Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, July 27, 2017

LỜI THẦM ƯỚC TRƯỚC LĂNG CHÚA NGUYỄN HOÀNG - Lê Quang Thái


           

                                            Bia lăng Chúa Tiên

                     
LỜI THẦM ƯỚC 
TRƯỚC LĂNG CHÚA NGUYỄN HOÀNG
                                         
Lê Quang Thái                        
(Học sinh Nguyễn Hoàng 1954 – 1959) 



Dân gian quen gọi lăng Trường Cơ là lăng tẩm chúa Tiên hoặc lăng Thái tổ Nguyễn Hoàng, tọa lạc trên khoảnh đất rộng mênh mông ở sơn phần thôn La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà ngày nay, về phía Tây Nam Cố đô Huế khoảng non 15km. Nếu tham quan lăng Ngài bằng đường thuỷ thì dùng thuyền đi ngược giòng sông Hương đến cầu Tuần rồi tiến thẳng lên phía thượng nguồn hơn 3km thì 4 trụ biểu cao của ngôi chùa Từ Hàn tĩnh mặc hiện rõ, quay mặt về bờ nam sông Cái còn gọi là sông Thơm. Từ đó đi bộ lên bờ Bắc khoảng 200m là đến khu vực lăng Trường Cơ, chênh chếch hướng phía cửa lăng là trường Trung học cơ sở Hương Thọ. Tiền thân của lăng này là miếu Nguyên Lập mà Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736) đã viết trong tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí.



Lúc sinh tiền, tướng mạo của chúa Tiên oai phong như trong sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, xuất bản năm 1995 đã ghi lại: “Ngài có tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rộng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả biết là bậc phi thường”.
Nguyễn Hoàng sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu (28-8-1525) tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoá. Ngài ở ngôi vị chúa Tiên đến 56 năm, kể từ năm Mậu Ngọ, 1558 cho đến lúc băng hà ngày 3 tháng 6 năm Quý Sửu (20-7-1613) tại Vương phủ Dinh Cát cạnh làng Ái Tử, tổng An Đôn, huyện Võ Xương*, phủ Triệu Phong, thời bấy giờ chưa có địa danh Quảng Trị.

Trước khi vĩnh biệt cõi trần, trí tuệ Ngài còn rất minh mẫn, Ngài ân cần căn dặn: “Đất Thuận - Quảng, Bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi bền vững. Núi sẵn vàng, sắt; biển sẵn có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng...”.

Dặn dò xong thì Ngài băng hà, thọ 89 tuổi. Lễ ninh lăng vào thời quốc sơ ở tại núi Thạch Hãn, thuộc sơn phần của làng cùng tên gọi, huyện Võ Xương. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên truy tôn Ngài lên tước Vương.
Theo Đại Nam nhất thống chí, tập Kinh Sư thì quần thể các lăng vua chúa đều được gọi chung bằng thuật ngữ Sơn Lăng. Vào ngày Giáp Thân, tháng 6 năm Bính Dần (1806), Ngài được truy tôn lần thứ ba từ tước Thái Vương lên Hoàng đế: Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng Đế; miếu hiệu Thái Tổ. Vì vậy, người đời đã kết hợp miếu hiệu và tôn hiệu để gọi tên Ngài bằng 6 từ: Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.

Sách Việt Sử diễn nghĩa tứ tự ca bằng chữ Nôm của các tác giả Hồng Thiết, Hồng Nhung soạn, về sau được khắc bản in năm 1921, đã diễn xướng cho mọi người hiểu rõ cốt lõi của Việt sử, có đoạn nói đến “Con người phi thường” - danh nhân Nguyễn Hoàng như sau:

             “Thái Tổ thấy chỉ
             Lãnh thuyền kéo vô
             Đến nơi Quảng Trị
             Gây dựng cơ đồ”

Đất Ái Tử là làng cổ thuộc huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong (tên gọi Quảng Trị có từ năm Tân Dậu, 1801) là bệ phóng cho quân dân nước Đại Việt mở đường Nam tiến từ núi Thạch Bi cho đến đất Mũi Cà Mâu - Hà Tiên trong vòng 200 năm trở lại như lời vang vọng của nguồn sử thi:

            “Sực nhớ câu “Hoành Sơn nhất đái
            Vạn đại dung thân” chừng cũng phải
            Tiên Vương khai thác vào miền Nam
            Đánh đông, dẹp bắc nhiều thế đại”
                     (Hương Giang hành, 1941)

Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế còn được dân gian truyền tụng và ca ngợi công đức lớn lao như vị đại khai canh, đại khai khẩn cho các làng xã hai trấn Thuận - Quảng và xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn kế tục trị vì. Từ trước đến nay, những sử sách chính thống hoặc Luận văn Tiến sĩ viết về xứ Đàng Trong ở nước ngoài, thậm chí cho đến các địa phương chí viết về từng vùng đất thuộc Nam Trung bộ và Nam bộ đều tỏ rõ quan điểm đánh giá cao công nghiệp của các chúa Nguyễn và các vua đầu đời nhà Nguyễn, thời nước ta có quốc hiệu Đại Nam. Tiêu biểu như tác phẩm Xứ Đàng Trong của bà Li Tana, nguyên là Luận văn Tiến sĩ về Lịch sử xứ Đàng Trong tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra năm 1992:

“... Đưa ra một giải thích hoàn toàn mới về vương quốc phía Nam lấy Huế làm trung tâm, công trình của Li Tana đã cung cấp cho chúng ta một bức họa về một nước Việt Nam mang tính cách Đông Nam Á hơn, thương mại hơn không như chúng ta thường hiểu khi nhìn vào hình ảnh phía Bắc”.
(Giáo sư Anthony Reid, Đông Nam Á Thời Mãi Dịch)

Theo điển lễ, trong tế lễ Nam Giao, Long vị của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế được phối thờ là rất phải lẽ, đúng với nội dung các nhóm từ đúc “Chính Đại Quang Minh” hoặc “Cư Nhân Do Nghĩa”. Lễ Hội Nam Giao qua các lần tổ chức Festival Huế đã làm sống lại một cách sinh động phần nào tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc.

Năm nay, năm Mậu Tý khai mở một kỷ nguyên tốt lành, đọc các báo Tết năm 2008, mọi người đều cảm thấy vui mừng. Không mừng sao được khi thấy văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh được bật sáng theo cùng với hương hoa, khói trầm nghi ngút đón lễ giao thừa, nghinh xuân tiếp phúc. Nền phúc ấm đã được tổ tiên từ bao đời ban tặng cho con cháu luôn được un đúc và hiển vinh.

Bản thân tôi và khá nhiều thân hữu đã rất đồng tình với nhận định chân thực và giàu tâm huyết của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy trong bài Quê nhà yêu dấu, đăng trên báo Văn Nghệ số 5-6-7 (2008) của Hội Nhà văn Việt Nam, trang 24-25:

“...Phục hồi nhân tâm là việc quan trọng nhất. Những gì thất nhân tâm thì thành tâm sửa lại. Có công tâm với lịch sử mới thực thi được công bằng xã hội.
Thu phục nhân tâm ư? Đoàn kết dân tộc ư? Thì hãy chọn những gì tốt đẹp của cha ông mà tôn vinh, mà truyền bá. Đối xử tử tế với tổ tiên là phẩm chất tối thiểu của đạo lý”...

Hôm nay, trước ngày giỗ thứ 395 của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, một trong những vị đại khai canh, đại khai khẩn của xứ Đàng Trong thuộc nước Đại Việt ngày xưa, chúng tôi là những con dân đời sau, những học trò của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường được vinh dự mang tên và hồn thiêng của một Danh nhân lịch sử phi thường kể từ năm học 1954 - 1955 (trước có tên Trung học Quảng Trị) thành kính đốt nén hương lòng, dâng bó hoa sen quỳ lạy 9 lạy trước lăng Trường Cơ với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, thoáng đạt, tươi đẹp như sách Ô Châu cận lục đã từng ghi:
“Núi Mông Lĩnh uốn gập lưng ong; suối La Khê chẽ ngang đuôi yến”.

Chúng tôi còn nhớ mãi bài thơ tứ tuyệt của người xưa mà thầy giáo khả kính Lê Đình Ngân đã dẫn sử liệu và phân tích cho chúng tôi hiểu khi thầy nói về những ngày đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng đóng đại bản doanh trên đất Ái Tử, huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa:

TIÊN KẾT NHÂN TÂM THUẬN,
HẬU THI ĐỨC HÓA CHIÊU.
CHI DIỆP KHAM TỒI LẠC,
CĂN BẢN DÃ NAN DAO.

Tạm dịch:

“Trước tiên lòng người thuận,
Lấy đức hóa cõi đời.
Cành nhánh dẫu rơi rụng,
Cội gốc khó chuyển lay”

Thời ấy,  học trò Nguyễn Hoàng là dân tứ xứ; Bắc có, Nam có, Huế có, chứ không phải chỉ cục bộ địa phương dành cho người Ô Châu - Quảng Trị. Học trò có ngôn ngữ của học trò, chúng tôi thường gọi những ai học trường Trung học công lập Nguyễn Hoàng là “dân Nguyễn Hoàng” trong ý nghĩa ngây thơ, trong trắng, hồn nhiên, không có gì mang sắc màu phân biệt. Ôi đẹp sao thời cắp sách làm “dân Nguyễn Hoàng”!

Trước khi rời lăng Trường Cơ, chúng tôi kính cẩn lạy 3 lạy, rồi thầm đọc bài thơ chữ Hán trên đây trước anh linh của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế mà lòng không khỏi bùi ngùi về cái tên trường cũ vô vàn thân thương nay không còn nữa.
                                                           
La Khê, 30-6-2008.                                                      
Lê Quang Thái

1 comment:

ba nguyen said...

Nhớ tới tổ tiên vốn là rất thuần Việt,ai cũng làm và gìn giữ muôn thủa.Chỉ những kẻ cố tình nhắm mắt giả mù mà quên tiền nhân những người có công lao mở nước,và cũng quan trọng không kém là những người giữ nước.Bài văn nhắc tới ông nguyễn Duy thật cũng quá khấp khểnh và phản tác dụng.Những con người như Nguyễn Duy thì không nên nhắc đến,hắn đã phỉ nhổ vào tiền nhân và tất nhiên mọi đánh giá mà hắn nêu ra chỉ là sự ngược lại.Thời buổi nay sao nhố nhăng đến vậy.Văn nghệ với những người chữ rộng văn dài ngụy quân tử và ngụy biện nhiều quá,biết tin sao đây?lịch sử vừa bước đi chưa kịp đặt bàn chân kia xuống mà đã lám kẻ đã vẽ rắn thành rồng,vẽ rắn thành lươn.