Sáng nào ngoại tôi cũng lom khom đi xé lịch trên tường để đếm
ngày đếm tháng. Trong những ngày năm cùng tháng tận, ngoại thường
nói, “sắp hết năm rồi bây ơi”.
Chập choạng ít hôm nữa là ăn tết rồi. Ngày tháng thoi đưa…
Mỗi lần nghe ngoại “cảnh báo” về
thời gian chuẩn bị tết,
tuy lòng biết rõ còn bao
nhiêu hôm nữa là đón giao
thừa nhưng lòng vẫn bồn chồn
như hồi còn trẻ con. Những ngày lưng chừng xuân như
thế, tôi lại nhớ về
làng Dương nơi cù lao Bắc Phước, ở
đó tuổi thơ tôi đã đón những mùa xuân bình yên đầy sắc màu.
Ngày xưa
cù lao chưa có cầu, muốn đi lại
giao lưu với các vùng khác phải đi đò. Cứ mỗi mùa xuân tôi thường
đứng ở bến đò đợi
mẹ đi chợ về. Từng
chuyến đò ngang chở hàng về cù lao đầy
màu sắc. Hoa tươi nào là cúc, vạn thọ từ
An Lạc, Đông Hà đưa về; hoa giấy
từ Phường Lang đem qua. Những gói cổ, bánh thuẫn của các bà bán rong luôn làm những đứa trẻ
như tôi thèm thuồng. Tôi chờ mẹ để
lấy con tò he xanh đỏ mà mẹ hứa
ở nhà trông đàn lợn sẽ mua. Những
đứa trẻ làng Dương đều
có ước muốn như vậy,
vì ngoài điều đó sẽ chẳng trông đợi
được điều gì nữa khi áo mới,
quần mới, bánh kẹo, bóng bay từ chợ tỉnh
là một thứ xa xỉ.
Ngoài con tò he xanh đỏ
của mẹ, lũ trẻ chúng tôi còn
đợi một điều trong dịp
tết là “làm mới áo quần” bằng
cách nhuộm. Một năm học mẹ
chỉ mua một bộ áo quần.
Bộ còn lại của anh hai bị
ngắn cho tôi. Cả năm mặc đi mặc
lại chỉ chừng đó nên việc
bạc màu, bị dính mủ mít, mủ
chuối làm cho những chiếc áo, quần
trở nên nham nhở là điều khó tránh khỏi.
Tôi nhớ mỗi lần đi học
về là thay áo quần ngay, nếu bẩn thì giặt,
không thì mắc lên, vuốt ve một cách tươm
tất để hôm khác mặc. Có hôm không đến trường được
cũng vì mùa đông mưa dầm dề áo quần
phơi không khô.
Chẳng
riêng gì mấy anh em, ba mẹ cũng vậy, mặc
những đồ rách, vá. Riêng bộ đồ “nhất”
ba mẹ luôn mặc khi có việc như các ngày giỗ,
cưới hỏi và ngày tết.
Khi công việc đồng
áng xong xuôi, ngoài việc
gói bánh, làm bánh in, bánh thuẫn
thì ba tôi nấu một nồi nước
phẩm để “luộc” lại
áo quần. Những lon phẩm màu từ thuở
nào nằm trong xó bếp giờ đưa
ra lại làm cả nhà ngạc nhiên, hăm hở
đợi chờ “sự hoá phép”, làm mới
áo quần.
Cái áo trắng
của anh hai năm qua đầy mủ chuối
giờ thành áo xanh của tôi, cái quần xanh bạc phếch nhuộm
đen để xoa đi những vết xước,
láng mòn do ngồi mài trên
ghế lâu ngày. Nồi nước luộc
sôi sùng sục, mùi hắc xông lên khó chịu nhưng ai cũng muốn
chính tay mình làm một bộ cánh mới đi khoe với
đám bạn trong ngày mùng một tết.
Nhuộm
xong phơi lên sào, bắc chiếc ghế
ngồi một bên đợi. Không phải
sợ mất mà vẫn ngồi
đợi. Đợi xem khi áo khô cái màu nhuộm có vừa ý mình không, nếu
không thì lại nhuộm, rồi lại
phơi… Để cho chỉnh chu một
chút nữa tôi thường qua nhà hàng xóm mượn cái bàn là đốt than về là cho đẹp. Ở nông thôn ngày xưa
mà có bàn là bằng đồng quạt than là thuộc
loại giàu có. Vừa là vừa quạt
than, bụi than bay mù trời. Đứa nào cũng sợ
lửa than rơi cháy áo, cháy quần chứ chẳng
sợ khói, bụi.
Tôi đã có những
cái tết như thế. Tết
cả nhà ngồi nhuộm áo cho nhau. Những
chiếc áo từ năm nào khi tết trở thành áo mới
như mua từ chợ tỉnh.
Trong khói hương trầm và mùi bánh chưng, nếu tinh tế
một chút sẽ ngửi thấy
mùi ngai ngái của thuốc nhuộm. Sáng đầu
năm, nhìn ai cũng có một
bộ áo quần mới. Tay bắt
mặt mừng, cứ khoe nhau xem đứa
nào nhuộm đẹp hơn. Có đứa
ôm mặt khóc nức nở khi phát hiện
áo mình bị rách do vết sờn…
Có nhiều
cái tết đầm ấm đi qua. Những
sắc màu, hương vị của
tết luôn làm mỗi chúng ta phải hoài niệm về một
thời xa xưa. Quê hương giờ đã đổi
sắc. Không biết tết này có ai còn nhuộm
áo cho ai?
Yên Mã Sơn
khiemnguyen69@gmail.com
khiemnguyen69@gmail.com