-nơ Mun-đa-sep, nhà bác học tên tuổi quốc tế; dịch giả: Hoàng Giang; nxb Thế Giới, 2009):

 

“Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ – là khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn, có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia (…).  

 

Liệu con người trong thế giới vật thể có thể sống thiếu Cõi kia không? Sau khi tạo bộ gen và nhờ đó tiến hành quá trình tái tạo con người (sinh đẻ đứa trẻ) trên Trái đất, đu-khơ giữ lại cho mình chức năng tư duy chủ yếu.

Trong quan niệm tôn giáo, khi đứa bé chào đời, đu-khơ nhập vào đứa trẻ và ấn định những năng lực tư duy chủ yếu của con người. Nghĩa là, chúng ta suy nghĩ chủ yếu nhờ vào đu-khơ sống ở thế giới tế vi. Nhờ năng lượng thế giới vật thể (ăn uống) não người có khả năng vặn các trường xoắn của thế giới tế vi và như vậy hỗ trợ đu-khơ trong quá trình tư duy.
Ngoài ra, não còn tạo các trường xoắn phụ hình thành đu-sa (sinh trường) ở dạng các thể thanh bai và các thể khác hỗ trợ cơ thể người hoạt động. Sau khi xác thân chết, nhiều bộ phận tạo thành đu-sa (các thể thanh bai) cũng bị phá huỷ, còn lại đu-khơ thì bay về Cõi kia và tiếp tục sống ở thế giới tế vi, để rồi lúc nào đó lại bước vào kiếp mới. Vậy là con người, sau khi được tạo ra trong thế giới vật thể nhờ các “nỗ lực” của thế giới tế vi, là sự kết hợp các hình thái sự sống ở thế giới vật thể và thế giới tế vi.

 

Mọi người đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ. Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá. (…) Chính con người khác biệt với con vật ở chỗ: bộ máy tư duy của con người có nhiệm vụ hoàn thiện đu-khơ (đưa vào đó nhiều thông tin xây dựng) và bằng cách đó, hoàn thiện hình thái sự sống ở thế giới tế vi. Nói cách khác, là đứa con thể xác của sự sống nơi thế giới tế vi, con người có sứ mệnh thông qua thế giới vật thể thúc đẩy sự tiến bộ nơi thế giới tế vi. Con người được tạo ra cũng là bởi lẽ đó.

 

Rõ ràng là, về tầm mức, hình thái sự sống nơi thế giới tế vi (Cõi kia) cao hơn đáng kể so với sự sống ở thế giới vật thể. Đu-khơ bất tử là một xác nhận”).

--

5) Khi ve sữa bỏ xác để thành ve sầu, con ve vẫn tồn tại; tạm mượn hình thái đó để hiểu rằng, khi thân xác (năng lượng đặc) không còn, con người vẫn tồn tại (dù mắt chúng ta không nhìn thấy các dạng năng lượng khác).

 

(Trích trong bài báo ở: https //dantri com vn/xa-hoi/ve-tam-linh-neu-chua-biet-xin-dung-phu-nhan-1285923006.htm (Đoàn Xuân Mượu - giáo sư tiến sĩ, người đã kinh qua các chức vụ: phó viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, viện trưởng viện Pasteur Đà Lạt, viện trưởng viện Văcxin Quốc gia…):

 

“Trước đây, khoa học chính thống theo mô thức thực chứng duy lý, dựa trên nền tảng vật lý cổ điển của Newton không giải thích được các hiện tượng đặc biệt này. Nó không công nhận thế giới siêu hình và cho rằng nguyên tử là nguyên tố bé nhất.

Đến đầu thế kỷ XX xuất hiện mầm mống thuyết tương đối của Enstein thuyết này nói rằng, ngoài nguyên tử là phần tử nhỏ nhất còn có sóng và hạt. Thuyết lượng tử từ đó cũng lên ngôi.

(…)

Mọi sinh vật được tạo hoá sinh ra không phải một cách tình cờ, mà đều có ý định, có mục đích do “Ý thức vũ trụ”. Ý thức có trước, kế hoạch sáng thế có sau, tất cả đều bắt nguồn từ năng lượng. Con người phải do năng lượng sinh ra, bắt đầu từ năng lượng lỏng, năng lượng đặc và thành hình hài con người ngày nay.

(…)

Con người gồm 7 phần, gồm thể  xác, năng lượng, cảm xúc và 4 cơ thể tâm thần, trong đó chỉ có thể xác là hữu hình, được y học chính thống giảng dạy (đây là năng lượng đặc), 6 phần còn lại có độ đặc khác nhau. Năng lượng càng loãng càng nghiêng dần về phía linh cảm (năng lượng chưa phải tế vi). Khi sống, phần năng lượng đặc vẫn còn nhưng khi mất đi thì phần năng lượng đặc mất, các phần năng lượng khác vẫn tồn tại”).

--

6) Con người vẫn tồn tại (sau khi đã bỏ thân xác này), tất nhiên vẫn tồn tại thế giới thích hợp, vẫn tồn tại ý nghĩa cuộc sống của con người biết sống thiện ích.

 

(Trích trong tuyển tập Trở Về Từ Cõi Sáng (Nguyên Phong tuyển dịch; nxb Đồng Nai):

 

“Quý vị đừng nghĩ rằng Jo đã chết. Cậu không hề chết như quý vị nghĩ đâu, mà chỉ đi qua một cõi giới khác mà thôi. Quý vị có thể chuyển đến cho Jo những tư tưởng thân ái, những tình cảm chân thành, vì chỉ những thứ nầy mới làm cho Jo thoát được tình trạng u mê hiện nay. Càng than khóc quý vị càng làm Jo thêm đau khổ, và càng đau khổ thần trí Jo càng u mê, quyến luyến, hoảng hốt, không ích lợi gì cả.

(...)

Nói một cách khác, khi từ trần con người vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ có khác là các giác quan thuộc về xác thân đã hư hại không còn sử dụng được nữa, nhưng các giác quan mới lại bắt đầu làm việc. Sau một giây phút thay đổi như người đang đi ở chỗ tối bước ra chỗ sáng, bị loá mắt một lúc rồi mới có thể nhìn được mọi vật một cách rõ ràng, thì cũng như thế, nhờ các giác quan mới hoạt động mà người ta có thể ý thức được cõi giới bên nầy một cách rõ rệt hơn.

Điều đáng nói ở đây là sự quyến luyến với cõi vật chất, giống như người từ chỗ tối bước ra chỗ sáng lại cứ nhắm mắt, không muốn nhìn gì nữa. 

(…) 

Quý vị nên biết cõi giới bên kia cửa tử không phải là một cảnh thiên đàng hay địa ngục như người ta thường diễn tả, mà là một cảnh giới rất sáng, một thứ ánh sáng tràn đầy yêu thương của đấng sáng tạo (Thượng Đế). Tại đây người ta có dịp hồi quang phản chiếu ý thức thực của mình (tức là nhìn lại, cảm nhận tâm ý mình), để quyết định cho đời sống ở kiếp sau. Đời sống bên này rất yên lành, thoải mái vì chỉ có các tư tưởng rung động thanh cao, không hề bị ô nhiễm bởi các dục vọng vật chất. Muốn thích hợp với đời sống này, con người cần biết loại bỏ các ràng buộc vật chất như lòng tham lam, ích kỷ. Cháu Jo hiện nay vẫn còn bị ám ảnh nhiều bởi tâm trạng lúc chết, nhưng tôi tin cháu sẽ hiểu biết và siêu thoát.” 

(…) 

Cõi bên nầy không phải là nơi mà người đi qua sẽ không bao giờ trở lại, hoặc là nơi tối tăm, ghê rợn, hễ ai rơi vào đó là mất hút, mà trái lại, đó là một cõi sáng rất linh hoạt. Có lẽ nó còn linh hoạt hơn cả những đô thị sống động nhất của cõi trần, nhưng sự linh hoạt ở đây không phải là sự ồn ào, náo nhiệt mà là một sự linh hoạt rất nhẹ nhàng, bình an, thoải mái để người ta có thể cảm nhận được một tình yêu thương tuyệt đối, một ân phước dồi dào không bút mực nào có thể tả xiết. Trong sự bình an nầy, người ta bắt đầu hồi tưởng nhiều việc đã xảy ra để rút tỉa kinh nghiệm và học hỏi, để chuẩn bị cho một đời sống mai sau”). 

--

7) Biết thăng hoa tâm trí hướng thiện-hướng thượng tâm linh, sẽ biết cảm nhận được ý nghĩa của sự sống vĩnh hằng. 

 

(Vài trích đoạn tham khảo:

 

- Đọc trong Người Nam Châm – Bí Mật Của Luật Hấp Dẫn (Jack Canfiel & D.D.Watkins; người dịch: Thu Huyền & Thanh Minh): “Vì Luật Hấp Dẫn tương tác với những năng lượng rung cảm của suy nghĩ và tình cảm của bạn, nên bạn cần tập trung sự chú ý của mình vào những thứ có thể đưa bạn tới trạng thái của rung cảm tích cực. Nhiều chuyên gia về Luật Hấp Dẫn đã nói rằng, không gì quan trọng hơn việc cảm thấy thoải mái.

(…)

“Người nào gửi đi những suy nghĩ tích cực sẽ kích hoạt thế giới quanh anh ta trở nên tích cực, và anh ta cũng sẽ nhận lại những kết quả tích cực”. (Tiến sĩ Norman Vincent Peale).

(…)

Ý chí của chúng ta tự do, chúng ta có toàn quyền quyết định mình muốn tập trung năng lượng và sự chú tâm của mình vào đâu. Vũ trụ chỉ đơn giản phản chiếu (gửi ngược) điều đó lại cho chúng ta. Nếu chúng ta tập trung chú ý vào điều gì đó (tiêu cực hoặc tích cực) thì vũ trụ sẽ gửi lại cho chúng ta chính điều đó, nhưng nhiều hơn.”

 

- “Có thể nói rằng gien nghiệp là cái do chính mỗi người tự tạo cho mình. Khi một người chết đi, thân thể vật lí của người ấy tan hoại, nhưng cái nghiệp ấy vẫn tiếp tục di truyền qua nhiều đời sống của người ấy”. (Nguyễn Chung Tú, nguyên hiệu phó trường Đại học Hùng Vương-giáo sư tiến sĩ vật lí). Ông nhắc lại lời một học giả khác rằng: “Tâm tính là định mệnh”. (Nguyệt san Giác ngộ số 17/1997).

 

- “(Thầy Đa-ram nói) Năng lượng linh hồn là năng lượng ở ngoài electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra ộng đất, rơi thiên thạch...”.

(Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu; E. Mun-đa-sep – nhà bác học, giáo sư tiến sĩ y học; dịch giả: Hoàng Giang).

 

- “Thông qua cuốn sách này, chúng tôi phát hiện ra được năng lực của ý thức sâu kín và cách khai thác nguồn năng lượng khổng lồ, tình yêu thương và sự thông thái. Ý thức sâu kín được mọi người biết đến là phần trí tuệ sâu nhất. Nó được gọi với nhiều tên: quan sát viên giấu mặt, nhà tư tưởng phía sau những suy nghĩ, trí tuệ điều hành, người chỉ huy, chứng nhân, khoảng không gian giữa những suy nghĩ (…).” 

(Trí Tuệ Nổi Trội (Karen Nesbitt Shanor; tiến sĩ sinh học; dịch giả: Vũ Thị Hồng Việt; nxb Tri Thức, 2007).

--  

8) Cách tốt nhất để hỗ trợ cho những người đã từ giã thân xác này, cho tất cả tâm linh, hoặc cho những người còn sống như chúng ta, là chân thành cầu nguyện, hồi hướng công đức cho họ (với thiện tâm).

 

(Vài trích đoạn tham khảo:

“Có một ví dụ khác về khoa học là hiện tượng rối lượng tử (Quantum Entanglement). Đây là một hiệu ứng trong vật lý lượng tử mà hai hạt vật chất ở cách xa nhau nhưng có một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Trạng thái của một hạt vật chất sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức tới trạng thái của hạt kia thông qua hiện tượng liên đới lượng tử này. Trong tôn giáo, đây là một niềm tin đã được biết đến từ rất lâu: Một chiếc lá rung có thể lay động đến một ngôi sao, hay một lời nguyện cầu có thể vọng vang đến hàng ngàn ngôi sao trong vũ trụ.”

(Tôn giáo và khoa học đều cần thiết trong cuộc sống; giáo sư tiến sĩ Vinh Q. Nguyen, Đại học Coe College, bang Iowa, Mỹ; https //tiasang com vn).

 

- John Spencer, tiến sĩ y học, viết chung với Karen Nesbitt Shanor, tiến sĩ sinh học (Trí Tuệ Nổi Trội (dịch giả: Vũ Thị Hồng Việt; nxb Tri Thức, 2007):

“Một nghiên cứu xuất sắc đánh giá vai trò của sự cầu nguyện (cho người khác) trong việc chữa bệnh do bác sĩ chuyên khoa tim Randolph Byrd tiến hành đã khích lệ rất nhiều các nghiên cứu sau đó. (…) Các nhóm tôn giáo khác nhau được cử đến để cầu nguyện cho các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện (bệnh nhân không biết). (…) Các bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện ở một số khu vực so sánh với những người trong nhóm không cầu nguyện: họ dùng thuốc kháng sinh ít hơn năm lần, họ ít bị mắc chứng phù ở phổi hơn ba lần, không ai trong số họ cần đến ống thở (…), và có rất ít bệnh nhân trong nhóm được cầu nguyện bị chết”).

-Trích trong tuyển tập Trở Về Từ Cõi Sáng (Nguyên Phong tuyển dịch, nxb Đồng Nai):

“Thưa cha mẹ, con đã nói tất những gì con biết về cõi giới bên nầy. Con xin cha mẹ cứ yên chí, đừng quá lo lắng gì nhiều cho con và cũng đừng gọi con trở lại nữa... Sự liên lạc nầy không cần thiết, gây quyến luyến và làm trở ngại việc học hỏi của con. Công việc của con hiện nay rất bận rộn. Con xin cảm ơn cha mẹ và mọi người đã cầu nguyện cho con, chính nhờ việc nầy mà thần trí con sáng suốt và được thức tỉnh. Việc cầu nguyện chân thành cho người chết có thể giúp đỡ cho họ rất nhiều, đây là một điều hết sức quan trọng mà mọi người cần nên biết.” 

 

- “Vì vậy, về phương diện xã hội, nếu quảng đại quần chúng hiểu biết cơ sở khoa học của sự huyền bí, thì sẽ không còn chỗ nương thân cho mê tín dị đoan đang lan tràn rộng rãi như hiện nay.” 

(Đoàn Xuân Mượu, giáo sư tiến sĩ, nguyên viện trưởng viện Văcxin Quốc gia; https //dantri com vn/xa-hoi/ve-tam-linh-neu-chua-biet-xin-dung-phu-nhan-1285923006.htm). 

--

9) Ai cũng có thể học tập để phát triển tâm thức hướng thiện theo minh triết tâm linh, dù thuộc tôn giáo nào, dù theo hoặc không theo tôn giáo.

 

(Trích trong Đạo Của Vật Lí (Fritjof Capra; giáo sư vật lí ở các đại học danh tiếng Anh, Mĩ; dịch giả: Nguyễn Tường Bách; nxb Trẻ, 1999):

 

“Các đóng góp của Heisenberg (Nobel vật lí 1932) trong thuyết lượng tử mà tôi sẽ nói đến nhiều trong tác phẩm này, sẽ cho thấy rõ là ý niệm cổ điển về tính khách quan trong khoa học sẽ không còn được duy trì lâu hơn nữa, và vì thế mà vật lí hiện đại cũng đang xét lại huyền thoại của một nền khoa học siêu giá trị.

(…)

Từ cái nhìn này, mối liên hệ giữa vật lí và đạo học không những rất thú vị mà còn hết sức quan trọng. Nó chỉ ra rằng, kết quả của nền vật lí hiện đại đã mở ra hai con đường khác nhau để nhà khoa học đi theo. Chúng có thể đưa ta - dùng những từ cực đoan - đến với đức Phật hay trái bom, và điều này đặt ra cho mỗi nhà khoa học quyết định chọn lấy con đường.

 

(…)

Hơn thế nữa, bây giờ tôi thấy có cơ sở vững hơn nhiều với những luận điểm của mình, vì sự song hành giữa đạo học phương Đông không những chỉ xuất hiện trong vật lí mà cả trong sinh học, tâm lí học và các ngành khoa học khác.

(…)

Đối với tôi lúc nào cũng rõ, và tôi đã nói trong Đạo Của Vật Lí, rằng sự tương đồng theo cách tôi thấy giữa vật lí và đạo học phương Đông cũng có thể rút ra từ các truyền thống đạo học phương Tây”).

--

 

10) Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, để góp phần thăng hoa tâm trí hướng thiện-hướng thượng Chân Thiện Mĩ, xin giới thiệu bài Hơi Thở Minh Triết.

 

(Bài thực hành) 

HƠI THỞ MINH TRIẾT

 

Thở vào, cảm nhận hơi vào
Thở ra, cảm nhận hơi ra
Chú tâm lắng nghe hơi thở
Vọng tâm vọng tưởng dần xa

Toạ thiền hoặc không toạ thiền
Miễn sao ngồi thật an nhiên
Thở đều, hơi dài và nhẹ
Vơi bao nghiệp chướng ưu phiền

An định: dễ thấy cái “tôi”
Cái khuôn tâm não tháo lơi
Tự tri là gốc minh triết
Tỉnh thức vô ngã chiếu soi

Thở vào, cảm nhận hơi vào
Thở ra, cảm nhận hơi ra
Chú tâm lắng nghe hơi thở
Trí tuệ tâm linh thăng hoa

Y học có nhiều chứng minh
Công năng của hơi-thở-thiền
Nhân điện điều hoà cơ thể
Năng lượng vũ trụ diệu huyền

Vật lí có nhiều chứng minh
Tâm năng của hơi-thở-thiền
Lan toả duyên lành vô tận
Thiện ích khắp nẻo chúng sinh

Thở vào, lắng nghe hơi vào
Thở ra, lắng nghe hơi ra
Dần dần biết nghe vọng tưởng
Chân Tâm cực lạc khai hoa…
(*)


(*)
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết - có bổ sung; Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org).

-----------------------



 

 

 

READ MORE - HƯỚNG THIỆN TÂM LINH: ĐÂU CŨNG QUÊ NHÀ - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn