Tạp bút
Vừa rồi tôi có về dự một cuộc triển lãm sắp đặt với chủ đề Tháp lúa của hoạ sĩ Võ Xuân Huy tại Thành Cổ, Quảng Trị. Huy vốn là trưởng khoa sơn mài của Đại học mỹ thuật Huế, từng triển lãm rất nhiều nơi trong, ngoài nước và đã có nhiều giải thưởng. Một hoạ sĩ của đất Quảng Trị đã thành danh .Tranh của Huy dù ở những chất liệu nào cũng là sự hoà hợp và kết tinh giữa trí tuệ và cảm xúc được thể hiện bằng một ngôn ngữ hội hoạ hiện đại của trào lưu trừu tượng. Nói như thế để hiểu rằng, lượng người xem để có thể đồng cảm ắt là hạn chế trong khi cái mặt bằng văn hoá trên đất Quảng Trị vẫn còn khiêm tốn. Thế nhưng trong vòng nửa tháng, Huy đã tổ chức 2 cuộc triển lãm ngay trên mảnh đất nhau rốn của mình, trước đó đã cùng những nông dân bày biện, sắp đặt trên những cánh đồng ở Vĩnh Linh, quê anh. Những cuộc chơi mà đối với những người tính toán hơn thiệt, có thể cho là mất công tốn kém, vô ích chẳng đem lại một lợi lộc nào cả. Theo cách nói của những người trong nghề là chơi cho vui. Đúng là chơi cho vui vì chẳng để mang lại điều gì cả. Thế nhưng thật lạ lùng, đã có những cuộc chơi nghệ thuật cho vui như thế đã diễn ra trên mảnh đất Thành Cổ này. Hoạ sĩ Trương Bé sau khi nghỉ hưu cũng về đây triển lãm tranh trừu tượng. Nhà danh hoạ Lê Bá Đảng sau gần 70 mươi năm xa xứ, lần trở về Việt Nam đầu tiên cũng bày biện tranh và đá ngay tại đình làng Bích La. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thế, khăn gói ra Thành Cổ, tổ chức một tạp chí Cửa Việt đình đám ngay trên mảnh đất còn bời bời cỏ tranh. Nghe nói nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ những ngày trước khi mất cũng muốn một lần tổ chức đêm nhạc của mình trên ngôi làng Bích Khê, nơi sinh thành dòng nhạc dân tộc trữ tình Gạo trắng trăng thanh ngày xưa.
Cả đạo diễn Lê Cung Bắc cũng thế, ao ước một đời làm đạo diễn là được thực hiện một bộ phim máu thịt trên vùng đất này… Và còn nhiều người nữa cũng mang một mong ước như thế. Ai cũng muốn cơm đùm gạo bới lặn lội về quê để làm một cái gì đó ra mắt với bà con, gặp gỡ giao lưu với anh em văn nghệ ở cố hương. Xâu chuổi tất cả những cuộc chơi cho vui ấy mới thấy rằng tất cả những người hoạt động nghệ thuật sinh ra trên vùng đất khắc nghiệt này đều có chung một khát vọng có tính chung thẩm là được trở về dù một lần trong đời đem những tác phẩm của mình về với công chúng quê nhà. Có thể những gam màu trong biến thể của Huy, những vỏ trứng, sơn ta trong sơn mài của Trương Bé, đá, cát, bột cưa…trong tác phẩm của Lê Bá Đảng chưa hẳn đã hấp dẫn đông đảo người xem, nhất là đối với mảng nghệ thuật mang hơi hướm hiện đại nhưng tất cả đều có chung mong ước cháy bỏng. Ai cũng biết người già thường sống bằng ký ức nhưng đối với những người hoạt đông nghệ thuật thì ký ức và cảm thức quy hồi luôn là một ám ảnh bức bối đến thao thiết.
Gần đây tôi có đọc một bài phỏng vấn và tranh luận của anh Nguyễn Hữu Liêm với một số nhà văn, bạn đọc ở hải ngoại. Anh Liêm là tiến sĩ triết học, từng chủ biên một tạp chí triết học ở hải ngoại, là luật gia, hiện là chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Mỹ. Vì thế nên đã có nhiều người gọi anh là triết gia theo nhiều ý nghĩa. Trong những ý kiến phát biểu và đối thoại kể trên, dù cách nhìn nhận vấn đề có thể còn khoảng cách nhưng đằng sau những đóng góp để xây dựng đất nước đều có một tâm ý cùng nhau trở về. Tôi thực sự xúc động khi đọc những dòng cuối của anh, đại ý : Có lẽ sẽ có lúc tôi bỏ hết trở về dựng nhà bên sông Thạch Hãn chỉ để nửa đêm …nghe tiếng gọi đò. Với một người mà cả đời đắm mình trong những suy tưởng đa đoan của triết học, đầu óc thiên về thuần lí thế mà sâu thẳm trong tâm thức lại nặng nghĩa nặng tình với quê nhà như thế thì không còn là cuộc chơi cho vui nữa rồi.Và hình như, với những người lưu xứ nơi đất khách, trong tâm hồn luôn trầm sâu đối diện với một ý thức vô trú nhiều khi đến nghẹt thở.
Trong đề dẫn khai mạc triễn lãm của Huy, tác giả lấy lại cái phát biểu của một nhà văn Nga : nếu đi tận cùng cái làng của mình sẽ bắt gặp nhân loại. Có lúc, trước những cuộc chơi nghệ thuật trên chính quê nhà của những người đã thành danh ở nước ngoài hay trong nước, tôi chợt muốn thêm một vế trong câu nói của nhà văn Nga, rằng nếu đi hết thế gian, ta sẽ gặp lại ngôi làng của ta .Vâng nơi ấy ta sẽ gặp lại chính mình vì nghệ thuật là một cuộc hành trình không hề mệt mỏi để lên đường và trở lại của đời người. Điều đó giải thích về những cuộc chơi cho vui để trở về trên con đường sáng tạo ấy là một cách tạ ơn với nơi chốn sinh thành mà đối với những người hoạt động nghệ thuật đều trở thành khát vọng. Cho dẫu chỉ một lần, những cuộc chơi nghệ thuật …cho vui ấy mà.