Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, September 14, 2018

SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG - PHẦN MỘT: NỖI ÁM ẢNH TỪ QUÁ KHỨ - Chế Cẩm Đình

Tác giả Chế Cẩm Đình


SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG
Chế Cẩm Đình

Lời phi lộ
Đây là một khảo cứu mang tính chất cá nhân, dựa trên trải nghiệm sống cũng như những cảm tính có được của tôi, chứ hoàn toàn không mang yếu tố nghiên cứu khoa học. Khảo cứu này chủ yếu để quý thân hữu đọc chơi và hiểu hơn về văn hóa, ngôn ngữ của khu vực này. Bài viết được chia làm nhiều phần để quý thân hữu tiện theo dõi.

PHẦN MỘT: NỖI ÁM ẢNH TỪ QUÁ KHỨ

1.Vùng đất chồng lấn giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại
Miền Trung có nhiều con đèo, trong đó có hai con đèo lớn là Hải Vân và Hoành Sơn. Miền Trung cũng có nhiều con sông, tuy không lấy làm cả như các con sông lớn ở hai đầu đất nước nhưng đã đi sâu vào lịch sử dân tộc. Đèo và sông ở miền Trung luôn được lấy ra làm ranh giới chia đất chia nước từ xưa đến nay. Đèo Ngang và sông Gianh là biên giới giữa Đại Việt với Chiêm Thành, sau là ranh giới Trịnh - Nguyễn. Sông Bến Hải chảy theo vĩ tuyến 17 thì ai cũng biết là sông chia đôi hai miền Nam – Bắc trong nội chiến 1954 – 1975. Đèo Hải Vân và sông Hương đóng vai trò ranh giới Việt - Hời kể từ khi Huyền Trân công chúa trẩy Chiêm làm hậu. Sau còn làm ranh Trịnh - Nguyễn và Trịnh – Tây Sơn. Phía Quảng Nam thì có sông Thu Bồn cũng được lấy làm biên của nhiều đợt Việt - Chăm tiến thoái, đến nỗi mà hình thành từng tiểu vùng ngôn ngữ ngay trên đất Quảng vì con sông biên viễn ấy.
Thì suốt quá trình Nam tiến của dân tộc, người Việt vào đến đâu thì người Chăm lùi đến đó. Rồi có khi Chiêm Thành hưng lên, thì đánh ra giành lại đất cũ với người Việt. Giữa các cuộc chiến liên miên gần cả ngàn năm, các dòng người của hai bên hòa lẫn vào nhau mà sinh sống, lúc thuận hòa thì chung ở với nhau, lúc chiến tranh thì giết chóc đối phía.
Người Việt từ Bắc vào mang theo văn minh Trung Hoa. Người Chiêm Thành có văn minh từ phía Ấn. Hai nền văn minh lớn này va chạm vào nhau gây ra xung đột dữ dội, rồi hòa nhập có, biến tấu có, và sau cùng là tận vong văn hóa của người Hời, theo sau sự tận vong của đất nước Chiêm Thành vì thất thế trước Đại Việt.
2. Những người họ Chế
Lịch sử Chiêm quốc có giai đoạn hào hùng nhất gắn liền với Chế Bồng Nga, là một vị vua kiệt xuất của đất nước này. Trong giai đoạn 1367-1389, ông từng 12 lần xua quân Bắc phạt Đại Việt nhằm tái chiếm các vùng đất châu Ô và châu Lý vốn được chuyển giao sang chính quyền Đại Việt trong thời gian cai trị của vua Chế Mân. Năm 1377, khi thành Đồ Bàn bị quân đội nhà Trần tấn công, Chế Bồng Nga đã lãnh đạo quân đội đánh Đại Việt, khiến vua Trần Duệ Tông phải bỏ mạng trong trận này. Thắng lợi này khiến Thượng hoàng Trần Nghệ Tông khiếp đảm, sau này hễ Chế Bồng Nga bắc tiến là cùng Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly) bỏ kinh thành chạy dài. Trong cuộc chiến này, ông đã có tổng cộng 3 lần đánh vào tận kinh đô Thăng Long. Năm 1389, ông tử trận sau khi trúng phải đạn tại trận Hải Triều. Cái chết của ông khép lại một trang hùng cường trong lịch sử Chăm Pa. Hết đời vua Chế Bồng Nga thì nước Chiêm Thành không lần nào quật khởi được nữa, dù có vùng vẫy bao lần thì cuối cùng cũng bị kết thúc đau thương.
Chế Lan Viên nguyên họ Phan, tên Hoan người gốc Cam Lộ, Quảng Trị nhưng lớn lên và học tập tại Quy Nhơn. Vì hoài cảm quá lớn về quá khứ của một đất nước hùng mạnh qua các đền đài và tháp Chăm cổ, ông đã viết nên tập thơ trường loạn “Điêu tàn” lúc còn là một thanh niên mới mười bảy tuổi. Ông đã lấy bút danh Chế Lan Viên vì tự xem mình là một bông hoa đẹp trong vườn nhà họ Chế, họ hoàng tộc của đất nước Chăm Pa.
Tôi thời cũng vậy, kể từ khi đặt chân đến những đền tháp cũ, tự dưng bị ám ảnh đến lạ lùng nỗi tiếc thương về một cố quốc đã tận. Ám ảnh đến cùng cực, lại thương cảm càng nhiều. Cứ gặp người vai ngang, tóc dợn, da hơi bánh mật thì liên tưởng ngay đến hậu duệ người Hời. Rồi lén chụp hình người ta hai ba tấm, về mở ra xem kỹ hình tướng, đối chiếu với các cổ thư chép về giống người này để tìm kiếm nét tương đồng, như là tự tìm kiếm cho mình một câu trả lời cho việc hòa huyết giữa hai dân tộc sinh ra hậu duệ, chứ không phải là chiến tranh tuyệt diệt lẫn nhau. Chế Cẩm Đình là một cái tên mang hoài ức như thế, dù là có lối bắt chước họ Phan kia. Và tôi như có sứ mệnh phơi sáng những ẩn ức của dân tộc này, là một sự tri hối trong khả năng nhỏ mọn của mình.
3.Chăm, Chiêm, Chàm, Hồi, Hời
Chăm pa là tên loài hoa sứ (hoa đại), hoa này được trồng nhiều ở đền, chùa, miếu mạo, gắn liền với sự thanh khiết. Người xứ ấy lập quốc năm 192 và tồn tại đến năm 1832 thì kết thúc bởi một sắc lệnh của vua Minh Mạng. Trải qua hơn 16 thế kỷ tồn tại, nước này thay tên nhiều lần nhưng tên Chăm pa, lấy tên loài hoa nói trên là nổi bật hơn cả và được chép lại nhiều trong các sử thư, thường gọi tắt là Chăm.
Champapura hay Campa – pura được hán hóa là Chiêm Bà Thành (占婆 城) về sau rút ngắn lại thành Chiêm Thành (占 城). Mà không rõ là bên Trung Hoa có hoa sứ hay không mà lại ký âm Cham thành Chiêm, bởi chữ Chiêm (占) này không mang nghĩa là hoa đại, mà mang nghĩa là Chiêm (tinh) hoặc Chiếm (cứ), theo Hán tự. Giả như chữ Chiêm chỉ là ký âm, thì Chiêm Thành có nghĩa là Thành Hoa đại.
Chữ Chiêm (占) tiếng Phổ thông (Trung văn) đọc là Zhàn, tiếng Quảng Đông đọc là Chàm. Người Trung Hoa đi buôn bán khắp nơi, cập cảng Bắc hà nói trong ấy có xứ Chàm thì người Việt cũng gọi theo là Chàm.
Tận cuối Trung Hoa mạn Tây Bắc có giống người Turk (gốc Thổ) lập quốc và có thời rất hùng mạnh, cát cứ hẳn một vùng đất rộng lớn đến 3 triệu cây số vuông dọc theo con đường tơ lụa huyền thoại qua đến Tây Á. Nước ấy sử củ gọi là Hồi Cốt hay Hồi Hột, ngày nay chính là xứ Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ. Người xứ ấy mặc đồ thụng, đầu đội mũ hoặc quấn khăn trắng theo đạo Islam thờ thánh Ala. Do tính thất bản của việc lưu truyền sử sách mà đạo Islam được gọi là đạo Hồi (đạo của người Hồi). Người Chiêm Thành thì du nhập đạo Islam vào đường buôn bán với Nam Đảo (Mã Lai, Chà Và) từ thế kỷ 12 và phát triển khá mạnh. Từ thời gian này trở đi thì cuộc xung đột với Đại Việt cũng lớn dần. Người Việt đọc Hán thư nhiều, khi vào đến đất Chàm thấy có giống dân ăn vận và thờ cúng như trong sách sử mô tả thì gọi họ là người Hồi. Biến âm Hồi thành Hời ("ôi" thành "ơi" như "ôi trời" – "trời ơi") nên về sau sử ta chép họ là người Hời.
Sự chồng lấn này đã tạo ra tiếng nói riêng cho vùng đất từ Quảng Bình đổ vào đến Thừa Thiên, sử dụng vốn từ ngữ của cả hai dân tộc Kinh – Hời, khác với vùng Thanh, Nghệ chỉ sử dụng từ ngữ Việt cổ sẽ trình bày ở phần tiếp theo.

No comments: