Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 14, 2020

TƯƠNG TƯ CHIỀU | TÔI THẤY NHÂN DÂN MÌNH TRƯỚC DỊCH CORONA VIRUS | CUỐI MÙA HÈ EM VỀ VỚI BIỂN - Thơ Lê Thanh Hùng

Nhà thơ Lê Thanh Hùng
Tương tư chiều
Hoàng hôn vỡ, tiếng chân bước vội
Sắc thu không đẫm buổi hoang chiều
Vệt nắng rớt, loang dần mờ tối
Lấp lóa đường xa, bóng cô liêu
                  *
Em gom nắng của ngày thu cũ
Trả lại tin yêu trên bến xưa
Nghe lễnh loãng một đời cô phụ
Ngọn đông phong líu ríu đánh lừa
                  *
Một điều gì, sao không quên được
Người đã đi, nắng chảy vội vàng
Trong một chiều, mắt môi nhòe ướt
Cuốn theo mùa, bạc phếch thời gian
                 *
Bao năm rồi, dư ba đọng lại
Vướng víu mỗi lần qua bến sông
Lóng lánh giấc mơ thời con gái
Gió vô tư thổi rối trên đồng
                 *
Biêng biếc ảo mờ trong gió lộng
Gói gọn chiều, một dấu tương tư
Rơi đâu đó xuân thì chín mọng
Một nỗi niềm, nuối tiếc, giá như ...
Lê Thanh Hùng

Tôi thấy nhân dân mình
trước dịch Corona virus
Trong những ngày cả nước gồng mình, chống Corona virus
Tât bật, xôn xao như những ngày bão lụt
Mà dự báo thời tiết, trời còn có khả năng mưa
Khi tin đồn và các trang mạng, nhảy múa từa lưa
Thiên hạ đông tây xấc bấc xang bang, lao đao mõi mệt
Mới thấy nhân dân mình trong khó khăn: Đoàn kết
Có thể ngày bình thường, ngành nọ ngành này còn tính toán so đo
Khi đụng chuyện, mới thấy những hy sinh lặng thầm, 
                                                            không một chút đôi co
                             *
Vậy mà còn có kẻ, xô bồ lao nhao lếu láo
Xuôi ngược mơ hồ, rêu rao gượng gạo
Không một chút sẻ chia, dửng dưng vô cảm trước cảnh đời
Nghĩ cho cùng, có trách giận cũng hoài hơi
Nhân dân mình trong hoạn nạn, càng vững vàng tâm tưởng
Nhận rõ đúng sai, không có giấc mơ đi mượn
Ráng một chút thôi, mỗi người làm hết việc của mình
Đêm dài sẽ qua đi, rồi sẽ có bình minh
                            *
Trong tai họa, cũng có mầm hạnh phúc
Kiên định bước qua dòng đời vẩn đục
Xốc lại đội hình - một phép thử - cố kêt lại một niềm tin
Tươi mới trong xanh, biêng biếc góc nhìn
Đội ngũ của ta vẫn trùng trùng điệp điệp
Rợp bóng của cha ông, biết bao nhiêu người sẵn sàng bước tiếp
“Nuôi quân ba năm, sử dụng một giờ”
Nuôi dân một năm, cả ngàn đời sử dụng...
Lê Thanh Hùng

Cuối mùa hè
em về với biển
Con sóng chạy hồn nhiên trên bãi
Gió mơn man, miết mỏng trưa hè
Em bước qua, cái nhìn ở lại
Khập khểnh chiều, rớt một tiếng ve
                     *
Chiếc lá, trên vai mềm rất thật
Thong thả rơi trên cỏ điệu đà
Cánh phượng cuối mùa còn lay lất
Không nỡ rơi còn đợi thu qua
                    *
Biển như cũng chiều em, khách lạ
Cứ vỗ về trong cõi dịu êm
Ngồi hong nắng, ngượng ngùng chiếc lá
Rơi vô tư trượt xuống vai mềm
                    *
Tiếng cười vang lẫn vào tiếng sóng
Mênh mang sâu thẳm, phía chân trời
Một áng mây vụng về đánh võng
Che con thuyền, ngóng sóng xa khơi
                    *
Sao có nét buồn vương ánh mắt
Mang ưu tư xuống biển làm gì?
Thả theo sóng, trôi đi chấp nhặt
Mở lòng cho gió cuốn mùa đi ...
Lê Thanh Hùng

Mưa đêm thu
Mây giăng, trời thu nín gió
Hạt mưa rơi, tan trong cỏ ngọt mềm
Em bất chợt, thật dịu êm
Quay ngang mái tóc, nhuộm đêm hẹn hò
Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận
READ MORE - TƯƠNG TƯ CHIỀU | TÔI THẤY NHÂN DÂN MÌNH TRƯỚC DỊCH CORONA VIRUS | CUỐI MÙA HÈ EM VỀ VỚI BIỂN - Thơ Lê Thanh Hùng

CHÙM THƠ 1-2-3 - Nguyễn Hồng Linh

Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh


CHÙM THƠ 1-2-3
Nguyễn Hồng Linh

Thể thơ 1-2-3 (do VHSG phát động thể nghiệm)

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn.
Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn.

CHỈ CÒN TRƠ CHIẾC GHẾ BUỒN NHƯ CHỨNG TÍCH THỜI GIAN

Người đi màn nhung đã khép lại
Bi hài kịch trên sân khấu không người xem

Không còn tiếng vỗ tay khóc khóc cười cười
Ánh đèn sân khấu đã tắt
Phấn son trau chuốt không người ngắm nghía chê khen.

EM TƯỚI CHO CÁNH ĐỒNG MÀU MỠ
Hạt nảy mầm vươn cao sao anh nỡ rời xa
Cái mặt nạ trong nhau tim đau nhức nhối

Anh đi ngược hướng và hai ta vẫn song hành
Con đường thẳng nhưng cách xa diệu vợi
Những đứa trẻ ngôi nhà hạnh phúc không giữ được ngày sau.


TIẾNG CHIỀU RƠI NGOÀI NGÕ

Chiều ơi chiều gợi nhớ giấc mơ hoang
Chiều loang tím bàng hoàng ta ngơ ngẩn

Tà áo bay bóng rũ nghiêng chiều
Bờ vai gầy ai còn say giấc mộng
Hôn lên chiều tìm lại dấu yêu xưa.

VỀ ĐI ANH MÙA ĐÃ SANG, NẮNG CŨNG DỊU DÀNG

Tiếng chuông gió leng keng bên rèm thưa vắng
Réo gọi tình quân như thiếu phụ động lòng xuân

Hoa bách nhật nhà ai xao xuyến bên tường nở rộ
Đừng dốc ngược chén đời, say khướt tìm quên
Cánh cổng thiên đường sang mùa tím khát yêu thương.

NGƯỜI ĐI VÀ ĐÊM BỖNG DÀI VÔ TẬN

Đêm sâu thẳm đen như tình đi qua nỗi đau đọng lại
Dấu ấn vẫn còn khắc sâu, cắt cứa trái tim nhau

Mưa triền miên ướt đoạn cuối cuộc tình trĩu nặng
Gió tuổi hờn, gió than van, tiếng mưa rơi vụn vỡ
Đêm trắng người đi còn nhớ hay đã quên…

Stuttgart, 06/2020
NGUYỄN HỒNG LINH

READ MORE - CHÙM THƠ 1-2-3 - Nguyễn Hồng Linh

NGUYỆT CA - Thơ Lê Kim Thượng




NGUYỆT CA

Mưa rơi tí tách hiên ngoài
Trầm buồn gõ nhịp u hoài đong đưa
Mơ về quê cũ ngày xưa
Khói xanh đầu xóm, gió đưa trên đồng...             

Cờ Lau trắng phất bên sông
Dòng đời chảy mãi... bềnh bồng bèo trôi
Lắng nghe tiếng sóng bồi hồ
Bên sông một bóng ai ngồi đơn côi
Giữa dòng thấp thoáng đò xuôi
Lãng quên bến đợi... ngủ muồi niềm đau
Sông đêm sóng vỗ bờ lau
Tắc Kè kêu động canh thâu chạnh lòng
Trời im, sông lặng xuôi dòng
Cát vàng bến lạnh... trăng trong tựa rằm
Nghiêng chao sóng nước trăng nằm
Thuyền xa bến đỗ... biệt tăm cánh bèo
Chập chùng đồi núi trăng treo
Mênh mông tịch lặng... gió reo đầu ghềnh
Đêm nghe biển nhớ gọi tên
Dạt dào sóng nhớ, buồn tênh bốn mùa
Nửa khuya vọng tiếng gió đùa
Sông buồn chảy mãi... bóng chùa trôi trôi.
Lời Kinh Nhật Tụng... nhặt lơi
Tịnh Tâm - Chánh Niệm... nụ đời nở hoa
Buồn đau, khổ lụy nhạt nhòa
Tàn cơn Bỉ Cực... vỡ òa Thái Lai...

Lòng đau... nghẹn tiếng thở dài
Trăng in gối chiếc... đêm cài hồn hoa
Một đời Đất Khách ngày qua
Anh còn gánh nặng... lân la chưa về
Mười năm ròng rã xa quê
Bốn phương mây phủ sơn khê phiêu bồng
“Thề cùng đất nước núi sông
Dẫu xa muôn dặm... tấc lòng ở đây...”   

                         Nha Trang, tháng 7. 2020
                                Lê Kim Thượng

READ MORE - NGUYỆT CA - Thơ Lê Kim Thượng

NHỮNG LẦN ĐI QUA - Thơ Vĩnh Thuyên





NHỮNG LẦN ĐI QUA

Lần đi qua dòng sông
Những dấu chân in lên trái tim bỏ lại..
người đàn ông chưa được khóc
Giọt nước mắt chảy ngược đi đâu? về đâu?

Nhiều lần đi qua
Trong giấc mơ dòng sông bật khóc
Ở cuối rặng mù u đàn cò trắng đứng nhìn
Đêm qua mưa và đêm nào cũng mưa

Sau cơn mưa bỏ lại
Đứng trên cầu mà gió lắc lay
Anh đâu rồi!?
Khi chiều hôm nắng xế
chiếc cầu vòng vuột khỏi tầm tay

                               Vĩnh Thuyên

Tên thật: Dương Văn Thạnh
ĐT: 0913955275
Email: duongvnhthuyen@gmail.com
Địa chỉ: 610 QL 22B Long Thành, Nam Hòa Thành, Tây Ninh

READ MORE - NHỮNG LẦN ĐI QUA - Thơ Vĩnh Thuyên

VÀ THÊM VÀI CHUYỆN VỀ XEM TƯỚNG TAY - Đặng Xuân Xuyến




VÀ THÊM 
VÀI CHUYỆN VỀ XEM TƯỚNG TAY
Đặng Xuân Xuyến

*

Chiều 31 tháng 07 năm 2019, dạo facebook, tôi “gặp” ảnh một bàn tay ở trang facebook Hoang Khang với mấy câu kệ:

“Bàn tay nữ mệnh sớm khóc chồng

Yêu thương luyến ái vội vụt tan

Người dương _kẻ âm, tình ly biệt

Có phải phận duyên kiếp bẽ bàng?”

Định đọc lướt qua nhưng như có một ma lực nào đó đã kéo tôi cúi xuống nhìn chằm chằm vào gò Kim Tinh. Những tín hiệu về hình ảnh khu đất cứ nhấp nháy, ngày một rõ, khiến tôi định viết vài dòng comment nhưng sợ phạm câu “Thiên cơ bất khả lộ” nên vội chuyển sang đọc mục khác. Được chừng mươi phút, tôi lại bị ma lực nào đó thôi thúc quay lại ngó kỹ gò Kim Tinh, và rồi, không thắng được tò mò, tôi đã gõ đôi dòng comment:

“Đặng Xuân Xuyến: Nhờ bác Hoang Khang hỏi chủ nhân bàn tay này để kiểm chứng giúp:

Nhà ở gần với 2 nguồn nước (sông hoặc ao hồ lớn) cùng một phía. Khu đất ở được tạo bởi mấy phiến đất chắp nối nên hình dáng méo mó, cao thấp không đều, trũng hơn đất liền kề, âm khí hơi mạnh. Có 2 lối để vào nhà, nhìn qua ảnh chụp, tôi lại đang ốm nên nhìn không rõ là cùng sử dụng 2 ngõ để vào nhà hay đã bịt một ngõ lại rồi. Đây là bàn tay của người có nhiều duyên âm nên sức khỏe tuy yếu, đời gặp nhiều phiền muộn nhưng nếu khéo tu, tuổi thọ cũng không đến nỗi nào.

Bị ảnh bàn tay ám ảnh ghê quá nên phá lệ, “phán” đôi câu nhờ bác hỏi giúp chủ nhân để kiểm chứng.

Cám ơn bác nhiều!”

Tôi hồi hộp đợi câu trả lời bởi đây là lần thứ 2 tôi viết comment khi bị ảnh bàn tay ám ảnh. Lần trước, tầm giữa năm 2018, tôi “gặp” ảnh một bàn tay ở trang facebook Hoàng Minh. Nhìn gò Kim Tinh, tôi đại khái đã comment thế này: “Khu đất ở hình thước thợ, được tạo bởi 2 phiến đất. Phía trước và phía sau đều có ao hồ nên nhiều âm khí, khiến những người cư ngụ tâm tính bất định, hay ốm vất vưởng”. Chủ nhân bàn tay xác định chuẩn xác về thế đất rồi nhờ xem về tình duyên. Anh ta comment: “Gái xinh theo nhiều quá, không biết chọn ai. Không muốn cưới vợ năm nay nhưng bạn gái dính bầu rồi nên đang bị ép cưới.”. Nhìn ngón trỏ của anh ta thon nhọn, cao xấp xỉ ngón giữa, trong khi gò Kim Tinh lại nhô quá cao, sát tận mép đường Sinh Mệnh nên tôi trả lời: “Xem qua ảnh không nhìn thấy đường Hôn Nhân, đường Sinh Lý... nên chuyện cưới xin không dám nói bừa. Chỉ có điều, bàn tay này vượng về tình dục, thuộc dạng cuồng dâm, thấy toàn mê trai thôi.”. Thế là anh ta chửi tôi nói bậy bạ, rồi chặn nick facebook của tôi. Thật tiếc lúc đó tôi không biết chụp ảnh qua màn hình nên không lưu lại được những trao đổi đó.

Lần này, tôi lại buồn khi nhận được trả lời của Hoang Khang: “Tôi rất tiếc vì không liên lạc lại được với người này, anh Đặng Xuân Xuyến.”

Sáng ngày 04 tháng 03 năm 2020, tôi kể lại câu chuyện trên và post kèm ảnh chụp trao đổi giữa tôi với nick Hoang Khang ở phần comment thì vài ngày sau, văn sĩ Thái Quốc Mưu (Muu Thai) gửi tin nhắn tới tôi sau khi ông đọc câu chuyện "xem tay qua ảnh". Ông kể lại chuyện năm xưa anh em ông đi coi tay và kiểm chứng sự chính xác của môn coi tướng tay. Xin chép lại câu chuyện của văn sĩ Thái Quốc Mưu để bạn đọc cùng tham khảo:

"Chú vừa đọc bài "Coi Tay qua ảnh" của cháu xong. Chú kể cháu nghe chuyện đi coi bói tay của anh em chú: Anh thứ Ba của chú, chủ một xưởng làm bánh ngọt bán từ Chợ Lớn, Sái Gòn đến các tỉnh Long An. Định Tường (Mỹ tho), Bến tre và tất cả các tỉnh miền Tây. Một hôm, lò nấu đặt trên lầu bị bốc cháy, nhưng dập được. Sáng hôm sau, anh chú dẫn chú đi xem bói tay anh chú. Ông Thầy coi tay, vừa cầm bàn tay anh chú liền nói ngay: "Mới cháy nhà.". Anh em chú nhìn nhau vì ông ta nói chính xác. Nhưng anh chú nói, "Thầy coi cho kỹ, tôi có cháy nhà đâu?". Ông ấy lắc đầu nói: "Ông cho nói sai, vậy ông dẫn tôi về nhà ông. Nếu tôi thấy mình đoán sai chùng ta trở lại đây, ông trọn quyền lấy hết sách vở của tôi đem đốt". Lúc đó, anh của chú đứng lên chấp tay trước ngực, cúi đầu nói: "Thưa, thầy nói chúnh xác, hồi hôm nhà tôi bị cháy nhưng đã kịp thời dập được. Tôi có ý cãi lại để coi thầy có nói khác hơn không? Nhưng thầy vẫn giữ y lời. Tôi cám ơn Thầy. Đây là tiền coi quẻ của thầy. Và đây là tiền tôi xin tạ ơn Thầy.” (chú không nhớ tiền là bao nhiêu). Khi anh chú định từ giã ông thầy bảo: "Thấy ông hậu hĩ với tôi, mời ông ngồi lại, tôi coi xem luôn gia đình ông". Coi một hồi, ông thầy nói. "Hai người em trai của ông. sang năm sẽ bị nạn, người em lớn của anh, có lẽ không thoát khỏi mệnh trời, đứa em kế người em đó may được quý nhân phò hộ thoát nạn". Khi ấy, người anh kế chú, làm Đoàn Trưởng Đoàn 5, Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đang công tác ở một xã vùng xôi đậu, ngày ta, đêm địch. Song thân chú bảo anh kế chú giả bệnh, xin phép ở nhà dưỡng bệnh (bệnh suyễn thật đó cháu). Về sống ở nhà... thì Tết, họ tấn công vào Thị Xã Mỹ Tho, anh chú lên cơn suyễn nên bị bắt, cùng lúc với em Út chú là Thái Quốc Tế, tức Kha Tiệm Ly, đang học lớp đệ Nhất, trường công lập Nguyễn Đình Chiễu (Mỹ tho). Khi 2 người bị trói dẫn đi, anh chú là Thái Quốc Ngọc, bị suyễn, không đi kịp, vì họ vừa đi vừa chạy lúp xúp. Họ bảo anh chú nầm sắp xuống và bắn bể đâu trước mặt Kha Tiệm Ly. Đến nay cũng không tìm được xác. Sau đó, Kha là học sinh, nên được thả ra. Khi về tới nhà, Kha kể lại sự việc cho gia đình nghe, nhưng, tối ngủ Kha thường thét: "Đùng giết anh tôi! Đừng giết anh tôi!". Sau đó tiếng thét giữa đêm lần lần giảm dần, giảm dần. Mỗi khi Kha hét thì cả gia đình đều thức dậy cùng nhau khóc vì thấy Kha ngơ ngác cách lạ lùng, nửa tỉnh nửa mê. (Kể đến đây chú không kềm được nước mắt cháu ơi). Phần chú, chẳng biết sao, vợ chú rủ chú về thăm gia đình ở Sài Gòn. Khi chơi chừng gần tuần, một đêm nghe tiếng súng ì ùng, cả gia đình vợ chú đều thức dậy, ai cũng nghĩ đảo chánh. Sáng mới biết Việt Cộng tấn công. Má vợ chú nói: "Hai con với cháu ngoại ở lại đây, không được đi đâu hết nghe hôn?" Nhờ thế chú thoát nạn."

Câu chuyện của văn sĩ Thái Quốc Mưu có thể nhiều người không tin, sẽ cho đó là chuyện tào lao, chuyện “làm quà” bởi ông thầy bói kia học được ở sách nào mà biết được chuyện quá khứ, chuyện tương lai tường tận, chính xác đến vậy?

Tôi đã đọc khá nhiều sách về xem tướng tay để tổng hợp, biên soạn cuốn “KHÁM PHÁ BÍ ẨN CON NGƯỜI QUA BÀN TAY” (Nhà xuất bản Thanh Hóa xuất bản năm 2007), nếu phải trả lời câu hỏi có tài liệu nào làm căn cứ để khẳng định đương số: "Mới cháy nhà." hoặc "Hai người em trai của ông sang năm sẽ bị nạn, người em lớn của anh, có lẽ không thoát khỏi mệnh trời, đứa em kế người em đó may được quý nhân phò hộ thoát nạn" không? thì tôi chịu bởi hoặc cuốn sách đó tôi chưa có cơ duyên tiếp cận, hoặc đó là kinh nghiệm bí truyền của từng môn phái, hoặc thầy tướng đó nhờ ăn lộc Thánh mà đọc được thiên cơ? Nhưng tôi tin hoàn toàn chuyện văn sĩ Thái Quốc Mưu chia sẻ.

Tôi nhớ ngày vừa tốt nghiệp cấp III, cậu em con chú là Đặng Văn Tân (Đặng Tân) rủ tôi cùng Lê Văn Thi đi coi bói tay ở nhà “Đồng Lữ”, gần đò Cầu Hầu, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Là phụ nữ nhưng Đồng Lữ nghiện thuốc lào và chửi bậy lắm. Vì nể cậu em mà đi xem chứ tôi không tin mấy trò bói toán, nhất là khi thấy Đồng Lữ sòng sọc rít thuốc lào, rồi chửi khách xem là “đĩ, đĩ cái, đĩ đực” thì khó chịu nên không để ý cô Đồng Lữ nói những gì. Chỉ đến khi Đồng Lữ chỉ mặt tôi “chửi”: - “ĐM. thằng đĩ đực này mày đéo tin tao nói đúng không? ĐM. cái làng Đá chỉ là nơi tạm thời trú chân của mày, thành phố mới là nơi mày sinh sống.”. Rồi quay sang cậu em tôi: - “Đĩ này nữa, đéo thoát nổi cái L. làng Đá đâu.”, bậy quá nên tức mà tôi nhớ. Lúc bấy giờ, chưa thi Đại học nhưng cậu em Đặng Văn Tân đã chắc xuất vào trường Trung cấp Dầu Khí, sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí vào Vũng Tàu làm việc vì chỉ tiêu đặc biệt của Trường Lao Động Tiền Lương (nay là Đại học Lao Động Xã Hội) dành cho con em cán bộ có những đóng góp lớn với nhà trường. Thời đó, ngành Dầu khí mới thành lập, chế độ ưu đãi rất cao, là mơ ước của rất nhiều người nên chuyện cậu em tôi “đéo thoát nổi cái L. làng Đá” như Đồng Lữ nói là chuyện vớ vẩn. Còn tôi, kinh tế gia đình thuộc diện túng thiếu nên có đỗ Đại học cũng không dám nghĩ đến ở lại Hà Nội lập nghiệp vì tiền đâu mà chạy việc. Nhưng đúng là con người chịu sự sắp đặt của số phận. Sau khi tốt nghiệp Trung Cấp Dầu Khí, cậu em tôi trước đó chưa hề yêu ai tự dưng “thích lấy vợ”, nhất quyết không vào Vũng Tàu nhận công tác, ở nhà nhận mấy sào ruộng rồi cưới vợ. Còn tôi, sau khi tốt nghiệp Đại học Văn Hóa, về quê để tìm nơi xin việc thì một ngày đầu tháng 3 năm 1993, chị Trần Thị Mai (Phó Phòng Tư Liệu Viện Sử Học, nơi tôi thực tập năm 2 và năm cuối Đại học) nhắn tôi có làm ở Phòng Tư Liệu thì mang Hồ sơ lên. Mặc dù nhận tôi vào thử việc ở Phòng Tư Liệu nhưng chưa đầy 30 ngày, Viện Sử Học chuyển tôi sang làm bảo vệ vì “ông bảo vệ già yếu xin nghỉ, cơ quan chưa tìm được người” và kiêm luôn việc bán sách cũ của Viện Sử Học với mức lương là 90.000/tháng, có nghĩa tôi làm công việc của 2 người nhưng chỉ hưởng lương của 1 người. Lúc đó, tôi định bỏ việc trở về quê nhưng nghĩ tới số nợ gần 100 triệu, tương đương với 2 hoặc 3 tỉ bây giờ (2020), do bị đối tác lừa đảo, khách hàng bùng nợ (thời học Đại học tôi vừa học vừa buôn hàng chuyến), và cả do tin người mà đứng ra vay hộ tiền rồi trở thành con nợ vì không đòi được tiền... nên tiếp tục công việc để dùng danh nghĩa là người của Viện Sử Học làm “bùa hộ mệnh” mà từ từ kiếm tiền trả nợ. Cũng từ đây, từ cửa hàng lèo tèo vài cuốn sách cũ của Viện Sử Học mà số phận của tôi gắn chặt vào nghề kinh doanh sách và viết sách gần 20 năm với những vui, buồn không ít, nếm đủ mùi vị của cả nghiệp quả và phúc báo.

Cũng trên trang facebook của tôi, ngày 28 tháng 03 năm 2020 khi đọc status: NHỮNG LƯU Ý KHI XEM TƯỚNG BÀN TAY, nhà thơ, nhà tướng thuật Bùi Cao Thế (Vua Mộng Ái Nhân) đã comment: - “Đọc sách, làm theo sách mà thành được thày thì thiên hạ nhiều thày lắm. Anh từng xem... và kiểm chứng quá nhiều điều phi lý.... Từ kinh nghiệm kiểm nghiệm hơn ba mươi năm trước anh rút ra những yếu tố rất cơ bản để xem tướng người.... Anh đã có lúc ý định viết ra in.... nhưng thôi, vì sẽ không viết hay bằng các chú....kkkkk!”.

Vâng. Nhà thơ, nhà tướng thuật Bùi Cao Thế đã đúng khi cho rằng: “Đọc sách, làm theo sách mà thành được thày thì thiên hạ nhiều thày lắm.”, vì phụ thuộc anh đọc sách gì? sách đó ai viết? anh tiếp thu ra sao? anh ứng dụng thế nào? kinh nghiệm thực tế của anh là bao?... Nhưng anh rất sai khi comment: “Anh từng xem... và kiểm chứng quá nhiều điều phi lý.... Từ kinh nghiệm kiểm nghiệm hơn ba mươi năm trước anh rút ra những yếu tố rất cơ bản để xem tướng người.... Anh đã có lúc ý định viết ra in.” bởi có thể anh đọc vội 1, 2 cuốn sách về xem tướng mặt hoặc nghiêng nhiều về khả năng anh chưa đọc cuốn sách nghiêm túc nào về khoa xem tướng, cũng chưa học ở thầy coi tướng nào nhưng anh xem được tướng mặt vì “Thánh cho ăn lộc” mà đọc được “Thiên cơ” như tôi đã viết trong bài “Chuyện về thầy xem tướng Bùi Cao Thế”:

“Nghe làng xã kể thì đời anh cũng nhiều lao đao, lận đận. Tốt nghiệp Học Viện Chính trị Bắc Ninh năm 1987, anh vào làm giảng viên một trường Đại học Quân sự trong Nha Trang thì cuối năm đó anh bị tai nạn giao thông, rồi một năm sau (1988) anh bị thần kinh, phát điên. Người ta đồn, không phải anh điên vì tình mà có lẽ vì học nhiều, đọc nhiều nên bị ngộ chữ. Nghe kể, lúc điên, anh cứ trần như nhộng, chạy lăng quăng khắp nơi, nghêu ngao mấy câu “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” rồi ré lên cười, rồi nức nở khóc. Có lúc, anh vỗ ngực, nhận mình là “thần tiên giáng thế”, là “Ngọc Nữ cô nương” đầu thai xuống nhân gian để cứu độ chúng sinh, rồi múa may quay cuồng, rồi trèo vắt vẻo lên ngọn cây, ngồi líu lo những lời ca chỉ mình anh “hiểu”. Mẹ anh, cạn khô nước mắt vì xót con. Chị anh, rộc người, héo rũ vì thương thằng em hóa dại. Anh cứ điên điên khùng khùng, cứ chợt ré lên khanh khách cười, rồi lại thổn thức từng chặp, từng chặp, cứ thế, gần mười năm dở điên dở dại. Hết dặt dẹo Hưng Yên, lại dật dờ ra Quảng Ninh, rồi lang bạt lên tận Lào Cai, Yên Bái để anh tự cười, tự khóc với bóng của chính mình. Rồi anh gặp chị, vợ anh bây giờ, khi những cơn điên mà dân gian xót xa gọi là “Trời đày” chợt lắng xuống. Bìu díu, đưa nhau về ngõ 399 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội cùng góp sức nhóm bếp dựng nhà. Anh hết điên từ đấy và tự dưng biết xem bói, rồi nổi danh là thầy phong thủy, là tướng thuật gia, là thầy cúng trừ tà, bốc bát nhang mát tay, nhiều phép thuật...”

nên đương nhiên anh không viết sách về xem tướng (mặt) được bởi kiến thức về khoa tướng thuật của anh là con số không. Ví như khi xem ảnh một bàn tay ở trang facebook Hoàng Minh, nhìn gò Kim Tinh, tôi comment: “Khu đất ở hình thước thợ, được tạo bởi 2 phiến đất. Phía trước và phía sau đều có ao hồ nên nhiều âm khí, khiến những người cư ngụ tâm tính bất định, hay ốm vất vưởng”, nếu truy tìm sẽ không có tài liệu nào hướng dẫn xem mồ mả đất cát ở gò Kim Tinh cả nhưng tôi “nhìn được” vì theo cách giải thích của tín ngưỡng dân gian thì lúc đó “Thánh ốp bóng” cho “nhìn thấy”. Đọc những dòng vừa rồi, những ai nghiên cứu thuật xem tướng tay sẽ thắc mắc: Gò Kim Tinh chủ về đời sống tâm sinh lý, sao lại dùng để xem mồ mả đất cát? Vâng! Đúng là theo sách về thuật xem tướng tay thì quả là vậy! Nhưng khi xem tướng tay, những lúc đã chếnh choáng men rượu thì không hiểu lý do gì mà nhìn vào gò Kim Tinh, tôi chỉ thấy hiển hiện những dấu hiệu của đất đai, nhà cửa... có hình dạng thế nào, địa thế làm sao, thậm chí còn “đọc” được ngôi mộ hợp với người đó là ngôi mộ của ai? Nằm ở địa thế nào (cách sông, đường, quang cảnh khu vực ra sao)?... Nếu muốn hỏi điều chưa rõ, phải đợi lần sau, khi tôi đã ngà ngà men rượu vì chính tôi cũng không hiểu được tại sao chỉ khi đã “liêng phiêng” men rượu tôi mới có thể “nhìn” được như thế. Những “kiến thức” đó tôi chưa từng được đọc ở tài liệu nào, cũng chưa được nghe ai chỉ bảo. Và tôi tin cũng không có tài liệu nào hướng dẫn cách xem mồ mả, đất đai, nhà cửa ở gò Kim Tinh trên bàn tay cả.

Điều lạ là tôi chỉ có “hứng thú” xem tướng tay khi đã chếnh choáng men say, khi trong bàn rượu chỉ có 2 hoặc 3 người. Lạ nữa là tôi chỉ thích tả mồ mả, đất cát mà không thích xem các vấn đề khác như: tình duyên, sự nghiệp, ... độ chính xác (mồ mả, đất cát) như mọi người nói với nhau là “khá chuẩn”. Về chuyện này, quý vị có thể tìm đọc bài “Những chuyện Ngô Tiến Vinh kiểm chứng” và “Kể thêm vài chuyện của tôi” đã đăng trên một số trang báo mạng.

Trở lại câu chuyện về bàn tay ở trang facebook Hoàng Minh, khi chủ nhân bàn tay nhờ xem tình duyên, tôi comment: “Xem qua ảnh không nhìn thấy đường Hôn Nhân, đường Sinh Lý... nên chuyện cưới xin không dám nói bừa. Chỉ có điều, bàn tay này vượng về tình dục, thuộc dạng cuồng dâm, thấy toàn mê trai thôi.”, không phải do “Thánh ốp bóng” mà căn cứ vào kiến thức của khoa xem tướng tay: ngón trỏ của anh ta thon nhọn, cao xấp xỉ ngón giữa, trong khi gò Kim Tinh lại nhô quá cao, sát tận mép đường Sinh Mệnh nên đời sống tình dục của anh ta rất vượng, thiên về đồng tính luyến ái. Nếu chỉ căn cứ vào kinh nghiệm đúc kết trong văn hóa cổ truyền phương Đông để xem bàn tay như đã nói trên trang facebook Hoàng Minh thì sẽ đưa ra kết luận đó là bàn tay của người nhiều dục tính, dâm đãng đến bệnh hoạn nhưng khi kết hợp với kết quả nghiên cứu của y học hiện đại sẽ đưa ra lời ước đoán chính xác và hợp lý: Đời sống tình dục sung mãn, thiên về quan hệ đồng tính luyến ái. Những kiến thức này tôi thu lượm được khi nghiên cứu để soạn “Khám phá bí ẩn con người qua bàn tay”.

“VÀ THÊM VÀI CHUYỆN VỀ XEM TƯỚNG TAY” tạm dừng tại đây để giành thời gian tôi viết mục kế tiếp: “Tâm sự về việc soạn sách “văn hóa tâm linh””, trong chuyên mục TÔI VỚI NIỀM TIN TÍN NGƯỠNG.

------

Mời tham khảo thêm để lấy hình minh họa:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2020/04/va-them-vai-chuyen-ve-xem-tuong-tay-tac.html

*.

Hà Nội, ngày 13 tháng 04.2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

READ MORE - VÀ THÊM VÀI CHUYỆN VỀ XEM TƯỚNG TAY - Đặng Xuân Xuyến

CHÙM TRANH SƠN DẦU CỦA NHẬT QUANG




READ MORE - CHÙM TRANH SƠN DẦU CỦA NHẬT QUANG

TRÊN NGỌN TÌNH MONG MANH - Thơ Nguyễn An Bình




NGUYỄN AN BÌNH
TRÊN NGỌN TÌNH MONG MANH

Thềm hoang chỉ thấy màu cúc dại
Vườn xưa rêu lạnh chẳng ai về
Chẻ ngọn tóc sầu về muôn hướng
Chợt thấy hồn mình tựa xác ve.

Chiều chưa đủ giấc còn vương nắng
Sao thấy quanh mình những hoàng hôn
Bóng in tường cũ còn loang lở
Chẳng giấu được gì nỗi cô đơn.

Cánh chim còn biệt mùa di trú
Ngày chưa qua hết những hàng cây
Em có nghe gió từ tiền kiếp
Thả xuống muôn trùng giọt đắng cay.

Ngồi lại bên đời thân đã nát
Chờ ác trùng ăn thuổng thịt da
Dấu chân lạc đường về cố quận
Đất trời bão nổi một mình ta.

Mây xám giăng giữa trời hiu quạnh
Mong manh sợi khói thuở bình yên
Sâu bướm còn đợi ngày thoát xác
Sao ta đành quên mất tuổi tên?

12-07-2020
N.A.B.

















READ MORE - TRÊN NGỌN TÌNH MONG MANH - Thơ Nguyễn An Bình