Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 27, 2017

SÔNG ĐỜI - Thơ Đình Thu

Tác giả Đình Thu
           
SÔNG ĐỜI          

Sông đời trôi về đâu?
Mà ngàn năm lãng mạn
Nước khi đầy khi cạn
Vẫn mang màu quê hương

Con sông của yêu thương
Chảy tràn trong tiềm thức
Chở ta vào ký ức
Lênh đênh một con thuyền

Sông đời trôi bình yên
Trong gam màu lặng lẽ
Ước mơ thời tuổi trẻ
Bôn ba một kiếp người

Tiếng khóc và nụ cười
Cũng chỉ là hư ảo
Suốt cuộc đời tần tảo
Chắt chiu cho ngày sau

Sông đời trôi qua mau
Không bao giờ dừng lại
Em lỡ thì con gái
Chơi vơi lạc giữa dòng

Quàng tay ôm vào lòng
Anh  nghe từng hơi thở
Nhận về mình bên lở
Để phần em bên bồi!

Sông đời vẫn cứ trôi
Dòng thời gian ngược xuôi
Thăng trầm và thay đổi
Vẫn cho nhau nụ cười

Chảy về đâu sông ơi!
Con sông của cuộc đời
Giọt phù sa lắng đọng
Thấm vào giọng ru hời

Sông đời trôi vạn nẻo
Đục trong những bến bờ
Muốn làm con sóng nhỏ
Cho em niềm ước mơ. 


  Đình Thu

READ MORE - SÔNG ĐỜI - Thơ Đình Thu

BÊN ĐÈO MÂY TRẮNG BAY - Bút ký của Chế Cẩm Đình



Ảnh trên trang này của chính tác giả.


BÊN ĐÈO MÂY TRẮNG BAY
Chế Cẩm Đình

Lâu thật lâu lắm, tôi mới xuôi đèo Lò Xo rời cao nguyên về lại đồng bằng. Hơn mười năm trước, cái thời còn đi bán xi măng cho các dự án thủy điện thì qua lại đây thật nhiều, trên cơ thể vẫn còn lưu hăm mấy nốt sẹo do côn trùng đốt làm kỷ niệm với vùng đất cổng trời này.
Rời Kon Tum bốn giờ chiều, trời gắt nắng chứ không làm mưa như phía Gia Lai hay Đắc Lắc, tuy rằng cùng là đất Tây Nguyên nhưng bên này ở mé sườn đông, nên hơi ngược mùa mưa nắng với phía tây dãy Trường Sơn. Qua ngã ba đi Kon Rẫy, nhớ lời hẹn sẽ cùng em Y Ngom về thăm palei Kon Dơ Xing xinh đẹp bên dòng Dakbla chảy xuống từ đỉnh Ngọc Linh huyền bí, nhưng lúc này thì chưa phải dịp.
Thị trấn Đắc Hà nằm im lìm bên đường chiều, thiếu hẳn sự nhộn nhịp như ngày trước tôi qua, e vì lúc này không còn đông người dưới xuôi lên làm công việc xây dựng giao thông, thủy điện. Tu Mơ Rông, Đắc Tô, Tân Cảnh lần lượt hiện ra trên những tấm bảng chỉ dẫn địa danh. Nơi đây từng là chiến địa ác liệt nhất trong các cuộc giao tranh giành quyền làm chủ cửa ngõ vào Tây Nguyên của quân lực hai bên Nam - Bắc Việt, bởi ai chiếm cứ mái nhà Đông Dương thì hiển nhiên sẽ cầm trịch được cuộc chiến. Đường băng sân bay dã chiến chạy dọc theo đường quốc lộ đến mấy cây số nay được bà con dùng phơi nông sản, như mùa này đương phơi sắn lát, bay mùi tinh bột thiu thiu.
Huyện lỵ Plei Cần của huyện Ngọc Hồi nhà cửa chợ búa đông đúc hơn hẳn mấy nơi kia. Đây là trung tâm phía bắc tỉnh Kon Tum, nơi có cửa khẩu Bờ Y cách đó mươi hai cây số chính là ngã ba Đông Dương giữa ba nước Việt – Lào – Cam. Người ta lên đây buôn bán làm ăn khá nhiều, tạo ra một vùng kình tế biên mậu khá trù phú. Ra khỏi thị trấn là bắt đầu đổ đèo, đường nhựa được thay bằng đường bê tông chống trượt, tiếng lốp xe cán đường gằn lên pật pật rần rần chứ không êm mịn. Lúc này gần sáu giờ chiều, trời buông chút nắng nhạt cuối ngày. Từng lọn mây trắng kéo về vần quanh mấy rặng núi xanh ngắt nhô lên giữa bình đồ. Dòng sông Pô Kô mùa này ít nước, chỉ rì rầm chảy theo ven đường mười bốn như tiếng hát tự tình của đôi trai gái vào tuổi yêu.
Đắc Glei hiện ra trong màn sương mỏng giữa lưng chừng ngọn đèo. Hàng quán đã bắt đầu sập cửa nên thưa hẳn người qua lại, lác đác vài ba chiếc gùi nhấp nhô trên lưng các chị gái đồng bào trung tuổi ruổi bộ nhanh nhanh qua mấy con dốc trong thị trấn, để kịp về nhà trước khi trời tối hẳn. Như tôi giờ này cũng rất vội, trong lòng có ý tìm cho được một bản làng bên đường có nhà Rôông hay nhà Gươl để ghé lại thăm chơi, sợ trời tối thì không tìm được nữa mà phải về xuôi ngay trong đêm nay.
Rồi điều mong ước cũng đến, từ xa thấp thoáng một mái nhà Gươl với hai cái sừng trâu nhọn hoắt trên hai đầu mái nằm bên triền đồi đoạn cây số 1.450 đường HCM. Dừng xe hỏi thăm mới biết đây là một bản người Giẻ Triêng, mừng lắm, xin phép được vào thăm và trò chuyện với dân làng. Hỏi thăm vì sao lại gắn sừng trâu trên mái nhà Gươl, à, nó biểu tượng cho sức mạnh của thanh niên trong làng đấy, phải khỏe mới vật được con trâu, mới lấy được cái sừng gắn lên đó! Hỏi làng ta còn đâm trâu nữa không ạ? Bây giờ cấm rồi, cấm rồi, chỉ khi nào được mùa to lắm thì mới lên huyện xin phép, có khi được cho đấy! Người Giẻ Triêng trông khá giống người Kinh, chứ không giống người Khơ Me dù họ cùng ngữ hệ. Trong làng cũng còn nhiều họ tộc như họ Kring, họ Xiêng, họ Hliêng và họ Bloong, nhưng tên thì đã Việt hóa, như anh Ngọ, người đã trò chuyện cùng tôi đây cũng đã đổi tên.
Lúc trước đọc sách của bác Nguyên Ngọc, thấy mô tả người Giẻ Triêng chỉ ở lưng chừng núi, vì trên đỉnh núi là lối đi của Kia (thần linh), dưới thung lũng là nơi ma quỷ trú ngụ cũng phải tránh ra, bây giờ đến thăm thấy đúng vậy. Hỏi về quan niệm lúc mình sinh ra có 7 linh hồn tốt, xấu, siêng năng, ăn cắp … được bà mụ thổi vào thì không còn ai biết. Chắc vì bây giờ đỡ đẻ là có y bác sĩ hộ sinh rồi, nên tục xưa quên mất.
Xuống thêm chừng mười cây số, gặp một bản khác ngay bên đường, lại dừng xe vào thăm hỏi. Không phải bản Giẻ Triêng đâu nhé, mà là bản người Hà Lăng, một nhánh hay một tên gọi khác của đồng bào Xơ Đăng. Đám trẻ con trong bản chạy lại vây quanh khi thấy có người lạ đến chơi, vui quá. Chụp hình, chụp hình nào, ai nấy đều hồ hởi, chỉ mấy cô sơn nữ thì còn chút e thẹn né ra ngoài khuôn hình. Mà kỳ lạ lắm, người Hà Lăng có vóc dáng rất cao ráo, da trắng và khuôn mặt tây tây. Trong các khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt của cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc từng đề cập đến những người như “Tây trắng” ở trên dãy Trường Sơn có khi là đây? Ông biết được thông tin về chủng người này qua các tài liệu của người Pháp, chứ ông chưa gặp được bao giờ.
Đồng bào Hà Lăng ít ở nhà sàn, mà làm nhà trình tường bằng đất như dưới đồng bằng hồi chưa có xi măng sắt thép. Họ cũng làm lúa nước, cũng biết rèn các công cụ nông nghiệp như người kẻ ruộng vậy. Cây lúa gọi là “mạu”, trong khi dưới xuôi gọi là “mạ”, rõ là có họ hàng ngôn ngữ với nhau. Xin thâu âm số đếm từ một đến mười, thấy trùng với tiếng Việt đến 8 con số, trừ số 2 và số 6 ra mà thôi. Hỏi thêm một số từ nguyên thủy như nước thì gọi là “dak” (âm Việt cổ là nác), đất là “nei”, hỏi có biết biển không? Biết đấy! Gọi là gì? À, ừ, à là “Dak xi”, cho dù tôi chưa tìm thấy mối liên hệ giữa âm “xi” với âm “biển” nhưng khả dĩ rằng tổ tiên họ đã đi lên từ dưới xuôi thì mới biết biển và có từ vựng để chỉ biển. Như mặt trời thì họ gọi là “mat ngay”, tức là “mắt/mặt ngày”. Người quê tôi, cảm thán vẫn gọi ngày là “ngay”, như trong câu “ban ngày ban mặt” thì nói là “ban ngay (nhấn dài) ban mặt”. Trong tiếng Việt có tính từ “ngay” để chỉ sự ngay thẳng, ngay ngắn, có lẽ bắt đầu từ âm “ngay ” này, với ý nghĩa rõ ràng (như ban ngày). Đó, tiếng Việt của chúng ta đó, nguồn gốc dân tộc ta đó, hiện rõ trong tiếng nói của người đồng bào trên dãy Trường Sơn, chứ tìm đâu cho xa!
Xe tiếp tục đổ xuống con đèo dài cả trăm cây số, nó dài đến nỗi mà đoạn trên bên đường một chiếc xe tải mất phanh đổ gục vào vách núi khiến tôi rùng mình, đoạn dưới hai xác xe khách giường tầng cháy trơ khung sắt nằm ven đường cách nhau vài cây số, vì phải phanh liên tục đến cháy lốp, bắt lửa lên cả xe. Màn đêm sập xuống khiến núi rừng mờ mịt, chỉ còn ánh đèn pha trước đầu xe thắp phực lên những đóm mắt phản quang như mấy đầu que diêm quẹt lửa cắm thẳng hàng dẫn tôi xuống tận chân đèo qua địa phận huyện Phước Sơn thuộc Quảng Nam. Núi rừng Tây Nguyên ơi, sao lại làm cho tôi yêu đến vậy, tôi còn lên nữa đấy, hãy cứ chờ tôi!

11/6/2017













READ MORE - BÊN ĐÈO MÂY TRẮNG BAY - Bút ký của Chế Cẩm Đình

QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ - Võ Công Diên

READ MORE - QUÊ HƯƠNG TUỔI THƠ - Võ Công Diên

LỜI THẦM ƯỚC TRƯỚC LĂNG CHÚA NGUYỄN HOÀNG - Lê Quang Thái


           

                                            Bia lăng Chúa Tiên

                     
LỜI THẦM ƯỚC 
TRƯỚC LĂNG CHÚA NGUYỄN HOÀNG
                                         
Lê Quang Thái                        
(Học sinh Nguyễn Hoàng 1954 – 1959) 



Dân gian quen gọi lăng Trường Cơ là lăng tẩm chúa Tiên hoặc lăng Thái tổ Nguyễn Hoàng, tọa lạc trên khoảnh đất rộng mênh mông ở sơn phần thôn La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà ngày nay, về phía Tây Nam Cố đô Huế khoảng non 15km. Nếu tham quan lăng Ngài bằng đường thuỷ thì dùng thuyền đi ngược giòng sông Hương đến cầu Tuần rồi tiến thẳng lên phía thượng nguồn hơn 3km thì 4 trụ biểu cao của ngôi chùa Từ Hàn tĩnh mặc hiện rõ, quay mặt về bờ nam sông Cái còn gọi là sông Thơm. Từ đó đi bộ lên bờ Bắc khoảng 200m là đến khu vực lăng Trường Cơ, chênh chếch hướng phía cửa lăng là trường Trung học cơ sở Hương Thọ. Tiền thân của lăng này là miếu Nguyên Lập mà Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736) đã viết trong tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí.



Lúc sinh tiền, tướng mạo của chúa Tiên oai phong như trong sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, xuất bản năm 1995 đã ghi lại: “Ngài có tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rộng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả biết là bậc phi thường”.
Nguyễn Hoàng sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu (28-8-1525) tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoá. Ngài ở ngôi vị chúa Tiên đến 56 năm, kể từ năm Mậu Ngọ, 1558 cho đến lúc băng hà ngày 3 tháng 6 năm Quý Sửu (20-7-1613) tại Vương phủ Dinh Cát cạnh làng Ái Tử, tổng An Đôn, huyện Võ Xương*, phủ Triệu Phong, thời bấy giờ chưa có địa danh Quảng Trị.

Trước khi vĩnh biệt cõi trần, trí tuệ Ngài còn rất minh mẫn, Ngài ân cần căn dặn: “Đất Thuận - Quảng, Bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi bền vững. Núi sẵn vàng, sắt; biển sẵn có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng...”.

Dặn dò xong thì Ngài băng hà, thọ 89 tuổi. Lễ ninh lăng vào thời quốc sơ ở tại núi Thạch Hãn, thuộc sơn phần của làng cùng tên gọi, huyện Võ Xương. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên truy tôn Ngài lên tước Vương.
Theo Đại Nam nhất thống chí, tập Kinh Sư thì quần thể các lăng vua chúa đều được gọi chung bằng thuật ngữ Sơn Lăng. Vào ngày Giáp Thân, tháng 6 năm Bính Dần (1806), Ngài được truy tôn lần thứ ba từ tước Thái Vương lên Hoàng đế: Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng Đế; miếu hiệu Thái Tổ. Vì vậy, người đời đã kết hợp miếu hiệu và tôn hiệu để gọi tên Ngài bằng 6 từ: Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.

Sách Việt Sử diễn nghĩa tứ tự ca bằng chữ Nôm của các tác giả Hồng Thiết, Hồng Nhung soạn, về sau được khắc bản in năm 1921, đã diễn xướng cho mọi người hiểu rõ cốt lõi của Việt sử, có đoạn nói đến “Con người phi thường” - danh nhân Nguyễn Hoàng như sau:

             “Thái Tổ thấy chỉ
             Lãnh thuyền kéo vô
             Đến nơi Quảng Trị
             Gây dựng cơ đồ”

Đất Ái Tử là làng cổ thuộc huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong (tên gọi Quảng Trị có từ năm Tân Dậu, 1801) là bệ phóng cho quân dân nước Đại Việt mở đường Nam tiến từ núi Thạch Bi cho đến đất Mũi Cà Mâu - Hà Tiên trong vòng 200 năm trở lại như lời vang vọng của nguồn sử thi:

            “Sực nhớ câu “Hoành Sơn nhất đái
            Vạn đại dung thân” chừng cũng phải
            Tiên Vương khai thác vào miền Nam
            Đánh đông, dẹp bắc nhiều thế đại”
                     (Hương Giang hành, 1941)

Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế còn được dân gian truyền tụng và ca ngợi công đức lớn lao như vị đại khai canh, đại khai khẩn cho các làng xã hai trấn Thuận - Quảng và xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn kế tục trị vì. Từ trước đến nay, những sử sách chính thống hoặc Luận văn Tiến sĩ viết về xứ Đàng Trong ở nước ngoài, thậm chí cho đến các địa phương chí viết về từng vùng đất thuộc Nam Trung bộ và Nam bộ đều tỏ rõ quan điểm đánh giá cao công nghiệp của các chúa Nguyễn và các vua đầu đời nhà Nguyễn, thời nước ta có quốc hiệu Đại Nam. Tiêu biểu như tác phẩm Xứ Đàng Trong của bà Li Tana, nguyên là Luận văn Tiến sĩ về Lịch sử xứ Đàng Trong tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra năm 1992:

“... Đưa ra một giải thích hoàn toàn mới về vương quốc phía Nam lấy Huế làm trung tâm, công trình của Li Tana đã cung cấp cho chúng ta một bức họa về một nước Việt Nam mang tính cách Đông Nam Á hơn, thương mại hơn không như chúng ta thường hiểu khi nhìn vào hình ảnh phía Bắc”.
(Giáo sư Anthony Reid, Đông Nam Á Thời Mãi Dịch)

Theo điển lễ, trong tế lễ Nam Giao, Long vị của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế được phối thờ là rất phải lẽ, đúng với nội dung các nhóm từ đúc “Chính Đại Quang Minh” hoặc “Cư Nhân Do Nghĩa”. Lễ Hội Nam Giao qua các lần tổ chức Festival Huế đã làm sống lại một cách sinh động phần nào tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc.

Năm nay, năm Mậu Tý khai mở một kỷ nguyên tốt lành, đọc các báo Tết năm 2008, mọi người đều cảm thấy vui mừng. Không mừng sao được khi thấy văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh được bật sáng theo cùng với hương hoa, khói trầm nghi ngút đón lễ giao thừa, nghinh xuân tiếp phúc. Nền phúc ấm đã được tổ tiên từ bao đời ban tặng cho con cháu luôn được un đúc và hiển vinh.

Bản thân tôi và khá nhiều thân hữu đã rất đồng tình với nhận định chân thực và giàu tâm huyết của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy trong bài Quê nhà yêu dấu, đăng trên báo Văn Nghệ số 5-6-7 (2008) của Hội Nhà văn Việt Nam, trang 24-25:

“...Phục hồi nhân tâm là việc quan trọng nhất. Những gì thất nhân tâm thì thành tâm sửa lại. Có công tâm với lịch sử mới thực thi được công bằng xã hội.
Thu phục nhân tâm ư? Đoàn kết dân tộc ư? Thì hãy chọn những gì tốt đẹp của cha ông mà tôn vinh, mà truyền bá. Đối xử tử tế với tổ tiên là phẩm chất tối thiểu của đạo lý”...

Hôm nay, trước ngày giỗ thứ 395 của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, một trong những vị đại khai canh, đại khai khẩn của xứ Đàng Trong thuộc nước Đại Việt ngày xưa, chúng tôi là những con dân đời sau, những học trò của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường được vinh dự mang tên và hồn thiêng của một Danh nhân lịch sử phi thường kể từ năm học 1954 - 1955 (trước có tên Trung học Quảng Trị) thành kính đốt nén hương lòng, dâng bó hoa sen quỳ lạy 9 lạy trước lăng Trường Cơ với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, thoáng đạt, tươi đẹp như sách Ô Châu cận lục đã từng ghi:
“Núi Mông Lĩnh uốn gập lưng ong; suối La Khê chẽ ngang đuôi yến”.

Chúng tôi còn nhớ mãi bài thơ tứ tuyệt của người xưa mà thầy giáo khả kính Lê Đình Ngân đã dẫn sử liệu và phân tích cho chúng tôi hiểu khi thầy nói về những ngày đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng đóng đại bản doanh trên đất Ái Tử, huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa:

TIÊN KẾT NHÂN TÂM THUẬN,
HẬU THI ĐỨC HÓA CHIÊU.
CHI DIỆP KHAM TỒI LẠC,
CĂN BẢN DÃ NAN DAO.

Tạm dịch:

“Trước tiên lòng người thuận,
Lấy đức hóa cõi đời.
Cành nhánh dẫu rơi rụng,
Cội gốc khó chuyển lay”

Thời ấy,  học trò Nguyễn Hoàng là dân tứ xứ; Bắc có, Nam có, Huế có, chứ không phải chỉ cục bộ địa phương dành cho người Ô Châu - Quảng Trị. Học trò có ngôn ngữ của học trò, chúng tôi thường gọi những ai học trường Trung học công lập Nguyễn Hoàng là “dân Nguyễn Hoàng” trong ý nghĩa ngây thơ, trong trắng, hồn nhiên, không có gì mang sắc màu phân biệt. Ôi đẹp sao thời cắp sách làm “dân Nguyễn Hoàng”!

Trước khi rời lăng Trường Cơ, chúng tôi kính cẩn lạy 3 lạy, rồi thầm đọc bài thơ chữ Hán trên đây trước anh linh của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế mà lòng không khỏi bùi ngùi về cái tên trường cũ vô vàn thân thương nay không còn nữa.
                                                           
La Khê, 30-6-2008.                                                      
Lê Quang Thái

READ MORE - LỜI THẦM ƯỚC TRƯỚC LĂNG CHÚA NGUYỄN HOÀNG - Lê Quang Thái