Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 11, 2017

CHUYỆN VỀ NHỊ LINH TRONG TỨ LINH CỦA BÀN THÀNH TỨ HỮU - Lâm Bích Thủy


     
                   Hai chị em Bích Thủy và Tú Thủy năm 1972


     CHUYỆN VỀ NHỊ LINH TRONG TỨ LINH 
                                               CỦA BÀN THÀNH TỨ HỮU

  (Trích hồi ký “Về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy)
  
  Tôi không thể dùng thước hay bàn cân để cân, đo, đong đếm tình cảm mà ba tôi-nhà thơ Yến Lan – linh Lân dành cho chú Chế Lan Viên – linh Phụng trong nhóm thơ nổi tiếng của xứ Bàn Thành Bình Định. Nó không mùi, không màu, không trọng lượng, nhưng qua những tư liệu và những gì nghe, chứng kiến được, tôi cảm nhận rất rõ cái tình ấy. Cái tình văn nhân này được nhóm lên từ hai con người sống cạnh dòng sông Kôn, dưới chân cửa Đông Thành Bình Định khi họ mới lên 10 -13 tuổi thôi

  Thuở ấy, nhà chú Chế nằm phía tay phải, sát chân tường cửa Đông thành Bình Định; nay thuộc khu vực  Nhà Trẻ thị xã An Nhơn. Thành cửa Đông không to như bây giờ; trên có cái lầu nho nhỏ, để vừa chiếc bàn và hai ghế đẩu. Ba tôi ở tại chùa Ông, cách thành chừng 300m. Ban ngày, ông đến, rồi cùng chú Chế leo lên lầu tâm sự, đọc sách, làm thơ. Chú Chế gọi nơi đây là “Lầu tư tưởng, hay còn gọi là Lầu thơ”. Bởi vậy ba mới có thơ rằng:

Lầu cửa Đông có nghe em tâm sự 
Em đi trong tình sử của lầu thơ… 

 Chiều chiều, hai anh em bá vai, rủ nhau vào sân vận động đá banh. Sân vận động nằm sát bên một míếu thờ. Miếu quạnh quẻ, u buồn; lâu ngày không ai tới, cây cỏ mọc che kín, khiến cảnh vật trở nên hoang phế, điu tàn... Người ta đồn - đó là nơi dành cho thế giới của ma, quỉ. Chú Chế nói: “Chị Bốn tôi bảo, đêm đêm ở miếu có nhiều ma nữ hiện lên; cô thì mắc võng ru con, cô thì rên rỉ những lời ai oán…” Ba tôi chê: “Chú Chế là con trai mà nhát như cáy, không dám đến gần miếu. Nhỡ đá banh vọt sang đó thì chú năn nỉ ba nhảy qua nhặt mang về! 

 Người ta bảo “Đi đêm nhiều sẽ có ngày gặp ma”; có lẽ vậy chăng? 
   Vào một chiều, các chàng trai đang đá banh ngon trớn, thình lình một cơn mưa ập đến. Ai ở gần thì về luôn. Còn ba và chú chạy ù vào trú mưa ở cái lều cạnh miếu. Trong lều, hai người đứng cách nhau một sải tay, song có gì đó khiến họ không dám hé ra một lời. Mặt ai cũng tím tái. Chú Chế run bần bật, lấm lét đưa mắt nhìn ba; ba lặng lẽ liếc nhìn chú vẻ sợ sệt. Họ cứ im lặng nhìn nhau cho đến lúc thấy sợi mưa thưa dần, ba hất đầu ra hiệu, chú Chế hiểu ý, rồi cả hai cùng lúc lao nhanh ra khỏi lều, chạy như điên về nhà chú Chế. 
   Vào nhà, ba hỏi “nãy Hoan có thấy gì?” Chú trả lời bằng câu hỏi ngược lại “Thế còn Lang?” Rồi, cả hai nói là đã nhìn thấy một cô gái cùng chạy theo ở giữa hai người từ trong sân bóng ra. Cô ta mặc đồ trắng màu như khói, tóc dài xỏa ngang lưng, không nhìn rõ mặt. Một lát thì tan biến đâu mất. Chú Chế lại hỏi ba: “
- Anh có cảm nhận là từ người cô ta tỏa ra một luồng khí lạnh làm ớn xương sống? ” 

   Có thể trong sinh hoạt, ba và chú đã gặp những chuyện tương tự như vậy, nên thơ hai người thường thấp thoáng bóng ma quái. Điều này, nhà văn Võ Văn Trực cũng đã nhận xét: “Thơ của họ thường bảng lảng những gì tao nhã, huyền bí và có phần ma quái”.  (VN.7/ 6/1991 “ Từ Bến My Lăng” Phát họa chân dung Yến Lan) V.V.T   

   Trả lời phóng vấn trên tờ Tuổi Trẻ Sống Đẹp/17: Ba tôi trải lòng: 

“Trong đời tôi, hai người để lại nhiều kỷ niệm đẹp nhất là Chế Lan Viên và Quách Tấn. Chúng tôi đã từng xem nhau như anh em ruột thịt, thề không bao giờ phụ nhau. Tôi học trên Chế ba lớp, lớn hơn ba tuổi. Hệt như có duyên số, hai đứa tôi gặp nhau, chơi thân nhau. Có cuốn sách hay, bài thơ nào hay chúng tôi đều đọc cho nhau nghe. Hồi tôi sống nương nhờ tại chùa Ông Bình Định, một hôm thấy một người đàn ông đi xe hàng đỗ gần đó, đang cầm cuốn “Hồn bướm mơ tiên” của Khải Hưng. Tôi nài nỉ mãi ông mới chịu cho mượn. Tôi chạy một mạch vào Thành, gõ cửa nhà Chế bảo: “Hoan ơi! Tao có cuốn sách này hay lắm” Thế rồi hai đứa thức đọc suốt tới gần sáng, kịp trả sách đúng hẹn vào 4h 30’ sáng. Trong lòng hoan hỉ vô cùng!

  Lúc học ở Bình Định, tôi và Chế Lan Viên rất mê báo Phong hóa. Hai đứa bàn nhau làm báo. Bọn tôi mua thạch xoa về, khắc chữ lên rồi in ra giấy, bắt chước kiểu cách của báo Phong Hóa. Mỗi lần in 15 bản, bán cho bạn bè trong lớp. Tiền lời kiếm được dùng mua thạch xoa, tiếp tục in. Được một thời gian bọn tôi bị hiệu trưởng bắt phạt quì rồi cấm luôn “tờ báo” 
  Chiều chiều, tôi và Chế thường bá vai nhau lên cửa Đông Thành Bình Định ngắm cảnh, bàn chuyện văn chương thi phú. Hai đứa đều trăn trở với dân Chàm, tháp Chàm, nên bàn nhau viết “cái gì đó”. Thời gian này, Chế cho ra đời tập “Điêu tàn” nổi tiếng. Còn tôi tập “Giếng loạn” gồm 28 bài thơ, viết về kiếp đời của các Chiêm nương, tiếc thay chưa kịp công bố thì bị mất!...
  Nhà văn Võ Văn Trực: Theo Chế Lan Viên kể lại trong nhiều bài viết:
 “Chính Yến Lan đã dìu dắt tôi vào với làng thơ"  Năm 1934-1935 đọc "Hận chiến trường" của Thanh Tịnh, Yến Lan thấy viết về chiến tranh như thế chưa hay, ông liền trao đổi và gợi ý cho chú Chế viết...”  Như vậy, những bài thơ của chú Chế trước đây, nói một cách trung thựt là có sự góp ý chân tình của ba tôi. Điều này ít ai biết, ba chỉ tâm sự với má, dặn má không nói với ai, sợ ảnh hưởng tình anh em. Khi ba tôi mất, má bước vào tuổi 85, bà bùi ngùi nói cho tôi biết bởi cả hai người đã đi rất xa rồi !!! Chắc bà muốn thế hệ con cháu biết những tấm chân tình thầm lặng của ba tôi đối với bạn bè văn chương. Song qua đó, tôi hiểu rằng, trong những tập thơ đầu, nổi tiếng của chú Chế cũng có đôi điều tâm huyết của ba tôi đấy nhé.

 Qua lời kể của má tôi trong Hồi ký: “Yến Lan, nhớ mãi về anh” Ta còn thấy được tình cảm của ba và các thành viên trong “Tứ hữu Bàn Thành”, rất đáng trân trọng về việc giúp chú Chế và cô Giáo vượt qua mọi rào cản của lễ giáo phong kiến để đến được với nhau và tình yêu của họ được đơm hoa kết trái:
     “Hôm tôi đến chùa thăm anh Lan thì thấy một thiếu nữ đứng trước cổng, đang tìm ai? Lúc đó, anh Lan từ trong chùa đi ra. Thấy thiếu nữ mặt bầu bỉnh, da trắng, tóc dài kẹp (ba lá) ngang lưng; cô mặc áo bà ba màu nõn chuối, quần lĩnh đen, trông nền nã, anh Lan nhìn cô vẻ ngờ ngợ. Còn cô gái thấy anh Lan thì mắt sáng rực, tiến lại gần, hỏi: “Anh là Xuân Khai?”. Nghe cô gái hỏi vậy, anh Lan hỏi ngược lại: - Có phải Giáo đấy không?
      - Dạ! Giáo đây - cô gái trả lời. Anh Lan quay sang tôi, giới thiệu: 
      - Đây là Giáo, bạn Hoan. Còn đây là Lan - bạn anh. 
  Sau đó anh bảo hai chúng tôi chờ để anh vào báo cho Hoan. Một lúc sau, hai anh quay ra. Giáo và Hoan gặp nhau mừng quýnh
  Niềm vui chưa lâu thì vẻ lúng túng lộ rõ trên mặt Hoan; sẽ gửi Giáo ở đâu đây? Không thể đưa cô về nhà. Cha Hoan là ông Phan Ngọc Trân, người Quảng Trị. Trước, giữ chức Đề lại thời Khải Định-Bảo Đại tại Quảng Trị. Năm 1925-1926 ông làm Lại mục tại phủ An Nhơn. Ông theo đạo Phật, ăn chay trường, nổi tiếng nghiêm khắc, đời nào ông chịu chứa một cô gái bỏ nhà theo trai; cũng không thể để cô ở chùa với anh Lan hay nhà tôi?!
  Thấy bạn lúng túng, anh Lan bảo: Đưa Giáo vào Nha Trang, gửi tạm nhà anh Quách Tấn, hồi sau tính tiếp. 
  Thuở ấy, nhà anh Tấn là điểm hẹn của bạn văn. Họ quyết định đi ngay chuyến tàu chiều và rủ tôi cùng đi. Hoan đánh giây thép (điện) báo anh Tấn ra ga đón. Khi đến ga Mã Vòng thấy anh Tấn vẫy tay, ra hiệu xuống. Bốn chúng tôi không hiểu mô tê gì; sau mới vỡ nhẽ; vì sợ ông Tư Đào, cậu của Giáo, có thể cũng đang chờ ở ga Nha Trang để tóm cô cháu về. Chắc mẹ cô đã điện cho cậu việc con gái mình bỏ nhà, trốn theo trai.

  Anh Quách Tấn đưa bốn chúng tôi về nhà tắm rửa, cơm nước. Sau đó bố trí cho Hoan sang nhà anh Nguyễn Đình; tôi về nhà bác ruột của tôi, Giáo ở nhờ nhà bạn gái vợ anh Tấn, anh Lan ở lại.  Mọi việc xong xuôi, anh Tấn dặn “Cô chú không được ra khỏi nhà, đợi vài hôm xem thế nào sẽ hay, nếu lộ ra thì chết cả hội”. 

  Một tuần trôi qua, anh Tấn thấy không tiện trốn nữa, bàn với anh Lan đến gặp cậu Tư Đào để thú nhận rồi nhân cơ hội đó nhờ cậu thưa với cha mẹ Giáo về tình cảm của hai bạn. Cậu Giáo tưởng cháu mình theo ai chứ theo Chế Lan Viên thì mừng lắm. Sau đó, ông thân chinh đến nhà anh Tấn đón cháu đưa về Đà Nẵng. Và chuyện cưới xin của hai bạn được bàn ngay. Sau đó, đám cưới tổ chúc tại tư gia ông Ba Hội, ở thành phố Đà Nẵng (hồi ấy gọi là Tua-ran) được bạn bè văn nghệ sĩ thành Bình Định và Nha Trang ra dự đông vui.

   Cưới xong, đội vợ chồng trẻ dẫn nhau về cửa Đông thành Bình Định sống cùng cha mẹ chồng.  
 Một điều gì đó làm cô khóc nhiều nên bị mù. Song, nhờ sự chăm sóc tận tình của chồng và bạn hữu, hai năm sau mắt cô bình thường trở lại. Rồi, hai người đưa nhau ra làng Lai Triều-Quãng Trị sống, dạy học và ở đó luôn. 
   Hè năm 1946, chú về lại An Nhơn đón bố mẹ và hai người chị ra để dễ bề chăm sóc các cụ khi trái gió trở trời. Trước khi chia tay, chú đã nói với ba:
    “Chắc là từ nay về sau, tôi với anh không còn dịp gặp nhau nữa rồi…!.” 
   Xa nhau, song lúc nào có tin vui, buồn, hai người đều thư từ qua lại. Ngày sinh Phan Lai Triều, rồi Phan Trường Định, chú có thư báo. 
   Để kỷ niệm những ngày cùng các bạn văn về Trường Định, quê bác Tấn ăn tết (1943), chú đặt tên con trai thứ hai là Phan Trường Định. Năm 1950, ba tôi được tin cuối cùng khi cô chú sinh đứa con thứ ba là Phan thị Thanh. 
    Mãi tới tháng 3 năm 1955 ba má tôi và gia đình chú mới gặp nhau tại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội.

    Ngày mới rời quê hương, xứ sở ra Bắc với hai bàn tay trắng, chỉ mang theo tình cảm quê hương, và niềm tin; tất cả ai từ Nam tập kết ra đều cam chịu cuộc sống thiếu thốn mà tình đời, tình người ấm áp ngọt ngào, thi vị. So với cái khổ chung thì gia đình chú Chế, nhờ có chút địa vị nên cuộc sống đỡ hơn. Nhà chú có sổ mua hàng ở Cửa Hàng Tôn Đản. Cửa hàng này, thể hiện tính ưu việt của chế độ bao cấp; đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm… cung cấp cho cán bộ từ Trung Cao cấp trở lên. Mua là có, không phải chờ đợi, sắp hàng như gia đình cán bộ thường. Cô chú sống hạnh phúc với ba con nhỏ trong một căn phòng chật hẹp tại 51 Trần Hưng Đạo. Khi nào sách chú sắp ấn hành thì cô thức rất khuya, xem lại tác phẩm để chửa mo-rat !... 

   Thế rồi tai bay vạ gió ập xuống! chú bị bệnh phổi rất nặng; được sang Trung Quốc điều trị. Chú vắng nhà, một nách 3 con nhỏ; khó khăn chồng khó khăn, vắt kiệt sức cô! Đúng lúc, ông bạn láng giềng giang tay giúp đỡ. Rồi trong tình láng giềng đó “lửa gần rơm” đã bén! 
      Chuyện xảy ra, trước khi cả làng văn biết; ba tôi rất buồn, ông cố tìm cách giữ lại mối tình mà họ đã rất khó khăn mới có được là một phần nhờ sự giúp đỡ, bồi đắp của Tứ Hữu Bàn Thành; song chẳng kết quả! Cô nhất quyết dứt áo một đi không trở lại! Và rồi, Anh đi đường anh, tôi đường tôi!  
   Có lẽ đó là ý Trời?! Cô Giáo lấy chú Q-người Nam bộ, sinh được hai con trai và một gái-hiện cô còn, sống tại TP Sài Gòn. Chú Chế xây tổ ấm mới với nhà văn Vũ thị Thường; hai tiểu thư thông minh, xinh xắn ra đời: - bác sĩ Phan thị Thắm và nhà văn Phan thị Vàng Anh. ( Nay (2016-cô Giáo đã đi vào lòng đất)     

  Hồi còn trong Nam, nhà tôi lúc nào cũng có các chú làm công tác văn hóa, văn nghệ đến bàn công việc, đọc thơ mình cho bạn góp ý, hay kể chuyện về thời thế. Một lần, tôi nghe ba kể; vào năm 1935-1936 chú Chế ra trường Quốc học Huế thi vấn đáp môn văn. Câu trả lời của chú làm cho Ban giám khảo vô cùng sửng sốt; bởi sự hiểu biết quá sắc sảo so với tuổi đời của cậu bé 16-17 tuổi:
   - Em cho biết bài Tỳ Bà Hành “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” có những đặc điểm gì tạo giá trị cho bài thơ.” Không cần nghĩ ngợi lâu, chú vanh vách trả lời: 
 - Đặc điểm trong bài thì nhiều. Nhưng chỉ mới câu mở đầu đã cho thấy điểm đặc sắc của nghệ thuật: Hai tiếng trắc ”Bến-Khách” ở đầu và cuối câu gợi lên hai bờ sông cao và dốc. Còn năm chữ toàn bình ở giữa là những làn sóng nhẹ trên mặt sông”   
  Tuy chưa gặp mặt, nhưng hễ ai nhắc đến tên Chế Lan Viên, thì trong tôi mối thân thiết giữa chú và ba được lập nên liền. Hình bóng chú luôn hiện hữu trong nhà tôi. Tôi đã chứng kiến tình cảm mà ba tôi dành cho gia đình chú: 
   Một lần về phép, thấy ba chạy lên, chạy xuống thang gác gỗ mong manh (nhà 37 phố Hàng Quạt – Hà Nội) phơi phóng một đống giấy tờ, sách vở, báo chí, bản thảo, tài liệu v.v... Tôi thắc mắc:  
- Con thấy giấy tờ trên gác có ẩm và mốc đâu mà sao ba phơi kỹ vậy? Ba tôi nhỏ nhẹ phân bua: 
- Giấy tờ đó là của chú Chế nhờ ba phơi dùm cho chết vi trùng (lao), nhà chú không có trần như nhà mình; con chú lại còn nhỏ; chú sợ lây bệnh cho chúng! 
   Đấy! bạn thấy chưa, ông sợ lây bệnh cho trẻ nhà chú còn chúng tôi vì nhà nghèo, vi trùng lao chê không thèm xâm nhập mà.   

  Điều mà tôi được nghe nhiều là các chú ca ngợi tài văn ở chú. Năm 1938, chú đã xuất bản tập “Điêu tàn”. Ở tập thơ đầu đời các chú bảo - nó thể hiện rõ nỗi đau sâu kín trong tâm hồn của một cậu bé mới 18 tuổi, do đồng cảm với nỗi đau mất nước của một dân tộc đang dần đến chỗ diệt vong.., Chú trở thành thần đồng về thơ thời đó. 
Khi chiến tranh ở Miền Bắc trở nên ác liệt, tôi lại nghe: “Thơ Chế bây giờ mang hình viên đạn nhiều hơn mùa xuân” là do trong một bài thơ nào đó có câu “hạnh phúc nhất trên đời là được đi đánh Mỹ”. Có chú góp ý: “Tại sao Chế lại nói hạnh phúc nhất đời là được đánh Mỹ! Chú khác phản bác lại:- “Sống trong hòa bình đoàn kết giúp đỡ, yêu thương nhau, không bom đạn, chết choc… mới gọi là hạnh phúc nhất chứ…! Và họ lại tranh luận về tập thơ “Vàng sao” : - Cái điên loạn trong “điêu tàn” người đọc có thể chấp nhận được, còn trong Vàng sao làm cho người ta không chịu đựng được nữa

Điên! Điên, điên và say nữa xin say
Điên đến chết và say cho đến khóc
Say thêm nữa! Phút giây điên vàng ngọc

Chính vì vậy Vàng sao không để lại cho người đọc một ấn tượng nào hết, nó lặng lẽ đi qua. Hình như chú nhận ra, nên đã viết thư tâm sự với nhà thơ Đào Xuân Quí   
  “Mình thấy thơ nó (Tế Hanh) thơ anh em thì “chant”, “bel canto” còn mình thì hơi “cri”, “hurter” quá. Nói thế chứ còn nước còn tát, Quí ạ.  Mình sẽ cố sửa chữa lại giọng mình”             
                                                       (Thư đề ngày 15/9/1972)

   Những năm tháng đầu, tập kết ra ở tại Hà Nội, tôi chưa gặp chú lần nào. Một chủ nhật nọ, Phan Lai Triều đến lấy cây đàn Mandoline đã cho tôi mượn bập bênh cho vui mấy ngày hè. Trong cuộc trò chuyện, tôi buộc miệng hỏi Triều: “Tớ nghe mọi người ca ngợi về tình bạn của ba tớ và ba cậu, vậy mà chẳng thấy ba cậu đến nhà tớ chơi như các chú khác bao giờ!” Chắc Triều về méc lại cha. Ngay chủ nhật liền sau, chú và cô Thường tản bộ đến. Bước vào cửa, chú kịp chào ba má tôi, rồi đưa mắt tìm kiếm trong hai cô gái sàng sàng, cùng “chào chú ạ”. Chú đưa mắt nhìn vào tôi, vào Thủy, hỏi: “Trong hai, đứa nào là Bích Thủy”. Tú chỉ vào tôi nói “chú ơi, là chị này ạ”. Ba tôi nghe mấy chú cháu nói với nhau thì ngơ ngác; hết nhìn chú, lại nhìn tôi như muốn có lời giải thích. Song tôi chỉ cười mỉm, không tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào, vì biết đó là chú Chế Lan Viên - ba của Phan Lai Triều, đã bị tôi lục vấn trước đó. 
  
  Tình cảm mà ba tôi đối với bạn nói chung, với các thành viên trong tứ linh nói riêng giống như cá với nước. Ngày chú Chế ra đi (19/6/1989) chưa kịp nguôi ngoai thì đến bác Quách Tấn (21.12.1992). Đó là sự mất mát quá lớn đối với ba tôi. Má tôi kể:
   “Nghe tin anh Tấn mất, không gian nhà tôi im ắng hẳn. Lúc sau tôi chợt nghe tiếng sụt sùi, rồi mỗi lúc một to dần. Biết là anh đang xúc động. Tôi chạnh lòng so sánh, ít có người khóc bạn như anh Yến Lan nhà tôi đã khóc về sự ra đi của Chế Lan Viên và anh Quách Tấn”  !
  Là con, tôi cũng tự hỏi “Liệu có ai như cha ? Thật tình mà nói, tôi thấy ông không có ranh giới của sự thù hận.
Dù trong cuộc sống, ai đó, có lúc không đúng với ông, ông không bao giờ để bụng, bởi đạo lý nhà chùa đã dạy ông “lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo ân, oán nọ chất chồng”. Ở nơi đó, ông đã nghiệm ra thiện, ác, lòng tin; ông tôn trọng cái tình, cái nghĩa, sống giản dị, biết mình, biết ta, vui cái vui của bạn hữu (Chế Lan Viên)

Tuổi sáu mươi hai có cửa nhà
Có vườn nắng gió, ngõ sương hoa
Theo thơ, đời mãi làm thân khách
Làm chủ, giờ thêm bạn với thơ.
  (Mừng bạn có nhà)

    Khi chú Chế bệnh nặng, thư nào gửi tôi, ông cũng hỏi “Con đi thăm chú Chế chưa?” và dặn “nếu chưa đi, nhớ đi thăm chú ngay, có nguy kịch báo cho ba biết sớm”.  
   Buổi chiều, hai vợ chồng tôi đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm, thì chú đã xuất viện buổi sáng. Vậy là tôi nợ ba về việc đi thăm cậu út của ông! bằng mọi cách tôi phải hoàn nợ để khỏi bị quở trách.
Đó là buổi sáng của Tháng 3 năm 1989, tôi đến nhà ở Tân Thái Sơn để thăm chú. Về nhà tôi viết thư thế này:
      
“Ba ơi, buồn lắm!. Cô Thường đưa con vào phòng chú nằm. Không thể tin được, trước mắt con là nhà thơ béo tốt Chế Lan Viên của ngày hai vợ chồng đến thăm nhà ta ở 37 Hàng Quạt! Bây giờ chỉ có da bọc xương thôi! Cô Thường bảo chú chỉ còn 31 ký (trước 60ký). Con không kìm nén được xúc động, òa lên khóc to “Ôi! sao thế này chú ơi!” tiếng khóc của con chỉ cô Thường cảm nhận được, còn chú Chế hình như không hiểu gì cả. Chú nhìn hai đứa con, ngơ ngác với đôi mắt vô hồn. Con có cảm giác như chú không biết mình là ai và khách là ai. Ký ức về tuổi thơ và tình bạn với Yến Lan không chút sót lại trong chú nữa rồi ba ạ! Cô Thường hỏi “Anh biết ai đây không? Thấy vẻ mặt ngô nghê của chú, cô tiếp lời “Con gái anh Yến Lan đến thăm anh đấy” thấy chú gật gật cái đầu một cách vô thức! Chú không nhận ra ai đang tiếp chuyện. Con nhắc chú nhớ lại “Chú còn nhớ Yến Lan là ai không? Ba bảo cháu đến thăm chú đó” Chú có vẻ không hiểu con nói gì, ngơ ngác như nai con lạc mẹ! Con nắm đôi bàn tay gầy guộc của chú mà lòng tan nát!. Có lẽ tên Yến Lan, Hàn Mạc Tử, Quách Tấn, hay Bích Khê đâu còn gợi cho chú điều gì nữa ba!...”. 
    Nhưng, một điều chắc chắn rằng, trong chú chỉ còn có cô Thường và Đảng là rất quan trọng đối với chú. Chú âu yếm bảo cô: “Em ơi! đưa anh tờ giấy và bút để anh viết báo cáo cho hai anh”. Chú gọi vợ chồng con là hai anh nhà báo. Cô Thường đưa chú tờ giấy A4 và cây bút bi màu đen. Chú lóng ngóng một hồi, loay hoay mãi trên tờ giấy một lát như đang suy nghĩ các việc cần báo cáo, và tự nhiên ngửa đầu nhìn trần nhà cười, rồi cuối xuống viết mấy chữ gì đó; gấp lại đưa cho con và nói: “Đây, báo cáo các anh”. Con nhìn vào mấy chữ lí nhí, nguệch ngoạc ở giữa tờ giấy, đọc ra là “Văn thơ cách mạng” cất vào túi. Được một lúc, chú đòi lại “anh đưa lại để tôi báo cáo thêm vài ý” Con trả chú. Chú lại hí hoáy viết, rồi đưa lại cho con. Con lật mặt sau đọc, vẫn dòng chữ nguệch ngoạc, liền nhau như sợi chỉ quăn queo, vẫn là “văn thơ cách mạng”. Thế rồi chú nhìn con, vui vẻ nói “Tôi báo cáo thêm cho các đồng chí rồi đó nhé!”  
 Má tôi thuật lại cảnh ông già đọc thư tôi trong hồi ký “Yến Lan, nhớ mãi về anh” của bà: “Thấy anh lặng đi khi xem xong thư của cháu Thủy, vẻ mặt buồn rười rượi, tôi hỏi: “Con Thủy nó viết gì mà anh có vẻ lo lắng thế? Anh không trả lời, chìa thư cho tôi tự đọc. Xem thư tâm trạng tôi rất khó tả! Nỗi buồn của anh truyền sang tôi. Sau đó anh đã chia sẻ với anh Tấn Dung:
   “Đọc thư cháu Thủy viết qua cuộc đi thăm Chế Lan Viên, tôi không cầm được nước mắt, bà vợ tôi lẳng lặng bỏ đi nằm, cả nhà như chìm trong cõi hoang lạnh, vì cảm thấy sắp mất một cái gì vừa thân thiết , vừa thiêng liêng khó thể bù đắp!…”
  Cái gì đến nó sẽ đến. Ngày chú Chế mất; Hội Văn Nghệ Nghĩa Bình báo cho ba tôi “Nhà thơ Chế mất rồi! (19 tháng 6 năm 1989)”. Má bảo rằng, ba tôi nghe xong thì choáng váng như bị chứng rối loạn tiền đình. HVHNT Nghĩa Bình, bố trí để 4 người đại diện vào Sài Gòn dự lễ tang, trong đó có ba tôi. Ông mặc áo quần chỉnh tề, ngồi nhà đợi xe lên đón đi. Trớ trêu thay, đợi mãi, đến cuối ngày, Hội báo lên hoãn chuyến đi vì có trục trặc gì đó… 
   Tưởng còn được gặp lại cậu em, dù chỉ là nhìn qua lăng kính. Nào ngờ! khi nghe hoãn, má tôi nói, ông khóc như
một đứa trẻ “Chế ơi! giờ thì không kịp nữa rồi! Sống có nhau, giờ cuối cũng không được gặp ” Má tôi nói là ông bực lắm, trách HVHNT Nghĩa Bình, việc như thế mà không báo trước để ông tự lo. Ông khóc bạn rằng 

 “TÀN TRO” 
Lệ gói vào khăn thể tưới mồ
Nhường phần hương khói quyện tàn tro
Nghĩ thương hờn tủi nghìn trang giấy 
Còn đợi tay thần gởi ý thơ./.

                                                                             LÂM BÍCH THỦY

READ MORE - CHUYỆN VỀ NHỊ LINH TRONG TỨ LINH CỦA BÀN THÀNH TỨ HỮU - Lâm Bích Thủy

S.O.S: SẮP LẤP HỒ THÀNH CÔNG ? - Thơ Nguyễn Khôi


     

READ MORE - S.O.S: SẮP LẤP HỒ THÀNH CÔNG ? - Thơ Nguyễn Khôi

LƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI BỘI BẠC - Thủy Điền


            
                   Tác giả Thủy Điền



LƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI BỘI BẠC

  Khứa đang nhậu ngon lành với đám bạn làng, buổi nhậu hôm nay ngon lắm nào lòng lợn, mấm nêm, khế, chuối chát. Bỗng dưng khứa nhìn thấy vợ, con khứa đi đằng xa tay xách, tay bồng trông rất cực nhọc. Khứa đứng dậy và nói: Thôi tao đi nhá, tụi bây cứ nhậu một mình đi, đừng chờ tao, tao không trở lại nữa đâu. Cả đám bạn nhìn khứa ngơ ngắc, chẳng hiểu có chuyện gì. Và, hôm nay khứa lại đổi tính như thế.

     Khứa là con nhà khá giả nhất nhì trong làng. Ỹ cha mẹ giàu, có của khứa chẳng thèm đi học, cứ ở nhà ăn chơi lêu lỏng. Năm khứa vừa tròn hai mươi tuổi sợ khứa hư hỏng thêm nên cha mẹ khứa đi cưới cho khứa một cô vợ ở làng bên. Hy vọng có vợ rổi khứa sẽ đổi tính và lo làm ăn. Nhưng chứng nào tật nấy, cưới vợ là cưới, khứa cứ ngỡ như mình còn đang độc thân. Khứa muốn làm gì thì làm đừng hòng ai cãn ngăn được khứa. Với bản chất như thế lẽ ra đàn bà họ bỏ khứa tám đời dương rồi. Mà không biết sao khứa rù rì cách nào cứ mỗi năm đều lọt ra một đứa. Hiện tại khứa có tất cả là bốn đứa, hai gái, hai trai. Đã có một bầy con như thế đúng ra khứa phải có trách nhiệm và bổn phận nuôi và dạy dỗ chúng. Nhưng không, khứa bỏ mặc hết cho cha mẹ khứa, cứ tỉnh queo đi nhậu và bè bạn tối ngày. Vợ khứa biết chồng vậy nên chịu thua và để khứa muốn làm gì thì làm. Có những hôm khứa say về nhà còn mắng nhiếc vợ và đánh đập mấy đứa nhỏ thật là vô lý.

     Bảy năm sau cha mẹ khứa già, bệnh lần lượt qua đời, các con khứa bắt đầu lớn dần, khứa cũng già theo thời gian. Theo người ta khứa cũng nên bớt dần những tật xấu xa một chút để các con noi theo. Thế mà khứa cũng chẳng quan tâm. Tình cảnh gia đình càng lúc càng xa xút- đi đến nghèo nàn, vợ con vất vả nơi đầu đường xó chợ để chạy từng miếng ăn, cái mặt. Cảnh rách nát lại càng rách nát hơn. Khứa ngày hai buổi chỉ biết lo ăn nhậu. Sáng sớm mở mắt ra không có rượu là khứa đã thấy khó chịu trong người và chẳng làm được việc gì cả, tay chân rung rẩy như con gà mắt kinh phong trông thật thê thảm. Nhưng khi gặp bạn, vô vài ba xị là khứa tỉnh và minh mẩn lại ngay như người bình thường.

     Một hôm bạn bè khứa trúng mánh khao khứa một chầu nhậu linh đình nào lòng lợn, mấm nêm, rau cải đủ thứ. Buổi tiệc nầy lẽ ra khứa phải nhậu đến khuya hay đến sáng mai mới về.

     Nhưng vừa bày tiệc ra khứa chỉ mới uống có vài ly chưa thấm vào đâu. Chợt khứa nhìn thấy đằng xa có người đàn bà tay xách, vai mang, tay bồng, tay bế đứa trẻ khóc la, ngã lên , ngã xuống trông rất thê thảm giữa trời trưa nắng. Tự dưng lương tâm của khứa cắn rứt, không chịu nổi, đành bỏ buổi tiệc đứng dậy xin lỗi mọi người và chạy đến nơi để cứu đỡ vợ con và đưa cả hai về nhà. Vợ khứa thấy sao một điều kỳ lạ và đứng ngẩn ngơ chỉ biết nhìn khứa mà chẳng nói nên lời.

     Khi về đến nhà vợ khứa bảo khứa trở lại tiệc nhậu tiếp đi để bạn bè trông đợi.
Khứa trả lời: vợ con như thế… cửa nhà như thế… ly rượu, miếng mồi còn gì ngon nữa. Và, kể từ đó khứa bỏ rượu luôn và bắt đầu ở nhà phụ hợ vợ con làm việc nầy, việc nọ.

     Trong những buổi cơm chiều vợ khứa thường hay nói với các con “Con người dù gì đi nữa, ai ai cũng có một lương tâm” Mà cha của các con hiện tại là một điển hình.

                                                                           Thủy Điền
                                                                          11-04-2017 

READ MORE - LƯƠNG TÂM CỦA NGƯỜI BỘI BẠC - Thủy Điền

“ẨM TRỜI” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN: MỘT PHONG CÁCH TÌNH KHÁC LẠ - Châu Thạch


     
Châu Thạch



    “ẨM TRỜI” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN: 
                                MỘT PHONG CÁCH TÌNH KHÁC LẠ             


Có những bài thơ nói về tình yêu thiên về tinh thần nhẹ nhàng như bướm bay, lãng mạn như gió trăng và êm đềm như tiếng suối chảy. Cũng có những bài thơ nói về tình yêu thiên về nhục dục hừng hực như lửa cháy, cuốn hút như phong ba và cuồng nộ như con thiêu thân sa vào hố lửa. Giữa hai lằn ranh đó có những bài thơ nói về tình yêu khô khan như một lời bông đùa dí dỏm, nhưng nó lại hoàn toàn thể hiện sự độc đáo của một phong cách yêu. Đời có nhiều phong cách yêu. Yêu như Chí Phèo - Thi Nở phải chăng cũng là một phong cách mà được đời mến mộ đó sao? Vậy phong cách yêu là gì? Đó là cách xử sự trong tình yêu tạo nên cái riêng của một người hay một lớp người nào đó. Bài thơ “Ẩm Trời” của Đặng Xuân Xuyến đúng là một bài thơ thể hiện một phong cách yêu riêng của tác giả. Bài thơ không chỉ nói về một đêm hẹn hò ái ân mà thật ra nó ẩn chứa tình cảm, tâm lý của một lớp người đã già dặn trong tình trường.
Mở đầu bài thơ tác giả đề cập đến một lời mời gọi:

Em gạ một đêm chồng vợ
Cho mùi da thịt khỏi ươn

Câu thơ đầu cho thấy tác giả được cô gái “gạ tình”. “Gạ tình” nghĩa là gì? Nghĩa là những hành vi, cử chỉ, cách cư xử hướng vào sự khác biệt giới tính để đưa tới yêu đương, ở đây là ân ái. Cô gái muốn có “một đêm chồng vợ/ Cho mùi da thịt khỏi ươn” nghĩa là cô ta đã biết bạn, biết ta đều đã lâu ngày không gần gũi người khác giới. Cái cớ để cô gái gạ tình cũng vô cùng mới lạ. Cô nói như một người già lắm:

Mấy ngày hôm nay mưa tợn
Ẩm trời, khó ở, thấy ghê

Thường thì người già sẽ khó ở, thấy ghê mình mỗi khi mưa tợn, ẩm trời nên thích nằm riêng, xa rời người khác phái. Ở đây, ngược lại mưa tợn, ẩm trời làm nhục dục cô gái gia tăng nên cô mời gọi. Cô gái làm như mình gìà lắm, mượn cái cớ lão thành để bông đùa trong lời mời ân ái của mình. Cô mời gọi một cách thẳng thừng, không úp mở, giống như hai người đàn ông rủ nhau đi làm vài ly rượu.
Qua khổ thơ này ta cảm nhận được gì ở nhân cách cô gái kia? Đừng khinh cô nhé. Cô gái không là người bán dâm, cũng không là người cho dâm dễ dàng đâu. Với lời mời gọi vừa trắng trợn, vừa trịch thượng, lại khôn khéo lồng thời tiết vào câu chuyện của mình chứng tỏ được cô phải là người trường trải, khôn ngoan, thẳng thắn và có khiếu hài hước. Với nhân cách này, chắc chăn cô phải gởi vàng đúng nơi mà cô chọn chứ không phải đem cho không bừa bãi. Vậy vì sao cô gạ tình tưởng như sỗ sàng?. Thật ra nếu cô gái không là tri kỷ của tác giả thì hai người cũng phải hiểu nhau và tâm đắc cùng nhau giữa cuộc đời này. Qua hai khổ thơ đối đáp, ta cảm được sự thâm giao giữa hai người. Họ có một sự đồng điệu trong đối đáp cùng nhau. Họ có một phong cách riêng âu yếm cùng nhau khác với thường tình. Họ có thể đã yêu nhau rồi nhưng bày tỏ tình yêu theo cách riêng của họ.
Bây giờ ta hãy nói đến chàng trai. Chàng trai cũng mồm mép không thua gì cô gái:

Ừ thì một đêm thôi nhé
Mai đừng, nữa gạ một đêm
Mùa này ẩm trời dài lắm
Da đây thịt đấy đến mòn

Người ta có thể tìm thấy trong ca dao hay trong thơ những câu đối đáp rất hay của những chàng trai trả lời cô gái đang gặt lúa trên đồng hay ban đêm giã gạo cùng nhau. Những câu đó chắc chắn rất trữ tình nhưng chắc chắn không bao giờ thân ái như lời thơ trong khổ thơ này. “Ừ thì một đêm thôi nhé”: chúng ta nghe như lời của anh nói với em. Chúng ta tưởng tượng lời từ của miệng chàng trai thốt ra âu yếm vô cùng, ấm áp vô cùng. Rồi thì “Mai đừng, nữa gạ một đêm”: Câu thơ không phải là lời từ chối đâu, ngược lại đó là lời hẹn hò những đêm kế tiếp bằng một câu bông đùa tế nhị.
Tác giả thật tuyệt vời khi xuống hai câu thơ chót:

Mùa này ẩm trời dài lắm
Da đây thịt đấy đến mòn

Dựa vào thời tiết sẽ còn mưa lâu dài, tác giả hứa hẹn ngày tháng có nhau còn dài không bằng những lời thề thốt mà bằng một lời cảnh báo sẽ hao mòn thân xác nếu cứ bên nhau. Tất nhiên đây là một câu bông đùa, một lời dọa có tác dụng ngược lại, đem cho cô gái niềm vui hy vọng được kề cận với tác giả lâu dài. Câu thơ “Da đây thịt đấy đến mòn” bày tỏ sự hoà hợp thân xác giữa hai người. Đừng nghĩ đây là một câu thơ có nhiều dục tính. Ta nên hiểu rằng bài thơ chỉ mới là lời đùa cợt, tất cả đều chưa vượt qua giới hạn của sự thanh khiết. Vì vậy câu thơ bày tỏ “da” và “thịt” gắn bó với nhau đến hao mòn cũng là lời nói chơi nơi cửa miệng. Do phong cách yêu độc đáo của riêng mình mà phong cách bày tỏ cho nhau cũng khác lạ, khiến cho lời tỏ tình nghe thì thô nhưng nó đậm đà hơn tất cả những lời tỏ tình mà thơ thường hay diễn đạt. 
 “Ẩm Trời” là một bài thơ ngắn gọn tưởng như nó bày tỏ một mối tình qua loa hời hợt nhưng không phải thế. Đọc thơ ta hiểu được tính cách của người trong thơ. Họ phải là những người đã lăn lộn trong cuộc đời, vấp ngã trong tình trường, dày dạn trong đối nhân xử thế, tinh tế trong lời nói. Họ có thể yêu nhau nhưng cuộc đời còn nỗi éo le ta không biết được. Ta chỉ biết họ trân trọng nhau trong lời nói bộc trực tưởng như là thô thiển.
Bài thơ hay là hay ở chỗ đó, diễn đạt cái kín đáo mà bề ngoài không mấy ai thấy được, không mấy ai trân trọng, có khi còn khinh ghét nữa. Bài thơ hay cũng là hay ở chỗ “nói tục giảng thanh”. Đọc “Ẩm Trời” ta nghe tiếng thơ như của một nhân vật bất cần đời, một cặp trai gái ngổ ngáo xem tình như cỏ rác, nhưng ngẫm kỹ, đọc đi đọc lại nhiều lần ta tìm thấy ở đó những tâm hồn đẹp mà ta yêu quý, một mối tình có thể làm cho ta se lòng và cảm mến../.
*
Đà Nẵng, ngày 27/03/2017
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com



ẨM TRỜI

Em gạ một đêm chồng vợ
Cho mùi da thịt khỏi ươn
Mấy ngày hôm nay mưa tợn
Ẩm trời, khó ở, thấy ghê.

Ừ thì, một đêm thôi nhé
Mai đừng, nữa gạ một đêm
Mùa này ẩm trời dài lắm
Da đây thịt đấy đến mòn.


Hà Nội, 13 tháng 03.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - “ẨM TRỜI” THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN: MỘT PHONG CÁCH TÌNH KHÁC LẠ - Châu Thạch

CHÙM THƠ NHẬT QUANG





THU BUỒN

Phố buồn lẻ bước bóng đơn côi
Lưu luyến người xa mãi cuối trời
Gió quyện Thu vàng xào xạc lá
Trăng tàn nghiêng ngả cõi lòng tôi.

SÀI GÒN THU

Sài Gòn man mác gió Thu sang
Phất phới nghiêng bay áo lụa vàng
Vai sánh bên em chiều lá đổ
Phố buồn đếm nhịp bước mênh mang.

CHIỀU QUÊ

Lơ lửng lam chiều quyện khói mơ
Vi vu diều sáo gió mong chờ
Cánh cò lơi lả vầng mây trắng
Ru khúc chiều quê đượm ý thơ.

                          Nhật Quang
                           (Sài Gòn)

READ MORE - CHÙM THƠ NHẬT QUANG

TIÊU CHÍ 4 THỂ THƠ (PHẦN 2) - Phạm Đức Nhì


           
                        Tác giả Phạm Đức Nhì



 TIÊU CHÍ 4 THỂ THƠ (PHẦN 2)
 HỘI CHỨNG NHÀM CHÁN VẦN CỦA THƠ LỤC BÁT


Phần Dẫn Nhập

Đây không phải là một tiểu luận về thơ mặc dù cũng dính líu một chút đến lý thuyết thơ và cũng khá … dài (14 trang). Lý do: cái chỗ dính líu đến lý thuyết thơ đã được bàn ở bài trước (Tiêu Chí 4: Thể Thơ - Phần I). Bài này chỉ là phần tán rộng ra cho dễ hiểu nên rất nhẹ về biện giải mà nặng về thí dụ dẫn chứng. Như đã trình bày ở Phần I, giá trị nghệ thuật của một bài thơ, đặc biệt là thơ lục bát, bị hạ thấp một cách đáng kể nếu bài thơ ấy có Hội Chứng Nhàm Chán Vần. Vì thế tôi tuyển chọn những bài thơ lục bát từ ngắn đến dài, đưa vào bài viết như những thí dụ cụ thể, để các bạn đọc trẻ có cơ hội tự đọc, tự khám phá và cảm nhận sự xuất hiện của Hội Chứng Nhàm Chán Vần hầu nắm vững thêm một mấu chốt quan trọng để thẩm định giá trị một bài thơ.

Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến “Hội Chứng Nhàm Chán Vần”

1/ Tứ thơ: tứ thơ càng lạ người đọc càng chú ý, để tâm theo dõi, hội chứng nhàm chán vần chậm xuất hiện.
2/ Tình tiết: sự kiện này dẫn đến sự kiện khác, tâm trạng này dẫn đến tâm trạng kia, kích thích óc tò mò của người đọc. Tình tiết càng hấp dẫn người đọc càng dễ quên (hoặc vượt qua) cảm giác nhàm chán.
3/ Độ dễ tiêu của câu chữ: chọn ngôn ngữ tượng hình, dễ cảm nhận, dễ tiêu, tránh dồn thông tin dầy đặc, nặng chất trí tuệ, bắt người đọc phải căng óc ra để “tiếp nhận”, rất dễ ngán, hội chứng nhàm chán vần dễ xâm nhập.
4/ Cảm xúc: cảm xúc tầng 3 (hồn thơ) càng mạnh người đọc không (hoặc ít) phải dùng đến lý trí, câu thơ, đoạn thơ không đi qua đầu mà hướng thẳng đến tim. (Cảm xúc tầng 1 đến từ câu chữ, cảm xúc tầng 2 đế từ thế trân, cảm xúc tầng 3 đến từ sự cao hứng của tác giả “bên ngoài chữ nghĩa”).

Những Bài Lục Bát Ngắn

Những bài lục bát 10 câu trở lại (ngoại trừ trường hợp “vờn bóng giữa sân” hoặc ý trùng lặp) hội chứng nhàm chán vần chưa kịp xuất hiện thì bài thơ đã hết.

SÔNG  LẤP
Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Trần Tế Xương)
Đây là một tuyệt tác của Trần Tế Xương.  Chỉ với 4 câu ông Tú Vị Xuyên đã bày tỏ tâm tình hoài cổ sâu sắc của mình một cách tài tình. Từ tiếng gọi đò gợi nhớ đến bến đò, từ bến đò gợi nhớ đến con sông (nay đã bị lấp), từ con sông lấp gợi nhớ đến thời Nho học còn giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Ẩn dụ tuyệt vời. Bài thơ chỉ có 4 câu nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

BUỔI CHIỀU VÀ MÁI TÓC
Buổi chiều và mái tóc em
Bắt đầu phủ xuống những miền núi xa.
Anh nằm khi tóc bay qua
Đám mây tình tự thịt da nhẹ nhàng
Giống như trời lấy áo choàng
Đắp lên thân thể võ vàng từ lâu.
(Nguyên Sa)                                                                     
Đây là bài thơ tình ngắn, ngôn ngữ bay bướm, hình ảnh đẹp. Vì ngắn, có 6 câu, nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

THU CẢM
Mùa thu đẹp đến nao lòng
nắng hơi hơi nắng, mây bồng bềnh mây
người thì nửa tỉnh nửa say
nửa lo giá chợ, nửa ngây vì trời
mùa thu ơi, đẹp vừa thôi
giăng chi khoảng cách giữa đời và mơ
đời càng nhiều nỗi ưu tư
ngưòi càng đơn lẻ trước thu tuyệt vời
(Nguyễn Thị Hồng, Thơ VN Thế Kỷ 20 Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, trang 308)

Đây là bài thơ hay. Nguyễn Du viết:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
nhưng ở đây trong đôi mắt của tác giả lại có sự mâu thuẫn giữa cảnh và tình, Cảnh thu thì rất đẹp mà trong lòng lại đầy nỗi ưu tư. Bài thơ có 8 câu nhưng nhờ tình tiết sinh động và tứ thơ đã chảy thành dòng nên vẫn chưa xuất hiện giọng ầu ơ, chưa có hội chứng nhàm chán vần.

TIẾT PHỤ NGÂM
Bản Dịch Ngô Tất Tố
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng. (1)

Đây là bài thơ trong đó người thiếu phụ từ chối lời tỏ tình của một người có địa vị cao trọng. Lý do bà đưa ra là “Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa”. Tác giả của Tiết Phụ Ngâm – Trương Tịch – đã dùng vế thứ hai “liệt nữ bất canh nhị phu” để gởi đến Lý Sư Đạo - người mời ông ra “cộng tác” - ý của vế thứ nhất “trung thần bất sự nhị quân”. Nhờ bài thơ, ông vừa tránh được họa chiến tranh với một sứ quân quá mạnh vừa không phải phục vụ một Tiết Độ Sứ của phe nghịch đảng. Hiểu được lý do ra đời của bài thơ độc giả có thể đọc 10 câu lục bát trên một lèo mà không ngán. Hội chứng nhàm chán vần đã bị tình tiết mạch lạc của bài thơ lấn át.

Những Bài Lục Bát 12 Câu Trở Lên

Trong số các thể thơ đang lưu hành, lục bát có độ ngọt cao nhất. Số lần gieo vần bằng tổng số câu trừ một. Như vậy bài thơ lục bát 12 câu có 11 lần gieo vần hay 11 cặp vần. Bởi thế làm thơ lục bát từ 12 câu trở lên cũng như hành quân mà đi vào khu mìn bẫy của địch, không cẩn thận lính tráng sẽ đạp phải mìn, thơ sẽ mắc phải hội chứng nhàm chán vần. (Tôi chọn số 12 là do kinh nghiệm cá nhân; tùy mức độ “hảo ngọt” của mình bạn đọc có thể chọn con số khác).
Sau đây là 3 bài lục bát dài bằng nhau (6 cặp lục bát 12 câu).

HOA ĐÀO NỞ SỚM
Hoa đào trước ngõ em qua
Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa
Đầy vườn lộc biếc cây tơ
Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu

Bỗng dưng một đóa hoa đầu.
Nghe như đất lạ năm nào gặp em
Phải rằng xe xích thời gian
Vầng dương bên ấy mọc sang bên này? 
Nắng hoe, bướm trở mình bay
Cành non nở vội kịp ngày chào hoa.
Lòng anh tự độ em qua
Hoa bay bướm dạo cùng ta vào đời.
(Chế Lan Viên)
Hoa Đào Nở Sớm, theo tôi, đã hơi có giọng ầu ơ, đã chớm – dù rất nhẹ - hội chứng nhàm chán vần. Lý do: tứ thơ bình thường lại có dấu hiệu “vờn bóng giữa sân”. Vừa mới “Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa” ở đoạn trước, đoạn sau lại “bỗng dưng một đóa hoa đầu”,đã vậy, đoạn cuối còn thêm “Cành non nở vội kịp ngày chào hoa”. Rõ ràng sự trùng lặp (thiếu nghệ thuật) của ý tứ đã tạo cảm giác “ngao ngán” lẽ ra chưa nên có. Hơn nữa, tác giả khi làm thơ đã nghiêng về phía cái đầu nên ít cảm xúc. Vì thế hội chứng nhàm chán vần đã xuất hiện sớm hơn bình thường. Nhận xét như vậy hoàn toàn chủ quan, tùy thuộc vào cảm nhận từ thính giác của mỗi người. Tuy nhiên, nếu bạn đọc lắng nghe và để ý, một lúc nào đó bạn có thể tự mình khám phá ra điều đó.

CHỚM SANG VỊ HÈ
Đường tình đã nở hoa xoan
Lao xao gió gợn, hân hoan lá chờ
Trên cao ngan ngát hương đưa
Em ơi, tim tím mơ mờ chùm hoa..

Nhẹ nhàng gió thổi tháng ba
Trong hơi thanh mát có hòa nồng say
Xuân còn, hè đã thoảng bay
Một niềm xa vợi ngất ngây khí trời

Tình yêu muôn thuở, em ơi!
Hôm nay lại đượm hương đời, màu xoan
Ý xuân trong lúc chứa chan
Tình đôi ta lại chớm sang vị hè.
(Xuân Diệu)Tứ thơ không có gì đặc biệt, có dòng chảy nhưng chỉ lững lờ vì ít cảm xúc, tuy nhiên, không có sự trùng lặp và bài thơ có 12 câu (không dài lắm) nên chưa có hội chứng nhàm chán vần.

NGẬM NGÙI
Nắng chia nửa bãi, chiều rồi... 
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! Hãy ngủ … anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
(Huy Cận)

Tứ thơ chảy thành dòng khá nhanh vì nhiều cảm xúc, có thể đưa người đọc tới bến mà không bị khựng ở chỗ nào. Trong bối cảnh đó hội chứng nhàm chán vần khó xuất hiện.

PHÚT BÌNH YÊN VĂN MIẾU
(Tặng Phạm Đức Nhì – nhà thơ Mỹ gốc Việt)

Anh từ Texas về đây
Bạn thơ dang rộng vòng tay đón chào
Bỏ qua thủ tục ngoại giao
Toàn thằng lính trận thuở nào choảng nhau
Người mẻ trán, kẻ sứt đầu
Trở trời trái gió ngấm đau một mình
Duyên thơ nối nhịp ân tình
Rời tay súng chẳng phải rình rập ai
Vào nơi trọng dụng hiền tài
Qua Khuê Văn Các sánh vai cùng người
Thơ hay thả đỏ rực trời
Rưng rưng ánh mắt rạng ngời lửa thiêng
Vượt trên giông bão trăm miền
Quê hương ơi phút bình yên diệu kỳ. (2)

(Nguyên Tiêu Canh Dần, trannhuong.net)
Trịnh Anh Đạt
Bài thơ có 14 câu và cũng không mắc phải hội chứng nhàm chán vần.

THIẾU NỮ
Cô gái ơi, anh nhớ em!!!
Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm chợt nhớ quê nhà, gáy chơi

Con dế nó gáy một hơi
Còn anh gáy hết một thời con trai
Tiếng gáy bò lên lỗ tai
Làm em nhột suốt một ngày một đêm

Cô gái ơi, anh nhớ em !!!
Như má lúm nhớ đồng tiền đúng chưa ?
Như cà chớn nhớ cà chua
Như da em nhớ "da-ua" ngọt ngào

Cái nhớ nhảy qua hàng rào
Không thèm đăng ký cứ nhào vô anh
Xô ra thì thấy không đành
Nên anh ôm lấy, ngồi canh giữ hoài

Con kiến còn nhớ củ khoai
Huống chi tóc ngắn tóc dài nhớ nhau
Nhớ nhau không biết để đâu
Nếu để trên đầu thì tóc che đi

Để trong túi áo cũng kỳ
Lỡ đi đường rớt, lấy gì chứng minh
Chi bằng giả bộ làm thinh
Hét lên " nhớ quá " một mình nghe chơi !!!
(Bùi Chí Vinh, Thơ VN Thế Kỷ 20 Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, trang 887)
Đây là bài thơ tình nhẹ nhàng, viết về một đề tài rất bình thường nhưng ngôn ngữ và giọng thơ “lạ lạ”, dí dỏm, có duyên và dễ thương. Chính vì thế mà đọc cả bài 24 câu một lèo cũng chưa thấy ngán. Hội chứng nhàm chán vần đã bị những đặc tính “lạ lạ”, dí dỏm, có duyên, dễ thương lấn át.

ĐẤT VIỆT LÀ CỦA VIỆT NAM

Biển trời hải đảo đât liềnLà máu da thịt 
Rồng Tiên ngàn đời .
Việt Nam đất nước con người  
Tình yêu Tổ Quốc rạng ngời trong ta.
Trời xanh sông núi hiền hòa 
Biển quê ôm ấp đảo xa đảo gần
Trường Sa quần đảo thiên thần
Đảo chìm đảo nổi quây quần bên nhau.
Hoàng Sa quần đảo ngọc châu
Tỏa rung khí phách con tàu hiên ngang
Thành đồng dạ ngọc gan vàng
Anh hùng đảo sắt thép gang kiên cường.
Chẳng mòn đứng trước đại dương 
Gan cùng bão tố bốn phương đổ vào
Người Việt Nam mãi tự hào
Tâm hồng Phúc rộng Tài cao Đức lành.
Bốn nghìn năm sống đấu tranh
Việt Nam tổ quốc đã thành thiêng liêng
Đât Việt Nam đất Việt thiêng 
Muôn đời là của con Tiên Cháu Rồng .
Lũ xâm lăng chớ có hòng 
Chỉ một hạt cát đừng mong hỡi mày
Biển trời hải đảo xưa nay
Biên cương hùng vĩ đất này của ta .
Đây Hoàng Sa - Kia Trường Sa 
Là xương máu thịt nước nhà Việt Nam .
Kẻ thù xin chớ lòng tham
Đất Việt là của Việt Nam muôn đời …! 
(Chu Long)

Đây là bài thơ “phải đạo”, có 28 câu, nhưng vì viết bằng cái đầu nên thiếu cảm xúc, chỉ đọc khoảng một nửa là đã thấy ngán. Nửa còn lại càng về cuối càng như “cơm nếp nát”

TRẢ LỜI CỦA NGƯỜI YÊU
Các anh hãy chuốc thật say
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im!
Giờ hình như quá nửa đêm
Lòng đau đau lại cái tin cuối mùa.
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi!
Giờ hình như đã tối rồi
Bánh xe đã nghiến, đã rời rã đi!

Hồn tôi lờ mờ sương khuya
Hờ rung tôi viết bài thơ trả lời
Vâng, tôi vẫn biết có người
Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng
Để hôm sau khóc trong lòng
Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian
Hôm qua rụng hết lá vàng
Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không.
Tiếng xe trong vết bụi hồng
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ.
Tiếng xe trong xác pháo xưa
Nàng đi có mấy bài thơ trở về
Tiếng xe mở lối vu quy
Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời
Miệng chồng Khánh gắn trên môi
Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ
Đàn xưa từ chia đường tơ
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan
Kéo dài một chiếc áo lam
Tơ càng đứt mối, nàng càng kéo giay

Nàng còn gỡ mãi trên tay
Thì tơ duyên mới đã thay hẳn mầu
Chung hai thứ tóc đôi đầu
Bao giờ đan nổi những câu ân tình
Khánh ơi, còn hỏi gì anh?
Lá rơi đã hết màu xanh màu vàng
Chỉ kêu những tiếng thu tàn
Tình ta đã chết anh càng muốn xa
Chiều tan, chiều tắt, chiều tà
Ngày mai, ngày mốt vẫn là ngày nay
Em quên mất lối chim bay
Và em sẽ chán trông mây trông mờ
Đoàn viên từng phút từng giờ
Sóng yên lặng thế em chờ gì hơn?
Từng năm từng đứa con son
Mím môi vá kín vết thương lại lành
Khánh đi còn hỏi gì anh
Ái tình đã vỡ, ái tình lại nguyên
Em về đan nốt tơ duyên
Vào tà áo mới, đừng tìm mối xưa
Bao nhiêu hạt lệ còn thừa
Dành ngày sau khóc những giờ vị vong
Bao nhiêu những cánh hoa lòng
Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng hồn cha
Nhắc làm chi chuyện đôi ta
Bản năng anh đã phong ba dập vùi

Hãy vui lên các anh ơi!
Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về
Tâm hồn lạnh nhạt đê mê
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều
Giờ hình như gió thổi nhiều
Những loài hoa máu đã gieo nốt đời
Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh
Sái chi những truyện tâm tình
Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay!
(Thâm Tâm)
Nếu đúng là của Thâm Tâm (3) thì tác giả Tông Biệt Hành viết bài thơ này quá tệ,  Đọc Trả Lời Của Người Yêu tôi thấy rời rạc, nhạt nhẽo, toàn là sự kiện, chẳng có tý “hồn vía” nào. Bài thơ dài, 64 câu, hội chứng nhàm chán vần rất nặng.

NGƯỜI HÀNG XÓM
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Gía đừng có dậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng ...
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi.
Chẳng bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên;
Mắt nàng say đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: - Hay tôi yêu nàng?
Không, từ ân ái lỡ làng
Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao!
Tơ hồng nàng chẳng cất vào
Con bươm bướm trắng đêm nào cũng sang.

Mấy hôm nay chẳng thấy nàng
Gía tôi cũng có tơ vàng mà hong
Cái gì như thể nhớ mong ?
Nhớ nàng! Không! Quyết là không nhớ nàng.
Vâng, từ ân ái lỡ làng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng năm xưa.
Tầm tầm trời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm
Cô đơn buồn lại thấy buồn.
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Hôm nay mưa đã tạnh rồi.
Tơ không hong nữa, bướm lười thôi sang!
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng!
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng

Hỡi ôi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc, qủa tôi yêu nàng
Hồn trinh còn ở trần gian!
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.
(Nguyễn Bính)

Tôi đặt bài thơ Người Hàng Xóm ở cuối để bạn đọc thấy cái tài của Nguyễn Bính. Lục bát viết đến 42 câu là rất dài nhưng tôi có thể đọc một lèo từ đầu đến cuối. Tình tiết hấp dẫn, và đặc biệt là cảm xúc nóng hổi đã khiến dòng chảy của tứ thơ vừa mạnh, vừa nhanh, lấn át được hội chứng nhàm chán vần.

Kết Luận

Làm thơ lục bát nên tránh “vờn bóng giữa sân” – nghĩa là “cà kê dê ngỗng” ở giữa bài; căn bệnh nhàm chán vần sẽ xuất hiện làm tổn hại bài thơ ngay. Đọc hoặc bình thơ lục bát, nếu có khả năng nhận diện được hội chứng nhàm chán vần bạn đã có trong tay chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đầu tiên hầu tiếp cận cái hay, cái đẹp cũng như cái dở, cái hạn chế của bài thơ một cách tự tin hơn. Hãy xem bài viết này như những gợi ý và hướng dẫn trong lúc bạn tìm cách nắm giữ chiếc chìa khóa đó.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com

Chú Thích:

1/ Trương Tịch tự Văn Xương, người đất Tô Châu, thi gia thời Trung Đường (766-827), đậu Tiến sĩ dưới triều vua Đức Tông. Năm 799, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ, cuối cùng lên đến chức Quốc tử tư nghiệp.
Trong nước lúc bấy giờ lại diễn thành cuộc phiên trấn cát cứ. Mỗi Tiết độ sứ chuyên chế mỗi phương. Trấn nào, Tiết độ sứ tuân mạng triều đình thì cho là thuận đảng. Trái lại, Tiết độ sứ nào đem binh đối khánglại triều đình thì cho là nghịch đảng. Trương Tịch hiện làm một tân khách trong mạc phủ của một Tiết độ sứ thuộc về thuận đảng. Ông muốn giúp triều đình mong đạt được cuộc thống nhất đất nước.
Bấy giờ có Lý Sư Đạo là một Tiết độ sứ thuộc về nghịch đảng, vốn tay quật cường. Biết Trương là người có tài nên họ Lý ân cần viết thư, đem lễ vật đến đón Trương về giúp mình trong công cuộc xây dựng sự nghiệp.
Trương không dám từ khước ngay. Vì tình thế lúc bấy giờ nguy ngập lắm. Thế lực của Lý thì mạnh, nếu ông không bằng lòng thì chắc chắnhai trấn phải sinh chiến họa to. Do đó, ông phải giả cách cám ơn nhận lễ rồi dần dần tìm cách từ khước. Trong khi hoàn lại lễ vật, Trương Tịch làm một bài thơ kèm theo, nhan đề là "Tiết phụ ngâm" (hoavouu.com)
2/ Tết Canh Dần 2010 tôi được nhà thơ Trịnh Anh Đạt gởi thiệp mời tham dự lễ hội Thơ Nguyên Tiêu ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Là nhà thơ từ Mỹ về, đã từng đối đầu với tác giả ở mặt trận Huế, Quảng Trị trước 75 và đã viết nhiều bài thơ chống cộng nảy lửa sau đó, tôi vẫn được TAĐ quý mến dẫn vào Văn Miếu giới thiệu với đám bạn văn chương của ông. Chúng tôi, những kẻ cựu thù, đã có mấy buổi họp mặt bàn tán chuyện văn chương lý thú. Bài Phút Bình Yên Văn Miếu được sáng tác nhân dịp này.
3/ Bài thơ này được tác giả Anh Đào đăng trên một tập san ở Hà Nội năm 1951, ghi là của Thâm Tâm làm để minh chứng cho mối tình giữa Thâm Tâm và T.T.Kh. Về nội dung, bài thơ này so với bài "Các Anh" của Thâm Tâm trùng 8 câu đầu và 8 câu cuối, với hai điểm khác biệt là "cái tim cuối mùa" được chép thành "cái tin cuối mùa" và "Tâm tình lạnh nhạt đâu nghe" được chép thành "Tâm hồn lạnh nhạt đê mê". Vì vậy, có lẽ bài thơ này là do tác giả Anh Đào dựa vào bài "Các Anh" của Thâm Tâm rồi viết thêm 48 câu vào giữa để chứng minh cho bài báo của mình. (thivien.net)

READ MORE - TIÊU CHÍ 4 THỂ THƠ (PHẦN 2) - Phạm Đức Nhì