TẾT TƯƠI, TRÂU CƯỜI
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Tiếng ngoại rít thuốc lào từng cơn phá
tan không gian yên tĩnh của buổi đêm, khi không khí chuẩn bị xuân bắt đầu tràn
về qua từng nẻo của cơn nhà nhỏ. Ba tôi ngồi trên thềm cạnh ngoại, mắt cũng ước
chừng khá đăm chiêu, ánh trăng đêm soi sáng hai người đàn ông một cách vằng vặc
ngồi yên tĩnh bên thềm. Ngoại đưa cho ba điếu cày nhưng ba nhìn tôi rồi phẩy
tay, lấy chén trà nhấp một ngụm rõ to. Ngoại cười khề khà:
-Bây hứa với nó không hút thuốc, là ba cái
thuốc lá có hại cho sức khỏe. Chứ cái ngữ này có hại gì đâu.
Ba tôi chỉ phì cười, đó là ngoại nhắc tới
lời hứa của ba với tôi, rằng khi tôi được học sinh giỏi ba sẽ bỏ thuốc. Má
trong nhà đi ra thay ấm trà mới, tiếng bước chân dù rất nhẹ của má cũng là tiếng
động duy nhất sau hồi yên tĩnh, chỉ có tiếng lũ nhái ngoài ruộng khẽ kêu từng
cơn như dạo nhạc. Bỗng, tiếng cậu tôi í ới:
-Ba, giữ con trâu lại. Nó chạy, ba…
Làm cả ba tôi và ngoại lập tức chạy như
bay ra cổng. Con trâu nhà tôi chiều dắt về đóng cột hẹp nên lỏng dây, hắn ăn
xong, thấy dây nới rồi vùng chạy lúc nào không để ý. Nhưng còn biết đường mà về,
cứ “diễu hành” trước mặt cậu như trêu ngươi cho cậu thấy rồi mới chạy. Dắt được
con trâu về mà ngoại túa cả mồ hôi, quay qua nói với ba:
-Tao định bán con trâu. Tết tươi sắp tới rồi,
trước là qua hai cơn bão, nhà gần như mất hết, người còn nuôi không đặng huống
gì trâu. Sau nữa, nếu dư được chút thì coi như gửi chút tiền cho bà già với vợ
mày mua đồ sắm tết.
Ba có vẻ phản đối:
- Hết tiền thì mình xoay kiểu khác. Ba lớn
tuổi rồi, con trâu trong nhà vừa thồ kéo, vừa để tới mùa lúa còn bớt nhọc.
Nhưng ngoại có vẻ đã quyết, tôi nghe tiếng
lũ nhóc em họ mới nghe ý ngoại đã bù lu bù loa cả lên, hứa hẹn đủ điều. Dẫu thế,
ngoại vẫn ra chiều quyết tâm lắm, rít cả một hơi thuốc dài…
+++
Hai cơn bão về quá đột ngột, dù được chuẩn
bị đề phòng từ trước nhưng cũng cuốn đi của ngoại tôi hầu như mọi thứ. Ông bà
ngoại tôi sống trong một căn chòi nhỏ mé sát một bờ kênh, ngày bão về được ba mẹ
tôi rước về ở trong nhà cho bớt nguy hiểm. Nhà tôi dù cũng chịu ảnh hưởng ít
nhiều, cũng ngập nước lênh láng nhưng ít ra còn vững chãi hơn căn chòi nhỏ của
ngoại. Nhưng đến khi bão tan, ngoại cứ nằng nặc đòi ra xem cái chòi như thế
nào. Nó đã biến mất trên dòng kênh, bao nhiêu đồ đạc cuốn trôi tất. Vốn nó là một
cái tạp hóa nhỏ, ngoại mở ra bán dăm gói mì, cái bánh cho vui thú tuổi già.
Nhìn cảnh ngoại lội bì bõm trong một phần chòi còn sót lại, chiếc giường con mà
ông bà vẫn hay nằm chiếu mền ướt sung và đôi mắt đỏ hoe của ngoại khiến tôi
không khỏi xót xa. Nhưng khi thấy tôi, ngoại lập tức xua đi nước mắt, ôm tôi bế
thốc lên qua vùng nước nổi:
-Lát mày với ngoại dắt trâu đi lái bán rồi
ngoại mua cho mày chậu tắc như mọi năm nhé?
-Nhưng ngoại thương trâu lắm mà.
-Ừ, nhưng cái này đi thì cái khác mới đến
được. Tao cũng già rồi, không thể dắt nó đi làm mãi được. Bão vừa rồi, cái nhà
mày bị dột, rớt laphong rồi, ba mày giấu không nói nhưng tao biết tất. Coi như
một phần để nhà mày sửa sang tết.
Nhưng khi thấy ngoại đưa trâu cho lái, ánh
mắt ươn ướt tôi cũng không khỏi xót xa.
Sau
đợt lũ, ngoại về ở với nhà tôi, cùng nhau sửa sang nhà. Mọi thứ về cùng với Tết,
kể cả tình thân và sự sum họp. Nhà tôi thành điểm hẹn để dì cậu cùng về. Nhìn
ánh mắt ngoại vui mỗi khi con cháu tề tựu sum vầy không khỏi khiến người ta xúc
động. Nhà ngoại đông con, mỗi người một phương trời rồi lập gia đình ở đó, chỉ
có Tết mới về. Ngày giáp tết, nhà tôi vẫn giữ truyền thống tự làm bánh mứt cổ
truyền, các cậu chia nhau đi chặt dừa non về làm mứt, các dì nhào nặn đổ khuôn
các loại bánh xanh đỏ tím vàng. Ngoại tôi từng bảo:
-Mấy thứ này có thể mua đầy ngoài chợ,
nhưng nếu tự tay làm sẽ ý nghĩa hơn. Hơn nữa, khi là một gia đình, cùng nhau
quay quần, cùng làm một điều gì đó sẽ là một kí ức đẹp.
Nhất là nồi bánh chưng, lúc nào cũng phải
nấu cả hai nồi to mới đủ chia hết cho con cháu.Lũ trẻ chúng tôi luôn dành nhau
canh lửa nhưng chưa được non đêm là đã ngủ say rồi, để các người lớn phải ra bế
vào rồi chia nhau ra canh. Ba tôi bảo ba và các cậu thường nhâm nhi lon bia đêm
cho bớt lạnh rồi nói chuyện cả đêm quên cả ngủ bên nồi bánh dù có thể chia nhau
luân phiên trực.
Đêm giao thừa, các dì và mẹ tôi sẽ cùng xếp mâm ngũ quả “cỡ
đại”, vì các gia đình đều tập trung đón giao thừa chung tại một nhà. Lũ trẻ nối
đuôi nhau nhận lì xì từ người lớn. Đến ngoại, cậu cả trong nhà trịnh trọng:
-Tụi con cũng có món quà mừng tuổi ba.
Rồi anh họ tôi dắt từ dưới sân lên một con
trâu, mới nhìn xoáy đã biết là lão trâu nhà. Chúng tôi, ngoại tôi vội đứng ngay
dậy mắt rung rung:
-Tụi
bây, sao tự dung… Tiền đâu mà…”.
Các cậu dì tôi quay quần ôm lây ngoại, tôi
cũng không nghe rõ: “Tụi con chuộc về… Biết ba với lão trâu tình cảm lắm…”
Ba tôi lúc này mắt cũng có màu hoàng hôn
nhìn ngoại: “Ba đã hi sinh cả đời vì tụi con rồi, sao một món quà tết cũng
không để tụi con thảo hiếu”.
Tiếng dì dõng dạc: “Anh em trong nhà chia
nhau, mỗi người một ít, không nhiều nhặn gì. Ba dạy tụi con đoàn kết mà thứ
đoàn kết ý nghĩa nhất ba lại không nhận à?”
Tôi nghe tiếng pháo hoa giao thừa nổ trong đêm. Tết người
ta thường dặn nhau hãy cười nhưng cả nhà tôi đều khóc. Nhưng không hiểu sao,
tôi lại thấy những giọt nước mắt này hạnh phúc lạ thường.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh
Bình Định
Email: Phongtruongtu201@gmail.com
No comments:
Post a Comment