Say Hương Tóc
Ca Dao
Ơi trăng, ơi trăng, ơi trăng!
Ngọn tóc em buông lơi cung Hằng
Bờ vai đẫm mộng hương chùm kết
Đong đưa mùa thương đang xuân
Em đan sợi gió hong tiền kiếp
Xõa lọn tơ trăng xuống nguyệt hồ
Mặt nước chao nghiêng ta lãng đãng
Khói sương vào tận cõi huyền mơ
Đường trăng mây ướp dậy lòng ta
Em bềnh bồng gần, lãng đãng xa
Khỏa nước tìm trăng vuốt hương tóc
Lạnh buốt tay khua sóng nguyệt tà
Em ru ta tóc mượt thời gian
Em lao xao xô nghiêng mây ngàn
Hương tóc xõa say tình chếnh choáng
Bận lòng chi mộng thực phân vân
Ta uống trăng tan hương tóc nguyệt
Ta say túy lúy sóng cung Hằng
Nửa đêm thức giấc tràn cô tịch
Thầm gọi em trăng ơi trăng!
CD
Lời Bình: Châu Thạch
“Ơi trăng,
ơi trăng, ơi trăng!”
Câu thơ đầu là một chuỗi tán thán từ, là những tiếng kêu tán
dương trăng.
Ba câu thơ sau lần lượt mô tả từng đặc điểm của mái tóc em.
“Ngọn tóc em buông lơi cung Hằng” mô tả mái tóc mượt mà buông lơi như được thả
lỏng từ cung hằng xuống. “Bờ vai đẫm mộng hương chùm kết”: Tóc xõa trên bờ vai
đem hương bồ kết thấm đẫm khiến cho bờ vai trở thành không gian của mộng. "Đong
đưa mùa thương đang xuân” : Tóc buông lơi từ cung trăng chảy dài xuống bờ vai,
biến thời gian thành mùa đang xuân yêu thương. Như vậy qua bốn câu thơ tác giả
trình bày một vẻ đẹp tuyệt mỹ là trăng, trùm lên không gian là bờ vai đẫm mộng,
trùm lên thời gian là mùa thương đang xuân. Như thế mái tóc ở đây không phải là
mái tóc mượt mà của riêng em mà nó đã hòa nhập vào vẻ đẹp của thiên nhiên,
khiến cho thi nhân sửng sốt kêu lên: Ơi trăng, ơi trăng, ơi trăng! Qua tiếng
kêu đó, thi nhân đã đánh giá mái tóc chính nó là ánh trăng, ánh trăng buông
xuống từ cung hằng với hương thơm, với tươi thắm của mùa xuân. Hãy đọc lại bốn
câu thơ trên và tưởng tương đang ở giữa đêm xuân, giữa bầu trời cao rộng:
Ơi trăng, ơi trăng, ơi trăng!
Ngọn tóc em buông lơi cung Hằng
Bờ vai đẫm mộng hương chùm kết
Đong đưa mùa thương đang xuân
Vế thứ hai của bài thơ miêu tả kỹ hơn về mái tóc cũng như
tác động của tóc vào thời gian, không gian và tâm hồn con người:
Em đan sợi gió hong tiền kiếp
Xõa lọn tơ trăng xuống nguyệt hồ
Mặt nước chao nghiêng ta lãng đãng
Khói sương vào tận cõi huyền mơ
“Em đong sợi gió hong tiền kiếp”: Sợi tóc của em cũng là
sợi gió, hay nói đúng hơn sợi tóc của em là hiện thân của gió, là hóa hình của
gió và sợi gió đó đã được hong khô từ tiền kiếp. Qua câu “Xõa lọn tơ trăng
xuống nguyệt hồ” có nghĩa là, tác giả hình dung sợi tóc, sợi gió và sợi trăng
là một. Ba sợi nầy đồng thể và đã có từ tiền kiếp, hóa thân vào nhau để soi
xuống nguyệt hồ trong hiện tại. Đến hai câu “Mặt nước chao nghiêng ta lãng
đãng/ Khói sương vào tận cõi huyền mơ” ta thấy tóc, trăng và gió đã quyện vào
nhau thành khói sương và khói sương đó đã mở cõi huyền mơ để thi nhân bước vào
cảnh giới của tiên.
Vế thứ ba của bài thơ là cảnh giới của tiên:
Đường trăng mây ướp dậy lòng ta
Em bềnh bồng gần, lãng đãng xa
Khỏa nước tìm trăng vuốt hương tóc
Lạnh buốt tay khua sóng nguyệt tà
Khác với Từ Thức ngày xưa, Ca Dao bước vào động tiên mà
không có tiên. Tiên ở đây chỉ “ Em bồng bềnh gần, lãng đãng xa” vì tiên không
có thật, tiên chỉ nằm trong ảo giác, trong trí tưởng tượng của thi nhân. Giống
như Lý Bạch ngày xưa nhảy xuống nước tìm trăng để bỏ mình trong nước, Ca Dao
ngày nay nhúng tay vào nước tìm trăng để nghe lạnh buốt thịt da , để thấy bóng
nguyệt tà do xao động từ đôi tay khỏa nước. Vế thơ nầy cho ta thấy sự hụt hẫng,
sự xót xa vì thi nhân mộng tìm cái đẹp chân chính nhưng nó không có, không còn,
chỉ là mơ, chỉ là tưởng, chỉ là tiếng kêu khi lạnh buốt đôi tay. Tuy thế cái
hay của bài thơ chính là ở đây, chính là sự không trọn vẹn, sự tan vỡ, sự ước
mơ không thành cùng với sự chấp nhận mộng và thực không phân chia biên giới của
thi nhân ở vế thơ sau.
Vế tiếp theo của bài thơ
thể hiện tâm hồn tác giả. Tâm hồn Ca Dao cũng như tâm hồn mọi thi nhân,
cứ như con tằm giăng tơ “ Không bận lòng chi mộng thực phân vân”, không bận
lòng chi với sợi tơ vàng cứ quấn dần dần đời mình lọt vào trong cái kén để chết
vì tơ:
Em ru ta tóc mượt thời gian
Em lao xao xô nghiêng mây ngàn
Hương tóc xõa say tình chếnh choáng
Bận lòng chi mộng thực phân vân
Tác giả đã vỡ mộng một lần khi khỏa nước tìm trăng chỉ thấy
buốt đôi tay và bóng nguyệt tà. Ở vế chót của bài thơ tác giả còn cô tịch hơn
khi tỉnh giấc chỉ thấy mình hẩm hiu sau cơn mộng. Ồ ra đây tất cả là mơ, tất cả
là hư là vô trong thực tế cuộc đời:
Ta uống trăng tan hương tóc nguyệt
Ta say túy lúy sóng cung Hằng
Nửa đêm thức giấc tràn cô tịch
Thầm gọi em trăng ơi trăng!
Mộng là điều thường có
trong giấc ngủ, nhưng mộng thấy một mái tóc vừa là tóc vừa là trăng vừa là gió tồn tại trong quá
khứ, hiện tại và tương lai, để cuối cùng nó là hiện thân của em và em lại là
trăng để anh thầm gọi là một giấc mộng khác lạ mà cái điên, cái đau và cái
khoái cảm hòa lẫn trong nhau. Nói đến trăng thì ta nhớ đến Hàn mạc Tử. Hàn mạc
Tử thường phân mình thành hai người, một người thì chơi trăng còn một người thì
quằn quại trong cơn đau. Ca Dao có lẽ cũng có ảnh hưởng thơ Hàn mạc Tử. Tuy
thế, ca dao đứng ngoài trăng thưởng thức một phần nhỏ sự tuyệt mỹ của trăng
trên tóc, nhưng cái phần nhỏ đó cũng đủ làm “ mượt thời gian”, “ Nghiêng mây
ngàn”, “ Say tình chếnh choáng” và “ Túy lúy sóng cung Hằng”. Chỉ tả một mái
tóc thôi mà tác giả đã cho vào mái tóc ấy chứa đựng thời gian vô tận, mộng và
thực hòa chung, gần và xa bềnh bồng không phân định, tình yêu và thất vọng đều
cho ta cảm khoái vô biên. Điều đó phải có bút lực tài tình mới viết được. Cuối
cùng còn lại sự cô tịch và trăng:
Nửa đêm thức giấc tràn cô tịch
Thầm gọi em trăng ơi trăng!
Tại sao tác giả gọi em là
trăng? Người điên thường gọi lầm như thế. Ở đây tác giả không điên nên không gọi lầm,
nhưng Hàn mạc Tử bán trăng được, từ miệng nhả ra một nàng trăng được thì Ca Dao
cũng đồng thể ấy, đã đồng hóa em và trăng để bày tỏ thứ tình yêu tuyệt vời, thứ tình yêu chỉ để tôn vinh và ca tụng ./.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment