Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 19, 2022

CHIẾC ĐINH THUYỀN - Truyện ngắn Nguyễn Bàng

 

Nhà văn Nguyễn Bàng

Truyện ngắn Nguyễn Bàng

CHIẾC ĐINH THUYỀN

*

Khi hai người đã ngồi bên bộ ghế mây bóng màu nâu vàng, cụ giáo Nhâm mới khoan thai nhìn người khách trẻ để tìm lại dấu vết tuổi mười ba mười bốn của người hoc trò cũ. Lòng già xôn xao một niềm vui khó tả.

Mười lăm năm trước, khi Vũ Hưng chào thầy, theo gia đình vào Nam, thầy Nhâm cũng thôi cầm phấn lên bục giảng, rời thành phố về nghỉ hưu ở quê nhà. Ai ngờ lại có hôm nay, từ đầu kia cách trở tới 2000 cây số, người học trò cũ lặn lội lần tìm về tận cái làng quê hẻo lánh này thăm cụ.

- Em ra Bắc có việc gì thế? Cụ giáo Nhâm đầm ấm hỏi.

- Dạ thưa thầy - Vũ Hưng lễ phép trả lời, vẫn chăm chú nhìn cụ giáo, lòng vui mừng vì thấy bóng dáng tuổi già mới in trên mái tóc bạc phơ còn mọi dáng vẻ thầy vẫn như xưa: mảnh khảnh, tinh anh và phúc hậu - Con được ra Thủ đô họp mặt các nhà doanh nghiệp trẻ tài năng. Họp xong, mọi người lên Sapa nghỉ mát, riêng con xuôi xuống biển, về lại thành phố tuổi thơ của con với mong muốn chính là đươc gặp lại thầy. Con thật xúc động vì đã ngần ấy năm, mà thoạt nhìn, thầy đã nhận ngay ra con, cái thằng “Hưng Đinh thuyền’’ đã làm thầy nhọc lòng dạy dỗ.

Nghe Vũ Hưng tự goi minh bằng biệt danh “Hưng Đinh thuyền”, cụ giáo Nhâm mỉm cười, vụt nhớ lại lần đầu tiên cụ nghe thấy cái tên đó.

Cuối hè năm ấy, cô hiệu trưởng đưa cho thầy Nhâm một bản danh sách học sinh mới trúng tuyển vào lớp 10 của trường kèm theo một nụ cười rất tươi: “Chỉ hết năm hoc tới là thầy nghỉ hưu. Lẽ ra phải để thầy thôi làm chủ nhiêm lớp để hưởng chút thanh nhàn. Nhưng theo báo cáo của địa phương, hoc sinh ở khu vực Cầu Sắt rất phức tạp, vì vậy lại xin thầy ra tay cầm quân ở khu vực ấy năm đầu cấp hộ chúng em.” Thầy Nhâm vui vẻ nhận ngay. Cô hiệu trưởng phấn khởi nói thêm: “Nhưng em không bắt thầy ăn cả khúc đầu cùng xương cùng xẩu mà đã cắt cho thầy ba học sinh thuộc diện khá, giỏi ở khu vực khác, trong đó có một em được tuyển thẳng đấy ạ!

Hôm nhận lớp, kiểm đủ tên 62 học sinh, thầy Nhâm cho chúng ngồi tại chỗ dưới gốc cây bàng ở sân trường rồi lên Văn phòng làm như phải hội họp gì trong đó để xem lũ gà mới thấy vắng chúa nhà sẽ làm những trò gì. Quả nhiên chúng ồn lên ngay như họp chợ. Bọn con gái túm tụm vào nhau nói cười ồn ã. Lũ con trai nhấp nhổm trêu chọc nhau chí choé. Bỗng có tiếng kêu ré lên: ”Ối đứa nào ném đấy!” Một đứa con gái ở hàng đầu vừa xoa má trái vừa quay nhìn lại phía sau. Từ hàng cuối, một thằng con trai mặt mũi nom sáng sủa ngang nhiên đứng thẳng người, cười toe toét: “Xin lỗii nhé!” rồi chạy thoắt lên chỗ con bé vừa bị ném, xà xuống bên cạnh, chớt nhả hỏi: “Có đau không, để mình xoa đền?” Miệng nói tay làm, nó vuốt nhanh lên má con bé.

- Đồ đểu!

Con bé phản ứng ngồi giật lại rồi chồm lên vả cho thằng kia một cái tát.

Thầy Nhâm vội vã ra khỏi phòng, Cả lớp như một đoàn tàu dồn toa rất nhanh, trật tự ngay trở lại. Bỗng trong đám con trai nghe có tiếng thì thào: “Chết cha thằng Hưng Đinh thuyền rồi!” khiến thầy Nhâm sững người lại vì Hưng Đinh thuyền hay Vũ Hưng, theo danh sách chinh là hạt giống đỏ mà nhà trường đã ưu tiên cho lớp thầy. Nhưng thầy tảng lờ như không nghe thấy gì rồi cho lớp vào phòng học để xếp chỗ ngồi.

Hết buổi, thầy gặp riêng lớp trưởng được tạm cử, nhà ở cùng phố với Vũ Hưng, hỏi vì sao Vũ Hưng lại có tên là Hưng Đinh thuyền? Nó thưa, tuy ở cùng phố, nhưng nó phải học ở trường theo địa bàn, còn Vu Hưng xin được vào trường chuyên của Thành phố nên không rõ lắm. Nhưng nghe mấy đứa chơi với Vũ Hưng kể thì Vũ Hưng bị một đứa ngồi cùng bàn thù ghét. Thằng này tên là Chiến còn gọi là Chiến Búa vì nó thường thủ trong cặp một chiếc búa nhỏ dùng để đánh nhau. Một lần Chiến Búa gây sự với Vũ Hưng rổi rút chiếc búa ra doạ đánh khiến Vũ Hưng bỏ chạy. Bị rượt đuổi đến bờ sông thì tình cờ Vũ Hưng trông thấy một chiếc đinh thuyền của những người thợ chữa thuyền bỏ quên trên bãi cát, vội nhặt lên đánh lại làm Chiến Búa bị thương ở cổ tay, rơi văng cả búa. Cái tên "Hưng Đinh thuyền" có lẽ từ ấy mà ra.

Buổi tối, thầy Nhâm đang căm cụi xếp danh sách học sinh thì có tiếng gõ cửa. Khách là một phụ nữ trẻ, gọn gàng duyên dáng trong bộ quần áo cán bộ sang trọng, tự giới thiệu là mẹ của Vũ Hưng, cán bộ phòng kế toán Công ty Vận tải biển. Thầy Nhâm niềm nở tiếp vị phụ huynh học sinh đầu tiên của lớp và không hề đả động gì đến việc đùa nghịch tinh quái của đứa con nên bà mẹ chuyện trò với thầy rất tự nhiên và luôn tỏ ra hãnh diện về nó: “Bố cháu là sĩ quan quân đội đóng ngoài đảo xa nhưng cháu ngoan lắm ạ, bốn năm liền học cấp hai, cháu đều là hoc sinh giỏi!”  Rồi đặt lên bàn thầy một chiếc túi nylon màu đỏ căng phồng, nét mặt tươi cười: “Gọi là chút quà kính thầy nhân buổi cháu được nhận thầy nhận lớp mới!”

Thầy Nhâm đã nhã nhặn chối từ.

Ba hôm sau trường kiểm tra chất lượng hai môn Văn và Toán lớp 10 để phân loại học sinh. Kết quả, lớp thầy Nhâm kém nhất khối không làm thầy ngạc nhiên nhưng điểm riêng của Vũ Hưng: Văn 5, Toán 4! Lẽ nào một học sinh được tuyển thẳng lại thế? Thầy vội mượn học bạ của Vũ Hưng và như bị lóa mắt bởỉ các con số ghi điểm tổng kết cuối năm lớp 9: Tất cả các môn đều từ 8,5 trở lên. Riêng môn Toán 9,1. Đúng là giỏi toàn diện! Gần 40 năm dạy học cho thầy thấy có cái gì đó rất nghiêm trọng ở đứa học trò này!...

Cụ giáo Nhâm bỗng ân cần hỏi:

- Bố mẹ em có mạnh khỏe không?

Giọng Vu Hưng bỗng đượm buồn:

- Cám ơn thầy, Mẹ con vẫn khoẻ mạnh. Nhưng bố con... bố con đã mất năm ngoái rồi ạ!

- Sao lại thế? - Cụ giáo Nhâm thảng thốt hỏi - Bố em còn trẻ mà.

- Bố em bi ung thư phổi!

- Thầy thành thật chia buồn với gia đình em!

Thầy giáo Nhâm khẽ nói và cúi thấp mái đầu bạc phơ để tưởng niệm người đã mất. Căn phòng như có một luồng khí lạnh thổi vào khiến cả hai thầy trò cùng ngồi thu mình lại. Giây phút sau cụ mới ngẩng đầu lên:

- Thầy chỉ gặp bố em có một lần nhưng ấn tượng lần gặp ấy thật sâu sắc.

Suốt một tuần, cả trường nhộn nhịp chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới, cuốn hút thầy Nhâm vào các công việc khiến thầy quên bẵng đi những uẩn khúc về Vũ Hưng. Mà nó cũng tham gia tốt mọi sinh hoạt tập thể lớp về mọi  mặt. Lớp thầy luôn được biểu dương dưới cờ về mọi mặt thi đua nên thầy thấy thanh thỏa trong lòng. Nhưng thật bất ngờ, khi cô hiệu trưởng vừa dứt hồi trống đón chào năm học mới thì có tin Vũ Hưng bị công an bắt về tội đánh nhau có vũ khí. Tang vật là một chiếc đinh thuyền nhọn hoắt. Đối thủ của nó là Chiến Búa đã chạy thoát. Thầy Nhâm phải đích thân lên Công an phường bảo lãnh cho Vũ Hưng được thả ra. Vụ việc ồn lên trong Hội đồng giáo viên. Nhiều người lo lắng cho cái danh hiệu “Trường tiên tiến cấp Thành, đòi đình chỉ học tập Vũ Hưng và đưa ra Hội đồng kỷ luật. Cô hiệu trưởng hỏi ý kiến thây Nhâm. Thầy thành thật nhận mình có lỗi khi không sát sao với Vũ Hưng và xin thêm một thời gian nữa để giáo dục nó.

Thầy cho Vũ Hưng đến nhà, nhẹ lời hỏi vì sao nó đánh nhau. Nó mạnh dạn thưa ngay, nó bị Chiến Búa đón đường đánh trước. Nhưng khi thầy hỏi vì sao Chiến Búa thù ghét nó thì nó thẫn người ra mới ấp úng trả lời vì nó không cho Chiến Búa chép bài kiểm tra cuối năm học

Chiến Búa chắc là học rất kém nhưng qua kiêm tra chất lượng mới đây thì Vũ Hưng đâu phải là học sinh giỏi. Để cho rõ ngọn ngành, thầy Nhâm lần tìm đến nhà Chiến Búa. Thấy thầy hỏi, Chiến Búa tức tối nói luôn: “Cháu ghét thằng Hưng Đinh thuyền lắm. Mẹ nó quen cô giáo chủ nhiệm lại mời riêng một số thầy cô đến dạy thêm nó nên bài kiểm tra nào nó cũng được biết trước, lúc làm bài che che giấu giấu không cho cháu chép một chữ!”

Tuy lời Chiến Búa là lời con trẻ nhưng cũng làm sáng tỏ đôi điều thầy phán đoán. Thầy đến ngay nhà Vũ Hưng gặp mẹ nó và được đón tiếp trang trọng trong căn phòng khách bầy toàn những tiện nghi hiện đai. Khi biết bài kiểm tra của con bị dưới điểm trung bình, bà mẹ không tỏ ra lo lắng mà lại đon đả đặt ngay vấn đề sẽ mời thầy chủ nhiệm và một số thầy cô nữa đến dạy thêm cho nó, rồi hồ hởi kể về sự đối xử chu đáo của mình với các thầy cô. Đến khi hay việc Vũ Hưng bị Công an bắt, mặt mẹ nó vụt tái đi, nhưng đôi môi vẫn run rẩy đổ lỗi cho Chiến Búa là đứa bạo nghịch và lêu lổng đã gây ra mọi chuyện oan  cho con mình, rồi nhìn thầy bằng đôi mắt van lơn, xin thầy lo giúp cho ổn thỏa, gia đình xin đội ơn và hậu tạ. Thầy Nhâm tế nhị trao đổi một số biện pháp giáo dục gia đình rồi ra về.

Tối hôm ấy, thầy quên hết sự mệt nhọc ban ngày, nghĩ cách làm thế nào để phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình Vũ Hưng trong việc giáo dục nó. Nhưng cốt cách mẹ nó như thế, thật là khó. Còn bố nó, ở ngoài hải đảo, ông ta biết những gì về con minh trong thành phố? Lại dễ gì gặp được ông ta? Là một quân nhân, biết đâu ông ta sẽ có những ý kiến tốt để dạy dỗ con mình? Băn khoăn nghĩ thế, thầy quyết định viết một bức thư gửi ra hải đảo và chỉ hy vọng sẽ được bố nó có thư phúc đáp. Nào ngờ, thư gửi đi chưa đầy tuần lễ đã thấy ông Vũ Hải, bố Vũ Hưng hiện diện ở nhà thầy. Sau cái bắt tay chào hỏi xã giao, ông Vũ Hải oang oang bộc tuệch nói ngay: “Cảm ơn thầy đã gửi thư cho tôi. Nếu không có thư của thầy, tôi sẽ không bao giờ biết được con tôi đang tụt dần xuống con dốc của sự hư hỏng. Mặc dù đang mùa luyện quân, tôi cũng xin phép đơn  vị về gặp ngay thầy. Thưa thầy bao năm nay, tôi đã sống trong hạnh phúc vì nghĩ mình có có đứa con trai chăm ngoan, học giỏi. Cuối năm học nào mẹ nó cũng gửi ra cho tôi giấy khen của nó. Tôi kiêu hãnh khoe với đồng đội, báo cáo lên đơn vị để lĩnh phần thưởng gửi về cho nó. Nào ngờ, chiều nay, mẹ nó đã khóc vì xấu hổ và ân hận khi nói ra sự thật. Thì ra ở các cơ quan công sở bây giờ, người ta không dùng sự giàu sang để khoe mẽ nhau nữa mà chuyển sang cách khác: Khoe con! Ai cũng muốn khoe con tôi học trường chuyên, lớp chọn, con tôi là học sinh giỏi, Kỳ nghỉ hè nào công đoàn các cơ quan cũng long trọng tổ chức lễ phát phần thưởng cho các con cán bộ, công nhân viên chức đơn vị mình đã đạt danh hiệu “học sinh Tiên tiến”. Các bà mẹ cũng thơm lây, được nhận giấy khen “Phụ nữ đảm việc nhà, giỏi việc cơ quan”! Vợ tôi cũng bị lôi cuốn vào cái vòng xoáy hư danh ấy. Đáng lẽ phải khổ công tốn sức day bảo con cái thì cô ấy lại tìm cách đi ngắn nhất là lo lót cho nó, biến nó thành một thứ cây tầm gửi trong học tập và tu dưỡng.

Cảm động trước tấm lòng ngay thẳng chân thật của một vị phu huynh học sinh, thầy Nhâm đã bàn bạc cặn kẽ với ông Vũ Hải cách kéo Vũ Hưng lên khỏi con dốc nó đang bị tụt rồi đưa cho ông chiếc đinh thuyền bên Công an đã giao lại cho thầy, bảo ông đưa về cho Vũ Hưng để nó tự xử lý.

- Ồ! Thế thày không sợ cháu nó lại dùng chiếc đinh này đẻ đánh nhau nữa hay sao?

- Tôi tin nó không dám như thế! - Thầy Nhâm vui vẻ khẳng định....

- Thưa thầy! - Vũ Hưng vẫn trong tâm tư tưởng nhớ người bố đã khuất, cắt ngang đòng hồi tưởng của cụ giáo - Bố con vẫn nhắc đến thầy luôn. Trước khi mất, bố con còn dặn con, hễ có ra Bắc là phải tìm thăm thầy. Hôm nay chắc vong linh bố con thoả nguyện lắm. Nhưng con còn muốn xin thầy một điều...

- Em cứ nói đi! – Cụ giáo sốt sắng nói

- Tuần sau là đến ngày giỗ đầu bố con. Con muốn mời thầy vào Nam thắp cho bố con một nén hương, cũng là dịp thầy cho con đưa thầy đi thăm đất nước một chuyến!

Cảm động trước tình nghĩa của người học trò cũ, cụ giáo trầm ngâm giây lát rồì gật đầu:

- Thầy cảm ơn em!

*                          *

*

Giỗ đầu ông Vũ Hải được gia đinh tổ chức đơn giản nhưng nghiêm túc sâu sắc. Khách mời khoảng hai chục người, toàn là ruột thịt và bạn bè thân thiết của nhà họ Vũ đang ở miền Nam. Cụ giáo Nhâm là vị khách cao niên và được trọng vong nhất.

Sau khi tiễn hết khách ra về, Vũ Hưng mời cụ lên nghỉ trên chiếc sập khảm trai kê cạnh bàn thờ rồi mở tủ mở ngăn kéo lôi ra một cái hộp gỗ nhỏ lại bên cụ, bẽn lẽn như một đứa trẻ hỏi:

- Thầy con nhớ chiếc đinh thuyền đã đưa cho bố con không?

- Thầy nhớ!

- Dạ! Nó đây!

Vũ Hưng từ từ mở chiếc hộp để lộ dưới đáy một chiếc đinh thuyền màu xám đen bọc trong một lớp nylon bóng trắng.

- Em vẫn còn giữ nó cơ à?

- Vâng ạ! Vũ Hưng thưa rồi lấy ra chiếc đinh thuyền đưa lên ngang mặt ngắm nghía - Nó là một vết nhơ trong thời niên thiếu của con nhưng nó cũng là một người ban thân thiết luôn nhắc nhở con phải tu thân. Trước hôm ra đảo, bố con đã thức trọn đêm bên con, kể lại cuộc gặp mặt với thầy và khuyên nhủ con mọi nhẽ rồi đưa chiếc đinh thuyền này cho con và bảo thầy gửi lại để con tự xử lý. Thú thật con cũng chưa biết làm gì với nó thì hôm sau có giờ sinh hoạt lớp, thầy kể cho lớp một câu chuyện ngoại khoá đến nay con vẫn nhớ như in:

“Ngày xưa có một nhà hiền triết, khi thấy mình làm một việc xấu thì tự đóng một chiếc đinh lên cột nhà khi làm một việc tốt thì tự nhổ đi một chiếc đinh. Sau một thời gian, nhà hiền triết giật mình thấy trên cột nhiều đinh bị đóng quá. Ông lo lắng rồi quyết chí tu thân từng ngày từng việc. Chẳng bao lâu, trên cột đã nhổ hết đinh. Nhưng vẻ mặt nhà hiền triết vẫn buồn rười rượi. Có người thấy vậy, hỏi vì sao thì hiền triết đáp:

Đinh dù đa nhổ được ra,

Vết kia còn đó dễ mà sạch ru?

Rồi tiếp: Nếu mà hiểu sớm điều này thì chiếc cột kia đã không có vết đinh! Con có cảm tưởng, thầy kể câu chuyện ấy vừa cho cả lớp nghe vừa riêng cho con, Về nhà, con kể lại với me con rồi nghe lời khuyên của mẹ, con tới nhà Chiến Búa xin lỗi nó, cùng nó giảng hòa. Nó bảo, thế thì hai thằng đem chiếc búa và chiếc đinh thuyền vứt xuống sông cho khuất mắt. Con lại kể cho nó nghe câu chuyện đó và bảo hãy giữ chúng lại để chúng nhắc nhở mình đừng bao giờ làm việc xấu nữa!

Vũ Hưng nhẹ đăt chiếc đinh thuyền vào hộp rồi đem cất vào tủ. Cụ giáo Nhâm trìu mến nhìn theo người học trò cũ:

- Và cuối năm học đó, em đã quyết phấn đấu trở thành một học sinh giỏi thực thụ.- Cu giáo Nhâm nói.

- Vâng! - Vũ Hưng lễ phép ngoảnh mặt lại nghe. - Đó là nhờ lòng bao dung và công ơn của thầy!!

- Không! - Cụ giáo Nhâm điềm đạm nói – Công ơn của bố em đấy!

Rồi cụ rời khỏi chiếc sập đến bên bàn thờ ông Vũ Hải đang tàn tuần hương đốt lên một nén hương thơm mới!

*

NGUYỄN BÀNG

Địa chỉ: 61B, ngõ 311, đường Đằng Hải,

quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Emailbnguyen37@gmail.com

 

READ MORE - CHIẾC ĐINH THUYỀN - Truyện ngắn Nguyễn Bàng

GIỚI THIỆU THƠ DẠ THẢO PHƯƠNG - Nguyễn Đức Tùng

 Đôi khi, một người như Dạ Thảo Phương làm cho tôi yêu Hà Nội.

đôi lúc thèm cuống quýt được chạy về Hà Nội
ngồi vỉa hè, ấp má một chén trà nóng
cho lòng lại được bình yên
Đó là một Hà Nội thanh bình, trang nhã.
Đó cũng là một Hà Nội mục nát, tan hoang.
ước
một ngày thức dậy
ban công ngập rác thối
lá non rữa nát
những hoa hồng teo quắt
con chim bên chùa Bà Đá thôi hót
tốt nhất - đã chết
bình nước trên bàn cũng cạn
chuông Nhà Thờ Lớn
câm

Nhà thơ Dạ Thảo Phương

Thơ chị khởi đi từ tự truyện và mơ màng (memoir and reveries). Đó là sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại, sự soi chiếu một khoảnh khắc trong hiện tại bằng nguồn cảm xúc và suy tư từ những năm tháng bạn đã sống qua. Thơ xuất hiện trước sự viết. Trước khi chúng ta đọc một bài thơ như văn bản trên giấy, hay trên màn hình, thơ đến như một âm thanh. Chữ viết có tính cố định, khi bạn trở lại chúng vẫn nằm ở đó. Việc đọc lớn lên, làm cho bài thơ xuất hiện như âm nhạc, không cố định như vậy, chúng thay đổi theo thời gian. Thơ của Dạ Thảo Phương vang lên một thứ nhạc điệu riêng.
 
anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào
anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh
em đã là sen, từ trong bùn tối
 
Chị tra vấn ý nghĩa của đời sống, các mối quan hệ gia đình và xã hội, tình yêu và tình dục. Chúng có thể không phải là những câu hỏi trực tiếp nhưng xuất hiện bàng bạc, làm cho thơ chị trở thành không phải một bản tường trình về đời sống mà là những biểu hiện của đời sống ấy, tiếng nói của nó, sự vận động của nó, các thách thức của nó. Sinh ra ở một vùng văn hóa riêng biệt, đối với tôi là diễm lệ và mặc cảm, và yếu đuối trước sự dung tục vốn là bản chất của một xã hội áp đặt hoàn toàn xa lạ với dân tộc, tự mình thoát ra khỏi những ràng buộc của văn hóa ấy, vượt lên, phát hiện. Đó là nỗi buồn xuyên qua những số phận, sự đau đớn được nén lại tạm thời, sự ngã xuống và hồi phục. Chị không phải là người biết thua cuộc trước số phận, thường xuyên trở lại từ bên lề, đập cửa, kể lại câu chuyện đời mình.
 
quá đỗi yêu Màu
nàng phủ nhận Mắt
trong cơn mơ mù loà
những xanh, đỏ, cam, đen trần truồng nhập sâu vào hình khối
đam mê
quyết liệt
buồn thương
quá đỗi yêu Sống
nàng thở cùng nhịp với Chết
thở gẫy bút
kiệt màu
thở hoan lạc của dao nhọn
gỗ đau
 
Sự thuyết phục của thơ Dạ Thảo Phương đối với người đọc vốn nằm sâu trong những mơ ước của con người. Có một ý nghĩa khắc nghiệt vang lên sau những chữ hiền hòa. Những bài thơ gần đây của Dạ Thảo Phương kết hợp được sự mô tả các hoàn cảnh và cái nhìn triết học đối với đời sống, hấp dẫn người nghe bằng dòng chảy mãnh liệt của các hình ảnh đẹp và tan vỡ. Chị không phải là một người theo chủ nghĩa tối thiểu, nhưng một số bài thơ ngắn, những đoạn thơ ngắn, có sức mạnh áp đảo. Bài thơ của chị thoạt đầu tưởng như giản dị, nói về hi vọng và khổ đau, nhưng càng về sau các hình ảnh trong thơ càng chuyển động. Chúng đạt được xung lượng cao nhất về cuối và gần như bao giờ cũng vậy, chạm được tay vào cánh cửa của phát hiện, niềm vui cuối cùng của thơ ca.
 
khi bạn bị lạm dụng trên giường bệnh viện, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi bạn bị cưỡng hiếp, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi bạn bị đuổi khỏi ngôi nhà của mình, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi con bạn bị bạo hành đến chết, tôi nói
hãy viết một bài thơ
 
Thơ bây giờ, tôi hình dung là thơ của những người trẻ tuổi như thế, ở Hà Nội, ở Sài Gòn, ở Mỹ, ở châu Âu, của những Dạ Thảo Phương.
Thơ bây giờ chơi đùa với sống chết, chơi mải miết với những kì vọng của người đọc. Lật một bài thơ trữ tình của họ, phía sau nhìn thấy bản mô tả tỉ mỉ của cống rãnh, của giấc mơ, của ác mộng tập thể.
 
Dạ Thảo Phương có những ý tưởng thơ bất ngờ. Tôi mong chúng được gieo xuống ở những chỗ bất ngờ hơn nữa, nhất là những đoạn khởi đầu và kết thúc. Thơ chị có thể trở nên thách thức hơn nữa, lẽ ra. Đối với cái gì? Đối với quá khứ, đối với tội ác, đối với các cấu trúc xã hội chống lại con người, đối với lương tâm của người đọc.
 
Chị không thể che đậy sự duyên dáng của mình, vẻ yêu kiều kì lạ của những chữ mà chị nhặt lên như nhặt những chiếc lá và phơi chúng ra trong mùa thu. Thơ chị có những đoạn cô đọng, dày đặc lại, và vì vậy nếu gặp được người đọc của mình, chúng bung nở ra như trà khô quắt trong nước sôi. Thế giới hôm nay hình thành quanh chữ tôi của chúng ta, thực ra thì bao giờ mà chẳng vậy, nhưng thời này cái tôi ấy dường như bệnh hoạn hơn, ồn ào hơn, mà cũng vững chãi hơn. Những bài thơ của chị tiếp diễn nhau, như một quá trình, như một chuyển đổi từ không gian thành thời gian, từ thị giác thành thính giác, và ngược lại, là một kết hợp giữa các tứ thơ và các chữ, sự hài hước châm biếm lẽ ra còn phải sắc bén hơn nữa và sự thơ mộng tràn đầy, lẽ ra còn phải tự tin hơn nữa. Có một chủ nghĩa hiện thực cứng rắn trong cái thơ mộng của chị. Có một thứ âm nhạc của nó, dẫn đường. Vì lẽ ấy, tôi nghĩ Dạ Thảo Phương đã đi những bước thành công chắc chắn, mặc dù không đều, và mặc dù chị viết không nhiều lắm.
Lẽ ra, và mong rằng, chị viết nhiều hơn nữa.
 
Nguyễn Đức Tùng
 
 
1/ HOẠ SĨ MÙ
(Tặng Lý Trần Quỳnh Giang)

quá đỗi yêu Màu
nàng phủ nhận Mắt
trong cơn mơ mù loà
những xanh, đỏ, cam, đen trần truồng nhập sâu vào hình khối
đam mê
quyết liệt
buồn thương
quá đỗi yêu Sống
nàng thở cùng nhịp với Chết
thở gẫy bút
kiệt màu
thở hoan lạc của dao nhọn
gỗ đau
đêm đêm
những bức tranh rời khỏi tường
tự lột bỏ khung và toan
hoang mang gọi nàng những căn phòng luôn quá chật, những hành lang luôn quá dài
ngày ngày
xoá gương mặt nàng bằng khói thuốc
những mơ ước buồn cười
những lo buồn vớ vẩn
vừa xoá, vừa khóc
vừa trông vời một khuôn mặt
một đôi mắt
không màu
không độ dài
chiều sâu
gầy guộc thu mình trong chiếc áo len sẫm màu, biến thành một buổi chiều tháng Mười lặng câm
nàng -
người đàn bà tự chọc mù cơn mơ
hiến dâng cho một cơn mơ khác

 
2/ NGƯỜI ĐÀN ÔNG MÀU XANH
 
người đàn ông màu xanh
mái tóc nâu màu xanh
đôi mắt nâu màu xanh
nụ cười mỏi mệt màu xanh
đăm đắm nhìn em từ góc tối của ngôi nhà cổ
bị cầm tù trong màu xanh của anh
những con cá bơi loanh quanh, mải miết
goi đến rách giọng cá
màu sắc thực của mình
cả bể nước lạnh lùng trong suốt một màu xanh
cả bể nước lạnh lùng sôi réo một màu xanh
ngạt thở trong màu xanh của anh
những cây Tử Y điên cuồng, tuyệt vọng
căn phòng chìm trong lốc lớn
tất cả đều đứng im
từ dưới những chiếc lá đang oằn mình trong hai màu xanh
những bông hoa xanh không hình hài, không tiếng khóc
ngằn ngặt toả hương
chúng gọi tên anh
gọi tên em
gọi tên những ảo tưởng màu xanh
chúng hỏi đường trốn đến một nơi
em không sao nghe rõ
bị cầm tù trong màu xanh của chính mình
anh gọi em
nhưng tiếng gọi của anh cũng màu xanh
em sợ…
 

3/ SEN CHIỀU NAY
 
tay anh ấp lên ngực em
tay em ấp lên tay anh
chúng mình tựa vào nhau
trìu mến, lơ đãng
những bông sen nhuốm u buồn một buổi chiều cuối hạ
anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào
anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh
em đã là sen, từ trong bùn tối
hồng cô đơn
bối rối vì vẻ đẹp vô ích của mình
Sống, là nở
dù biết nở là lụi tàn
toả hương là đau
nhưng có lựa chọn khác không anh?
chẳng bận tâm chiếc váy lụa xanh
chẳng bận tâm chiếc áo lót hồng
chẳng bận tâm thế giới loài người quá nhiều loại trang phục ngoài kia
tay anh tìm ngực em
những đầu ngón trìu mến gọi búp sen, búp sen
môi anh tìm làn hương đầu tiên
anh ơi,
em đã đợi anh quá lâu
đợi tên em ngát trên môi anh
từ những ngày tháng tuyệt mù
em đã là sen mà chưa biết
tay anh ấp lên ngực em
tay em ấp lên tay anh
lặng lẽ, mình là sen
qua đầm nước này là thế giới quá nhiều xe cộ và mặt người
quá nhiều vọng động, mù loà, em không hiểu nỗi
anh, em không muốn bị mặc cả hay tôn vinh
không muốn níu kéo thời gian của mình trên bức ảnh với những con người màu mè, xa lạ
những con người làm em hoảng sợ
vì họ hoảng sợ câu hỏi về chính mình
ấp em trong tay, anh nhé
mình là sen
thuần khiết đến khi tàn
là sen bên nhau
nốt chiều nay.
 

4/ HÀ NỘI, MÙA XUÂN CUỐI CÙNG
 
hai tháng trước, uống cà phê trên sân thượng phố cổ
cành bàng khẳng khiu như khuỷu tay thiếu phụ triền miên mất ngủ
giờ bàng đã rập rờn lá
mướt mát như lũ con gái mới lớn
mùa xuân năm ngoái
nhà đối diện dựng tạm chiếc gương ngoài ban công
giờ vẫn chẳng buồn treo lên
khung gỗ bạc sơn
bình thản giữa đám đồ đạc cũ
mắt gương mưa mờ bụi mưa lại rửa trong, nhìn cây bàng qua mấy lần đổi màu lá, nhìn những đám mây không CV
lại một mùa xuân, từng xa tới mức không nghĩ đến, giờ sắp qua
tôi sẽ rời bỏ thành phố này trước mùa hè
chị hàng hoa sen quê Hà Bắc sẽ thôi đạp xe chậm lại khi qua cổng sắt xanh ngôi nhà số 6
hoa sen
bạn đã ủ mình trong bùn tối, qua suốt mùa giá rét để đến với tôi bằng sắc hồng rỡ ràng mà u ẩn
bạn đã nhìn tôi như gương, vỗ về nỗi cô độc
bạn đã gần gụi hơn cả người tình say đắm nhất
giờ sẽ nở đến tan vỡ ở một ngôi nhà khác
anh cũng sẽ vùi mặt vào bầu ngực khác, tìm kiếm một mùi hương phập phồng khác cho nỗi sợ hãi thời gian của mình
lòng ta biết thế, mà không buồn sao
lòng ta biết thế, mà sao không buồn
không buồn
thành phố nơi mình sinh ra, ở hơn nửa đời người vẫn không có ngôi nhà nào là của mình
thành phố triệu triệu người, không một ai sẽ nhớ
người buồn nhất, chắc là bà lão bán trà chanh ở vỉa hè ngã tư Nhà Thờ
(bà lão luôn cười rất tươi rồi lén cho vào trà rõ lắm đá
tôi ngồi lắc cốc ngắm đá tan, chờ anh nhắn tin P dang o dau
không buồn
tôi biết, và mong bạn bè quên mình thật nhanh
không buồn
tôi biết, và mong mẹ sẽ quen thật nhanh
đứa con nào cũng yêu mẹ, và cũng thành phụ bạc
Sống
thì phụ bạc
không buồn
không buồn
không hề buồn
lòng chỉ như tấm gương cũ bị bỏ quên góc ban công
thật im, trong khung gỗ bạc sơn

 
5/ MUỐI MỘT NGÀY LẠNH
 
chiếc áo khoác mặc ba năm, sớm nay bỗng thành xa lạ
xa Hà Nội tám tháng, đã ngại nhớ ngày về
Hà Nội, như cơn mơ dài và rất thật
lỡ mở mắt
là không chạm tới được
"thành phố vẫn vậy thôi, mọi người cũng thế
chỉ vài điều không còn như xưa”*
vẫn vậy thôi
nhà cũ cổng sắt sơn xanh, ban công cũ vương lá khế rụng
chỉ bài trí đã khác
phòng tắm nghe nói vẫn treo tấm gương nhỏ hơi lệch về phía có tiếng tim đập
chỉ người tắm, mình không quen
vẫn vậy thôi
ngã tư Nhà Thờ, cây bàng mùa đông lá đỏ như bị ai đâm
quán trà xu đối diện vẫn mở
đôi lúc thèm cuống quýt được chạy về Hà Nội
ngồi vỉa hè, ấp má một chén trà nóng
cho lòng lại được bình yên
vẫn vậy thôi
ghế nhựa xanh đỏ, phích Tàu, chủ quán thô lỗ
mà giờ lố nhố khách đi xe sành điệu tập làm nốt “nghệ sĩ”
bậc thềm vẫn nhỏ, chỉ khuyết người bạn hay mặc áo dạ nâu, cổ dựng cao, vạt áo dây một chấm sơn dầu màu cà phê
ngón tay bạn mảnh gầy, chai vì dao khắc gỗ
một lần lẳng lặng ủ ấm tay mình
một người bạn bao năm chẳng nói lời yêu ai, khi tiễn chân vẫn đôi mắt hiền và trong, không dám nhìn mình lâu
giờ đã sắp chia tay mối tình bốn tháng, bắt đầu một cuộc tình khác nữa
sao thời bố mẹ mình, sống chết chỉ cách nhau một sợi tóc mà mười năm, hai mươi năm lòng người vẫn thế
giờ ba ngày không online, nick name đã như bia mộ người không quen
tuần nào cũng video call, quên cả nỗi nhớ nhà
thôi nhớ công việc
nguôi nhớ món ăn
bạn thân đã cách lòng mà ai cũng ngại nói
tên người xưa đôi khi vẫn vô tình nghe nhưng không đủ gợi buồn
sáng nay
đạp xe một mình trong tuyết, chợt nghĩ đến từ "Hà Nội"
chỉ vậy, mà bật khóc
nước mắt lăn một đoạn rất ngắn
mặn và trắng như muối
trên gương mặt vẫn tên mình nhưng đã không thể như xưa…

* Lời Hà Trương

 
6/ GIỌT NƯỚC
TRÊN BẬC CỬA
MỘT SÁNG XUÂN
 
lặng lẽ
bay hơi dần
trong ký ức người thân

 
7/ TRĂNG
 
khi hao khuyết cũng tự mình đầy đủ

 
8/ CÂI MÙ
 
một mèo hoang
một mèo hoang
trên mái nhà
dưới chân ta
cả loài người say ngủ

 
9/ CHÓ HOANG
 
bị vứt lại bên đường hay tự mình muốn được vứt lại?
bị lạc người hay đã tìm được chính mình?
nhớ buổi tối rộn tiếng cười trẻ con
lò sưởi thơm tiếng củi nổ bình yên
mùi thức ăn nóng sốt trên bàn
tấm thảm mềm hôi thân mùi dãi
hay đợi ánh trăng lên
trên những con phố đêm
nghỉ ngơi yên tĩnh không bóng loài người
một loài đầy những cơn tin tưởng mù lòa
những yêu, nhớ viển vông
nhưng hận, ngờ yếu đuối
một mình thức dậy
lúc sáu rưỡi chiều
con chó hoang bị thương tập tễnh lết đi kiếm miếng nước
ta tìm một câu thơ

 
10/ NGÀY THỨ BA
 
dưới mặt trời tháng Mười Một
dưới những tán cây xà cừ trổ hoa
dưới những xe người yêu chở người yêu
dưới những nghĩa vụ đạo đức, những nguy cơ bị phán xét hoặc chia sẻ
dưới tất cả gánh nặng của một ngày Thứ Ba
không thánh thiện
không thơ mộng
tôi, trái tim đàn bà
trái tim nặng nhọc
một bước đập
một bước đau
tôi khóc người tôi yêu
bằng máu những con tôi chưa ra đời

 
11/ QUẢ TÁO TÍNH TỪ
 
vây quanh nàng
những người đàn bà
Xinh đẹp - Xấu xí
Đức Hạnh - Hư hỏng
Nhu mì - Sắc Sảo
sự im lặng hơn lời lời chửi rủa
vây quanh nàng
những người đàn ông
Thành Đạt - Yếm Thế
Thông Minh - Đần Độn
Cao Thượng- Hèn Hạ
lời ca tụng hơn mọi mù câm
người đàn bà không tính từ che thân
chiếc quan tài bằng kính
nàng đã cắn phải quả táo có hai tính từ
khu rừng
khu rừng phủ đầy mưa Tháng Hai
phủ đầy tiếng gọi cay đắng của sữa non
dưới bóng ngôi nhà có cửa sổ rộng
lũ trẻ trần truồng
khiêng nàng đi tìm một chỗ vấp

 
12/ CON BÊ CON
 
nàng là con bê con
mang cặp mắt bò cái
cơn mưa tinh mơ tháng Bảy
bủa quanh nàng
tiếng vó nặng mùa đông năm ngoái
quánh đặc mùi phân oải và bùn
thịt da mẹ tần tảo thương nàng
họ đối xử bằng roi da, cành cây
bằng xẻng và cán cuốc
bất cứ thứ gì vô tình vớ được
miễn có thể làm nàng chảy máu
mang tình yêu kín đáo- cặp mắt lớn
không chạy trốn, không cả tránh đòn
đôi khi còn cất tiếng rên rỉ
khiến ai nấy hài lòng
nỗi bình thản bướng bỉnh ngân lên trong mỗi nhẫn nhục
sự nhẫn nhục khổng lồ
những người đàn bà ở mảnh đất này cũng không có được
nàng là con bê đau
cứ thấy bóng chiều - tưởng mẹ
cứ thấy khói bếp - tưởng mẹ
cứ nghe tiếng nước chảy - tưởng mẹ
chạy đến một giữa trưa tự biến mình thành một đồng cỏ
dâng lên trong cái nhìn man rợ của chúng tôi

 
13/ MỘT NGÀY THỨC DẬY
(Tặng Phan Thị Vàng Anh)
 
ước
một ngày thức dậy
ban công ngập rác thối
lá non rữa nát
những hoa hồng teo quắt
con chim bên chùa Bà Đá thôi hót
tốt nhất - đã chết
bình nước trên bàn cũng cạn
chuông Nhà Thờ Lớn
câm
ước
một ngày thức dậy
không nụ cười
không cử chỉ tốt
không lời tử tế
không trò đùa dí dỏm
không ánh mắt trong
ước
một ngày thức dậy
thất nghiệp
mồ côi
anh chị em
từ
bạn bè
phản bội
ước
một ngày thức dậy
thân lở loét
mặt biến dạng
mồm nồng nặc hôi
răng rụng
sọ trơ
mắt thủng
chân lìa
tay cụt
ước
một ngày thức dậy
trong trập trùng phỉ nhổ
không tình yêu anh đợi sẵn
tận tuỵ đến sốt tiết
ước
một ngày thức dậy
mà không thể chết
để hết
lười
Sống

 
14KỴ SĨ ĐEN
 
đôi mắt đen
mái tóc đen
cặp đùi thon, ồ, đen rõ là đen
nữ kỵ sĩ đen
mỉm cười dịu hiền trong vũng máu đỏ
- sao nàng cắt cổ ngựa yêu và cắt cổ chính mình?

- ta tìm một hơi ấm

 
15/ GIỮA NHỮNG BẤT ĐỘNG
Tặng anh Nguyễn Quang Thiều
 
buổi chiều Tháng Mười. qua cửa kính tầng tư, có thể thấy những vòm cây sạch sẽ, bất động run rẩy; bầu trời cao xanh, nắng lấp loá khô và bất đông; những đám mây thơm tho, xinh đẹp bất động; những ô cửa sổ cầu kỳ câm lăng; và bằng lớp vữa thiếu xi măng, vỉa hè đang lát lại, màu gạch hồng hoan hỉ, ngỡ mình nối về vẻ đẹp cổ xưa.
chúng ta đang ở rất gần nhau trong căn phòng này, không biết gì về nhiệt độ của đường phố, của hơi thở nhau. giấy tờ nhấp nhô những đồi đá bất tận, chiếc bàn rộng mênh mông- dòng sông không thể vượt qua, và những tờ lịch làm đông lạnh manh nha của những ý tưởng điên rồ (nếu có).
cả anh và em, chúng mình dần trở nên biết điều hơn, như những người rừng trở thành học trò ngoan của xã hội tỉnh lẻ, như những con voi thô vụng đung đưa trong sự cho phép của âm nhạc và dây xích, mục đích mỗi ngày là từng tiếng vỗ tay.
em cứ khóc to lên và hãy mặc kệ anh, với cái cổ họng già nua đã mất khả năng ngân lên những điều tưởng chừng phi lý. em cứ khóc đi, vì những gì em cho là đau khổ hay tồi tệ của người đời. anh có thể nói những điều ấy chẳng đáng gì đâu, nhưng em cứ kiêu hãnh khóc đi, duyên do không phải điều quan trọng.
hãy nhìn kia, phía chân trời nắng oi tin bão lại sắp hiện ra, thay thế sự bất động này bằng một sự bất động dưới cái tên khác.
sẽ mãi mãi xiết quanh hơi thở chúng ta những vòng quay đều đều chuẩn xác của sự bất động
nhưng
trong buổi chiều bất động sáng rực này
em đã khóc oà lên…

 
16/ TRẠI TÂM THẦN
 
nhốt vào đây
những người đàn bà
nghĩ mình là một bông hoa
nghĩ mình là một con cá nhỏ
những người đàn bà sợ nói chuyện với người, chỉ nói chuyện với chim
nhốt vào đây
những người con gái trẻ vừa đan len vừa hát
những người mẹ không thể quên đứa con thơ đã chết
những người yêu không chịu tin tình yêu chỉ là khoảnh khắc
những đứa trẻ lạc lối trong hình hài người lớn
nhốt vào đây
những người đàn ông cười suốt với niềm vui bí mật của mình
những niềm vui không hại gì đến thế giới
nhốt vào đây
những người đàn ông cứ khóc tự do như con trẻ, vì những mất mát chúng ta đã mất mát
nhốt vào đây
những con người hung dữ vì đã chịu quá nhiều hung dữ từ cuộc đời
những người cứ nghe thấy tiếng kêu thét không ngừng nghỉ từ sự cầu an câm lặng của chúng ta
nhốt vào đây
nhốt hết vào đây
những người cứ khóc, cười, sợ hãi, chia sẻ, mơ mộng như chính những gì họ đang cảm thấy
những người không che giấu bản thân
mặc những chiếc blouse trắng sáng, bước chân tự tin
chúng ta săn lùng những kẻ đặc biệt
những kẻ yếu hơn chúng ta vì họ là số ít
không cần nương tay, không cần giải thích
nhốt hết vào đây
nhốt hết vào đây
những kẻ không chấp nhận sống Cuộc- Sống- Chỉ- Một- Lần như cách chúng ta.

 
17HÃY VIẾT MỘT BÀI THƠ
 
khi bạn bị đói, tôi nói
hãy viết một bài thơ
(tôi chỉ thích những bài thơ có vần vèo du dương, từ ngữ trơn nhẫy, hoặc tư duy không ai hiểu, kể cả người viết chúng
thơ phải nhân hậu đồng loạt,
phải "tích cực", "thanh khiết" và "hướng thượng")
khi bạn bị lạm dụng trên giường bệnh viện, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi bạn bị cưỡng hiếp, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi bạn bị đuổi khỏi ngôi nhà của mình, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi con bạn bị bạo hành đến chết, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi xe tăng nghiến lên cơ thể Mẹ bạn, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi bạn thống khổ, chỉ muốn tự tử, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi một nhà thơ vì thơ mà bị đánh giữa đường, tôi nói
hãy viết một bài thơ
khi sự thật bị tráo đổi, nhân tính bị nhạo báng, tôi nói
hãy viết một bài thơ
Thơ là Cái Đẹp,
"Cái Đẹp sẽ cứu thế giới”
Thơ sẽ sống
sẽ lên tiếng
sẽ trả giá cho phẩm giá
Thơ, không phải chúng ta.
khi Ngôn Ngữ đã mất hết máu, tôi nói
hãy viết một bài thơ
rồi, tôi im lặng.

 
18/ NGỦ CÙNG ĐỨC PHẬT
 
Đức Phật nằm bên tôi
bàn tay Người đậu hờ trên chiếu
búp sen đong đầy ánh sáng huyền diệu
ngón sen chỉ trăng
vẫn còn dư hương bữa bún chả tối qua
một chân Người gác lên ngực tôi
móng ngón cái có vết sứt nhỏ
ngây ngất mùi mồ hôi trộn đất vườn chưa rửa sạch khỏi kẽ gót chân son
Đức Phật nằm bên tôi
tiếng hơi thở Người tựa vô tận sóng, bao bọc quanh tôi đại dương những vô cùng Biết - Chưa Biết
đôi môi linh thiêng hiền hoà hé mở, mùi Giác Ngộ? mùi Nhựa Cây? mùi Sữa Mẹ?
Người ngủ cùng tất cả tâm trí và xác thân
vô thường và giả mượn
không gian này, duyên kiếp này, satna này
giấc ngủ uyên nguyên một mộng mơ tỉnh thức
tròn, lặng
một giọt sương.
Đức Phật nằm bên tôi
gương mặt vị tha, thấu suốt của Người kiên nhẫn hướng về tôi - một con người chẳng có gì đặc biệt
Ánh sáng toả ra từ Người dịu hiền vẫy gọi mà tôi ngây ngô không sao chạm tới được
Người hiển lộ hương sen chân thật vô lượng khắp 3000 thế giới
mà sao tôi vẫn khư khư u phiền thân xác một kiếp người
 
(Thơ Phương- một số bài gửi nhà thơ Nguyễn Đức Tùng)

READ MORE - GIỚI THIỆU THƠ DẠ THẢO PHƯƠNG - Nguyễn Đức Tùng