BỐ MẸ NÊN CHO TRẺ GIÚP VIỆC NHÀ
Dạy cho trẻ thói quen quan tâm môi trường tới việc nhà từ khi còn nhỏ là bước đầu tiên cha mẹ cần làm để giáo dục lòng yêu lao động cho trẻ. Ngay từ khi trẻ 2 tuổi đã có thể gấp quần áo ngủ của mình gọn gàng, lúc này khi thấy người lớn làm gì, trẻ đều nhìn chăm chú và thích làm theo. Lớn hơn chút nữa, trẻ mong muốn được giúp đỡ người lớn làm việc. Nhưng nhiều bậc cha mẹ hoặc vì quá nuông chiều con cái, hoặc yêu cầu trẻ làm việc gì cũng phải gọn gàng như mình, nên đã làm thay trẻ tất cả mọi việc, làm cho trẻ ngày càng ỷ lại vào người khác. Do đó cha mẹ cần giúp con mình có khả năng tự lập, yêu lao động và trở thành một người có tinh thần trách nhiệm. Trước tiên, bố mẹ nên sắp xếp cho trẻ có thể tham gia làm việc nhà, điều đó sẽ đem lại niềm vui cho cả nhà.
Ngày chủ nhật, cả nhà ở nhà làm tổng
vệ sinh, bạn nên cho bé cùng tham gia. Lúc này, với những bé dưới 6 tuổi thì
làm việc nhà với bố mẹ cũng như một trò chơi tập thể. Được khuyến khích bé sẽ
làm rất hăng say. Bạn có thể phân công bé sắp xếp lại đồ chơi cho gọn gàng,
quét nhà cùng bạn. Nếu bạn muốn con bạn làm việc theo đúng yêu cầu, bạn hãy hướng
dẫn và làm mẫu cho bé một cách tỉ mỉ, sau đó không nhất thiết phải giám sát, nhắc
nhở bé khi bé đang làm.
Đừng sợ con bạn bị bẩn hoặc bị ướt,
hãy cho bé tham gia vào việc giặt quần áo hoặc đồ chơi của bé. Bạn hãy cho bé
giặt một chiếc khăn tay nhỏ, một đồ vật mà bé thích chơi. Khi bé hoàn thành được
một công việc, bé sẽ rất tự hào. Cha mẹ nên khen ngợi mặt tích cực bằng những
câu nói tình cảm nhẹ nhàng: “Con xếp đồ chơi thật gọn gàng, con giỏi quá, cám
ơn con nhé”. Lời khen đó sẽ giúp trẻ tự tin và vui vẻ hơn, từ đó khuyến khích
trẻ chăm chỉ hơn.
Tuy nhiên, khi đánh giá công việc
mà trẻ thực hiện cha mẹ không nên quá dễ dãi, con làm ẩu, làm bẩn vẫn khen ngợi
hết lời mà cần hướng dẫn để trẻ có thể làm tốt hơn. Lại càng không nên bình phẩm,
yêu cầu quá khắt khe, trách móc, hay lấy thất bại của trẻ ra làm trò cười. Tình
cảm của trẻ rất yếu ớt, nhạy cảm nên nếu bị soi mói, trách móc nhiều rất dễ dẫn
đến bị nhụt chí.
Có những trẻ không có sự kiên nhẫn
khi làm việc, lại thích chạy nhảy nô đùa, cha mẹ không nên vì thế mà mắng trẻ
là lười biếng, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, trong lòng trẻ khó chịu nảy
sinh sự chống đối, trẻ sẽ cố tình không làm gì, lâu dần hình thành thói quen lười
biếng. Thói quen này ngày càng ăn sâu vào tính cách rất khó khắc phục.
Nếu trẻ có biểu hiện lười biếng,
cha mẹ không nên lo lắng thái quá. Hãy cho chơi cùng những bạn cùng tuổi có
tính chăm chỉ, để trẻ học từ bạn bè. Cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu
chuyện mang tính giáo dục cao. Nội dung câu chuyện xoay quanh đức tính cần cù,
chăm chỉ, chịu khó và những hậu quả của tính lười biếng gây ra. Làm cho trẻ nhận
thức được sâu sắc chăm chỉ là một đức tính tốt, lười biếng là đức tính xấu. Qua
đó, dạy trẻ biết yêu lao động hơn.
Có nhiều lúc không phải vì trẻ lười nhác, mà vì trẻ không muốn làm theo những mệnh lệnh của bố mẹ. Cho nên trẻ bướng bỉnh không nghe. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội để được lựa chọn. Ví dụ: “con muốn xếp đồ chơi cho gọn gàng hay giúp mẹ quét nhà”. Như thế, trẻ sẽ thấy mình được chủ động, tự do trong lao động và tìm thấy niềm vui trong đó vì trẻ đang được tự chứng tỏ mình, thấy mình đã giúp ích cho cuộc sống gia đình mình.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn