Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 14, 2015

Lê Văn Trạch - TỪ MỘT CÂU HÒ


Tác giả Lê Văn Trạch


TỪ MỘT CÂU HÒ
 
  Lê Văn Trạch

  
            Tiếng hát lời ru quê mẹ như một điều mặc nhiên có sẵn trong mỗi một chúng ta, đôi lúc do môi trường sống, nó lặng đi, nhưng chỉ cần một gợi nhắc nho nhỏ, niềm xúc cảm lại hiện về - giống như cây cỏ chỉ ở đất Quảng Trị:  lây lất khô héo nhưng dai dẳng, cần một con mưa là xanh ngắt.

            Lời ca lắm khi phổ thông tự nhiên qúa nên chúng ta thường dễ dãi và ít thắc mắc về ngôn từ hay ý nghĩa như những loại thơ văn khác, bình thường như kiểu:
  
            Nửa đêm giờ tý canh ba
            Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi

           Có lần tôi đem nhận xét này trình bày với các bậc Trưởng Thượng, những người rất tâm đắc với thi phú và có trí nhớ tuyệt vời.  Qúy vị ấy cũng có ý nghĩ như vậy bởi mọi người đều biết đây là sản phẩm của nông dân với ngôn ngữ đời thường, bình dị đôi khi dung tục và truyền khẩu nên theo thời gian sai lạc đi mà không có ai sửa chữa hiệu đính...

            Có một câu hò, được phổ biến rộng rãi, tôi thuộc nằm lòng, nhưng đến khi nhắc lại từng lời, ta mới chú ý thấy cái qúa bình thường của nó:

            Con mèo, con chó có lông
            Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.  

             Những điều ai cũng biết… nhưng thực tế, theo sự suy diễn, nguồn gốc nó không phải như vậy:  câu chuyện có đầu có đuôi, có xuất xứ đàng hoàng…: từ một chuyện tình: là tâm sự,  là thắc mắc, là ngạc nhiên của một đôi tình nhân, vào một đêm thanh vắng, lén gặp nhau ngoài đồng, nhỏ to tâm sự dưới bụi tre kín đáo, thế mà sáng ra, cả làng đều biết!  Chàng và nàng lại gặp nhau, kiểm tra từ lúc xuất phát cho đến khi tới điểm hẹn xem thử có thấy, có gặp bóng dáng nào?
 Cả hai đều lắc đầu và thảng thốt:

            Con mèo, con chó cũng KHÔNG
            Bụi tre MỘT CHẮC, ngoài đồng CHẲNG CÓ AI!

           Thế thì tại sao mọi người đều rõ ?!
           Sự thực việc xuất xứ của câu hò không biết như thế nào và chúng ta cũng không nên bận tâm về việc suy diễn để có được ý thứ hai.
            Dù sao thì từ một câu hò bình thường nó đã trở nên sắc sảo, sinh động và rất Quảng Trị !

                                                                                                                                                              Văn Trch
                                           letrach@yahoo.com
READ MORE - Lê Văn Trạch - TỪ MỘT CÂU HÒ

ĐỌC HAI BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC - Nguyễn Đức Tùng





Nguyễn Đức Tùng

ĐỌC HAI BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC


Một bài thơ xuất hiện với tiêu đề Tân hình thức (THT) sẽ nhận được cùng lúc một thuận lợi và một khó khăn. Thuận lợi vì người đọc sửa soạn tâm lý để đọc nó như một bài thơ có định vị, trong một thể loại ngày càng được nhiều người chú ý. Điểm khó khăn là bài thơ xuất hiện không hồn nhiên như bất kỳ một bài thơ nào khác.

Cũng như khi ta nói một nhà thơ thì khác khi nói một nữ thi sĩ, một tổng thống khác với một tổng thống người dân tộc miền núi. Tôi cố gắng đọc những bài thơ THT ở mức độ hồn nhiên có thể.

Sự phân biệt giữa văn xuôi và thơ ngày càng khó khăn. Phong trào THT làm cho việc định nghĩa ấy khó khăn hơn. Trước đây là vần điệu: người ta phân biệt văn xuôi và văn vần, tản văn và vận văn. Các nhà lý luận phương Tây thường quy tất cả vào việc kết thúc câu thơ hay là sự ngắt dòng và xuống hàng. Trong văn xuôi, hàng chữ kết thúc ở lề sách bên phải, theo sự kiểm soát của kỹ thuật in, còn thơ thì không chịu sự kiểm soát ấy và có thể dừng lại bất kỳ lúc nào giữa trang giấy.

Thơ THT cũng dừng lại bất kỳ chỗ nào, mà vẫn không phải là sự kết thúc một câu thơ, theo nghĩa thông thường. Các câu bị bẻ ra làm nhiều mảnh. Nhưng nhà thơ không làm việc tùy hứng, anh ấy hay chị ấy cần có một quy luật cho mình. Quy luật ấy không phải do người trước để lại, như trong lục bát hay thơ bảy chữ, không phải từ trên trời rơi xuống, mà là quy luật riêng của từng bài thơ do chính tác giả tạo ra.

 Một bài thơ THT hay phải thỏa mãn trước hết hai điều kiện về mặt hình thức:

-Mỗi bài thơ có một quy luật vận động riêng về nhịp điệu

-Bất kể quy luật ấy là gì, tác giả phải theo đuổi nó suốt bài thơ, không được rời bỏ.

Tôi đặc biệt thích thú với một bài thơ của Hạnh Ngộ, hình như là một nhà thơ mới viết trong vài năm gần đây. Cô (hay anh?) đã dựng xong cái sườn cho những ngôi nhà nhỏ nhắn của riêng mình.


CẢM ƠN EM

Cảm ơn em đã không tô son
Sau khi ăn để anh có thể hôn
Em tự nhiên và không sợ vết
Son dính trên cổ áo bài hát
Về vết son môi trên áo anh
Đã xưa rồi Diễm đã xưa rồi!
Cảm ơn em đã không xài nước
Hoa để anh không phải quay quắt
Nhớ mùi hương ấy trong những ngày
Thiếu vắng em không có mùi em
Anh cảm ơn em đã không thường
Nhắn tin vào những tối bận rộn
Không hỏi ở đâu buồn hay vui
Không nhắn “em nhớ anh” dù biết
Em rất nhớ, cảm ơn em đã
Cho anh những giây phút tự do
Trong ràng buộc với nỗi nhớ em…

Tuy nhiên cái duyên của một bài thơ hầu hết nằm ở sự ngắt dòng theo nghĩa hơn là theo các định chế hình thức. Trong bài thơ của Hạnh Ngộ, các câu thơ đều dừng lại ở mức giữa chừng vừa phải, không gây cảm giác đột ngột:

Cảm ơn em đã không tô son
Sau khi ăn để anh có thể hôn

Trong khi người phát ngôn là một người nam thì nhân vật đi lại trong ấy, linh hồn của bài thơ, là nhân vật nữ. Ngôn ngữ của một người nam đã được làm dịu đi bởi nhân vật nữ, vốn không hẳn là tác giả. Chúng ta sẽ thấy trong một bài thơ khác của Vương Ngọc Minh, ngôn ngữ tiêu biểu hơn cho một người nam thời buổi ngày nay, lừng khừng hơn mà ngắn gọn hơn, có lúc như cằn nhằn.


CHUYỆN VÔ BỔ
Tặng Khế Iêm

một người chồng (như
tôi – kẻ viết) mà
mọi ý tưởng nẩy
đưa ra đều dẫn
đưa tới sai lầm
và một người vợ
(như nàng – dịu hiền)
thì nắm giữ hết
mọi thứ kể cả
sinh – vận mệnh người
chồng (kẻ viết – như
tôi) không những thế
người vợ (đảm đang
-như nàng) còn am
tường các cái từ
chính trị xã hội
cho tới ngoài đời
thường (tiền-bạc) thử
hỏi chuyện đôi lứa
như vậy (như tôi
-kẻ viết với nàng
-hiền dịu đảm đang)
có bền chặt!

Tác giả có những thêm thắt rườm rà, cố tình, làm cho ngôn ngữ của anh trở nên sống động một cách bất ngờ.

một người chồng (như
tôi – kẻ viết) mà
mọi ý tưởng nẩy
đưa ra đều dẫn

Lối ngắt câu của bài thơ thứ hai diễn ra mới hơn. Ấn tượng mới hơn còn ở ngôn ngữ gần với tiếng nói hàng ngày, hơi gắt, ít trau chuốt như trong bài của Hạnh Ngộ.

Mà cũng phải: một bên là người tình âu yếm trong bóng tối, một bên là vợ với chồng, hình như đang chán nhau thì phải.

Vần điệu trong thơ THT tiếng Anh phần nhiều được quyết định bởi một yếu tố, đó là ngôn ngữ sử dụng dấu nhấn (stressed). Đó là sự khác biệt căn bản so với thơ THT tiếng Việt. Giải quyết khó khăn này là nhiệm vụ của các nhà thơ sắp tới. Khi một câu thơ chấm dứt, bao giờ cũng có sự dừng lại, sự chờ đợi, và sự trông mong hay ước đoán. Ước đoán điều gì? Về cả âm điệu lẫn nội dung. Những bài thơ THT thành công có khả năng dừng câu thơ ở điểm lạ, vừa có tính chất nhân tạo, không tự nhiên, không theo quy luật văn phạm thông thường, nhưng lại phải tuân theo quy luật riêng mà bài thơ đặt ra.

Sự ngắt quãng giữa hai mệnh đề, một mệnh đề chính và một mệnh đề phụ, sau một động từ hay một danh từ, như trường hợp:

Sau khi ăn để anh có thể hôn
Em tự nhiên và không sợ vết

Hay:

đưa tới sai lầm
và một người vợ

Quen thuộc hơn là sự ngắt quãng giữa một danh từ và một tính từ, hoặc trong một chữ đôi, như:

Cảm ơn em đã không xài nước
Hoa để anh không phải quay quắt

Hay:

-như nàng) còn am
tường các cái từ

Sự thành công của một bài thơ THT phụ thuộc rất nhiều vào câu chuyện mà nhà thơ đang tìm cách kể lại. Nội dung của câu chuyện quyết định cách kể, nhưng đến lượt cách kể chuyện, với vần điệu, lên bổng xuống trầm, các quãng dừng, chất lượng âm thanh của từng chữ, độ ngắn dài của câu, đến lượt chúng lại làm xô lệch nội dung của chuyện kể. Với nội dung chuyện kể, tôi muốn nói là cốt truyện, chữ plot trong tiếng Anh. Một chuyện buồn được kể lại với giọng chậm rãi, trầm lặng, sẽ trở nên đáng tin cậy. Một chuyện vui được kể lại với giọng mau hơn, cao hơn, các chi tiết được sắp xếp gần hơn, cũng sẽ trở nên đáng tin cậy.

Sự chênh lệch giữa hai điều trên biểu lộ một trong hai khả năng:

1. Sự hài hước, thành công
2. Sự vụng về, của tác giả

                                           Mồng 1 Tết năm Ất Mùi 2015                                                                                 NĐT
READ MORE - ĐỌC HAI BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC - Nguyễn Đức Tùng