Trích từ tác phẩm ĐI TÌM NHÀNH HOA THẠCH THẢO, tác giả Lê Duy Đoàn, NXB Thanh Niên, 2014, tác gỉả gởi tặng.
Trong đời
chúng ta, có những chuyện nhỏ nhưng bài học rút ra từ đó đôi khi ảnh hưởng
nhiều đến nhân cách chúng ta, nhất là những chuyện đó do những người thân của
chúng ta đã làm hay đã nói với chúng ta.
1. Chơi như rứa là ác
Lúc còn bé, tôi là đứa bé nhác học ham chơi. Người ta hay
nói là cần cù bù thông minh còn tôi thì ngược lại, chỉ có chút ít thông minh để
bù vô chỗ nhác học. Đôi khi tôi đi qua nhà người bạn cùng lớp cạnh nhà chơi, về
nhà bị ba tôi la “sao không lo học bài ngày mai”, tôi trả lời ”dạ con học rồi”.
Ba tôi không tin hỏi là “học khi mô mà ba không thấy.” Tôi đem sách vở ra cho
ba tôi kiểm tra bài thì tôi đọc vanh vách bài ngày mai. Ba tôi ngạc nhiên
“thằng ni học khi mô mà mình không thấy hắn học chi cả”. Ba tôi đâu có biết, ngồi
chơi nghe người bạn học bài lớn tiếng, tôi nghe qua vài lần là thuộc ngay, khỏi
mất công ngồi học.
Nói cái chuyện ham chơi của tôi thì dài dòng lắm. Con nít
trai gái trong xóm chơi trò chi thì tôi cũng chơi với chúng trò ấy. Chơi sa đà.
Một khu vườn rộng sau nhà ông Tư nhiều cây cối im mát là nơi tôi sử dụng không
biết cơ man nào là vũ khí tự chế bằng gỗ, tầm vông: kiếm, đao, trường côn, côn
nhị khúc, cung tên, phi tiêu, ná thun, … những cây mít cây nhãn, những bụi
chuối sứ là những đối thủ cứ đứng yên cho tôi tha hồ quần thảo như một võ sĩ
thứ thiệt. Đôi khi tôi bị sưng mắt, sưng mũi vì vũ khí trở quẻ gõ vào đầu mình.
Những khoảng sân đất rộng rãi của nhà bác Phượng, mệ Ký, sân chùa là nơi chúng
tôi chơi bi, căn cù, ù mọi, nhảy dây, bắt tường, đánh xu, đánh đáo, tạt lon,
chơi con quay. Dọc đường quốc lộ có nhiều khu vườn rộng với những hàng chè tàu
là nơi chúng tôi chơi trò trốn tìm vào buổi tối. Lạ một điều là tôi chun vô
trốn chỗ nào cũng có một hai đứa con gái chun vô theo. Cho đến bây giờ tôi vẫn
nhớ hương tóc của mấy cô nàng trốn chung một chỗ thời nhỏ dại. Bây giờ kể lại
chuyện xưa, mấy mệ ấy nói “dị òm, hồi đó người ta ngây thơ, răng mà “ấy” ranh
mương rứa hè?!” Chun vô theo mà nói người ta ranh mương, lạ thật. Có khi cả bọn
con trai rủ nhau leo lên thành hái keo, thả diều, đánh giặc giả ném đất vào
nhau, đi hái trái phượng dọc đường gần Phú văn lâu, hái đào nhà dì Hai, bẻ dừa
nhà bác Giáp hay bẻ bắp, đào khoai dưới biền.
Một hôm tôi lấy dao gọt một cái lỏi trục chỉ bằng gỗ, cắm vô
lổ trục chỉ một cây đủa tre rồi trau chuốt cho trục chỉ thành một cái bông vụ
(con quay). Tôi kiếm một cái que ngắn, cột chắc vào đầu que một sợi dây dù. Làm
xong tôi ra sân quấn dây vào con quay rồi ném và giật mạnh tạo lực quán tính để
con quay quay đều. Chốc chốc, tôi lại dùng roi dây quất vào con quay vun vút để
con quay không dừng lại mà cứ quay hoài. Tiếng quất roi dây nghe vút vút, tiếng
dây đập xuống đất nghe chát chát.
Bà nội tôi nghe tiếng roi dây quất con quay, vội chạy ra
sân, hốt hoảng nói với tôi: “Cháu vô đây, vô đây.” Tôi thất kinh tưởng có
chuyện chi nghiêm trọng xảy ra. “Cháu dẹp đi, đừng chơi trò đó nữa cháu” “Trò
chơi ni vui, răng cháu không được chơi?” “Chơi như rứa là ác lắm!” “Chơi con
quay mà ác? Chi lạ rứa Mệ?” “Ác lắm cháu ạ, người ta đã bỏ chạy mà mình còn
rượt theo mà đánh trí mạng, tội nghiệp lắm”. Mệ tôi không nhìn thấy đó là một
cái con quay vô tri vô giác mà mệ nhìn ra một con người khốn khổ nào đó đã trốn
chạy mà cứ bị rượt theo đánh đập tàn nhẫn !
2. Ngày mai tôi ăn chi
O Khém, ở ngoài cửa Chánh Tây, thường đi coi bói dạo. Nhiều
người tin ngồi đặt quẻ cho O coi vận hạn. Ba tôi luôn nói với chúng tôi “ Bói
ra ma, quét nhà ra rác” để chỉ ra chuyện bói toán không đáng tin.
Một buổi xế trưa, O Khém ghé nhà, gặp Ba tôi O mời “Anh coi
một quẻ mở hàng, sáng ni ế quá”. “Được, O coi cho tui một quẻ, nếu O nói đúng
thì tui coi tiếp.” O Khém mừng. Ba tôi đặt tiền quẻ xong hỏi O “O nói cho tui
biết, ngày qua tui ăn chi, sáng ni tui ăn chi và ngày mai tui ăn chi” “Anh giỡn
chi ác rứa? Nói lác lác. Anh ăn chi mần răng tui biết!?” “Sáng qua là quá khứ,
sáng ni là hiện tại, sáng mai là tương lai. Gần như rứa mà O không đoán được
thì làm răng tui tin được những chuyện xa hơn?” Nói thì nói vậy nhưng Ba tôi
vẫn biếu O Khém tiền đặt quẻ.
O nói ”Cái anh ni hiện ngụy nờ”.
3. Bị bắt vì xài tiền giả
Lúc sinh tiền, ba tôi lo chuyện cúng kiếng trong họ hàng và
gia đình rất đàng hoàng. Ông luôn chống lại thói mê tín dị đoan. Lần nào cúng ở
nhà tôi, O tôi cũng thường mang vào một bộ đồ giấy vàng mã. Cái mũ, cái dù, cái
rương, mấy bộ áo dài khăn đóng hay áo cổ kiềng, đôi giày hạ kèm theo mấy xấp
giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc (miếng giấy bổi hình vuông có quệt một chút
vàng, chút bạc ở giữa), đôi khi có vòng, có xuyến nữa. Như thế gọi là một bộ đồ
cúng để cho người đã khuất có đủ đồ dùng khỏi thiếu thốn, lạnh lẽo. Tất cả đồ
hàng mã đó đều làm bằng nan tre, phất bồi bằng giấy màu xanh đỏ kèm theo những
hoa văn họa tiết chạm đục trên giấy ánh kim.
Một hôm, O tôi mang bộ đồ vàng mã vào cúng ông nội, ba tôi
giương cây dù giấy lên, đẩy mạnh một cái như giương cây dù thường dùng. Nghe
soạt một cái, những nan tre bên trong xé toạt tấm giấy màu đen bao bên ngoài
chỏng gọng. Cây dù hàng mã biến dạng dúm dó. Thấy vậy, O tôi bật khóc ngon lành
và vùng vằng bỏ về không tham dự lễ kỵ nữa. Ba tôi phải đến nhà xin lỗi xin phải
hết hơi O tôi mới nguôi giận.
Sợ mất lòng chị nên ba tôi xin lỗi nhưng khi ngồi riêng với
chúng tôi, ba tôi nói: “Áo quần may đo, đôi khi còn mặc không vừa người. Bây
giờ còn ai đi giày hạ nữa? Ai đội mũ phớt? Ra mốt mới là mốt cũ xếp xó hay vất
bỏ. Bây giờ người ta dùng vali Samsonite chứ ai dùng cái tráp, cái rương vuông
vức cổ lổ sỉ như thế. Cái dù mới giương lên đã rách nát làm sao mà dùng. Cõi
dương trần thế nào thì cõi âm cũng như vậy. Bây giờ ai dùng tiền xu từ thời
“Minh mạng thông bảo? Tiền giấy đô la cúng cả vạn đô? Ở dương gian mình làm ra
một trăm đô la là chảy máu mắt, có mô cả vạn đô để cúng ông bà? Nhảm nhí rứa mà
người ta vẫn làm, vẫn mê tín? Không khéo, gửi tiền ni đến cho ông bà cha mẹ,
mới cầm đi xài thì họ đã bị cảnh sát nơi đó còng tay vì tội xài tiền giả?”
4. Bia rượu
Buổi chiều khi xong công việc, ba tôi thường ra ngồi trên
cái sập kê trước tủ hàng vải cái quán tạp hóa của mẹ tôi. Ông tìm một chai bia
cao con cọp có hai chuỗi hoa houblon hai bên, lúc đó người ta gọi là “chai bia
trái thơm”, tin rằng chai bia đó là chai bia ngon đặc biệt (mỗi két chỉ có một
chai). Khi nào ông cũng kêu tôi cùng ngồi cưa đôi chai bia với ông. Ly bia thêm
một chút đường dậy bọt trở nên đậm đà hơn. Ba tôi thường nói: “Chỉ nên uống bia
chứ đừng nên uống rượu. Bia uống vừa phải thì tốt chứ uống để say mèm thì đó là
thuốc độc. Không ai nói là “ông say rượu” mà đứa con nít cũng thường hay gọi
ông già say rượu chân nam đá chân xiêu là” thằng say rượu”. Uống bia rượu tiền
của người ta đãi mình mà uống cho cố đến nổi cho chó ăn chè là tham ăn tham
uống đáng khinh, uống bia rượu tiền của mình mà như vậy đã phung phí mà còn hại
sứ khỏe.”
5. Thi ân bất cầu báo
Em gái kế út của tôi đi sinh, chị nó ngồi chờ bên ngoài. Một
bà mẹ có con sinh phòng bên cạnh bắt chuyện. Khi biết em tôi là con Bà Dung, là
dâu ở làng An ninh Hạ, bà ấy cầm tay, chảy nước mắt và nói với em gái tôi: “ Mạ
con là người nhân hậu vô cùng. Gia đình O nợ ơn nợ nghĩa của mạ con không biết
mần răng mà trả cho hết. Hồi trước, O túng quẩn, nhà lại có việc bi đát phải
lấy giấy tờ nhà đi vay nóng lãi cao. Tiền mô mà trả nổi, lãi mẹ đẻ lãi con,
người ta đến xiết nhà, quăng đồ đạc, đuổi cả nhà O ra ngoài đường. Mạ con thấy
tình cảnh của O quá thảm mới bỏ tiền ra trả nợ cho O để lấy lại giấy tờ nhà và
nói là khi mô có tiền trả lại mạ con cũng được. Số tiền lớn lắm chứ có phải ít
ỏi chi mô. Mạ con còn cho tiền O để sắm một gánh đậu hủ và vốn xoay để có sinh
kế nuôi gia đình”.
Hỏi Mẹ tôi O đó là ai, mẹ tôi lãng qua chuyện khác và trả
lời: “ Chuyện xưa lắm rồi, Mạ không nhớ.” Mẹ tôi có trí nhớ tuyệt vời tôi không
sánh kịp làm sao mẹ tôi không nhớ chuyện đó được?
6. Đốt sổ nợ
Năm 1968, nhà chúng tôi ở phường Phú Thạnh là vùng giao
tranh ác liệt. Dọc con đường Thống nhất, hầu hết nhà cửa bị bom đạn phá sập.
May mắn là nhà tôi và cái quán tạp hóa của mẹ tôi chỉ bị nứt tường và vết mảnh
bom đạn trên mái tôn và vách nhà. Mẹ tôi đã qua cơn bạo bệnh và cả nhà an lành
trở về nhà.
Trong việc mua bán, mẹ tôi làm hai cuốn sổ.
Một cuốn sổ ghi nợ, gồm những người mua chịu, mua thiếu tới
tháng trả. Nhiều người cứ nợ hoài vì túng quẩn nhưng mẹ tôi vẫn bán tới cho họ.
Có những người vay tiền với lãi thấp cũng ghi vô sổ đó.
Một cuốn sổ ghi tiền góp ngày. Mỗi ngày người ta góp một số
tiền, đến cuối kỳ góp sáu tháng hay một năm, họ nhận lại tiền góp cọng với tiền
lãi. Một kiểu bỏ ống heo mà có lãi.
Thấy làng xóm tan hoang, mất nhà mất cửa, đời sống bà con
xóm giềng bấp bênh, nhà mình còn như ri là đại phước, mẹ tôi đem sổ nợ ra châm
lửa đốt, chỉ giữ lại sổ góp của bà con mà thôi.
7. Chẳng thà cầm tiền cho
Ba tôi dặn dò chúng tôi: “Các con cố gắng đừng mượn nợ và
tránh cho mượn nợ. Người ta mượn tiền, không trả được hay không muốn trả thì họ
sẽ tránh mặt mình. Đòi nợ thì họ giận họ tránh, không đòi thì mình ấm ức. Tốt
nhất, khi người ta túng hỏi vay nợ mình, mình dư dả thì đem tiền cho người ta,
đừng cho mượn. Bạn bè mượn nợ, thế nào cũng mất bạn.”
Tôi nhiều lần nhẹ dạ thương người mà cho người ta mượn tiền.
Chẳng ai trả lại. Mất bạn luôn.
Có một người bạn chí thân, năm 1974 đến nhà than với tôi là
người đẹp của anh ấy lỡ có bầu rồi, bây giờ phải tổ chức cưới gấp. Lúc đó anh
ấy nghèo nên năn nỉ tôi cho mượn 5 chỉ vàng để sắm sanh lễ vật. Vợ tôi là người
tốt bụng, nghe tôi kể hoàn cảnh của bạn thì vui vẻ mở tủ lấy ra cho mượn ngay.
Lúc vợ khai hoa nở nhụy, anh ấy lại đến mượn 2000 đồng để lo chi phí sinh nở
(thời điểm đó 2000 đồng khá lớn). Chúng tôi cho mượn tiền và cho mượn luôn
chiếc xe Honda dame để đi lại.
Bây giờ, anh ấy giàu có. Có nhà cửa khang trang, có vườn
rộng hơn ngàn mét vuông ở mặt tiền con đường đẹp thành phố, có xe hơi, chơi cây
cảnh đầy vườn, mỗi cây vài chục triệu đồng. Từ khi mượn tiền lúc dầu sôi lửa
bỏng cho đến bây giờ gần 40 năm, anh ấy chẳng bao giờ đề cập đến 5 chỉ vàng đầy
ân tình như thế! Tôi chẳng hề đòi nợ nhưng tự hỏi sao người ta không sợ chuyện
“kéo cày trả nợ” nhỉ?
8. Ác quá
Anh Trần là bạn tâm giao của tôi. Chúng tôi cùng học một
khóa sư phạm và có sự đồng điệu trong nhiều lãnh vực đời sống nên giao tình
thân thiết. Anh ấy qua định cư và đã đậu Tiến sĩ ở Mỹ.
Ngày cuối trong một lần Trần về thăm quê, chúng tôi đi chơi
với nhau. Tôi đèo anh ấy đến thăm các anh Trần Tuấn Mẫn và anh Nguyễn văn Nhật
ở văn phòng báo Văn Hóa Phật Giáo rồi đi đến tòa soạn báo Giác Ngộ. Xế trưa,
Trần rủ tôi ra một quán ăn ở bờ kè sông Sài gòn, gần đường Trần Não, quận 2.
Ngồi dưới tàn cây bàng rợp bóng bên bờ sông, dù buổi trưa oi
nồng nhưng gần sông nước nên không khí mát mẻ dễ chịu. Đưa bản thực đơn cho
tôi, Trần bảo tôi gọi món ăn. Tôi thấy dọc đường Phạm ngũ Lão cạnh nhà tôi có
nhiều quán lẩu cá kèo đông khách. Tôi chưa hề ăn nhưng bụng nghĩ thầm khách
đông như thế thì hẳn món ăn ngon và hấp dẫn.Tôi gọi cái lẩu cá kèo vì nghĩ rằng
món lạ chắc bạn sẽ thích.
Lát sau, người phục vụ bàn đem ra một cái lò nấu cồn khô và
một cái chảo nhôm có nước nêm sẵn gia vị. Một dĩa bún, dĩa rau mùi và măng
chua. Trên tay anh ta một cái túi ni lông đựng khoảng mươi con cá kèo còn sống
chen nhau vùng vẫy.
Trần ngạc nhiên: “Cái gì đây, ăn cách răng đây?” “Dạ, cứ như
vậy thả vô nước sôi.” Cầm bịch cá trên tay, Trần tần ngần: “Không phải làm sẵn
à?” “Dạ ăn thế này mới ngọt nước!” Trần quyết định nhanh: “Bây giờ tui không ăn
món ni, tui gọi món khác được không? Hỏi ông chủ bịch cá ni giá bao nhiêu tui
trả.” Chúng tôi gọi một cái lẩu cá thát lát, hổ qua thay cho cái lẩu cá kèo.
Khi người phục vụ đi vào trong, Trần thừ người nhìn ra một
chỗ xa xăm nào đó và buột miệng: “Ác quá.”
Tôi cũng ngớ người ra vì đã từng ăn lẩu cá kèo lần nào đâu
mà biết.
“Dạ chín chục ngàn.” Biết là bịch cá kèo mươi con mà giá đó
là quá đắt, nhưng Trần vẫn vui vẻ móc tiền ra trả. Xong, Trần mở túi ni lông
thả ngay mấy con cá xuống sông. Mấy con cá chìm xuống rồi quẫy đuôi ngoi lên
mặt nước vùng vẫy như nói lời cám ơn. Trần mỉm cười rạng rỡ.
Sài gòn, ngày 8/7/2013
Lê Duy Đoàn