Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 8, 2012

QUÊ MÌNH – Lê Đăng Mành

Quý tặng thi huynh:
Ng Thanh Xuân, Trần Tư Ngoan, Lê Sĩ Thu,
Lê Ngọc Quốc, Trần Văn Hạng, Lê sĩ Hải,
Ng Bá Văn, Ng Đức Thú, Ng Đức Vinh, Ng Văn Tin
và bè bạn tha hương



Sáng lên mưa dữ dội
Cứa đứt bình minh rồi
Co ro đường ngõ vắng
Hun hút vài nón tơi.

Thinh không thu gió lộng
Ném nước bạc xuống đồng
Thương quê mình Quảng Trị
Cưỡi mãi sóng long đong.

HẠ, ngọn Lào rang hừng hực
THU, bịn rịn hoài bão giông
ĐÔNG, rét chà cứng môi cười
XUÂN, trừng nhìn phía tỉnh thức…

Bởi quê sống chuẩn mực
Dẫu dậy cùng sắn khoai
Hạnh phúc còn thao thức
Thương mình buổi giêng hai!*

Tình em đong rạo rực
Nếp hạnh đức trong veo
Tinh khôi trú lồng ngực
Nên **Quảng Trị quê nghèo.

                     Lê Đăng Mành
           Chờ bão số 7 (07/10/2012)
                         Nhâm Thìn

*Tục ngữ miền Sông Ô Lâu-Quảng Trị: Giêng hai cắn ngón tay không ra máu.
**Làm nên.
READ MORE - QUÊ MÌNH – Lê Đăng Mành

Châu Thạch - HÃY GIEO HOA, EM ƠI!

                                                                  (Tặng hai người)




                                  Thu Mỹ quốc, đêm tâm hồn se lạnh
                                  Hà Nội em, xa vắng sáu mươi năm
                                  Bao mùa thu, hai thế giới xa xăm
                                  Đời chia cách mà tơ vương không cách.

                                  Có hẹn không ngày ta quay trở lại
                                  Mắt và môi sẽ lẩy bẩy nhìn nhau
                                  Hồn vẫn trong như tự thuở ban đầu
                                  Lòng vẫn ướp bài thơ tình mực tím.

                                  Có hẹn không qua bao mùa chết lịm
                                  Rừng vẫn còn quay lại cánh thiên di
                                  Thu lại về trăng sẽ hết sầu bi
                                  Suối lại chảy bên nai vàng ngơ ngác.

                                  Ta và em đã mùa thu tóc bạc
                                  Mùa đông sắp về và tết sẽ thiên thu
                                  Hoa mùa xuân nay vẫn thấy mịt mù
                                  Hãy gieo giống em ơi! đừng để muộn.

                                                                     Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com


READ MORE - Châu Thạch - HÃY GIEO HOA, EM ƠI!

Trạch An-Trần Hữu Hội - THƯƠNG NHỚ LÊ QUANG TRUNG

Lê Quang Trung- Lê Ưu Điềm

                                                                                         

                                             

Lê Ưu Điềm tên thật là Lê Quang Trung
Sinh ngày:   21 tháng 8 năm 1960                                                      
Mất ngày:   17 tháng 10 năm 2011                                                      
Quê quán: Phong Điền ,Thừa Thiên (Huế)                                                                         

sống và lớn lên tại Q.Trị, là học sinh Nguyễn Hoàng khóa 1972

Nghề nghiệp: Bác sĩ, Bệnh Viện Chợ Rẫy -TP. H CM                                                                  

Bắt đầu sáng tác nhạc năm 1978 với bút danh LÊ ƯU ĐIỀM                                                        

Hội viên hội âm nhạc TP. HCM năm 1994                                                       
Tuyển tập nhạc:
"Tuyển tập ca khúc Lê Ưu Điềm”  (với 50 nhạc phẩm đặc sắc. NXB Âm nhạc Việt Nam Xưa và Nay)                                              CD cùng tên gồm 11 ca khúc tuyển  chọn.              
Và nhiều chương trình tác giả tự trình bày trên kênh truyền hình HTV9 , VTV 3…                                                                                  
                                                
                                     


                                                                
              
THƯƠNG TIẾC

Trung ơi, ngày Trung ra đi, anh còn đang dưỡng bệnh sau ca phẫu thuật khắc nghiệt ! Chị Luyến vào SG tiễn đưa em.

Anh ngồi vào máy, đặt đỉa nhạc của em tặng, vừa nghe vừa viết cho em mấy vần thơ, gọi tên em trong bồi hồi tiếc nhớ, như một nén nhang thắp cho em, dù xa xôi nhưng anh tin Trung vẩn thấy được những tình cảm chân tình của anh.
                                               
       Trung ơi, sao vội…
Lặng lẽ lìa xa chốn dương trần,
Êm đềm buông khúc nhạc trầm luân.
      
Quên nẻo quay về bao lưu luyến,
U uất mây chiều dòng nhạc khơi,
Ai mang thương nhớ “…sầu riêng” đó,
Ngõ vắng đêm về bước “…vờ say”,
Gót chân gõ nhịp buồn “…quên hát!”

Tha thiết mơ hoài “…một cánh chim…”
Ru ai nốt nhạc sầu trên phím ?
U uẩn ngồi  “nghe đá tự tình”
Ngỡ ngàng buông khúc cung đàn lở ,
Gạt nỗi buồn thương, bước một mình!
  
                       Quảng Thuận, tháng X -  2011

 *Những chữ trong ngoặc kép là từ trong nhạc  hoặc tên bản nhạc, chữ đầu dòng là tên của TRUNG.

 Hai ngày nữa là ngày giỗ đầu của Trung, anh lại ngồi ôn những kỷ niệm xa gần mà  chúng ta từng có với nhau, những tháng ngày mà nay đã chôn sâu: “…còn đâu ngày tháng ngọt ngào xa xưa, còn đâu sớm chiều vỗ về thương yêu, còn đâu kỷ niệm một lần trau chuốt, thôi đành cúi đầu  nghe bao tương tư xé buốt… Xin một lời trăn trối…từ đây đã chôn sâu!" (Buồn dâng cao nguyên)

 Hình bìa tuyển tập nhạc của  Lê Ưu Điềm
                                            
                                              
                                         

                                                                       *

KỶ NIỆM

        Không ruột thịt gì, chúng tôi quen nhau từ những ngày Trung còn học trung học. Chú học trò trắng trẻo, đẹp  trai và hiền ấy, thường đến nhà tôi ngồi chơi chung với các ban bè tôi, phần nhiều lớn hơn Trung vài tuổi…Là: Do, Hoan (nay là Họa Sĩ Phạm Hoan), Truyền, Vui , Kim Anh, Phương…Đám bạn này của tôi, ai cũng chơi guitar rất khá, từ nhạc classic, flamenco, đến những bản nhạc Việt Nam soạn lại cho guitar…

        Trung ngồi nghe và ít nói, thỉnh thoảng cũng hát một bài nào đó trong nhóm nhạc tiền chiến, Từ công Phụng, TCS…

        Một buổi chiều Trung đến nhà tôi một mình, tôi nhớ đâu như năm ấy Trung mới học lớp 11. Cuộn tròn trong tay tờ giấy học trò trắng muốt, không có ai,Trung mở tờ giấy ra, đây là một bản nhạc mà Trung vừa sáng tác, bản nhạc đầu tay của Trung. Không chọn ai lại chọn nhằm tôi mà “trình làng”! Tôi chơi đàn tồi, nhạc lý lại càng kém, hát thì cũng chỉ tàm tạm (!) thế nhưng Trung lại tìm tôi để hát cho nghe “quả chín đầu mùa”! Trung đã hát thật say sưa! Rồi chúng tôi chuyện trò về nhạc đến hết chiều hôm đó.

      Tên bản nhạc, lời bản nhạc… tất cả không còn nhớ gì vì lâu quá rồi, chỉ còn lại cái cảm giác ngạc nhiên, pha chút thán phục. Tôi nhớ “air” của bản nhạc thanh thoát, mang chút buồn buồn như nhạc của đôi tình nhân Lê Uyên - Phương nhưng không đắng cay não nề như họ…
                                                       
                                                                       *

       Thời gian trôi nhanh. Tôi lập gia đình. Luyến -vợ tôi- lại là bạn thân của Ánh, chị ruột của Trung. Thời gian này, gia đình Trung ra Cam ranh, sau đó vào Cần Thơ rồi lên Sài gòn. Tết năm đó, hình như  năm 1997, chúng tôi vào Sài gòn dự ngày họp mặt các cựu tu sinh của dòng Thánh Tâm ở Thị nghè. Chiều ngày 4 tết, Ánh đón chúng tôi về nhà chị ở Lạc Long Quân, Tân Bình. Tôi gặp lại Trung vì hai nhà Ánh-Trung chỉ cách nhau một bức ngăn.

        Lâu ngày gặp lại nhau, chiều hôm đó, Trung và tôi đi uống cà phê, nhân tiện tìm thăm đứa cháu gái tôi ! Hai anh em đèo nhau trên chiếc Vespa Super của Trung. Việc tìm kiếm khá gian nan vì mù mờ địa chỉ, nhưng may là chúng tôi vừa tìm vừa chuyện trò hỏi han nhau đủ thứ về bạn bè, về Quãng Thuận…cũng đỡ nản lòng .

        Đêm đó, nhà tôi và Ánh đi chơi, vợ  của Trung cũng về thăm ngoại. Hai chúng tôi trở thành “người trông trẻ”, gồm ba cháu: Bé Biu con Trung, Bé Bê con Ánh và Cu Tri con trai tôi! Bê và Tri cùng tuổi, Biu nhỏ hơn, tôi bày trò tập vẽ cho ba đứa nhỏ, cùng nằm trên nên nhà, một “em” một cuốn vở, một cây bút chì màu, vẻ linh tinh nhưng hình nào cũng được tôi và Trung trố mắt kinh ngạc : “Ôi chao, chưa đi học mà vẽ đẹp thế này thì mai mốt cô hết bài dạy vẽ mất !” Cả ba khoái chí, cứ nằm mọp vẽ tha hồ !

       Trung nhìn tôi: “Mình nhậu chứ anh Hội?”, tôi cười. Bỏ rượu mấy năm nay vì sức khỏe, nhưng giờ mà không uống thì đúng là “phí” cái dịp gặp nhau. “ Ừ, nhậu đi, tết mà! ”.  Trung nhìn lên tủ rượu tết, có bốn chai, một chai nguyên và ba chai lưng nửa. Hai chúng tôi giăng cuội thế nào mà khi Ánh và Luyến về thì đã hết ba chai lưng nữa ấy! Chuẩn bị khui chai mới nhưng bị phe phụ nữ cản lại !!! Cả hai cũng đã ngất ngây…Thời gian này Trung vừa cho thu âm một băng nhạc  của mình (băng Cassette)
                                                                          *
        Bẵng đi khá lâu, năm 2002, Luyến - vợ tôi - bị bệnh. Quang, em ruột của Trung, lúc này là Bác sĩ khoa ngoại của  Bệnh viện Thống Nhất, đề nghị đưa vào bệnh viện Quang đang công tác. Quang và các đồng nghiệp đã rất nhiệt tình, phẫu thuật thành công tốt đẹp.

       Hai ngày trước khi xuất viện. Chiều đó vào khoảng 19 giờ, tôi nghe có  y tá gọi lên phòng trực nghe điện thoại, đầu dây là Trung,: “ Em đây anh Hội, anh nghe em nói nì, anh ra gọi xe ôm, nói cho đến Ủy ban Phường 16 (nay là Phường Tân Quý), có người đón về nhà em chơi. Anh đi liền đi.” Tôi không kịp hỏi hay nói gì ! Sắp đặt cho Luyến  chỗ ngủ và bỏ sẵn sửa, nước uống gần tầm tay…Tôi rời bệnh viện.

       Ánh chờ tôi ngay trước nhà, vào nhà, Trung bắt tay hỏi sơ tình hình của Luyến, khách khứa đến nhiều nên tôi qua chào ba mẹ Trung, hai bác và các em của Ánh đều quý Luyến, xem như  con, như chị…

       Khi đã đủ khách mời, bốn chiếc bàn tròn. Một cho Gia đình, một cho các bác sĩ đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy , một cho các nhạc sĩ  và một bàn nữa cho bạn học cũ của Trung, giờ đang ở Sài gòn. Trung không cho tôi ngồi với các bạn Trung, dù là người đồng hương và quen biết nhau cả, đem tôi đến bàn các nhạc sĩ rồi giới thiệu tôi là: “ Ông anh, phóng viên nhiếp ảnh !” Tôi hơi bối rối vì mình chỉ là thằng thợ chụp hình kiếm cơm, chẳng phóng viên phóng viếc gì cả! Hôm ấy là sinh nhật bé Biu, tôi không nhớ là lần thứ mấy của cháu.

        “Ông anh Phóng viên  nhiếp ảnh”  chụp hình dạo …cố đóng trọn vai trò, nhưng khốn nổi Trung không báo là sinh nhật cháu, cái máy ảnh có mang vào nhưng lại để ở bệnh viện! Đến khi các bằng hữu cho quà mừng…Tôi bối rối lắm! Trung đặt tay lên vai tôi bóp nhẹ: “Em không báo là vì sợ anh bày vẽ quà cáp linh tinh, cứ ngồi yên mà uống đi cho vui…”

         Mở đầu, một nhạc sĩ khá lớn tuổi, độc tấu bản La Cumpasita bằng chiếc Mandoline cũ kỷ, ngón đàn thật tuyệt, tròn trịa dồn dập, điệu tango làm phấn chấn thêm cho cuộc vui, chút men bia làm cho chúng tôi hòa vào nhau, sự cởi mỡ đến thật nhanh… các nhạc sĩ đàn, hát cùng các bác sĩ và bạn bè… không ai ngại ngần gì !

        Sau khi xong tiệc ở nhà Trung, bạn của Trung gồm: Văn, Cách, Bình và Hòe còn rủ tôi đi, nói là uống cà phê, nhưng lại thêm bia, làm tôi chếnh choáng ! Về đến bệnh viện  đã hai giờ sáng !

                                                                          *
 NGHIỆT NGÃ BỆNH TÌNH
                       
       Tin Trung bị bệnh làm choáng váng nhiều người. Cả gia đình , bạn bè của Trung…không ai ngờ ! Tôi cứ ngớ ra khi nghe tin. Chị Hoa, vợ của anh Tính, chủ quán cà phê mà lần nào ra Quãng Thuận Trung cũng thường ngồi cùng bạn hữu, báo cho tôi biết. Chính chị gặp Trung năm ngày trước, Trung còn khỏe mạnh, vào khoa  tai mũi họng lục bệnh án của chị Hoa xem và trấn an chị “Không sao chị Hoa, mới giai đoạn một, hóa trị vài lần là ổn mà !” (Chị Hoa bị ung thư vòm họng). Vậy mà chỉ mấy ngày sau lại phát hiện bệnh của Trung !

        Năm sau, Chị Hoa khỏi bệnh, nhưng anh Tính chồng chị lại mất vì bệnh gan ! Trung vẫn khá lạc quan và tin tưởng vào sự đều trị tích cực…Thời gian này, Trung dành nhiều cho bạn bè, âm nhạc và cả điêu khắc…Những lần họp lớp hoặc có dịp là Trung ra cùng bạn bè.

         Một tối, chúng tôi chuẩn bị đi ngủ, Ánh điện thoại nói: “Trung ra chơi ngoài đó.” Tôi mừng vì từ ngày Trung bị bệnh, tôi chưa có dịp gặp. Sáng ra, tôi  chuẩn bị cà phê rồi nói Luyến qua nhà Tôn, bạn của Trung, tìm Trung.  Luyến không thấy về, lát sau Trung gọi : “Anh xuống đây uống cà phê luôn đi, có mấy đứa bạn em nữa, chị Luyến cũng đang ngồi đây.”

         Tôi đến quán, bạn của Trung hình như đều có mặt. Vẫn cười tươi lạc quan…Nhìn dáng vóc khỏe mạnh, tinh thần lạc quan của Trung, vợ chồng tôi rất mừng và hy vọng…Trung đưa cho tôi tập nhạc và một CD:“Quà anh đây ”. Chúng tôi ngồi  với nhau gần hết sáng hôm đó, Trung bảo sẽ ra Cam ranh chơi…

        Đó là lần gặp cuối cùng của Trung và tôi.

        “Chao ôi hư ảo, kiếp người mong manh!” 

                       Quãng Thuận, 04 tháng 10, 2012.

Trạch An – Trần Hữu Hội                                                                              
                                 

READ MORE - Trạch An-Trần Hữu Hội - THƯƠNG NHỚ LÊ QUANG TRUNG

ĐÊM MƯA SÀI GÒN - Trương Nguyễn


Bóng ai về
Tất tả giữa đêm mưa
Nơi phố thị
Trời hồng xanh đỏ tím
Thế nhân buồn nụ cười nào tắt lịm
Đêm độc hành từng nhịp gõ bâng khuâng ?



Cúi mặt
Đối diện
Mưa trầm
Loang loáng đèn đêm
Bóng người loạn xạ
Thế giới người chỉ mình ta xa lạ
Mong manh heo hút một kiếp người



Mưa sài gòn
Đêm bổng chơi vơi
Từng điếu thuốc
Thắp lên
Không cháy được
Tiếng động cơ rập rình xuôi ngược
Ta đứng trên hố thẳm chân mình



Biết về đâu
Trái đất rộng thênh
Chân rón rén
Người lữ hành đơn lẻ
Trong thinh không từng tiếng rên rất khẽ
Nghe xôn xao sỏi đá gọi tên mình.



TRƯƠNG NGUYỄN
truonguyen49@gmail.com

READ MORE - ĐÊM MƯA SÀI GÒN - Trương Nguyễn

CHUYỆN DỄ BỎ QUÊN (Kỳ 3) - Nguyễn Thanh Xuân


Tác giả (phải) về thăm quê Hưng Nhơn ghé thăm bác Lê Đăng Mành ở Văn Quỹ
    
Tôi đến dự cuộc gặp mặt đồng hương Quảng Trị với một tâm trạng vô cùng phấn khởi, vinh dự, tự  hào và sướng. Cầm mảnh bìa bằng hai ngón tay, vỏn vẹn hai chữ TỔ ẤM mà Ban Tổ chức trao, chúng tôi chạy (không phải đi) đến phòng họp.

Không khí cuộc họp đồng hương trang nghiêm. Hình như khai mạc lâu rồi. Tôi chỉ kịp nghe ý kiến nhà thơ Chế Lan Viên, đại ý: chúng ta có mặt với nhau tại đây, hôm nay là do đất nước bị chia cắt. Đất nước bị chia cắt thì cả nước đau, nhưng đau nhất là người Quảng Trị, bởi nhát dao chém xuống thân thể Quảng Trị làm cho tỉnh bị chia cắt, huyện bị chia cắt, xã bị chia cắt thậm chí có gia đình bị chia cắt và trong lòng mỗi chúng ta cũng đang nhói nỗi chia cắt. (Giọng anh trũng xuống, phòng họp như lạnh hơn không một tiếng động). Thời hạn hiệp thương Tổng tuyển cử đã hết. Tất cả phía trước chúng ta tin tưởng vào Trung Ương (nhà thơ đưa mắt nhìn về đ/c Lê Duẩn). Về phần chúng ta là quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí được giao một cách tốt nhất (vổ tay).

    Không nhận được tin báo nên làng ta không có ai đi. Tôi và mấy bạn (người làng khác) cùng đi tìm người nhà nhưng không thấy. Ở cuối góc sân, có tiếng ồn ào, nhiều người hỏi, một anh huơ tay lên: Thưa bà con tui mới vượt tuyến ra, ở không nổi với bọn chúng, tui chưa nói cụ thể được, không ở được phải ra thôi mà vượt ra được cũng thiệt khó. Tui ra đây rồi gia đình tui ở trong chắc cũng bị khổ lây.

     Rời phòng họp về trường, tối hôm đó, anh chị em Quảng Trị (có mấy bạn không đi được) chụm nhau trao đổi. Chúng tôi kể vắn tắt nội dung cuộc gặp mặt và mấy hình ảnh được thấy được nghe rồi nói nhỏ cho nhau rằng: ta đang được học là nhất, nhiều người mơ cũng không được. Học và phải học cho giỏi như nhà thơ Chế nói. Nghề của ta bây giờ là nghề học, chỉ học giỏi mới mau thống nhất. Có bạn bảo: đừng có nhớ nhà nữa, nhớ cũng không mần chi được mà thêm buồn.

    Ngoài những người đang ở Hà nội, còn những người khác không biết ở nơi nào. Tôi cũng không biết cả người anh em tôi là vợ chồng Nguyễn Như Dương, Nguyễn Như Thương (anh em chú bác). Thế rồi rất tình cờ nghe Thương đang đóng quân ở Diễn Châu. Nhân ngày hè, tôi tìm gặp được Thương, 24 tuổi mà trông rắn rỏi khác xa ngày ở nhà ra đi. Thời khóa biểu bộ đội như cái máy đồng hồ (giờ nào ăn sáng giờ nào xỉa răng…). Nghĩ mình là học sinh ở trường quá nhẹ nhàng thoải mái. Thương cho biết địa chỉ của vợ chồng Nguyễn Như Dương nhưng mãi đến hè năm sau mới gặp nhau được.

    Ở Diễn Châu, trèo lên đền An Dương Vương, nơi yên nghỉ cuối cùng của chủ nhân nỏ thần Cổ Loa, thấm thía bài học tình đời, tình yêu…

   Trở về trường: Học và học, chủ nhật đi thăm người Làng. Đó là tất cả.
  
    Hè đến, rồi Tết đến. Tôi nhớ một tối 29 Tết. Hiệu trưởng tổng kết học kỳ và chúc tết đến 22 giờ  mới bế mạc. (Tết chỉ được nghỉ ngày 30, mồng một và mồng hai). Mươi phút sau các ngọn đuốc của học sinh từ các lớp rực sáng soi đường để các bạn về nhà. Chúng tôi đứa nào cũng tựa cửa nhìn theo và mắt thì đỏ hoe.

   Trường rộng 27 ha, trên 2.000 học sinh mà bây giờ chỉ còn mấy học sinh miền Nam và một số CBCNV của trường. Không gian lạnh, trời lạnh, người lạnh cái nhớ nhà  mò tới tự lúc nào. Lại nhớ mần được chi! Đem sách ra học, chưa được mấy dòng đã rơi xuồng; đi làm cỏ mấy luống rau, nhưng cầm cuốc lên lại thả xuống.

    Ở Hà nội đông vui, nơi sướng nhất mình còn lẩn thẩn rồi tự mắng mình đã được voi còn đòi tiên.

    Loay hoay thế mà chiều mồng hai đã đến. Không khí học đường sôi nổi trở lại. Một cái tết đã qua!

    Nhìn điểm học kỳ như khích lệ như ấm lòng!

    Đến bây giờ mới thấy, hồi đó sao mà sao nhãng vậy. Tôi và hai anh em Nguyễn Đức Khanh, Nguyễn Đưc Năng học ở hai trường chỉ cách nhau chưa đầy 3km. Đang học thì đến luôn thế mà khỉ ra trường lại không tin cho nhau đến công tác nơi nào, vì thế mất liên lạc từ 1960 cho đến sau này .
 
   Với tôi, ông Nguyễn Ngôn, người Hà lỗ, là Trưởng đoàn xã Hải Phong đi tập kết, khi rời xã cũng rộn ràng khí thế, cũng phát biểu hứa hẹn với Đảng ủy với quê hương lời lẽ hùng hồn cảm động. Bịn rịn lên đường, người đi đầu cầm lá cờ mầu xanh, cờ hòa binh (qui định trong hiệp định) dàn thành hai hàng tiến lên đường quốc lộ I. Ra đến xã Nam Bình, Nam Đàn, Nghệ an cùng dự chỉnh huấn. Sau chỉnh huấn, không có gặp nhau trước khi mỗi người đi một ngã. Từ đó về sau không có mối liên hệ nào. Thiển nghĩ Đoàn xã Hải Phong hết trách nhiệm từ hôm đó chăng? Có lẽ vậy, năm 2002, xã Hải Hòa (nửa xã Hải Phong) đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, không thấy ông Ngôn về và hình như ông cũng không báo cáo gì về đoàn người ra Bắc cho xã nên trong báo cáo của xã cũng không thấy dòng nào.

     Bỏ quên, à quên!  

Nguyễn Thanh Xuân
Hà Nội
READ MORE - CHUYỆN DỄ BỎ QUÊN (Kỳ 3) - Nguyễn Thanh Xuân

BẾN ĐỢI - Lê Cảnh Tiến


Bến vắng chiều hoang đứng thẫn thờ
Thả hồn theo với những vần thơ
Thuyền trôi nhè nhẹ vờn theo gió
Sóng vỗ xôn xao hắt nắng mờ
Khói cuộn vương dài trên lối củ
Mây bay giăng mắc trắng ven bờ
Chân trời nhuộm vết loang màu tím
Như mắt em buồn buổi mộng mơ


                                     25/9/2012
                                                                                  Lê Cảnh Tiến
letien3010@gmail.com
READ MORE - BẾN ĐỢI - Lê Cảnh Tiến

NGÀY THÁNG Ở QUẢNG TRỊ - Huy Uyên

Một đường phố Quảng Trị xưa


Kể từ thuở em làm con chim nhỏ
chiều Diên Sanh mỏi đôi cánh chim bay
ôi phố chợ nghèo bỗng không mà có
bóng ai đi mà biền biệt tháng ngày .

Em lên xe về căn cứ Đông Hà
để một mình tôi ngậm ngùi ở lại
nơi đó có bàn tay ai đưa vẩy
riêng tôi còn ôm kỷ niệm trôi qua .

Em con sáo của đời ai đã bay
đường Trần Cao Vân mắt buồn gió núi
để từ đó tôi đi về thui thủi
để từ đó đêm về tôi mãi say .

Đường Quảng Trị vài ngọn đèn tắt đỏ
khúc quanh co mấy nhịp đường trần
để tôi buồn mà đứng giữa ngã năm
mắt rưng lệ nhìn bóng  mình chao gió .

Mấy mươi năm ôm theo hoài nỗi nhớ
quạnh quẽ xưa bàng bạc cả hiên chiều
em đi rồi tôi mãi cuộc liêu xiêu
treo tim lên những cột đèn đúng đợi .

Nơi rất xa em nào có nhớ tới
thuở Hải Lăng còn phố xá buồn hiu
nhớ người xưa biết buồn mà không nói
nhớ ai đi mà thương nhớ sớm chiều .


Huy Uyên
lesinh.lesinh@yahoo.com
READ MORE - NGÀY THÁNG Ở QUẢNG TRỊ - Huy Uyên

CHUYỆN VUI: “ ĐI THƠM- VỀ THÚI” và bài thơ của Nguyễn Hồng Trân


Bài thơ từ một chuyện vui có thật:

MỘT CHUYẾN DU CHƠI

Nguyễn Hồng Trân

Một chuyến du chơi giật cả mình
Xiêu hồn khiếp vía loạn thần kinh
Tàu bay nhào lộn quay từ tốn
Bảo Đại ngã nghiêng lái tự tin
Chị Thiếu xâm xoàng nôn tháo dạ
Em Dư chóng mặt ọe ra mình
Khi về hạ cánh vua cười nói:
“Cuộc ngoạn mê say thật hạnh vinh!”

   
Bài thơ Đường này xuất phát từ câu chuyện thực tế: “Đi thơm- về thúi”  ở Huế ngày xưa mà đến nay người ta vẫn còn nhắc đến và kể cho nhau nghe cho vui. Đó là chuyện về hai cô nữ sinh trường Đồng Khánh – Huế học giỏi, có năng khiếu văn thơ và đã thi đoạt giải cao. Vua Bảo Đại biết tin và khuyến khích ban thưởng cho mỗi cô một chiếc bút Paker kèm một quyển sổ tay, đồng thời mời cho đi du ngoạn trên không gian kinh thành Huế bằng máy bay thể thao chuyên dụng của nhà vua.

Khi nhận được giấy mời vào mùa hè năm 1938, hai cô nữ sinh Hoàng Thị Bích Dư (người quê ở Quảng Trị) và Nguyễn Thị Thiếu Anh (người Hà Tĩnh) rất hân hoan sung sướng vì vinh dự được nhà vua ưu ái ban thưởng cho chuyến du ngoạn hàng không đặc biệt này. Trước khi đến sân bay Tây Lộc - Huế để chuẩn bị cho cuộc hành trình này, cả hai cô mặc y phục và trang điểm rất đẹp đẽ và xịt nước hoa thơm lừng. Bà con, bạn bè, cô thầy giáo cũng đến tận sân bay để chứng kiện một sự kiện nhỏ có ý nghĩa này.

Chiếc tàu bay đã đậu sẵn ở sân bay. Một lát sau có chiếc xe con bóng loáng đưa nhà vua đến. Người lại xe mở cửa mời vua Bảo Đại ra xe. Mọi người đứng xung quang vỗ tay chào nhà vua. Vua Bảo Đại vẫy tay chào mọi người và gọi hai cô Bích Dư và Thiếu Anh đến. Hai cô cúi đầu chào nhà vua rồi lên máy bay. Mọi người vui tươi chào tiễn vua và hai cô. Vua Bảo Đại cười vui cũng vẫy tay chào rồi ngài vào buồng lái đóng cửa lại. Máy bay khởi động chạy nhanh dần trên đường băng và cất cánh lên cao rồi liệng quanh trên bầu trời Kinh thành Huế. Hai cô sung sướng vui cười nhìn quang cảnh toàn thành phố và cả những vùng ngoại ô thật rõ ràng tuyệt đẹp… Dòng sông Hương mơ mộng hiền hòa uốn mình lững lờ trôi về biển Thuận An. Núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, các chùa chiền, lăng tẩm cứ hiện dần ra trước mắt hết danh lam này đến thắng cảnh khác như những bức tranh khổng lồ kỳ diệu. Hai cô cứ xuýt xoa, thích thú chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thiên nhiên và nhân tạo ở Cố đô Huế một cách say mê nồng nhiệt cả tâm hồn. Một hồi lâu sau nhiều vòng bay lượn trên không ngắm cảnh mặt đất, nhà vua chuyển sang mục trổ tài thể thao cho dân chúng biết. Vua bảo hai cô chằng giây an toàn qua thân để vua đổi sang kiểu bay lượn khác. Thế là vua Bảo Đại bắt đầu lái máy bay về phía Nam đến núi Ngự Bình thì nhào lộn quay máy bay về phía Bắc kinh thành bay đến An Hòa và cũng cho máy bay lộn nhào rồi quay về phía Nam đến núi Ngự Bình. Cứ như thế, nhà vua cho máy bay nhào lộn mới vài lần thì hai cô đã kêu lên vì chóng mặt bị say máy bay nên đã nôn tháo ra cả quần áo và bốc mùi chua thối ra trong khoang ngồi. Nhà vua thấy thế cũng lo cho hai cô liễu yếu đào tơ nữ sinh Đồng Khánh bị ngất xỉu, nên ngài  cho máy bay liệng chậm dần rồi hạ cánh xuống sân bay. Nhà vua mở cửa dẫn hai cô xuống máy bay ra ngoài. Hai cô lúc này mặt mũi tái xanh như bệnh nhân đang ốm. Hai cô cảm thấy xấu hổ nhưng vẫn cố gượng mỉm cười với nhà vua và cúi đầu đa tạ ngài rồi kính chào nhà vua để ra về.

Lúc đó người quản máy bay cười và nói:

“Hai cô đi thì thơm mà về thì thúi”. Chắc cũng vì nhà vua muốn lưu niệm một tình huống đặc biệt của thể thao cho các cô thấy và thử sức các cô…

Ghi chú: Câu chuyện này do nhà thơ Bích Hoàng (tức Hoàng Thị Bích Dư -cựu nữ sinh trường Đồng Khánh-Huế) kể lại cho tôi nghe trực tiếp vào đầu năm 2012 tại nhà riêng của cô ở 170 phố Cầu Giấy, Hà Nội.


-(1) Chị  Thiếu- tức Nguyễn thị Thiếu Anh.

-(2) Em Dư – tức Hoàng Thị Bích Dư.

                                          Tháng 9 - 2012
Nguyễn Hồng Trân
(Đại học Huế)

READ MORE - CHUYỆN VUI: “ ĐI THƠM- VỀ THÚI” và bài thơ của Nguyễn Hồng Trân

THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH và TRẦN VĂN HẠNG

Ảnh của Nguyễn Như Khoa

CHIỀU TRÊN SÔNG
Lê Đăng Mành


Chiều tung lưới bủa về tây
Chuồn kim khâu dỡ lá lay ven bờ
Phù sa lạ bến ngẩn ngơ
Bóng ngày tan giữa đôi bờ tàn phai...



Chiều Hải Tân

Họa:
CHIỀU BUỒN
Trần Văn Hạng

Sợi vàng ai chuyển trời tây
Cho hồn xao xuyến mộng lay đôi bờ
Nhớ người ra ngẩn vào ngơ
Chiều tan giọt nắng bến bờ phôi phai!



READ MORE - THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH và TRẦN VĂN HẠNG