Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 11, 2021

ANH THƯ NƯỚC VIỆT (Hình tượng người Phụ Nữ theo dòng chảy văn học) - Lê Quang Thái

 

Hoa văn trên trống đông Đông Sơn

ANH THƯ NƯỚC VIỆT

(Hình tượng người Phụ Nữ 

theo dòng chảy văn học)

Lê Quang Thái

 

Hình tượng được chạm khắc trên TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN hẳn đã minh chứng cho thế giới biết rõ bản lai diện mục của dòng giống Tiên Rồng Lạc Việt ở cõi trời Đông Á có bao lơn để cai quản thềm lục địa xa khơi bao gồm nhiều đảo và hải đảo lớn nhỏ do thiên nhiên và đất trời ưu đãi cho người Việt và các dân tộc anh em trong quá trình dựng nước và mở nước. Hơn bốn ngàn năm từ thời cổ đại cho đến ngày nay không một bà mẹ Việt Nam nào hát ru con mà không thuộc nằm lòng câu hát thời thượng buổi còn nằm nôi:

Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn,

Thuận trai thuận bạn mới tát cạn Biển Đông.

 

Không thể nào xem thường ý nghĩa nội dung và hình thức nghệ thuật hòa quyện đến mức nhuần nhuyễn của hai câu hát nhẹ nhàng, thanh thoát ấy đong đưa theo nhịp đẩy của bốn tao nôi lắc lư êm dịu như hình ảnh của một con lắc chuyển truyền tình mẫu tử thiêng liêng và tình trai gái trong những vụ mùa của nền văn minh lúa nước lấy nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp làm nguồn sống chính đáng thuận theo lẽ trời nuôi đất dưỡng.

 

Chúng tôi còn nhớ rõ như in trong tâm tư, trong buổi lễ quan trọng tốt nghiệp khoá I Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế năm 2001, giáo sư Cao Huy Thuần như đã khai thị cho các Học Tăng tân khoa đầu tiên hiểu rõ  thêm về ý nghĩa của hai câu hát ru bất hủ và lâu đời lâu kiếp ấy trong dòng văn học truyền khẩu thời xa xưa sâu thẳm của người Việt. Thầy Thuần diễn giải nói về chuyện tu và học Phật với Tăng Ni sinh: Đời nay tát chưa cạn, chưa sạch thì đời sau tiếp tục; kiếp sau, kiếp sau nữa kế tục theo lối truyền đăng tục diệm sẽ dứt khoát tát cạn. Một lối ví von, tỷ dụ của diễn giả thật dí dỏm, khó nào quên, không những đối với học Tăng, học Ni mà còn đối với khán thính giả đủ mọi thành phần tuổi tác và đẳng cấp xã hội ở chốn đất cũ Thuận Hoá – Phú Xuân – Huế.

 

Đạo lý sáng trong là vậy, là như thế. Tiền nhân ta từ thời Lạc Việt đã ân cần chỉ rõ đường đi nước bước cho các thế hệ con cháu nhiều đời sau theo đúng tinh thần phương hướng của kim chỉ nam:

 

Vè, choái cắm sẵn chi li,

Cứ theo đường ấy mà đi tới cùng.

 

“Đường đi nước bước” ấy chính là con đường sáng, đường chính nghĩa, hợp lẽ với trời đất. Trời là cha, là núi; Mẹ là đất, là sông, là biển: Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình.

 

Ngày mẹ ru con ngủ, con còn tập nói bí ba bí bỏm; tai con đã nghe lời mẹ dặn linh diệu ấy nhập tâm đi vào cõi thần thức. Dân ca Việt Nam linh thiêng, bất khả tư nghì. Làm sao chúng con phân tích hết lời trọn ý được: Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý. Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn viết ca từ sâu lắng: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Rồi một ngày Đông, trời quá lạnh, Mẹ nằm độc thoại lời hát ru ấy với cái tâm tự tại chẳng trách ai, mẹ đọc đi đọc lại như đọc kinh vậy, dẫu mẹ không biết chữ mà mẹ hiểu nghĩa, con được mẹ thương cho đi học gần, học xa. Mỏi sức, tàn hơi, Mẹ ra đi như luồng gió nhẹ thổi. Mẹ thật an lòng nghe con hát lời ca linh diệu ấy để tiễn mẹ qua bờ sinh-tử. Mẹ ơi, con tin mẹ yên lòng thoả dạ, trả tấm thân tứ đại về với đất trời. Còn thần thức của mẹ sẽ đi hoá kiếp, sẽ kết tụ thành linh khí cho đời sau, kiếp sau mẹ sẽ tát cạn Biển Đông theo ý chí của loài chim Tinh Vệ ngậm đá vá trời làm nên những kỳ tích: Hộ quốc tý dân như những Nữ Thành Hoàng, những Bà Trưng, những Bà Triệu, rồi còn nhiều bà Ấu Triệu nữa theo cùng với dòng lịch sử dân tộc.

 

Hình tượng người Phụ Nữ theo dòng chảy lịch sử - văn hoá là thế ấy, là thế đó. Sách đời – sách trời đã ghi tạc lời son sắt với núi sông, với giòng tộc, với gia nương, với con đông cháu đủ. Nhờ vậy mà người Việt, lòng Việt có những danh ngôn: dâu hiền rể thảo; dâu chánh lễ, rể người dưng, tạo dâu như tạo nồi đồng… Từ nồi một để nấu nước cúng cho đến nồi bảy, nồi lớn nhất để mẹ Việt Nam hướng dẫn con dâu, con gái, gái làng nấu cơm nấu canh phục vụ trai bạn trong các vụ mùa, trong các lễ hội làng nước quanh năm và nhất là khi Tết đến xuân về… Hôm nay, tiêu biểu nhất, mới nhất tại đất Thuận Hoá xưa là Lễ Hội Đền Huyền Trân và Lễ Cầu Quốc Thái Dân An do nhà nước cho phép phục hồi một cách quang minh chính đại. Hạnh phúc biết nhường nào. Chúng tôi trong khoảnh khắc này lại hiểu sâu lắng hơn về ý nghĩa vừa là hoạt cảnh công chúa Huyền Trân xuất gia phương danh vừa là bút hiệu SÀO NAM của nhà yêu nước Phan Bội Châu theo đúng sự tích “Chim Việt đậu cành Nam.” Chim Việt là chim Lạc, chim Hồng, chim Nhạn, chim Hạc, thậm chí là cái Cò, cái Vạc, cái Nông hoặc là Hải Âu canh giữ biển cạn và biển khơi của thềm lục địa.

Sau phần trưng dẫn về hình ảnh của người Mẹ, của Mẫu từ, của Anh Thư, chúng tôi liên nghĩ tới hình ảnh Mẹ Âu Cơ, có chồng là Lạc Long Quân đã định phận bờ cõi Lĩnh Nam:

 

Xưa Bàn Cổ vị phân thiên địa,

Đến Thiên Hoàng mới rẽ chín khu,

Bờ cõi giáp Ngô,

Tinh phân Dực Chuẩn, dư đồ Việt Nam

Người thuở trước đứng làm tôn chúa,

Mới xưng là vua Lạc Long Quân…

(Hát sử chốn cửa đình)

 

Ranh giới định phận, định phận giữa hai nước có sông liền sông, núi liền núi và cả trên Biển Đông thì trời đất, sao, mây đã phân rõ rạch ròi. Nhất thiết không ai phạm đến ai như lời dân gian nói: Lành ở một nơi, lọ ở một nơi, cà tơi ở một đàng.

 

Dưới thời Tự Đức, Phó bảng Đỗ Huy Uyển (1820-1895) làm quan đến chức Biện lý (tức Tá lý vào thời Đồng Khánh), người tỉnh Nam Định, đã từ quan về làng La Ngạn dạy học. Nhà nho nổi tiếng đất học Non Coi Sông Vị đã viết trong lời chúc hổ nhân kỷ niệm 50 năm ngày sinh của vua Tự Đức: Sơn Xuyên Công Phúc, Tinh Vân Trình Tường; có nghĩa là: núi sông dâng phúc, sao và mây trên trời đã trình rõ điều lành. Núi sông, tinh vân làm chứng, như là chứng nhân về mặt pháp lý ở cõi trần gian. Điều này đã khớp đúng với sách Bình Ngô đại cáo của danh thần Nguyễn Trãi:

 

Xét như nước Đại Việt ta

Thật là một nước văn hiến

Bờ cõi núi sông đã riêng

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần mỗi đời dựng nước,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.

(Viện Sử học dịch, 1976)

 

Phương Bắc “có Đế”, phương Nam “có Đế”, “có Hoàng”. Vua ban lịch và ấn ngọc khắc vào điển lệ của phương Bắc. Đó là tinh thần, khí phách của Lý Thường Kiệt, của Trần Nhân Tông, của Lê Thái Tổ, của Quang Trung Nguyễn Huệ được các nữ sử chăm lo truyền dạy cho các công chúa, công nương và kể cả cung nga thị nữ hầu cận chốn cung môn mà Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan là những điển hình.

 

Trên núi hình chim bay thú chạy

Có rồng vàng quẩn quanh non nước.

 

Chim và thú thì đủ loại ở núi rừng và biển cả nước Việt. Nào được sản sinh tại địa phương như hạc, cò, sếu…, nào loài chim thiên di theo biến đổi thời tiết. Rồng và rắn cũng vậy, đủ loại, dữ có, hiền có, chúng sống trên cạn, dưới nước, dưới sông dưới biển, hang động đối với chúng là nhà, đối với người hang động, nhất hang động linh thiêng tiếp giáp ở chốn núi cao ăn thâm mà đâm ra biển cả:

 

Đi bộ thì khiếp Hải Vân

Đi thủy thì khiếp sóng thần hang Dơi

 

Vượt qua vũ môn thì cá gáy, liu điu cũng hoá rồng. Rồng bay phượng múa ở cõi Tiên tức chốn Thiên thai có Tiên nữ đánh cờ. Loan Phụng hoà minh ý chỉ vợ chồng hoà thuận. Hội Long Vân ám chỉ việc tinh chọn người tài qua tuyển cử và khoa cử. Anh hùng, Anh thư, Hào kiệt khi sống giúp đời, khi chết trở thành thần thánh đóng vai trò “Hộ Quốc Tỳ Dân.” Vào thời cổ đại và trung đại nam nữ bình đẳng, nhiều dân tộc anh em theo chế độ mẫu hệ là chuyện khác thường so với ngày nay. Đặc biệt thuở vua Hùng dựng nước 18 đời vua theo mối xa thư, người Việt không quá nặng nề câu chấp chuyện “môn đăng hộ đối”. Chọn rễ là người có tài, có chí hướng theo lối truyền thuyết “Sơn Tinh – Thuỷ Tinh.” Công chúa lấy kẻ nghèo đóng khố qua chuyện “Dầm Dạ Trạch”, hoặc được bán gã lên miền cao, ra nước ngoài mà Huyền Trân công chúa là một điển hình:

 

Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm

Một gái Huyền Trân của mấy mươi.

Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm

Một gái Huyền Trân của mấy mươi.

(Thái Xuyên)

 

Tất cả chỉ “vì lợi cho dân” theo đúng châm ngôn “lấy dân làm gốc”. Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Trong “đắng cay muôn phần” mới thấy rõ chất ngọc của Huyền Trân mang chủng tử từ đất xứ Tây Vực. Tiền nhân ta mở thoáng, rộng đường “phản biện” để biết lắng nghe tiếng lòng của dư luận quần chúng. Kinh - quyền là hai lối khai mở đường “tấn thối”, nhất thiết không đi vào ngõ cụt. Tư tưởng “trung dung”, “trung hoà”, “trung đạo” không còn là riêng của bất cứ một dân tộc nào, mà đã trở thành tinh hoa của nhân loại tiến bộ:

 

Ở đời muôn sự của chung

Hơn nhau hai tiếng anh hùng mà thôi.

 

Người Bách Việt, Lạc Việt, Việt Nam khôn khéo, thông tuệ, bất khuất, sáng tạo. Chịu thương chịu khó không ai bằng người phụ nữ Việt Nam xưa nay. Tú Xương khéo khen vợ tảo tần:

 

Quanh năm buôn bán ở ven sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

 

Ông Tú Vị Xuyên cũng biết an ủi, khen vợ mà không nịnh vợ theo lối ga-lăng nịnh đầm của phương Tây vào buổi giao thời thay cũ đổi mới. Còn bà Tú cũng khéo khen chồng mà lại ngầm ý trách chồng khéo nhẹ nhàng:

 

Rằng hay thì thật là hay

Không hay sao lại đỗ ngay Tú tài.

 

Việt Nam và các quốc gia lân bang vùng Ấn Hoa có những mẫu chuyện na ná như nội dung các truyện Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính, Mai An Tiêm, Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than, cảnh Tiên, cõi Trần, các truyện về Mẫu, Thiên Mẫu, Mẹ Hiền… ấy là của chung nhân loại, cùng một cốt truyện, mỗi dân tộc, mỗi quốc độ nhìn mỗi cách. Không riêng gì là “của một ai”, “của một giống giòng nào”, dù là Ấn, là Chàm, là Hoa, là Miên, là Thái, là Lào, là Tây, tà ta: vàng, đen, trắng nước da không che tấm lòng, một câu trong nội dung ca từ “Vui Liên Hoan Thế Giới”.

 

Xưa và nay người Bách Việt, Lạc Việt, Việt Nam khôn khéo tinh tế, thông tuệ đạo hạnh, sáng tạo, biết hòa nhập theo nhịp điệu, hơi thở trong lành của thời đại mà vẫn giữ cốt lõi của sắc dân tộc, giữ được và ngày lại ngày làm giàu thêm vốn ngôn ngữ.

 

Vua chúa Việt Nam biết chọn và dùng những đại thần trí tuệ, mưu lược, lịch lãm trong bang giao nên các sứ thần nước Việt mỗi khi tiếp sứ nước ngoài hoặc đem chuông đi đánh xứ người đều làm rạng danh quốc thể. Đáp trả vế đối của sứ thần láng giềng, tỏ ý trêu ghẹo phụ nữ Việt Nam: An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đáp trả ngay: Bắc Quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất. Người Trung Quốc, cụ thể là Tiến sĩ Lão Sùng Quang đến Phú Xuân năm 1849 làm lễ bang giao đọc thơ của Mai Am công chúa, con gái của vua Minh Mạng cũng nễ tài sáng tác của người đẹp nước Việt mang chủng tử “cành vàng lá ngọc”. Thơ của Mai Am cũng sánh đôi kịp theo tứ thơ và thi pháp của các nữ sử Trung Hoa như thơ của nàng Ban Cơ vậy. Gái nước Nam đối đáp với sứ thần Trung Quốc chẳng thua kém gì những đấng mày râu Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật, Phật Hoàng Trần Nhân Tông và trước nữa là Mạc Đỉnh Chi xấu người mà văn hay chữ tốt.

 

Dễ dầu gì mà Mạc Đỉnh Chi đạt được danh hiệu “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đi sứ dưới triều vua Gia Long mang về “Thanh Tâm Tài Nhân thi tập” đã sáng tạo thành truyện Thuý Kiều khiến người nước bạn phải sững sờ, sửng sốt về tài sáng tạo của thi hào nước Việt được thế giới tôn phong là Danh nhân Thế giới. Cần chánh điện học sĩ (không phải Đại học sĩ như nhiều người nhầm lẫn) Nguyến Du chỉ đỗ đạt ở mức tầm thường Tam trường thi Hương mà khác nào là “Trạng thơ” nước Nam. Ông sống bình dị, nếm đầy đủ mùi mặn, lạc, chua, cay lẫn ngọt bùi mới, được vua sai đi sứ, đọc TIỂU THANH KÝ mới lấy được bút hiệu Tố Như:

 

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

 

Người đẹp Trung Quốc Tố Như chịu đựng đầy nỗi oan khiên đã được Nguyễn Du đánh bóng lên nước. Thế giới ngày nay tôn vinh Nguyễn Du lẽ nào không truy tìm bút hiệu của đại thi hào Nguyễn Du. Năm 1965, chỉ 200 năm sau năm sinh của Tố Như tiên sinh (1765) thế giới đã tôn vinh Nguyễn Du thanh danh nhân thế giới. Không đọc kinh Kim Cương đến ngàn lần vạn biến thì làm sao Nguyễn Du tiên đoán được điều ấy. Văn chương vượt qua vũ môn triết học để hoá rồng vàng bay khắp năm châu bốn biển theo bản dịch Truyện Kiều ra các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Quan thoại nữa. Đó là điều kỳ diệu của văn chương chữ nghĩa như cảm nhận của Tiến sĩ Lão Sùng Quang khi đọc thơ và bút đàm với Nhất đại Thi Ông Tùng Thiện Vương ở Tiêu Viên bên dòng sông Lợi Nông nắng đục mưa trong vào năm 1849 ở đất Phú Xuân văn vật:

 

“Đọc đến câu bạch âu Hoàng diệp

Cả người ớn lạnh đến hơi thu”

(Ưng Trình dịch)

(Độc đáo bạch âu hoàng diệp

Mãn hoài tiêu sách đái thu hàn)

 

Tùng Thiện Vương và anh vừa là thầy của Tam Khanh: Trọng Khanh (Quy Đức công chúa); Thúc Khanh (Diệu Liên công chúa) còn được tôn phong là Mai Am công chúa và Quý Khanh (Thuận Lễ công chúa) với tác phẩm “Huệ Phố thi tập” sánh cùng với “Diệu Liên thi tập” của người chị và “Nguyệt Đình thi thảo” của Quỳ Đức công chúa. Sở dĩ Tam Khanh trở thành thi hào nổi tiếng chỉ vì văn chương của “Ba nường thơ” bên giòng Lợi Nông biểu cảm được ý nghĩa “Phát ra ở tình, dừng ở lễ” như nhận định của Tuy Lý Vương. Thật đúng là: Thi Đáo Tùng Tuy Thất Thịnh Đường.

 

Thầy, “Đức Thầy” là tiếng gọi rất thân thương của Tam Khanh đối với anh ruột của mình là Thi Ông Tùng Thiện Vương, thầy dạy vua Tự Đức làm thơ. Chính vua Tự Đức đã gỡ mối oan khiên cho Tùng Thiện Vương trong vụ binh biến năm 1866 gây chấn động kinh thành Huế do Đoàn Hữu Trưng khởi xướng. Vua Tự Đức thâm hậu biết dùng ân trả oán cho chú ruột mình không quản nổi người con rể Đoàn Hữu Trưng.

 

Các nữ thi nhân nước Việt sau thời Tam Khanh, có mấy ai đuổi kịp thi tài của ba chị em một nhà Tiêu Viên với hội thơ “Tùng Vân”. May ra đã có một thế hệ các nhà thơ nữ nổi tiếng: Sương Nguyệt Anh, Cao Ngọc Anh, Đạm Phương với bút hiệu 4 chữ Đạm Phương Nữ Sử, sư bà Diệu Không, sư bà Thể Quán:

 

Sông, núi, người, trời đều chẳng khác

Hoà đồng vạn vật ấy tâm không.

(Diệu Không thi tập)

 

Nhân dịp Tết Canh Dần, 2010. Phật lịch 2553; ở núi Ngũ Phong, phường mới An Tây thuộc thành phố Huế được nhà nước tổ chức hai lễ lớn: QUỐC THÁI DÂN AN và LỄ HỘI ĐỀN HUYỀN TRÂN, nữ thần đại khai canh, khai khẩn xứ Thuận Hoá vuông ngàn dặm từ bờ Nam sông Hiếu kéo dài đến tận bờ Bắc sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Hai lễ hội truyền thống tại đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và đền thờ Huyền Trân Công Chúa, Ni sư Hương Tràng; chúng tôi kính chúc mọi người, mọi nhà một năm mới an khang thịnh vượng, thân tâm an lạc, mọi sự như ý.

 

Xưa núi Ngũ Phong có Tiên hiện xuống nên dân gian và cả cung đình mới tôn phong là xứ Thiên Thai – một Bồng Lai tiên cảnh. Mộng kinh sư, là phái mạnh thì đều có phương danh Mộng Hùng, là phái yếu thì có phương danh Giáng Tiên như người xưa đã truyền dạy cho hậu duệ các đời sau.

 

Cái chủng tử từ truyền thuyết Con Rồng – Cháu Tiên lại bừng sáng lên ở đất Thuận Hoá – Phú Xuân – Huế giữa cảnh đất nước Quốc Thái Dân An và lại mở hội thảo khoa học PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG DI SẢN VĂN HOÁ DÂN TỘC tại khách sạn Hương Giang. Mội khối việc làm đầy ý nghĩa tỏ lòng tri ân tiền nhân của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tỉnh nhà, mở đầu cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi lên bút để phát tâm cúng dường một nén tâm hương. Không thể nào không va vấp những khuyết nhược điểm, kính mong quý vị rộng lượng tha thứ.

 

Cầu nguyện năm mới Canh Dần và mãi mãi về sau "QUỐC THÁI DÂN AN".

 

Cố đô đầu xuân Canh Dần, 2010

L.Q.T


(Nguồn: lieuquanhue.vn,  23/02/2010.)


READ MORE - ANH THƯ NƯỚC VIỆT (Hình tượng người Phụ Nữ theo dòng chảy văn học) - Lê Quang Thái

NGỤ NGÔ Ê-DỐP (65-68) - Ngọc Châu phỏng dịch sang thơ song thất lục bát

 


65. The Wolf and the Lion 

Roaming by the mountainside at sundown, a Wolf saw his own shadow become greatly extended and magnified, and he said to himself, "Why should I, being of such an immense size and extending nearly an acre in length, be afraid of the Lion? Ought I not to be acknowledged as King of all the collected beasts?' While he was indulging in these proud thoughts, a Lion fell upon him and killed him. He exclaimed with a too late repentance, "Wretched me! this overestimation of myself is the cause of my destruction."


Sói và Sư tử

Cuối ngày, Sói lang thang sườn núi

Chợt nhìn bóng nó dưới suối sâu

Dãn ra dài, khủng thân đầu

Sói ta lẩm bẩm mấy câu về mình:

 

“Cớ sao có thân hình to đại

Chiều dài nào kém dải cây thưa

Mà luôn sợ hãi lão Sư

Mà không dám nghĩ mình thừa uy vua…”

 

Trong lúc Sói say sưa mộng tưởng

Sư đã tung sát chưởng giệt mồi

Sói còn kịp ngáp “than ôi!

Tự lừa mình đáng đi đời nhà ma…”

 

66. . The Lion, the Wolf, and the Fox  

A Lion, growing old, lay sick in his cave. All the beasts came to visit their king, except the Fox. The Wolf therefore, thinking that he had a capital opportunity, accused the Fox to the Lion of not paying any respect to him who had the rule over them all and of not coming to visit him.

At that very moment the Fox came in and heard these last words of the Wolf. The Lion roaring out in a rage against him, the Fox sought an opportunity to defend himself and said, "And who of all those who have come to you have benefited you so much as I, who have traveled from place to place in every direction, and have sought and learnt from the physicians the means of healing you?'

The Lion commanded him immediately to tell him the cure, when he replied, "You must flay a wolf alive and wrap his skin yet warm around you." The Wolf was at once taken and flayed; whereon the Fox, turning to him, said with a smile, "You should have moved your master not to ill, but to good, will."

 

 Sư tử, Sói và Cáo

Vua Sư tử về già, ốm yếu

Nằm trong hang, voi biếu cọp thăm

Ngoại trừ Cáo già mất tăm

Gặp cơ hội Sói rắp tâm ra đòn

 

Khúm núm bẩm rằng con Cáo hỗn

Vẫn coi thường  khinh giỡn đức vua

Không hề lai vãng hỏi thưa…

Không ngờ lúc đó Cáo vừa đến nơi

 

Đứng ngoài nghe hết lời tâu bẩm

Thấy vua Sư nổi giận đùng đùng

Cào liền nghĩ ngay cách dùng

Độc đem trị độc, thỏa lòng Sói kia

 

“Cáo tôi xin được thưa Hoàng thượng

Mấy tuần nay chạy ngược chạy xuôi

Cốt tìm ra phương sách thôi
Cách nào trị liệu để Người bình an

 

Dám thưa trong mọi đoàn thăm hỏi

Liệu có ai làm nổi việc này
Như thằng Cáo lười này đây…”
Vua Sư nguôi giận hỏi ngay cách gì

 

“ Thưa Chúa thượng giờ thì nếu có

Một  bộ da Sói bó quanh thân

Giữ cho Hoàng thượng ấm dần

Chắc là chỉ độ một tuần là êm… »

 

Không chậm trễ Sư liền ra lệnh
Thực hành ngay ý kiến Cáo già

Vậy là hết kiếp Sói ta
Còn nghe Cáo nhủ « Chết là do ngươi… » 
!

 

67. The North Wind and the Sun 

The North Wind and the Sun disputed as to which was the most powerful, and agreed that he should be declared the victor who could first strip a wayfaring man of his clothes. The North Wind first tried his power and blew with all his might, but the keener

his blasts, the closer the Traveler wrapped his cloak around him, until at last, resigning all hope of victory, the Wind called upon the Sun to see what he could do. The Sun suddenly shone out with all his warmth. The Traveler no sooner felt his genial rays than he took off one garment after another, and at last, fairly overcome with heat, undressed and bathed in a stream that lay in his path.

Persuasion is better than Force.

 

Gió Bắc và Mặt trời 

Gió Bắc cùng Mặt Trời ra sức

Cãi nhau ai thực lực hơn ai

Hai bên quyết định thi tài

Lột quần áo một chàng trai bộ hành

 

Gió Bắc dồn sức mình ra thổi

Cuồng phong bay chấp chới kinh hoàng

Định tâm giật xé tan hoang

Áo quần của gã trai đang gò người

 

Nhưng càng thổi hắn thời càng quấn

Cho chặt thêm áo ấm quanh người
Cuối cùng Gió Bắc hụt hơi

Chịu thua, nhường để Mặt Trời ra tay

 

Mặt Trời hiện ra ngay lập tức

Rọi nắng vào đầu, ngực chàng trai

Mới qua phút một phút hai
Anh chàng đã cởi áo ngoài cầm tay

 

Ít phút nữa thì ngay quần lót

Cũng cởi luôn tuốt luột khỏi người

Chàng ta nhảy tùm xuống bơi

Dưới con suối chảy ven đồi không xa

 

Mới hay trong cõi người ta

Thuyết phục dễ thắng hơn là cuồng hung.

  

68. The Brother and the Sister  

A father had one son and one daughter, the former remarkable for his good looks, the latter for her extraordinary ugliness. While they were playing one day as children, they happened by chance to look together into a mirror that was placed on their mother's chair. The boy congratulated himself on his good looks; the girl grew angry, and could not bear the self-praises of her Brother, interpreting all he said (and how could she do otherwise?) into reflection on herself. She ran off to her father. to be avenged on her Brother, and spitefully accused him of having, as a boy, made use of that which belonged only to girls. The father embraced them both, and bestowing his kisses and affection impartially on each, said, "I wish you both would look into the mirror every day: you, my son, that you may not spoil your beauty by evil conduct; and you, my daughter, that you may make up for your lack of beauty by your virtues."

 

Anh trai và em gái 

Ông bố có một trai một gái

Trai đầu dáng đẹp lại đáng yêu

Cô em thì không mĩ miều
Mà là xấu đến ma xiêu quỉ hờn

 

Tình cờ chúng một hôm đùa dỡn

Bên ghế xô-pha lớn có gương

(Trong phòng mẹ, kê cạnh giường)

Cả hai ngơ ngẩn nhìn gương, ngắm mình

 

Anh trai thấy ảnh hình xinh đẹp

Thì cười vui rách mép khoe khoang

Cô em tức tối, bàng hoàng
Thấy mình quá xấu, lao sang phòng ngoài

 

Mách bố rằng anh trai xúc phạm
Diễu cợt mình, còn dám nghịch đồ

trong phòng mẹ, rất là hư…
Vừa ôm hai đứa bố vừa khuyên can :

« Các con cần phải ngoan, nghe bố

Chăm soi gương và cố sửa mình
Con trai cần phải đinh ninh

Hư là làm hỏng ảnh mình trong gương

 

Con gái đạo đức, khiêm nhường

Là trang điểm để cho gương khen mình… »

READ MORE - NGỤ NGÔ Ê-DỐP (65-68) - Ngọc Châu phỏng dịch sang thơ song thất lục bát