Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 9, 2016

THẦY PHỦ "ĂN PHỞ" - Truyện ngắn của Hoàng Đằng

           
                       Tác giả Hoàng Đằng 



THẦY PHỦ "ĂN PHỞ"

Thầy Phủ đang định cư tại thành phố Đông Hà. Năm nay, thầy 75 tuổi. Cách đây 50 năm, thầy học trường Nguyễn Hoàng trong tỉnh lỵ Quảng Trị. Đậu xong Tú Tài, thầy xin dạy trung học ở một trường quận (huyện). Thời gian thầy đứng lớp khá lâu – 10 năm, cho nên, thầy Phủ mới được dân trong vùng gọi quen là thầy.

Sau 30/4/1975, thầy vẫn được Nhà Nước lưu dung. Tiếc là hoàn cảnh đã không cho phép thầy tiếp tục nghề dạy học. Thầy Phủ lấy vợ sớm, vợ thầy sinh con tương đối dày. Lúc đất nước thống nhất, vợ chồng thầy đã có 5 con, tất cả còn thơ dại. Bà vợ phải ở nhà chăm giữ con, không làm gì ở ngoài mà chỉ nhận hàng từ hợp tác xã may mặc mới lập của phường về làm để kiếm thêm thu nhập. Thầy Phủ một mình làm giáo viên, lương mấy chục đồng không đủ nuôi cả gia đình; thầy xin nghỉ dạy.

Thời ấy, Nhà Nước đang tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: (1) cách mạng khoa học kỹ thuật, (2) cách mạng văn hóa & tư tưởng, (3) cách mạng quan hệ sản xuất.
Nhà Nước xóa bỏ hình thức làm ăn cá thể, mọi người trong xã hội, tùy theo ngành nghề và sở thích của mình, được khuyến khích vô hợp tác xã; người làm ruộng thì vô hợp tác xã nông nghiệp; người buôn bán thì vô hợp tác xã thương nghiệp …; nghĩa là người biết nghề gì thì vô hợp tác xã nghề ấy.
Thầy Phủ sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm thợ mộc - không những bố, ông nội mà cả cố, vãi. Thuở nhỏ, thầy Phủ đi học chữ, tuy nhiên, những dịp hè, thầy về nhà, vẫn tập kéo cưa, đẩy bào, đục lỗ … Thành thử, thầy có biết sơ về nghề mộc.
Thầy rủ anh em thợ mộc trong làng lập hợp tác xã mộc. Thầy tiên đoán với hợp tác xã ngành nghề sẽ dễ kiếm sống hơn với hợp tác xã nông nghiệp.
Mà đúng vậy! Mấy năm liền sau 1975, xã viên các hợp tác xã nông nghiệp phải sống chật vật chưa từng thấy. Xã viên không có ý thức và tập quán làm ăn tập thể dẫn đến năng suất lao động kém; với lại, của cải làm ra ít mà nghĩa vụ phải đóng góp nhiều, phần để tái thiết đất nước sau chiến tranh, phần để chi viện cho 2 mặt trận: mặt trận biên giới phía Bắc với quân bành trướng Trung Quốc và mặt trận biên giới phía Tây Nam với quân quấy rối Khmer Đỏ. Xã viên hợp tác xã nông nghiệp, ở nhiều vụ, ngày công chưa tới 500 gam thóc. Trong khi đó, xã viên hợp tác xã mộc của thầy Phủ ăn chia ngày công đến 40 hay 50 đồng – bằng cả tháng lương của một công nhân viên chức; các thành viên trong mỗi hộ lại được Nhà Nước bán gạo và nhu yếu phẩm theo giá rẻ. Chưa hết, hợp tác xã được chính quyền cấp trên phân cho thị phần (quota) khai thác gỗ rừng; mỗi đợt khai thác, với tài lắt léo mánh mung trong hồ sơ kế toán và ngón kỹ xảo bớt xén trong cưa xẻ, hợp tác xã có phần gỗ dư dôi, xã viên được phần ăn chia số gỗ ấy ngoài sổ sách. Xã viên còn tranh thủ ngày nghỉ, đóng bàn, ghế, tủ, giường … bán riêng, thu nhập thêm. Nhờ thế, thầy Phủ nuôi được cả đàn con ăn học đàng hoàng; ra đời đứa nào cũng có công việc xứng hợp.

Bây giờ, sống trong tuổi già, thầy Phủ được các con trả hiếu, chu cấp thầy có cuộc sống thường ngày tương đối đầy đủ; thầy không làm gì nữa, chỉ việc đi chơi. Người thầy cao, tuy gầy, trông còn khỏe lắm. Thầy ít khi ở nhà, thầy đi đây đi đó trên xe máy; nhiều đoạn đường xa cả 70 km, thầy vẫn không ngán. Mỗi lần thầy muốn đi ra ngoài, thầy để công nhiều vào việc trau diện; mặt mày cạo gọt nhẵn nhụi, trang phục chỉnh chu - từ quần áo ủi li thẳng tắp đến giày, dép đánh xi bóng láng. Trông thầy ngồi trên xe máy, ai cũng không ngờ thầy tuổi đã 75 mà cứ nghĩ thầy khoảng dưới 50.

Hôm ấy, trời đã xế chiều, thầy cỡi chiếc xe máy Sirius màu đỏ đi chơi nhà người bạn ở phường phía trên. Lúc về, tại ngã ba – giao điểm của Quốc Lộ 1 và đường rẽ phải xuống phường 2 – nơi nhà thầy ở, đèn đỏ, thầy dừng xe lại. Từ vỉa hè, một cô gái vừa đưa tay ngoắt vừa gọi thầy:
Anh ơi! Đi mô về rứa? Về nhà em chơi đi! Bữa ni em chuyển về ở dưới ni rồi.
Đèn xanh. Thầy Phủ không dám để xe dừng; xe các loại đang ào ào chạy, còi vang inh ỏi. Xe thầy chạy khoảng 50 mét, thầy cảm thấy áy náy trong lòng; cô gái nào đó muốn bắt chuyện mà thầy chưa trả lời; thầy tạt xe vô ven đường, dừng lại, đưa tay ra dấu cho cô gái tới gần.
Cô gái người dong dỏng cao, mặt che trong chiếc khăn rộng, mình phủ chiếc áo chống nắng, hai tay mang bao mỏng đến tận khuỷu; thầy không nhận ra người, thầy chỉ ngờ ngợ đó là người có lẽ quen biết thầy ở một dịp nào đó.
Thời gian gần đây, trường Nguyễn Hoàng – dù đã bị xóa từ 1975, cứ vài ba năm, tổ chức hội ngộ tại Quảng Trị một lần; các cựu học sinh từ khắp nơi về dự đông lắm, mỗi lần trên dưới 1000 người; lại thêm, hàng tháng, ban liên lạc cựu học sinh Nguyễn Hoàng đang định cư tại Quảng Trị tổ chức gặp nhau đều đặn uống cà phê để kết tình thân ái. Biết đâu cô gái ấy là một đồng môn Nguyễn Hoàng! Cô gái ấy có thể đã 60 hoặc hơn 60 tuổi, nhưng với chất lượng sống cao thời buổi bây giờ cộng thêm trình độ kỹ thuật tiên tiến của các thẩm mỹ viên, cô gái trông còn trẻ, vẫn không có chi ngạc nhiên! Biết đâu cô gái ấy là một học sinh cũ của thầy. Đa số học sinh ra đời rồi vẫn gọi người có dạy mình là thầy, cô; nhưng cũng có số ít, khi hết học, gọi thầy, cô mình là anh, chị.
          Cô gái thấy thầy Phủ ngoắt, vội vàng nhảy lên chiếc xe máy Vision màu cà phê sữa, lái chạy về phía thầy. Thầy chìa bàn tay đón bắt bàn tay cô gái, miệng nở nụ cười, lịch sự nói:
Xin lỗi ai ri hè? Hồi nãy xe cộ chen chúc nhau, tôi không dám dừng hỏi thăm cô; thôi chừ cô ở mô đây? Tôi về thăm cô một chút.
Cô gái nguýt yêu:
Anh quên em rồi à? Thôi tí nữa, tới nhà, rồi biết em là ai, anh hi!
Cô gái cầm tay thầy Phủ thật chặt, rung rung một hồi lâu, rồi đưa xe  ra đường, miệng nói:
Anh đi theo em nghen!
Cô gái cho xe chạy trước dẫn đường, thầy Phủ chạy theo sau, nhắm hướng Bắc dọc Quốc Lộ 1. Thỉnh thoảng, cô gái quay mắt nhìn lui, sợ thầy Phủ không đuổi kịp, lạc lối. Tới ngã ba Cảng, cô gái rẽ vào một con hẽm, thầy Phủ theo vào. Cô gái mở cửa một phòng trọ, bước vào trước, thầy Phủ bước vào sau; cô không quên đưa tay khép hờ cánh cửa lại.
Một cái giường bề ngang rộng khoảng 1 mét, trên trải tấm nệm mỏng phủ chiếc drap màu trắng điểm vài vết ố vàng; đầu giường 2 chiếc gối bao vải trắng có thêu ở giữa mỗi cái một hoa hồng lớn, gối trông nhàu nát, rờn rợn; bên cạnh, một cái tủ table de nuit cũ bằng gỗ màu đen, trên mặt tủ, cái dĩa nhựa lớn với cái ly uống nước nằm úp; hai cái ghế nhựa nhỏ có tựa màu sô-cô-la phủ một lớp bụi mỏng. Cô gái lấy cái áo rách đằn dưới nệm giường, lau vội rồi mời thầy Phủ ngồi.
Cô lột cái bao che mặt, nở nụ cười, hai môi loang lỗ đỏ -  màu son đã bị cái bao mặt làm nhòe đi nhiều chỗ; khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, trông cũng “được”! Cô lấy lọ nước hoa trong table de nuit xịt qua trên chiếc drap, mùi thơm thoang thoảng trong không khí. Thầy Phủ cứ chăm nhìn cô, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, không biết phải xử trí sao đây; thầy ngồi ngây người, lần bộ nhớ trong não, cố tìm một nét quen nào đó trên khuôn mặt cô gái, liên tưởng đến một đồng môn xưa này, một học trò cũ nọ. Chịu! Thầy cười gượng, đứng dậy, định cáo từ. Cô gái xích chiếc ghế của mình đến sát ghế thầy, đặt tay lên vai thầy, cô trút tâm sự như bị dồn nén đã lâu:
Em ở dưới cửa Việt, em có một quầy bán đồ nhậu hải sản bên bờ biển; hàng năm, đến mùa hè, khách du lịch và khách tắm biển về nhiều lắm, ; mấy năm trước, em kinh doanh khá; tiền vô mỗi ngày 500, 700 nghìn đồng. Nhưng đường tình duyên của em trắc trở; cái nghề của em buộc em phải phục vụ, chiều lòng khách; ngộ lắm anh ơi! Mấy cha làm chi không biết mà mặt mày nung núc mỡ, bụng phệ thề lề mỗi lần vào quán nôốc vài ba két bia thì miệng lè nhè, tay chân quờ quạng, em đi ngang bàn thì tụi hắn níu em lại, đẩy em ngồi trên bắp vế thằng này rồi thằng khác. Người làng thấy vậy, phao tin em bán bia ôm; chồng em đi làm trên tàu viễn dương, mỗi lần về, nghe tin, hắn nổi máu ghen, đánh đập, xỉ mắng em; chịu không nổi, em ra tòa  ly dị; hiện em có đứa con trai 3 tuổi phải nuôi và em giao nó cho bọ mạ em chăm sóc dưới quê …
Thầy Phủ không hiểu mục đích gì mà cô gái thổ lộ chuyện đời cô với mình, thầy ngắt lời:
Tui tưởng cô là người quen, tui ghé thăm cô; té ra không phải, những chuyện cô kể không liên quan gì đến tui.
Thầy Phủ đứng dậy, bước ra cửa; cô gái níu thầy Phú ngồi xuống, mân mê tay thầy, nói tiếp:
Để em kể tiếp cho anh nghe cái đã!  Năm nay, thảm họa cá chết dọc 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế do nhà máy Formosa gì đó ngoài Vũng Áng – Hà Tĩnh thải chất độc gây ra từ tháng 3 Âm Lịch đến giờ; biển vắng tanh, em không mua bán gì được; có người khuyên em lên đây kiếm việc làm có tiền gởi về nuôi con. Em lên đây, thuê phòng trọ này đã nửa tháng rồi, mà chưa kiếm được việc chi hết. Chiều chiều, em thường ra đứng chỗ hồi nãy, thấy anh lên về nhiều lần, không biết sao em có cảm tình với anh và hôm nay bạo miệng mời anh về chơi; mừng là anh đồng ý và giờ thì em được tiếp anh ở đây.
Cô gái ngồi xích lại gần thầy Phủ, đưa bàn tay sờ vào ngực thầy, nói với vẻ quan tâm:
Sao anh gầy dữ ri?
Thầy Phủ trả lời cộc lốc:
Mình gầy khi mô đến chừ.
Bàn tay của cô gái như có dẫn theo luồng điện; tâm trạng thầy dần dần đổi khác, thầy hết xưng “tui” mà xưng “mình”. Cô gái rà tiếp bàn tay xuống bụng; thầy Phủ có cảm giác ngây ngây. Rồi không biết chi xui khiến thầy bỗng nhận ra rằng nếu bàn tay ấy xuống tí nửa, với tuổi 75 này, không chừng bí mật của thầy sẽ lộ và cô gái biết rồi cười nhạo; thầy Phủ đẩy phăng bàn tay cô gái, đứng phắt dậy, giật mạnh cánh cửa, bước ra khỏi phòng.
Cô gái nhanh tay, níu thầy lại, hai người dằng co, cô gái trên thềm, thầy Phủ dưới thềm. Cô gái nói, pha van nài, pha hăm dọa:
Anh cho em tiền cái đã!
Thầy Phủ, mặt đổi màu tím tái, gặn hỏi:
Tiền chi?
Cô gái xẳng giọng:
Tiền em đổ xăng đi đón anh chứ gì nữa!
Thầy Phủ  bực mình, hỏi:
Mấy?
Cô gái dịu giọng, nói yêu:
Rẻ thôi. 50.000. .
Thầy Phủ biết không thể thoát được nơi này. Thầy nghe nói những chỗ như ở đây có thuê lực lượng bảo kê, không chừng bị chúng nó khó dễ, hành hung, rồi vừa đau xác vừa bị thêm thiên hạ cười chê; thôi, “tiếng dữ đồn ba ngày đường”, ôốc dôộc lắm! Thầy đành trả 50.000 rồi cúi đầu dắt xe ra khỏi hẽm.

Chuyện chỉ có thế. Đúng là “bụi tre có con mắt”! Không biết người nào thấy thầy từ phòng trọ ấy đi ra mà phao tin thầy Phủ cũng đi “ăn phở”. Oan cho thầy quá! Nhưng ở đời, những tin đồn thất thiệt ai ngăn được!
Những đứa con thầy biết tính ba của chúng luôn luôn đàng hoàng, nề nếp, không tin chuyện đồn ấy. Riêng bà vợ thầy Phủ 76 tuổi rồi, từ xưa đến giờ, là dân nông thôn, ngây thơ, không hiểu nghĩa tiếng lóng “ăn phở”, bà nói thủng thẳng:
- Ở nhà, ổng ăn uống cực khổ, ổng vô quán ăn phở bồi dưỡng, có chi mà xôn xao rứa hè!

                                                          Hoàng Đằng
                                               09/8/2016 (07/7/Bính Thân)

READ MORE - THẦY PHỦ "ĂN PHỞ" - Truyện ngắn của Hoàng Đằng

NGƯỜI ẨN MÌNH DƯỚI TÊN GỌI GIAI NHÂN - Tạp văn của Lâm Bích Thủy


       
                               Trong ảnh từ trái sang: 
      Nhà văn Nguyễn Khải,Yến Lan, nhà thơ Hoàng Minh Châu



NGƯỜI ẨN MÌNH DƯỚI TÊN GỌI GIAI NHÂN 
                 HAY YẾN LAN LÀ BA TÔI
          
                                               Tạp văn của Lâm Bích Thủy

Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” còn gọi là Tứ Linh. Và cùng với Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Phạm Hổ, Tế Hanh của miền đất võ Bình Định; ông cũng đã đóng góp không ít cho nền văn học của Dân tộc và quê hương Bình Định. Nhưng trong thực tế nhắc đến tên Yến Lan lớp trẻ hầu như chẳng mấy người biết. Người yêu thơ trước đây tin rằng tại thành cổ Đồ Bàn của Bình Định thực sự có một bến sông tên là My Lăng, dưới ánh trăng bạc đầy lá vàng làm cho ông lão buồn đến nỗi cả gió cũng dám lén mơn râu ông.
               
Những tên bài “Bến My Lăng” “Bình Định năm1935” “Lại về tỉnh nhỏ” “Nhớ làng” là những bài thơ làm giàu thêm ngôn ngữ cho nền văn học Việt Nam của Yến Lan được in trong Sách Giáo Khoa, nhưng nay, do biên sọan lại đã bỏ ra! Còn lớp trẻ, phần lớn chỉ thích chát hoăc xem ti vi hơn đọc sách, báo thì làm sao mà biết Yến Lan là ai! thậm chí hiện nay, còn có người không biết cả giới tính của ông, nên hỏi “nhà thơ Yến Lan là nam hay nữ?!”.

 Trong lời tựa tập “Thơ Yến Lan” do NXB Văn Học in cách đây hơn 30 năm, nhà thơ Chế Lan Viên viết “Có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng, nếu không ai nhắc đến, chỉ ra, gọi tên tán dương thì nó bị vùi lấp đi. Đầu là trong im lặng mà sau là sự lãng quên”.
 Từ góc nhìn hạn hẹp của một người con, xin thông qua những mẫu chuyện đời thường để bạn yêu thơ hiểu hơn về ông- người mà theo sự đánh giá của các nhà nghiên cứu đương thời cho rằng: -Yến Lan là nhà thơ tài hoa, nhân cách, đầy tâm huyết nhưng rất lận đận về đời và thơ.

  Ba tôi tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 22 tháng 4 năm 1917, nhằm ngày 2/3 âm lịch năm Đinh tỵ.  (Chứ không phải là ngày 2/3/1916 như tài liệu trước đây)                  
 Ông sinh ra trong một gia đình nghèo. Cả tuổi thơ, ông phải sống trong chùa Ông ở thị trấn An Nhơn-Bình Định. Thực ra lúc đầu tên ông là Lâm Xuân Lan. Khi đi học vì trục trặc giấy tờ, nhà trường ghi nhầm là Lâm Thanh Lang, sinh 2/3/1916. Ông nội tôi thấy phiền phức nên cứ để vậy.

Những ngày đầu bước vào làng thơ, bằng những bài lục bát tuyên tryền cho dân hiểu về Cách mạng, ông lấy bút danh Thọ Lâm. Trên Tiểu Thuyết Thứ Năm ông có bút danh Xuân Khai. Còn bút danh Yến Lan là sự ghép tên của hai giai nhân.

Thầy giáo Lang và 12 học trò cùng quây quần bên nhau trong một gian nhà mái ngói âm, dương, đối diện với cây me cổ thụ trong chùa. Trong lớp có 2 cô gái trông rất nền nã, kháu khỉnh. Một cô tên Yến, một cô tên Lan, hai cô thân nhau như chị em ruột. Thầy Lang biết làm thơ và có tài kể chuyện, lại rất dí dỏm nên trò nào cũng thích. Thầy thường đọc thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn và thơ của mình cho lớp nghe. Vì có giọng nói nhỏ nhẹ, có duyên, người mảnh mai, trông rất trí thức và lại rất đẹp trai nên cả hai cô đều thầm thương, trộm nhớ. Ngày nghỉ họ vẫn rũ nhau vào chùa, lấy cớ là đi làm công quả, nhưng thực ra là để được gặp thầy. Một hôm, thầy nghe lõm được câu chuyện của hai người: “Tao với mày chơi thân như thế này, sau này có lấy chồng chỉ lấy một người thật đẹp trai làm chồng chung để tụi mình khỏi phải xa nhau”. Thầy Lang thầm tủm tỉm cười ý nhị…
  Ít lâu sau, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang. Còn mình cô Lan vẫn ngày ngày đến chùa Ông học thêm và làm công quả chỉ để được nhìn thấy thầy Lang…

Trong thị trấn bé nhỏ ấy, gia đình cô Lan thuộc lọai khá giả. Nhiều nhà giàu ở huyện đến hỏi cưới cho con trai, nhưng cô Lan không chịu. Cô chỉ yêu chàng thi sĩ nghèo họ Lâm đó thôi. Cha cô không tán đồng việc cô yêu chàng, vì “không môn đăng hậu đối”.                            
Không lấy được chàng thi sĩ, cô Lan nhất quyết đi tu. Cô vào tu tại chùa Sư Nữ ở Phan Thiết. Cả nhà lo quá mà không biết tìm đâu. May sao có bà chị con ông cậu đi lễ Phật bắt gặp, tin cho gia đình biết. Chàng thi sĩ họ Lâm nghe tin, khăn gói đi tìm vì thế mới có bài thơ “Phan Thiết”:
Ôi Phan Thiết, Sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng
Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây
Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió
Nặng tình xanh, trăn trở giữa chăn đơn
Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ
Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương

Sau 4 năm, cha cô Lan thấy hai người vẫn quyết tình nên đành chấp nhận cho họ lấy nhau. Trong giai đoạn gian nan nhất, cô Yến thường viết thư động viên, vun đắp chân tình cho hai người và không hề nhắc lại lời hứa năm xưa. Lần đi tản cư, cả gia đình cô Yến bị lật thuyền, chết. Nhớ lại câu chuyện tâm tình xưa của hai người, và để kỷ niệm tình bạn của họ, ba tôi lấy  bút danh là Yến Lan từ đó.

  Khi bút danh Yến Lan đã trở nên quen thuộc và gần gũi với khách thơ thời bấy giờ, Tòa Soạn Báo Phụ Nữ do ông Minh Vĩ  làm chủ bút rất sôi động, phải liên tục giải thích những lá thư hâm mộ kèm theo sự tò mò: “Yến Lan là ai?, nam hay nữ?, đẹp hay xấu?...”
 Tôi là trưởng nữ của nhà thơ; theo gia đình tập kết ra Bắc, và từ năm 1955 học ở trường Học Sinh Miền Nam tại Hải Phòng. Tuy ít gần gia đình nhưng không hiểu sao thường được ba tôi tin cậy, tâm sự những bức xúc của đời, của thơ. Nhiều lúc tôi đọc, tìm hiểu, suy nghĩ “Ông cụ mình quả thật là người có tài mà sao đời lại bạc với cụ thế, phải chăng vì ông mang bút danh là Yến Lan - quá ư là nữ tính.
  Suốt những năm tháng còn sống, ông không gặp may như các bạn cùng thời! Có lẽ không có nhà thơ nào bị mất những đứa con tinh thần nhiều như ông; mất trong chiến tranh lọan lạc, mất trong bạn bè (điều này ông chỉ nói cho má tôi biết và dặn lại không được nói với ai vì sự tế nhị, nhưng khi ông mất bà lại kể cho tôi và cũng dặn đừng nói với ai)

Trong thập niên những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi hai chị em chúng tôi - Bích Thủy và Tú Thủy (hai cô gái đầu) lớn lên trong sự tồn tại của bút danh Yến Lan, nhiều lần chứng kiến những sự tò mò của khách thơ đến là tức cười và cũng thật dễ thương. Người thì bảo:-Yến Lan là nam còn người kia vẻ tự tin nói:- Yến Lan là nữ 100%.
  Một hôm có anh chàng tuổi ngòai 20 chạy từ dưới lên tận gác 2, nhà 37 Hàng Quạt - Hà Nội. Thấy tôi và cô em, anh nhìn thăm dò, hỏi nhỏ: “Em ơi, phải đây là nhà của nữ sĩ Yến Lan?”  Tú Thủy đang nhai mía đứng, vừa nghe chữ “nữ sĩ” nó cười rũ ra, suýt bị sặc. Một tay bụm miệng, tay kia chỉ về phía ba tôi - người đang hì hục chửa cái chân ghế bị hỏng
  - “Đấy kìa! là nữ sĩ của anh đấy.” Tôi nghe rất rõ câu anh thốt lên với ba tôi:                                
- “Thôi chết rồi anh Yến Lan! Em đã thua cuộc lớn lắm.” Anh nhìn ba tôi cười lém lĩnh rồi chạy xuống cầu thang-nơi các bạn anh, những người chiến thắng, đang chờ được ăn kem của kẻ thua trận.
  Hồi ấy, phần lớn những người yêu thơ Yến Lan còn rất trẻ, chỉ hơn chị em tôi 2 -> 3 tuổi, nhưng cứ gọi ba tôi bằng anh. Họ nghĩ rằng với cái tên Yến Lan, nhà thơ không có con hoặc con còn bé tí tẹo; vì thế nhiều người ngỡ ngàng khi bất chợt gặp chúng tôi tại nhà, họ tỏ thái độ ngạc nhiên đến độ đôi lúc làm ba tôi tự ái: -
  “Trời ơi! anh Yến Lan mà đã có hai cô gái nhìn ngon thế này ư!”.Và khi đã biết Yến Lan có 2 con gái lớn thì người yêu thơ Yến Lan càng tò mò muốn biết mặt mũi chúng ra sao. Chẳng thế mà anh chàng có tên nghe rất thi sĩ -Trường Thi, không ngại quãng đường đã đi, đã đạp xe quay ngược lại, theo bạn trai tôi lên thăm tôi tận Nông Trường Ba Vì - Hà Tây dài 52km-nơi tôi làm việc, chỉ để tận mắt xem con gái nhà thơ Yến Lan là người như thế nào.

 Lại nữa, có một anh chàng người Quảng Trị, học khoa Dâu tằm Trường Đại Học Nông Nghiệp I  muốn làm bạn với tôi cũng chỉ vì–Đó là con gái của nhà thơ Yến Lan. Hiện, tôi còn giữ lá thư của anh- người thanh niên chưa hề quen biết, đề ngày 28/3/1966 trong đó có đọan:                                          
  “Xưa nay tôi ít quen biết- bè bạn của tôi là tất cả mọi người. Tôi cũng chưa từng có ý kết bạn với ai như với Bích Thủy, lẽ đó làm tôi ngạc nhiên….Qua một số lời mô tả về bạn…tôi không hình dung được chút nào. Tôi chỉ biết rằng dòng máu của nhà thơ Yến Lan đang chảy trong người bạn - một người mà tôi ưa trong các nhà thơ… Tôi muốn chúng ta là bạn.”
 Và nay, mặc dù tôi đã về hưu nhưng khi gặp và biết tôi là “ái nữ của Yến Lan” thì khách thơ hầu hết đã có tuổi, với sự tôn trọng và hâm mộ thật lòng:  -Vậy, cô là con gái của “ông lái đò để gió lén mơn râu đấy ư !” rồi họ ngâm nga những câu thơ hoặc cả bài thơ. Khách thơ thích nhất là các bài thơ đường của cụ như bài “Khi chị đi lấy chồng”
“Khế chua chị nấu với mồng tơi
Em ước được ăn đến trọn đời
Tang mẹ mãn rồi bà mối dục
Chị đi bát đũa cũng mồ côi”
  Song cũng rất vui, là đọc xong từng bài thơ họ lại trầm trồ nhận xét:
 - Yến Lan chọn từ thật đắt, chẳng có ai một lúc mồ côi nhiều đến thế-mẹ, chị, và cả bát đũa.

 Ai đã biết về Yến Lan chắc không quên mảnh đời cơ khổ mà thanh bạch của nhà thơ. Sống không bon chen, không nản lòng trước nghịch cảnh của đời, nhân nghĩa, lương thiện. Ông lẳng lặng làm việc, lẳng lặng tìm mọi cách vượt khó khăn, không than thở, như bông hoa dại vẫn nở khi đất đã khô cằn”

 Ứa nhựa hàn vết đau
Tĩnh yên cành gió quật
Quả đu đủ góc ao
Lặng dâng đời quả ngọt

Lúc còn trẻ ông quen tự lập. Lớn lên, cuộc đời ông cũng khắc khỏai, trăn trở với bao thăng trầm. Bản thân ông phải vận động sao cho phù hợp với lẽ sống mới. Hơn ai hết với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ đã quen tự lập, ông mạnh mẽ đón lấy ngọn gió thời đại. Cảm hứng mới đã đem lại diện mạo mới cho thơ Yến Lan, làm cho thơ ngày càng hay. Vì thế nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Văn Cao đã không ngần ngại khi nhận xét:
  “Từ một người bình dị Yến Lan đang trở thành một người muốn thúc đẩy một sức gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta. Tôi thấy ở anh một sự chuyển biến, một sự mở ra có sức lực..”

 Đối với tôi, là con, tôi càng cảm nhận được trong thơ ông dù hoàn cảnh nào cũng đều hướng về cuộc sống bình thường, giản dị và cái thiện. Con người với con người là một thực thể xã hội, với muôn vàng quan hệ chồng chéo:  
            
                NỢ
Nhà không vườn, không gác, không sân
Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
Nợ em cài bên cửa một vầng trăng.

Trong cuộc sống, ông sống theo qui luật của nước “nước chảy vào chỗ trũng”, trước sau như một. Với bạn bè là tình cảm yêu thương, chan hòa nâng đở, và sẽ chia. Thời trai trẻ, ông đã cùng bác Quách Tấn, chú Nguyễn Đình lo đám cưới chu tất cho chú Chế Lan Viên, chăm sóc an ủi chú Bích Khê, Hàn Mặc Tử trong cơn bạo bệnh, những ký gạo giúp bác Quang Dũng trong thời kỳ tem phiếu, vất vả.Và chắc mọi người không quên hình ảnh một mình Yến Lan đi sau linh cửu cụ Phan Khôi trong một ngày đông ở Hà Nội vào thời kỳ mà giới nghệ sĩ đang bài xích Nhân Văn Giai Phẩm với “nghĩa tử là nghĩa tận.” Với gia đình là son sắt và thủy chung:
Em có cháu gọi bà
Gọi em anh vẫn gọi
Năm mươi tuổi ai già
Chúng mình sao trẻ vậy…”
Lúc ốm nặng, biết qũy thời gian của mình không còn nhiều, ông gọi hai chị em chúng tôi lại: “Riêng hai con là phận gái ba mới nói điều này, ba nghèo không có gì để lại cho hai con…nhưng bù lại, suốt đời ba đã phấn đấu, đến giờ các con có quyền tự hào-mình là con của một người làm thơ biết tự trọng và khiêm tốn. Điều này còn quí hơn tiền bạc, nhà cửa”
            
Thực ra, ba tôi không cảm nhận được niềm tự hào của chúng tôi về ông đấy thôi. Bởi vì hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào những thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.

                                                                       Lâm Bích Thủy

READ MORE - NGƯỜI ẨN MÌNH DƯỚI TÊN GỌI GIAI NHÂN - Tạp văn của Lâm Bích Thủy

S.O.S: QUÊ TỪ SƠN MÌNH ĐÃ CÓ PHỐ TÀU - Thơ Nguyễn Khôi



                         Tác giả Nguyễn Khôi
 



Lời dẫn : Thị xã  Từ Sơn là một đô thị mới lập khá khang trang đẹp đẽ ở giáp ranh Bắc Ninh- Hà Nội, cách Trung tâm Thủ Đô 18 cây số (đi xe Bus hơn 30 phút, mất có 7000 VND ,bằng 1/2 que Kem, 1/4 bát phở ...) tại 3 phường Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc ( Me) đang ngang nhiên treo biển hiệu Công Ty, Nhà hàng toàn bằng chữ Hán (tiếng Trung) cứ như những "phố Trung Hoa"... năm 2013 chính quyền cơ sở có dẹp, nay lại tái diễn... Nguyễn Khôi về quê, bức xúc, cảm tác đôi vần:

S.O.S: QUÊ TỪ SƠN MÌNH ĐÃ CÓ PHỐ TÀU
                  
Chẳng phải tin đồn, phố Tàu có thật
Ở Phù Khê, Đồng Kỵ, chợ Me...
.Những biển hiệu Trung Hoa đỏ rực
Thương lái người Hoa tấp nập đi về...
                     
Ôi, đất quê của anh Cừ, anh Tự (1)
Đã hy sinh cho Độc Lập nước nhà
Nay con cháu rước "Khách" về cư trú (2)
"Quyền lực mềm"... chẳng mấy hóa Trung Hoa ! ?
                     
Các Quan chức địa phương chừng mê ngủ ?
Hay đã quen "ngậm miệng ăn tiền " ?
-Đón chúng sang Kinh doanh, ở rể
như Trọng Thủy xưa... đây xứ sở Đông Ngàn. (3)
                     
Mất cảnh giác !...Hỡi đồng bào, đồng chí
Kìa Formosa Hà Tĩnh đang giết mảng miền Trung
- "chỉ vì Tiền" cứ bán dần Đất Nước
Rồi sẽ ra sao Tổ Quốc Lạc Hồng ?

                        Quê Từ Sơn 15-7-2016
                            NGUYỄN KHÔI

....................

(1) Đồng chí Nguyễn Văn Cừ , Ngô Gia Tự quê ở Từ Sơn.
(2) Dân ta ngày trước gọi Thương lái người Hoa là "chú Khách".
(3) Truyện Mỵ Châu- Trọng Thủy "Trái tim lầm chỗ ở trên đầu"
   xảy ra ở thành Cổ Loa xưa cũng là đất huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn
         
READ MORE - S.O.S: QUÊ TỪ SƠN MÌNH ĐÃ CÓ PHỐ TÀU - Thơ Nguyễn Khôi

ĐỌC THƠ NHÃ MY - Châu Thạch



     



        ĐỌC THƠ NHÃ MY 

                                                 Châu Thạch

Châu Thạch tôi nhận tập thơ Khơi Xa của Nhã My tặng. Nhìn trang bìa cũng hiểu qua tấm lòng tác giả. Trang bìa in hình một người đàn bà xỏa tóc che phủ biển xanh và bốn câu thơ giãi bày:


Trăng đã úa bên trời quan ngoại
Mây giăng đầy mấy ải non cao
Bước chân thềm lá xanh xao
Khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương.


Mở trang đầu, bài viết của nhà thơ Nguyễn Khôi có chủ đề là “Khơi xa -Nỗi lòng của người con xa xứ” cũng cho tôi  có khái niệm về tập thơ nầy. Gối đầu giường đọc nó biết hay. Cầm bút nhiều lần trong bốn tháng để viết về nó không được chữ nào. Rồi một hôm, nhìn qua cửa sổ thấy đàn bướm bay nhẹ nhàng. Ồ! đây rồi phong cách  thơ Nhã My: như đàn bướm đang bay. Bướm bay luôn đẹp và thanh thản. Dầu trời nắng hay trời âm u, dầu đi kiếm ăn hay chạy trốn tai họa, bườm vẫn nhẹ nhàng lướt đôi cánh mỏng, bay là là trong không gian.

Thơ của Nhã My cho tôi cái cảm giác êm ái ấy, như đang nhìn một đàn bướm đang bay.

Nhà thơ Nguyễn Khôi nói về đặc tính cúa Khơi Xa như sau:

- Đó là nỗi nhớ quê bên kia bờ đại dương thương nhớ.

- Đó là nỗi hoài niệm tình yêu đầu đời của cái thời mộng mị say.
 sưa.

-Trùm lên cái “hoài niệm” về cố xứ, về tình xưa: thơ Nhã My suốt một đời thơ là cái đau cái buồn về cái kiếp người ( con người Việt Nam đương đại).

Về nghệ thuật sáng tác của Nhã My nhà thơ Nguyễn Khôi nhận xét như sau:

-       -Là tiếng con tim thâm trầm, tỏa một hồn thơ lên tới cao xanh.

-Một thứ thơ bàng bạc, lãng đảng và một chút ly tao, của một thoáng “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng.

- Thơ Nhã My ngôn ngữ tinh luyện, cổ phong với những hình tượng thơ đẹp.

Thiết nghĩ một nhà thơ huynh trưởng đáng kính đã nhận xét thơ Nhã My nhứ thế thì nó nhất định phải như thế rồi. Châu Thạch tôi viết chi thêm nữa cũng chỉ là thừa, chỉ xin viết thêm cảm nghĩ của mình về đàn bướm bay trong thơ Nhã My mà thôi.

Vâng, xin nhìn những cánh bướm bay tư lự vì đang nhớ đến quê hương:


Trùng dương ngọn sóng xa khơi
Chim bay lặng lẽ bên trời buồn chắng?
Dấu trong sỏi đá khô cằn
Bước chân rùa biển mấy lần đi qua
                                     (Tâm cảm)

Qua thơ ta thấy nỗi sầu ly quê trùm lên trên tất cả cuộc đời người xa xứ, dầu cuộc đời đó thành công như cánh chim tung cánh trên trời hay thất bại như con rùa trườn mình qua sỏi đá khô cằn. Tiếng thơ trầm tư như cánh bướm bay nhẹ nhàng và rất thấp nhưng diễn đạt trọn vẹn “về cái đau cái buồn về cái kiếp người ” của  “con người Việt Nam đương đại” mà nhà thơ Nguyễn Khôi đã nói. 

Bây giờ hãy nhìn một cánh bướm bay vút lên cao:

Bên trời viễn xứ ngùi trông
Thương về cố lý mà mong tương phùng
Tay đan sợi nhớ mông lung
Nỗi niềm xin gởi không trung đợi chờ…
                              (Lục bát trên cao)

Vế thơ cho ta nhiều liên tưởng. Thi sĩ có thể vừa đan áo mùa đông mà trong lòng nhớ về cố lý suốt năm nầy qua năm nọ. Thi sĩ cũng có thể vừa đan áo mùa đông mà tưởng như  mình đan những sợi tơ trời là biểu tương của nỗi nhớ nhung thầm lặng trong lòng đang giăng khắp một bầu trời. Sự nhớ ở trong lòng qua thơ, thể hiện trên không gian cao rộng.  Sợi nhớ như con bướm sầu bi ẩn trú trong lòng vụt bay lên cao và cánh buồn của nó biến hóa thành muôn  ngàn sợi nhớ trên cõi mông lung.

Người nào yêu quê hương mà xa quê hương thì cũng nhớ, nhưng có người nhớ trong chua xót, có người nhớ trong đau thương, đặc biệt thơ Nhã My nhớ quê hương như nhớ người yêu, nghĩa là nó “bàng bạc, lãng đảng và một chút ly tao” như nhà thơ Nguyễn Khôi đã nói.

Hãy đọc Nguyễn Du trong kiều:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.


Ta thấy chất thơ lãng mạn trong bức tranh vẽ được nổi lòng của kẻ ở trong phòng kín và nổi lòng kẻ đi trên dặm trường. Rồi đọc hai vế thơ của Nhã My ở trên, ta cũng thấy được chất lãng mạn ấy chứa trong nỗi lòng tác giả với quê hương có khác chi người yêu đang nhớ người yêu. Khác chăng là ở đây Nhã My diễn tả người yêu ở chốn khơi xa đang nhớ người yêu ở nhà là quê hương, là cố lý.
Nhã My hoài niệm tình yêu đầu đời  cũng đẹp như bướm bay, đúng như nhà thơ Nguyễn Khôi đã nói: Sầu muộn mà không bi lụy, hồn thơ chân thật tình đời, lỡ tình nhưng không hận tình…tất cả chỉ còn “hoài niệm” những nét vàng phai thương nhớ. Hãy đọc một vài đoạn thơ sau đây:


Anh lạc bước gánh linh hồn phong nguyệt
Để đêm tàn ôm giấc mộng phù du
Em thánh thiện bên bờ ao ảo ảnh
Áo xiêm xưa giấu lại vết oan cừu
Mai trở lại thăm vườn cổ tích
Bóng tà huy rơi xuống nhuộm thiên thu…
                                                   ( Rơi)

Trong hoài niệm anh vẫn luôn mang linh hồn của gió và trăng (phong nguyệt), em vẫn thánh thiên cho đến khi “trở lại thăm vườn cổ tích” thì  đã cuối cuộc đời ( bóng tà huy rơi xuống nhuộm thiên thu). Vế thơ thất tình đến cùng tận nhưng vẫn hoài niệm tình trong cả áo xiêm và nhớ tình trong gió, trong trăng để nhìn vào quá khứ như đứng trên bờ ao mà nhìn vảo ảo ảnh ngày xưa nhòa trong nước. Đọc thơ tôi liên nghĩ đến một bầy bướm bay bên bờ ao và trong bóng tà huy. “ Bóng tà huy rơi xuống nhuộm thiên thu” là một tứ thơ tuyệt vời. Tà huy rơi hay nắng vàng rơi buồn hơn ngàn vạn chiếc lá múa thu rơi. Tà huy chỉ rơi vào từng buổi chiều và chỉ nhuộm vàng buổi chiều ấy. Tà huy ở đây nhuộm cả thiên thu là tà huy của đời người, là hình ảnh của người, của tình yêu đi về thế giới bên kía vĩnh viễn. Thơ buồn não nuột nhưng vẫn trong sáng vô biên, nếu không ví nó là bướm đang bay thì không có gì so sánh được.

Ta hãy đọc thêm Nhã My nói về một nửa:

Nửa câu thơ nửa lời mời
Nửa hoa nửa nguyệt nửa đời nửa mơ
Nửa anh hẹn với đợi chờ
Nửa em về với ngây thơ ngọc ngà
Nửa thương giấc mộng đã xa
Nửa nêu bến đợi giang hà nước trôi
Nửa chừng mới biết xa xôi
Nửa nghe trống vắng nửa trời nhớ nhau
                                                   (Nửa)

Nhớ về tất cả cái không trọn vẹn trong quá khứ nhưng tâm hồn hoài niệm trọn vẹn vì hòa chung với cả đất trời: “Nửa nghe trống vắng nửa trời nhớ nhau”. Tám câu thơ của bài thơ nầy hình dung như tám đàn bướm bay chấp chới càng lúc càng xa và khuất bóng ở bầu trời, để lại sự cô đơn khi thấy mình chỉ còn lại nửa mình.

Trong bốn câu thơ sau đây Nhã My đã cho bóng thơi gian đố kỵ với con người, chẳng khác chi “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen:

Cạn chén một lần ta nhớ nhau
Hồn thơ dĩ vãng khó quên màu
Son môi còn thắm tình trong trắng
Mà bóng thời gian dấu bóng nhau?
                   ( Tâm Không)

Tuy bóng thời gian dấu bóng đôi tình nhân, cho họ chia lía nhau nhưng khó được, bởi vì nhờ sự hoài niệm luôn có trong lòng tác giả nên “Hồn thơ dĩ vãng khó quên màu”.

 Trong nỗi nhớ quê hương, trong sự hoài niệm quá khứ như những đàn bướm bay về chốn cũ, thơ Nhã My chất chứa vào đấy nỗi đau của kiếp người. Nỗi đau Nhã My thổ lộ trong thơ là nỗi đau từ kiếp người phiêu bạc xa tổ quốc, xa quê hương:

Em lạc mấy mùa trăng quá khứ
Hồn đi hoang lữ thứ xa đưa
Nhớ thương một mái nhà xưa
Bên hiên tiếng võng mẹ đưa trĩu lòng.
                   ( Khơi xa)

Trong ly tan đó tác giả ngơ ngác vì tình yêu bất ngờ biến mất. Tiếng kêu  tình đau cất lên trong thản thốt. Bài thơ “Tình đau’” có 17 câu thơ. Tôi xin mạn phép cô đọng ý thơ còn lại 6 câu:

Người mang tình tôi đi về nơi đâu
Ngàn năm mây bay tình nay đong sầu
Thành muôn thương đau vùi chôn trong nhau
Nhìn theo mây bay người tình ơi về đâu
Chìm trong mưa rơi ngàn đời không nhau
Tình đau.


Bài thơ “Ta Phụ Nhau Rồi” có 16 câu thơ. Tôi xin cô đọng lại còn 4 câu thơ chính:

Đời chia đôi ngã tình không hẹn
Người ở đầu sông ngóng cuối sông
Ta phụ nhau rồi em biết không…?
Hẹn nhau mà có được tương phùng!


“Bài thơ cho người đã xa” có 18 câu. Xin  cô đọng lại còn 4 câu chính:

Ước gì lật ngược bể dâu
Tình xưa vẫn chẳng bạc màu tháng năm
Bốn mươi năm cuộc thăng trầm
Trái tim anh vẫn đậm màu thủy chung.


Người viết xin lỗi tác giả và bạn đọc vì đã tự ý cô đọng thơ lại, hầu rút ngắn bài viết,  làm cho bạn đọc có thể khái quát ý thơ Nhã My mà không gây sự nhàm chán vì bài viết quá dài.

Cuối cùng người viết xin mời bạn đọc đến với thơ Nhã My trong vườn thơ Khơi Xa để nhìn nhiều đàn bướm bay, để tâm hồn thư giản, dầu vào đó có lúc buồn, có lúc cô đơn, không có niềm vui trong thơ, nhưng có niềm vui được thưởng thức thơ hay cho mình. Thật vậy, vì đọc thơ Nhã My, nhà thơ thờì danh Kha Tiệm Ly cảm xúc viết được “Cảm Đề Khơi xa” rất tuyệt vời, được đăng ở cuối tập thơ. Bài thơ có một đoạn như sau:

Em đi mang cả khung tời cũ
Mới biết rượu tình cũng đắng cay
Trăm cánh phượng hồng, trăm héo rũ
Ta ngàn đêm nhớ, bấy đêm say

Hay sông đời bên trong, bên đục
Mà sông tình mới bên cạn, bên sâu
Mắt ngày ấy đã khô chưa dòng lệ
Mà từng đêm ta rượu uống đong sầu?

Chẳng đợi thuyền lao vào sóng gió
Mới thấy dòng yêu lắm thác ghềnh
Chẳng trách tình em gây bão tố
Cho thuyền ta mãi cứ lênh đênh.
                            
Kính tạm biệt mọi người nơi đây
                                                  Châu Thạch
                           
READ MORE - ĐỌC THƠ NHÃ MY - Châu Thạch