Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 7, 2021

KHE KHẼ HẠT TÌNH RƠI - Thơ Nguyễn Hồng Linh

 

 Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh

KHE KHẼ HẠT TÌNH RƠI


Chiều về buông hạt nắng
Áo trắng đã hoá vàng!
Lang thang miền ký ức
Day dứt tiếng Thu sang

Khẽ khàng ai bước nhẹ
Khe khẽ hạt tình rơi
Sóng cời đêm vụng dại
Tìm mãi một lời yêu

Nhớ nhiều miền tình tự
Tố nữ mộng dưới hoa
Dấu ngà môi mắt biếc
Thao thiết một chân tình

Bóng hình ai quyến luyến
Tóc huyền buông lả lơi
Bên đời nghe cỏ hát
Khao khát giấc mơ hiền.

Stuttgart, 06/11/2021
Nguyễn Hồng Linh
honglinh8861@yahoo.de

READ MORE - KHE KHẼ HẠT TÌNH RƠI - Thơ Nguyễn Hồng Linh

THƠ ĐẦU ĐIỂN | DANH DỔM - Thơ Chu Vương Miện

 

Nhà thơ Chu Vương Miện

THƠ ĐẦU ĐIỂN

Chu Vương Miện


Đêm 5 canh ngày thời 6 khắc

Trăng giữa thu vằng vặc trời đêm

Cũng may chân cứng chả mềm

Cũng may cuộc chiến còn nguyên cái đầu

Trời mưa miết cạn tàu ráo máng

4 phương rùng bom đạn còn rơi

Cũng may trời cũng quên người

Cũng may còn chiếc áo tời lận lưng

Dở cùng dang lưng chừng trời đất

Người đánh người quần quật bao năm?

Ối dời dưới dế trên răng

Đẻ nhai khoai sắn loanh quanh mà khờ

Ôi 1 kiếp gà tồ quay mãi

Nay đầu đường xó chợ sinh nhai

Thức đêm cảm được đêm dài

Ngủ ngày ngộ được cờ ngoài bài trong

Càng mong đợi càng o kỳ vọng

Càng ngóng trông nắng đọng hiên sau

Tóc đâu mọc trắng nơi đầu

Trước sau dòng nước qua cầu thế thôi 

Ngán cùng ngẫm  1 thời thế sự

Mới thanh niên thành cụ lúc nào?

Coi như là khói thuốc lào

Bay lên tan mất lẩn vào hư không

Thì kiếp ta 1 vòng lẩn thẩn

Hết ở không chạy loạn cả đời

Chả may chả ngáp nhằm ruồi

Đành thôi an phận trụ nơi gậm giường

Vài chục năm đàm trường vân cẩu

Hết mặt xanh răng vẩu mặt mo

Thôi thì xiệc diễn đủ trò

Cân đai áo mão bếp tro lửa tàn


-


DANH DỔM


Những kẻ viết lách có chút hư danh

Giờ thì cũng đã bị lãng quên

Qua thế giới bên kia

Suối vàng suối bạc

Khá hơn da ngựa bọc thây

Tất cả chìm vào dĩ vãng

Phai mờ cùng thời gian “lận“

Dù trước khi thác

Có kèn đồng phèng la chũm chọe

Điếu võ điếu văn

Tuyên dương truy điệu ca ngợi

Thì cũng chỉ làm mất thì giờ

Nghe nhàm tai điếc con ráy

Không cần thiết

Những kẻ mới vào nghề

Chưa ai nghe và chưa ai biết

Những thơ văn sáng tác ra

Xêm xêm những người trên

Nhưng hoàn cảnh đương đại

“tức bi giờ"

Ai ai cũng cần công việc

Kẻ kiếm vật tư “thực phẩm“

Đút vào mồm

Cần cụ “ông”  thể 

Không ai màng tới thơ văn

Cái đồ vô tích sự

Người ta vào quán phở

Bún bò giò heo

Và quán cơm từ thiện

Hơn là vào phòng trà

Nghe 3 khúc tâm tình 3 lăng nhăng

“4 lăng nhăng“

Có nhiều đền dài tháp cổ tháp đầu

Trưa nắng gắt tối sương gió dãi dầu

Không ai ngó tới 

Chả ma nào ngó ngàng

Chơ vơ ngoài sa mạc

Trên đồi trọc

Chả ai thương 

Không ai khóc

Bao nhiêu thời gian trôi qua

Biết bao kẻ hư danh

Thản đôi khi trà dư tửu hậu

Có ngừơi nhắc tới

Chả tích sự gì?

Con heo nằm trong chuồng

Con gà nằm trong ổ

Còn cung cấp thịt

Con ngựa ở không chạy tới chạy lui

Chỉ tổ mỏi cẳng

Ôi danh

Và những kẻ chết vì hư danh

Nghèo xơ nghèo xác

Chỉ có cái mồm

Nghêu ngao nói dốc nói phét

y quạ đen

Đậu nơi đồng hoang

“Kêu quàng quạc“


Chu Vương Miện











 





READ MORE - THƠ ĐẦU ĐIỂN | DANH DỔM - Thơ Chu Vương Miện

CHO EM | NGUYỆT KHUYẾT - Thơ MacDung

 

Nhà thơ MacDung

CHO EM

 

Ta không trao em một trái tim

Vì đã có người dâng tặng

Cùng nỗi đau quặn đắng…

Ta chỉ tặng em khung trời yên lặng

Vương gió mây bay

Trăng vàng soi lối…

Kết nối niềm tin lung linh sợi nhớ!

Tơ trời thắt chặt nụ hồng…

Cho bài thơ muôn thuở!

Sự dang dở đến tự hai đầu…

Ghép vụng khéo hay hạnh lành ý nghĩa gì đâu?

Chủ yếu nhìn mùa hoa ngâu nở…

Trong sắc Xuân đợi chờ…

Bỡ ngỡ mối tình chung…

 

VL – 10.2.2019

MacDung

 

NGUYỆT KHUYẾT

 

Khuyết một vầng trăng

Vàng lên lối vắng

Gội tóc cho nàng thẹn mặt đỏ vì sao…

Ta muốn hoán thân làm con đò nhỏ

Gửi bên em chút ánh sáng nặng tình.

Buổi bình minh…

Giã từ trăng lóng lánh…

Còn chăng em? Cơn gió thoảng qua mành…

Say nữa đi…

Đêm nồng đâu còn mãi…

Lần lữa chi đời ngắn… khó thêm dài…

Lọn tóc ai bay…

Trăng cài nếp rối

Thiếu bàn tay vuốt ngủ sợi ngần trôi

Cười mặn môi…

Trời gieo si đắng lạ!

Đuổi vô tình giọt lệ mọng phù sa…

 

VL – 28.2.2019

MacDung

 macdungvh@gmail.com

 

 

READ MORE - CHO EM | NGUYỆT KHUYẾT - Thơ MacDung

HÔN QUÂN LƯU TỬ NGHIỆP VÀ VAI DIỄN CỦA TRƯƠNG DẬT KIỆT - Đặng Xuân Xuyến



 HÔN QUÂN LƯU TỬ NGHIỆP 

VÀ VAI DIỄN CỦA TRƯƠNG DẬT KIỆT

Đặng Xuân Xuyến

*

- Viết tặng con yêu Đặng Tuấn Hưng -

 

Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế (vua Lưu Tuấn) và Vương Hoàng hậu. Nghiệp sinh năm 449, chết năm 465, ở ngôi vua chưa đầy hai năm. Mẹ của Lưu Tử Nghiệp là một phụ nữ hiền thục, có công rất lớn trong việc củng cố ngôi Thái tử và đưa Lưu Tử Nghiệp lên ngôi Hoàng đế.

Theo sách Sử Trung Quốc thì Lưu Tử Nghiệp "ít tuổi mà cường bạo, khi lên ngôi thì sự ngang ngược lại càng quá quắt, thông dâm với cả chị ruột là Sơn Âm công chúa” đều do Hoàng hậu Vương Hiến Nguyên sinh ra. Lưu Tử Nghiệp còn đưa em gái ruột của vua cha (Hiếu Vũ đế) là công chúa Tân Sái Trường (còn gọi là Tân Thái) vào cung lập làm "tiểu thiếp". Khi bị chú rể phát hiện, Lưu Tử Nghiệp đã thằng tay tàn sát cả gia đình chú rể.

Sử Trung Quốc còn chép: “Nhà vua dạo chơi ở Trúc Lâm đường trong Hoa Lâm Viên, bắt các phi, cung nữ và tả hữu cởi truồng theo sau, hoặc bắt một số nữ hành lạc với một nam, hoặc một số nam hành lạc với một nữ. Lại bắt cung nhân cởi truồng giao cấu với dê đực, khỉ hoặc chó, lại trói ngựa đặt nằm ngửa trên mặt đất, bắt cung nhân lõa thể mà giao hợp với ngựa. Một cung nữ không chịu, liền bị chặt đầu.”

Như vậy, Lưu Tử Nghiệp không chỉ là kẻ loạn luân mà đích thực y còn là kẻ thác loạn trong tính giao.

Hình tượng hôn quân Lưu Tử Nghiệp trong bộ phim PHƯỢNG TÙ HOÀNG (52 tập, phát sóng năm 2017) được các nhà làm phim Trung Quốc tái hiện không hoàn toàn dựng theo chính sử, mà gia giảm “cốt truyện” để “biến tấu” hình ảnh Lưu Tử Nghiệp bớt xấu xí và tàn ác trong mắt khán giả. Các nhà làm phim đã đưa tính chân thực xuống hàng thứ yếu nên gia giảm (hư cấu) nhiều tình tiết “cốt truyện” về Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp trong các mối quan hệ “mắt xích” với Lưu Sở Ngọc, Lưu Úc, Lưu Hưu Nhân... để tái hiện hình ảnh Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp “cũ mà mới”, “quen mà lạ” với khán giả là những bạn đọc có sự hiểu biết về triều Lưu Tống là khá mạo hiểm, rất dễ thất bại khi công chiếu nhưng khi phim được khởi chiếu, xem Trương Dật Kiệt thể hiện hình ảnh "thằng vua trẻ con ngang ngược tàn ác" Lưu Tử Nghiệp thì khán giả dù khó tính cũng trầm trồ trước tạo hình Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp mới nhưng không lạ, quen mà không cũ qua diễn xuất “đóng đinh cho vai diễn” của nam diễn viên còn quá trẻ Trương Dật Kiệt.

Trương Dật Kiệt sinh năm 1999, bắt đầu tham gia đóng phim năm 2010. Khi tham gia phim PHƯỢNG TÙ HOÀNG anh mới 16-17 tuổi, đã thể hiện xuất sắc vai diễn, làm sống lại một Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp tàn ác, phóng túng, loạn luân và bất đạo như trong chính sử (Trung Quốc) và làm mới hình ảnh hôn quân Lưu Tử Nghiệp với những trắc ẩn, đáng thương của “vị đế vương trẻ con đa nhân cách Lưu Tử Nghiệp”.

Xem Trương Dật Kiệt diễn, khán giả như đang được chứng kiến cuộc đời thực của Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp, với những hỉ nộ ái ố của một vị vua trẻ con trong độ tuổi mới lớn, ở tâm lý tuổi nổi loạn, muốn khẳng định cái tôi chủ quyền tối thượng của mình. Bực đấy, căm tức đấy nhưng rồi người xem cũng động lòng trắc ẩn với những uẩn khúc, những bi thương trong quãng đời quá ngắn ngủi nhưng cũng có quá nhiều việc làm xằng bậy, càn quấy của hôn quân Lưu Tử Nghiệp.

Tôi đã bị “Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp” hớp hồn ngay từ những thước phim đầu với cách nhếch miệng cười khẩy, cách phụng phịu bực tức, cách hất tay đuổi cung nữ... đều mang dáng dấp còn “trẻ con” của hôn quân Lưu Tử Nghiệp. Ở những thước phim này, người xem thấy một đế vương còn “con nít”, phách lối kiểu con nít, vẫn phảng phất còn chút ngây thơ, chút bản tính lương thiện khiến người xem ghét đấy mà cũng thương đấy nhưng đến những thước phim sau đó, ở phân đoạn Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp cho gọi “2 con lợn” (cách Nghiệp gọi 2 chú ruột của y) đến để y “kiểm tra” thể trạng trước ngày “cho lên vỉ nướng”, Trương Dật Kiệt đã làm người xem bất ngờ về tài biến hóa hình tượng vai diễn đa nhân cách của anh. Vừa mới hí hửng cười ngặt nghẽo trêu chọc “con lợn” Trư Vương Lưu Úc (tức Lưu Tông Minh Đế, người kế ngôi vua sau khi Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp đã bị giết chết) với vẻ khoái chí của "con nít” ở độ tuổi mới lớn, nhưng khi nghe Kiến An vương Lưu Hưu Nhân (diễn viên Khương Bành) lớn tiếng hạch tội: - “Lưu Tử Nghiệp! Ngươi vừa đăng cơ liền vội vàng giết chết huynh đệ ruột của mình. Bây giờ với các thúc thúc của ngươi, sỉ nhục đủ điều, hận không thể giết họ nhanh hơn chút. Rốt cuộc bọn ta đã làm sai điều gì mà ngươi đối xử với bọn ta như heo như chó. Ngươi đừng có quên đây là thiên hạ của nhà họ Lưu không phải của một mình Lưu Tử Nghiệp ngươi đâu. Ngươi cứ cốt nhục tương tàn như vậy, tung hoành ngang dọc khiến người trong thiên hạ không yên ổn rồi!”, đã chuyển phắt sang sắc mặt lạnh tanh rồi chiếu ánh mắt đằng đằng sát khí tiến về phía Kiến An vương Lưu Hưu Nhân với tác phong lạnh lùng, bình thản của kẻ quyền uy tối thượng: - “Ngươi nói lại lần nữa xem! Ngươi không nói ta còn không biết đó chứ! Ngươi bất mãn với ta nhiều như vậy sao?”. Tưởng sẽ giết chết ngay Kiến An vương Lưu Hưu Nhân nhưng Lưu Tử Nghiệp lại phá lên cười, thích thú với trò tiêu khiển mới khi phát hiện Trư Vương Lưu Úc (diễn viên Lưu Ân Thượng) vì sợ quá mà tè ra quần. Sự độc ác, tàn bạo của Lưu Tử Nghiệp được đẩy lên điểm tận cùng khi trêu đùa đã chán chê Trư Vương Lưu Úc, y liền tiến tới Kiến An vương Lưu Hưu Nhân, chiếu ánh mắt sắc lạnh cùng giọng nói rành rẽ nặng những âm khí chết chóc: “Được rồi! Đợi Trư Vương giải quyết xong việc lớn, 2 các ngươi lại cùng nhảy lên vỉ nướng xem nào. Ta lại rất muốn nhìn xem Hoàng thúc ngươi lúc ở trong lửa nóng có thể kiên cường giống bây giờ hay không?”. Rồi phá lên cười đắc thắng bằng vẻ mặt hả hê của một thằng trẻ con độc ác.

Xem Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp, tôi thích cách diễn của Trương Dật Kiệt ở những phân đoạn mà cái ác của Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp được đẩy đến đỉnh điểm như khi y cho gọi 2 chú ruột là Lưu Úc và Lưu Hưu Nhân đến để y kiểm tra “thể trạng” trước ngày “cho lên vỉ nướng”, hay khi Lưu Tử Nghiệp hành xử bất đạo, thảm sát hàng loạt cung nữ ngay ngày đầu Đại tang Thái Hậu (mẹ đẻ của y), hoặc khi y ra lệnh giết hết đám trẻ hát bài đồng dao “Hoàng đế thật hoàng đế giả”... Sự phẫn nộ trước những việc làm tàn ác, bất đạo của khán giả với Lưu Tử Nghiệp được Trương Dật Kiệt đẩy lên điểm đỉnh cao trào nhưng cũng (gần như) liền ngay sau đấy Trương Dật Kiệt lại “hạ nhiệt” sự phẫn nộ đó bằng những diễn xuất “bao biện” cho cái ác của Lưu Tử Nghiệp được phát sinh từ sự phách lối, ngang ngược bởi tâm hồn bị khuyết tật của một đứa trẻ. Ở các phân đoạn này, Trương Dật Kiệt đã để tính cách “vẫn còn trẻ con” chi phối những hành động bộc phát của Lưu Tử Nghiệp khi yêu, khi ghét, khi giận dữ, khi làm các việc tàn ác, bất đạo... khiến người xem vừa căm, vừa hận, vừa ghét, vừa động lòng trắc ẩn thương Lưu Tử Nghiệp. Đành rằng tạo tính cách cho hình tượng nhân vật Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp là do ý tưởng của tác giả kịch bản và ý đồ của đạo diễn nhưng với sự nhập vai của diễn viên Trương Dật Kiệt thì ý đồ đó không những đã thể hiện sắc nét mà còn được thăng hoa xuất sắc qua diễn xuất đóng đinh cho vai diễn của Trương Dật Kiệt. Xem Trương Dật Kiệt diễn, người xem ngộ ra điều: Cái ác không phải tự nó sinh ra mà nó được bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa do chính con người (trong đó có cả những nạn nhân) góp phần khởi tạo, bởi con người vốn dĩ như người xưa đã nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Một điểm nhấn trong thành công ở vai diễn Tiền Phế đế Lưu Tử Nghiệp là Trương Dật Kiệt diễn nội tâm rất giỏi, nhất là khi xem những phân cảnh ở những phân đoạn có sự xuất hiện nhân vật Lưu Sở Ngọc (diễn viên Quan Hiểu Đồng) người xem cảm nhận được bản chất hiền lương vẫn còn sót lại, với những khao khát yêu thương được sẻ chia, được bù đắp bên cạnh sự nổi loạn phách lối của tính cách ngang ngược, hung ác... trong con người đa nhân cách của quân vương trẻ con Lưu Tử Nghiệp. Những thể hiện xuất sắc qua sắc thái của ánh mắt, nụ cười, hay cái cau mày, nhếch miệng hoặc cử chỉ nũng nịu, đến cái mím môi, quắc mắt khi trở mặt... đều rất có hồn ở từng phân cảnh cụ thể của diễn viên Trương Dật Kiệt đã dẫn dắt người xem cùng dõi theo sự phát triển kịch tính của nhân vật.

Xem những bộ phim như thế này mới thấy BỐ GIÀ của Trấn Thành, một bộ phim làm hao tốn kha khá giấy mực và thời gian tranh luận của những người làm điện ảnh ở Việt Nam đầu năm 2021, còn đứng ở vị trí bên dưới xa... xa lắm.

Dán lên đây tập phim về hôn quân Lưu Tử Nghiệp để các “tình yêu” nhấp chuột cùng xem:

phim: LƯU TỬ NGHIỆP (Mộ Phim) - Đặng Xuân Xuyến sưu tầm


 


https://youtu.be/4V_zH41azFM
READ MORE - HÔN QUÂN LƯU TỬ NGHIỆP VÀ VAI DIỄN CỦA TRƯƠNG DẬT KIỆT - Đặng Xuân Xuyến