Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 16, 2015

CẢM NHẬN BÀI THƠ "MẸ" - Nguyễn Đình Nguộc



                                  
M Ẹ

Mẹ ơi! Tóc trắng như sương
Bởi bao năm tháng nhớ thương vơi đầy
Nỗi niềm xưa, nỗi niềm nay
Lặn trong đời mẹ dạn dày nắng mưa
Từ bao giờ đến bây giờ
Nước thời gian gội bạc phơ mái đầu
Con đi đâu, con về đâu?
Bàn tay mẹ dắt qua cầu gian nan
Những xuân sang, những đông tàn
Mái nhà của mẹ muôn vàn yên vui
Con đi núi rộng sông dài
Yêu thương bóng mẹ suốt đời mang theo.
                    Tác giả: Nguyễn Thị Vinh


CẢM NHẬN BÀI THƠ "MẸ"

Mỗi chúng ta đều có Mẹ kính yêu. Khi còn thơ trẻ, ta lớn lên trong vòng tay của Mẹ. Khi trưởng thành, mỗi lần về nhà được cất tiếng gọi: Mẹ ơi, ta cảm thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Tình mẫu tử thật thân thiết và thiêng liêng. Có rất nhiều tác phẩm văn học viết về Mẹ. Tôi thật sự xúc động khi đọc bài thơ “ Mẹ ”  của tác giả Nguyễn Thị Vinh trong tập thơ “Vui sống” – Tập thơ của nhiều tác giả Kỷ niệm 20 năm thành lập CLB thơ Trương Định do NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2013.
 Bài  thơ lục bát gồm 12 câu chứa chan tình cảm yêu thương và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của người con đối với Mẹ kính yêu qua những hình ảnh thân thương. Mở đầu bằng những câu thơ đẹp, tràn đầy tình cảm:
“Mẹ ơi! Tóc trắng như sươngBởi bao năm tháng nhớ thương vơi đầy”.
Hình ảnh người mẹ “tóc trắng như sương” đang ngồi trên bộ tràng kỷ  giữa nhà, khuôn dung phúc hậu, đôi mắt hiền từ như một Bà Tiên nhìn âu yếm đàn con, cháu, chắt đứng, ngồi xung quanh trong dịp Mừng thọ đầy hạnh phúc. Mái tóc Mẹ đã trải bao mưa nắng cuộc đời, hai sương một nắng lao động nuôi dưỡng con, cháu ngày nào còn đen óng nay đã bạc màu. Qua hình tượng mái tóc bạc, tác giả không chỉ khắc họa hình ảnh yêu thương của mẹ đi suốt những năm tháng của đời mình mà còn biểu hiện lòng biết ơn công lao của bậc sinh thành. So sánh mái tóc bạc của mẹ “trắng như sương” là hình ảnh siêu thực, không thể nhìn thấy bằng mắt, chỉ có thể cảm được qua tâm tưởng.... Hai tiếng “Mẹ ơi!” được tác giả mở đầu bài thơ là tiếng gọi mẹ thân thương của người con khi về nhà chưa nhìn thấy mẹ. Mỗi khi trở về quê nơi mẹ cha và những người ruột thịt của ta đang sinh sống, tình mẫu tử là tình cảm thương yêu nhất. Người ta mong gặp đầu tiên là mẹ. Có thể thời gian ta xa nhà,  do “nhớ thương” con, cháu vóc mẹ đã hao gầy; mái tóc mẹ đã chuyển sang màu trắng “bởi bao năm tháng nhớ thương vơi đầy”. Nhớ lại niềm vui ngời ngời trong mắt mẹ mỗi khi con cháu về xum họp, ta càng thương mẹ nhiều hơn. Tôi rất tâm đắc câu thơ nằm lòng: “con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Cho dù ta đã lên ông, lên bà nhưng ta vẫn là con của mẹ. Với mẹ, ta vẫn còn khờ dại, cần bàn tay chăm sóc của Người. Khi ta ăn cơm không được ngon miệng, mẹ thở dài. Khi việc làm của ta chưa ổn định, mẹ đứng ngồi không yên. Khi ta chưa lập gia đình, mẹ lo lắng. Chỉ khi ta có con mẹ mới thở phào nhẹ nhõm... Tất cả “nỗi niềm” của mẹ đều vì hạnh phúc của các con! Hai câu thơ:
“Nỗi niềm xưa, nỗi niềm nay/ Lặn trong đời mẹ dạn dày nắng mưa” đã nói lên khá đầy đủ tấm lòng của mẹ. Những hy sinh, vất vả vì gia đình, vì các con đã “lặn trong đời mẹ”.Niềm vui, hạnh phúc của các con vừa là mục đích phấn đấu, vừa là động lực tiếp thêm sức mạnh để mẹ vượt qua mưa nắng cuộc đời. Mẹ sẵn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để các con mình được “bằng chúng bằng bạn”, không “thua chị kém em”... “Nỗi niềm xưa, nỗi niềm nay”của mẹ tất cả đều vì tương lai, hạnh phúc của các con mình.
“Từ bao giờ đến bây giờ/ Nước thời gian gội bạc phơ mái đầu”.
Khi còn trẻ, mải bươn trải mưu sinh ta thường ít quan tâm đến mẹ, đôi khi còn làm mẹ phiền lòng. Một ngày nào đó ta bỗng giật mình khi mái tóc mẹ đã có nhiều sợi bạc. Nhìn những nếp nhăn đã dày thêm trên trán, lòng ta tràn ngập sót sa bởi tuổi già của mẹ đang về... Ta bắt đầu quan tâm đến mẹ. Rồi lần đầu mẹ ốm, sức khỏe giảm dần theo năm tháng ta mới cảm thấy hối hận, tự trách mình chưa quan tâm mẹ nhiều hơn. Đến khi mẹ “bạc phơ mái đầu” ta hiểu rằng quỹ thời gian của Người đang  cạn dần. Tuy mức độ khác nhau, cách thể hiện có thể không giống nhau nhưng trong sâu thẳm lòng người, ai cũng thương cha mẹ, đặc biệt là đối với mẹ. Có những điều ta không thể nói với ai, kể cả với cha. Nhưng người duy nhất biết được chỉ có mẹ mà thôi... Rồi một ngày không mong đợi sớm muộn cũng sẽ đến: mẹ ra đi mãi mãi trong niềm đau thương khôn xiết của con cháu và những người thân. Những người có điều kiện phụng dưỡng mẹ khi tuổi già, lúc ốm đau... nỗi đau thương được vơi bớt một phần. Những người không có điều kiện chăm sóc mẹ hoặc có điều gì đó khi ứng sử để mẹ phải phiền lòng thì ân hận mãi khôn nguôi...
“Con đi đâu, con về đâu?/ Bàn tay mẹ dắt qua cầu gian nan”.
Một khi mẹ không còn nữa ta mới cảm thấy hẫng hụt nhiều, đặc biệt đối với các con gái của mẹ. Thật may mắn và hạnh phúc cho những người được ngắm mẹ “tóc trắng như sương”. Nhiều người mồ côi mẹ từ sớm nên sự thiệt thòi không sao bù đắp nổi! “Con đi đâu, con về đâu?” Câu thơ cũng là câu hỏi, chứa đựng bao tình cảm, đọc kỹ ta mới thấy nhiều ý nghĩa. Khi là câu hỏi của mẹ: đó là sự quan tâm, lo lắng của mẹ đối với cuộc sống và tương lai của con. Mỗi khi gặp trở ngại ta có “bàn tay mẹ dắt qua cầu gian nan”. Đôi bàn tay của mẹ nâng giấc, chăm sóc con từ những ngày tấm bé; dắt con tập đi khi chập chững; đưa, đón con những buổi đến trường... Khi trưởng thành lại  dắt con vượt qua mỗi khi gặp khó khăn. Bàn tay mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần, đôi khi cả vật chất để con vững tin trong cuộc sống. Khi là câu tự hỏi của con: đó là sự hẫng hụt khi mẹ không còn. Con đi đâu, con về đâu để được gặp mẹ yêu? Ai là người xòe bàn tay dìu dắt con mỗi khi gặp“gian nan”? Kể cả khi rất tự tin trong cuộc sống, nhiều việc ta vẫn cần lời khuyên của mẹ.
“Những xuân sang, những đông tàn/ Mái nhà của mẹ muôn vàn yên vui”.
Tết đến, xuân về và những ngày lễ trọng trong năm hoặc mỗi khi gia đình có công việc, con cháu về đoàn tụ, quây quần trong ngôi nhà của mẹ thật ấm cúng, yên vui. Trước đây, mỗi khi về nhà con cháu quây quần quanh mẹ. Khi mẹ không còn, tấm hình mẹ trên Ban thờ “tóc trắng như sương” ta như thấy mẹ vẫn tươi cười nhìn ta âu yếm. Hình như chân dung mẹ ở đây rất lạ... có hồn hơn các tấm hình của mẹ mà ta có?
Hai câu kết của bài thơ vẫn dịu dàng như lời thì thầm với mẹ, đọc lên thật cảm động trước tình cảm chân thành của người con đối với mẹ kính yêu:
“Con đi núi rộng sông dài/ Yêu thương bóng mẹ suốt đời mang theo”.
Khi nói về công lao của cha mẹ, có câu lục bát không mới nhưng rất nhiều người nhớ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tình yêu thương của mẹ không bao giờ cạn bởi nó được khởi nguồn từ trái tim nhân hậu và tấm lòng bao dung của mẹ. Dù có thể đi khắp nơi, sống ở các miền khác nhau nhưng  với những người con hiếu thảo, hình bóng mẹ hiền luôn trong tim họ. “Yêu thương bóng mẹ suốt đời mang theo”. Câu kết của bài thơ đầy tình cảm, chứa chan tình mẫu tử. Hình bóng thân thương của mẹ hiền với bao kỷ niệm ngọt bùi... là tài sản tinh thần vô giá mãi mãi trong ta suốt cuộc đời. Và,  bàn tay của mẹ bao năm chăm sóc, dìu dắt, nâng đỡ ta...  không thể  nào quên mỗi khi  nhớ về mẹ kính yêu.
                                                Hà Nội, mùa lễ Vu Lan 2015
                                                    Ts. Nguyễn Đình Nguộc

READ MORE - CẢM NHẬN BÀI THƠ "MẸ" - Nguyễn Đình Nguộc

ĐỌC BÀI THƠ "PHƯƠNG XA" BẰNG ĐÔI MẮT BÌNH PHẨM NGHIÊM TÚC - Phạm Đức Nhì


Tác giả Phạm Đức Nhì


Phạm Đức Nhì
ĐỌC BÀI THƠ "PHƯƠNG XA"
BẰNG ĐÔI MẮT BÌNH PHẨM NGHIÊM TÚC


Tính tính tính tình tang tang tang
Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan
Trôi nó trôi bềnh bồng
Ði tới Tô-Ky-Ô
Mình xách tay chiếc dù
Mặc áo ki-mô-nô
Tô-Ky-Ô Tô-Ky-Ô
Dù là dù với ki-mô-nô.
……………………..

Trên đây là một đoạn của Chiếc Thuyền Nan, một bài hát vui mà các thành viên của Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể … thường hát trong các buổi sinh hoạt. Bài hát diễn tả niềm hạnh phúc được đến các vùng đất lạ, học thêm được những kiến thức mới bổ ích cho cuộc đời. Khoảng cuối những năm 30s, đầu những năm 40s thế kỷ trước (1) có một thi sĩ cũng bước lên thuyền ra khơi nhưng với tâm trạng và mục đích hoàn toàn khác. Đó chính là thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong thi phẩm Phương Xa.
        
Phương Xa

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng
Xô về Đông hay giạt tới phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng, họa dần vơi.

Lũ chúng ta, lạc loài dăm bẩy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ              
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan
Gió đã nổi nhịp trăng chiều hiu hắt
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan.

VŨ HOÀNG CHƯƠNG


Hai Khổ Thơ Tuyệt Vời 

  Người đọc dễ nhận thấy hồn cốt của bài thơ nằm ở 2 khổ giữa, gồm mấy ý chính như sau: có sự khác biệt quá lớn giữa thi sĩ và xã hội, khó có thể dung hợp nên ông muốn “bỏ đi thật xa” để khỏi phải sống, phải nghe, phải nhìn những cảnh đời ngang tai, trái mắt.

          Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
          Bị quê hương ruồng bỏ giống nỏi khinh

Dù thể xác vẫn là hình hài con người, hơn nữa, lại là con người Việt Nam máu đỏ da vàng, nhưng ông có cảm giác như một kẻ lạc loài, và vì thế nên bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh khi.

          Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
          Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh

do đó mới có tâm trạng chán chường đến cùng cực, chỉ muốn lênh đênh trên biển cả, chẳng cần biết đâu là bờ, đâu là bến hết.
Khổ thơ kế tiếp được nhìn dưới góc cạnh thời gian:

          Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
          Một đôi người u uất nỗi trơ vơ

Người đời thường nói “sinh bất phùng thời”, câu nói đã cũ rich, khô cứng. Thi sĩ của chúng ta, cũng cái ý ấy, đã sáng tạo một câu thơ độc đáo, ngôn từ mới, hình ảnh mới, vóc dáng mới:

          Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

phải nói là một câu thơ hay tuyệt. Ông (và một nhóm bạn nào đó) mang tâm trạng vừa cô độc, trơ trọi vừa bơ vơ, không có chỗ bám víu, nương tựa bởi vì:

          Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị

sự vận hành của cuộc đời hoàn toàn khác, không thể dung hợp với cách suy nghĩ, cách nhìn cuộc đời của ông. Và ông đã yêu cầu:

          Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ

để được thoát hẳn cái khung cảnh xã hội mà đối với nhịp suy tư của tâm hồn ông chỉ là “cung đàn lạc điệu”

Như vậy ý chính của bài thơ có thể tóm tắt như sau: tác giả và nhóm bạn của ông là những kẻ “lạc loài” lại “đầu thai lầm thế kỷ,” không hợp với xã hội đương thời nên bị ruồng rẫy, rẻ rúng, chỉ muốn lênh đênh trên biển cả, không cần biết phương hướng bến bờ, hoặc trôi giạt vào một hoang đảo nào đó để khỏi phải tiếp xúc với cuộc đời “kiêu bạc.”

Trên bề mặt chữ nghĩa là như vậy, nhưng thực tế thì hoàn toàn khác. Vũ Hoàng Chương la toáng lên là:

          Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
          Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.

Nhưng khi tự nhận là “lạc loài dăm bảy đứa” thì chính ông (và nhóm bạn nào đó) mới là những kẻ đã đoạn tuyệt với dòng giống, chối bỏ quê hương. Mẹ VN, thời nào cũng vậy, vẫn dang rộng vòng tay chứ nào có ruồng rẫy, rẻ rúng đứa con nào. Ông còn bù lu bù loa “Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,” nhưng thật ra chính cái bản tính kiêu kỳ, cao ngạo của ông mới là thủ phạm của sự “bất dung hợp” với cuộc đời; ông không muốn “hạ cố” hòa nhập với cuộc đời chứ không phải cuộc đời không chấp nhận ông.

Đó là tâm trạng của ông, cái nhìn chủ quan của ông đối với cuộc sống. Đúng hay sai xin nhường cho bạn đọc tự phán xét. Đối với thái độ ngông nghênh, xa lánh cuộc đời của ông tôi chỉ “kính nhi viễn chi”. Nhưng trong thơ, đặc biệt là bài thơ Phương Xa, chữ How (thế nào) quan trọng hơn chữ What (cái gì) rất nhiều. Chắc một số bạn đọc cũng như tôi, không thể không khoái tài thơ của ông trong cách ông diễn tả tâm trạng và thái độ của mình. Một nhà thơ đã viết: “Nói là nói cái gì; làm thơ là nói để được cái thú nghe lời mình nói”. Đọc Phương Xa, cái thú “nghe” ông nói lớn hơn cái thú được biết ông nói gì rất nhiều. Điều thi sĩ nói có người đồng ý, có người không, nhưng cái cách ông nói thì hấp dẫn quá, ngôn ngữ của ông cao sang quá; qua tài thơ độc đáo của mình ông đã đưa ý tưởng vào 2 khổ chính của bài thơ, tạo nên một khung cảnh thơ rất đẹp, hình ảnh lãng mạn, nên thơ, gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Cấu Trúc Thơ hay Trận Địa Chữ Nghĩa của Phương Xa

Về hình thức, đây là bài thơ bát ngôn (8 chữ) trường thiên gồm 16 câu được chia làm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu. Vần gieo gián cách (1/3, 2/4) rất chân phương, nghĩa là tác giả áp dụng cách gieo phần của thơ mới (ảnh hưởng Pháp) rất đúng nguyên tắc, rất cứng:

Khổ 1: sóng rộng, Đoài vơi.
Khổ 2: đứa nữa, khinh đênh.
Khổ 3: kỷ dị, vơ sơ.
Khổ 4: tắt hắt, khoan ngoan.

Có thể nói món chè Phương Xa được nêm hơi nhiều đường; bài thơ có vần khá đậm. 

Khuyết điểm chính của bài thơ là Phân Bổ Lực Lượng Không Cân Xứng. Tứ thơ được gói ghém, cô đọng ở khổ 2 và khổ 3. Khổ đầu và khổ cuối chỉ làm nhiệm vụ mở đề và kết luận. Như vậy mở đề và kết luận hơi dài, không cân xứng so với phần chính của bài thơ. Và vì hơi dài nên đã sinh ra môt số khuyết điểm khác:

* Khổ thơ đầu tiên có đoạn:
       Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng
       Xô về Đông hay dạt tới phương Đoài.          
ý trùng lặp với khổ thơ thứ 2:
      Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
      Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

* Khổ đầu có hai câu thơ hơi khó hiểu:
      Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng,
      Lòng cô đơn cay đắng họa dần vơi.

Tại sao lại họa dần vơi? Nếu cho rằng chung đụng với xã hội là một tai họa thì khi đã ở trên thuyền “Xa mặt đất giữa vô cùng cao rộng” thì tai họa sẽ tự động biến mất chứ làm sao mà “dần vơi” được? Theo tôi, đọc đến “họa dần vơi” người đọc hơi bối rối, không biết tác giả muốn nói gì. Nhóm chữ ấy đã tạo một khoảng tối trong khung cảnh thơ trong sáng.

•      Khổ cuối chỉ có câu “Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan” là cần thiết (ý nói thuyền vẫn tiếp tục trôi); ba câu trước được đưa vào, theo tôi, chỉ để cho đủ số câu, số chữ, cho đủ một khổ thơ của thể thơ bát ngôn trường thiên, không giúp ích gì nhiều cho bài thơ.

Tóm lại, Phương Xa là một bài thơ hay, được đông đảo những người ham chuộng văn chương (đặc biệt là ở miền nam, trong đó có tôi) yêu thích. Thuở còn học Đệ Nhị (lớp 11 bậc trung học) tôi đã có lần làm một bài nghị luận văn chương trong kỳ thi lục cá nguyệt (nửa niên học) mà đề tài liên quan đến bài thơ Phương Xa. Lúc ấy tôi đã nổi hứng luận bàn, lý giải và đã được thầy giáo cho điểm cao nhất lớp. Nhắc đến tâm trạng chán chường, lánh xa nhân thế người ta thường trích những câu trong khổ 2 hoặc khổ 3 của bài thơ, coi như là những chứng cớ hùng hồn, đắt giá. Tôi chợt liên tưởng đến một đội banh có một nửa là những cầu thủ siêu sao, kỹ thuật cá nhân điêu luyện, lối chơi hấp dẫn. Hễ banh đến chân họ là khán giả reo hò vang dậy, cổ vũ nhiệt liệt; hình như khán giả không để tâm lắm đến các cầu thủ khác trong đội. Nhưng dưới con mắt của người am tường túc cầu thì đội banh ấy có đội hình vá víu, phân bổ lực lượng không hợp lý, đấu pháp toàn đội không chặt chẽ, bộc lộ nhiều sơ hở, nếu so sánh với những đội banh cùng đẳng cấp khác chắc chắn sẽ không được đánh giá cao. Bài thơ Phương Xa cũng thế. Hai khổ thơ chính gồm những câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ, đọc rồi sẽ rất khó quên. Đó là những câu thơ hay tuyệt, có khả năng hớp hồn độc giả. Nhưng nếu xét bài thơ một cách tổng thể, toàn diện thì thế trận chữ nghĩa của bài thơ còn lỏng lẻo, ý trùng lặp, có nhiều câu chữ dư thừa.

Nhà văn Mai Tú Ân trong bài Phương Xa – Thơ Vũ Hoàng Chương (2)  - Giới Thiệu Những Bài Thơ Việt Nam Hay Nhất đã mạnh miệng khen rằng: “Và bài thơ này cũng là bài thơ ‘Tổ’ được đọc nhiều nhất, được thuộc nhiều nhất trong cộng đồng oversea hải ngoại.” (sic) Theo tôi, Mai Tú Ân, với cảm xúc chủ quan của mình, không phân tích kỹ lưỡng, cho Phương Xa là “bài thơ Tổ”, là đã tán dương bài thơ quá lố.

Trong một bài khác, Giới Thiệu Bài Thơ Phương Xa Của Vũ Hoàng Chương (3), Mai Tú Ân còn viết:

 "Bài thơ được viết theo thể thơ mới 8 chữ, và cũng trở thành một bài thơ kinh điển của thể thơ này. Với chỉ 16 câu bình dị, đậm đà luyến lái (4) nhưng lại thống thiết làm sao với các vần điệu cứ đưa cao cao (TRẮC TRẮC) lên mãi. Những câu thơ không gọt rũa (4), bình thường nhưng lại đắc địa đến từng chữ một."

Như tôi đã phân tích ở trên, Phương Xa ở khổ đầu tiên có đến 11 chữ trùng lặp ý với khổ 2, ở khổ cuối thì 3 câu (24 chữ) được đưa vào chỉ để “đứng chơi” chứ không có đóng góp gì đáng kể cho tứ thơ. Bởi vậy khi nhà văn Mai Tú Ân phán một câu xanh rờn: “Những câu thơ không gọt rũa (4), bình thường nhưng lại đắc địa đến từng chữ một” thì tôi chỉ còn biết cúi đầu thán phục, bởi đó là một lời bình “quá ư liều mạng.”

Kết Luận

Vũ Hoàng Chương di cư vào nam nên mặc dù “đa mang nghiện ngập” lại có cái nhìn về xã hội, con người rất “ngược đời”, có thể là chướng ngại vật cho sự đào tạo thế hệ trẻ trong xu hướng phát triển mới, nhưng vì thi tài của ông, vì vẻ đẹp cao sang, lộng lẫy của thơ ca, vì giá trị nghệ thuật tự thân của tác phẩm, thơ của ông vẫn được Bộ Giáo Dục xếp vào chương trình giảng dạy ở bậc trung học. Ông từng là Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, mấy lần được trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, được đại diện các thi sĩ Việt Nam tham dự Hội Nghị Thi Ca Quốc Tế, được đại diện Văn Bút Việt Nam tham dự Văn Bút Quốc Tế, được vinh danh là Thi Bá Việt Nam và được văn thi sĩ và những người yêu chuộng văn chương hết mực quý mến, thương yêu. Ngoài việc dạy Việt Văn ở Chu Văn An (một trường trung học công lập danh giá ở Sài Gòn) ông còn dạy thêm ở vài trường tư thục khác. Tôi có cơ may được nghe “ké” ông giảng văn mấy buổi ở trường Hồng Lạc (đường Trần Quốc Toản) và được trò chuyện với ông. Nhưng phải đến lúc qua cái tuổi “tri thiên mệnh” tôi mới thực sự cảm và “thấy” được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, cái hồn trong một số bài thơ của ông. Bài thơ hay nhất của ông, theo tôi, rất xứng đáng với danh hiệu “tuyệt tác thơ ca”, đã đưa ông vào vị trí của vì sao chói sáng nhất giữa vùng trời thơ mới. Có điều Phương Xa không phải là bài thơ đó.

TEXAS 09/2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com



CHÚ THÍCH:
1/ Tập Thơ Say (có bài Phương Xa) được xuất bản năm 1940.
4/ luyến lái: đúng ra phải là luyến láy. Gọt rũa: đúng ra phải là gọt dũa hay gọt giũa
THAM KHẢO:



READ MORE - ĐỌC BÀI THƠ "PHƯƠNG XA" BẰNG ĐÔI MẮT BÌNH PHẨM NGHIÊM TÚC - Phạm Đức Nhì

HẢI LĂNG ĐẤT MẸ NGỌT NGÀO - thơ Mai Thanh Tịnh - nhạc Quỳnh Hợp - trình bày Y Jang Tuyn

READ MORE - HẢI LĂNG ĐẤT MẸ NGỌT NGÀO - thơ Mai Thanh Tịnh - nhạc Quỳnh Hợp - trình bày Y Jang Tuyn