|
Ảnh của Phạm Đình Quát |
XÓM QUÊ XƯA
Nguyễn Trung Giang
Bóng
chiều lướt thướt thả vạt nắng vàng trên vùng cỏ mây. Cu Sỏ bâng khuâng nhìn những
chiếc lá khô bay bay dưới cơn gió trở mùa. Cơn bấc không biết mang cái lạnh từ
đâu tới chập chờn trên những chiếc lá cuối đông, làm cho không gian trở nên trầm
buồn sâu lắng. Từng vạt khói lam chiều len lỏi bay lên từ những nóc nhà tranh,
là đà trên những ngọn tre vẽ nên bức tranh quê pha trộn màu sắc nhẹ nhàng sinh
động.
Như
một giang sơn thu nhỏ, xóm Bia trải dài chưa đến nửa cây số và là một trong
chín xóm của làng Trung Đơn. Ngót hai mươi nóc nhà lặng lẽ thu mình dưới lũy
tre xanh. Những khu vườn nhỏ vừa đủ trồng vài ba bụi chuối, cây khế, cây ổi,
khoảnh sân vừa đủ nắng để phơi lúa, phơi rơm. Nhà nào cũng thế, phía chính diện
với hàng dâm bụt được cắt xén cẩn thận các phía, còn lại chỉ toàn là tre với
tre làm nên một màu xanh bao bọc xóm làng qua hai mùa mưa nắng.
Như
bao bạn bè cùng trang lứa Cu Sỏ sinh ra và lớn khôn ở xóm nhỏ này. Tiếng ru ầu
ơ của mẹ, ánh mắt trìu mến của cha, quấn quýt trong tình yêu thương của các anh
chị, hơn nữa lại là đứa con út ít trong nhà nên nó được nâng niu bảo bọc với vô
vàn hạnh phúc dưới mái ấm gia đình.
Tuổi
thơ thấm đẩm hương vị ngọt ngào sau lũy tre xanh. Trang đời mở ra trong không
gian bình yên, phẳng lặng.
Xóm
quê, dải đất yên bình ôm lấy khúc sông của dòng Vĩnh Định. Dòng sông đi qua
xóm, nó thuộc nằm lòng chỗ sâu, chỗ cạn. Buổi sáng nước lên mơn man đôi bờ, chiều
nước xuống trơ trọi ao chuôm. Nó cảm thấy quá thân thiết với dòng sông. Từ ngụm
nước đầu đời trải dài thời niên thiếu, nước chảy vào lòng, hòa tan vào máu thịt
và hóa thân làm người bạn đời không thể thiếu được. Nó nhìn sự bồi lở của dòng
sông mà thương những chuyến đò phiên mắc cạn, thương đôi chân mẹ lội qua bến
lúc chạng vạng hoàng hôn. Nó lần mò ra đầu ngõ ngóng mẹ đi chợ Diên Sanh về.
Con đường đất cỏ mọc lan ra lối đi nằm cheo leo bên cồn mả Già Thiêng. Tuy
không dài lắm nhưng có một không gian vừa đủ để nhìn qua bên kia sông là gia
tài của ngoại. Nhà cậu Đinh, nhà ông Thập Sử. Những sáng mù sương nó thường bắt
gặp những o, những chị với những gánh dưa, gánh quả từ Kim Lông theo con đường
Hói Giót lội qua bến Ông Dàn rồi băng băng gánh về chợ huyện. Cũng không gian ấy,
nó quá quen đạc ruộng sớm Bia xanh xanh mùa lúa làm đòng. Nhà thờ họ Hồ và những
ngôi nhà lẻ loi như những ốc đảo xóm Mưng. Nhìn qua bên vũng chú Nghiêu để thấy
ngôi nhà của ông Biện Tải, nơi mẹ thường sai nó đi mua dầu lửa vào lúc tối trời.
Cồn
Mả như một nghĩa địa nhỏ cũng là nơi dùng để phơi xăm, phơi lưới. Dưới bóng chiều
hôm, ta bắt gặp những thân hình săn chắc như anh Vinh, anh Hòe, anh Mè tỉ mỉ ngồi
vá những chỗ lưới rách chuẩn bị cho việc đi tìm cơm áo vào những đêm tối trời ở
vùng sông nước Cái Văn, Cái Vịnh, Làng Rào v.v...
Đi hết
dãy Cồn Mả là nhà của nó ở ngay đầu xóm. Nhà đông anh em nên các anh lớn sau
khi lập gia đình đều đã ra riêng. Ngôi nhà mà mẹ cha cố công xây dựng trong những
năm tháng cuối đời trở mặt về hướng tây sau lưng là con đường và dòng sông. Như
một quần thể nhỏ cả bốn ngôi nhà cùng nhìn ra một thửa ruộng được coi như hương
hỏa của gia đình.
Nhà
của nó cũng như nhà ông Hương Kỷ, nhà chú Kiểu Ấm, những ngôi nhà trở mặt về hướng
tây phải chịu những trận gió Nam Lào bỏng rát, đông về hưng trọn những cơn bấc
lạnh lùng làm xẻ thịt nứt môi. Chiều chiều tầm mắt của nó băng qua bìa tre xóm
làng lờ mờ màu xanh của dãy Trường Sơn.
Cu Sỏ
cùng mấy đứa em họ như Tư, Năm Hồng, Chuộng, Xanh, Xoa cùng với Thổ, Việt,
Sương được chú Ong dẫn đầu lên rú Cu Hoan lấy cát về thay lư hương. Sắp Tết rồi.
Mấy ngày nay lòng nó cứ rậm rực nôn nao. Lòng lâng lâng nhìn cây mai trước nhà
bác Diêu thấp thoáng những nụ bông vàng rồi về nhà hỏi mẹ sao chưa may áo mới.
Đám ruộng trước nhà lúa đã tròn mình. Đàn én ngoài biển đã bay về chao lượn.
Lòng bồi hồi thấy tóc cha trắng hơn, nếp nhăn hằn sâu hơn trên vầng trán. Đôi
chân nhẹ thoan thoắt vội vàng trên từng phiên chợ. Nó ngẩn ngơ nhìn màu sắc rực
rỡ trên những chiếc áo mới của đám bạn bè. Mũi nó như đã ngửi thấy mùi bánh tét
thơm lừng hương nếp trái. Nó thòm thèm từng lát thịt heo luộc chấm nước mắm Gia
Đẳng. Bàn tay mơ hồ vo vo từng nắm xôi với nếp đậu xanh. Những chai đậu xanh, đậu
đỏ mà năm nào cũng thế mẹ cất trên giàn bếp dùng để làm nhân bánh ít, bánh đòn.
Đêm đêm lắng nghe tiếng giã bánh khô, bánh nổ từ bên nhà thím Hương và nhà o Chắt
vọng sang cùng với tiếng cuốc kêu từ bụi tre La Ngà góc bến lòng nó tràn dâng cảm
xúc khó mà diễn tả.
Những
ngày cuối năm cả xóm rậm rực chuyển mình. Bên kia sông vàng xăm của ông Diêu
Phú, anh Tân chị Cựu, vàng dạ của anh Láu, ông Mại đã bắt đầu đi sớm về muộn.
Anh Xuân, chú Cách, chú Kiêm chống ghe về tận ngã ba Cọn Dét cất vó đón cá nước
lên. Anh Cho, chú Viên, chú Luyện bàn nhau là nên cho đàn vịt ăn đồng nào trong
ba ngày tết. Chú Mới, chú Cường, chú Ngật thì lo đạp nước cho đầy ruộng để những
ngày đầu xuân được ngơi nghỉ.
Chiều
ba mươi không khí rộn ràng trên các bến sông. Lông vịt nổi trắng dòng. Con nước
lên cao hơn mọi lần. Con sóng xôn xao vỗ về đôi bờ. Dòng sông như cũng nao nức
thay áo mới đợi đón giao thừa.
Chưa
tới giao thừa nó đã ngủ say trong lòng mẹ bên ánh lửa rực hồng. Tiếng pháo nổ
giòn tan đánh thức nó dậy. Nó dụi mắt và choáng ngợp trong thời khắc diệu kỳ
năm mới. Ngẩn ngơ trong chiếc áo mới khoe sắc tím vàng. Chiếc quần xếp bo xanh
xanh ngồ ngộ. Đôi dép xinh xinh vừa vặn đôi chân. Đôi chân quanh năm l6ám đầy
bùn đất mà chiều ba mươi mẹ đưa nó ra bến sông kỳ cọ kỹ lưỡng. Càng về khuya tiếng
pháo càng dày đặc.
Nó nằm
trên bộ phản nhìn ra bầu trời tối đen lập lòe đốm sáng cố dỗ giấc ngủ mong cho
đêm mau qua để tới ngày mùng một.
Mùng
một tết.
Không
khí mùa xuân tràn ngập trên xóm nhỏ như vừa mới thay da đổi thịt. Nắng xuân dìu
dịu, sương xuân bay bay len nhẹ vào trong hơi thở của đất đai con người. Lòng
như mở ra một chân trời lồng lộng trong ngọn gió mơn man mang hơi ấm từ bốn
phương về phủ đầy trên xóm nhỏ miền quê. Con đường quê rộn ràng sắc áo, nhà nhà
râm ran những lời chúc tốt đẹp. Ngoài đồng ruộng lúa xuân cũng đỏng đảnh khoe
mình bên những bông hoa dại e lệ giấu mình trong cỏ.
Ngày
xuân loáng thoáng đi qua khi những đòn bánh tét cuối cùng chỉ còn xác lá, những
dĩa mứt khô cạn dần và khói hương trên bàn thờ gia tiên cũng lạnh lẽo như muốn
hòa vào cái rét buốt càng lúc càng da diết hơn.
Nghe
mẹ thì thầm “Tháng chạp chạy tiền tháng giêng chạy gạo”. Làng quê giờ phải chạm
mặt với đói rét giêng hai. Đồng lõa với sự thiếu miếng thiếu bữa những cơn bấc
ùa về làm cho nhà nhà lạnh cóng. Gió liu riu mưa lất phất, những bếp lửa rơm
không đủ sức hơ ấm nỗi se mùa. Ở trong bồ lúa gần vơi cạn mà ngoài kia thì lúa
mới trổ đòng. Xóm quê oằn mình trong giá lạnh dưới màn trời âm u kéo theo những
cơn động rài động bật. Đường sá nổi rêu tre pheo rơm rạ nổi mốc. Cu Sỏ và mấy đứa
trong xóm lặng lẽ nhìn nhau như thầm nói với nhau nhà đứa nào cũng thiếu ăn.
Bên
kia sông xóm Kim Sanh cũng thế. Ngoại trừ một vài nhà khá giả còn đa phần thì
cũng chạy bữa hôm mất bữa mai.
Kim
Sanh. Một vùng đất bãi bồi mà lớp người đi trước neo sào bên bờ sông nước rồi
lên bờ dựng nên xóm nên làng lập nghiệp. Đất đai ít ỏi nên phần đông vẫn theo
nghề sông nước mưu sinh. Đêm đêm chống ghe chèo tròng thả dạ buông xăm tìm áo
cơm giữa đôi bờ phẳng lặng. Sáng ra khi con cúi rơm cháy đến đốm lửa cuối cùng
thì họ chèo thuyền trở về. Khoang thuyền chở nặng cá tôm. Dọc theo xóm hình
thành nên những bến cá. Bến cá rộn ràng như phiên chợ sáng. Người nhà quê đong
từng lon gạo đổi từng mớ cá. Còn nhà nào mổ heo chia thịt thì đợi đến khi rơm
khô lúa khén mới đong.
Hai
xóm trong như một cặp song sinh cùng nhìn ra dòng sông Vĩnh Định. Đã có lần anh
Thơ kể cho nó nghe về lai lịch con sông con hói.
Ngày
xưa khi nhánh sông Ô Lâu chảy qua làng chia ra nhiều nhánh gọi là hói. Hói
Tràng Mười rẽ từ bến Cồn Soi dẫn thủy vào đồng ruộng Thiền Trung, Nền Trại. Chảy
quanh co bên bìa xóm Lăng ra tới Cửa Đội băng qua xóm Xà Pháo. Từ cửa Đội con
hói rẽ nhánh uốn khúc sau lưng chùa và đồi Tháp ra Thiên Từ rồi vòng qua xóm
Mưng để gặp lại dòng Ô Lâu ở nhà thờ hội giáo. Chảy thêm một đoạn nữa hói Lấp rẽ
từ Rục Hờ lượn lờ về hướng xóm Bia băng qua trước nhà o Át, nhà chú Cường, nhà
chú Dũng đưa dòng nước ra dòng sông Vĩnh Định. Để rồi hai con sông Ô Giang Vĩnh
Định gặp nhau ở ngã ba cầu Xã hòa một dòng chảy xuôi về hướng Phước Điền. Con
sông ngày xưa trước khi chảy qua xóm chỉ là mương nước dùng để dẫn thủy nhập điền.
Qua năm tháng con lạch khơi dòng biến thành sông. Lũ lụt hàng năm đã đưa phù sa
làm tươi tốt ruộng đồng còn làm nên những sự lở bồi. Nhờ vậy mới có con đường Đập
hôm nay. Còn những con hói lấp quanh năm tù túng, rong rêu cứ thế mà sinh sôi nảy
nở làm thành nơi trú ẩn lý tưởng cho những đàn cá mại, cá rô, cá lát, cá tràu.
Trẻ
con nhà quê mỗi mùa có một thú chơi riêng. Khi những trận gió Nam Lào mang hơi
lửa từ dãy Trường Sơn thổi về làng mạc cũng là lúc chúng tập trung sau lưng nhà
bác Xích cưa ống hóp mày làm súng còn đạn được trang bị bằng trái bời lời. Bởi
vậy cây bời lời bên miễu Kim Sanh chúng leo lên vặt không còn một quả.
Khi
những tia nắng đầu hạ trải dài trên đồng lúa chín vàng cả xóm rộn ràng trong
mùa gặt. Tiếng gà eo óc gọi sáng giục giã mọi người đổ xô ra đồng. Từng bạn gặt,
từng đôi trai gái sóng sánh từng gánh lúa vàng mơ làm cho cả xóm hồi sinh sau
những ngày giêng hai lạnh lẽo thiếu trước hụt sau.
Bọn
trẻ cũng vạch ra cho mình một thời khóa biểu dày đặc trò chơi. Cu Sỏ cùng với Dụng,
Sương, Trận (bốn đứa cùng tuổi) rủ nhau lên Cồn Mồ bắt dế vào lúc tinh mơ. Bước
chân chúng nó nhẹ nhàng băng qua những đám ruộng mới gặt. Tiếng dế giòn tan
trong sương sớm. Gió nam man mác thổi về như muốn hong khô đất đai hòa vào tiếng
ve kêu rộn rã làm thành khúc nhạc bình minh kỳ bí, vui tươi. Những trận đánh giặc
giả bất phân thắng bại, những trái banh gói bằng lá chuối khô lăn tròn trên những
vạt trưa vừa mới nhổ mạ xong. Những viên bi tròn trặn lấp lánh màu sắc ước mơ.
Cánh diều chấp chới trên vùng cồn Nổi đứt dây sà xuống đậu bến hoàng hôn. Dưới
bóng trăng quê dịu dàng mát mẻ bên bãi cát vàng, cả bọn lò cò trong khúc hát đồng
dao rồi ùa nhau ngâm mình trong dòng nước mát lạnh quẩn quanh bên mạn đò phiên
lấy mít, lấy bưởi.
Mùa
hè đi qua khi ngọn gió nam cuối mùa phơn phớt trên cánh đồng đã xanh màu lúa
trái.
Cây
bún gần nhà đã chuyển lá vàng.
Những
tia nắng ngày yếu ớt gờn gợn trong không gian giao mùa. Mùa thu về trên xóm quê
với sắc trời dìu dịu. Hình như đất đai con người cũng cần thời gian nghỉ ngơi
sau những ngày vật lộn với nắng mưa. Nó vẩn vơ nhìn vạt khói lam chiều tha thướt
bay lên trong bầu trời xanh lơ, bước chân lò mò theo cánh chuồn chuồn khi bay
khi đậu. Đường quê vắng lặng như giấu mình trong xóm quê bé nhỏ vậy mà tâm hồn
nó mở ra trong bát ngát của ruộng đồng, vô cùng của dòng sông. Khói sương mơ mộng
len lỏi vào hồn khi nó nhìn đám mây trắng trôi bồng bềnh trong trời chiều tim
tím. Thi thoảng nó hơi buồn. Nỗi buồn không tên tuổi ẩn giấu trong mênh mang của
chiếc lá tàn thu.
Từng
tia chớp miệt ngoài. Tiếng sấm đất râm ran. Mùa thu mới đi qua hơn một nửa mà
trời đất như sẫm lại, ngọn gió loay hoay đổi chiều báo hiệu mùa lũ sắp về.
Mưa
dầm dề suốt mấy ngày đêm. Gió ở đâu ào ạt thổi về làm chao đảo hàng tre trước
ngõ. Mái nhà rung rinh theo từng cơn gió giật. Nước lên mấp mé mặt đường rồi lặng
lẽ tràn vào đồng ruộng.
Mưa
vẫn rơi, gió vẫn thổi. Vỡ nguồn Hàn. Xóm quê bồng bềnh trong làn nước bạc mênh
mông. Có tiếng sóng vỗ trước sân nhà và lũ lụt đã cô lập mỗi nhà thành một ốc đảo.
Hoàng hôn im vắng thả những làn khói bếp lờ mờ dưới màn mưa lạnh. Đêm tối trời.
Những tia chớp lập lòe pha trộn ánh sáng nhạt nhòa của ngọn đèn dầu leo lắt. Những
ngọn đèn chai tù mù như những đóm ma trơi trên những bến vó cá. Tiếng ni lông đập
phành phạch, từng chiếc nón lá lúp xúp chắn che thân người đội gió mưa đăm mắt
vào cóng vó lập lờ. Người dân quê dùng mọi phương tiện đánh bắt những đàn cá
lúi, cá trôi, cá gáy từ thượng nguồn theo dòng lũ về đồng bằng sinh nở.
Và đến
khi mưa tạnh gió yên thì hình ảnh xóm quê hoàn toàn đổi khác.Thần thủy nhấn
chìm cánh đồng lúa vàng ươm. Giồng sắn, giồng khoai chết ngợp, rơm rạ ướt dầm,
đàn chim trời quay quắt mất lối đi về, đàn gà co ro dưới cây rơm góc bếp. Một bức
tranh đẫm lệ mà mưa gió đã chấm phá nên những hình tượng bi thiết.
Những
bờ môi tím tái. Những ánh mắt lạc thần lặng lẽ nhìn nhau. Rồi cũng phải ra đồng
lội nước ngang ngực lêu bêu bên những chiếc ghe vớt vát những nhành lúa nửa
chính nửa xanh mang về. Và cũng phải ra bãi biền mò mẫm củ sắn củ khoai dù chưa
đến thời kỳ thu hoạch.
Người
người thờ thẫn nhìn nhau như cam chịu. Cái rét thâm da, cái đói chực chờ “Miếng
cơm đã gần vào miệng. Trời lại không cho ăn”. Tiếng cha mẹ thì thầm dưới đôi mắt
chở nặng trầm tư.
Mùa
đông lê từng bước thời gian đi thật chậm. Xóm quê, bấy nhiêu con người, chừng ấy
đất đai, lần qua từng ngày, băng qua từng chặng. Bếp lửa sớm mai se làn khói mỏng
bát cơm chiều lưng lẻo nó vẫn thấy mình khỏe mạnh như những búp măng vạm vỡ trồi
lên dưới lớp phù sa...
Họ
cùng nhau sửa lại con đường, bồi đắp những đoạn lở lói do dòng nước lũ gây ra.
Bọn trẻ sau một thời gian nghỉ đông bắt đầu tụ tập lại đầy ắp tiếng nói tiếng
cười. Đi vô nhà bác Dủ thấymọi người đang lợp lại nha. Nó rủ thằng Trai, thằng
Phạo, thằng Sáu vô nhà cu Ngừng đánh căng. Thấy chú Quốc, chú Tế và chú Mới
đang chẻ tre đan lại mấy liếp phên. Cả bọn rủ nhau vô “bộc lở” coi cất cá gáy bắt
gặp chú Ưng, chú Phổ, chú Quyết đang chống lại mấy cây tre bị nghiêng ngã ở bên
đường. Nó nghe ông Chọn thông báo về việc sửa sang nhà thờ họ chuẩn bị cho việc
tảo mộ hàng năm. Cả bọn cũng nao nức khi nghe chú Cường tổ chức họp xóm để bàn
bạc ngày đua ghe sắp tới.
Lòng
vui vui - Nó nheo mắt nhìn tia nắng sớm chập chờn trên những ngọn tre. Đã có tiếng
chim o ho gọi mùa lúa mới. Nó nhìn lên bầu trời trong xanh vểnh tai nghe tiếng
cu gáy đâu đây.
Cả bọn
ngồi bên bờ sông nhìn dòng nước bạc trôi xuôi những đám lục bình nở bông tim
tím.
Nhớ
chiều lành lạnh chúng nó choàng tay qua vai nhau. Cu Sỏ mĩm cười vu vơ. Nó nhìn
màu xanh xung quanh - Tất cả đều bình yên phẳng lặng. Nó ngân nga giữa đám bạn
bè:
Tôi
yêu tiếng nước tôi. Từ khi mới ra đời...
N.T.G.