|
Ảnh: Mai Lĩnh |
Ô Lâu Còn Đó Câu Hò
Bút ký của
Nguyễn Đặng Kỳ
Trăm năm vì lỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa
Cây đa bến cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi!
Chuyện xưa kể rằng, có chàng thư sinh từ phương Bắc trên đường vào kinh (Huế) ứng thí, đã gặp cô lái đò ngang trên sông Ô Lâu rồi hai người đem lòng mến thương nhau. Sau kỳ thi, chàng về quê và ước hẹn sẽ sớm quay lại gặp nàng. Nhưng rồi, bặt vô âm tín, chàng không trở lại như đã hứa hẹn. Sau thời gian dài mòn mỏi đợi chờ, cô lái đò lâm bệnh mà chết. Lúc chàng trai ngày ấy trở lại tìm người yêu thì cô lái đò năm xưa đã không còn nữa. Câu chuyện đơn giản như hàng ngàn câu chuyện tình khác, nhưng không hiểu sao với tôi cảm giác mến thương cô gái đa tình ngày xưa cứ đọng mãi trong lòng và cứ hẹn với mình thế nào cũng phải tìm đến bến đò ấy một lần.
Để thỏa ước nguyện đó và cũng là dịp thưởng ngoạn khung cảnh trữ tình của sông Ô Lâu thường được nhiều văn nhân, thi sĩ ca tụng. Cuối tháng 6 vừa qua, giữa những ngày hè nắng như đổ lửa, nhóm bạn chúng tôi xuống đò làm một chuyến thám du đường thủy.
Ảnh: Mai Lĩnh.
Xuất phát từ một bến sông làng Hội Kỳ, những bụi tre vươn mình trên dòng sông đẹp như tranh vẽ. Nước trong vắt, mát lạnh, mơn man bàn chân, chúng tôi xuôi theo dòng sông lặng lờ trôi. Bên kia là Mỹ Xuyên rồi đến Phước Tích - ngôi làng nổi tiếng với nghề gốm cổ và những ngôi nhà rường đã hàng trăm năm tuổi. Thuyền chạy khoảng 15 phút, ra đến ngã ba sông, nơi gặp nhau của hai dòng sông Ô Lâu và sông Thác Ma.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí gọi sông Ô Lâu là sông Lương Điền; còn sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí thì gọi là sông Lương Phước, ở địa giới hai huyện Phong Điền (Thừa Thiên) và Hải Lăng (Quảng Trị), tục gọi là sông Độc, có hai nguồn, phía hữu là sông Ô Lâu, phía tả là sông Thác Ma (tên cũ là Tho Lai hay Thu Lai).
Sông Thác Ma (chảy qua cầu Mỹ Chánh trên quốc lộ 1A) bắt nguồn từ vùng đồi núi ở phía tây huyện Phong Điền chảy về phía đông qua đất Hải Lăng rồi nhập vào sông Ô Lâu.
Sông Ô Lâu cũng xuất phát từ vùng núi thuộc huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, len lỏi qua vùng đồi núi Phong Điền, băng qua quốc lộ 1A tại cầu Câu Nhi, sang đất Hải Lăng rồi gặp hai con sông Thác Ma và Ô Giang (một đoạn nối dài của sông Vĩnh Định từ Triệu Phong vào vùng trũng Hải Lăng) nhập dòng trước khi đổ ra phá Tam Giang.
Ảnh: Mai Lĩnh
Từ ngã ba sông, chúng tôi xuôi dòng Ô Lâu về hạ lưu. Bên này là Lương Điền, Câu Nhi, Văn Quỹ, An Thơ... bên kia là Phước Tích, Mỹ Xuyên, Trạch Phổ, Ưu Điềm... Khung cảnh hai bên bờ êm đềm với những bến nước, con thuyền, những hàng tre đong đưa. Thỉnh thoảng lại có vài cô gái giặt đồ trên bến sông. Lòng tôi bỗng bâng khuâng, tự hỏi những “người đẹp” tên T., V., Kh. tôi từng “quen” trong những ngày bom đạn xưa, nay còn ở quanh đây hay trôi dạt phương nào?
Qua khỏi làng Văn Quỹ đến Hưng Nhơn, Phú Kinh... càng đi xuống sông càng hẹp, hai bên là cánh đồng rộng, thỉnh thoảng một vài cánh đồng sen rực rỡ khoe màu, hoa lá đung đưa trong không gian ngào ngạt hương sen giúp chúng tôi thấy nhẹ nhàng giữa cái nắng chói chang mùa hạ với gió Lào rát mặt.
Ảnh: Mai Lĩnh
Thuyền chạy khoảng 10 cây số thì đến Vân Trình. Đây là nơi Ô Lâu gặp sông Ô Giang và tiếp tục đổ ra phá Tam Giang. Sau khi vượt qua cầu Vân Trình, lòng sông ngày càng rộng, mặc dầu chưa đến phá nhưng những bè cá, những chiếc thuyền đánh cá, những tiếng lóc cóc đuổi cá của ngư dân vùng sông nước Tam Giang đã rộn rã khắp vùng.
Thời xưa, khi phương tiện giao thông còn thô sơ, đường bộ chưa được mở mang, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa Quảng Trị, Huế chủ yếu dựa vào đường thủy thì sông Ô Lâu và các phụ lưu như Vĩnh Định - Ô Giang và Thác Ma đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng.
Ảnh: Nguyễn Vỹ.
Từ sông Thạch Hãn, ghe thuyền vào sông Vĩnh Định đến các chợ thu mua nông sản và đón khách rồi theo sông Ô Lâu vô phá Tam Giang, rẽ vô ngã ba Sình ngược sông Hương để lên Huế và ngược lại trên thủy lộ này. Ghe thuyền dập dìu đi lại, từ đó mới có cảnh:
Thuyền ai đi trước
Cho tôi lướt đến cùng
Chiều về trời đất mênh mông
Phải duyên thì xích lại, cho đỡ não nùng tiếng sương.
Cũng từ đây biết bao nhiêu chuyện tình đã xảy ra, hư có, nên có, mới ra những chuyện: Trồng trầu lộn với dây tiêu, Con đi đò dọc mẹ liều con hư.
Thuyền chúng tôi chạy thêm khoảng gần nửa giờ thì vào đến Đại Lộc (xưa gọi là Đại Lược), nơi đây ngày xưa cũng là nơi hội tụ trên thủy lộ Huế - Quảng Trị. Chợ Đại Lược ngày trước là một ngôi chợ khá lớn, các loại ghe thuyền chở hàng hóa, khách thương từ Huế về đây tấp nập ngược xuôi.
Ảnh: Mai Lĩnh
Tình về Đai Lược
Duyên ngược Kim Long
Đến nơi đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau chẳng biết trên sông bến nào.
Không biết ngày xưa chợ Đại Lược có nằm sát sông Ô Lâu hay không, nhưng hiện nay thì chợ cách sông khá xa, nên chúng tôi không ghé vào và cũng không có ý định vào phá Tam Giang nên cho quay thuyền trở ra.
Rời Vân Trình, sau bữa ăn trưa với món lẫu cá dét ngon tuyệt ở một quán ăn bên ngã ba sông, chúng tôi theo dòng Ô Giang đi khoảng hơn một cây số vào vùng trũng của Hải Lăng, nơi có những xóm càng độc đáo.
Đây là một vùng đất trũng mênh mông với hàng ngàn hecta ruộng sâu ngập nước quanh năm. Cảnh vật khiến cho ta liên tưởng đến mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ, có khác chăng là nhìn về phía tây thấy rặng Trường Sơn xanh xanh chập chùng xa thẳm.
Càng là từ để chỉ những xóm nhà và vườn tược trên đất cao nhô ra như những “bán đảo” trên vùng đồng ngập nước mênh mông này. Nông dân các làng gần đó ra càng mở rộng diện tích canh tác rồi làm nhà ở, có lẽ cũng là do nhu cầu mở rộng đất thổ cư khi dân số phát triển. Nhưng, hỏi nhiều người, chưa được ai giải thích vì sao gọi những xóm đó là “càng”, nên tôi đoán rằng địa dạng những xóm càng này giống như những càng cua, vươn ra trên mặt nước chăng?
Sau một hồi vòng vèo quanh co, chúng tôi đến một đoạn Ô Giang thẳng tắp, hai bên bờ có đê bao với những cống thoát nước, phía sau là đồng ruộng bạt ngàn với những sóng lúa nhấp nhô dưới ánh nắng mùa hạ miền Trung. Thuyền cứ chạy, nước sông cứ lững lờ trôi, gió Lào vẫn thổi rát mặt, trời trong xanh không một gợn mây, chúng tôi được “tận hưởng” cái nắng hè Quảng Trị một cách trọn vẹn. Giữa cánh đồng bao la chỉ có lúa và lúa, không một bóng cây, nổi bật trên nền trời là ngọn tháp chuông của một ngôi nhà thờ hiện ra trước mắt. Khoảng nửa giờ sau thuyền cập bến sông ngay trước nhà thờ Cây Da.
Ảnh: Mai Lĩnh
Ngôi thánh đường khá bề thế và đẹp ở làng Cây Da (thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng). Ngày trước, muốn đến đây người ta phải dùng xuồng, thuyền hoặc men theo các đường đê, bờ ruộng đi vòng khá xa. Ngày nay việc đi lại đã thuận tiện hơn nhiều. Trong khuôn viên nhà thờ Cây Da có một ngôi trường do cha xứ lập nên để dạy cho các con em trong làng và các càng chung quanh.
Rời Cây Da, lại theo dòng Ô Giang trở về Ô Lâu, bên này sông là Hà Lỗ, Câu Nhi, bên kia là Lương Điền, chúng tôi đã trở lại ngã ba sông nơi cái doi đất hình đầu con rùa của làng Câu Nhi nhô ra sông, là nơi mà dân làng Câu Nhi cho rằng linh địa của làng. Từ đây chúng tôi trở về bến sông ở Hội Kỳ, nơi xuất phát chuyến du ngoạn này.
Sau gần một ngày rong ruổi trên dòng sông huyền thoại, vui thì vui nhưng lòng tôi vẫn mang nặng nỗi băn khoăn là chưa ghé thăm nơi bến sông xưa, nơi diễn ra câu chuyện tình làm nên câu hò quen thuộc, truyền khẩu trong dân gian Quảng Trị.
Nhiều lần hỏi thăm người địa phương. Nơi nào là bến đò ngày xưa ấy? Có người nói là bến đò nơi làng Cây Da, theo họ thì câu ca dao là “Cây Da, bến Cộ con đò khác đưa” (viết hoa).Tôi vẫn băn khoăn vì bến đò phải nằm trên đường cái quan trong khi đó làng Cây Da nằm ở giữa vùng trũng nên đường cái quan không thể đi qua đó được.
Ảnh: Mai Lĩnh
Có người lại nói là bến đò ấy nằm phía tây cầu Mỹ Chánh trên đường quốc lộ hiện nay. Tôi vẫn băn khoăn vì nếu bến đò ở đó là qua sông Thác Ma chứ không phải Ô Lâu. Cũng có người cho biết ngay tại Lương Điền có một bến đò gọi là Ba Bến vì từ đây có đò vượt Ô Giang qua Câu Nhi và có đò vượt Ô Lâu qua Mỹ Xuyên, nghe thì biết vậy chứ chưa chắc chắn gì cả. Thôi đành lòng vậy, lại hẹn với Ô Lâu một dịp khác chứ biết làm sao hơn!
May mắn khi về nhà, đọc lại một số sách xưa như Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí của Lê Quang Định hoặc Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quan triều Nguyễn, trong đó có ghi rõ có bến đò Lương Điền ở huyện Hải Lăng và bến đò Mỹ Xuyên thuộc huyện Phong Điền và con đường cái quan từ Huế ra đến Mỹ Xuyên qua Lương Điền đến Trường Sanh, Diên Sanh. Tại Mỹ Xuyên lại có nhà trạm là nơi có nhiệm vụ chuyển công văn thư từ của triều đình. Từ những tài liệu trên, tôi tin rằng bến đò năm xưa nằm ở làng Lương Điền và Mỹ Xuyên, trên đường cái quan từ phía bắc vào Huế.
Cây đa, bến cũ nay đã khác xưa, nhưng không nhiều thì ít cũng mong còn một số dấu tích, hoặc phần mộ cô lái đò năm xưa ở đâu đó. Nếu xác định được thì đó chính là một điểm tham quan thú vị biết bao!
**********
Đã đăng trên Blog Bên Dòng Thạch Hãn (http://tamc6869.blogspot.com/)