Mùa
Xuân thì cứ đến, cứ đi là sự vần xoay tự nhiên của vũ trụ, đất trời. Nhưng
mỗi khi Xuân đến lòng người cứ rạo rực bâng khuâng đầy cảm xúc. Thơ cũng đã
sẵn có trong con người từ khi ăn lông, ở lỗ, Thơ vẫn tồn tại trong lòng con
người của thời nguyên tử không sai, không khác, vì người Thơ là một
phần tử bất khả phân của con người, như mùa Xuân thì cây lá tươi non, hoa nở. Với con người thì cảm xúc dồn nén đầy ắp bung vỡ thành thơ, là một điều tối
linh, mầu nhiệm.
Thật vậy ! Sau những năm tháng mệt mỏi lo toan bao điều với cuộc sống,
mọi người chúng ta ta cũng mang niềm khát vọng đổi mới cho chính bản thân mình
và xã hội, đó chính là hạnh phúc thăng hoa sau mùa “hạ” cháy khô, “ thu –
đông” tàn rụng thì Xuân đến đẹp biết bao ? Thi sĩ TẢN ĐÀ viết lên :
“Xuân ơi ! Xuân hỡi !
Vắng xuân lâu ta vẫn đợi , chờ mong
Trải bao nhiêu ngày tháng hạ - thu - đông
Ròng rã nỗi nhớ nhung Xuân có biết ?"
(TẢN ĐÀ )
Trong cuộc đua chen mênh mông không có điểm dừng của dòng sống hiện nay , con
người tuy giống nhau về hình thức , nhưng khác nhau về nội tâm , hoàn
cảnh , vì sự khác nhau ấy tạo nên muôn màu sắc tô điểm cho cuộc sống bao điều
kỳ diệu , tốt đẹp hơn .
“Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”
( Nguyễn Công Trứ )
Thực ra đối với người làm thơ trong lòng luôn tiềm ẩn cảm xúc, cảm nhận trực
diện với cuộc sống, không phải Xuân đến thơ mới hình thành, mà ngòi nổ của nó
luôn nương náu, chỉ cần xúc chạm với những hiện tượng diễn bày thì thơ bỗng
rùng mình loé sáng. Nhưng bản thân họ luôn cô đơn, im lặng như : “Con chim
cút côi, bay qua bầu trời đầy nắng và gió. Đôi cánh mỏng gầy như gọng cỏ ,
mang trong mình dị tật bẩm sinh" là những con người đầy cá tính, sống trong
thế giới riêng họ. Nếu ta không đón mùa Xuân thì Xuân vẫn sang, dù gặp bao
nhiêu khê, trắc trở đời thường thì ho vẫn là loài hoa êm dịu khoe sắc, phô
hương, bộc bạch với Xuân .
“Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan
Trong lúc gần xa pháo nổ ran
Rũ áo phong sương bên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang
Ta thấy Xuân nồng thắm khắp nơi
Trên đường rộn rã tiếng đua cười
Động lòng nhớ bạn Xuân năm ấy
Cùng ngắm Xuân về bên khóm mai"
( Thế Lử )
Tôi đọc được một bài thơ của Nhà Thơ Trần Tư Ngoan trong tuyển tập “Lời Ngắn Tình Dài” (do Báo Tuổi
Ngọc tổ chức được Nhà Xuất Bản Văn Nghệ ấn hành). Bài thơ làm cho tôi xót xa,
bâng khuâng một thời gian khá dài, âm ĩ, lạnh lùng ngấm vào da thịt một bài
thơ có thể Xuân có thể không, nó làm cho người đọc thao thiết đắng cay, ngọt
ngào êm ả. Nụ cười hoan hỷ, an lạc như đã gột rửa ưu phiền để chờ đón một
“Đêm Mưa" hay “Mùa Xuân" vẫn là một ngôn ngữ ẩn dụ cho quãng đời đầy buồn –
vui , trắc ẩn. Ông chính là con người từng nếm trải, sống thực, chia sẻ với
gia đình, bè bạn, người thân với nụ cười tươi rói. Thơ ông có sức quyến rũ,
sức lan toả nhẹ nhàng sâu lắng.
“ Huơ chiếc gậy chống lên thềm
quá khứ
Còng tấm lưng gánh cả ruộng đồng xưa
Ông nhìn hoàng hôn thập thò bên cửa
Lặng lẽ cười chờ đón một đêm mưa"
(Bài Ông Tôi)
Vẫn huơ chiếc gậy đơn độc chống lên thềm quá khứ mà tái hiện mênh mông ruộng
đồng, thấy mồ hôi, nước mắt, chiếc áo nâu của mẹ, vầng trán suy tư của
cha mà riêng đau bên trời, cô đơn và hoang vắng chấp nhận sự yên bình hư
vô giũa hiện thực hư không.
Với tinh thần Siêu Phóng của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ thì có bài THỊ HỌC
“Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương lích đích khô tương ma
Báo quân hư ỷ tha môn hộ
Nhất điểm Xuân quang xứ xứ hoa
dịch BẢO CHO HỌC GIẢ
“Mịt mù học giả hướng nào dong
Gạch ngói mài chi uổng phí công
Thôi chớ cửa người nương dựa nữa
Ánh Xuân một điểm khắp trời bông”
( TRÚC THIÊN )
Thơ của Ngài như dạy người học Đạo "Tâm
như con vượn, ý như con ngựa" mà không thấy được bản lĩnh độc đáo của chính
mình.
Ngài KISNAMURTI đã viết trong cuốn “Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng” đã khẳng
định : Mỗi con người là một hữu thể có trách nhiệm sẽ làm nên tất cả.
Chúng
ta đang sống như mang một vết thương , một lời từ khước, nhưng Thơ vẫn nặng
tình người, tình đời, tình đạo. Thơ vẫn mộng cái thực của cái thực, hoặc là
siêu thực biết nói làm sao ? Trong giây phút nhập thần giữa một vòng say đắm,
thơ bổng dưng ôm chầm lấy cuộc sống, không mộng mà không thực.Nhưng nhờ duyên thơ mà tia lửa
thiêng sống mãi trong khối da người, như cây mai già cằn cỗi, khô khốc, xấu
xí ấp ủ nụ hoa Xuân. Tất cả mọi thần tượng thế gian có thể sụp đổ nhưng
Thơ mãi là nơi nương náu và ẩn giấu cuối cùng của sự tối linh .
TRƯƠNG NGUYỄN
truongnguyen49@yahoo.com.vn