Chế Cẩm Đình
PHẦN HAI: VỀ
TRONG LÒNG ĐẤT MẸ PO NAGAR
Phần hai, lẽ ra
là phần tôi đi sâu vào ngôn ngữ Miền Trung như lời kết phần một. Dù đã khởi thảo
nhưng đành phải gác lại để đến tận kỳ sau, bởi tôi vừa có một chuyến đi hết sức
kỳ thú VỀ TRONG LÒNG ĐẤT MẸ PO NAGAR ngồn ngộn xúc cảm buồn vui, mà nếu để lâu thì,
xúc cảm ấy sẽ bay đi ít nhiều làm cho bài viết e không còn được hay ho.
Tôi đã đến Nha
Trang từ lâu, đã sinh sống nơi mảnh đất này ngót mấy năm trời. Trước khi qua
vùng đất mới, thì con gái yêu thương của tôi đã kịp chào đời trên xứ trầm
hương, để thấy là tôi gắn bó với nơi này như thế nào. Vậy mà, tôi lại chưa một
lần lai vãng đến Tháp Bà cho đến tận chuyến đi vừa rồi, khi tôi trót dấn thân
vào “địa hạt” này:
“Chăm pa mộng ấy
vẫn ngời
Tôi về tìm lại
non Hời đau thương”
Từng thăm thú nhiều
tháp Chàm ngoài Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên nên tôi không còn ngỡ ngàng về
mức độ đồ sộ của cụm tháp, cũng như lối kiến trúc đầy thẩm mỹ và tinh tế đến từng
chi tiết trên từng ngẫu tượng, thớ gạch, góc chân hay thiếp mái. Mà bất ngờ lớn
nhất với tôi là, khoảng sân phía sau tháp chính có một đoàn ca vũ nhạc chính gốc
người Chăm từ trong Ninh Thuận ra biểu diễn ở đây. Họ bao gồm những đàn ông cuối
tuổi trung niên chơi các nhạc cụ truyền thống, cùng các Chiêm nữ thanh xuân dưới
đôi mươi. Vì chưng tôi còn phải đi làm kiếm sống, nên không đủ nhiều thời gian
cho đam mê sâu thẳm của mình, thời, còn có cơ hội nào hay hơn dịp này khi được
tiếp xúc với máu mủ xa xưa của mình ngay tại đây. Giữa những lần biểu diễn là
khoảng nghỉ ngơi, thì tôi tranh thủ sà vào bắt chuyện ngay với từng người. Dù
không được cặn kẽ vì thời gian ngắn ngủi, nhưng với tôi ngần ấy đã là một sự trở
về tận trong lòng Chiêm quốc thân thương của tôi.
Pô Inư Nưgar (Po
Nagar) là Mẹ xứ sở, như là người có quyền năng với muôn loài nơi đây. Mẹ xứ sở
là người đã khai sáng ra giang sơn gấm vóc của dân tộc Chăm pa, dạy cho thần sĩ
phép trị nước an dân, dạy cho dân biết phương cách sản xuất lúa chiêm, lúa nước,
biết cách dẫn thủy nhập điền để tưới ruộng và cách trồng bông dệt vải, mang đến
cho dân tộc Chăm pa một cuộc sống ấm no sung mãn. Po Nagar khác hoàn toàn với mẹ u Cơ của người Kinh, là người khai sáng chứ
không phải là mẹ sinh ra cả dân tộc. Bởi vậy, tiếng ru con của người Kinh cất lời
luôn bắt đầu bằng hai chữ “ầu ơ” ( u Cơ) như là một sự tưởng nhớ trong tâm thức
về người mẹ đẻ, thì tiếng ru con của người Chàm thường là “ới … ời … ơi” trước
lời hát ru chứ không gắn liền với Mẹ Pô Inư Nưgar, mà họ dành hẳn sự kính trọng
cho vị Nữ thần này bằng những điệu “Tra” réo rắt bởi tiếng kèn Sanarai trong nhịp
trống Ginăng trầm hùng vào những hội tế.
Biểu hiện rõ nhất
của việc kính trọng thần nữ Pô Inư Nưgar là người Chăm theo chế độ mẫu hệ, bên
mẹ là họ nội, bố là họ ngoại và con gái phải đi hỏi và cưới chồng, còn con trai
lấy vợ thì ở rể. Tục này hoàn toàn giống với người đồng bào Ê đê ở mạn trên Tây
Nguyên. Khi đối chiếu số đếm của hai giống dân nay, chỉ đôi chút khác về phát
âm ở số một với số hai và số năm, còn lại giống nhau tất, thì biết họ cùng một
gốc mà ra. Vả lại, bên dòng Eahleo đoạn qua huyện Easup vẫn còn một cụm tháp
Chăm là Yang Prong trên ấy, thì đã rõ hẳn việc này.
Chợt đến giờ biểu
diễn, các nghệ nhân nam vào vị trí các nhạc cụ để sẵn, từng Chiêm nương trong
tà áo dài tha thướt kiểu Chàm đội lên đầu những vại gốm bước vào tấm thảm trải
trên nền gạch của sân tháp. Nhạc trỗi lên từ máy hát phát ra loa, giai điệu bài
hát thật vui tươi kể về tình yêu đôi lứa và ngày mùa thì điệu múa bắt đầu. Chao
ôi, có phải đây là con cháu Mị Ê hồng nhan trinh liệt xưa mà sao ai ai cũng múa
từng điệu thật điêu luyện, nhịp điệu của cơ thể theo nhạc nền uyển chuyển mềm mại
không khác gì hình tượng các vũ thần Apsara trên các bệ thờ Chăm Pa. Bài múa
hãy vừa xong, nụ cười tươi tắn trên mỗi khuôn mặt vũ nữ lấm tấm mồ hôi còn chưa
tắt, đã nghe một điệu nhạc khác réo lên bi hùng. Lần này là tiếng nhạc sống được
chơi bởi các nghệ nhân nam. Người vỗ trống Ginăng, người thổi sáo Clảr, và buồn
thương ai oán tận sâu thẳm trong lòng người về một xứ sở phồn hoa, một giống
nòi hùng cường tự ngàn năm trước trào qua tiếng kèn Sanarai sầu cảm. Ai từng
nghe thổi kèn đám hiếu với làn khốc, làn thảm, làn ai, già nam của kèn giải ở
miền Trung thì khi nghe tiếng kèn này sẽ thấy không khác là bao, mà còn cảm nhận
ngay được nỗi bi ai của dân tộc này qua từng làn hơi, làn ngắn thì trầm hùng
như ôn lại quá khứ oanh liệt của tổ tiên, nhưng cảm giác giật khục như nấc như
nghẹn từng lời của nỗi buồn mất nước, còn chưa kịp bật hơi lên một cách mạnh mẽ
thì chuyển làn dài thấu oán đau thương như chính số phận nước non Hời. Nước mắt
đã thấm ứa ra ngoài khóe của một người con từ phương xa trở về lòng đất mẹ Po
Nagar.
Rồi câu chuyện lại
tiếp tục sau giờ biểu diễn với các nghệ nhân. Hỏi trống Ginăng sao vỗ hai đầu
tiếng khác nhau mới biết là một đầu bịt bằng da trâu, đầu kia da mang bắt trong
rừng mà tiếng Chăm gọi là con đỏr. Hỏi người Chiêm Thành xây tháp dùng vữa gì
mà sao chỉ vữa rất mảnh, thì được giải thích là lấy mủ cây Pú trẻh trộn với
phân bò và pôông (rơm, trấu) tạo ra một thứ keo làm vữa rất bền chắc. Mà cây ấy,
từ khi Chiêm quốc bại vong thì không còn mọc nữa. Rồi hỏi về kỹ thuật làm gốm,
được cho hay men gốm là bí quyết của người Chăm không được truyền ra ngoài. Gốm
nung sơ hoặc ủ khô, lấy nước vỏ cây quét lên từng lớp cho thấm vào và đem nung
lên lần nữa để tạo màu men. Thì bí quyết nằm ở chổ vỏ cây gì cho ra màu gì,
quét mấy lượt, nung bằng than củi hay pôông để cho ra độ bóng và mức độ đậm nhạt
khác nhau trên thân gốm.
Đôi hồi một lúc,
là giữa các thành viên đến mấy bận cãi nhau, vì cách giải thích cho tôi khác
nhau về mỗi sự việc. Ấy là, rất nhiệt tình với một người yêu dân tộc Chăm như
tôi, lại vì có thể đó là tính cách của giống Hời mà khiến họ thiếu đi cái đoàn
kết trong những cuộc chiến quan trọng với Đại Việt dẫn đến tận vong. Nữa là
trong sự cãi vã bằng ngôn ngữ đa âm và ít thanh điệu, dù không hiểu gì nhưng
tôi đã tìm thấy dấu vết tiếng Việt trong đó, mà tôi sẽ trình bày kỹ ở phần sau.
Ai từng qua Lý Hòa (Bố Trạch, Quảng Bình), ghé lại phiên chợ dưới chân ngọn đèo
cùng tên nghe các mệ các o buôn bán nói chuyện với nhau bằng thứ giọng líu lo
như chim hót (phỏng cách), thì khi nghe đồng bào Chăm nói chuyện với nhau mới
thấy giống vô cùng về mặt âm giai. Mà đất Lý Hòa – Đồng Trạch ấy xưa kia chính
là thành Khu Túc sầm uất của đất nước Chăm pa.
Tháp bà Po Nagar
nằm trên ngọn đồi bên bờ sông Cái – Ea Tờ rang. Dưới lòng sông ấy chứa đựng vô
vàn cổ vật của người Chăm, và nhiều nhất là gốm sứ. Đã có nhiều người xúc cát,
làm lưới vớt được những tượng Phật, tượng thần bằng đồng của người Chăm bán được
rất nhiều tiền, có pho giá bạc tỷ được thâu mua bởi giới săn lùng cổ vật từ Sài
Gòn ra. Như là một thiên duyên, tôi ghé qua nhà người anh thân thiết vào buổi
chiều, kể cho anh nghe mới đi trên Tháp Bà về như thế nào thì anh lôi ra trong
các thùng đồ bao nhiêu là cổ vật vớt lên từ sông Cái. Anh nói, đồ Chàm đó, mười
mấy năm nay tích được ngần này. Vậy mà, anh đã tặng ngay cho tôi toàn bộ khi
tôi ngỏ lời hỏi mượn về nghiên cứu viết bài, dù hơi hối tiếc công sức sưu tầm
trong từng ấy thời gian. Thì đó, nếu không tỏ lòng yêu giống nòi ấy, chắc gì
tôi gặp được thiên duyên này, như là Mẹ xứ sở giúp tôi thỏa lòng mong nguyện
khai sáng những ẩn ức về non nước Chiêm Thành.
Chế Cẩm Đình