Mẹ bỏ sau lưng thời con gái
Vân tưởng y thường hoa tưởng Dung*
Lời ru mẹ hoá thành Khánh ngọc
Ngân Nga vang mãi đến vô cùng
Trâm Anh tuổi mẹ màu mây trắng
Còn mãi môi cười như nét Xuân.
Đỗ Trung Quân
(*) Thanh bình điệu – Lý Bạch
ĐỌC ĐỖ TRUNG QUÂN, “BÀI THƠ TẶNG CỤ KHÁNH THỊ PHƯỢNG”
Châu Thạch
Đã lâu lắm rồi, tôi muốn viết về một bà mẹ nhân hậu, là nhạc mẫu của người bạn rất thân với tôi. Bạn tôi tên Lê Văn Thiêm. Bà cụ cũng là ân nhân của chúng tôi, những thư sinh đi học xa nhà một thời trai trẻ. Thế nhưng, dầu đã nhiều lần ngồi trước máy tính, tôi vẫn chưa viết được, vi cảm thấy chữ nghĩa của mình không đủ để nói hết những gì trong lòng mình muốn nói. Hôm nay đọc được bài thơ của Đỗ Trung Quân, bài thơ của một nhà thơ danh tiếng, viết để tặng nhân ngày con cháu mừng đại thọ bách niên của cụ, đã cho thêm tôi cơ hội để phải viết hôm nay về một con người bác ái, đã cưu mang chúng tôi trong nhiều năm tháng.
Thuở ấy, vào thập niên trước 1975, “Lũ chung tôi lạc loài dăm bảy đứa”, không phải “Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” như thơ Vũ Hoàng Chương, mà là rời quê hương để vào miền Nam theo học. Chúng tôi đa số là những chàng trai “Quê hương anh là Quảng Trị/ Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn/ và xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng/Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung” như bài thơ “Quê Hương Điêu Tàn” của Nguyễn Đức Quang, hai nhạc sĩ Nhật Ngân & Song An phổ nhạc với tựa đề “Con Đường Buồn Hiu”của (một nhạc phẩm mà người Quảng Trị rất yêu thích).
https://www.youtube.com/watch?v=Iy_dz-1JVW0
Người đầu tiên được núp bóng yêu thương của cụ là Hoàng Văn Phùng một người bạn thân của tôi thi đậu trường đại học Nông lâm Súc - Sài Gòn. Phùng được cụ ông và cụ bà nhận cho ăn ở để dạy mấy con trai còn nhỏ tuổi của cụ. Tiếp đó, không chỉ nuôi Phùng, hai cụ còn cho ăn ở những người bạn của Phùng từ Quảng Trị vào để theo con đường học vấn tại các trường đại học Sài Gòn. Chúng tôi, những thằng “nhất quỷ nhì ma” ăn thì nhiều, ở thì bẩn, sống vô ý vô tứ trong một gia đình người miền Bắc đầy gia phong cốt cách, nhưng lạ thay, chẳng bao giờ tôi thấy cụ la rầy hay phàn nàn chúng tôi cả.
Những người được cụ cưu mang trong thời ấy có Hoàng Văn Phùng , Lê Văn San, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đạo Khoẻ (đã qua đời), tôi là Trương Văn Trạn, anh tôi là Trương Công. Sau đó tôi nhập ngũ năm 1968 thì có em tôi là Trương Minh Kháng cũng xin đến ở.
Chúng tôi ở đây một, nhưng bạn bè của mỗi đứa chúng tôi lui tới ăn ở lại bất thường thì đông. Hôm nay thằng bạn nầy đi, ngày mai thằng bạn khác đến. Hình như chúng tôi vô tư đến độ chẳng đứa nào nghĩ rằng mình đang ăn nhờ ở đậu cả, cứ đi sớm về trưa tự do như đang ở nhà cha mẹ mình. Tôi nhớ đứa nào về trể bửa cơm trưa hay tối thì đứa đó được cụ ông gắp thức ăn để phần cho nhiều nhất. Ông bà giao cho chúng tôi cả căn lầu để ở. Tuổi trẻ hiếu động, chúng tôi đi sớm về khuya, áo quần vất bừa bải, xả rác rồi nạnh nhau không ai dọn. Nhiều lần tôi thấy bà lên xép dọn cho chúng tôi, khuôn mặt điềm đạm, đôi mắt dịu hiền như người mẹ dọn phòng cho những đứa con mình.
Thời đó anh Trương Công được ba má tôi cho mua một chiếc xe gắn máy để đi học. Chiếc xe 26 ngàn đồng, tính ra vàng trên 5 lượng, khó ai mua được nhất là sinh viên. Anh tôi đã bị mất xe, ông bà chủ nhà đã đề nghị cho tiền anh tôi mua xe khác, khi nào có tiền thì trả lại, không có tiền thì thôi. Trong biến cố Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn, cả nhà phải chạy tránh bom đạn, ông bà chủ đã tin tưởng chúng tôi đến độ giao cho chúng tôi quay lại nhà để lấy két đạn đựng vàng mà bà dấu ở một nơi kín đáo trong vườn nhà. Tất cả những điều đó chứng tỏ ông bà đã tin tưởng và yêu thương chúng tôi, cái bọn học trò ở tận xứ miền Trung nghèo khó không biết gốc gác, lý lịch tốt xấu ra sao.
Cứ thế biết bao nhiêu kỷ niệm về tình yêu thương, về sự thông cảm, về sự thứ tha mà ông bà, nhất là bà chủ đã đối đãi với chúng tôi không khác chi một Mạnh Thường Quân ở thời đại mới, khiến chúng tôi kính trọng và nhớ ơn, nếu viết kể hết thì trăm trang không đủ.
Lê văn Thiêm thằng bạn thân của tôi, may mắn chiếm được trái tim cô học trò nhỏ của mình, cô công chúa tên Dung, nên sau 1975, tên tù binh cựu sĩ quan Đà Lạt được phóng thích trở về, lại được cưu mang trong lâu đài tình ái, hạnh phúc ngập tràn cho đến hôm nay, để chúng tôi được hân hạnh nhờ bạn thay mặt mình trao đến cụ 10 đoá hoa hồng mừng đại thọ bách niên của cụ, đó là món quà rất mọn tạ ơn đáp nghĩa của chúng tôi, những tên học trò ngổ ngáo năm xưa nay cũng đã bát niên rồi!
Thuở ấy cụ ông cụ bà còn rất trẻ, chỉ độ tuổi 50. Chúng tôi gọi hai cụ bằng ông bà theo cách miền Bắc. Đến nay đọc thiệp tôi mới biết tên cụ bà là Khánh Thị Phượng, và bài thơ của Đỗ Trung Quân không khác chi những chuổi ngọc lưu ly mừng đại thọ một con người nhân đức ở cõi đời nầy!
Cụ bà Khánh Thị Phượng
Với hai câu thơ đầu, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã sâu xa ngầm chứa ẩn ý về gia cảnh phong lưu, nhan sắc mỹ miều của cô Khánh Thị Phượng một thời hoa nhường nguyệt thẹn:
Mẹ bỏ sau lưng thời con gái
Vân tưởng y thường hoa tưởng Dung
“Mẹ bỏ sau lưng thời con gái” có nghĩa là quá khứ của mẹ, năm tháng có thể làm mẹ quên đi không nhớ nữa.
“Vân tưởng y thường hoa tưởng Dung” có nghĩa là “Nhìn mây nhớ đến xiêm áo, thấy hoa nhớ đến dung nhan”. Câu thơ được tác giả lấy trong bài thơ Thanh Bình Điệu của nhà thơ Lý Bạch thời nhà Đường bên Trung Quốc, đã gọn nhẹ và súc tích bày tỏ trọn vẹn gia thế và nhan sắc của mẹ thời còn trẻ. Xiêm áo đem so sánh với mây thì gia thế phải giàu, dung nhan đem so sánh với hoa thì phải là mỹ nữ. Bài thơ có 5 chữ viết hoa là 5 người nữ mà tác giả muốn tôn vinh nhân cách của họ. Khánh là họ của mẹ, Dung là tên cô gái lớn nhất, phu nhân của bạn tôi Lê Văn Thiêm. Nga, Anh, Vân là 3 cô em gái của Dung. Ngoài ra mẹ còn có những người con trai thành đạt ở đời.
Hai câu thơ kế tiếp nhà thơ Đỗ Trung Quân nói về công lao của mẹ, đức độ của mẹ:
Lời ru mẹ hoá thành Khánh ngọc
Ngân Nga vang mãi đến vô cùng
“Khánh ngọc” có nghĩa là viên ngọc đẹp, “khánh ngọc” còn có nghĩa là cái chuông bằng ngọc. “Lời ru mẹ hoá thành Khánh ngọc” ở đây không chỉ nói lên tình cảm của mẹ và con dành cho nhau, mà với cụ Khánh Thị Phượng, còn là sự nhân ái cụ dành cho đời như lời ru đã hoá thành viên ngọc đẹp. Lời ru ấy chúng tôi đã nhận nơi cụ trong những ngày xa xưa và đã thành viên ngọc quý giá trong tâm hồn chúng tôi mãi mãi. Lời ru ấy cũng không chỉ ngân nga vang mãi trong lòng con cái của cụ mà chắc chắn còn ngân nga vang mãi trong lòng tha nhân, những ai được gần với cụ. Điều ấy rất rõ ràng vì có tôi và các bạn tôi làm chứng nhân. Vô tình hay hữu ý, hai câu thơ của Đỗ Trung Quân chính nó cũng là chiếc khánh ngọc ngân nga vang vọng tôn vinh một tấm lòng đẹp trọn, tự nhiên hiếm có trong đời.
Cuối cùng, hai câu thơ chót như hai đóa hoa vừa hồng vừa thơm, ngát hương và ngát sắc màu, trọn vẹn ý nghĩa hoàn hảo trong tuổi trẻ, thanh thoát trong tuổi già mà nhà thơ Đỗ Trung Quân dành riêng tặng mẹ, không phải là mẹ ruột của ông nhưng xứng đáng là mẹ trong tiếng ngân nga của Khánh ngọc vang vọng trong cuộc đời nầy:
Trâm Anh tuổi mẹ màu mây trắng
Còn mãi môi cười như nét Xuân
“Trâm” là đồ trang sức quý giá của phụ nữ, “Anh” chỉ sự thông minh, nhanh nhẹn. Ý nghĩa của hai từ “trâm anh” chỉ người phụ nữ quý phái, tài hoa và xinh đẹp. Người phụ nữ trâm anh đó nay đã bách niên, tóc đã thành màu mây trắng, là màu mang ý nghĩa thoát tục. Đã thế dầu ở tuổi cao mẹ “Còn mãi nụ cười như nét xuân” là nụ cười giải thoát, nụ cười Di Lặc, nụ cười vô vi mang niềm vui an tịnh cho mình, cho con cháu và cho những ai đã từng được cụ cưu mang giúp đở trong đời!
Cảm ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân, người đủ chữ để thay chúng tôi viết về mẹ, người mẹ mà chúng tôi nương cậy một thời tuổi trẻ, đã ghi tạc trong tâm hồn chúng tôi những kỷ niệm quý giá, thân yêu và tôn kính. Nguyện ơn trên phù hộ mẹ mạnh khoẻ, trường thọ nhiều hơn nữa để chúng tôi còn nhiều lần gặp mẹ, vui thoả lòng mình khi dâng lên mẹ những đoá hoa hồng xinh đẹp./.
Châu Thạch (Trương Văn Trạn)