Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, February 5, 2014

CÒN ĐÂU HƯƠNG VỊ XƯA! - Hoàng Đằng

  


                       CÒN ĐÂU HƯƠNG VỊ XƯA
                                                                           Hoàng Đằng

Những ngày Tết Giáp Ngọ đã qua. Tiết Lập Xuân đang đến. Nắng ấm. Tôi lại nhớ chuyện ngày xưa.

Quê tôi – làng Điếu Ngao - ở cạnh sông Hiếu. Cách khu dân cư khoảng hơn 100 mét, có đồng Cồn, một dãi đất thoai thoải chạy dọc bờ sông.

Đồng Cồn do đất phù sa bồi lợp lâu đời tạo thành. Ngày xưa, Cồn chia cho dân làng mỗi gia đình một luống, mỗi năm canh tác 3 vụ: tính theo Âm Lịch, vụ bắp đậu từ tháng giêng đến tháng tư, vụ lúa vãi từ tháng 4 đến tháng 9, vụ khoai lang từ tháng 10 đến tháng giêng.

Vụ khoai ấy gọi là khoai tháng mười.

Vì từ khi trồng đến khi thu, thời gian ngắn cộng thêm sinh trưởng trong thời tiết giá lạnh của mùa đông, củ chỉ nhỏ bằng hai hoặc ba ngón tay xếp sát nhau, chưa có tinh bột nhiều. Dân quê tôi ít ăn luộc mà chỉ nấu canh.

Để nấu canh, củ khoai được rửa sạch, xắt theo chiều xiên để lát trông to. Soong nước thêm chút mỡ rán hoặc ít tôm, tép, nêm ít ruốc nấu sôi lên, khoai đã xắt lát đổ vào, thêm ít ngò hay ném, thế là có soong canh đạm bạc cho gia đình qua bữa. Soong canh đó, nhiều khi gặp mùa màng thất bát, thiếu gạo, không ăn kèm với cơm mà với bắp rang. Ăn bắp rang dễ no bụng, bắp rang khô hút nước nhiều, ăn vào, khát nước bắt uống. Nhờ nước vào mà bụng cảm thấy no, đỡ cồn cào.

Sau Tết ra giêng cũng là mùa ngư dân đánh bắt “con khuếc” - sinh vật biển nhỏ như con tép, dùng làm ruốc. Bây giờ, có lẽ số lượng khuếc ở biển giảm do đánh bắt cạn kiệt hay con buôn đã thu mua để xuất khẩu, ở các chợ quanh khu vực quê tôi, khuếc bán không nhiều. Ngày xưa, chiều chiều, lợi dụng ngọn gió nồm thổi từ biển lên, các ghe thuyền từ Cửa Việt chở đầy khuếc tấp vào chợ Hôm – Lập Thạch; dân quanh vùng quang gánh rủ nhau đi mua, đem về làm ruốc dự trữ, ăn quanh năm.

                   
               Con khuếc (Ảnh mượn trên Internet)

Sẵn khuếc tươi, sẵn khoai tháng mười, dân quê tôi đã chế biến được những soong canh ngon. Canh khoai nấu với khuếc có vị ngọt, nhiều chất đạm, canh nóng ăn với rau sống gồm rau mưng trộn rau ngò, rau quế; “đã” lắm!

Làng tôi ngày ấy có 9 xóm. Dọc đường xóm, phía trong là vườn và nhà ở, phía ngoài là ao. Hai bên bờ ao, cây Mưng mọc đầy; vào mùa thay lá, lộc trồi lên với những búp màu đo đỏ; vào mùa ra hoa, những dây hoa dài thòng từ cành xuống, trông rất đẹp mắt. Trẻ nít kết lại thành vòng dây, đeo vào cổ, con gái giả làm cô dâu trong lễ cưới, con trai giả làm chiến sĩ thắng trận trở về.

   Cây Mưng, Cây Lộc Vừng, Cây lộc vừng giá rẻ                     
          Cây Mưng ra hoa (Ảnh mượn trên Internet)

Những lá non hay búp lá được hái về để làm rau sống. Loại rau sống này đúng là “rau sạch”, rau của thiên nhiên không nhiễm thuốc trừ sau, không nuôi bằng phân hóa học. Vị rau mưng đăng đắng chát chát hòa lẫn với vị ngon ngọt của canh khoai nấu khuếc, chen thêm vị cay cay, mùi thơm thơm của rau quế hay rau ngò. Trong những ngày Tết, bụng chất đầy đồ ngọt – kẹo bánh, đồ mỡ - thịt lợn, đồ bột – bánh tét, bánh chưng; giờ thay bằng món canh này, thật sảng khoái từ miệng đến bao tử, ruột non, ruột già!

                 
           Lá Mưng  (Ảnh mượn trên Internet)

Hiện nay, cây mưng quê tôi còn lại rất ít. Cách đây mấy năm, người người nhà nhà có thị hiếu trồng mưng, đặc biệt là những gia đình có chức có quyền có của ăn của để, những cơ quan nhà nước – nơi có quan to làm việc, những trụ sở doanh nghiệp ăn ra làm nên đua nhau tìm cây Mưng, mua, đào về trồng để trang hoàng. Từ cây bụi, cây bờ, Mưng trở thành cây cảnh, trồng, tỉa trong các chậu các bồn, ngày ngày có người chăm sóc. Mưng ít ai gọi là mưng nữa mà mang tên mới là lộc vừng.

Thế là rau mưng không còn. Đã là cây cảnh, ai cho phép và chấp nhận cho mình hái lá non.

Khoai tháng 10 không còn. Lúc mới thống nhất đất nước, đồng Cồn được Hợp Tác Xã Nông Nghiệp trồng rau để cung cấp rau xanh cho thị dân Đông Hà. Lúc tỉnh Quảng Trị tái lập tách từ tỉnh Bình Trị Thiên, Cồn lại bị Nhà Nước “thu hồi” xây dựng Nhà Máy Đông Lạnh chế biến hải sản. Hải sản không có, nhà cửa hoang phế, nay thấy cắm biển hiệu “Cơ Quan Quân Sự”. Khuếc cũng không còn. Chợ Hôm – Lập Thạch đóng cửa.

Lâu rồi, tôi không còn được thưởng thức canh khoai nấu khuếc ăn với rau mưng.

Mẹ - người từng chế biến cho tôi món ăn ấy thuở ấu thơ – đã mất vào những ngày cận Tết. Ngồi buồn, nhớ mẹ, viết mấy dòng chia xẻ với bạn đọc thân thương, xa gần.

Mong vơi bớt nỗi buồn, thế thôi!   
                                  
                                                                      Hoàng Đằng     
                                                               Mồng 6 Tết Giáp Ngọ



READ MORE - CÒN ĐÂU HƯƠNG VỊ XƯA! - Hoàng Đằng