Nhà thơ Tú Xương
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ THƠ TÚ XƯƠNG
Bài tham luận tại Hội thảo khoa học "Tú Xương với thơ Đường luật Việt Nam"
Một
lần về quê Nam Định, đến thắp hương viếng mộ Nhà thơ Tú Xương trong công viên
bên hồ Vị Xuyên, chúng tôi gặp mấy đoàn khách từ miền Nam và miền Trung đang
dâng hương trên mộ Cụ. Thật xúc động! Tôi chợt nhận ra những bông hoa tươi và
nhiều chân hương mới thắp trên phần mộ Thi nhân chắc hẳn là tấm lòng của những
người hâm mộ thơ trào phúng Tú Xương. Từ đó thôi thúc tôi đi tìm hiểu vì sao
thơ trào phúng Tú Xương lại có sức sống lâu bền đến vậy?
1.Thơ
Đường luật trào phúng tạo nên danh tiếng thi sĩ Tú Xương.
Như
chúng ta đều biết Nhà thơ Tú Xương (1870-1907) từ trần khi mới 37 tuổi nhưng
những bài thơ Đường luật trào phúng của Cụ đã được hậu thế đánh giá rất cao.
Nhà thơ Tản Đà tâm sự với thi sĩ Xuân Diệu: “Trong các thi sĩ tiền bối, phục
nhất Tú Xương”. Nhà văn Nguyễn Công Hoan suy tôn Cụ là “Bậc
thần thơ, thánh chữ”. Nhà thơ Xuân Diệu tặng Cụ câu thơ được nhiều người
yêu thích:”Ông nghè, ông thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một Tú
tài”... Thơ của Cụ đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Không
ít các thế hệ người Việt Nam yêu thích thơ trào phúng của Cụ, nhiều người đã
thuộc, đặc biệt là các bài thơ: “Thương vợ”, “Chúc Tết”, “Đêm buồn”, “Mùa nực
mặc áo bông”, “Khoa thi”, “Chừa”... Người dân Nam Định tự hào về Thi sĩ Tú
Xương và miền văn hóa Non Côi- Sông Vị! Thơ trào phúng Tú Xương đã
góp phần làm giàu thêm kho tàng văn học Việt Nam với dòng thơ trào phúng độc
đáo mà sau này nhiều người nối tiếp, tiêu biểu là nhà thơ Tú Mỡ. Nhà thơ Xuân
Diệu xếp Tú Xương thứ 5 sau bốn thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ
Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm (Thơ Tú Xương- Vũ Hạnh Hiên tuyển chọn).
Đường phố tại Sài Gòn, Nam Định và nhiều thành phố khác ở nước ta đã
được vinh danh mang tên Nhà thơ.
2.Thơ
Đường luật trào phúng đã được Tú Xương sử dụng như một công cụ sắc bén phản ánh
hiện thực phê phán xã hội đương thời.
Cuối
thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX khi thực dân Pháp chiếm xong các tỉnh phía
Bắc nước ta, văn hóa phương Tây tràn vào, nền thi cử Khoa bảng ngàn năm đứng
trước sự thoái trào không thể cưỡng nổi. Chữ quốc ngữ ra đời báo hiệu một nền
văn hóa mới bắt đầu. Những phong tục, tập quán, đạo đức xã hội phong kiến bao
đời tồn tại ở nước ta đã và đang bị thách thức... Là Khóa sinh, từ nhỏ được đào
tạo theo con đường Khoa bảng, đã đỗ Tú tài Nho học, lại “văn hay chữ tốt”
nên Tú Xương rất thạo thơ Đường luật.
Thơ
Tú Xương chủ yếu viết theo thể Đường luật bao gồm thơ “thất ngôn bát cú” và thơ
“tứ tuyệt”. Thơ Đường luật là thể thơ bác học, niêm luật chặt chẽ, ý tứ sâu xa
các bậc trí thức đương thời thường dùng xướng họa về những lĩnh vực cao sang
của giới thượng lưu quyền quí. Nhưng nhà thơ Tú Xương đã sử dụng thơ
Đường thật tài tình khi viết về đời thường với bao trăn trở, lo toan; những “thói
đời” ngang trái, hợm hĩnh, bất công... qua những vần thơ trào phúng, trữ
tình. “Trâu mừng ruộng nẻ cày không được/ Cá sợ ao khô vượt cả rồi” (Đại
hạn); “Van nợ lắm khi tràn nước mắt/ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” (Cái
khó); “Một tuồng rách rưới, con như bố/ Ba chữ nghêu ngao, vợ chán
chồng” (Mùa nực mặc áo bông); “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” (Đất Vị Hoàng); “Kẻ yêu người
ghét, hay gì chữ/ Đứa trọng thằng khinh chỉ vì tiền” (Thói đời)... đọc
lên ta cảm thông với nhà thơ và rộng ra là với người dân trong xã hội đương
thời phải sống những tháng năm khó khăn, cơ cực dưới hai tầng áp bức của thực
dân Pháp và vua quan nhà Nguyễn. Những câu thơ: “Xe kéo rợp trời quan
Sứ đến/ Váy lê quyét đất mụ đầm ra” (Khoa thi); “Hà Nam danh
giá nhất ông cò/ trông thấy ai ai chẳng dám ho” (Ông cò); “Tri
huyện lâu nay giá rẻ mà/ Ví vào tay tớ quyết không tha” (Bỡn ông Phó
bảng); “Chữ “thôi” chữ “cứu” không phê đến/ Ông chỉ quen phê một chữ
“tiền” (Bỡn Tri phủ Xuân Trường); “Sơ khảo phen này bác cử
Nhu/ Thực là vừa dốt lại vừa ngu” (Ông cử Nhu); “Nghe văn mà
gớm cho văn nhỉ/ Cờ biển Vua ban cũng lạ đời!” (Tiến sĩ mới)... khi
đọc nghe phảng phất tiếng cười mỉa mai, chua chát thân phận của người dân mất
nước và phê phán những thói hư, tật xấu, nhiễu nhương... trong xã hội đương
thời. Bằng nghệ thuật thơ Đường, những cặp câu thực, câu luận đối nhau chan
chát càng tăng chiều sâu và hiệu quả của tứ thơ tạo nên tiếng cười riêng có của
mỗi bài.
3.Những
sáng tạo từ ngữ độc đáo của Tú Xương góp phần làm giàu ngôn ngữ tiếng Việt.
Nghiên
cứu thơ Tú Xương điều đầu tiên chúng ta nhận thấy công lao sáng tạo của Nhà thơ
đã đưa nội dung trào phúng vào thơ Đường luật thông qua những từ ngữ gần gũi
với đời thường nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, có sức lan tỏa trong nhân dân.
Văn thơ của Cụ nổi tiếng khắp vùng nhưng Tú Xương không có duyên với thi cử, “
học tài thi phận”, tám lần đi thi chỉ một lần đỗ Tú tài. Phải chăng đây là
duyên nợ để Tú Xương trải lòng, sáng tạo nên những bài Đường luật trào phúng “
để Đời”? Trộm nghĩ, nếu Cụ đỗ Đại khoa, chắc gì có được thi sĩ Tú Xương với
những bài thơ trào phúng nổi tiếng để lại cho hậu thế?
Về
ngôn ngữ, thơ Tú Xương có những từ ngữ sáng tạo độc đáo riêng có của Nhà thơ
không lẫn vào đâu được, tạo nên thương hiệu Thơ Tú Xương. Trong bài thơ Đêm
buồn có 2 câu thơ độc đáo, được nhiều người đọc các thế hệ tâm đắc:
“Đêm
nảo, đêm nao tớ cũng buồn”
“Nhạt phèo quang cảnh bóng
trăng suông”.
Câu
mở đề bài thơ Đi thi: “Tấp tểnh người đi tớ cũng đi” hay
câu: “Ông lão nhà quê tang tảng dậy” (Bài Mưa
tháng bảy)... có những từ láy đầy dụng ý tạo nên điểm nhấn của
câu thơ. Một số bài thơ Tú Xương sử dụng nghệ thuật tu từ tạo
nên sự khác lạ làm tăng khả năng hấp dẫn của câu thơ: Bài thơ Cảm
Tết có câu “Thôi thế thì thôi đành Tết khác”, hoặc
câu kết bài Gái buôn “Chẳng biết rằng dơ dáng dạng hình”...
Đọc
thơ Tú Xương tôi rất thích hai câu đề của bài Than cùng:
“Lúc túng toan lên bán cả Trời/ Trời cười:- Thằng
bé nó hay chơi”.
Đây thực sự là câu thơ trào phúng đặc sắc riêng có của Tú Xương. Đọc
câu thơ đầu ta liên tưởng đến các câu ngạn ngữ như: “Đói ăn vụng, túng làm
liều”, “Bán Trời không văn tự” khi nói về người nào đó túng bấn, làm liều, nói
năng khoa trương, không thể tin được. “Toan lên” tức là định lên,
chưa lên. Khi đã túng bấn, thiếu tiền thì luôn tính toán, cái gì cũng bán miễn
là có tiền, đi đâu cũng đi, kể cả “lên Trời” để thỏa cơn khát tiền? Câu sau vừa
trữ tình, vừa trào phúng: “Trời cười:- Thằng bé nó hay chơi”. Đã là
trẻ con thì ai thèm chấp? Chắc trước khi nói “Trời” vừa lắc
đầu, vừa cười đầy thông cảm. Và người đọc không thể nhịn cười khi “nghe” câu
hài hước của Trời.
Còn
nhiều, rất nhiều những câu thơ hay, những từ ngữ lạ đầy sáng tạo, ngẫu hứng và
trữ tình trong 170 bài thơ của Tú Xương mà tôi đã đọc. Vì vậy, không phải ngẫu
nhiên bậc Túc Nho danh tiếng như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sau khi đọc thơ cụ Tú
Vị Xuyên đã thốt lên:“Trong các thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú
Xương” (Lời Xuân Diệu). Tôi tâm đắc ý kiến Nhà văn Nguyễn Khôi:“Về
nghệ thuật thơ ca, Tú Xương đã đưa những ngôn ngữ đời thường (dân gian) vùng
quê Nam Định - rộng ra là vùng đồng bằng sông Hồng...vào văn chương bác học
(thơ Đường luật) tạo nên một giọng điệu thơ riêng,với hình tượng thơ rất
sống động thành "thương hiệu thơ Tú Xương "bất hủ cùng non sông Tổ
Quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta”.
Ngày
29 tháng 01 năm 2017 kỷ niệm 110 năm Thi sĩ Tú Xương từ trần. Bài viết như một
“nén hương tâm” tưởng niệm Nhà thơ Trần Tế Xương- Niềm tự hào của
quê hương Nam Định với Non Côi- Sông Vị mến yêu!
Hà Nội, cuối Thu 2016
Ts. Nguyễn Đình Nguộc
Đường phố tại Sài Gòn, Nam Định và nhiều thành phố khác ở nước ta đã được vinh danh mang tên Nhà thơ.
“Nhạt phèo quang cảnh bóng trăng suông”.
“Lúc túng toan lên bán cả Trời/ Trời cười:- Thằng bé nó hay chơi”.
Đây thực sự là câu thơ trào phúng đặc sắc riêng có của Tú Xương. Đọc câu thơ đầu ta liên tưởng đến các câu ngạn ngữ như: “Đói ăn vụng, túng làm liều”, “Bán Trời không văn tự” khi nói về người nào đó túng bấn, làm liều, nói năng khoa trương, không thể tin được. “Toan lên” tức là định lên, chưa lên. Khi đã túng bấn, thiếu tiền thì luôn tính toán, cái gì cũng bán miễn là có tiền, đi đâu cũng đi, kể cả “lên Trời” để thỏa cơn khát tiền? Câu sau vừa trữ tình, vừa trào phúng: “Trời cười:- Thằng bé nó hay chơi”. Đã là trẻ con thì ai thèm chấp? Chắc trước khi nói “Trời” vừa lắc đầu, vừa cười đầy thông cảm. Và người đọc không thể nhịn cười khi “nghe” câu hài hước của Trời.
Ts. Nguyễn Đình Nguộc