Nhựa sơn là chất kiến tạo cơ bản trong trò chơi ngôn ngữ tạo hình của tôi. Tôi am hiểu luật chơi vì tôi thiết lập trò chơi. Tôi tạo ra hệ thống kỹ thuật, cách dùng màu, thêm vật liệu mới để thay đổi quan niệm cũ kỹ và có phần mòn vẹt về sơn mài lâu nay. Sáng tạo mới cần phải có một hệ hình mới.
Kỹ thuật chủ động tạo sự nứt nẻ, nhăn, mòn thủng....là ngữ pháp căn bản của trò chơi.
Nứt nẻ - sự khô cằn, sa mạc thực dụng, sự thiếu hụt một thứ gì đó, một dưỡng chất cần thiết bị đẩy ra khỏi cái mà cấu trúc nó vốn phải là.
Nhăn - sự ẩm ướt, tự ti, co cụm, sự dư thừa một yếu tố nào đó.
Nứt nẻ và nhăn tạo nên sự đối lập, phản ảnh sự cực đoan của tiểu khí hậu Huế nói riêng và rộng ra là cả miền Trung. Kỹ thuật tạo sự ăn mòn - gây thêm cảm giác bào mòn của thời gian, sự gậm nhấm trong vùng địa văn hóa ấy và rồi những ký tự, hoa văn, rác thải công nghiệp... được gắn trên nền của những cấu trúc bề mặt ấy để tạo ra các trường liên tưởng mới, ngữ nghĩa mới. Các chủ đề như Tự sự về Cố đô, Xác chết của các mẫu tự, Hóa thạch đương đại...lần lượt xuất hiện.
*
* *
Làm sơn mài là tiếp xúc với kim loại, gỗ, nước, đất, lửa... Vì thế, tôi có cơ duyên sát gần với cái huyền nhiệm của hiện hữu, dù chỉ là sát-na.
Biến thể 1: Vẽ nét, tô mảng; tạo hình cây cỏ, lá hoa, người.....tất cả đều có thuộc tính riêng, dáng vẻ riêng. Có tự tánh riêng biệt.
Biến thể 2: Phủ sơn cánh gián lên toàn bộ mặt tranh. Chất sơn sẽ đưa mọi vật có thuộc tính riêng lẻ trở về một màu tối sẫm. Mọi sự vật hòa lẫn vào nhau, trở về cái chung, muôn mà một. Vạn vật nhất thể. Phi nhất phi nhị.
Biến thể 3: Mài tranh, đưa sự vật hiện tượng trở về với uyên nguyên, nhưng mang thêm dáng vẻ và màu sắc mới. Trở về lại với tự tánh riêng biệt. Một nhưng mà muôn.
Đây là ba biến thể của hình tượng cũng là ba công đoạn trọng yếu của kỹ thuật sơn mài.
*
* *
Tôi thể hiện mình, phát hiện ra mình và cuối cùng sáng tạo lại chính bản thân mình thông qua hành trình tìm kiếm cái Đẹp trên chất liệu sơn mài.
Đó chính là ba biến thể hay là đích đến của sự sáng tạo.
Võ Xuân Huy