Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 4, 2024

Ca khúc ĐÁ VÀNG - Thơ: Hồng Khắc Kim Mai - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Giọng ca: Quang Dũng

 
 
 
 

Gởi từ:  phamanhdung1@gmail.com
Đá Vàng

Thơ Hồng Khắc Kim Mai
 

 

Khi anh đến vầng trăng còn non
Tiếng em cười dòn
Mắt em trong như sao tỏ
Em đâu ngờ anh đã thương em

Khi anh đến vầng trăng còn xanh
Mắt em long lanh
Đất với trời chợt rạng rỡ
Anh đâu ngờ đá biến thành thơ

Lá trên rừng mừng quên đi ngủ
Suối trên rừng ngừng nghe bước em
Mai trên rừng, mai trên rừng
Và đá trên rừng cũng đã yêu em

Yêu em từ kiếp nào
Yêu em từ tiền kiếp xưa
Này em hỡi, em biết chưa?
Hỡi em, em biết chưa? 

READ MORE - Ca khúc ĐÁ VÀNG - Thơ: Hồng Khắc Kim Mai - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Giọng ca: Quang Dũng

Chùm ảnh HOA THỦY TIÊN VÀNG ĐÀI LOAN - Chu Vương Miện

 






READ MORE - Chùm ảnh HOA THỦY TIÊN VÀNG ĐÀI LOAN - Chu Vương Miện

Truyện thiếu nhi NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ: - 9. BẤT HẠNH - Ngọc Châu



 9-BẤT HẠNH

 

Xin các "ông Kẹ" hãy coi chừng. Quỷ có thể ngủ yên một thời gian nào đó, khi mà các ngài không để xảy ra sơ suất gì. Còn nếu để cho quỷ có cơ hội thì lập tức nó nói "gút bai nhé!" và chuồn tắp lự.

Bà phù thuỷ ngái ngủ coi giữ nó cẩn thận được chừng dăm trăm năm, sau đó thì bà già đi, mệt mỏi, hay buồn ngủ và thế là phải đi ngủ. Bà đi ngủ là phải vì càng về sau này càng ít có người học nghề phù thuỷ, cũng ít người tin là có các bà phù thuỷ nữa cơ. Làm công việc gì người ta không biết đến, ít có người quan tâm, thì ai mà chẳng muốn quẳng tất để đi ngủ cho khoẻ.

Tuy nhiên bà Phù thuỷ ngái ngủ vẫn hy vọng rằng giấc ngủ sẽ làm cho bà chậm già thêm, khi tỉnh giấc biết đâu chẳng là lúc có người lại cần đến mình.

Cũng chẳng nên trách bà ta làm gì, vì ít ra thì thứ rêu tiên rêu quỷ gì đó đã bị bỏ hoang không ai trồng cấy, trong khi con quỷ Đen còn bị xích trong chiếc bị. Giả thử nó xổng ra sớm hơn thì không biết trên thế gian này đã có thêm bao nhiêu "lâm trường", ma quỷ gấp hàng ngàn lần các khu "Tam giác vàng, Tam giác bạc..." và ít nhất phải có một phần tư nhân loại xài thứ "rêu tiên" đó thay cho cà phê hay tích nuớc trà mỗi ngày.

Thằng bé con chị "bánh sừng bò" được đi học bình thường, không phải lo lắng gì khi mẹ nó có công ăn việc làm ở xưởng của Mũi-cà-tím. Nửa năm sau khi đi làm, mẹ nó bán căn nhà ngói với mảnh vườn nhỏ, mua ngôi nhà khác cũng nho nhỏ như vậy ở trên thị xã cho gần nơi làm việc. Thằng bé phải chuyển trường, khi chia tay với lũ bạn "bánh sừng bò, nhảy lò cò, con ông Xã Xệ..." ngày nào, mắt cu cậu đỏ hoe hoét, mũi thì sụt sịt. Chẳng còn dám hứa khi nào đó sẽ mời tụi chúng ăn một bữa bánh lòi kèn như ngày xưa.

Bây giờ thỉnh thoảng chủ công ty bánh ngọt "Hết Ý" lại cho anh tài-xế đưa xe đón nó đến ăn cơm với mẹ, vì mẹ nó bận việc không thể bỏ đấy để về nhà nấu cơm. Nó vẫn ghét lão ta nên chỉ khi ở nhà hết nhẵn các loại cơm nguội cơm ngặm cu cậu mới chịu đi, nhưng ăn xong thì chạy bộ về nhà luôn, rất hiếm khi ở lâu lâu với mẹ trong căn nhà tiện nghi ngay cạnh xưởng làm bánh ngọt.

Nó vẫn là đứa trẻ con nên không biết rằng, không nên bỏ mặc mẹ mình trong phạm vi bao vây của Mũi-cà-tím, trong khi mẹ nó là người đàn bà góa còn trẻ đẹp. Thằng bé thường mải chơi với tụi bạn mới, chơi Game, chát chít là những thứ mới mẻ nhưng đầy hấp dẫn ở thị xã.

- "Sừng bò" ơi! Bánh của mẹ mày làm ngon nhỉ. - Dù chuyển truờng chưa lâu nhưng lũ bạn mới đều biết rằng, mẹ nó là cố vấn món bánh sừng bò cho công ty bánh ngọt "Hết Ý", trẻ con vốn thích đặt biệt danh cho nhau nên chúng toàn gọi thằng bé mới đến bằng cái tên như  vậy.

- Mà tao ăn nó thấy còn khoái hơn bánh ngày xưa, khi lão Mũi-cà-tím đưa xe đi chở ở đâu về. Mẹ tao bảo hồi ấy lão lấy cất của mẹ mày lên bán ở đây, đúng không mày?

Thằng bé chưa kịp trả lời thì đứa khác đã rủ:

- Thằng Tho nó bảo có một quán cà phê vườn mới mở, có thứ bánh còn ngon hơn nữa cơ. Chúng mình đến đấy mua ăn thử đi.

- Thằng Tho nào? - Một đứa hỏi.

- Thằng Tho "gộc" em anh Thơm, anh nó mặc áo số 10 đội bóng đá truờng mình. Nhưng thằng Tho bỏ học từ đầu năm ngoái, truớc nó chả học ở lớp mình, là thằng cao nhất lớp là gì?

- Bây giờ nó bưng bê ở quán ấy đấy - vẫn thằng bé vừa rủ bạn tên là Tươi nói tiếp - Nó nói hình như quán Cà phê Vườn cũng là của lão Mũi-cà-tím vì thấy lão hay đến đấy lắm, thì thụt gì với cái bà chủ quán.

- Đừng ăn bánh ấy chúng mày ạ - thằng lớp truởng can - Bố tao bảo có khi nó cho chất gì vào bánh, làm người ăn bị nghiện đấy.

- Thế á? - Mấy đứa trẻ nhao nhao.

- Có phải vậy không hở "Sừng bò"?- Chúng quay sang hỏi con bà làm bánh, chẳng gì thằng này cũng phải biết hơn tụi chúng, bọn trẻ nghĩ vậy.

Có điều thằng bạn mới của chúng cũng chẳng biết gì hơn. Chuyện ngày xưa thì mẹ nó đã đe "cấm không kể với ai về bà Phù thuỷ ngái ngủ với quỷ ma gì nhá". Thằng bé chỉ biết mẹ mình được bà Phù thuỷ cho một ve thuỷ tinh nhỏ, đựng keo nha địa y, nhưng làm như thế nào để thành bánh ngon nổi tiếng thì nó đâu có biết, mẹ nó trộn bột với nặn nướng bánh toàn vào lúc nó đang ngáy kho kho ở trên giường. Giờ thì càng mù tịt vì bánh làm ở xưởng, nó cũng chẳng hay ăn như ngày xưa vì  đó là bánh "Hết Ý" của lão Mũi-cà-tím.

Hôm đó thày giáo chỉ dạy được hai tiết rồi phải lên Phòng Hội đồng xin Hiệu  trưởng cho nghỉ vì thày bị đau bụng, không thể nào giảng tiếp được nữa. Thày cứ ân hận vì nể ông bạn làm nghề xây dựng mời mọc, chót làm tí tửu với đĩa tiết canh sáng nay. Thày buồn vì phải bỏ dở buổi dạy nhưng trò thì chẳng đứa nào buồn, đa số bọn chúng còn thấy sướng là khác.

- Chơi Game đi chúng mày ơi! - Bọn con gái rủ nhau.

- Game, Game, bay ơi! - Lũ con trai cũng khoái trò này.

- Chúng mày ơi, đến quán thằng Tho ăn sừng bò "Hết Ý" đi! - Đấy là thằng Tươi rủ các bạn - Tiền tao định nhét lợn nhưng hôm nay chén đã, khao được hai suất nhé, đứa nào ăn thì đi.

Ba bốn đứa đi theo thằng Tươi, chúng lôi cả "Sừng bò" đi theo. Thằng bé thực lòng không muốn ăn bánh "Hết Ý", nó rất khó chịu khi phải nhìn cái mũi to và tím như quả cà dái dê của lão chủ công ty bánh ngọt. Hồi này mẹ nó hình như không khó chịu với lão ta nữa, có lẽ vì lão giả lương cao cho mẹ, nhưng nó thì vẫn không ưa. Hai bộ quần áo mới mẹ nó mang về, ban đầu Sừng bò thích quá mặc ngay, nhưng sau nghe anh tài-xế nói là Mũi-cà-tím đưa tiền cho anh ấy đi mua cho nó, thì cu cậu dứt khoát không mặc thêm lần nào.

Về nhà bây giờ thật chán, chẳng có ai mà chơi. Ở ngôi nhà cũ thỉnh thoảng  cô dê vẹo sừng với con mèo cụt mẩu đuôi, mắt xanh lè, kéo cả gà trống sứt mào còn đến đấu võ mỏ, võ mồm ở mảnh vuờn nhỏ nhà nó. Về sau chúng càng ngày càng ít đến, có lẽ vì mẹ con nó đã hết thứ bánh sừng bò làm bằng keo địa y nha của bà Phù thuỷ ngái ngủ.

Lúc này mẹ nó đang ở xưởng làm bánh, đễn chỗ ấy thì thể nào cũng gặp lão  ta nên thằng bé ngần ngừ rồi đi theo bọn thằng Tươi. Hôm ấy nó đã ăn thử bánh ở quán Cà phê Vuờn vì thằng Tho đem ra cho nó bốn cái bánh "miễn phí", khi thằng Tươi khoe với bà chủ quán, cũng còn khá trẻ,  rằng nó là con của bà 'Bánh sừng bò". Ban đầu thằng bé không muốn ăn, cũng không muốn nhận, nhưng bọn đi cùng thì lập tức chộp lấy.

- Nó không ăn thì chúng mình ăn, thằng Tho nó bảo là miễn phí cơ mà - Cu Tuơi đúng là tươi hơn hớn, chí ít thì chưa phải đụng đến tiền nhét lợn của nó!

- Nhưng 'Sừng bò" nó không ăn nhỡ thằng Tho đòi tiền thì sao? - Đứa hỏi câu này tỏ ra là thằng bé cẩn thận ra phết.

Nghe bọn bạn nói thế nó đành bẻ một mẩu bánh, ăn cho chúng yên chí - tính nó xưa nay vốn cả nể và chiều lòng bạn. Nó thấy dẫu bánh ở đâu thì cũng chẳng bằng "bánh sừng bò, nhảy lò cò..." của nhà nó ngày xưa.

Chẳng hiểu vì lí do gì mà từ sau hôm ấy thằng Tho sáng nào cũng mang bánh ở quán nó đến cho "Sừng bò". Suốt hai tuần liền. Nó chờ ở cổng truờng, lén lút nhét bánh vào tay thằng bé và bảo "mẹ mày bảo đem đến, sợ mày chưa ăn sáng."

- Tao phải về đây, mụ Kẹ coi quán thần nanh đỏ mỏ lắm! - Nó nói thế rồi hối hả chạy đi. Thằng này chạy khá nhanh,  chẳng kém gì anh Thơm nó mang áo số 10, giữ vị trí tiền đạo trong đội bóng nhà truờng. Nhưng giá "Sừng bò" để ý quan sát một tí, sẽ thấy một điều kì lạ là dù bước chạy của nó trông có vẻ nhẹ nhàng với đôi giày ba-ta, thế mà vẫn để lại vết móng guốc mờ mờ, nhất là ở nơi đất ẩm.

Mẹ "Sừng bò" hồi này đến xưởng khá sớm, lúc nó còn đang ngủ, nghe nói mới đuợc tăng lương nên phải trách nhiệm hơn. Thỉnh thoảng có đêm còn không về nhà, chỉ gọi điện bảo nó đến ngủ với mẹ. Nó không đến, đêm đầu ngủ một mình cũng kinh kinh, cu cậu nhâm nhẩm trong mồm "Dê vẹo sừng ơi, mèo cụt đuôi ơi, đến đây với tao đi!". Mãi chẳng thấy con nào đến, rồi nó ngủ thiếp đi, dần dà cũng quen với việc mẹ bận buổi tối, tuần nào cũng có một hai buổi phải ngủ lại ở căn phòng bên cạnh xưởng.

"Sừng bò" mấy lần định hỏi mẹ về chuyện thằng Tho mang bánh đến cho nó vào buổi sáng, có phải là do mẹ nó bảo thật không. Nhưng rồi cả tháng vẫn không hỏi được, lúc muốn hỏi thì mẹ không có nhà, lúc gặp mẹ thì nó quên hay mải chuyện gì đó. Những hôm đầu thằng bé không muốn ăn, đưa cho đứa khác nhưng thường cũng phải ăn một mẩu với chúng cho vui. Dần dà khi cầm bánh,  nó ăn và không nhớ đến cái mũi cà tím nữa, "cũng là bánh của mẹ làm mà" - Cu cậu nghĩ vậy, rồi nó tự mua khi thằng Tho bận việc gì đó không thấy mang bánh đến nữa.

Không chỉ mình "Sừng bò" ăn sáng bằng bánh ấy. Khá nhiều đứa học trò khác cũng ăn.

- Mẹ mày mua bánh ở đâu đấy? - Chúng vừa nhai cắn bánh vừa đá cầu, mà vẫn hỏi được nhau.

- Mẹ tao mua ở quầy ngay cạnh xưởng bánh "Hết Ý", nóng ròn nhá!

- Ơ, thế thì mốc ngon bằng của tao, đây này, cắn mà xem. Phải mua ở quán Cà phê Vuờn mới là bánh xịn nhá!

- Sao lại thế?

- Đúng thế đấy - thằng Tươi xen vào giải thích. Nhiều người bảo chủ quán muốn kéo khách nên bắt Mũi-cà-tím làm riêng cho loại bánh thật ngon.

- Cóc phải làm riêng - có đứa cãi lại - cho thêm cái gì ấy.

- Thêm cái gì vào thì bánh ngon hơn, "Sừng bò" ơi?- Bọn chúng quay sang hỏi thằng con bà "Bánh sừng bò" vì rõ ràng nó phải biết hơn tất cả.

Chúng thất vọng khi thấy ngay thằng "Sừng bò' cũng mít đặc, tỏ ra chẳng biết cái gì sất. Trẻ con thì nhiều thứ không biết là chuyện bình thường, nhưng lí do bánh sừng bò ở quán Cà phê Vuờn ngon hơn nơi khác, mà không biết được thật tức ơi là tức!

Lại một buổi nữa thày giáo lớp nó bỏ dở buổi dạy vì ngộ độc thực phẩm. Hãy liệu đấy với thực phẩm ngày nay. Chúng nuôi cho người ta sống, làm việc, rồi đi đan-xing vui vẻ vào giờ nghỉ. Nhưng chúng cũng có thể cho người ta nằm cáng vào bệnh viện, thậm chí còn xuống tận nơi mát mẻ mãi mãi!

Được nghỉ sớm hai tiết nên mấy đứa lại kéo nhau đến quán thằng Tho. Có điều lạ là thằng này chẳng có vẻ gì săn đón hoặc hồ hởi với 'Sừng bò" như đáng lẽ phải có. Chẳng gì chúng cũng gặp nhau hàng sáng đến hai tuần liền cơ mà!

Chuyện chưa dừng ở đó. Thằng bé còn nghe thấy bà chủ quán Cà phê Vườn nói xấu mẹ nó với hai ông khách uống cà phê, hệt như nó không có đấy, hoặc coi nó chỉ là con của bà Mẹ Mìn nào khác.

- Lão sắp cưới con mẹ "Bánh sừng bò" làm vợ hai, vợ ba gì đấy - Bà ta nói.

- Lão nào? - Một ông khách đặt li cà phê xuống bàn, hỏi bà chủ quán.

- Mũi-cà-tím chứ lão nào. Ai còn lạ gì lão ta. Trông thấy đàn bà được mắt một tí là cái mũi cà dái dê của lão chuyển sang màu cà chua ương ngay!

- Sao bảo lão có cô bồ hay vợ hai kiêm thư kí rồi cơ mà?

- Cho nghỉ rồi, sắp tuyển người khác. Nghe nói "Bánh sừng bò" đặt điều kiện phải tuyển nam thư kí thì mới đồng ý - chủ quán nói - Vẽ chuyện!- bà trẻ này hắt vèo cốc nước qua cửa sổ ra vườn, tí nữa thì vào ngực thằng Tho bê khay đi ngang - Mấy tháng nay tuần nào lão chả rủ mụ ở lại hú hí vài đêm với nhau ở căn nhà nhỏ cạnh xưởng bánh sừng bò...

Thằng bé không thể nghe thêm được nữa, nó bỏ chạy thẳng về nhà, mặc cho hai ba thằng bạn cùng lớp hốt hoảng đuổi theo. Đám bạn của nó đang mải mua và ăn ở quầy bánh nho nhỏ ngay sát cổng vào vườn, hình như không đứa nào để ý đến câu chuyện của bà chủ quán nói với khách ở trong nhà.

Mắt "Sừng bò" đỏ nhưng nó không thể khóc được. Thằng bé đang nằm trong nhà mình, choáng váng. Hoá ra là như thế. Sao nó lại không lo đến chuyện ấy nhỉ?! Hay mụ chủ quán Cà phê Vườn ghen ghét gì mẹ nó nên nói láo?

Thằng bé chồm dậy, định chạy đến xưởng để hỏi mẹ, xem có đúng thế không nhưng chạy ra đến cổng thì nó sững lại. Trời đã sẩm tối, có thể chỉ tí nữa là mẹ nó về đến nhà, nhiều hôm đi trên xe của Mũi-cà-tím nhưng chỉ có anh tài-xế và mẹ nó, nói là xe có việc đi qua nên ngồi nhờ cho nhanh. Sao truớc nó chẳng bao giờ để tâm đến việc ấy nhỉ?

Đúng thế rồi, mụ Cà phê Vườn không nói sai đâu. Lâu nay mẹ nó hay ở lại xưởng ban đêm, có một hôm mẹ gọi điện về bảo nó đến ngủ với mẹ, nó bảo không đến đâu nhưng rồi nghĩ sao lại đến. Đến thì thấy mẹ không bận việc gì cả, hình như vừa tắm xong, đã mặc quần áo mỏng chuẩn bị đi ngủ. Nó định chạy vào ôm mẹ thì chợt nhìn thấy Mũi-cà-tím tay cầm quyển sổ đang đọc ghi cái gì đấy ở một góc phòng, thế là nó lẻn đi và chạy về nhà luôn.

Hôm ấy nó chả nghĩ ngợi gì, chỉ thấy ghét mặt Mũi-cà-tím nên không muốn gặp hắn thôi. Nhưng bây giờ nghĩ lại thì hoá ra là như thế, vậy ra chủ quán Cà phê Vuờn nói không sai đâu.

Tự dưng thằng bé muốn chết quá. Chết đi để không phải thấy mẹ nó làm vợ hai vợ ba gì đấy của Mũi-cà-tím. Khi chết thì người ta đi đâu nhỉ? Sau này có còn được gặp mẹ nó nữa không? Ôi, giá bây giờ bà Phù thuỷ ngái ngủ thức dậy thì hay biết mấy, nó chỉ còn biết trông mong vào mỗi bà ấy nữa thôi.

Thằng bé nhìn vào bóng bình hoa in ở trên tường, bình hoa lúc trưa nó đã quăng chiếc cặp vào, tí nữa thì rơi xuống đất, bây giờ nó chắn sát cây đèn ở bàn học nên bóng nó phóng lên tuờng to tướng. Lạ chưa kìa! Cái bóng bỗng hiện thành hình người, giống như bà Phù thuỷ ngái ngủ. Đúng rồi, không sai, đúng bà ấy rồi!

Bà Phù thuỷ không mang bị, cũng không có con dê đen vẹo sừng đi kèm. Nhưng chắc chắn là bà ấy rồi, cái mũi khoằm khoằm kia thì nó không thể nhầm được, chắc bà vội đến gặp nó nên không kịp mang bị theo.

Không còn gì mừng hơn nữa. Mọi nỗi buồn đau của thằng bé biến đi sạch, đến nỗi sau đó nó ngớ ra, không nhớ lúc nãy mình muốn bà ấy tỉnh dậy để hỏi chuyện gì. Nó vội vàng nhỏm lên:

- Bà ơi, đúng là bà đấy hả? Cái bị ngũ sắc đan bằng vỏ cây gai mèo của bà đâu hả bà? - Nó còn định hỏi gì nữa cơ, nếu như cái bóng không làu bàu với giọng hơi the thé:

- Quỷ cha, ma mẹ... Cho cái lưỡi mày...-  Đột ngột cái bóng thôi không nói nữa. Cũng không bước hẳn ra ngoài tường, để cho thằng bé thấy được mọi phía như khi nó gặp bà Phù thuỷ ngái ngủ lần đầu ở Nghĩa địa lính. Nó chợt nhìn thấy hình như có cái đuôi con dê thò ra, chắc cô dê vẹo sừng nấp phía sau bà ấy. Không, không phải đuôi dê mà giống như đuôi con rắn. Thằng bé đưa tay lên dụi mắt để nhìn cho rõ hơn, dụi xong thì không thấy cái đuôi ấy đâu cả.

- Nghe bà nói đây - Bà Phù thuỷ lại nói với nó nhưng giọng không the thé nữa - Chuyện con quỷ xổng xích bà biết rồi, cho cái lưỡi nghỉ..., à không,  không cần phải kể dài dòng. Bây giờ có phải cháu  đang muốn có ve keo nha thuỷ tinh phải không?

- Ve keo nha? - Thằng bé hỏi - Nó sực nhớ đến chuyện con quỷ làm hỏng ve keo nha địa y của bà Phù thuỷ cho hai mẹ con. Chính vì ve keo ấy bị hỏng mà mẹ nó đành phải đi làm thuê cho Mũi-cà-tím, rồi mới... Thế mà suýt nữa nó quên mất chuyện ấy. Bây giờ nếu có ve keo mới, thì hai mẹ con nó lại có thể làm "bánh sừng bò, nhảy lò cò" để bán, bán ít thôi cũng được nhưng chẳng cần đi làm cho lão ta nữa. Sao nó không nghĩ ra ngay. Đúng rồi, thế thì mẹ nó mới không phải làm vợ hai ba gì đó cho Mũi-cà-tím.

- Vâng, vâng - Thằng bé nói vội nói vàng, đầu gật lia lịa - Bà cho cháu ve keo mới bà nhá...

- Ba ba... Cho cái lưỡi mày..., à không, không... cho ngay đây, không phải nói nữa. Dặn đây này, nếu chưa làm bánh thì hít một tí hoặc chấm đầu que tăm nhỏ quết vào lưỡi cũng lên tiê.. à, cũng hay lắm đấy. Nhớ chưa?

Một ve thuỷ tinh nhỏ bỗng dưng xuất hiện trên tay thằng bé. Cái bóng trên tường lại trở về là bóng chiếc bình hoa nhựa, chỉ còn nghe thấy vài tiếng "be, be, kẹ kẹ" gì đấy vọng lại. Chắc là con dê của bà Phù thuỷ ngái ngủ kêu ở ngoài vườn, nó ló đầu nhìn ra ngoài qua cửa sổ nhưng ngoài vườn tối đen tối mò, lặng yên, chỉ có tiếng dế kêu khe khẽ.

Thằng bé cầm chiếc ve con trong tay ngắm nghía. Truớc kia bà ấy cũng cho mẹ nó một ve thuỷ tinh, giống như ve này nhưng nó chưa bao giờ được cầm ve keo địa y nha ấy trên tay. Do mẹ nó nhớ lời dặn của bà Phù thuỷ "nhắc thằng bé đừng để con quỷ chạm vào thứ nước trong ve" mà cẩn thận thế chăng?

Nó muốn chạy ngay đễn chỗ mẹ để khoe ve thuỷ tinh. Không, không được để ai nhìn thấy mẹ con nó có ve địa y nha này. Nó nhớ ra điều ấy nên loay hoay tìm chỗ cất ve địa y nha vào trong tủ, tuy vậy truớc khi cất thằng bé không cưỡng lại được nỗi tò mò.

- Lúc nãy bà Phù thuỷ bảo nếu chưa làm bánh thì hít một tí hoặc chấm đầu que tăm nhỏ quết vào lưỡi cũng hay lắm đấy - nó buột mồm nói một mình - Hay mình thử một tí xem sao.

Thằng bé thận trọng xoay mãi, xoay mãi cái nắp ve nhỏ tí xíu rồi mở được ra. Đưa lên gần mũi đã thấy bốc ra mùi thơm hăng hắc, nó chỉ dám ngửi một tí rồi thận trọng xoáy chặt trở lại cái nắp ve, cho vào một hộp sắt tròn nhỏ, lại cho hộp tròn nhỏ ấy vào chiếc hộp hình chữ nhật to cũng bằng sắt, truớc đựng bánh quy mà mẹ nó mang từ xưởng về nhà đợt tết vừa rồi. Cuối cùng nó đặt chiếc hộp to  ấy vào một góc tủ, lấy chiếc chăn mỏng đã gấp sẵn phủ lên trên rồi đóng cánh cửa tủ.

Chưa kịp khoá tủ thì thằng bé con chị "Bánh sừng bò'" bỗng nhiên thấy nó với mẹ nó đang bê hai rổ bánh sừng bò nóng hổi, từ gian nướng bánh ra cho lũ bạn "nhảy lò cò, con ông Xã Xệ...", đứng ngồi lộn xộn ở ngoài sân của ngôi nhà xinh xinh có vườn cây nho nhỏ ngày xưa. Cả bọn đua nhau ăn rồi mỗi đứa cầm một chiếc trên tay lò cò đuổi bắt, vỗ vào rốn nhau.

Chính nó cũng tham gia vào đám nhảy lò cò, vừa nhảy vừa hát rống cò ke:

Bánh sừng bò

Bánh sừng bò

Nhảy lò cò

Chén thật no

Bụng đứa nào to

Con ông Xã Xệ...

Nó đuổi kịp cái Hon, vỗ vào rốn nó một cái khiến con bé ngồi sụp xuống đất,  cười như nắc nẻ.

Bỗng thằng Tí, thằng Toe cùng kêu lên:

- Mũi-cà-tím kìa, chúng bay ơi!  Nó định lấy hết bánh sừng bò đấy. Lấy cà chua thối ném bỏ xừ nó đi!

Cả bọn chúng xô ra hai luống cà chua mẹ nó trồng truớc cửa nhà, đứa thì nhặt quả thối, đứa hái quả chín đỏ, có đứa hái cả quả xanh, xô nhau ra ném túi bụi vào lão chủ hiệu bánh, khiến lão hốt hoảng chạy xô chạy dạt về phía chiếc xe ô tô đỗ ở xa xa…

Thằng bé chợt lại thấy mình đang đứng ở bên cạnh chiếc tủ còn chưa sập khoá, ở trong ngôi nhà trên thị xã mà không phải là ngôi nhà truớc kia. Vừa bàng hoàng, vừa kinh ngạc, nó không thể hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

- Mình vừa thấy gì thế nhỉ, thấy gì thế nhỉ?! - cu cậu cứ lẩm bẩm trong mồm rồi bỗng nhớ ra chuyện bà Phù thuỷ ngái ngủ vừa hiện ra cho ve keo địa y nha. Nó cuống quít mở tủ lật chiếc chăn, lôi hộp sắt chữ nhật mở ra, mở tiếp hộp sắt nhỏ hình tròn thì thấy ve thuỷ tinh vẫn còn nguyên đấy.

Năm ấy thằng bé mới mười tuổi. Giá như nó lớn hơn chút nữa hoặc chịu khó lưu tâm quan sát thì có thể nhận ra một số điều bất bình thường. Bởi vì cái bóng hiện ra trên tường không phải là bà Phù thuỷ ngái ngủ, và người đưa bánh đến cho nó hai tuần liền vào mỗi buổi sáng, cũng không phải là thằng Tho.

Đó chính là con quỷ Đen. Quỷ với yêu tinh thì vẫn nổi tiếng là quỷ quái, ranh ma nhưng chúng không bao giờ có được tính cẩn thận hoặc chi tiết như con người đâu.

Lũ chúng có thể biến ra cái nọ cái chai để đánh lừa người ta, nhưng vẫn hay để lộ những chi tiết khiến ai tinh ý có thể nhận thấy. Chả nói đâu xa, ngay con khỉ trong truyện Tây Du kí, khi bị Thiên binh Thiên tuớng truy đuổi đã biến ra ngôi miếu để đánh lừa Nhị Lang thần, còn lại cái đuôi vướng víu nó chẳng nghĩ ngợi gì, biến luôn thành ngọn cờ!

Chẳng có ai cắm cờ ở đằng sau miếu bao giờ, nên Nhị Lang thần phát hiện ra ngay cái miếu là giả mạo, táng cho một truỳ khiến con khỉ phải chạy bán sống bán chết! Quỷ đen cũng thế, biến ra thằng Tho đem bánh có pha chất gây nghiện đến cho thằng bé, nhưng khi chạy vẫn để lại vết móng guốc của loài trâu bò. Biến ra bà Phù thuỷ ngái ngủ nhưng thỉnh thoảng lại để cái đuôi rắn mai hoa ló ra, không kể việc nó quen mồm định bảo thằng bé "cho cái lưỡi mày nghỉ đi" với câu đệm "ba ba, kẹ kẹ..." Chính nhờ lũ ma quỷ vẫn có những sơ suất, mà người ta phát hiện được ra mưu mô của chúng, có thể kịp thời ngăn chặn hoặc làm giảm thiểu tai họa chúng định gây ra.

Khốn nỗi con bà "Bánh sừng bò" chỉ là một thằng bé hiền lành, quý bạn và cả nể nên mới dễ dàng bị con quỷ đánh lừa. Bất hạnh của trẻ con là ở những truờng hợp như vậy.

 (Còn tiếp)

NGỌC CHÂU

READ MORE - Truyện thiếu nhi NGƯỜI MẸ VÀ CON QUỶ: - 9. BẤT HẠNH - Ngọc Châu