Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 9, 2015

Giáo Dục Cho Con Em Mình: Những Điều Cần Biết - Thầy Đồ Hoàng

Ông Hoàng Thắng, quê Quảng Trị, hiện là hiệu trưởng một trường tư thục tại California, tham gia trang Văn Nghệ Quảng Trị bằng cách cho phép đăng lại bất cứ bài nào trên trang Web Giờ Học Đường của ông và đồng nghiệp. Mặc dù đây là những bài viết có tính chuyên môn về giáo dục tại Hoa Kỳ nhưng có rất nhiều điều hữu ích đáng cho phụ huynh và những người trong ngành giáo dục Việt Nam tìm hiểu. VNQT xin trân trọng giới thiệu.



Giáo Dục Cho Con Em Mình: 
Những Điều Cần Biết

Kể từ năm 2012, nền giáo dục Mỹ đang qua những thay dổi lớn. Các phụ huynh chắc cũng biết qua những thay đổi ở sách giáo khoa con em đem về. Hiện giờ các học khu đã sử dụng những sách giáo khoa mới, mà chính những phụ huynh có trình độ học vấn khá cao cũng cảm thấy bối rối khi nhìn vào những câu hỏi hoàn toàn khác những câu hỏi trong những sách giáo khoa cũ.

Đây là giai đoạn thực nghiệm đang được đem ra bàn cãi trên các diễn đàn công cộng, trên TV, đài phát thanh và cả trên youtube. Là nhà giáo dục chuyên môn, chúng tôi thiết nghĩ cần nói với phụ huynh về đề tài này.

Các chương trình giáo dục mới được thể hiện là bắt nguồn từ những thay đổi to lớn về khoa học. Những tiến bộ của khoa học đã đặt các nhà giáo dục vào một phạm trù mới. Làm thế nào để học sinh sinh viên có thể vào đời với một kiến thức thực tiển, không phải là một kiến thức kinh viện, mất thì giờ và lãng phí tiền bạc. Nền giáo dục tiêu chuẩn chung Common Core là nhằm vào điều ấy. Nếu quí vị phụ huynh đã nhận xét, riêng về mặt toán học, các chương trình đã thay đổi, việc sắp xếp thứ tự học hỏi đã hoàn toàn khác. Nếu những bộ sách giáo khoa ngày trước nặng về hình thức – in đẹp, hình vẽ, phụ lục – thì ngày nay trong bộ sách giáo khoa mới mọi sự đã thay đổi, chỉ tập trung vào một chuyên đề, là người học sinh phải nắm vững lý thuyết và thực hành. Các chương, điều được thu gọn lại, và tập chú vào những lý thuyết căn bản, thay vì đi từng chương theo thứ tự mà nền giáo dục cũ đã sắp xếp. Mặc dù học sinh và sinh viên sẽ phải thích nghi với nền giáo dục mới, nói cho đúng là cách sắp xếp mới, là phụ huynh chúng ta có thể có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo con em mình. Sau đây là những ý tưởng gợi ý để giúp quí vị.

Ở Hoa Kỳ, có câu ngạn ngữ nói rằng, trái tim của phụ huynh nằm trong lớp học của con mình. Qủa đúng như vậy, chúng tôi, là phụ huynh, khi các con còn nhỏ, chúng tôi vẫn luôn luôn tập trung tư tưởng của mình vào lớp học của con, vào bạn bè của chúng, và nhất là cô thầy giáo của con. Nếu năm nào con mình có cô thầy giáo giỏi, chúng tôi cũng rất mừng. Mặc dù vậy, chính phụ huynh là người thầy cô đầu tiên và quan trọng nhất đối với con trẻ. Trẻ em sẽ học hỏi nơi phụ huynh, những ước vọng, những kiến thức đầu đời để đi vào lớp học là bắt nguồn từ phụ huynh. Việc giáo dục con em không ngừng nghỉ sau khi con em đã vào trường, việc giáo dục từ phụ huynh vẫn tiếp diễn cho đến ngày chúng khôn lớn. Là người Việt Nam chúng ta luôn luôn nhớ rằng, việc giáo dục con em vẫn sẽ tiếp tục mặc dầu sau này chúng đã đứng tuổi.

Chính vì sự quan trọng của nền giáo dục trong cộng đồng và xã hội mà chúng ta luôn luôn đặt nặng việc giáo dục của con em. Trong những lần về thăm quê nhà, chúng tôi cảm động biết mấy khi thấy phụ huynh, cha hay mẹ, đèo con sau xe gắn máy và chở con bất chấp nắng mưa đến trường. Ở Hoa Kỳ,  là nơi chúng tôi cư ngụ, cũng đa phần phụ huynh thắt lưng buộc bụng để các con có được một nền giáo dục tốt. Các em đi học buổi chiều, cuối tuần, không những để trau dồi thêm những môn học chính mà còn học thêm Việt Ngữ, võ thuật, âm nhạc, để mong trở thành một thành tố có nhiều khả năng để đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, việc giáo dục con em sẽ thiếu đi thành tố quan trọng nhất đó là phụ huynh. Nếu phụ huynh đặt việc giáo dục con em thành ngôi thứ hai, hay thứ ba , các em sẽ quan sát thấy và hành động tương tự như vậy. Chúng ta luôn luôn duy trì và đặt nặng việc giáo dục nơi con em không sao nhãng. Nếu chúng ta cho rằng bài làm ở nhà không quan trọng bằng điểm thi cử, các em sẽ tập trung vào bài làm trong lớp hay thi cử mà sao nhãng bài làm ở nhà. Nên nhớ, có ba thành tố quan trọng trong việc con em học hành tiến bộ: thi cử, bài làm ở trường, bài làm ở nhà, đó là chưa kể những dự án (project) hay những bài tham cứu (research papers) mà các em phải làm.

Mỗi buổi sáng, quí vị sẽ gọi con em tới trường sau một đêm con em ngũ ngon lành, một bữa ăn sáng đầy đủ, và một thái độ lành mạnh về việc đi học. Hãy đặt để niềm tin cho các em như giá trị của việc học hành cần mẫn, một tinh thần trách nhiệm cao, bền chí cho đến khi đạt được thành công, dạy con em tôn trọng những thẩm quyền hợp pháp (như hiệu trưởng, giáo viên, cố vấn giáo dục…) Những đặc tính này sẽ giúp các em thành công trong học đường và cuộc sống. Hãy đặt những tiêu chuẩn và giá trị nhất định để con em noi theo, miễn là những yêu cầu đó không quá sức của các em.

Thường những học sinh giỏi đến từ những gia đình trong đó cha và mẹ đều cố gắng tạo nên một môi trường lành mạnh cho con em. Những điều này không cần đòi hỏi gia đình phải giàu có. Đọc sách hay chơi đùa cùng em, dẫn em đi đây đi đó và giải thich cho em những cái hay cái đẹp trong thiên nhiên, nơi bảo tàng viện… là những điều dễ làm và giúp các em có những nhận xét khách quan đầu đời.

Sự thành công giáo dục đến từ việc dành thì giờ vào những công việc thích đáng. Nếu một đứa trẻ dành nhiều thì giờ để chơi games, chúng sẽ biết mọi ngõ ngách của kỹ thuật chơi games, nhưng nếu em dành thì giờ để học toán và khoa học, em sẽ am hiểu và thành công trong học đường về những môn học quan trọng này. Bằng chứng cho rằng nếu phụ huynh dành thì giờ gần gũi con, đọc sách với con, giúp các con làm bài… thì đứa trẻ sẽ hấp thu những thói quen tốt ấy và cải thiện rất nhiều việc học ở trường.

Phụ huynh cần biết con của mình đang làm gì, chơi với ai, sách nào em đọc, phim nào em xem. Tìm hiểu về những bài học của con em, sự hoàn tất bài làm, hay em đang chuẩn bị kỳ thi sắp đến.Và chính phụ huynh là người phải theo dõi việc học con em ở trường, xem những bài làm nào các em cần hoàn tất, và không bao giờ sao nhãng việc học hành của con em. Một khi con em không làm tròn bổn phận của một học sinh đối với nhà trường thì thật khó mà đưa con em trở lại con đường học hành chân chính.



Trường Học Dạy Gì?

Nếu là những trường học tốt, ở cấp độ tiểu học, các trường tập chú vào những môn học căn bản: Sinh Ngữ (Anh Ngữ – nếu ở Bắc Mỹ), lịch sử, địa dư, toán, khoa học, nghệ thuật và âm nhạc. Những trường học tốt luôn luôn đặt nặng, chuyên chú vào những môn học căn bản này và không vì lý do nào mà bỏ đi một môn học căn bản để thế vào một môn học phụ (elective) khác. Một trường tiểu học tốt sẽ đặt nặng vấn đề đọc (reading), dạy cho học sinh hiểu được chữ viết và bài viết. Đọc là trái tim và là trung tâm của nền giáo dục tiểu học. Nếu một đứa trẻ đi đến trường mà không đọc lưu loát ở cấp lớp (level) của mình, đứa trẻ đó sẽ gặp trở ngại lớn trong việc thành công ở học đường. Nếu một đứa trẻ đi vào trung học mà không đọc được thông thạo, em sẽ thất bại trong việc thành công ở những môn học khác.

Các trường tiểu học ở Mỹ hay bất cứ đâu, đều dạy con em những kiến thức căn bản về sinh ngữ, khoa học, toán, sử địa. Trong chương trình tiểu học, những kiến thức căn bản như hình học, số học căn bản, khoa học thường thức …. đều được lồng vào từ mẫu giáo đến lớp sáu.


Để tóm lược bài viết hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quí vị phụ huynh một vài nguyên tắc giáo dục để giúp quí vi theo dõi và giúp đỡ con em Việt Nam chúng ta.

1. Cha mẹ là những thầy giáo đầu tiên và quan trọng nhất đối với con em. Quí vị càng hoạt động với con em chừng nào, các em càng có cơ hội thành đạt tốt hơn chừng ấy.

2. Việc giáo dục con em không ngừng ở ngưỡng cửa mẫu giáo. Nhiều phụ huynh khoán trắng việc học của con em cho giáo viên và nhà trường, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Giáo viên không thể nào làm việc tốt nếu không có sự tham dự hợp tác của quí vị.

3. Những năm đầu tiên tạo nên nền tảng học vấn cho con em. Phải cứng rắn để giúp con em từ những năm mới sinh ra đển khi vào trường. Một nền giáo dục tốt từ mẫu giáo cho đến lớp tám sẽ giúp con em có đà tiến lên và không bị thất bại khi vào trung học.

4. Nhiều trường học ở Mỹ (Việt Nam?) đã không đạt tiêu chuẩn học vấn cao. Quí vị phải tìm hiểu và đòi hỏi nhà trường phải theo đúng tiêu chuẩn học vấn của Bộ Giáo Dục đề ra. (Chúng tôi sẽ có một bài riêng về vấn đề này).

5. Việc học hành đòi hỏi kỷ luật; kỷ luật đòi hỏi giá trị. Nhiều lớp học đã bị những học sinh xấu quậy phá, nhiều học sinh đã không được dạy dỗ về những đức tính thành công trong học đường.

6. Hãy theo cảm tính thông thường (common sense). Có nhiều phụ huynh nghĩ rằng mình cần có học vấn cao, hay bằng cấp nhiều mới tìm hiểu được nhà trường. Điều này sai lầm, chỉ cần nhìn vào số lượng bài vở con mình làm; việc phê chuẩn, và sự quan tâm của cô thầy là đủ hiểu phẩm chất giáo dục của nhà trường. Quí vị cần nói chuyện với cô thầy, nói chuyện với các phụ huynh khác. Hãy tin ở giác quan thứ sáu của mình.

7. Chương trình học là quan trọng. Những gi con em học hành sẽ quyết định mức độ thu nhận của con em. Nhiều nhà trường không nói rõ con em học gì, bài học nào, quan điểm nào… mà con em phải học. Họ mù mờ trong chương trình và phương pháp sư phạm.  Có những bất quân bình về số lượng chương trình học giữa những trường tiểu và trung học đệ nhất cấp (cơ sở) tại Mỹ.

8. Máy truyền hình không phải là bạn thân của giáo dục. Ở trong nhiều gia đình, TV trở thành một cản trở lớn nhất trong việc giáo dục con em. Nhiều nhà giáo dục nổi tiếng đề nghị rằng quí vị phụ huynh hãy tắt tivi từ Chủ Nhật đến Thứ Sáu trong những tuần lễ con em đi học.

9. Việc giáo dục có thể được cải thiện bởi quí vị. Là những phụ huynh đóng thuế để giúp các trường công tồn tại, tiếng nói của quí vị rất đáng kể trong việc yêu cầu học khu hay trường công thay đổi những phần giáo dục mà quí vị thấy là tiêu cực.

10.  Nhắm đến những tiêu chuẩn cao cho con em. Không có trường ốc nào, phụ huynh hay con trẻ là hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể đạt đến điều tốt nhất cho con em nếu chúng ta hợp tác với nhau.


Trên đây là những thu nhặt từ những sách vỡ, bài viết, thuyết trình  của những nhà giáo dục danh tiếng, chúng tôi chỉ làm bổn phận sắp xếp và gởi đến quí vị phụ huynh Việt Nam thân thương của chúng tôi, ở tại quê nhà hay bất cứ quê hương tạm dừng nào.


Thầy Đồ Hoàng - San Jose

READ MORE - Giáo Dục Cho Con Em Mình: Những Điều Cần Biết - Thầy Đồ Hoàng

QUA ĐƯỜNG NGUYỄN ĐÌNH THI - Thơ Nguyễn Khôi



Tác giả Nguyễn Khôi. Sinh 1938.
Quê: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đ/c: 39/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. 


Lời dẫn : Thành ph Hà Nội vừa đặt tên "đường Nguyễn Đình Thi", dài 2330 mét từ ngã 3 đường Thanh Niên (Cổ Ngư xưa) bên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã 3 giao cắt phố Trích Sài , quận Tây Hồ. Nuyễn Khôi hứng khởi lên chơi hạ bút.


QUA ĐƯỜNG NGUYỄN ĐÌNH THI
(Tặng Nhà văn Nguyễn Đình Chính)
                   
Từ "Cổ Ngư" xưa sang "Nguyễn Đình Thi"
Đây hồ Tây
đường của anh bờ xanh liễu rủ
ngát hương sen
thơm những lứa đôi hẹn hò, tình tự .
Đây lắng hồn sông núi
trắng ngàn mây...
Ơi Nhà văn,
chừng anh mới qua đây
"con Nai đen" lạc về làng Vũ Thạch
Tiếng chuông ngân phía chùa Trấn Quốc
chắc anh vào gặp " Nguyễn Trãi ở Đông Quan" ?...
Chao, 70 năm Thủ Đô
mới
đẹp đến ngỡ ngàng
để nhớ thuở "ra đi đầu không ngoảnh lại"
"Diệt phát xít"
đến Điện Biên vĩ đại ,
lại ra trận cùng Trường Sơn "lá đỏ"
Tiếng thơ anh vang dọc chiến hào...
Ôi sáng nay
"Sáng mát trong như sáng năm xưa"
Tôi hồ hởi trên "Nguyễn Đình Thi"- con đường nhỏ
nhưng là Thơ
là mộng vui reo
một góc hồ Tây
để mà sướng
mà yêu.
                                                Nguyễn Khôi
                                              Hà Nội 9-7-2015

READ MORE - QUA ĐƯỜNG NGUYỄN ĐÌNH THI - Thơ Nguyễn Khôi

NHỚ QUÊ - Lều Thơ Phiêu Lãng




NHỚ QUÊ

Chiều buông sắc nắng non tơ
Nắng mong manh nắng mịt mờ chân mây
Chông chênh bến chợ lưu đầy
Buồn vui ngụp lặn tháng ngày đục trong
Cố quê nhớ đến nao lòng
Nhớ nghiêng nỗi nhớ sầu đong nặng sầu
Nhớ thầm tháng bảy mưa ngâu
Lập lòe đom đóm chân cầu ma chơi
Vu lan báo hiếu nghẹn lời
Khói hương phảng phất chuông rơi cửa thiền
Người xa về cõi bình yên
Bơ vơ một kiếp muộn phiền đa đoan

Nhớ đêm hôm ấy cổng làng
Gốc đa thề hẹn mơ màng cùng trăng
Thế rồi dõi mắt đứng trông
Thế rồi em đã có chồng giàu sang
Giật mình tóc ngã mây chan
Bây giờ mới biết muộn màng với quê

Nhớ đêm thu biệt trăng thề
Vào đông thấm lạnh dãi dề tha hương
Sân đình lá ủ trong sương
Cây nhòa sắc trắng ngõ vương lối chờ
Thân cò lãng thảng bơ vơ
Ao khuya lặng bước thẩn thờ qua đêm

Gió đưa trăng ngã bên thềm
Vườn xuân rộn rã rượu mềm bờ môi
Lộc chồi biêng biếc sinh sôi
Giêng hai lễ hội bụi trời mưa bay

Nhớ mùa hạ nắng nồng say
Cánh diều no gió chất đầy tủi mơ
Giếng làng trong vắt vần thơ
Gầu chao múc ánh trăng mơ mang về


Nhớ nhung chưa trọn câu thề
Chiều nay ôm cả hồn quê vào lòng.

                           Lều Thơ Phiêu Lãng

 *****
From: Le Trung Hieu
EaDrăng, EaH'Leo, ĐăkLăk
<leutho1964@gmail.com>
READ MORE - NHỚ QUÊ - Lều Thơ Phiêu Lãng