Tại làng Thượng Xá thuộc xã Hải Quang (nay là Hải Thượng),
huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ngày xưa có anh Phan Kiền làm liên lạc cho Ủy
ban huyện sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945. Công việc của anh phải đi lại
nhiều. Thỉnh thoảng có công văn “khẩn”, anh ấy phải chạy bộ nhanh cho kịp. Thấy
anh vất vả với công việc, UB đã tậu cho anh một con ngựa để đi lại thuận tiện.
Vì hồi ấy rất hiếm xe đạp nên anh phải quen dần với chuyện cỡi ngựa đi thực
hiện nhiệm vụ liên lạc.
Từ đó, anh Kiền làm
thân với con ngựa và chăm sóc nó rất chu đáo. Con ngựa xám này anh đặt tên là
con Côn-Côn. Con Côn-Côn này cũng khôn ngoan và tình nghĩa với anh Kiền lắm.
Phải nói rằng, trên đời này có con ngựa và con chó là hai con vật nuôi rất khôn
và biết nghe lời chủ, sống có tình với chủ nó. Khi chủ nó vuốt ve vào trên bờm
nó và nói thì nó nghe và hiểu.
Tôi còn nhớ có một lần anh Kiền cỡi ngựa về quê ăn Tết năm
Bính Tuất (1946), anh buộc nó vào gốc mít sát đụn rơm, nó vói cổ sang đưa lưỡi
kéo rơm ra đưa vào mồm nhai nhai ngon lành. Bọn trẻ con trong xóm thấy lạ kéo
nhau đến xem con ngựa và cười vui thích thú. Anh Kiền nói với mấy đứa trẻ: “Đây
là con ngựa đực rất hùng dũng và tốt bụng. Đứa nào thích cỡi ngựa chú cho trèo
lên lưng ngựa cỡi chạy một vòng đến đồi cát rồi quay về?”.
Nghe chú Kiền hỏi vậy, đứa nào cũng thích nhưng không giám
nói ra. Vì nếu không biết trèo lên ngựa và không biết điều khiển ngựa thì dễ bị
nó hất té ngã xuống đường thì khổ thân. Thấy có 6,7 đứa trẻ cả nam lẫn nữ cứ
nhìn chú Kiền rồi vui vẻ nói:
“Chú ơi, chú cho mấy đứa cháu ngồi sau lưng chú dạo chơi một
vòng được không?”. Chú Kiền cười và nói: “Chuyện đó dễ thôi, mỗi lần ngồi sau
lưng chú hai đứa, một trai, một gái. Trai ngồi sau lưng gái mà ôm vào cho chặt,
con gái ngồi sau lưng chú cũng ôm vào thắt lưng chú cho chặt để khi ngựa chạy
không bị văng rơi xuống đất, nghe chưa?”.
Cả bọn con trai đồng thanh dạ to, còn mấy đứa con gái thì im
lặng, vì ái ngại về chuyện để cho con trai ôm chặt vào mình thì ngượng lắm...
Thế nhưng rồi mọi chuyện lại thấy êm đềm, không thấy đứa con
gái nào ngượng ngùng gì cả mà chỉ thấy đứa nào cũng thích thú. Anh Kiền vui
lắm. Mấy hôm ngày Tết, anh Kiền cỡi ngựa đi thăm bà con, bạn bè khắp trong thôn
xóm trông rất oai hùng. Đi đến đâu là bọn con nít chạy theo sau cười vui rộn
ràng, làm anh kiền càng thêm hứng thú.
Đến đầu năm 1947, trong một chuyến đi công tác miền Tây
Quảng Trị, anh bị đạn đại bác của giặc Pháp bắn lên làm anh bị thương và rơi
xuống ngựa. Con ngựa quay lại rồi nằm bên cạnh anh đưa lưỡi liếm liếm vào trán
anh như thông cảm. Khi anh tỉnh lại, anh vẫn đau chân không sao trèo lên được
lưng ngựa để về cơ quan. Con ngựa liền nằm xuống nghiêng lưng nó sát bên người
anh để anh dùng hai tay bám vào lưng nó rồi nó từ từ đứng dậy và đi nhẹ nhàng
đưa anh về được cơ quan ở vùng Tân Lệ (dưới chiến khu Ba Lòng).
Anh Kiền kể lại rằng, sau khi anh lành vết thương, ra viện
về cơ quan gặp lại con Côn-Côn thì nó mừng lắm. Nó cứ nhảy qua, nhảy lại, hít
hít vào đầu anh, má anh rồi hí hí, reo vang lên náo động và vẩy đuôi tỏ vẻ mừng
vui thấy chủ đã trở về...
Vài hôm sau có chú Nguyễn Hương (người thị trấn Diên Sanh)
là cán bộ Văn hóa truyên truyền của huyện cũng cỡi một con ngựa ô đến cơ quan.
Thế là con Côn-Côn thấy có bạn gái đến liền hí vang lên mừng vui như lâu ngày
mới gặp lại bạn tình. Chú Hương và anh Kiền hiểu ý hai con ngựa của mình nên
đến mở dây buộc để thả cho hai cô chú ngựa dạo chơi một lúc trên mé đồi phía Nam
sông Thạch Hãn.
Mùa hè năm 1947, giặc Pháp đi càn, con ngựa Côn-Côn bị Tây
bắn chết cùng hàng chục con trâu bò của các gia đình nông dân vùng này. Mọi
người dân đều căm tức lũ giặc hại dân và rất thương tiếc đàn trâu bò bị chết
thì mùa sau không có sức kéo để cày bừa làm ăn thời vụ. Nhìn thấy cảnh trâu bò
chết la liệt nằm ngổn ngang ngoài đồng, ai cũng động lòng than khóc. Anh Kiền
cũng khóc theo và rất tiếc cho con ngựa tinh thần gần gũi của anh. Anh không
cho họ mổ thịt như những con trâu bò mà anh lo chôn cất nó thật chu đáo và còn
thắp hương trước ngôi mộ của nó nữa. Anh còn lấy một tảng đá đặt trên mộ rồi
khắc dòng chữ “Côn-Côn của Phan Kiền, ta nhớ mãi!” để kỷ niệm như một người bạn
thân đã lìa đời.
(Nhân năm Giáp
Ngọ-2014, kể chuyện ngựa của NHT)
Nguyễn Hồng Trân
Nguyên Giảng viên tại Đại Học Huế
nghongtran38@gmail.com