Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 11, 2017

CHUYỆN VỀ NHỊ LINH TRONG TỨ LINH CỦA BÀN THÀNH TỨ HỮU - Lâm Bích Thủy


     
                   Hai chị em Bích Thủy và Tú Thủy năm 1972


     CHUYỆN VỀ NHỊ LINH TRONG TỨ LINH 
                                               CỦA BÀN THÀNH TỨ HỮU

  (Trích hồi ký “Về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy)
  
  Tôi không thể dùng thước hay bàn cân để cân, đo, đong đếm tình cảm mà ba tôi-nhà thơ Yến Lan – linh Lân dành cho chú Chế Lan Viên – linh Phụng trong nhóm thơ nổi tiếng của xứ Bàn Thành Bình Định. Nó không mùi, không màu, không trọng lượng, nhưng qua những tư liệu và những gì nghe, chứng kiến được, tôi cảm nhận rất rõ cái tình ấy. Cái tình văn nhân này được nhóm lên từ hai con người sống cạnh dòng sông Kôn, dưới chân cửa Đông Thành Bình Định khi họ mới lên 10 -13 tuổi thôi

  Thuở ấy, nhà chú Chế nằm phía tay phải, sát chân tường cửa Đông thành Bình Định; nay thuộc khu vực  Nhà Trẻ thị xã An Nhơn. Thành cửa Đông không to như bây giờ; trên có cái lầu nho nhỏ, để vừa chiếc bàn và hai ghế đẩu. Ba tôi ở tại chùa Ông, cách thành chừng 300m. Ban ngày, ông đến, rồi cùng chú Chế leo lên lầu tâm sự, đọc sách, làm thơ. Chú Chế gọi nơi đây là “Lầu tư tưởng, hay còn gọi là Lầu thơ”. Bởi vậy ba mới có thơ rằng:

Lầu cửa Đông có nghe em tâm sự 
Em đi trong tình sử của lầu thơ… 

 Chiều chiều, hai anh em bá vai, rủ nhau vào sân vận động đá banh. Sân vận động nằm sát bên một míếu thờ. Miếu quạnh quẻ, u buồn; lâu ngày không ai tới, cây cỏ mọc che kín, khiến cảnh vật trở nên hoang phế, điu tàn... Người ta đồn - đó là nơi dành cho thế giới của ma, quỉ. Chú Chế nói: “Chị Bốn tôi bảo, đêm đêm ở miếu có nhiều ma nữ hiện lên; cô thì mắc võng ru con, cô thì rên rỉ những lời ai oán…” Ba tôi chê: “Chú Chế là con trai mà nhát như cáy, không dám đến gần miếu. Nhỡ đá banh vọt sang đó thì chú năn nỉ ba nhảy qua nhặt mang về! 

 Người ta bảo “Đi đêm nhiều sẽ có ngày gặp ma”; có lẽ vậy chăng? 
   Vào một chiều, các chàng trai đang đá banh ngon trớn, thình lình một cơn mưa ập đến. Ai ở gần thì về luôn. Còn ba và chú chạy ù vào trú mưa ở cái lều cạnh miếu. Trong lều, hai người đứng cách nhau một sải tay, song có gì đó khiến họ không dám hé ra một lời. Mặt ai cũng tím tái. Chú Chế run bần bật, lấm lét đưa mắt nhìn ba; ba lặng lẽ liếc nhìn chú vẻ sợ sệt. Họ cứ im lặng nhìn nhau cho đến lúc thấy sợi mưa thưa dần, ba hất đầu ra hiệu, chú Chế hiểu ý, rồi cả hai cùng lúc lao nhanh ra khỏi lều, chạy như điên về nhà chú Chế. 
   Vào nhà, ba hỏi “nãy Hoan có thấy gì?” Chú trả lời bằng câu hỏi ngược lại “Thế còn Lang?” Rồi, cả hai nói là đã nhìn thấy một cô gái cùng chạy theo ở giữa hai người từ trong sân bóng ra. Cô ta mặc đồ trắng màu như khói, tóc dài xỏa ngang lưng, không nhìn rõ mặt. Một lát thì tan biến đâu mất. Chú Chế lại hỏi ba: “
- Anh có cảm nhận là từ người cô ta tỏa ra một luồng khí lạnh làm ớn xương sống? ” 

   Có thể trong sinh hoạt, ba và chú đã gặp những chuyện tương tự như vậy, nên thơ hai người thường thấp thoáng bóng ma quái. Điều này, nhà văn Võ Văn Trực cũng đã nhận xét: “Thơ của họ thường bảng lảng những gì tao nhã, huyền bí và có phần ma quái”.  (VN.7/ 6/1991 “ Từ Bến My Lăng” Phát họa chân dung Yến Lan) V.V.T   

   Trả lời phóng vấn trên tờ Tuổi Trẻ Sống Đẹp/17: Ba tôi trải lòng: 

“Trong đời tôi, hai người để lại nhiều kỷ niệm đẹp nhất là Chế Lan Viên và Quách Tấn. Chúng tôi đã từng xem nhau như anh em ruột thịt, thề không bao giờ phụ nhau. Tôi học trên Chế ba lớp, lớn hơn ba tuổi. Hệt như có duyên số, hai đứa tôi gặp nhau, chơi thân nhau. Có cuốn sách hay, bài thơ nào hay chúng tôi đều đọc cho nhau nghe. Hồi tôi sống nương nhờ tại chùa Ông Bình Định, một hôm thấy một người đàn ông đi xe hàng đỗ gần đó, đang cầm cuốn “Hồn bướm mơ tiên” của Khải Hưng. Tôi nài nỉ mãi ông mới chịu cho mượn. Tôi chạy một mạch vào Thành, gõ cửa nhà Chế bảo: “Hoan ơi! Tao có cuốn sách này hay lắm” Thế rồi hai đứa thức đọc suốt tới gần sáng, kịp trả sách đúng hẹn vào 4h 30’ sáng. Trong lòng hoan hỉ vô cùng!

  Lúc học ở Bình Định, tôi và Chế Lan Viên rất mê báo Phong hóa. Hai đứa bàn nhau làm báo. Bọn tôi mua thạch xoa về, khắc chữ lên rồi in ra giấy, bắt chước kiểu cách của báo Phong Hóa. Mỗi lần in 15 bản, bán cho bạn bè trong lớp. Tiền lời kiếm được dùng mua thạch xoa, tiếp tục in. Được một thời gian bọn tôi bị hiệu trưởng bắt phạt quì rồi cấm luôn “tờ báo” 
  Chiều chiều, tôi và Chế thường bá vai nhau lên cửa Đông Thành Bình Định ngắm cảnh, bàn chuyện văn chương thi phú. Hai đứa đều trăn trở với dân Chàm, tháp Chàm, nên bàn nhau viết “cái gì đó”. Thời gian này, Chế cho ra đời tập “Điêu tàn” nổi tiếng. Còn tôi tập “Giếng loạn” gồm 28 bài thơ, viết về kiếp đời của các Chiêm nương, tiếc thay chưa kịp công bố thì bị mất!...
  Nhà văn Võ Văn Trực: Theo Chế Lan Viên kể lại trong nhiều bài viết:
 “Chính Yến Lan đã dìu dắt tôi vào với làng thơ"  Năm 1934-1935 đọc "Hận chiến trường" của Thanh Tịnh, Yến Lan thấy viết về chiến tranh như thế chưa hay, ông liền trao đổi và gợi ý cho chú Chế viết...”  Như vậy, những bài thơ của chú Chế trước đây, nói một cách trung thựt là có sự góp ý chân tình của ba tôi. Điều này ít ai biết, ba chỉ tâm sự với má, dặn má không nói với ai, sợ ảnh hưởng tình anh em. Khi ba tôi mất, má bước vào tuổi 85, bà bùi ngùi nói cho tôi biết bởi cả hai người đã đi rất xa rồi !!! Chắc bà muốn thế hệ con cháu biết những tấm chân tình thầm lặng của ba tôi đối với bạn bè văn chương. Song qua đó, tôi hiểu rằng, trong những tập thơ đầu, nổi tiếng của chú Chế cũng có đôi điều tâm huyết của ba tôi đấy nhé.

 Qua lời kể của má tôi trong Hồi ký: “Yến Lan, nhớ mãi về anh” Ta còn thấy được tình cảm của ba và các thành viên trong “Tứ hữu Bàn Thành”, rất đáng trân trọng về việc giúp chú Chế và cô Giáo vượt qua mọi rào cản của lễ giáo phong kiến để đến được với nhau và tình yêu của họ được đơm hoa kết trái:
     “Hôm tôi đến chùa thăm anh Lan thì thấy một thiếu nữ đứng trước cổng, đang tìm ai? Lúc đó, anh Lan từ trong chùa đi ra. Thấy thiếu nữ mặt bầu bỉnh, da trắng, tóc dài kẹp (ba lá) ngang lưng; cô mặc áo bà ba màu nõn chuối, quần lĩnh đen, trông nền nã, anh Lan nhìn cô vẻ ngờ ngợ. Còn cô gái thấy anh Lan thì mắt sáng rực, tiến lại gần, hỏi: “Anh là Xuân Khai?”. Nghe cô gái hỏi vậy, anh Lan hỏi ngược lại: - Có phải Giáo đấy không?
      - Dạ! Giáo đây - cô gái trả lời. Anh Lan quay sang tôi, giới thiệu: 
      - Đây là Giáo, bạn Hoan. Còn đây là Lan - bạn anh. 
  Sau đó anh bảo hai chúng tôi chờ để anh vào báo cho Hoan. Một lúc sau, hai anh quay ra. Giáo và Hoan gặp nhau mừng quýnh
  Niềm vui chưa lâu thì vẻ lúng túng lộ rõ trên mặt Hoan; sẽ gửi Giáo ở đâu đây? Không thể đưa cô về nhà. Cha Hoan là ông Phan Ngọc Trân, người Quảng Trị. Trước, giữ chức Đề lại thời Khải Định-Bảo Đại tại Quảng Trị. Năm 1925-1926 ông làm Lại mục tại phủ An Nhơn. Ông theo đạo Phật, ăn chay trường, nổi tiếng nghiêm khắc, đời nào ông chịu chứa một cô gái bỏ nhà theo trai; cũng không thể để cô ở chùa với anh Lan hay nhà tôi?!
  Thấy bạn lúng túng, anh Lan bảo: Đưa Giáo vào Nha Trang, gửi tạm nhà anh Quách Tấn, hồi sau tính tiếp. 
  Thuở ấy, nhà anh Tấn là điểm hẹn của bạn văn. Họ quyết định đi ngay chuyến tàu chiều và rủ tôi cùng đi. Hoan đánh giây thép (điện) báo anh Tấn ra ga đón. Khi đến ga Mã Vòng thấy anh Tấn vẫy tay, ra hiệu xuống. Bốn chúng tôi không hiểu mô tê gì; sau mới vỡ nhẽ; vì sợ ông Tư Đào, cậu của Giáo, có thể cũng đang chờ ở ga Nha Trang để tóm cô cháu về. Chắc mẹ cô đã điện cho cậu việc con gái mình bỏ nhà, trốn theo trai.

  Anh Quách Tấn đưa bốn chúng tôi về nhà tắm rửa, cơm nước. Sau đó bố trí cho Hoan sang nhà anh Nguyễn Đình; tôi về nhà bác ruột của tôi, Giáo ở nhờ nhà bạn gái vợ anh Tấn, anh Lan ở lại.  Mọi việc xong xuôi, anh Tấn dặn “Cô chú không được ra khỏi nhà, đợi vài hôm xem thế nào sẽ hay, nếu lộ ra thì chết cả hội”. 

  Một tuần trôi qua, anh Tấn thấy không tiện trốn nữa, bàn với anh Lan đến gặp cậu Tư Đào để thú nhận rồi nhân cơ hội đó nhờ cậu thưa với cha mẹ Giáo về tình cảm của hai bạn. Cậu Giáo tưởng cháu mình theo ai chứ theo Chế Lan Viên thì mừng lắm. Sau đó, ông thân chinh đến nhà anh Tấn đón cháu đưa về Đà Nẵng. Và chuyện cưới xin của hai bạn được bàn ngay. Sau đó, đám cưới tổ chúc tại tư gia ông Ba Hội, ở thành phố Đà Nẵng (hồi ấy gọi là Tua-ran) được bạn bè văn nghệ sĩ thành Bình Định và Nha Trang ra dự đông vui.

   Cưới xong, đội vợ chồng trẻ dẫn nhau về cửa Đông thành Bình Định sống cùng cha mẹ chồng.  
 Một điều gì đó làm cô khóc nhiều nên bị mù. Song, nhờ sự chăm sóc tận tình của chồng và bạn hữu, hai năm sau mắt cô bình thường trở lại. Rồi, hai người đưa nhau ra làng Lai Triều-Quãng Trị sống, dạy học và ở đó luôn. 
   Hè năm 1946, chú về lại An Nhơn đón bố mẹ và hai người chị ra để dễ bề chăm sóc các cụ khi trái gió trở trời. Trước khi chia tay, chú đã nói với ba:
    “Chắc là từ nay về sau, tôi với anh không còn dịp gặp nhau nữa rồi…!.” 
   Xa nhau, song lúc nào có tin vui, buồn, hai người đều thư từ qua lại. Ngày sinh Phan Lai Triều, rồi Phan Trường Định, chú có thư báo. 
   Để kỷ niệm những ngày cùng các bạn văn về Trường Định, quê bác Tấn ăn tết (1943), chú đặt tên con trai thứ hai là Phan Trường Định. Năm 1950, ba tôi được tin cuối cùng khi cô chú sinh đứa con thứ ba là Phan thị Thanh. 
    Mãi tới tháng 3 năm 1955 ba má tôi và gia đình chú mới gặp nhau tại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội.

    Ngày mới rời quê hương, xứ sở ra Bắc với hai bàn tay trắng, chỉ mang theo tình cảm quê hương, và niềm tin; tất cả ai từ Nam tập kết ra đều cam chịu cuộc sống thiếu thốn mà tình đời, tình người ấm áp ngọt ngào, thi vị. So với cái khổ chung thì gia đình chú Chế, nhờ có chút địa vị nên cuộc sống đỡ hơn. Nhà chú có sổ mua hàng ở Cửa Hàng Tôn Đản. Cửa hàng này, thể hiện tính ưu việt của chế độ bao cấp; đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm… cung cấp cho cán bộ từ Trung Cao cấp trở lên. Mua là có, không phải chờ đợi, sắp hàng như gia đình cán bộ thường. Cô chú sống hạnh phúc với ba con nhỏ trong một căn phòng chật hẹp tại 51 Trần Hưng Đạo. Khi nào sách chú sắp ấn hành thì cô thức rất khuya, xem lại tác phẩm để chửa mo-rat !... 

   Thế rồi tai bay vạ gió ập xuống! chú bị bệnh phổi rất nặng; được sang Trung Quốc điều trị. Chú vắng nhà, một nách 3 con nhỏ; khó khăn chồng khó khăn, vắt kiệt sức cô! Đúng lúc, ông bạn láng giềng giang tay giúp đỡ. Rồi trong tình láng giềng đó “lửa gần rơm” đã bén! 
      Chuyện xảy ra, trước khi cả làng văn biết; ba tôi rất buồn, ông cố tìm cách giữ lại mối tình mà họ đã rất khó khăn mới có được là một phần nhờ sự giúp đỡ, bồi đắp của Tứ Hữu Bàn Thành; song chẳng kết quả! Cô nhất quyết dứt áo một đi không trở lại! Và rồi, Anh đi đường anh, tôi đường tôi!  
   Có lẽ đó là ý Trời?! Cô Giáo lấy chú Q-người Nam bộ, sinh được hai con trai và một gái-hiện cô còn, sống tại TP Sài Gòn. Chú Chế xây tổ ấm mới với nhà văn Vũ thị Thường; hai tiểu thư thông minh, xinh xắn ra đời: - bác sĩ Phan thị Thắm và nhà văn Phan thị Vàng Anh. ( Nay (2016-cô Giáo đã đi vào lòng đất)     

  Hồi còn trong Nam, nhà tôi lúc nào cũng có các chú làm công tác văn hóa, văn nghệ đến bàn công việc, đọc thơ mình cho bạn góp ý, hay kể chuyện về thời thế. Một lần, tôi nghe ba kể; vào năm 1935-1936 chú Chế ra trường Quốc học Huế thi vấn đáp môn văn. Câu trả lời của chú làm cho Ban giám khảo vô cùng sửng sốt; bởi sự hiểu biết quá sắc sảo so với tuổi đời của cậu bé 16-17 tuổi:
   - Em cho biết bài Tỳ Bà Hành “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” có những đặc điểm gì tạo giá trị cho bài thơ.” Không cần nghĩ ngợi lâu, chú vanh vách trả lời: 
 - Đặc điểm trong bài thì nhiều. Nhưng chỉ mới câu mở đầu đã cho thấy điểm đặc sắc của nghệ thuật: Hai tiếng trắc ”Bến-Khách” ở đầu và cuối câu gợi lên hai bờ sông cao và dốc. Còn năm chữ toàn bình ở giữa là những làn sóng nhẹ trên mặt sông”   
  Tuy chưa gặp mặt, nhưng hễ ai nhắc đến tên Chế Lan Viên, thì trong tôi mối thân thiết giữa chú và ba được lập nên liền. Hình bóng chú luôn hiện hữu trong nhà tôi. Tôi đã chứng kiến tình cảm mà ba tôi dành cho gia đình chú: 
   Một lần về phép, thấy ba chạy lên, chạy xuống thang gác gỗ mong manh (nhà 37 phố Hàng Quạt – Hà Nội) phơi phóng một đống giấy tờ, sách vở, báo chí, bản thảo, tài liệu v.v... Tôi thắc mắc:  
- Con thấy giấy tờ trên gác có ẩm và mốc đâu mà sao ba phơi kỹ vậy? Ba tôi nhỏ nhẹ phân bua: 
- Giấy tờ đó là của chú Chế nhờ ba phơi dùm cho chết vi trùng (lao), nhà chú không có trần như nhà mình; con chú lại còn nhỏ; chú sợ lây bệnh cho chúng! 
   Đấy! bạn thấy chưa, ông sợ lây bệnh cho trẻ nhà chú còn chúng tôi vì nhà nghèo, vi trùng lao chê không thèm xâm nhập mà.   

  Điều mà tôi được nghe nhiều là các chú ca ngợi tài văn ở chú. Năm 1938, chú đã xuất bản tập “Điêu tàn”. Ở tập thơ đầu đời các chú bảo - nó thể hiện rõ nỗi đau sâu kín trong tâm hồn của một cậu bé mới 18 tuổi, do đồng cảm với nỗi đau mất nước của một dân tộc đang dần đến chỗ diệt vong.., Chú trở thành thần đồng về thơ thời đó. 
Khi chiến tranh ở Miền Bắc trở nên ác liệt, tôi lại nghe: “Thơ Chế bây giờ mang hình viên đạn nhiều hơn mùa xuân” là do trong một bài thơ nào đó có câu “hạnh phúc nhất trên đời là được đi đánh Mỹ”. Có chú góp ý: “Tại sao Chế lại nói hạnh phúc nhất đời là được đánh Mỹ! Chú khác phản bác lại:- “Sống trong hòa bình đoàn kết giúp đỡ, yêu thương nhau, không bom đạn, chết choc… mới gọi là hạnh phúc nhất chứ…! Và họ lại tranh luận về tập thơ “Vàng sao” : - Cái điên loạn trong “điêu tàn” người đọc có thể chấp nhận được, còn trong Vàng sao làm cho người ta không chịu đựng được nữa

Điên! Điên, điên và say nữa xin say
Điên đến chết và say cho đến khóc
Say thêm nữa! Phút giây điên vàng ngọc

Chính vì vậy Vàng sao không để lại cho người đọc một ấn tượng nào hết, nó lặng lẽ đi qua. Hình như chú nhận ra, nên đã viết thư tâm sự với nhà thơ Đào Xuân Quí   
  “Mình thấy thơ nó (Tế Hanh) thơ anh em thì “chant”, “bel canto” còn mình thì hơi “cri”, “hurter” quá. Nói thế chứ còn nước còn tát, Quí ạ.  Mình sẽ cố sửa chữa lại giọng mình”             
                                                       (Thư đề ngày 15/9/1972)

   Những năm tháng đầu, tập kết ra ở tại Hà Nội, tôi chưa gặp chú lần nào. Một chủ nhật nọ, Phan Lai Triều đến lấy cây đàn Mandoline đã cho tôi mượn bập bênh cho vui mấy ngày hè. Trong cuộc trò chuyện, tôi buộc miệng hỏi Triều: “Tớ nghe mọi người ca ngợi về tình bạn của ba tớ và ba cậu, vậy mà chẳng thấy ba cậu đến nhà tớ chơi như các chú khác bao giờ!” Chắc Triều về méc lại cha. Ngay chủ nhật liền sau, chú và cô Thường tản bộ đến. Bước vào cửa, chú kịp chào ba má tôi, rồi đưa mắt tìm kiếm trong hai cô gái sàng sàng, cùng “chào chú ạ”. Chú đưa mắt nhìn vào tôi, vào Thủy, hỏi: “Trong hai, đứa nào là Bích Thủy”. Tú chỉ vào tôi nói “chú ơi, là chị này ạ”. Ba tôi nghe mấy chú cháu nói với nhau thì ngơ ngác; hết nhìn chú, lại nhìn tôi như muốn có lời giải thích. Song tôi chỉ cười mỉm, không tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào, vì biết đó là chú Chế Lan Viên - ba của Phan Lai Triều, đã bị tôi lục vấn trước đó. 
  
  Tình cảm mà ba tôi đối với bạn nói chung, với các thành viên trong tứ linh nói riêng giống như cá với nước. Ngày chú Chế ra đi (19/6/1989) chưa kịp nguôi ngoai thì đến bác Quách Tấn (21.12.1992). Đó là sự mất mát quá lớn đối với ba tôi. Má tôi kể:
   “Nghe tin anh Tấn mất, không gian nhà tôi im ắng hẳn. Lúc sau tôi chợt nghe tiếng sụt sùi, rồi mỗi lúc một to dần. Biết là anh đang xúc động. Tôi chạnh lòng so sánh, ít có người khóc bạn như anh Yến Lan nhà tôi đã khóc về sự ra đi của Chế Lan Viên và anh Quách Tấn”  !
  Là con, tôi cũng tự hỏi “Liệu có ai như cha ? Thật tình mà nói, tôi thấy ông không có ranh giới của sự thù hận.
Dù trong cuộc sống, ai đó, có lúc không đúng với ông, ông không bao giờ để bụng, bởi đạo lý nhà chùa đã dạy ông “lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo ân, oán nọ chất chồng”. Ở nơi đó, ông đã nghiệm ra thiện, ác, lòng tin; ông tôn trọng cái tình, cái nghĩa, sống giản dị, biết mình, biết ta, vui cái vui của bạn hữu (Chế Lan Viên)

Tuổi sáu mươi hai có cửa nhà
Có vườn nắng gió, ngõ sương hoa
Theo thơ, đời mãi làm thân khách
Làm chủ, giờ thêm bạn với thơ.
  (Mừng bạn có nhà)

    Khi chú Chế bệnh nặng, thư nào gửi tôi, ông cũng hỏi “Con đi thăm chú Chế chưa?” và dặn “nếu chưa đi, nhớ đi thăm chú ngay, có nguy kịch báo cho ba biết sớm”.  
   Buổi chiều, hai vợ chồng tôi đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm, thì chú đã xuất viện buổi sáng. Vậy là tôi nợ ba về việc đi thăm cậu út của ông! bằng mọi cách tôi phải hoàn nợ để khỏi bị quở trách.
Đó là buổi sáng của Tháng 3 năm 1989, tôi đến nhà ở Tân Thái Sơn để thăm chú. Về nhà tôi viết thư thế này:
      
“Ba ơi, buồn lắm!. Cô Thường đưa con vào phòng chú nằm. Không thể tin được, trước mắt con là nhà thơ béo tốt Chế Lan Viên của ngày hai vợ chồng đến thăm nhà ta ở 37 Hàng Quạt! Bây giờ chỉ có da bọc xương thôi! Cô Thường bảo chú chỉ còn 31 ký (trước 60ký). Con không kìm nén được xúc động, òa lên khóc to “Ôi! sao thế này chú ơi!” tiếng khóc của con chỉ cô Thường cảm nhận được, còn chú Chế hình như không hiểu gì cả. Chú nhìn hai đứa con, ngơ ngác với đôi mắt vô hồn. Con có cảm giác như chú không biết mình là ai và khách là ai. Ký ức về tuổi thơ và tình bạn với Yến Lan không chút sót lại trong chú nữa rồi ba ạ! Cô Thường hỏi “Anh biết ai đây không? Thấy vẻ mặt ngô nghê của chú, cô tiếp lời “Con gái anh Yến Lan đến thăm anh đấy” thấy chú gật gật cái đầu một cách vô thức! Chú không nhận ra ai đang tiếp chuyện. Con nhắc chú nhớ lại “Chú còn nhớ Yến Lan là ai không? Ba bảo cháu đến thăm chú đó” Chú có vẻ không hiểu con nói gì, ngơ ngác như nai con lạc mẹ! Con nắm đôi bàn tay gầy guộc của chú mà lòng tan nát!. Có lẽ tên Yến Lan, Hàn Mạc Tử, Quách Tấn, hay Bích Khê đâu còn gợi cho chú điều gì nữa ba!...”. 
    Nhưng, một điều chắc chắn rằng, trong chú chỉ còn có cô Thường và Đảng là rất quan trọng đối với chú. Chú âu yếm bảo cô: “Em ơi! đưa anh tờ giấy và bút để anh viết báo cáo cho hai anh”. Chú gọi vợ chồng con là hai anh nhà báo. Cô Thường đưa chú tờ giấy A4 và cây bút bi màu đen. Chú lóng ngóng một hồi, loay hoay mãi trên tờ giấy một lát như đang suy nghĩ các việc cần báo cáo, và tự nhiên ngửa đầu nhìn trần nhà cười, rồi cuối xuống viết mấy chữ gì đó; gấp lại đưa cho con và nói: “Đây, báo cáo các anh”. Con nhìn vào mấy chữ lí nhí, nguệch ngoạc ở giữa tờ giấy, đọc ra là “Văn thơ cách mạng” cất vào túi. Được một lúc, chú đòi lại “anh đưa lại để tôi báo cáo thêm vài ý” Con trả chú. Chú lại hí hoáy viết, rồi đưa lại cho con. Con lật mặt sau đọc, vẫn dòng chữ nguệch ngoạc, liền nhau như sợi chỉ quăn queo, vẫn là “văn thơ cách mạng”. Thế rồi chú nhìn con, vui vẻ nói “Tôi báo cáo thêm cho các đồng chí rồi đó nhé!”  
 Má tôi thuật lại cảnh ông già đọc thư tôi trong hồi ký “Yến Lan, nhớ mãi về anh” của bà: “Thấy anh lặng đi khi xem xong thư của cháu Thủy, vẻ mặt buồn rười rượi, tôi hỏi: “Con Thủy nó viết gì mà anh có vẻ lo lắng thế? Anh không trả lời, chìa thư cho tôi tự đọc. Xem thư tâm trạng tôi rất khó tả! Nỗi buồn của anh truyền sang tôi. Sau đó anh đã chia sẻ với anh Tấn Dung:
   “Đọc thư cháu Thủy viết qua cuộc đi thăm Chế Lan Viên, tôi không cầm được nước mắt, bà vợ tôi lẳng lặng bỏ đi nằm, cả nhà như chìm trong cõi hoang lạnh, vì cảm thấy sắp mất một cái gì vừa thân thiết , vừa thiêng liêng khó thể bù đắp!…”
  Cái gì đến nó sẽ đến. Ngày chú Chế mất; Hội Văn Nghệ Nghĩa Bình báo cho ba tôi “Nhà thơ Chế mất rồi! (19 tháng 6 năm 1989)”. Má bảo rằng, ba tôi nghe xong thì choáng váng như bị chứng rối loạn tiền đình. HVHNT Nghĩa Bình, bố trí để 4 người đại diện vào Sài Gòn dự lễ tang, trong đó có ba tôi. Ông mặc áo quần chỉnh tề, ngồi nhà đợi xe lên đón đi. Trớ trêu thay, đợi mãi, đến cuối ngày, Hội báo lên hoãn chuyến đi vì có trục trặc gì đó… 
   Tưởng còn được gặp lại cậu em, dù chỉ là nhìn qua lăng kính. Nào ngờ! khi nghe hoãn, má tôi nói, ông khóc như
một đứa trẻ “Chế ơi! giờ thì không kịp nữa rồi! Sống có nhau, giờ cuối cũng không được gặp ” Má tôi nói là ông bực lắm, trách HVHNT Nghĩa Bình, việc như thế mà không báo trước để ông tự lo. Ông khóc bạn rằng 

 “TÀN TRO” 
Lệ gói vào khăn thể tưới mồ
Nhường phần hương khói quyện tàn tro
Nghĩ thương hờn tủi nghìn trang giấy 
Còn đợi tay thần gởi ý thơ./.

                                                                             LÂM BÍCH THỦY

No comments: