Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 28, 2023

XUÂN THA HƯƠNG – Thơ Khê Kinh Kha

 

XUÂN THA HƯƠNG
 
xuân này là mấy xuân rồi
mà sao hoang lạnh giăng đầy trong tôi
nhìn quanh chỉ thấy tuyết rơi
tuyết rơi hay lệ tuôn rơi vào hồn
bao năm rồi chẳng mai vảng
chỉ bao thương nhớ với ngàn đắng cay
nhớ quê hương – nhớ tình người
nhớ sông nhớ núi nhớ trời mây bay
nhớ vầng trăng – giữa đêm dài
nhớ mưa nhớ nắng nhớ ngày tháng xưa
nhớ ruộng lúa – nhớ bờ đê
nhớ con đường đất hàng tre rũ mềm
nhớ cây đa đứng đầu đình
nhánh sông nhỏ bé gập ghềnh cầu tre
nhớ ai xõa mái tóc thề
dáng mềm như bóng trăng khuya đáy hồ
nhớ đêm tát nước, ai hò:
“trăng em mười tám nõn nà như hoa
chàng về trình với mẹ cha
tràu cau trà bánh sang nhà thiếp đây
à ơi duyên phận lứa đôi
chàng chàng thiếp thiếp trọn đời có nhau”
nhớ biển xanh nhớ núi cao
bóng chim mỏi cánh qua đèo lẻ loi
 
nhớ bay theo cánh gió trời
gió ơi đưa chút tình này về quê
vượt trùng dương, vạn sơn khê
lênh đênh tìm lại lối về quê hương
 
phận người viễn xứ lưu vong
dù thân héo úa nhưng lòng sắt son
 
                              Khê Kinh Kha
                                12/23/23
 
READ MORE - XUÂN THA HƯƠNG – Thơ Khê Kinh Kha

SÂN NGOÀI...- Thơ Tịnh Bình

 
 
                   Nhà thơ Tịnh Bình


SÂN NGOÀI...
 
Gió lay hoa sứ giật mình
Sân ngoài rơi xuống lời kinh nhiệm mầu
*
Trăng treo cổ tự mái đầu
Sân ngoài thoáng bóng áo nâu nhẹ nhàng
*
Ao thu sen nở sen tàn
Sân ngoài sót chút mơ màng nhụy hương
*
Cõi hồn buồn giận ghét thương
Sân ngoài mắt lá đẫm sương khi nào
*
Chợ đời mặc cả trần lao
Sân ngoài chú tiểu làu làu chân kinh
*
Loay hoay trong cõi tử sinh
Sân ngoài viên sỏi im thinh nụ cười
*
Gió lay hoa sứ cứ rơi
Sân ngoài bóng nguyệt tỏa ngời tự thân...
 
                                          TỊNH BÌNH
                                            (Tây Ninh)

READ MORE - SÂN NGOÀI...- Thơ Tịnh Bình

ĐỌC “ÁC MỘNG” THƠ TUỆ SỸ - Châu Thạch

 
   

 
ÁC MỘNG
         
Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy
Thịt xương người vung vãi lối anh đi
Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy
Vì yêu em trên lá đọng sương mai
 
Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây
 
Đời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ
Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai
Để một thoáng giấc mơ tàn kinh dị
Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay
 
                                      Tuệ Sỹ
                            Rừng Vạn Giã 1976
 

        ĐỌC “ÁC MỘNG” THƠ TUỆ SỸ 
                                              Châu Thạch
 

Có một nhà văn đã viết về Tuệ Sỹ rằng:
 
“Trong số những sáng tác của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, một số lớn được sáng tác trong thời gian một năm tác giả rút về sống cô độc làm rẫy trong rừng Vạn Giã từ 1976 đến 1977. Những bài thơ này được gom lại trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”. Ngoài những bài thơ về núi rừng, về vũ trụ, về kiếp nhân sinh, còn có một số không ít bài về tình yêu, rất tha thiết và truyền cảm, là một điều khá ngạc nhiên khi tác giả là một thiền sư”“Ông biết rất rõ tâm lý con người để có thể diễn tả một cách thuyết phục những lối đi thơ mộng của tình yêu, những tâm tư thầm kín của lòng người, mà không nhất thiết biểu lộ những tình cảm của riêng mình. Mặt khác, trong những câu thơ nói về tình yêu, chúng ta nghĩ là tình yêu thơ mộng nam-nữ, nhưng thật ra có thể đó chỉ là biểu hiện trong thi ca của một tình rộng lớn hơn là tình người.”
 
Những lời nhận định trên quả rất đúng. Tuệ Sỹ chính là kẻ sĩ trong truyền thống của Đông phương. Thiền sư Tuệ Sỹ đã thể hiện tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của kẻ sĩ không phải chỉ bằng hành động, mà còn bằng những tác phẩm. Qua văn tự, ngài đã viết tác phẩm đó bằng sự hy sinh quên mình, để chia xẻ sự đau khổ với quê hương đất nước. Một trong những bài thơ như thế là bài thơ “Ác Mộng” ngài viết trong rừng Vạn Giã năm 1976, viết trong túp lều tranh do tự tay mình dựng lên, nơi mà đêm xuống nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong túp lều tranh và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông.
 
Bây giờ xin mời quý vị và tôi cùng mang hai bản chất để đi vào bài thơ “Ác Mộng”. Có như thế chúng ta mới có thể hiểu được một phần nào ý sâu xa trong bài thơ của ngài. Trước hết hãy mang bản chất của tình yêu nam nữ để cảm thụ tiếng thơ tình say đắm, sau đó tùy theo mỗi người, hãy thử mang ít hay nhiều bản chất của một tu sĩ, của người đã xa lánh bụi trần gian để cảm nhận huyền vi trong câu thơ của Tuệ Sỹ.
 
Xin hãy bước vào khổ thơ đầu tiên:
 
Lại ác mộng bởi rừng khuya tàn bạo đấy
Thịt xương người vung vãi lối anh đi
Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy
Vì yêu em trên lá đọng sương mai
 
Đọc hai câu thơ đầu ta thấy ngay nhà thơ mơ một giấc mơ hải hùng giữa rừng. Nhà thơ đã thấy “Thịt xương người vung vãi lối anh đi”. Tác giả cho biết “Lại ác mộng” nghĩa là đã từng có ác mộng nhiều lần trong khu rừng ấy. Tác giả cho biết thêm, lại ác mông bởi vì “rừng khuya tàn bạo đấy”. Như thế ác mộng của tác giả có nguyên nhân rõ tàng là do “rừng khuya tàn bạo” mà gây nên. Vậy câu thơ đầu tác giả đã chỉ ngay chủ thể gây ra ác mông là “Rừng khuya tàn bạo”. Chủ thể là gì? Chủ thể là cá nhân, tổ chức tồn tại hiện hữu, nhận diện được qua hành động. Rừng khuyu không thể là chủ thể. Vậy “rừng khuya” trong thơ dùng để ám chỉ một chủ thể nào đó đã gây ra ác mộng cho tác giả.
 
Qua hai câu thơ sau “Những đáy mắt không căm thù đỏ cháy/ Vì yêu em trên lá đọng sương mai” là bức tranh vẽ lá trong rừng Vạn Giã. Câu thơ thứ 3 “Những đáy mắt không căm thù đỏ cháy” cho ta đoán được ác mộng xảy ra vào mùa thu trong rừng Vạn Giã, vì mùa thu thì lá úa vàng, nhìn như đỏ cháy. Nhà thơ dùng cụm từ “Những đáy mắt” để chỉ về phần nội tâm, sâu trong nội tâm những chiếc lá không biết căm thù trước sự tàn bạo gây ra. Ta hiểu rừng trong thơ đại diện cho một chủ thể thì lá trong thơ cũng đại diện cho một tầng lớp trong xã hội đương thời,
 
Qua câu thơ thứ 4, nhà thơ đột nhiên dùng chữ “Yêu em”. Để hiểu nghĩa rõ hơn hai câu thơ nầy ta có thể viết lại như sau: Những đáy mắt không căm thù đỏ cháy/ Đỏ cháy vì yêu em trên lá đọng sương mai. Ta để ý cụm từ “yêu em trên lá đọng sương mai”. Vậy em trong câu thơ nầy là ai? Là “lá đọng sương mai”, nghĩa là em là những chiếc lá đọng sương mai. Hiểu như thế ta sẽ không còn thắc mắc tại sao thiền sư lại viết “em” trong thơ của ngài.
 
Qua khổ thơ đầu ta có thể thấy tuy nhà thơ viết về ác mộng, nhưng đó không phải là giấc mơ khi ngủ mà là ác mộng khi ngài đang thức, bởi vì ngài vẫn thấy rõ lá đỏ đọng sương mai trước mắt mình.
 
Tóm lại trong khổ thơ đầu, Tuệ Sỹ viết về một cơn ác mông do xã hội đem đến cho ngài. Ngài thấy cảnh đau khổ trên từng lối đi, ngài cũng thấy tầng lớp bị đè nén thơ ngây như những chiếc lá không biết hận thù, tâm hồn họ đẹp như những giọt sương đọng trên lá mà ngài yêu quý. Vậy lá đại diện cho lớp người bị áp bức được nhà thơ gọi là “Em” và “sương mai” chính là tâm hồn của họ.
 
Bây giờ xin mời quý vị đọc tiếp khổ thơ thứ hai:
 
Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây
 
Câu thơ đầu “Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại” nói về thế lực của Tuệ Sỹ và ý chí của Tuệ Sỹ. Thế lực của nhà thơ yếu đuối như cỏ dại, nhưng ý chí nhà thơ luôn kiên cường chiến đấu. Trước bạo lực Tuệ Sỹ như cỏ dại nhưng cỏ dại vẫn chiến đấu. Ngài chiến đấu cho ai, chiến đấu vì sao? Câu trả lời rất rõ ràng, chiến đâu cho “em tà áo mỏng vai gầy”, nghĩa là chiến đấu vì tầng lớp yếu đuối và nghèo khó. Hiểu như thế ta sẽ thấy “em” ở đây không là cô gái nào cả mà em ở đây là những giai tầng bị áp bức.
 
Hai câu thơ tiếp theo nói về sự thỏa lòng trong tình yêu của nhà thơ và cách bày tỏ tình yêu của nhà thơ. Tất nhiên ta đã biết rõ tình yêu nầy không phải là tình yêu nam nữ, mà là thứ tình yêu cao rộng cho tha nhân, cho người yếu đuối, người chịu sự bất công đè nén: “Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé/Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây”
 
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé”: Tuệ Sỹ hạnh phúc trong sự nhỏ bé thật, bởi vì chính sự nhỏ bé ấy mà ngài thành tượng đài vĩnh viễn không chối cải được trong lương tâm thời đại.
“Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây”: Quả đúng như vậy. Ngày nay mặc dầu Tuệ Sỹ đã đi xa nhưng thơ ngài, văn ngài, kinh kệ của ngài là thứ tình yêu vô đối còn để lại trên trang giấy vĩnh viễn, rất thơ ngây nhưng vô cùng giá trị, là cảo thơm cho văn học sử, là lời dạy của thiền sư trọng vọng trong đạo Phật, là văn tự của hiền sĩ cho lịch sử Việt Nam.
 
Bây giờ xin mời quý vị đọc khổ thơ cuối của bài thơ:
 
Đời khách lữ biết bao giờ yên nghỉ
Giữa rừng khuya nằm đợi bóng sao Mai
Để một thoáng giấc mơ tàn kinh dị
Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay
 
Đây là một khổ thơ ước mơ và hy vọng. Đạo Phật quan niệm đời người như một lữ khách lang thang qua ngàn vạn kiếp: “Hỡi người khách lữ hành trên cõi thế/Đi lang thang vô định đã bao đời/Vòng tử sinh, sinh tử, nẽo luân hồi/Trong tam giới xoay đi rồi chuyển lại”. Đời đã buồn như thế nhưng Tuệ Sỹ càng buồn hơn vì đời nầy của ngài đang sống giữa rừng khuya mờ mịt không biết bao giờ trời sáng lại. Tuy thế nhà thơ vẫn nuôi một hy vọng lớn lao, ngài chờ đợi bóng sao Mai báo hiệu mặt trời sẽ lên, ánh sáng sẽ đến. Lúc đó giấc mơ kinh dị của ngài sẽ tàn và ngài sẽ thấy được “Dáng em buồn bên suối nhỏ mây bay”, nghĩa là em đang đứng trong khung cảnh bình an. Tất nhiên dáng em vẫn còn buồn vì ngày đó đến bất ngờ em chưa nhận thức được.
 
Như trên ta đã biết, em của Tuệ Sỹ không phải người con gái, Em của Tuệ Sỹ trong thơ là lớp người gánh chiu nhiều hệ lụy trong cuộc đời, là những người chịu nhọc nhằn đau khổ, những người bị áp bức, chịu bất công hay có thể ngài quan niệm “Em” là tất cả những người còn xa lìa với đạo Phật là con đường mà ngài đang tu tập.
 
Thơ Tuệ Sỹ không chỉ như bông hoa nở trước mắt ta mà còn như ngôi sao lấp lánh trên trời cao. Như bông hoa nở trước mắt ta là vì màu sắc tươi đẹp, hương thơm ngọt ngào ta cảm nhận được ngay. Như ngồi sao lấp lánh trên trời cao là vì những ý siêu đẹp, những tứ siêu phàm lấp lánh, ta cũng có thể thấy tùy theo mắt mỗi người, nhưng ai cũng phải ngước lên cao để tìm và phải điều tiết mắt mình để thấy rõ hơn.
 
Thấy thì có thấy nhưng kể lại thì chắc chi ai giống ai, vì thơ Tuệ Sỹ là loại thơ siêu thực. Châu Thạch tôi cũng vậy, chỉ thấy thơ ngài trong đôi mắt trần tục, suy nghĩ về thơ ngài trong cái đầu dốt nát của mình, và viết về thơ ngài chỉ để mua vui cho mình và cho những ai có tấm lòng độ lượng. Mong được tha thứ nếu thấy sai trật điều gì. Kính cảm ơn quý vị!
                                                                        
Châu Thạch
READ MORE - ĐỌC “ÁC MỘNG” THƠ TUỆ SỸ - Châu Thạch

BIỂN CẠN – Thơ Trần Mai Ngân


 

BIỂN CẠN
 
Xòe bàn tay em đếm
Còn ngón nữa là đầy
Mà tình gầy chết yểu
Sinh nhật này chín năm
 
Em về phía xa xăm
Biển cạn mòn thương nhớ
Lòng ta đầy trắc trở
Thôi thì vậy cũng xong!
 
Một cuộc tình long đong
Rồi đi theo định mệnh
Đôi ta vâng lệnh trời
Nên cuộc đời chia đôi
 
Ở một phía xa xôi
Anh chắc gì không nhớ
Em cam đoan mình quên
Một nỗi buồn không tên!
 
Thôi thì thôi anh nhé
Thôi thì thôi học quên!
 
            Trần Mai Ngân

READ MORE - BIỂN CẠN – Thơ Trần Mai Ngân