Quốc Tử Giám, gần Văn, Võ Miếu
Thông rịn, bàng xiêu, thấy phi liễu…
Hai câu thơ xưa viết theo thể “hành” của thi nhân Vân Bình Tôn Thất Lương qua bài Hương Giang hành năm 1941, còn đọng lại trong tâm tư người sông Hương hôm nay. Năm 1836, triều đình cho dựng trước sân Võ Miếu ba tấm bia Võ công; năm 1849, dựng tiếp hai tấm bia. Năm bia đá nằm năm vị trí, nay gom lại một cụm trơ vơ giữa nắng mưa.
Một trong nhiều nguyên nhân xây dựng Võ Miếu là để suy tôn những Tiến sĩ võ: “lờivăn hay có thể rọc đất ngang trời; Công võ giỏi làm cho yên dân hòa chúng”. Đối chênh với Võ Miếu là gò Long Thọ, các nhà địa lý nhận cho gò này là thiên quan địa trục (ải trời trục đất). Lý lẽ xây dựng Võ Miếu còn thể hiện ở hai từ Thích cát; có nghĩa là các Tiến sĩ mới đậu, đến nhà Thái Học cởi áo thường, mặc quan phục:
Văn dìu cánh phượng yên trăm họ
Võ thét oai hùm dẹp bốn phương
(Bài ca văn võ - Nguyễn Công Trứ)
Việc bàn đặt khoa thi võ và dựng bia Võ công bắt đầu từ tháng 12 năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836). Thi Hương bên võ để lấy đỗ Tú tài, Cử nhân sớm hơn nhiều so với thi Hội, thi Đình để lấy Phó bảng võ, Tiến sĩ võ. Từ năm 1865 đến năm 1880 ứng với niên hiệu Tự Đức thứ 18 đến thứ 33, triều đình Huế đã tổ chức được 7 khoa thi để chọn lấy được 11 Tiến sĩ võ và 110 Phó bảng võ. Thường thì quan võ “ít chữ” cho nên không ai gọi Tiến sĩ võ hoặc Phó bảng võ là “ông Nghè” hoặc “ông Nghè võ bao giờ”.
Thi Tiến sĩ võ cáo chung vào tháng 3 năm Giáp Thân (1884), niên hiệu Kiến Phúc thứ 1. Quốc sử chép: “Đến như thi Hội võ, lấy hạng người ấy biết chữ thì ít. Từ khi đặt khoa thi tới nay, kỳ thi phúc hạch trúng giáp đệ ấy rất ít, ngoài ra đều hư thiết, cho nên đình đi” (1).
Trường dạy võ chính thức được dựng ở mé tây Kinh Thành vào tháng 8 năm Tự Đức thứ 19 (1866). Điều hành trường dạy võ có các quan chánh Học Chính hàm võ tứ phẩm để dạy võ nghệ; phó Học Chính lấy quan văn ngũ phẩm để dạy về võ kinh, ban cho sách vở và đồ ký.(2) Trên toàn quốc có 5 trường thi Võ cử: Thừa Thiên, Hà Nội, Bình Định, An Giang và Thanh Hóa. Về sau phải bãi bỏ Võ cử, Võ sinh từ Hà Tĩnh đến Bình Định vì giặc Pháp phản đối. Có thể xem đây là nguồn tuyển chọn cho các thí sinh dự thi Hội và thi Đình võ ở chốn kinh sư.
Tháng 10 năm Tự Đức thứ 18 (1865), triều đình Huế mới định lệ việc bổ dụng Võ tiến sĩ với chức tước và phẩm hàm cao thấp như sau: “Bên Võ hàm tòng ngũ phẩm, thi đỗ nhất giáp, nhất danh, bổ phó lãnh binh, thự lãnh binh; trúng nhị danh, bổ quản cơ, thị phó lãnh binh trúng tam danh, bổ phó quản cơ, thự quản cơ. Đỗ nhị giáp, bổ phó quản cơ. Đỗ tam giáp, bổ cấm binh cai đội, thự phó quản cơ”.(3) Còn đỗ Phó bảng võ thì chịu thiệt hơn so với bên Văn: “Đỗ phó bảng bổ thụ cũng như trúng tam giáp, được đầy năm bổ thự phó quản cơ…”.(4) Và tùy theo thứ hạng của các kỳ thi từ đệ nhất đến đệ tứ của thi Hội để bổ dụng từ bát phẩm đến thất phẩm. Vì vậy mà trong dân gian còn truyền tụng câu ca:
Quan văn thất phẩm đã sang
Quan võ thất phẩm còn mang đai cờ
Trong quan hàm, võ chịu thiệt: Văn thắng Võ nhị trật.
Chầu hầu ở chốn triều chính, cung điện theo lối xếp: Văn tứ, Võ tam (quan Văn hàng tứ phẩm, quan Võ hàng tam phẩm trở lên). Lối thua thiệt của quan võ còn thể hiện rõ ở việc xếp ngôi tiên chỉ và chỗ ngồi ở chốn hương trung và đặt bài vị thờ tiên hiền hậu hiền ở miếu đình nguyên quán.
Tiến sĩ võ, Phó bảng võ được hưởng các quyền lợi:
1) Cấp ngựa trạm về vinh quy.
2) Làm lễ điện ở Võ Miếu. Bia đề tên Tiến sĩ võ dựng ở hai bên tả hữu trước sân Võ Miếu.
3) Trường thi ở chỗ trường thi ở bên Văn vào năm trước.
Về Hội thí bên võ, phải trải qua 3 kỳ:
- Kỳ đệ nhất: Thi xách tạ, múa côn.
- Kỳ đệ nhị: Thi múa côn gõ, múa dao, lăn khiên, múa dao dài chuôi, múa gươm dài, đâm người bù nhìn rơm.
- Kỳ đệ tam: Thi đấu súng điểu sang, thi đấu côn gỗ.
- Phúc hạch: Làm văn.(5)
Về Đình thí diễn ra trịnh trọng suốt 3 hôm. Diễn tiến khoa thi Võ tiến sĩ đầu tiên vào tháng 5 nhuận năm Ất Sửu, Tự Đức thứ 18 (1865) được sử chép như sau: “Sai Đô thống Trung quân, kiêm Chưởng Tiền quân, Tả quân là Đoàn Thọ và Tả tham tri bộ Lại là Phạm Phú Thứ sung làm Võ giám thí đại thần. Cho Vũ Văn Đức (nguyên Võ hội nguyên) đỗ nhị giáp Võ tiến sĩ xuất thân và Vũ Văn Lương (nguyên trúng thứ cách) đỗ Đệ tam giáp Võ tiến sĩ xuất thân. Lại lấy đỗ Võ phó bảng 6 tên: Đặng Văn Tá, Hà Văn Mão, Phan Văn Quát, Lê Khắc Đoài, Nguyễn Đăng Dính và Đỗ Văn Chiến…”.(6)
Phép thi này gọi là Bác cử, thí sinh phải trải qua 3 kỳ. Những ai vượt trọn qua 3 kỳ mới đạt danh xưng Võ tiến sĩ.
- Hôm thứ 1: Hỏi điều cốt yếu đem quân ra trận. Phương pháp bày trận.
- Hôm thứ 2: Khảo thí đấu côn.
- Hôm thứ 3: Khảo thí súng điểu sang ở ụ trường Đông Gia. Mỗi người bắn 9 phát.(7)
Trong khuôn khổ của bài viết, không thể triển khai rộng đường, chúng tôi xin lập bảng thống kê sau đây để bạn đọc có một cái nhìn khái quát. Bảy khoa thi Tiến sĩ võ trong 15 năm từ 1865 đến 1880 dưới triều Tự Đức. Bốn khoa đầu có ghi tên họ cụ thể những vị đỗ Phó bảng võ. Còn ba khoa còn lại, quốc sử không ghi rõ danh tánh. Chúng tôi ao ước khi bài viết này đến tay bạn đọc sẽ được quý vị bổ sung qua tư liệu quý giá về tiền nhân thi đỗ được trích từ gia phả, mộ chí, địa chí các tỉnh thành trong nước.
Năm Kiến Phúc nguyên niên (1884), trường thi dời qua làng La Chữ, huyện Hương Trà vào thời điểm đúng lúc thi Hội võ phải bãi bỏ vì thí sinh có nhiều người không viết được chữ Hán hoặc thành câu sao cho có nghĩa lý.
Năm 2008, Huế tổ chức lễ hội Tiến sĩ võ nhân Festival Huế. Không gian lễ hội Tiến sĩ võ này chỉ là sân khấu thu hẹp để trình diễn đấu võ thuật nhiều hơn là theo đúng quy cách, lễ nghi thi Tiến sĩ võ trước đây. Nơi tổ chức là sân sau Nghinh Lương Đình, phía trước Phu Văn Lâu thật chưa thích hợp, nếu không muốn nói là “lập lòa” cho qua chuyện và để lại nhiều ấn tượng sai sót. Thật tốn kém mà hiệu quả không cao.
Đã đến lúc, việc nghiên cứu trường thi, trường dạy võ cần được sớm xác định vị trí xưa để du khách và thế hệ trẻ thấy được hình ảnh bề thế, nghiêm cẩn của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, coi trọng hiền tài là nguyên khí của nhà nước. Từ đó mới có bằng chứng sống động để thuyết phục du khách đến Huế nghiên cứu. Nhà nước trong quá khứ cũng có nhiều nhược điểm, ưu điểm trong thi cử giữa lúc ấy vận nước chao đảo; nhưng việc cầu hiền tài vẫn được tôn trọng để kịp thời loại thải những quan võ thiếu trách nhiệm chu toàn công việc đã được trao phó:
Miếu cũ ngày nay qua tới đó,
Tấc lòng khởi kính biết là bao
(Lê Quý Đôn)
L.Q.T.
CÁC KHOA THI HỘI VÕ VÀ THI ĐÌNH VÕ / SỐ PHÓ BẢNG (PB) / SỐ TIẾN SĨ (TS) :
1.Ất Sửu, Tự Đức thứ 18 (1865). Thi vào tháng 5 tại Huế. PB: 06. TS: 02. Có danh sách Phó bảng.
2. Mậu Thìn, Tự Đức thứ 21 (1868). Thi vào tháng 6 tại Huế(8). PB: 20. TS: 05. Có danh sách PB.
3. Kỷ Tỵ, Tự Đức thứ 22 (1869). Thi vào tháng 7 tại Huế(9). Phó bảng: 22. Tiến sĩ: 03. (Ân khoa). Có danh sách PB.
4. Tân Mùi, Tự Đức thứ 24 (1871). Thi vào tháng 5 tại Huế(10). PB: 05. TS: 00. Có danh sách PB.
5. Ất Hợi, Tự Đức thứ 28 (1875). Thi vào tháng 5 tại Huế. PB: 13. TS: 00. Không có danh sách PB.
6. Kỷ Mão, Tự Đức thứ 32 (1879). Thi vào tháng 4 tại Huế(11). PB: 25. TS: 01. (Ân khoa). Không có danh sách PB.
7. Canh Thìn, Tự Đức thứ 33 (1880). Thi vào tháng 6 tại Huế. PB:19. TS: 00. Không có danh sách PB. Bãi bỏ phúc hạch
Tổng cộng: 110 Phó bảng; 11 Tiến sĩ
CHÚ THÍCH
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập IX, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 63 - 64.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập VII, Sách đã dẫn, tr. 1012.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập IX, Sách đã dẫn, 2007, tr. 928 - 929. Dân gian quen gọi Võ phó bảng là Ất tiến sĩ võ để ghi vào bia mộ hoặc gia phổ dòng tộc.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập IX, Sách đã dẫn, tr. 933 - 934. Những thí sinh dự thi hội đỗ trường nhất, trường nhì, trường ba được bổ dụng quan võ hàm bát phẩm, thất phẩm.
(5) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập VII, Sách đã dẫn, tr. 975. Bên thi Văn có phúc hạch. Vào phúc hạch theo loa gọi tên, thí sinh mặc áo rộng màu xanh.
(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập VII, tr. 933.
(7) Ụ Đông Gia: Mô đất đắp lên cao thành ụ ở trường bắn bia. Trước tên là Đông Gia, ở phường Đông Gia sau đổi thành Đông Ba. Dấu tích đổi tên gọi Đông Gia thành Đông Ba qua
tên cầu Đông Gia (Đông Gia Kiều), Ụ Đông Gia nay là cồn mồ ở đường Nguyễn Chí Thanh.
(8)Khoa Mậu Thìn, Tự Đức thứ 21 (1868). Võ tiến sĩ: Nguyễn Văn Vận. Đồng võ tiến sĩ: Phạm Học, Nguyễn Văn Tứ, Dương Viết Thiện, Đỗ Văn Kiệt. Võ Phó bảng: Trần Duy Trung, Nguyễn Hữu Cử, Trần Văn Khuyến, Hồ Văn Thử, Hồ Văn Đông, Trương Duy Nhượng, Trần Đình Y, Hoàng Đình Mậu, Phan Văn Trạch, Võ Văn Vĩnh, Trần Văn Thi, Hồ Văn Tri, Phan Sĩ Ban, Phí Văn Thịnh, Nguyễn Duy Hồ, Nguyễn Tuế, Phan Viết Cân, Lê Văn Hướng, Nguyễn Văn Huân, Lê Văn Trạc.
(9) Khoa Kỷ Tỵ, Tự Đức thứ 22 (1869). Đồng tiến sĩ võ: Đặng Đức Tuấn, Trần Văn Hiển, Lê Trực.
(10) Khoa Tân Mùi, Tự Đức thứ 24 (1871), chỉ lấy 5 phó bảng võ: Nguyễn Vỹ, Trần Huy, Hoàng Hữu Bình, Phan Văn Mẫu, Trần Văn Chất.
(11) Khoa Canh Thìn, Tự Đức thứ 32 (1879), chỉ biết tên 1 vị trúng chánh cách là Nguyễn Gia Trung, người làng Cổ Lũy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Do đau ốm, ông Trung không vào phúc hạch được. May mắn năm sau có mở khoa thi, ông được dự thi nhưng khi vào phúc hạch bài làm văn yếu kém nên được xếp vào hàng Võ phó bảng. Tỉnh Quảng Trị có 1 vị Tiến sĩ võ đầu tiên là ông Võ Văn Lương, người làng Đâu Kênh, huyện Triệu Phong đỗ đại khoa lúc 33 tuổi. Cụ Võ Soạn nguyên Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên cũ là hậu duệ, gọi vị khai khoa Tiến sĩ võ là cố nội. Nhân đây đính chính Võ Văn Lương chớ không phải Vũ Văn Lương.
Nguồn: THÔNG TIN DI SẢN - SỐ 4 - 2010