Tác giả LÊ HOÀNG |
Vào thời kỳ giữa năm 1989-1990, tôi còn nhớ bộ phim “Tây Du Ký - Đường Tam Tạng” được bắt đầu trình chiếu ở Việt
Bộ phim “Tây Du Ký” hồi đó làm nức lòng, giới thuởng thức bình dân. Vì qua một thời gian dài, thiên hạ toàn xem những bộ phim do Liên Xô và các nước XHCN anh em sản xuất nên cũng nhàm đi nhiều. Nay có một bộ phim hay như “Tây Du Ký” thử hỏi làm sao thiên hạ không tranh thủ để xem!
“Tây Du Ký” là câu chuyện trường thiên về hành trình qua phương Tây thỉnh kinh cũa năm thầy trò: Tam Tạng,Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng và con Ngựa Trắng (hoá thân của Tam Thái Tử).
Thông thường người ta chỉ chú ý tới bốn nhân vật mà quên đi nhân vật thứ năm là con Ngựa Trắng.Tam Thái Tử là một con rồng ngọc thái tử thứ ba con của Tây Hải Long Vương Ngao Nhuận.
“Tây Du Ký” là truyện xuất thế gian, do đó không có dấu ấn của Nho giáo. Vì Nho giáo là căn bản của đạo nhập thế, thuộc phạm vi hình nhi hạ học, mà ngày nay thường gọi là: “Ngoại giáo công truyền” .
Thực chất “Tây Du Ký” là một câu chuyện ngụ ngôn, đem chuyện thỉnh kinh để diển bày tư tưởng Thiền Học giải thoát trong đạo Lão, Đạo Phật thuộc phạm vi hình nhi thượng học mà ngày nay người ta thường gọi là: “Nội giáo tâm truyền”
Đọc “Tây Du Ký” cũa Ngô Thừa Ân, cần thiết phải hiểu “ý tại ngôn ngoại” như trong kinh ở Viên Giác. Phật bảo lấy ngón tay chỉ trăng, nếu đã thấy mặt trăng thì có thể biết rằng phương tiện để chỉ trăng rốt cuộc chẳng phải là trăng.Trang Tử khuyên “Có nơm vì cá, đặng cá hãy quên nơm, có bẩy vì thỏ, đặng thỏ hãy quên bẩy”. Có lời vì ý, đặng ý hãy quên lời.
Thế thì, vượt lên trên mọi hư cấu văn chương của TâyDu Ký với tài hý lộng chữ nghĩa của Ngô Thừa Ân, cuộc thỉnh kinh của Đường Tăng thực chất là gì ? Đường Tăng là ai ? Nước Thiên Trúc với chùa Lôi Âm ở đâu ?
Nếu nói rằng Đường Tăng vẫn đang thỉnh kinh !? Mặc dầu cuộc thỉnh kinh đã xong từ lâu, từ xa xưa vào đời nhà Đưòng bên Trung Hoa. Nhưng chúng ta vẫn còn “thấy” như Đường Tam Tạng đang còn thỉnh kinh trong nhân gian. Cho nên, mỗi người trong chúng ta đều là Đường Tăng. Mỗi thời đại, quá khứ, hiện tại, vị lai … đều có Đường Tăng, đều đã, đang, sẽ, tiếp tục thỉnh kinh. Cuộc thỉnh kinh chính là hành trình đầy trắc trở cũa mỗi người trong chúng ta truy tầm chân lý, tìm cái mà Lão Tử gượng cho là ĐẠO, gọi tên là “Xích tử chi tâm” Phật mệnh danh là “Bổn lai diện mục” và còn gọi là “Nhân bản” hay trong Cao Đài giáo cho là “Thượng Đế tính” vốn dĩ đã sẳn tàng ẩn trong mỗi con người.
Truyện “Tây Du Ký” dựng nên một nhân vật nổi bật hơn cả đó là: Tề Thiên, gọi cho trọn là “Tề Thiên Đại Thánh”. Nhân vật này đã từng sinh ra do khí tụ trời đất từ trong đá nứt ra, đầu tiên là một con khỉ … Chi tiết như sau: Đầu tiên, có một tảng đá nứt đôi sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu ! ? gặp gió, biến thành một con khỉ, đủ mặt mũi, chân tay…. Lý lịch của Tề Thiên chỉ có bấy nhiêu … truyện không nói thêm vì lý do gì mà đá sinh ra khỉ ?...
Theo Phật và Lão thì khỉ là tương cận của vượn, tượng trưng cho con người vốn hay nhảy nhót lăng xăng, cái tâm con người vốn dĩ cũng lao xao, ưa tơ tưởng chuyện này, chuyện nọ, hay nhớ nhung mọi điều. Phật ví tâm người như loài khỉ, vượn … nên gọi là “Tâm Viên” (con vượn lòng). Bạn của Tâm Viên là Ý Mã. Tâm, Ý theo nhau, tâm chạy rong, ý cũng chạy rong. Giữ chặt cho Tâm, Ý ở yên, tập trung tư tưởng vào một chỗ là chuyện không dễ.
Cái Tâm cái Ý lúc con người thức hay chạy rong, lúc con người ngủ vẫn chạy rong. Những lúc ức chế, dồn nén ban ngày chưa biến hình thành hành động, thì đợi đến đêm về, thì sẻ biến thành giấc mơ, giấc mộng dẫn dắt người đi … hoang.
Các vị tập Thiền dù theo môn phái nào đi nữa thì điều tối kỵ là:
Tâm trí mê muội, ngủ quên. Chứng bệnh đó gọi là “Hôn trầm”. Ai mà lở ngủ quên, ngủ gà, ngủ gật, thì cố mà tỉnh để không phải rơi vào sự hôn mê bất tịnh đưa ta đi vào nơi tiềm thức mộng, mơ không thực cũa cỏi mộng ảo giác.
Trong truyện TDK có đoạn Hầu Vương (chỉ TNK) vào một ngày đẹp trời bỗng giác ngộ lẽ sinh từ cỏi đời là vô thường, lập tức hạ quyết tâm từ bỏ ngôi “Hầu Vương” (Vua) ở động Thủy Liêm lặn lội đi tìm sư học Đạo. Câu chuyện lúc này đúng là mang dấu ấn của Thái Tử Cồ Đàm, lìa bỏ hoàng cung để đơn độc dấn thân tìm giải thoát .
Chúng ta còn nhớ, khi Hầu Vương đi tìm đường học đạo, HV gặp người kiếm củi chỉ đường bảo “Hãy đến núi Linh Đài Phương Thốn, trong núi ấy có động “Tà Nguyệt Tam Tinh” đến đó hãy cầu học Đạo với Bồ Đề Tổ Sư. Chốn ấy là nơi nao ? !
“Phương Thốn”, theo đạo Lão, là hạ đơn điền, nằm cách dưới rún ba đốt ngón tay. Theo phép luyện khí công yoga, đấy là một trong những điểm quan trọng mà phép tu nội dược của đạo Lão …
Linh Đài, theo Đạo Lão, là TÂM. Con người phàm phu thì Tâm phàm phu, con người thánh thiện thì có thánh tâm.Tâm Phật không phải tự nhiên mà có. Tâm Phật cũng từ trong Tâm phàm mà ra, đã khơi trong, gạn đục để trở thành; như đoá sen tinh khiết ngát hương đã nẩy mầm vươn lên từ đáy đầy bùn.
Ngạn ngữ có câu “Không thầy đố mầy làm nên”; Tuy nhiên ở đây không phải như thế. Hầu Vương bái Bồ Đề Tổ Sư làm sư phụ. Sau khi thành tài, liền bị thầy đuổi đi, đã đuổi còn răn đe không được lui tới, không được tiết lộ tên thầy. Hầu Vương lấy lễ học trò để tạ ơn cũng bị thầy quyết liệt phũ nhận .
Đó là ẩn ngữ cũa Thiền Tông, khi đã giác ngộ đạt tới tri Bát Nhã thì con người đạt tới “Vô Sự Trí”. Không có ai làm thấy ta, ta cũng không làm thầy ai và cũng không được kinh khi rẻ rung một ai, như “Thường bất khinh Bồ Tát tâm kinh” Có nghĩa mọi người ai ai cũng có thể thành Phật vậy.
Cho nên: Khi Hầu Vương nắm tay người kiếm củi mà nói:
“Thưa lão huynh làm ơn đưa tôi đến. Nếu tốt lành, tôi không bao giờ quên ơn chỉ dẩn”.
Người kiếm củi trả lời:
“Bác là người hảo hán mà không biết thông biến. Tôi chẳng vừa nói với bác là gì! Bác không hiểu ư ?... Tôi còn bận kiếm củi đây …”
Nói rồi người tiều phu lặng lẽ bỏ đi.
Vậy, Đạo thần tiên phải tự thân mình thực hành, không nhờ ai giúp, có nghĩa là HV phải tự mình tìm đến “Tà Nguyệt Tam Tinh Động”. Con đường của hành giả là con đường cô đơn, lữ khách không thể trông cậy, lệ thuộc bất kỳ ai khác, cũng không còn bận bịu mưu sinh áo, cơm gạo tiền rào buộc (như người tiều phu kia đang đi kiếm củi vậy).
Di Đà và Thích Ca trong Tây Du Ký :
Phật (Buddha) là đấng gíác ngộ, không còn mê muội, sai lầm nữa, là đấng có thể cứu vớt người khác và đã tự cứu mình. Nên, khi cõi trời cần phải cứu, thì chỉ có Phật mới cứu được thôi.
Như Lai: Nghĩa là thường trụ, bất biến. Kinh Kim Cang có chép:
“Phật vốn không do đâu mà tới, tới cũng chẳng đi về đâu. Chính vì vậy người tu thành Phật mà thật ra thì không có chỗ thành Phật, vì Phật vốn ở sẵn nơi tự thân con người, không phải từ bên ngoài đi tới người. Như Lai là thật tướng, cái gì nói ra từ Như Lai.
Đó là CHÂN LÝ.
A DI ĐÀ: Là Phật quá khứ so với Thích Ca Mâu Ni Phật. Đã có Di Đà thuyết pháp trước khi Thích Ca thuyết Pháp. Vậy tại sao ở cửa miệng chân lý (Như Lai) lại nói điều tướng như là sai chân lý?
Đã là Di Đà là Di Đà chứ có lẻ đâu Di Đà lại vừa là Thích Ca?
Cho nên: Khi Tề Thiên tranh cãi với Phật Tổ, bị Phật mắng vì dám đòi làm Trời, tề Thiên trả lời tỉnh bơ: “Thượng Đế tuy tu luyện lâu năm, nhưng cũng không nên ngồi lâu trên ngôi cao chin tầng …”. Lời lẻ này nghe tuy vậy, nhưng thực sự không phạm thuợng tý nào cả. Ở đời, không có cái gì giữ cho mình vĩnh viễn. Ngay Thích Ca thành Phật đâu có muốn giữ độc quyền Phật của riêng Ngài. Mà, Thích Ca khuyến khích mọi người hãy thành Phật như Ngài …
“ Tu hành là học làm trời
“Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian”
( Cao Đài giáo ).
Nhân vật chính trong Tây Du Ký:
1/ Long Mã: Con ngựa mà vua Đường cấp cho Tam tạng “phải” chết đi để thay thế vào đó con Ngựa hoá thân của tam Thái tử con của vua Long Vương Ngao Nhuận. Con ngựa có tinh thần minh mẫn, trong xác thân tráng kiện.
2/Sa Tăng: Là một nhân vật được Ngô Thừa Ân kết cấu đặc biệt có lòng dạ trung thành, suốt cuộc hành trình lo quảy hành trang tiến bước. Sa Tăng là một hình ảnh tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối. Dù khó khăn đến đâu, không một lời biến đổi.
3/ Bát Giới: Tánh tham.Tham ăn, tham ngủ, tham của,tham sắc và tham nịnh bợ để có lợi cho mình.
4/ Tề Thiên: Nhân vật đặc biệt, xuất sắc. Tề Thiên là TRÍ trong bộ Tây Du Ký. Nữ Đạo diển Dương Khiết đã hiểu được rất rõ vai Tề Thiên trong cốt chuyện nên đã tạo ra một tề Thiên nổi bật qua phim gây sự chú ý cho khán giả. Tề Thiên trong phim khi nào cũng đi trước dẩn đầu cho đoàn lữ hành.
5/ Đường Tăng: Đường Tăng là một vị sư, vai chính trong cốt chuyện đi thỉnh kinh. Đường Tăng con người có lòng từ bi, nhân hậu, bao dung, có quyết tâm tu hành vượt qua muôn ngàn cám dổ.
Đặc biệt trong phim lúc gay cấn nhất là lúc Đường Tăng trở nên con người phàm trần xác thịt, trở nên ủy mị và có thể rơi vào dục lạc là lúc Đường Tăng ở Tây Lương nữ quốc. Nếu không có tề Thiên cứu kịp thì e rằng cuộc thỉnh kinh coi như lỡ cuộc!.
Ở đây, nữ Đạo diển Dương Khiết đã dàn dựng rất đạt, khi Đường Tăng bằng xương, bằng thịt không thể vượt qua giới hạn mà bản thân phải tự chủ, nếu không có Tề Thiên xuất hiện cứu kịp thời.
Ngoài ra , đôi lúc Đường Tăng còn có tánh u mê, phàm tục, nhu nhược, ba phải…” Lúc tề Thiên đã chỉ rõ đó là yêu ma, thế mà Đường Tăng không chịu nghe! Thật là nhu nhược và quá u mê.
Xem đến đoạn này nhiều người cũng rất bực mình đấy.
6/ Cà Sa và Tích Trượng: Đường Tăng rõ là lương tri,nhưng tiếng nói đôi lúc cũng quá yếu mềm trước những sức mạnh đối kháng .
Cà Sa là áo giáp chở che.Tích trượng để thêm sức mạnh cho đôi chân vững vàng trụ lập. Cà Sa và Tích Trượng chính là Đạo Đức chân chính của con ngưòi.Cho nên khi Phật Tổ sai A Nan và Ca Diếp mang áo Cà Sa và Tích Trượng chín vòng trao cho Quan Thế Âm Bồ Tát đã dặn dò rằng “Tấm áo cà sa và cây gậy đưa cho người lấy kinh dùng … người ấy mặc áo cà sa cũa ta, thì thoát khỏi Luân hồi, cầm gậy tích trượng cũa ta thì không bị hãm hại …”
Quan Thế Âm Bồ Tát cũng có bảo khi trao “Mặc tấm áo cà sa cũa ta thì không bị đắm chìm,không sa địa ngục,không gặp tai ương, ác độc,không bị hoạn nạn sói lang …”
Trong 25 tập phim này nữ Đạo diển Dương Khiết đã lột tả được rất nhiều ý nghĩa cũa “Tây Du Ký” cũa Ngô Thừa Ân với đạo Phật sự tương quan không thể không có được.
(Còn tiếp)
Tham khảo: Thầy Huệ Khải.