Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 2, 2009

MINH TỨ - CÓ MỘT GIÒNG SÔNG






Bút ký


Giữa cái thị xã gió nắng có thể xếp vào nơi khắc nghiệt bậc nhất của miền Trung này bỗng dưng tạo hóa ban cho một dòng sông chảy vắt qua. Sông Hiếu của quê tôi như một dải lụa đào làm duyên thêm cho một vùng đất, tưới tắm cho bao số phận của đời người.

Mỗi dòng sông cũng như mỗi đời người, đều có gốc gác, cội nguồn, cả tình yêu và nỗi nhớ đan cài. Sông Hiếu không rộng dài như bao dòng sông nổi tiếng, nhưng là ân tứ của thiên nhiên cho mảnh đất này, để rồi một ngày nào đó ta quay về bỗng thấy yêu thêm dòng sông ký ức của tuổi thơ chảy muôn đời qua bao tháng năm trĩu nặng ân tình.



Sông Hiếu là hợp nguồn của nhiều con suối đầu nguồn ở Cam Lộ, nơi đường phân thuỷ của những núi đồi giáp với Đakrông. Bên kia đường phân thuỷ, nước chảy ngược xuống sông Đakrông, chảy về Thạch Hãn. Bên này suối nước đổ về hình thành nên sông Hiếu chảy về Cam Lộ, qua Đ ông Hà, ngày xưa đoạn qua nơi này còn được gọi là Điếu Giang (theo "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đ ôn, bởi nó chảy qua làng Điếu Ngao, nay địa danh này là phường 2, thị xã Đ ông Hà). Từ đây sông Hiếu chảy xuôi về Gia Độ, Triệu Phong thì hợp lưu với sông Thạch Hãn rồi chảy ra Cửa Việt.



Nếu nói về sông Hiếu thì có thể phải viết cả cuốn sách mới chuyển tải được phần nào, bởi con sông nhỏ nhưng đã oằn mình gánh trên nó bao biến thiên của lịch sử. Phía thượng nguồn sông ngày xưa có một cái chợ rất nổi tiếng là chợ Phiên - Cam Lộ, từng là nơi diễn ra giao thương lớn của người Việt khắp nơi theo sông Hiếu mà lên với cư dân trong vùng, mở rộng lên tới đất nước Triệu Voi (Lào). Thời chiến tranh, nơi đây có những cứ điểm quan trọng, xảy ra nhiều trận đánh lớn đi vào lịch sử, mà cao điểm 544 là nơi đối phương chọn làm trung tâm xử lý tư liệu của "con mắt thần" hàng rào điện tử Mc.Namara. Còn hạ nguồn sông là nơi từng xảy ra trận thuỷ chiến được gọi là trận " Bạch Đ ằng Giang trên sông Hiếu" vừa tròn 40 năm về trước.



Dòng sông Hiếu là chứng nhân lịch sử bi hùng của một vùng đất đã bị tàn phá hơn 200%, như lời của một phóng viên phương Tây khi đến Đ ông Hà sau ngày thị xã này được giải phóng. Nhưng từ trong thẳm sâu, sông Hiếu còn là nơi nuôi dưỡng, tắm mát cho bao tâm hồn, mà nhà thơ Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ ra đi từ mảnh làng bên dòng sông này. Khi đã trở thành nhà thơ lớn của dân tộc, trong sâu thẳm nhà thơ vẫn mãi thương nhớ con sông quê, vùng đất quê nghèo khó với "những đồi sim không đủ quả nuôi người"...



Nhà tôi không ở gần sông, nhưng những năm tháng tuổi thơ, ngôi trường tiểu học của tôi lại nằm bên sông Hiếu. Đấy là những năm sau Hiệp định Paris -1973, tôi được trở lại đi học ở vùng giải phóng. Trường tiểu học thị xã được xây dựng tạm ở Tiểu khu 3, hồi ấy còn gọi là làng Đ ông Hà (nay là Phường 3, Đ ông Hà). Ban đầu lớp học của chúng tôi học trong một ngôi nhà dân đã đi di tản, rồi mới chuyển ra ngôi trường được xây dựng sau đó ít lâu. Trường hướng mặt ra sông, cách một con đường nhỏ, chỉ mấy bước là có thể ra được bến sông nghịch nước. Những ngày gió Tây Nam thổi mạnh, trời nóng bức, đi học về chúng tôi thường rủ nhau ra bờ sông, cả con trai, con gái cởi áo quần nhảy ùm xuống tắm. Hồi đó quá hồn nhiên nên chúng tôi chẳng biết ngượng là gì. Sau đó ít lâu vì có người chết đuối trên sông nên nhà trường cấm không cho chúng tôi tắm sông nữa, vậy mà có đứa vẫn lén xuống sông tắm, bị thầy phạt đòn vẫn không chừa.

Người thầy đầu tiên của tôi ở vùng mới giải phóng cũng rất đặc biệt - thầy Nguyễn Văn Sự. Học xong tú tài, không có sự chọn lựa nào khác, thầy phải đi học trường sĩ quan Thủ Đức của chế độ cũ. Dạo đó về thăm nhà năm 1972, thầy bị kẹt lại sau giải phóng, còn gia đình thầy thì đã di tản vào các tỉnh phía Nam. Thầy được ngành giáo dục trưng dụng dạy học cho chúng tôi khi vùng giải phóng còn thiếu các thầy cô giáo. Thầy rất hiền lành, buổi đầu tiên lên lớp thầy bảo chúng tôi đừng gọi thầy là thầy mà gọi chú như ở nhà cũng được. Thầy dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới rất nghiêm túc và thương học trò như các em của thầy, vì hồi đó thầy còn trẻ và chưa có gia đình. Quê thầy ở Gio Linh, một mảnh đất nằm ở bờ bắc sông Hiếu.

Năm ấy tôi học lại lớp hai, mặc dù trước đó tôi đã học xong lớp nhì Trường tiểu học Trung Chỉ của chương trình giáo dục miền Nam. Có lẽ những bài thơ của các nhà thơ cách mạng chúng tôi cũng bắt đầu được học từ đây. Tôi nhớ nhất là bài thơ "Nhớ con sông quê hương" của Tế Hanh. Bài thơ là ký ức, là kỷ niệm của nhà thơ về con sông quê hương, có lẽ là sông Trà Khúc thì phải, nhưng không hiểu sao tôi cứ ngỡ như viết cho dòng sông quê mình: "Quê hương tôi có con sông xanh biếc /Nước gương trong soi tóc những hàng tre /Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè / Toả nắng xuống dòng sông lấp loáng"... ừ, thì dòng sông quê mình cũng có luỹ tre soi bóng, có nước biếc trong xanh, có thuyền ai đó nhẹ lướt buông câu...nhưng có lẽ chỉ nhà thơ mới có thể nói lên tình cảm đối với con sông quê hương của mình với nỗi nhớ vời vợi, thao thiết đến nao lòng. Tế Hanh cũng là nhà thơ có nhiều bài thơ, câu thơ rất hay viết về vùng giới tuyến mà sau này làm chúng tôi nhớ mãi: "Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trờimây núi có chia đâu"...



Chúng tôi học với thầy Sự đâu được hai năm lớp hai, lớp ba thì giải phóng miền Nam. Hồi đó thầy tìm lại được gia đình và đưa cả nhà về quê. Tình cờ hôm thầy đưa gia đình từ Đ à Nẵng về, đang nghỉ lại ở bên đường thì gặp tôi. Tôi lễ phép mời thầy và gia đình vào nhà uống nước. Trong đôi triêng gióng, hành trang ít ỏi người di tản của cha mẹ thầy trở về còn có cả ảnh thờ của thầy. Thì ra khi thầy về tìm gia đình để đi di tản, bị kẹt lại thì gia đình thầy đã vào Đ à Nẵng. Cứ nghĩ thầy đã mất nên gia đình lập bàn thờ để "thờ" cho thầy trong suốt ba năm trời. Từ dạo ấy thầy không trở lại trường nữa và bao nhiêu năm trôi qua tôi vẫn bặt tin thầy.



Người thầy kế tiếp của chúng tôi là thầy Trương Quang Thanh, dạy chúng tôi hai năm lớp tư, lớp năm cho đến khi chúng tôi chuyển về học ở trường trung tâm thị xã. Thầy Thanh người làng Mai Xá, cũng là một làng quê bên dòng sông Hiếu. Thầy có dáng người dong dỏng cao, mắt sáng, nước da trắng, tác phong rất lanh lẹ. Những bài giảng của thầy thật sôi động, nhất là môn lịch sử, được đan cài vào nhiều câu chuyện đánh giặc giữ nước rất bi hùng ở quê thầy, nghe tưởng như thầy là người trong cuộc vậy.



Ngoài giờ học chính khóa, hồi đó tuần nào chúng tôi cũng có buổi đi lao động xã hội chủ nghĩa. Hình thức lao động của lớp tôi chủ yếu là lên những quả đồi bát úp ở phía đầu nguồn sông Hiếu để bứt lá cây đưa về làm phân xanh. Mỗi lần đi lao động là mỗi lần chúng tôi được tha hồ chạy nhảy trên bạt ngàn đồi núi, thích nhất là được hái sim mua. Mà hồi đó không hiểu sao những đồi sim trái chín nhiều đến thế. Chúng tôi đua nhau hái, ăn thoả thích đến tím cả môi, xong còn hái dành bỏ vào mũ, vào túi quần áo mang về nhà ăn tiếp, hay cho bọn nhỏ trong xóm. Cuối buổi lao động, mỗi đứa chúng tôi ôm một bó lá cây chất đầy lên chiếc xe bò hò reo đẩy chạy về. Phía sau trường, thầy Thanh đã cho một tốp bạn lấy đá quây thành một vòng tròn, chúng tôi xếp từng bó lá vào giữa để cho thời gian hoai mục, trở thành nguồn phân xanh ủng hộ cho hợp tác xã nông nghiệp bón ruộng. Có lẽ hình thức lao động hồi đó của chúng tôi chủ yếu để rèn luyện tinh thần là chính, chứ hiệu quả đem lại thì chẳng được là bao.



Có một điều thú vị là sau khi về học cấp hai ở thị xã, rồi lên cấp ba, tôi gặp lại thầy Trương Quang Thanh, cũng là thầy dạy chúng tôi ở bậc học cấp ba. Thì ra trong những năm đó thầy đi học tiếp trường Đ ại học Sư phạm Huế, trở về dạy lại chúng tôi. Bây giờ thầy vẫn đang dạy ở trường THPT Đ ông Hà và tôi luôn biết ơn thầy, là người thầy đã dạy tôi suốt hai cấp học. Hơn thế, chính thầy đã động viên khích lệ tôi rất nhiều trong học tập và định hướng nghề nghiệp cho tôi khi vào đời.



Bạn bè tôi cùng học ở ngôi trường bên sông Hiếu bây giờ mỗi đứa trôi dạt mỗi phương trời, bao nhiêu đứa là bấy nhiêu số phận. Đứa bây giờ tảo tần ngoài chợ, đứa chạy xe ôm, con cái đầy đàn, nhọc nhằn trong gánh nặng mưu sinh, đứa thành công chức, cũng có đứa đã công thành danh toại...



Tôi nhớ Hoàng Việt Hùng, bạn cùng học phổ thông ngày trước, sau đó vào Đ ại học Tổng hợp Huế cũng học chung lớp. Học giỏi nên một năm sau Việt Hùng được trường chọn qua Liên Xô du học. Biền biệt hơn hai mươi năm ở Đ ông Âu, bất ngờ mới đây Hùng đường đột trở về. Câu hỏi của bạn bè rằng sao bây giờ mới về làm Hùng bối rối. Mà thôi, mỗi người có một nỗi niềm riêng phong kín, nhắc chi để thêm buồn. Quê hương, đi xa ai mà không nhớ, nhưng về thăm nhà mấy hôm, Việt Hùng lại đi, trở qua bên ấy - ở Kiép, Ucraina để lập nghiệp, bởi Hùng không tìm được việc làm phù hợp ở cái thị xã nhỏ bé này.



Nhà Việt Hùng ở làng hoa An Lạc, bên dòng sông Hiếu trong xanh. Giờ đây trở về, Hùng nuối tiếc mãi một con đường làng ven sông rợp bóng tre xanh, vẫn hoài nhớ những buổi trưa hè gió Tây Nam quạt lửa, sau buổi học về nhảy ùm xuống sông trầm mình trong dòng nước mát; là hình ảnh cô thôn nữ mỗi trưa hè gánh đôi gánh tong tả đi về trên đường làng với nụ cười tươi vui sau mỗi phiên chợ... Bây giờ tất cả chỉ còn là ký ức, vì thị xã trên đường phát triển, có một cái gì đó thuộc về ngày đã qua sẽ mất đi. Những khóm tre làng đã nhường chỗ cho những con đường lớn chạy băng qua thị xã với tấp nập người và xe cộ ngược xuôi. Cô thôn nữ ngày nào giờ cũng má phấn môi son đứng quầy tạp hoá. Và, cả một thời trai trẻ của chúng tôi cũng đã đi qua lúc nào không hay khi đứa nào cũng phải tất bật với công việc của một cư dân thị xã, nếu không muốn bỏ mình lại ở phía sau.



Cuộc sống cứ như một guồng quay mà ai cũng phải lao vào. Từng ngày qua người ta tất bật với bao gánh nặng trong cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Ký ức của tôi chỉ là chấm nhạt nhòa hoang hoải của ngày đã qua. Bạn bè tôi vì gánh nặng mưu sinh mà phiêu dạt khắp bốn phương trời. Còn lại tôi, người tìm về và ở lại với cố xứ, mỗi ngày qua là thêm một nỗi buồn thương tiếc nuối. Trên con đường mỗi ngày tôi vẫn đi qua, những nhành phượng đỏ, điệp vàng khoe sắc thắm; những chú ve rỉ rắc thả giọt sầu vào thinh không, còn gió, gió Tây Nam vẫn thổi miên man trong nắng hạ vàng.



Đêm mùa hè, ở thị xã nhỏ nhoi của tôi có một gương mặt khác. Khi bóng đêm sập xuống, người thị xã như đổ hết ra đôi bờ sông Hiếu để hóng gió. Đ ường Bà Triệu, đường Hoàng Diệu người xe đi lại như nêm. Có lẽ chuyện ăn uống ở nơi này chỉ là cái cớ để người ta thưởng thức gió từ bờ sông. Bờ sông bao nhiêu đêm hè nay gió vẫn thổi ào ạt, làm dịu đi cái nắng nôi như chảo lửa của thị xã giữa khúc ruột miền Trung này. Không kiêu sa, lộng lẫy, sông Hiếu vẫn âm thầm trôi xuôi với một nét duyên thầm.



Có lúc ngồi nhìn con nước mải miết xuôi về Cửa Việt, bất chợt tôi nghĩ lẩn thẩn rằng nếu Đ ông Hà của mình không có con sông Hiếu chảy qua giữa lòng thị xã thì sao nhỉ? Đất nước có nhiều dòng sông, nhưng chỉ có một dòng sông để thương, để nhớ - ai đó đã viết như thế trong lời bình của một bộ phim. Không hoành tráng như sông Tiền, sông Hậu, không dữ dội gầm réo sục sôi như sông Mã, Thu Bồn, hay lặng lờ dùng dằng không chảy như sông Hương..., sông Hiếu quê tôi vẫn khiêm nhường, nép mình bên thị xã nhỏ hẹp, chuyên cần đưa nước trôi xuôi về với biển.

Bây giờ mỗi khi có khúc mắc trong lòng, tôi thường tìm đến một quán nhỏ bên sông vắng, một mình âm thầm thả những cọng cỏ vàng xuống dòng nước trong xanh để rồi gặm nhấm những nỗi buồn riêng mang, để nuối tiếc cho ký ức một thời đã đi qua không bao giờ trở lại. "Quê hương ai cũng có một dòng sông êm đềm...".



M.T

READ MORE - MINH TỨ - CÓ MỘT GIÒNG SÔNG

Chợ phiên Cam Lộ


Về Cam Lộ đi chợ phiên
Báo SGGP

Theo lời kể của các bậc cao niên, chúng tôi tìm về chợ phiên Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Phiên chợ bắt đầu từ mờ sáng. Không phải người hẹn chợ mà chợ hẹn người vào những phiên chợ đông vui, nhộn nhịp các ngày 3, 8, 13, 23 và 28 (Âm lịch) hàng tháng.

Đi tìm chợ xưa



Có mặt ở chợ phiên Cam Lộ lúc 5g sáng ngày 13-8 (Âm lịch), chúng tôi gặp một cụ bà 75 tuổi, đang ngồi bổ cau ở một lều dành riêng cho hàng Cau, chưa kịp chào thì đã nghe cụ hỏi: “Đi mua sắm hay đi thăm chợ thế”? Cô bạn đi cùng đã nhanh nhảu “chúng con đi thăm chợ”.

Trước đây, chợ phiên Cam Lộ được xem là một trung tâm thương nghiệp lớn có tiếng ở nông thôn Việt Nam, được sử sách ghi lại năm 1621. Theo hồi ức của một số bô lão ở làng Cam Lộ, chợ đã được dời qua nhiều địa điểm khác nhau: trước thế kỷ XIX, chợ phiên nhóm họp ở Tân Tường (km 15 của Đường 9), về sau chuyển về Bến Đuồi, bên bờ sông Hiếu. Từ khi được chuyển về Bến Đuồi, chợ được mở mang, xưng danh là tiểu Trường An. Một dải chợ tấp nập kéo dài từ Bến Đuồi đến đình Cam Lộ, là nơi quy tụ hàng hóa, đặc sản từ mười phương gửi tới chào mời, trao đổi. Hàng từ Huế ra theo đường biển, ngược sông Hiếu lên chợ phiên Cam Lộ thường mang theo nón bài thơ, đường phèn, đường phổi, thuốc bắc, gia vị... Hàng từ Quảng Bình vào có trứng vịt, nồi đất, hàng đan lát, mây, trầm hương, trâu bò, gà heo... Còn người Lào, để kịp phiên chợ thì hàng hóa được gởi về trước 2 ngày. Năm 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng đến đây và ghi lại. Lúc này chợ phiên Cam Lộ phát triển, thuyền buôn của Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...vào Cửa Việt lên đây, về đây giao thương.

Đến năm 1930, chợ phiên Cam Lộ không đơn thuần là nơi giao thương, buôn bán mà còn là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Tại đây, đồng chí Lê Duẩn cùng với các đồng chí Hồ Xuân Lưu, Hoàng Hữu Chấp... hội bàn lập chi bộ để lãnh đạo phong trào ở chợ phiên, đã chọn tiệm thuốc bắc và rượu Xi - Ca ở phố Đông Nguyên làm nơi đặt cơ quan tài chính của Đảng. Tháng 8-1945, chợ phiên là nơi diễn ra cuộc đàm thoại giữa đại diện đặc trách của ta và Nhật, yêu cầu Nhật giữ thái độ trung lập khi ta tiến hành khởi nghĩa chống Pháp. Lúc này, chợ phiên Cam Lộ đã chuyển từ chợ thời bình sang chợ lưu động thời chiến. Năm 1946, Pháp chiếm Đường 9 và cho quân chiếm đóng, chợ phiên phải dời tới An Thái, xã Cam Tuyền. Những năm 1948 – 1950, chợ phiên được gọi là chợ Kháng chiến, đóng ở những nơi gần chùa, miếu có nhiều cây cối rậm rạp. Sau năm 1954, địch buộc người dân dời chợ đi nơi khác để chúng dễ kiểm soát, nhưng người dân Cam Lộ nhất quyết không dời, duy trì chợ cho đến ngày nay.

Muốn mua vui, đến Cam Lộ...…

Đứng trên đường Hồ Chí Minh nhìn xuống, chợ phiên trong mắt chúng tôi là những ngôi lều nhỏ, được lợp bởi những tấm tôn cũ kỹ, bạc màu theo thời gian trông không có gì thu hút lắm. Thế mà, vào trong chợ chúng tôi mới thật sự bất ngờ bởi sự tấp nập của người bán, người mua và đặc biệt hơn, các mặt hàng ở đây rất phong phú: từ vàng, bạc đến mắm, muối, dưa, cà.... tất cả được trưng bày rất đẹp. Hàng Cau, hàng Trầu, hàng Nếp cho đến hàng Khoai... mỗi hàng có một góc riêng. Vẫn là góc chợ xưa, vẫn còn nón Huế đưa ra, trứng vịt Quảng Bình đưa vào, nhưng khác một điều là không có voi để đổi bạc trắng, đổi súng và không còn những phiên chợ có đến 300 con trâu… như nhà bác học Lê Quý Đôn từng chứng kiến. Nhưng cứ đến hẹn là chợ phiên Cam Lộ lại nhộn nhịp, tấp nập người bán người mua.

Chợ phiên như đã ăn sâu vào máu thịt người Cam Lộ và người dân Quảng Trị. Với người dân Cam Lộ, nhắc tới chợ phiên ai ai cũng tự hào, họ xem đây là một nét văn hóa lâu đời của cha ông, đã đi vào sử sách. Bây giờ, Cam Lộ có thêm chợ Cam Lộ được xây dựng to và đẹp, có đủ mặt hàng nhưng lượng khách vẫn không đông hơn chợ phiên. Nếu như người dân Bắc tự hào bởi câu ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa” hoặc “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến”, thì người dân Cam Lộ cũng có lời nhắn nhủ thiết tha với mọi người “Muốn mua vui, đến chợ Phiên Cam Lộ”!.

VÕ LINH
READ MORE - Chợ phiên Cam Lộ