|
Nhà thơ NGUYỆT QUẾ |
Cách đây hai tuần, Nguyệt Quế đã ghé lại nhà
tôi tại Thị xã Tây Ninh và trao tặng tập
thơ thứ hai của cô: TÓC RAU HẸ. Thật mừng cho Quế bởi vì tập thơ này cũng chính
là một sự khẳng định rõ ràng là cô đã vượt qua những hạn chế của tình trạng
bệnh tật để tiếp tục bước trên con đường của mình một cách rất vững vàng.
Vâng! Cái mạch
cảm xúc từ một cõi trăng ngân hình thành năm năm về trước đã được nối tiếp với
hình ảnh thân thương của một lọai rau đặc sản của vùng quê Gò Chùa - Xóm Mía
của cô: Rau hẹ.
Với Nguyệt Quế,
cây hẹ chính là hình ảnh của quê hương, tóc lá hẹ là những dòng tóc dài. Mềm
mại chảy xuống đôi bờ vai của những thiếu nữ quê nhà trong đó tất nhiên là có
mái tóc của bà, của mẹ cô và của chính
cô thời xuân sắc.Với hình ảnh cây hẹ đơn sơ, mộc mạc trên những, thửa đất rẩy
êm đềm dước bóng mát ngôi chùa Cao Sơn cổ kính, Nguyệt Quế còn ấp ủ trong tận
nơi sâu lắng nhất của lòng mình cái tình yêu rất đổi thiêng liêng đối với mảnh
đất chôn nhau, cắt rốn của mình.
Là một người
làm thơ, một người bạn thơ, tôi muốn trình bày sau đây một vài cảm nhận của
mình khi đọc “Tóc rau hẹ” của Nguyệt Quế. Chỉ một vài cảm nhận thật khái quát
mà thôi!
Nguyệt Quế là một
trong những cây bút nữ hiếm hoi ở Tây Ninh được người yêu thơ chú ý. Là một
giáo viên đã về hưu tức là Quế không còn trẻ nữa. Thế nhưng thơ của cô không hề
hằn lên những nếp nhăn của tuổi đời chồng chất mà trái lại nó rất trẻ, trẻ từ
trong ý nghĩ, đến những từ ngữ, hình thức mà cô sử dụng. Bản chất của cô từ khi
chấp chửng bước vào thơ cho đến nay là chân tình, giản dị và dạt dào những cảm
xúc rất nữ tính. Nó tóat lên vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ đất phương Nam. Cô
không hề tạo nên một sự lập dị nào cũng không hề tạo cho mình một thế giới nào
có vẻ bí ẩn, lạ lùng chỉ có mỗi riêng cô là có quyền đặc chân đến. Đó là cái
điều mà một số người làm thơ hiện nay đang làm để rồi vô tình biến mớ ngôn ngữ
của họ trở thành một thứ vật chất không hồn. Người ta đọc thơ mình mà không
biết mình muốn nói đến điều gì, thế thì mình làm thơ để làm gì? Điều đó theo
tôi không phải là một sự khám phá, một sự tìm tòi mới lạ nào cả! Khám phá cái
gì? Mới lạ chỗ nào mà sau khi đọc những dòng chữ gọi là thơ ấy xong, người đọc
đành thất vọng, lắc đầu và than thờ: Mình đọc thơ mà chẳng thấy thơ ở đâu cả!
“Tóc lá hẹ” của
Nguyệt Quế hôm nay là một chuổi nối tiếp
những âm thanh của vầng trăng ngày trước. Những âm thanh không hề co cụm lại
trong một phạm vi cố định nào mà nó dạt dào hơn, thanh thóat hơn, cô đọng hơn,
sâu lắng hơn và ngân xa hơn.
Bài thơ đầu tiên
của Nguyệt Quế mà tôi đã đọc đi,
đọc lại nhiều lần: Lá, chỉ có một từ Lá thôi vậy mà sức gợi cảm lại mang cấp số
nhân: Từ những chiếc lá khô âm thầm rơi trong đêm, rơi vào nỗi nhớ. Cái âm
thanh rất thầm đó ru cô vào những kỷ niệm đã xa.
“Lá ngủ trên tay
Đêm dài mộng mị
Người chưa trở lại
Lá phai xuân thì..”
Êm êm như thế, du
dương như thế mà lại dễ nhập vào cái cảm giác man mác, bâng khuâng khi mộng đã
trôi qua.
Ảo
ảnh tan đi
Lá như bở ngỡ…”
Bài thơ mang cái
tựa“Không đề” nhưng vẫn ấp ủ những gì mà tác giả muốn nói đến đó chính là cái
hình bóng quê nhà miên man trong ký ức. Bài thơ mang hơi hướng Đường luật nhưng
hòan tòan không cũ:
“Man
mác trầu xanh buồn lá úa
Ngậm ngùi cao rụng nhớ vườn xưa
Rưng rưng tiếng dế bờ ao cũ
Gối đá mơ màng bóng nguyệt xưa”
Điều đáng trân
trọng nhất ở Nguyệt Quế là một điều hòan tòan khác hẳn với khuynh hướng của
giới trẻ hiện nay: Giới trẻ họ chỉ loay quay với mớ từ ngữ đã quá sáo mòn, nhàm
chán như hẹn hò, gian dối, dỗi hờn, yêu đương, nhung nhớ … Cũng như các giai
điệu trẻ không hề thóat khỏi hai đại từ anh và em. Còn Nguyệt Quế thì khác. Cô
đi sâu vào những điều tưởng chừng như rất gần gũi, bình thường trong cuộc sống
nhưng lại rất cao cả, thiêng liêng. Đó là hình ảnh của những buổi chiều quê Xóm
Mía có tiếng bìm bịp kêu khắc khỏai chạnh lòng … Đó là cái giàn bông giấy buồn
rụng tím chiều mưa trên con đường cô về thăm thầy cũ. Đó là những làn nắng Gò
Dầu long lanh trải mật gợi nhớ mãi.
“
Những ngày đi học
Đường hoa dầu áo lụa trắng bay…”
(Thương lắm Gò Dầu)
Đó là “Cánh đồng bưng trĩu lòng bông lúa gọi…” dội vào ký ức
cái thuở lưng trâu, mùa nước nổi, cứ làm cô xót xa tưởng nhớ đến nghĩa mẹ, công
cha những ngày dưỡng nuôi gian khó.
“Con
cua đồng kho chua lá bứa
Bàn tay cha mưa nắng bùn lầy
Rau hẹ ghém rối bời tóc mẹ
Con no lòng cơm độn sắn khoai..”
(Hương lúa)
Nỗi nhớ mẹ càng xé lòng hơn đối với Nguyệt Quế khi bóng mẹ
hiền đã khuất nhòa phía bên kia cuộc
đời:
“Nghe thèm một chút heo may
Nhớ
mùa rau hẹ dáng gầy mẹ yêu…”
(Tóc rau hẹ)
Tưởng nhớ đến đấng sinh thành, không ai có thể thề bỏ
quên hình ảnh những người muôn năm cũ đã
tạo nên hình hài của họ. Đó là cái đạo làm người, cái truyền thống “uống nước
nhớ nguồn” từ ngàn đời của dân tộc Việt nam. Vậy mà những hình ảnh thật thân
thương, khả kính đó lại xa dần trong thơ của những người trẻ tuổi bây giờ! Đó
là ông bà nội, ngọai. Bài thơ “Ngọai ơi” thật giản dị. Cái giản dị làm cho
người đọc muốn rưng rưng :
Con đã về đây với Bến Cầu
Giữa mùa lúa trổ trắng hoa cau
Vười xưa chim hót trên cành bưởi
Bóng ngoại tìm đâu? Lạnh khóm
trầu.
Thơ Nguyệt Quế còn
trải dài trên nhiều chủ đề phong phú khác. Nói chung, những cảm xúc của cô là
những cảm xúc thật, do đó, nó dễ chạm vào tâm tư người khác. Cuộc sống bây giờ
rất cần có những vần thơ như thế! Xin chúc mừng thành công mới của Nguyệt Quế,
và riêng tôi cũng có một vần thơ ngắn tặng người bạn thơ Nguyệt Quế với tựa đề
MỘT VÒNG NGUYỆT QUẾ TẶNG EM.
Với những tâm tư mộc mạc, quê mùa
Tôi kết lại tặng em vòng Nguyệt Quế
Tặng những vần thơ xanh lá hẹ Gò Chùa
Và trong vắt tiếng chuông Cao Sơn rơi
lặng lẽ
Những lá hẹ mượt mà như tóc bà,tóc mẹ
Và tóc em thời thiếu nữ xa rồi
Thắm vào tôi như hương đồng Xóm Mía
Như
một chất men rất nồng ấm tình đời
Ơi từng câu thơ yên ả đất trời
Lắng hơi thở của em và cuộc sống
Và tôi hiểu nó không hề lẽ bóng
Và bơ vơ như như chiếc lá khô rơi…!
PHAN KỶ SỬU