6 cách viết NGÂU theo tự dạng chữ Nôm trong quyển “Tự Điển Tiếng Nôm” của Lê Văn Kính
Hôm nọ, anh em khi trà dư tửu hậu có người thắc mắc vì sao gọi là “mưa ngâu”, vì sao gọi là “ông ngâu bà ngâu”. Tất nhiên, truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ được đưa ra để giải thích. Người thắc mắc lại hỏi vậy sao không gọi là “mưa ngưu”, “ông ngưu bà ngưu”. Một ông bạn cho rằng “ngâu” là cách đọc chệch chữ Ngưu. Thế là một ông bạn khác cười chế nhạo: “mưa ngưu” là “mưa trâu” “ông ngưu bà ngưu” là “ông trâu bà trâu” à !?! Vì sao có sự đọc chệch như thế ? Mà vì sao không đọc chệch theo cách khác đi ?
Ông bạn khác lại cho rằng:
Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu. Nhưng ông bạn lại không nêu được sự liên quan giữa Ngưu Lang Chức Nữ và hoa ngâu như thế nào trong truyền thuyết.
Tôi nghĩ ông bà của ta xưa gọi là “mưa ngâu”, “ông ngâu bà ngâu” chắc có lý do, mình thử tra tìm tiếng “NGÂU” trong chữ Nôm (chữ viết của ông bà ta hồi xưa) xem sao! Chữ Nôm vốn mượn âm và chữ của Hán Tự mà, nên chắc chắn có liên quan về cách viết, cách đọc thôi.
Hỏi thăm những bậc tiền bối về Hán Nôm, họ cho biết có tới 6 cách viết NGÂU theo chữ Nôm. Đó là âm đọc chữ Hán “ngưu” (trâu); kế tiếp là: chữ “ngưu” bộ mộc, chữ “ngưu” bộ thảo; chữ “ngô” bộ mộc; chữ “ngô” bộ thảo; chữ “ngao” bộ mộc.
Tra từ điển Hán Nôm trên mạng, tôi tìm ra chỉ có 4 cách viết.
Tiếp tục tìm tòi tra cứu, tôi hết sức mừng rỡ khi bắt gặp đầy đủ cả 6 cách viết tiếng NGÂU theo tự dạng chữ Nôm trong quyển “Tự Điển Tiếng Nôm” của Lê Văn Kính, gồm có:
1/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu” 牛
NGƯU 牛 chữ Hán, còn có nghĩa là con bò, là sao Ngưu hay là họ Ngưu.
*
Xét 6 cách viết tiếng NGÂU theo tự dạng chữ Nôm, ta có:
1/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu” 牛
NGƯU 牛 chữ Hán, còn có nghĩa là con bò, là sao Ngưu hay là họ Ngưu.
- NGÂU 牛 (bộ ngưu) có đến 5 cách đọc theo âm Nôm: ngâu, ngõ, ngưu, ngọ, ngỏ.
Con trâu còn được gọi với nhiều tên khác nhau trong tiếng Việt: trâu, tru, sửu, ngưu, ngâu, nghé (trâu con)…
Ậm Nôm của người Việt chúng ta đọc NGƯU 牛 thành “Ngâu”.
NGẦU PÍN có âm Hán Việt là NGƯU TIÊN 牛鞭 : dương vật bò, trâu.
Trong truyện kiếm hiệp ‘Lục Tiểu Phụng’ của Cổ Long có nhân vật Ngưu Nhục Thang nghĩa nôm na là ‘canh thịt bò’.
Chữ Hán, Ngưu vừa là trâu, vừa là bò. Để phân biệt cho rõ ràng, người ta gọi bò là hoàng ngưu, trâu là thủy ngưu, bò Tây Tạng là mao ngưu, tê là tê ngưu, tê giác. Tuy nhiên, trong Hán cổ, ngưu là trâu chứ không phải bò. Ngưu manh là con mòng trâu; ngưu điệt là con đỉa trâu; ngưu đầu mã diện là đầu trâu mặt ngựa; đối ngưu đàn cầm là đàn gảy tai trâu.
2/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu” có bộ thảo 䒜 : hoa ngâu.
Hoa ngâu còn có tên là “mộc ngưu” (木牛)
6/ NGÂU là âm Nôm đọc chữ Hán “ngao” có bộ mộc: Hoa ngâu
* Ta thấy “vợ chồng Ngâu”, “mưa ngâu” đều viết bằng tự dạng chữ Nôm là 牛 (âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu”)
(Bộ thảo, bộ mộc dùng để chỉ về cây cỏ, nên viết về hoa ngâu là đúng quá)
* Thế thì tại sao NGÂU trong tự dạng chữ Nôm không có cách viết với chữ “ngưu” với bộ thủy (để có thể chỉ cơn mưa ngâu)?
Theo tôi nghĩ, đơn giản “mưa ngâu” có nghĩa là “mưa của vợ chồng ngâu”. Mưa rơi bắt nguồn truyền thuyết những giọt nước mắt của “ông Ngâu bà Ngâu” rơi. Loại mưa này phụ thuộc về nhân vật trong truyền thuyết nên chữ viết phải theo tên nhân vật thôi. Và, Hán tự đã sẵn có chữ 水牛 (thủy ngưu) có nghĩa là con trâu (trâu nước) rồi, để phân biệt với hoàng ngưu là con bò.
*
Như thế, xét theo chữ Nôm thì “NGÂU” trong các từ ngữ “mưa ngâu” và “ông Ngâu bà Ngâu” là do nói theo âm Nôm của từ Hán “ngưu” về nhân vật “Ngưu Lang”, một trong hai nhân vật chính trong truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ. Hầu như ai cũng biết về truyền thuyết này - một chuyện tình cổ tích, trong đó, ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm là ngày họ gặp nhau (qua chiếc cầu Ô thước - do đàn quạ nối đuôi nhau tạo thành chiếc cầu cho 2 người đến với nhau). Thật ra, Ngưu Lang (牛郎) và Chức Nữ (織女) không phải là họ tên (họ Ngưu, tên Lang, họ Chức tên Nữ; cho dù trong xã hội có 2 họ này) mà là cách gọi căn cứ vào nghề nghiệp của họ. Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu; Chức Nữ là cô gái dệt vải.
Nên, không phải như sự chế nhạo của ông bạn kia, “mưa ngâu” là “mưa trâu”, “ông ngâu bà ngâu” là “ông trâu bà trâu”. Vì Ngưu Lang là chàng chăn trâu (chứ không phải là “chàng trâu”) nên “ông ngâu bà ngâu” là ông bà nhà chăn trâu (chứ không phải là “ông trâu bà trâu”), “vợ chồng Ngâu” là “vợ chồng nhà Ngưu Lang”
MƯA NGÂU là một loại mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam hàng năm. Trong dân gian Việt Nam có câu tục ngữ: “vào mùng 3, ra mùng 7”, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7; 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích, do vậy mới có cụm từ “trời mưa sụt sùi” để chỉ mưa ngâu.
Theo truyền thuyết thì Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ gặp nhau một năm một lần vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch. Vào ngày ấy, bao giờ cũng mưa dầm dề, đó là nước mắt của cả Ngưu Lang lẫn Chức Nữ, sau khi hàn huyên tâm sự, họ lại khóc cho nên các cơn mưa mới không liên tục, lúc mưa, lúc tạnh. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian hoá thành cơn mưa, đó chính là “mưa Ngâu”. Do vậy, người ta còn gọi Ngưu Lang Chức Nữ là “ông Ngâu bà Ngâu”.
Với lời giải thích: Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu.
Tôi đã ra sức tìm trên mạng internet, tra cứu sách vở, thấy có lời giải thích giống như thế. Nội dung như sau:
“Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu. Loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Là biểu tượng của một tình yêu chân thành, vĩnh hằng hoa ngâu khiến người ta khó có thể quên.”
Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chưa thấy tình tiết cụ thể nào cho biết loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình yêu chung thủy của Ngưu Lang – Chức Nữ cả. Ví dụ như giọt nước mắt của ông bà Ngâu thấm vào đất làm mọc lên loài hoa ngâu chẳng hạn...
Tra cứu tự dạng chữ Nôm về HOA NGÂU, thì có 2 cách viết chữ NGÂU có gốc Hán tự là “ngưu”. Đó là NGÂU có chữ “ngưu” bộ mộc và NGÂU có chữ “ngưu” bộ thảo. Không rõ với tự dạng hai chữ Nôm này thì hoa ngâu có liên quan với Ngưu Lang Chức Nữ thế nào?
TÓM LẠI:
Những giọt nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ rơi xuống trần thế trong đêm Thất Tịch ấy, dân gian chúng ta gọi là mưa Ngâu.
NGÂU trong cụm từ “ông Ngâu bà Ngâu”, “mưa ngâu” được viết theo tự dạng chữ nôm là 牛 như NGƯU của Hán tự. Tiếng NGÂU này chính là âm Nôm đọc chữ Hán “ngưu” 牛 của nhân vật Ngưu Lang (牛郎) mà ra.
Mưa Ngâu đã đi vào thơ ca, âm nhạc Việt Nam với hình ảnh đẹp và buồn. Mưa Ngâu có trong ca dao Việt Nam như:
Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền
...Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa Ngâu
Tháng bảy là tháng mưa Ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu...
Tháng năm tháng sáu mưa dài
Bước sang tháng bảy tiết trời mưa Ngâu
Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần.(Ca dao)
Nhà thơ Trần Tế Xương có bài “Mưa tháng bảy” được làm theo thể thất ngôn bát cú:
Sang tuần tháng bảy tiết mưa ngâu
Nắng mãi thì mưa cũng phải lâu.
Vạc nọ cầm canh thay trống mõ,
Rồng kia phun nước tưới hoa màu.
Ỳ ào tiếng học nghe không rõ
Mát mẻ nhà ai ngủ hẳn lâu.
Ông lão nhà quê tang tảng dậy
Bảo con mang đó chớ mang gầu.
Hay bài thơ song thất lục bát “Vợ chồng ngâu”
Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.
Một là duyên, hai thời là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.
Hay là sợ muộn chồng chăng tá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh!
Lấy ai, ai lấy cũng đành,
Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết:
“Đây là dải ngân hà
Anh là chim Ô Thước
Sẽ bắc cầu nguyện ướcMỗi đêm một lần qua”
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong cũng nhắc tới “mưa ngâu” trong nhạc phẩm nổi tiếng “Giọt mưa thu”:
“Đến bao năm nữa trời, vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu...”
Mưa Ngâu cũng đã được lấy làm tên cho một bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng, bài Mưa Ngâu: “...giọt mưa Ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau...”
Cũng giống như ngày lễ Valentine của Phương Tây, ngày Thất tịch (mồng 7 tháng 7) cũng là ngày dành cho những người yêu nhau ở một số nước Á Đông
Tuy nhiên, đi kèm theo đó là nhiều lễ hội mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn. Ngày này tại Việt Nam được gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”.
Đêm Thất tịch, chòm sao Chức Nữ sẽ sáng vô cùng và người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang-Chức Nữ trong đêm 7/7 âm lịch thì sẽ mãi ở bên nhau.
Thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, ngày 7/7 âm lịch hàng năm tại các nước Châu Á được chọn làm ngày Tình Yêu.
Tại Trung Quốc, ngày này được gọi là Lễ hội Qixi, Nhật Bản có Tanabata, Lễ hội Chilseok ở Hàn Quốc thì khi du nhập vào Việt Nam nó thành Ngày Thất tịch.
Nhiều người thắc mắc về cách gọi “mưa Ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu”, tôi thử viết ra đôi dòng lạm bàn, nếu có gì chưa chuẩn mong quý bạn đọc góp ý và bổ sung thêm.