Người từ nơi xa lâu quá không đi ngang qua Quảng Trị, khi nói đến huyện Hải Lăng, người ta chỉ nhớ hình ảnh một bên đường là những đồi cát khô cằn chập chùng và một bên là một truông cát mênh mông vô tận, mà mùa đông thì lồng lộng gió bấc rét buốt, mùa hè thì ào ào gió Lào nắng nóng, cát bụi bay mù trời khiến cho vùng này trông như là một tiểu sa mạc.
Hình ảnh đó đã trở thành quá khứ nhờ người dân đã bỏ biết bao công sức lao động để trồng cây gây rừng, che phủ hầu như toàn bộ vùng cát bằng màu xanh dịu mắt.
Nhưng những rừng cây mới trồng đó chưa làm du khách ngạc nhiên. Mà điều đáng ngạc nhiên là trên vùng cát tưởng như khô hạn quanh năm đó lại có những hồ nước rộng bao la mà nhiều người cho rằng chúng là quà của thiên nhiên ban tặng.
Nằm cách thị trấn huyện Hải Lăng , tỉnh Quảng Trị chừng 3 km về phía bắc, trên dải đất cát rộng thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, từ thời khai thiên lập địa đã hình thành một hồ nước có khe lưu thông không bao giờ khô cạn rộng gần trên trăm hécta, được bao quanh bởi một cánh rừng nguyên sinh với đủ loại cây rừng mà vùng đồng bằng chung quanh hoàn toàn không có. Khu rừng và hồ này có tên Trằm Trà Lộc.
Vào mùa hè, khi gió Lào bắt đầu thồi, mang cái nóng đổ lửa cháy da, làm đất đai bốc lên mùi nồng nực phả vào mặt khiến người ta ngột ngạt, vậy mà khi bước chân vào khu rừng, bạn sẽ ngỡ ngàng như trong giấc mơ, chỉ phút chốc đã thấy một thế giới khác, một thế giới xanh tươi và mát rượi khiến bạn thư thái khoan khoái dễ chịu. Chung quanh bạn, một khu rừng chằng chịt cây và dây leo mà vùng đồng bằng gần đó hoàn toàn không có. Nhưng cái tên cây lạ hoắc như bời lời, sắn rừng, tran (gây dị ứng nếu chặt phá), rỏi (có trái ngọt), mã, tra và những dây leo như giêng giếng, song tắn, bồng tru (trái ăn tím miệng)… Những cây này chỉ bắt gặp trên đại ngàn Trường Sơn. Quanh hồ còn có nhiều cây tràm và mưng (lộc vừng) lủng lẳng những chùm hoa đỏ như như những dây pháo. Hồ nước bao la gợn sóng nhấp nhô những lá súng xanh mát và hoa súng tím thơ mộng. Tổ hợp rừng và hồ đã tạo thành một hệ sinh thái độc đáo, cùng sinh tồn và phát triển. Nơi đây đã biến thành điểm dừng chân cho du khách muôn phương, cho người đi xa về thăm quê, và là điểm dã ngoại hoặc họp bạn cho mọi lứa tuổi.
Bên bờ hồ, trên mặt nước, người ta dựng những chòi bằng tre lợp tranh, nền sạp tre được trải chiếu sạch. Ở đó, có thể gọi một những món đặc sản của vùng này như cá tràu hấp cuốn với bánh tráng và rau, cháo cá, cháo nhái… với mùi nén thơm cay sực mũi, vừa ăn vừa ngắm những đàn cá bơi lội tung tăng dưới nước và hưởng làn gió phơn phớt mát rượi.
Trằm Trà Lộc không phải là hồ nước duy nhất ở vùng này. Ngay giữa thị trấn Hải Lăng, trên vùng đất khá cao so với đồng bằng phía đông, bạn sẽ ngạc nhiên thấy một hồ nước rộng bao la, lộng gió, mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Nơi đây, ngày xưa, giữa vùng hoang vắng khô hạn đầy mồ mã và xương rồng trồng để giữ mồ khỏi gió bay, ít ai biết ở đó có một vùng trủng đầy sim, mua, tràm, chổi thông với một khe nước không bao giờ khô cạn, mà theo anh Võ Văn Luyến – giảng viên trường CĐSP Quảng Trị, thì khe nước đã được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí với tên Trà Thủy Khê, nay thường gọi là hồ Khe Chè.
Hồ Khe Chè rộng khoảng 15 ha, là kết quả từ ý tưởng và tầm nhìn của lãnh đạo và lao động của người dân địa phương, biến một vùng trủng nhỏ thành một chiếc hồ mênh mông, có nước lưu chuyển . Hồ tọa lạc ngay ở trung tâm thị trấn như một hồ cá kiểng nằm giữa nhà, hợp với quan niệm phong thủy của người xưa về sinh khí. Theo trang www.nhantrachoc.net: “Vạn vật đều sinh ra từ khí; khí gặp gió thì tan, gặp nước thì dừng; sinh khí được bảo toàn trong môi trường “tàng phong, đắc thuỷ”. Thuật phong thuỷ coi “đắc thuỷ” quan trọng hơn “tàng phong”; khí và thuỷ có quan hệ rất mật thiết với nhau; nước đến đâu thì khí theo đến đó, nơi nào có nước thì nơi đó có khí”. Vì vậy, rất nhiều khu dân cư cổ xưa đều đòi hỏi trước nhà phải có ao, hồ để trữ nước với mục đích bảo tồn “chân khí”. Hầu hết các thành phố hiện đại trên thế giới đều có hồ nước lớn hoặc được xây dựng bên các con sông hay là cảng biển. Điều này cho thấy vị trí của nước quan trọng như thế nào trong quan niệm và đời sống của con người xưa nay.
Phong thủy quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất để cần có một cái hồ. Quan trọng không kém là ảnh hưởng của hồ đối với nhân sinh, môi trường. Hồ Khe Chè làm nhiệt độ dịu xuống, tạo một không gian thoáng đảng với không khí trong lành, mát mẻ. Hồ như là một lá phổi xanh, một chỗ để thư giản, để tập thể dục buổi sáng, để hóng mát buổi trưa, để nghỉ ngơi buổi chiều, để ngắm trăng buổi tối. Hồ giúp cư dân bảo vệ sức khỏe thân thể cũng như tinh thần. Hồ mang thiên nhiên đến ngay trước ngõ mỗi nhà, tạo sự yên tĩnh hiếm có nơi phố xá, tạo một lối sống, một văn hóa đẹp. Đó là những tập quán và nét văn hóa của phố-quanh-hồ như Đà lạt với hồ Xuân Hương.
Một con đường chia hồ ra làm hai phần khiến người ta có thể tưởng tượng mình đang đi dạo trên đường Cổ Ngư. Có người ví hồ như cái lúm đồng tiền trên má thiếu nữ, hay nói khác hơn, không có hồ, thị trấn Hải Lăng chỉ là một bà già teo tóp, một vùng đất khô cằn, thiếu sinh khí. Chọn nơi đây làm thị trấn để tránh lũ là đúng nhưng sẽ không bao giờ ra vẻ thị trấn, chưa là một nơi đắc địa nếu không có hồ.
Hồ Khe Chè còn là nơi hẹn hò tình tự của lứa tuổi học trò, là nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm ngọt ngào của thời niên thiếu, nơi mà người ở quyến luyến không rời, người đi xa không thể nào quên, ước mơ có một ngày trở về ngồi bên hồ hàn huyên với bạn cũ.
Hồ không chỉ mang sinh khí, sự quyến rũ, sức sống, tập quán hay và văn hóa đẹp cho thị trấn mà đêm trăng bên hồ quá lãng mạn khiến những ai có tâm hồn thi sĩ không khỏi mộng mơ. Hoàng Tấn Linh, một thầy giáo của trường THPT thị trấn Hải Lăng đã viết:
Lá ủ hương nồng đêm thị trấn
Con sóng lao xao tuổi nhớ thì thầm
Ta ngồi đợi một tình yêu rất thật
Trăng bên hồ kết võng lá xa xăm…
Cám ơn thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Hải Lăng chúng tôi những món quà vô giá. Rất mong mọi người ý thức được sự quý giá đó để bảo tồn, phát triển, biến trằm, hồ thành những danh thắng đáng tự hào của quê hương.
Nguyễn Khắc Phước