ĐỌC BÀI THƠ "PHƯƠNG XA"
BẰNG ĐÔI MẮT BÌNH PHẨM NGHIÊM
TÚC
Tính tính tính tình tang tang
tang
Cuộc đời mình như chiếc
thuyền nan
Trôi nó trôi bềnh bồng
Ði tới Tô-Ky-Ô
Mình xách tay chiếc dù
Mặc áo ki-mô-nô
Tô-Ky-Ô Tô-Ky-Ô
Dù là dù với ki-mô-nô.
……………………..
Trên đây là một đoạn của
Chiếc Thuyền Nan, một bài hát vui mà các thành viên của Hướng Đạo, Gia Đình
Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể … thường hát trong các buổi sinh hoạt. Bài hát
diễn tả niềm hạnh phúc được đến các vùng đất lạ, học thêm được những kiến thức
mới bổ ích cho cuộc đời. Khoảng cuối những năm 30s, đầu những năm 40s thế kỷ
trước (1) có một thi sĩ cũng bước lên thuyền ra khơi nhưng với tâm trạng và mục
đích hoàn toàn khác. Đó chính là thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong thi phẩm Phương
Xa.
Phương Xa
Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin
mặc sóng
Xô về Đông hay giạt tới
phương Đoài
Xa mặt đất giữa vô cùng cao
rộng
Lòng cô đơn cay đắng, họa dần
vơi.
Lũ chúng ta, lạc loài dăm bẩy
đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống
nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng
nữa
Thuyền ơi thuyền! Theo gió
hãy lênh đênh.
Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế
kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ
vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn
giản dị
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến
hoang sơ.
Men đã ngấm bọn ta chờ nắng
tắt
Treo buồm cao cùng cao tiếng
hò khoan
Gió đã nổi nhịp trăng chiều
hiu hắt
Thuyền ơi thuyền! Theo gió
hãy cho ngoan.
VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Hai Khổ Thơ Tuyệt Vời
Người đọc dễ nhận thấy hồn cốt của bài thơ
nằm ở 2 khổ giữa, gồm mấy ý chính như sau: có sự khác biệt quá lớn giữa thi sĩ
và xã hội, khó có thể dung hợp nên ông muốn “bỏ đi thật xa” để khỏi phải sống,
phải nghe, phải nhìn những cảnh đời ngang tai, trái mắt.
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nỏi khinh
Dù thể xác vẫn là hình hài
con người, hơn nữa, lại là con người Việt Nam máu đỏ da vàng, nhưng ông có cảm
giác như một kẻ lạc loài, và vì thế nên bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
khi.
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh
đênh
do đó mới có tâm trạng chán
chường đến cùng cực, chỉ muốn lênh đênh trên biển cả, chẳng cần biết đâu là bờ,
đâu là bến hết.
Khổ thơ kế tiếp được nhìn
dưới góc cạnh thời gian:
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi trơ vơ
Người đời thường nói “sinh
bất phùng thời”, câu nói đã cũ rich, khô cứng. Thi sĩ của chúng ta, cũng cái ý
ấy, đã sáng tạo một câu thơ độc đáo, ngôn từ mới, hình ảnh mới, vóc dáng mới:
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
phải nói là một câu thơ hay
tuyệt. Ông (và một nhóm bạn nào đó) mang tâm trạng vừa cô độc, trơ trọi vừa bơ
vơ, không có chỗ bám víu, nương tựa bởi vì:
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
sự vận hành của cuộc đời hoàn
toàn khác, không thể dung hợp với cách suy nghĩ, cách nhìn cuộc đời của ông. Và
ông đã yêu cầu:
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang
sơ
để được thoát hẳn cái khung
cảnh xã hội mà đối với nhịp suy tư của tâm hồn ông chỉ là “cung đàn lạc điệu”
Như vậy ý chính của bài thơ
có thể tóm tắt như sau: tác giả và nhóm bạn của ông là những kẻ “lạc loài” lại
“đầu thai lầm thế kỷ,” không hợp với xã hội đương thời nên bị ruồng rẫy, rẻ
rúng, chỉ muốn lênh đênh trên biển cả, không cần biết phương hướng bến bờ, hoặc
trôi giạt vào một hoang đảo nào đó để khỏi phải tiếp xúc với cuộc đời “kiêu
bạc.”
Trên bề mặt chữ nghĩa là như
vậy, nhưng thực tế thì hoàn toàn khác. Vũ Hoàng Chương la toáng lên là:
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy
đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống
nòi khinh.
Nhưng khi tự nhận là “lạc loài
dăm bảy đứa” thì chính ông (và nhóm bạn nào đó) mới là những kẻ đã đoạn tuyệt
với dòng giống, chối bỏ quê hương. Mẹ VN, thời nào cũng vậy, vẫn dang rộng vòng
tay chứ nào có ruồng rẫy, rẻ rúng đứa con nào. Ông còn bù lu bù loa “Đời kiêu
bạc không dung hồn giản dị,” nhưng thật ra chính cái bản tính kiêu kỳ, cao ngạo
của ông mới là thủ phạm của sự “bất dung hợp” với cuộc đời; ông không muốn “hạ
cố” hòa nhập với cuộc đời chứ không phải cuộc đời không chấp nhận ông.
Đó là tâm trạng của ông, cái
nhìn chủ quan của ông đối với cuộc sống. Đúng hay sai xin nhường cho bạn đọc tự
phán xét. Đối với thái độ ngông nghênh, xa lánh cuộc đời của ông tôi chỉ “kính
nhi viễn chi”. Nhưng trong thơ, đặc biệt là bài thơ Phương Xa, chữ How (thế
nào) quan trọng hơn chữ What (cái gì) rất nhiều. Chắc một số bạn đọc cũng như
tôi, không thể không khoái tài thơ của ông trong cách ông diễn tả tâm trạng và
thái độ của mình. Một nhà thơ đã viết: “Nói là nói cái gì; làm thơ là nói để
được cái thú nghe lời mình nói”. Đọc Phương Xa, cái thú “nghe” ông nói lớn hơn
cái thú được biết ông nói gì rất nhiều. Điều thi sĩ nói có người đồng ý, có
người không, nhưng cái cách ông nói thì hấp dẫn quá, ngôn ngữ của ông cao sang
quá; qua tài thơ độc đáo của mình ông đã đưa ý tưởng vào 2 khổ chính của bài thơ,
tạo nên một khung cảnh thơ rất đẹp, hình ảnh lãng mạn, nên thơ, gây ấn tượng
sâu sắc trong lòng người đọc.
Cấu Trúc Thơ hay Trận Địa Chữ
Nghĩa của Phương Xa
Về hình thức, đây là bài thơ
bát ngôn (8 chữ) trường thiên gồm 16 câu được chia làm 4 khổ, mỗi khổ 4 câu.
Vần gieo gián cách (1/3, 2/4) rất chân phương, nghĩa là tác giả áp dụng cách
gieo phần của thơ mới (ảnh hưởng Pháp) rất đúng nguyên tắc, rất cứng:
Khổ 1: sóng rộng, Đoài vơi.
Khổ 2: đứa nữa, khinh đênh.
Khổ 3: kỷ dị, vơ sơ.
Khổ 4: tắt hắt, khoan ngoan.
Có thể nói món chè Phương Xa
được nêm hơi nhiều đường; bài thơ có vần khá đậm.
Khuyết điểm chính của bài thơ
là Phân Bổ Lực Lượng Không Cân Xứng. Tứ thơ được gói ghém, cô đọng ở khổ 2 và
khổ 3. Khổ đầu và khổ cuối chỉ làm nhiệm vụ mở đề và kết luận. Như vậy mở đề và
kết luận hơi dài, không cân xứng so với phần chính của bài thơ. Và vì hơi dài
nên đã sinh ra môt số khuyết điểm khác:
* Khổ thơ đầu tiên có đoạn:
Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng
Xô về Đông hay dạt tới phương Đoài.
ý trùng lặp với khổ thơ thứ 2:
Bể vô tận sá gì phương hướng
nữa
Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy
lênh đênh.
* Khổ đầu có hai câu thơ hơi khó hiểu:
Xa mặt đất giữa vô cùng cao
rộng,
Lòng cô đơn cay đắng họa dần
vơi.
Tại sao lại họa dần vơi? Nếu
cho rằng chung đụng với xã hội là một tai họa thì khi đã ở trên thuyền “Xa mặt
đất giữa vô cùng cao rộng” thì tai họa sẽ tự động biến mất chứ làm sao mà “dần
vơi” được? Theo tôi, đọc đến “họa dần vơi” người đọc hơi bối rối, không biết
tác giả muốn nói gì. Nhóm chữ ấy đã tạo một khoảng tối trong khung cảnh thơ
trong sáng.
• Khổ cuối chỉ có câu “Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan”
là cần thiết (ý nói thuyền vẫn tiếp tục trôi); ba câu trước được đưa vào, theo
tôi, chỉ để cho đủ số câu, số chữ, cho đủ một khổ thơ của thể thơ bát ngôn
trường thiên, không giúp ích gì nhiều cho bài thơ.
Tóm lại, Phương Xa là một bài
thơ hay, được đông đảo những người ham chuộng văn chương (đặc biệt là ở miền
nam, trong đó có tôi) yêu thích. Thuở còn học Đệ Nhị (lớp 11 bậc trung học) tôi
đã có lần làm một bài nghị luận văn chương trong kỳ thi lục cá nguyệt (nửa niên
học) mà đề tài liên quan đến bài thơ Phương Xa. Lúc ấy tôi đã nổi hứng luận
bàn, lý giải và đã được thầy giáo cho điểm cao nhất lớp. Nhắc đến tâm trạng
chán chường, lánh xa nhân thế người ta thường trích những câu trong khổ 2 hoặc
khổ 3 của bài thơ, coi như là những chứng cớ hùng hồn, đắt giá. Tôi chợt liên
tưởng đến một đội banh có một nửa là những cầu thủ siêu sao, kỹ thuật cá nhân
điêu luyện, lối chơi hấp dẫn. Hễ banh đến chân họ là khán giả reo hò vang dậy,
cổ vũ nhiệt liệt; hình như khán giả không để tâm lắm đến các cầu thủ khác trong
đội. Nhưng dưới con mắt của người am tường túc cầu thì đội banh ấy có đội hình
vá víu, phân bổ lực lượng không hợp lý, đấu pháp toàn đội không chặt chẽ, bộc
lộ nhiều sơ hở, nếu so sánh với những đội banh cùng đẳng cấp khác chắc chắn sẽ
không được đánh giá cao. Bài thơ Phương Xa cũng thế. Hai khổ thơ chính gồm
những câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ, đọc rồi sẽ rất khó quên. Đó là những câu
thơ hay tuyệt, có khả năng hớp hồn độc giả. Nhưng nếu xét bài thơ một cách tổng
thể, toàn diện thì thế trận chữ nghĩa của bài thơ còn lỏng lẻo, ý trùng lặp, có
nhiều câu chữ dư thừa.
Nhà văn Mai Tú Ân trong bài
Phương Xa – Thơ Vũ Hoàng Chương (2) -
Giới Thiệu Những Bài Thơ Việt Nam Hay Nhất đã mạnh miệng khen rằng: “Và bài thơ
này cũng là bài thơ ‘Tổ’ được đọc nhiều nhất, được thuộc nhiều nhất trong cộng
đồng oversea hải ngoại.” (sic) Theo tôi, Mai Tú Ân, với cảm xúc chủ quan của
mình, không phân tích kỹ lưỡng, cho Phương Xa là “bài thơ Tổ”, là đã tán dương
bài thơ quá lố.
Trong một bài khác, Giới
Thiệu Bài Thơ Phương Xa Của Vũ Hoàng Chương (3), Mai Tú Ân còn viết:
"Bài thơ được viết theo thể thơ mới 8 chữ, và
cũng trở thành một bài thơ kinh điển của thể thơ này. Với chỉ 16 câu bình dị,
đậm đà luyến lái (4) nhưng lại thống thiết làm sao với các vần điệu cứ đưa cao
cao (TRẮC TRẮC) lên mãi. Những câu thơ không gọt rũa (4), bình thường nhưng lại
đắc địa đến từng chữ một."
Như tôi đã phân tích ở trên,
Phương Xa ở khổ đầu tiên có đến 11 chữ trùng lặp ý với khổ 2, ở khổ cuối thì 3
câu (24 chữ) được đưa vào chỉ để “đứng chơi” chứ không có đóng góp gì đáng kể
cho tứ thơ. Bởi vậy khi nhà văn Mai Tú Ân phán một câu xanh rờn: “Những câu thơ
không gọt rũa (4), bình thường nhưng lại đắc địa đến từng chữ một” thì tôi chỉ
còn biết cúi đầu thán phục, bởi đó là một lời bình “quá ư liều mạng.”
Kết Luận
Vũ Hoàng Chương di cư vào nam
nên mặc dù “đa mang nghiện ngập” lại có cái nhìn về xã hội, con người rất
“ngược đời”, có thể là chướng ngại vật cho sự đào tạo thế hệ trẻ trong xu hướng
phát triển mới, nhưng vì thi tài của ông, vì vẻ đẹp cao sang, lộng lẫy của thơ
ca, vì giá trị nghệ thuật tự thân của tác phẩm, thơ của ông vẫn được Bộ Giáo
Dục xếp vào chương trình giảng dạy ở bậc trung học. Ông từng là Chủ Tịch Trung
Tâm Văn Bút Việt Nam, mấy lần được trao giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn
Quốc, được đại diện các thi sĩ Việt Nam tham dự Hội Nghị Thi Ca Quốc Tế, được
đại diện Văn Bút Việt Nam tham dự Văn Bút Quốc Tế, được vinh danh là Thi Bá
Việt Nam và được văn thi sĩ và những người yêu chuộng văn chương hết mực quý
mến, thương yêu. Ngoài việc dạy Việt Văn ở Chu Văn An (một trường trung học
công lập danh giá ở Sài Gòn) ông còn dạy thêm ở vài trường tư thục khác. Tôi có
cơ may được nghe “ké” ông giảng văn mấy buổi ở trường Hồng Lạc (đường Trần Quốc
Toản) và được trò chuyện với ông. Nhưng phải đến lúc qua cái tuổi “tri thiên
mệnh” tôi mới thực sự cảm và “thấy” được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, cái hồn
trong một số bài thơ của ông. Bài thơ hay nhất của ông, theo tôi, rất xứng đáng
với danh hiệu “tuyệt tác thơ ca”, đã đưa ông vào vị trí của vì sao chói sáng
nhất giữa vùng trời thơ mới. Có điều Phương Xa không phải là bài thơ đó.
TEXAS 09/2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
CHÚ THÍCH:
1/ Tập Thơ Say (có bài Phương Xa) được xuất bản năm 1940.
4/ luyến lái: đúng ra phải là luyến láy. Gọt rũa: đúng ra phải là gọt dũa hay gọt giũa
THAM KHẢO:
No comments:
Post a Comment