Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, May 13, 2018

NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 24) - Nguyễn Ngọc Kiên

   
                  Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



NHỮNG  THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ - (Kì 24)

77)南柯一夢 [Nam Kha nhất mộng] (giấc mộng Nam Kha)
Trong "Nam Kha ký thuật" của Lý Công Tá đời nhà Đường có kể truyện Thuần Vu Phần nằm mộng thấy chàng đến nước Hòe An. Thuần được vua Hòe An cho vào bái yết. Thấy Thuần tướng mạo khôi vĩ nên gả con gái, cho làm phò mã và đưa ra quận Nam Kha làm quan Thái thú, cai trị cả một vùng to lớn.
Đương lúc vợ chồng Thuần sống một cuộc vương giả, cực kỳ sung sướng thì bỗng có giặc kéo đến vây quận Nam Kha. Thuần đem quân chống cự. Giặc đông mạnh, Thuần thua chạy. Quân giặc vây thành đánh phá. Công chúa nước Hòe An, vợ của Vu Phần chết trong đám loạn quân.
Thuần Vu Phần đem tàn quân về kinh đô tâu lại vua cha. Nhà vua nghi kỵ Thuần đã đầu hàng giặc, nên tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thường dân. Thuần oan ức vừa tủi nhục, khóc lóc bi thương... Vừa lúc ấy thì Thuần chợt tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây hòe, trên đầu một nhành cây hòe chĩa về phía nam. Cạnh Thuần lại có một ổ kiến lớn. Bầy kiến kéo hàng đàn hàng lũ trèo lên cây hòe.
Cũng có sách chép:
Đời nhà Đường có một nho sinh họ Lữ đi thi không đỗ. Trở về, dọc đường, vừa buồn lại vừa đói nên ghé vào một ngôi chùa con bên cạnh khu rừng, xin đỡ lòng. Chùa nghèo, nhà sư nấu kê thay gạo đãi khách.
mệt mỏi nên họ Lữ nằm một lúc thì ngủ khò. Chàng thấy mình đã thi đỗ, được quan chức cao, nhà vua lại còn gả công chúa, phong cho chàng làm phò mã và cho đi trấn nhậm một nơi. Thật là vinh quang phú quý, không ai bằng. Nhưng khi đi đến nửa đường thì bỗng gặp quân giặc đỗ đến đánh. Lữ chống cự không lại. Lính hộ vệ bị giết. Xe kiệu bị đập phá tan tành. Chúng thộp cổ cả vợ chồng Lữ, đưa gươm kề họng... Lữ hoảng hốt, kêu lên một tiếng, giựt mình thức dậy mới biết là chiêm bao.
Mà giữa lúc ấy nồi kê cũng chưa chín.
Trong tác phẩm "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu:
 Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.
Trong bài "Lạc đường" của Tú Xương cũng có câu:
Giấc mộng Nam Kha khéo chập chờn,
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, có câu:
 Tiếng sen khẽ động giấc hòe.
Trong "Bích câu kỳ ngộ" cũng có câu:
 Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa an.
Cổ thi có câu:
Trăm năm một giấc kê vàng.
"Kê vàng" cũng gọi là gạo "hoàng lương", một thứ ngũ cốc nhỏ như cát, màu vàng. Nhà nghèo bên Tàu ngày xưa dùng kê để ăn thay gạo.
Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu:
 Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai.
"Giấc Nam Kha", "Giấc hòe", "Giấc mộng kê vàng" hay "Giấc hoàng lương" đều do điển tích trên. Có nghĩa sự phú quý vinh hoa chẳng khác nào một giấc mộng.
Đồng nghĩa với thành ngữ này là:黄粱一梦 [Hoàng Lương nhất mộng] (giấc mộng Hoàng Lương)黄粱美梦 [Hoàng Lương mĩ mộng] (Hoàng Lương mộng đẹp)白日做梦 (mơ giưa ban ngày) . (Xem thêm kì số 23)

Trái nghĩa với thành ngữ là:
梦想成真[ mộng tưởng thành chân] (mơ mà thành thật)、心想事成 [tâm tưởng sự thành](lòng  mong muốn mà sự thành)、天从人愿 [thiên tòng nhân nguyện] (trời theo ý người)


78) VẼ ĐƯỜNG CHO HƯƠU CHẠY
Rất nhiều người chúng ta đều biết câu thành ngữ này nhưng không mấy ai tỏ tường nguồn gốc, câu chuyện đằng sau câu nói quen thuộc của người xưa.
Vào những năm cuối của triều đại nhà Đường, ở Tuyên Châu có một gia đình nằm sát bên một ngọn núi vừa cao vừa đồ sộ. Gia đình họ có ba người gồm hai vợ chồng trẻ và một cậu con trai nhỏ tuổi.
Mỗi đêm trôi qua, cậu bé này đều thấy một con quỷ dẫn theo một con hổ đến để truy bắt mình. Cậu bé đã chứng kiến cảnh ấy đến hơn mười lần rồi. Vì vậy, cậu liền nói với cha mẹ rằng: “Cha mẹ! Hằng đêm quỷ đều dẫn hổ đến truy bắt con, chắc con sẽ không thoát khỏi cái chết. Con nghe người xưa bảo rằng hổ ăn thịt người, hồn người ấy không biết đi đâu, lại theo con hổ, để đưa hổ về ăn thịt người khác, vì thế những kẻ giúp kẻ ác làm ác đều gọi là Trành. Khi con biến thành Trành, con hổ bắt con dẫn đường đi ăn thịt người, con sẽ dẫn nó đến làng mình. Cha hãy làm bẫy, chắc chắn sẽ bắt được nó, cứu được dân làng.”
Không lâu sau, cậu bé này quả nhiên bị con hổ đến ăn thịt.
Qua mấy ngày tiếp theo, cha của cậu bé nằm mộng. Trong giấc mộng, cậu bé hiện về nói với cha rằng: “Cha ơi! Con đã biến thành Trành, ngày mai con sẽ dẫn lão hổ đến làng mình. Cha hãy làm một cái bẫy chỗ ngã ba đường để bắt hổ.”
Người cha tỉnh dậy, nhớ lại lời con trai nói trước khi chết và trong cả giấc mơ, liền tin theo. Ông cùng với dân làng đào ngay một cái bẫy thật lớn theo đúng lời cậu bé căn dặn. Quả nhiên, ngày hôm sau, một con hổ già đã bị mắc bẫy và dân làng đã bắt được con hổ ấy.
Câu thành ngữ: 为虎作伥 [vi hổ tác trành] (Vẽ đường cho hươu chạy) cũng từ đây mà ra đời.
                            Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung

Chữ [Trành] Từ điển Hán Việt [NXB Văn hóa thông tin, 1999, tr. 79] giải thích là: Ma trành (truyền thuyết dân gian: Hồn ma người bị hổ ăn thịt gọi là trành, nó sẽ theo con hổ giúp con hổ tìm người khác để ăn thịt.)

(79)背水一戰 (Bối thủy nhất chiến) với nghĩa đen là: lưng tựa sông đánh trận.
Hàn Tín (256–195 TCN) là một nhà chiến lược quân sự và vị tướng có công rất lớn trong việc lập nên triều đại nhà Hán (206 TCN – 220 SCN).
Sau khi chinh phục nước Ngụy vào năm 205 TCN, Hàn Tín lập tức nhận được lệnh tấn công nước Triệu. Quân Triệu có khoảng 200 nghìn binh lính, trong khi Hàn Tín chỉ dẫn khoảng 30 nghìn quân.
Quân Triệu nắm giữ vị trí rất thuận lợi và chặn đứng các cửa ngõ quan trọng vào nước Triệu. Lối vào độc đạo nằm ở phía Tây của dãy Thái Hành Sơn, còn phía trước là một dòng sông chảy xiết.
Bản thân Hàn Tín hiểu rõ những điều kiện bất lợi mà quân sĩ đang phải đối mặt. Ông cũng thấy rằng các binh sĩ đã mệt mỏi sau chặng đường dài và nguồn tiếp tế có thể dễ dàng bị cắt đứt bởi quân Triệu. Ông đã nghĩ ra một kế.
Hàn Tín ra lệnh cho phần lớn quân của mình vượt qua sông, đối diện với doanh trại địch, cách khoảng 30 dặm từ nơi cửa ngõ. Sau đó, ông cho một số quân đào hào và lập chiến lũy.
Các tướng lĩnh và binh lính Triệu đã cười nhạo Hàn Tín, họ cho rằng đó là một sai lầm chiến thuật bởi trong trường hợp thất bại, sẽ không có cách nào thoái lui được vì có con sông phía sau. Hàn Tín đã không hề lay động.
Ông đã bí mật ra lệnh cho 2000 quân xâm nhập vào trại của Triệu và cắm những lá cờ Hán tại đó ngay sau khi lính Triệu bỏ ra ngoài.
Giữa đêm đó Hàn Tín dặn binh sĩ chỉ ăn nhẹ và hứa sẽ có một bữa tiệc vào hôm sau khi đánh bại quân Triệu. Mặc dù họ làm theo mệnh lệnh của Hàn Tín nhưng ngay cả những tướng lĩnh thân tín của ông cũng không thực sự tin điều đó.
Sớm hôm sau, Hàn Tín ra lệnh cho quân phất cờ nổi trống tiến tới cửa ngõ. Quân chủ lực của Triệu rời trại đuổi theo quân Hán.
Hàn Tín ngay lập tức ra lệnh cho quân rút về thủ thế. Quân Triệu tức tốc đuổi theo. Hán binh không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu đến cùng, điều này khiến quân Triệu khiếp sợ.
Để thiết lập lại thế trận, tướng Triệu ra lệnh cho quân rút khỏi cuộc giao tranh. Khi quân Triệu rút về trại, họ phát hiện cờ Hán tua tủa khắp nơi.
Họ nghĩ rằng mình đang bị tấn công từ phía sau và vô cùng hoảng hốt. Ngay lúc ấy, Hàn Tín dồn toàn lực tấn công và quân Triệu đã bị đánh bại.
Trong bữa tiệc mừng chiến thắng, Hàn Tín được hỏi tại sao ông lại để binh lính dàn trận khi phía sau là con sông. Ông trả lời: “Trong tình huống như vậy, một người lính sẽ chiến đấu bởi họ không thể trốn chạy. Nếu họ được đặt ở tình huống có thể rút lui, họ sẽ rút.”
Chiến thuật này dẫn đến thành ngữ 背水一戰 (Bối thủy nhất chiến) với nghĩa đen là: lưng tựa sông đánh trận.
Nó được dùng để mô tả tình huống mà người ta phải chiến đấu để chiến thắng hay bỏ mạng, hoặc trong khi một người phải nỗ lực hết mình để giành sự sống.

                                                     Nguyễn Ngọc Kiên

READ MORE - NHỮNG THÀNH NGỮ CÓ XUẤT XỨ TỪ THƠ CỔ ĐIỂN VÀ ĐIỂN CỐ (Kì 24) - Nguyễn Ngọc Kiên

XEM BÓI - Thơ Đặng Xuân Xuyến





XEM BÓI
(Tặng thầy Ái Nhân Bùi)

Cưới vợ rồi lại bỏ
Đủ 3 lần mới thôi
Đời lấm lem, vẹo vọ
Rút ruột mà nhả tơ.

Đi xem thầy bảo thế
Về nhà cứ lo lo
Đường tình duyên đến tệ
Nửa đời đằm bến mê.

Mẹ bảo, xưa ông ngoại
Khen cháu mình tài trai
Duyên tình tuy lận đận
Công danh ắt phát tài.

Giờ mới tuổi bốn hai
Chưa một lần yêu ai
Nghề hai năm chín việc
Biết năm nao phát tài.
*
Hà Nội, 10 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN



READ MORE - XEM BÓI - Thơ Đặng Xuân Xuyến

CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ NGUYỄN CÔNG TRỨ


     


NGHÈO

một bụng rau vỗ mãi
bốn mùa tám tiết
gặp lúc vua Gia Long
tuần du ra Bắc
quỳ bên đàng
dâng "Thái Bình Thập Sách"
đậu vớt
khi đó muốn có tung thì tung
mà hoành thì hoành
nam chinh bắc thảo
thỏa chí anh hùng ?


 GIANG SƠN

 giang sơn một gánh giữa đồng
 thuyền quyên thuyến thúng thuyền rồng giống nhau
 đất trời vốn có gì đâu ?
 anh hùng mạt lộ nghề câu đợi thời
 đêm khuya chả rõ mặt người
 chỉ nghe ứ hự vàng mười năm xưa
 cũng nhờ khăn gói gió đưa
 vườn dưa rồi lại vườn dừa nhà ta ?
 tri âm ồ rõ mặt ngà
 -

 vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
 đủng đỉnh làng quê chiếc xe tàng
 trên xe một lão già bảy bó
 các em bồ nhí ngồi chung quanh
 con bò kéo đi nghiêng lúc lắc
 gập ghềnh nghiêng ngà ngả nghiêng nghiêng
 một gã già dơ chơi trống bỏi
 tưởng chết là xong
 là hết ?
 nhưng mọi sự việc không như mình nghĩ
 đàm tiếu loanh quanh
 chết nhục chết vinh


 KỲ PHÙNG ĐỊCH THỦ

 theo nhà văn Hoàng Vũ Đông Sơn
 vùng đất An Hải "Kiến An & Hải Phòng"
 là vùng đất loạn
 hết giặc Phan Bá Vành
 đến giặc Lê Duy Lương
 Trên trời có sao Tua Dua
 ở dưới hạ giới có vua Bá Vành
 theo nhà giáo  Nguyễn Bàng
 địa bàn này Phan Bá Vành đi ra
 đi vào như chốn không người
 Nguyễn Công Trứ biết Vành coi thường mình
 nên cho lập một hội trường
 bên bờ sông
 hát xướng chèo cả tuần
 cho bá tánh trong vùng coi
 "bờ sông, con lạch nhỏ nối vào sông lớn
 dài chừng 1000m
 Vành ỷ y Trứ là đồ mọt sách
 cho quân tự do coi hát chèo
 bất thình lình bốn mặt giáp công
 "trong khi đó đã sai quân
 dùng bốn mươi sọt đất lấp ngay đầu kinh
 thuyền không cục cựa
 và Vành bị chém ngay tại chỗ


DỌC NGANG

vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
cười hề hề lại khóc hu hu
nhìn ra một bọn bú dù
vườn hoang từng lũ đánh đu từng bầy
mùi danh lợi càng cay càng thích
bả công hầu càng thiệt càng vui
hơn nhau chỉ một chiếc đùi ,
thủ heo, với lại bát dồi húng thơm
nay kẻ sĩ đầu đơn thi mãi
bạc cái đầu báo hại vườn rau
hóa ra chả thấy gì đâu ?

toàn là vỏ chuối khóa sau thôi đành
-
ai sao tui vậy
cứ an phận kéo cày
kéo bừa
dẫu nắng hay mưa
quét lá đa nơi chùa
ăn mày Phật
tuy đạm nhưng không mất


 DOANH ĐIỀN SỨ


     vòng trời đất hoành tung hoàng tráng
     nợ cơm gà đồng cạn đồng sâu
     sau xưa giống hệt y nhau
    dây gầu kéo trước cái gầu đi theo
    đời đâu khac bọn phường chèo
    cũng vua quan cũng trượng hèo nơi tay
    cũng phu khiêng kiệu cả bầy
    tiền hô hậu ủng quan ngày giặc đêm
    làm kẻ sĩ bốn miền bát nháo
    cũng chỉ vì thưng gạo bát cơm
    gió đoài chuyển hướng nồm nam
    chẳng qua nen bạc quan tiền hỡi ôi
    nằm nhịn đói đến thời cũng chết
    làm quan hèn binh bét càng đau
    thân lươn quằn qụai lấm đầu
    dân đen thị Kính thị Mầu  rập khuôn
    quan viên đầu mũ cánh chuồn
    vào ra cung khuyết cúi luồn kiếm ăn
    ngàn năm kiến cá xoay vần
    cai thân tứ chiếng cái thân rạc dai
    hồng trần chả thoát một ai ?
    tang bồng hồ thỉ hết ngoài lại trong
    ngẫm ta cũng kẻ anh hùng ?
    -
    kẻ làm loạn thần tặc tử
    kẻ ăn cướp biên đình
    kẻ quì mỏi gối
    kẻ vì miếng đỉnh chung
    một vầng chủ tớ quân thần ấy
    chẳng qua cũng là manh áo bát cơm
    -
   cũng cử nhân
   kẻ ra tướng võ kẻ vào tướng văn
   ăn trên ngồi trước
   kẻ bị đày lên mạn ngược
   khố rách áo ôm
   -
   nếu không nghị lực
   và niềm tin sắt đá
   thì không có Nguyễn Công Trứ
   quỳ bên đường dâng "Thái Bình Thập Sách "
   trong đoàn tùy tùng
   có đức Tả Quân Lê Văn Duyệt
   nhận và dâng cho Gia Long
   chỉ thấy nhà vua gật đầu
   qua khóa sau
   đậu vớt cử nhân
   khởi đầu là Hành Tẩu Sử Quán


   CÓ KHẢ NĂNG

   vỗ bụng rau bình bịch
   thì cũng có khả năng cười thỏa thích
   có mua vé số
    mới trúng độc đắc
    có công mài sắt
    có ngày lên kim
    -
    chín vạn anh hùng đè xuống dưới
    một vầng thiên tử đội lên trên
    nhờ may và hên
    hoa đăng mở hội
    bõ công đèn sách
    xông pha nam bắc
    mã đáo thành công
    -
    lẽo đẽo chạy theo chiếc xe ngựa
    công danh ngã lên ngã xuống
    ruộng
    dập mặt võ mũi
    không buồn không nản
    thừa thắng xông lên
    phận như cái mền
    rách


    MỘT ĐỜI HÀO KIỆT

    thiếu thời nghèo kiết
    trời đâu mù ?
    mà có mắt
    cứ an phận mà tu
    công danh tiền rừng bạc bể
    tuyệt đỉnh danh vọng
    binh bộ thượng thư
    -
    lùi một bước
    tiến hai bước
    biết người biết ta
    đôi khi giả vờ như không biết
    không kiêu
    không khoác lác
    khả năng có bao nhiêu dùng hết
    kính trên nhường dưới
    phước thọ tề thiên
    đáng là hào kiệt
    -
    giang sơn một gánh giữa đồng
    tối om không trăng và sao
    không ai biết
    chỉ một đào
    một kép phụ hát
    là chuyện gì trong đêm
    trong bụi rơm
    ma biết ?
    tưởng xong
    bốn mươi năm
    nửa chừng vở tuồng
    Uy Viễn tướng công
    tiếng hát cất lên
    thuyền quyên ư hự
    thế là gương vỡ lại lành
    -
    dưới nước cá đớp cá
    trên rừng thú nhai thú
    ngoài xã hội người nuốt người
    trên toàn cầu
    các đế quốc nhai các chư hầu
    xưa nay
    giống nhau ?
    -
    có công mài sắt
    có ngày lên kim
    một bụng rau ỉa ra toàn cứt
    một bụng kinh luân
    một thời ngang dọc
    miệng đời khen chê o cần thiết
    miễn là biết chinh mình
    có tài có đức
   
   CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ CHU VƯƠNG MIỆN VỀ NGUYỄN CÔNG TRỨ

HƯƠNG KINH ĐÊM - Thơ Nhật Quang



      Nhà thơ Nhật Quang



HƯƠNG KINH ĐÊM

Chuông ngân rơi chạm giấc mơ…
Không gian lắng đọng tiếng thơ mượt mềm
Hoàng hôn buông gió ru đêm
Dạ lan sương đẫm bên thềm thoảng lơi

Trăng vàng mơ…khúc Thu rơi
Lung linh ánh bạc tỏa ngời tịch liêu
Hương kinh lấp lánh tin yêu
Cửu trùng khẽ nhấp sóng triều lênh đênh

Dương gian muôn lối ghập ghềnh
Tiếng linh hồn vọng mông mênh cõi nguồn
Trầm luân bão gió, mưa tuôn
Điệp trùng sóng sánh nhịp buồn bể dâu

Chuông ngân vang vọng kinh cầu
Qua bờ giông tố đêm thâu vô thường
Đường trần nơi chốn náu nương
Tử qui hoan lạc ánh dương nhiệm màu.

                                   Jos, Nhật Quang

READ MORE - HƯƠNG KINH ĐÊM - Thơ Nhật Quang

DÒNG SÔNG ĐÊM - Thơ Lệ Hoa Trần



                Lệ Hoa Trần


DÒNG SÔNG ĐÊM

Xa xa đỏ mấy nhà
Ngọn đèn chiều hiu hắt
Ánh hoàng hôn ngã, tắt
Vắng bóng người xuôi, ngược

Những đoàn thuyền theo nước
Gác mái nghỉ chân đêm
Dòng nước phẳng êm đềm
Gợi lên niềm tê tái

Ngồi đợi trông, đợi mãi
Thế mà sao chẳng thấy
Đêm- đêm dài khép lại
Chất chứa nỗi niềm riêng.

                  Lệ Hoa Trần
                  13-05-2018

READ MORE - DÒNG SÔNG ĐÊM - Thơ Lệ Hoa Trần

THẢO LUẬN BÀI THƠ “CHIỀU LẠ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Châu Thạch


                 
                         Nhà bình thơ Châu Thạch




         THẢO LUẬN BÀI THƠ “CHIỀU LẠ” 
                      CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Bài thơ có đầu đề Chiều lạ nhưng qua mấy câu thơ ta không thấy buổi chiều có gì lạ.
Bài thơ chỉ có một câu thơ đề cập đến chiều: “nắng chiều rơi trên lá”. Nắng chiều rơi trên lá là một chuyện bình thường trong mọi buổi chiều. Vậy buổi chiều lạ ở chỗ nào? Nó lạ vì chiều nay có chiếc “áo lạ”. Chiếc áo lạ làm cho buổi chiều thay đổi hẳn, hay đúng ra, chiếc áo lạ đã đánh động tâm hồn của người thơ làm cho dậy lên trong lòng thi sĩ sự băn khoăn đến độ nếu không nhìn được nó thì “Sợ đêm về/ quẩn gió/ xáo xác khuya”.
“Quẩn gió/ xáo xác khuya” chỉ là mượn cảnh để diễn tả cái tình xảy ra trong lòng, hay đúng hơn là diễn tả cái tâm trạng thao thức trong đêm của người muốn nhìn chiếc áo lạ. Chiếc áo đó dầu đẹp đến đâu cũng không khiến cho lòng người xao động đến thế. Sở dĩ lòng người xao động đến thế vì chiếc áo lạ nhưng người không lạ. Người không lạ vì người nếu không là hình bóng của kẻ mà nhà thơ say đắm thì cũng là người có sợi dây vô hình gắn bó, có tiền duyên từ một kiếp nào để đánh thức niềm đam mê, làm sống dậy khối tình đang ngủ từ trăm năm, từ ngàn năm trước chăng?
Đọc bảy chữ đầu của bài thơ:

“Sợ đêm về
quẩn gió
xáo xác khuya”

thì ai cũng đặt trong đầu mình một dấu hỏi vì sao phải sợ như thế. Đọc đến các câu thơ kế tiếp cho ta một cảm giác thiết tha với tà áo vì tà áo trong thơ quan trọng quá, nó thoáng qua trong đôi mắt, nó mỏng manh nhưng nó đã làm cho “quẩn gió/ xáo xác khuya” là làm ảnh hưởng không gian, thời gian, thay đổi khí hậu hay đúng ra, nó dằn vặt một tâm hồn bình an để thấy vạn vật chung quanh đều chuyển đổi.
Hai câu thơ:

Cố vét vớt nắng chiều rơi trên lá
Chênh chao thể nụ cười nhòe áo lạ

thật là khó hiểu. Tuy thế qua thơ ta cũng đoán được rằng “áo lạ” xuất hiện vào một buổi chiều tắt nắng. Trời chưa tối hẳn nhưng ánh nắng chỉ còn rơi lẻ loi trên lá, để cho tác giả phải “cố vét vớt” cái nắng chiều, tìm thêm ánh sáng mà nhìn cho rõ thêm tà áo lạ. Cái anh nắng “cố vét vớt” đó nó chênh chao. Vì sao nó chênh chao? Vì nó rơi trên lá, mà lá rung trong gió nên nó phải chênh chao. Lạ thay, thứ ánh nắng cố vét vớt đó tác giả lại cho “thể nụ cười” tức là như nụ cười, mà nụ cười ấy lại làm cho “nhòe áo lạ”.
Ta biết thứ ánh nắng sót lại của buổi chiều nó vô cùng dịu mát, nó cũng làm cho cây cỏ được dát vàng, nghĩa là nó rất đẹp. Vậy thì trong bài thơ này nó đại diện cho nụ cười của người mặc chiếc áo. Chiếc áo lạ đã đẹp. Vậy mà nụ cười “như nắng chiều rơi trên lá chênh chao” làm nhòe chiếc áo lạ thì nụ cười ấy đẹp biết bao. Đọc thơ, người ta tưởng khoe chiếc “áo lạ” là đẹp nhất, nhưng không, chiếc áo lạ dầu đẹp cũng vô tri mà nụ cười mới mang linh hồn của người mặc áo. Nụ cười đẹp hơn chiếc áo. Té ra tác giả dùng chiếc áo lạ để tá khách nụ cười vào đó, tôn vinh nụ cười đến chỗ tuyệt mỹ khôn lường.
Và lạ lùng thay, ba câu thơ chót như bức màn nhung kéo xuống, kéo xuống để khán giả nhìn xuyên qua bức màn nhung thấy cả buổi chiều trở nên êm ái, để người đọc cảm khái cái im lìm của hoạt cảnh xảy ra:

Te tẻ chiều
nhớn nhác
nhón chân qua.

Ta hãy nhớ lại bài thơ Trăng của nhà thơ Xuân Diệu:

“Trong vườn đêm ấy trăng nhiều quá
Ánh sáng tuôn đầy cả lối đi
Tôi với người yêu qua nhè nhẹ
Im lìm, chẳng dám nói năng chi”.

Vì sao qua nhè nhẹ, vì sao im lìm? Nhà thơ Xuân Diệu nói vì:

“Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá
và làm sai lỡ nhịp trăng đang”

Ở đây nhà thơ Đặng Xuân Xuyến cũng thế. “Te tẻ chiều” là buổi chiều bình an quá, thơ mộng chẳng khác gì trăng trong vườn nhiều quá, trăng đầy cả lối đi. “Nhớn nhác/ nhón chân qua” vì muôn giữ sự yên tịnh của một buổi chiều, vì muốn hình bóng tuyệt vời của tà áo lạ không biến đi, vì muốn giữ nụ cười thơ mộng như giọt nắng chênh chao trên lá cho của riêng mình không tan ra bởi biến động nào, nhà thơ đành nhẹ chân trong im lìm nhón gót theo em.
Bài thơ ngắn diễn tả chỉ một hành động nhưng nó đem cho ta một chiếc áo quá đẹp, một nụ cười quá đẹp, một khung trời quá đẹp, quá bình yên, quá thơ mộng và một giấc mơ mang hình ảnh tuyệt vời của một buổi chiều rất quen mà dường như rất lạ vì cảm nhận được những điều tinh tế trong thơ./.
*.
Đà Nẵng, chiều 05.10.2016
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610




CHIỀU LẠ
(Tặng L.L)

Sợ đêm về
quẩn gió
xáo xác khuya
Cố vét vớt nắng chiều rơi trên lá
Chênh chao thể nụ cười nhòe áo lạ
Te tẻ chiều
nhớn nhác
nhón chân qua.
*.
Hà Nội, chiều 02 tháng 10.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - THẢO LUẬN BÀI THƠ “CHIỀU LẠ” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Châu Thạch