Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 14, 2019

HOA GIÓ - Thơ Lê Hứa Huyền Trân



                    Tác giả Lê Hứa Huyền Trân



HOA GIÓ

Chưa bao giờ con sóng kia thôi ngừng vỗ
Chưa bao giờ có nỗi buồn nào thăm thẳm đáy lòng nhau
Tình cợt đùa hoa gió
Tóc bay rối từng sợi nắng mong manh
Biển mù cát chạy…

Em nép mình bên ly cà-phê rớt giọt lặng lẽ
Bên ly cà-phê gõ tiếng lanh canh ấy
Đã một thời từng có người ngồi ngắm long lanh
Hai đứa bên nhau trốn học đội mưa chung
Nhà cách nhau chỉ có hàng dương reo lời của gió
Tình mươn mướt lên xanh bên rừng chắn cát

Rồi một mai khi ngày tháng vui đùa đã mất
Hàng dương trơ gốc thẩn thờ
Trái tim tan hoang lỗi nhịp
Lời tỏ tình vỡ đắng giọt cà-phê
Chấm hết những năm tháng trong lành
Chấm hết luôn bài tình ca đang dang dở của con sóng an nhiên
Chấm hết những gì đã thành những ký ức dịu dàng
Chỉ có mình hoa gió
Chưa bao giờ thôi bay...

                                              Lê Hứa Huyền Trân
*

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ : Lê Hứa Huyền Trân, 1083/30 TRẦN HƯNG ĐẠO ,tổ 17B, KHU VỰC 4, PHƯỜNG ĐỐNG ĐA, THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH
Sđt : 0972076980
Số CMND : 215257216
Số tài khoản: 4300205298818, ngân hàng Agribank Bình Định, Chủ tài khoản : Lê Hứa Huyền Trân.

READ MORE - HOA GIÓ - Thơ Lê Hứa Huyền Trân

THẦM LẶNG - Lê Nguyên Tuấn

Bài viết của Lê Nguyên Tuấn cho mình thấy rõ đây là một gia đình có truyền thống quá đẹp: Nhân cách, đạo đức và hy sinh.

Cô là nguời vợ hoàn hảo, đẹp người đẹp nết, thầm lặng hy sinh cho chồng con. Vì cô hiểu sự nghiệp cao cả của Thầy là luôn sống vì tha nhân, nặng lòng vì xã hội. Các em thì hiếu nghĩa với ba mẹ, thừa hưởng tấm lòng từ thiện của ba mẹ, nên chuyên tâm hoạt động giúp đở những nguời dân khó nghèo
Thầy Cô LÊ HỮU THĂNG, đã sống bằng trái tim nguyên chất thiện nguyện như thế đó. Hạt giống nhân nghĩa thầy cô gieo đã đơm hoa, kết trái cho đời những tấm lòng vô cùng quý giá.
Một gia đình tuyệt vời. Quang Tuyết xin kính chuyển.





THẦM LẶNG

Bài viết này như những lời tâm sự của tôi dành cho người mẹ thân yêu của mình, không trau chuốt văn chương vì tôi không có năng khiếu đó. Tôi chỉ biết viết bằng con tim của một người con yêu thương mẹ.
Hôm nay khi cơn bệnh alzheimer quái ác đang làm cho mẹ mất đi nhiều trí nhớ, tôi chỉ ước mong khi nghe hay đọc bài nầy mẹ sẽ cảm nhận được một phần trong những gì tôi ấp ủ là tôi thật sự hạnh phúc lắm rồi.

                                                               Lê Nguyên Tuấn

“THẦM LẶNG”

Người ta hay cảm tác thơ chứ ít ai cảm tác đoạn văn hay là bút ký, nay tôi lại làm chuyện lạ lùng đó .Chung quy là tôi đang “feeling”, đang cảm nhận rất sâu lắng từ bài viết của người con gái nhà văn Doãn Quốc Sĩ viết về mẹ mình.
Thật là một sự khập khiễng khi so sánh với sự nghiệp của nhà văn Doãn Quốc Sĩ, nhưng ba mẹ tôi vẫn có những sáng ngời trong nhân cách sống và dấn thân với xã hội.
Tôi viết bài này để dâng tặng người mẹ yêu thương của tôi, đồng thời thể hiện sự đồng cảm với con gái của nhà văn Doãn Quốc Sĩ khi cả hai bà đang lâm vào căn bệnh alzheimer quái ác. Hôm nay, tôi viết với tất cả thổn thức, đau nhói trong trái tim và cay xè trên đôi mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra khi những kỷ niệm của hàng chục năm về trước chợt tràn về.
Mẹ yêu!
“Thầm lặng” là tính từ mà chưa bao giờ con cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của nó cho đến hôm nay con dùng để viết về mẹ. Đời Mẹ là một cuộc đời “thầm lặng” trong gia đình nhỏ nhoi bên chồng và các con đầy biến động theo thời cuộc. Mẹ đã “thầm lặng” trong sự nghiệp không nhỏ của ba.
Con biết mẹ sinh ra trong một gia đình giàu có nổi tiếng của một tỉnh lỵ miền Trung. Nếu mẹ đi theo con đường thương mãi như bên ngoại; nếu mẹ làm vợ của người thương gia thì cuộc đời mẹ sẽ nhẹ nhàng hơn. Mẹ sẽ như các dì của con sống trong sự giàu sang và nhung lụa. Nếu như thế, Mẹ không phải chịu những lần suýt đứng tim vì con đường hoạt động xã hội của ba con. Mẹ không phải hằng đêm khuya khoắt trông ngóng chồng khi ba con phải băng mình trong giông bão, trong lụt lội, trong chiến cuộc để dành lấy mạng sống cho đồng loại. Mẹ không phải mang phận “vợ tù cải tạo” tủi thân suốt nhiều năm trời sau biến cố 1975.
Nhưng con biết mẹ yêu điều đó. Mẹ yêu mẫu người sống có lý tưởng, có trách nhiệm với đất nước và gia đình như ba con. Nếu cho mẹ chọn lựa một lần nữa, con tin chắc mẹ vẫn chọn ba con, phải không mẹ?
Với một thân hình mảnh mai, mẹ bước vào đời với ngành sư phạm. Những tưởng cuộc đời mẹ sẽ bình an trên bục giảng với thiên chức gieo mầm đẹp, ý tưởng hay để lớp trẻ biết cách sống có ích cho xã hội. Nhưng cuộc đời đâu có cho mẹ đeo đuổi những ước mơ nhỏ nhoi đó.
Chiến sự Hạ Lào (1971) bùng nổ ác liệt. Con còn nhớ cả một tháng trời ròng rã mẹ âm thầm cùng ba vào bệnh viện Quảng Trị để phụ băng bó, săn sóc cho các chiến binh trở về đầy máu me, què cụt. Bệnh viện như quá tải khi phải đón nhận thương binh mỗi giờ. Có những đêm, con ngồi ngoài xe chờ ba mẹ trong bóng tối - lúc đó con chỉ mới 6 tuổi. Ở tuổi đó thì còn nỗi khiếp sợ nào hơn khi những tiếng kêu la, rên xiết cứ đưa tới tai con trong đêm vắng.
Rời bỏ Quảng Trị trong đổ nát 1972, vào Đà Nẵng tưởng rằng gia đình sẽ có cuộc sống an toàn khi hàng đêm khỏi phải nghe tiếng đại bác dội về “cắc bụp .... bbbbùm” như trong bài hát Đại bác ru đêm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng rồi không phải thế, mẹ lại phải âm thầm thao thức không ngủ, lo âu trước những công việc mới của ba…
Trong vai trò chủ tịch Hồng Thập Tự Vùng I, điều phối hoạt động cứu trợ tỵ nạn và thiên tai của 5 tỉnh miền Trung (từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị), ba tôi hầu như không còn thời gian nhiều cho gia đình. Bên cạnh đó, việc tái thiết lại các trường học tại Quảng Trị sau khi có lệnh hồi cư cũng chiếm hết thì giờ của ba. Ba tôi cùng các đồng nghiệp chia nhau về giảng dạy trên mảnh đất còn ngổn ngang đổ nát. Mỗi tuần ba chỉ ở bên mẹ con tôi từ một đến hai ngày. Thậm chí đôi lúc đang ngồi dùng cơm với gia đình mà được tin gọi khẩn cấp như bão lụt, thiên tai,… là ba tôi lên đường ngay.
Ngày đó, ngôi nhà chúng tôi tại Yên Bái (Đà Nẵng) không lúc nào là không bận rộn. Ngôi biệt thự (village) đó khá lớn và đẹp. Nó không chỉ là nhà ở của gia đình chúng tôi mà còn là trụ sở chính của Hồng Thập Tự miền Trung cho nên khách vào ra liên tục. Hầu như ba tôi ở nhà ngày nào là ngày đó có khách, khi thì ba tôi làm việc với các trợ lý của ông; khi thì tiếp khách nước ngoài. Họ là những người làm việc trong Hồng Thập Tự quốc tế nên đủ mọi quốc gia như Pháp, Mỹ, Na Uy, Thụy Sĩ, v.v... Thế là mẹ tôi phải vào vai đầu bếp bất đắc dĩ. Mẹ phải làm sao cho khách hợp khẩu vị, thoải mái. Nhiều cuộc họp khẩn cấp thâu đêm, bà vẫn âm thầm vui vẻ chăm sóc chồng lẫn khách chu đáo.
Ngày đó, những lúc bên nhau luôn là những giây phút hạnh phúc của gia đình.
Thế rồi một ngày, một khoảnh khắc, một dấu mốc và một khoảng thời gian 10 năm cay nghiệt (1975-1985) đã đổ xuống đôi vai mảnh mai của mẹ tôi. Đó là khoảng thời gian mà cuộc đời tôi không bao giờ quên được. Không quên không phải vì tôi quá khổ sở hoặc không được đầy đủ như nhiều đứa trẻ khác. Không quên được, bởi những hình ảnh mà mẹ tôi phải chịu đựng, hy sinh, nhẫn nhục, tủi thân,… và hình ảnh những ngày tháng đó đã ám ảnh tôi cả cuộc đời này. Cứ nghĩ đến chuỗi ngày đó là tôi muốn thét gào lên “Sao không cho anh em tôi trưởng thành sớm để được kề vai gánh vác, chia sẻ bớt nhọc nhằn cho mẹ?” Nhưng câu hỏi vẫn chỉ là câu hỏi vì ngày ấy bầy con của mẹ còn quá nhỏ, tôi lớn nhất: 10 tuổi, còn các em tôi đứa 9 tuổi, đứa 7 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi.
Trở thành thân phận vợ tù cải tạo, suốt mấy năm trời bao oan khiên, cực khổ mẹ âm thầm chịu đựng. Từ một người phụ nữ thuần thành, chưa bao giờ phải bươn chải cuộc sống nhầy nhụa của cuộc đời, nay mẹ vừa dạy học vừa phải tập tành mua bán linh tinh trước thềm cửa nhà.
Thêm một điều khổ nạn là hồi đó với đồng lương không đủ sống của một giáo viên, mẹ còn phải có bổn phận đi dạy không lương buổi tối của cái gọi là “xóa nạn mù chữ” mỗi tuần 3 đêm. Anh em chúng tôi còn quá nhỏ lại sợ ma nên kéo hết nhau ra trước cửa nhà mỗi tối để chờ mẹ về. Từ xa xa, thấy bóng dáng mẹ còm cỏi, liêu xiêu bước về là chúng tôi chạy ùa đến, đứa ôm, đứa níu lấy mẹ trong nỗi mừng vui…
Có lẽ vì cuộc sống phải trải qua gian khổ sớm nên đàn con của mẹ có ý thức hơn lớp trẻ cùng lứa thời bấy giờ, chúng tôi làm bất cứ gì hầu phụ giúp mẹ. Mười một tuổi, hàng ngày tôi đã nấu được bữa ăn vài ba món cho mẹ đỡ nhọc nhằn. Mấy đứa em còn lại thay phiên nhau thổi lửa và nấu nồi cơm. Đứa em kế tôi, lúc đầu dấu mẹ rang đậu phụng vào sân vận động Chi Lăng bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tôi còn nhớ như in khi biết chuyện đó mẹ đã chạy vội vào phòng khóc nức nở.
Cái tủi thân đôi khi còn đau đớn hơn cả thiếu thốn vật chất. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ ông ngoại, mẹ dẫn anh em chúng tôi còm cỏi, đen đúa lên nhà cậu cả để cúng ông. Mỗi bữa ăn ở nhà cậu là một bữa cỗ - bằng một tháng sinh hoạt, ăn uống của gia đình tôi khi đó. Sau này mẹ chỉ lặng lẽ đi giỗ ông một mình mà không mang con cái theo, có lẽ bà tủi thân.
Ba tôi cải tạo tại An Điềm - một nơi rừng thiêng nước độc cách Đà Nẵng chừng vài chục cây số. Hàng tháng, cứ vài hôm trước ngày đến hạn kỳ đi thăm nuôi, mẹ tôi lại bận rộn. Mẹ bán đi vài phân vàng trong số của cải để dành nhỏ nhoi để có tiền mua sắm đi thăm ba. Mẹ làm muối ruốc sả, làm thịt chà bông, mua lương khô (hàng của Tàu hồi ấy). Những đêm đó, anh em chúng tôi ngồi quây quần bên mẹ, đứa thì lo trộn chảo muối sả cho chín đều kẻo bị khét; đứa thì lo cho thịt chà bông vào lon “sữa guigo”. Ngoài anh em tôi, còn có bà chị con bác ruột - chị Mimi - phụ mẹ tôi một tay.
Trời vừa tờ mờ sáng, khoảng 4 giờ mẹ đã đánh thức chúng tôi dậy, mặc áo quần tươm tất để chuẩn bị lên đường thăm nuôi ba. Mẹ cho chúng tôi đi hết - ngay cả đứa em út tôi mới 3 tuổi. Mẹ biết ba rất muốn gặp mặt đầy đủ các con của ba. Một chiếc xe honda thồ thường hay chở cá, được thuê chở cả 5 mẹ con cùng giỏ hàng thăm nuôi. Bây giờ tôi cũng không thể hình dung được làm sao một chiếc xe honda hai bánh lại có thể chở hết sáu mạng người (kể cả người xe thồ). Chúng tôi ngồi vắt vẻo đủ cách trên hai cái thúng dùng chở cá. Khoảng cách chỉ vài chục cây số mà đến trưa mẹ con tôi mới đến trước cửa trại, vì xe phải đi thật chậm.
Vượt qua chặng đường đầy những con dốc, quanh co của rừng núi để chỉ được gặp nhau trong giây lát dưới sự giám sát của cán bộ trại. Trong thời gian 30 phút thì nói được gì? Chúng tôi còn nhỏ nên được giám thị cho đến gần ba. Khi ôm ba, lồng ngực tôi như bóp nghẹt, cảm giác khó thở, muốn chực khóc thét lên. Còn mẹ tôi đứng đó, nhìn ba tôi, nhìn cảnh cha con quấn quít mà nước mắt ràn rụa trên đôi mắt sâu hoắm qua mấy đêm liền không ngủ.
Vậy đó, suốt 3 năm trời chưa bao giờ mẹ tôi vắng một lần thăm nuôi chồng dù nhiều khi gia đình khá túng thiếu. Mẹ không xin xỏ, không than vãn, không cầu cạnh ai, mẹ vẫn cố hết sức mình để đùm bới cho ba bằng tất cả sự dành dụm, chắt chiu.
Rồi gia đình chúng tôi lần lượt xuôi Nam tìm đường vượt biên. Mẹ lại lo âu, mất ngủ để lo cho anh em tôi: đứa 15, đứa 14 tuổi ra đi mà đứa nào cũng còn quá ngây thơ, khờ dại. Lo lắm chứ! Làm sao mẹ tôi không lo khi bao nhiêu nguy hiểm đang rình rập hai đứa con còn bé bỏng của mình. Phần lo con bị bắt rồi tù đày, phần sợ sóng biển mênh mông lành ít dữ nhiều. Mẹ đọc kinh lạy Phật cầu nguyện hằng đêm vào mỗi chuyến đi của chúng tôi. May mắn chỉ đến với gia đình tôi ngày đó được một lần là người em trai tôi đến bến bờ tự do ở cái tuổi 14. Chuyến đi này có cả tôi, khởi hành từ Sông Ông Đốc - Cà Mau. Vì lạc điểm tập trung nên cả nhóm bị công an đuổi bắt, mạnh ai nấy chạy tán loạn, tôi phải tìm đường về Sài Gòn trong khi em tôi lên được tàu và đến miền đất hứa. Hai tháng sau, mẹ lại dẫn tôi về Trà Vinh. Khi tìm được mối ghe cho tôi, mẹ yên tâm vì lời hứa hẹn ngon lành nhưng rồi số người vượt biên chuyến ấy lại bị bắt trọn. Tuy tôi còn tuổi vị thành niên nhưng cũng bị ngồi tù, mẹ phải xoay xở, mấy tháng sau mới chuộc tôi ra được. Không ngờ con người mô phạm, hiền lành thế mà khi cần mẹ tôi cũng có những quyết định can đảm, táo bạo đến không ngờ.
Từ những thất thoát, tốn kém khi lo cho hai anh em tôi vượt biên, gia đình tôi thật sự lâm vào cảnh khánh kiệt vào những năm 80 – 83. Còn lại 3 anh em chúng tôi mỗi đứa phải tá túc mỗi gia đình mà ba mẹ tôi gởi gắm. Cứ đến cuối tuần, chúng tôi vội đón xe bus về quận Bình Thạnh để sum họp với ba mẹ.
Hằng ngày tôi biết ba mẹ tôi ăn uống khá đạm bạc vì việc làm thường ít gặp may. Hơn nữa, cách làm ăn của ba mẹ tôi hiền quá - theo kiểu nhà sư phạm - nên luôn bị lừa và mất mát. Vậy mà khi đàn con ùa về, lần nào mẹ cũng ráng làm bữa cơm thật ngon miệng cho các con ăn.
Một căn phòng trước đây người ta dùng làm văn phòng, tạm thời họ để cho ba mẹ tôi sử dụng. Cái giường ngủ của ba mẹ tôi ngày đó thì không thể hình dung được. Từ những thanh gỗ tạp phế thải, ba đã tự chế thành chiếc giường bằng cách kết nối chúng lại với nhau. Đêm nằm ngủ, sáng ra nhức mỏi cả lưng vì độ gập ghềnh của mặt giường.
Cả gia đình chúng tôi khi đó còn lại 5 người (em trai tôi đã đến được Hoa Kỳ), đêm nằm dùng chung một tấm mền dù lính hồi xưa. Bởi vậy khi tôi trở mình thì đầu bên kia ba tôi không có chăn đắp. Đến mùa nước lớn, nửa đêm đang say ngủ cả nhà phải vùng dậy vì nước lên cao, thấm ướt đến lưng.
Ông Trời tiếp tục thử thách ba mẹ tôi. Sau nhiều lần làm ăn thất bại, ba mẹ tôi quyết định xa Sài gòn về vùng kinh tế mới An Hạ. Lại một chặng đường gian truân mới mà ông Trời mãi trêu cợt gia đình tôi. Nhiều lúc tôi oán hận ông Trời, bấy nhiêu đó chưa đủ làm mẹ tôi mòn mỏi, cực khổ sao? Nơi vùng đất ấy, nước phèn làm cho làn da vốn trắng sáng của mẹ tôi xấu đi nhiều. Đã khổ lại phải chịu thêm cái cằn cỗi của nắng gắt và phèn chua. Ba tôi phải đi gánh mía trong khi mẹ tôi hàng ngày đạp xe ra chợ mua bán kiếm ít tiền lời để lo bữa ăn cho gia đình. Những lúc trời mưa lớn, đường sá đầy sình bùn dơ dáy, mẹ vẫn vội vã đạp xe vượt qua quãng đường lầy lội ấy để kịp về nhà với chồng con.
Hôm nay hình ảnh ấy bỗng dội về làm con đau điếng cả người. Mẹ ơi!!!
Mẹ! Mẹ ơi! Từ ngày được làm con của mẹ đến nay đã gần 50 năm, con chưa nghe một lời than thở của mẹ. Con cũng chưa bao giờ thấy mẹ gắt gỏng hay nói một câu làm phiền người khác, nói gì đến chuyện mẹ làm mất lòng ai.
Con người không là thần thánh, đôi khi quá mệt mỏi, khổ sở mình cũng dễ cáu gắt với những người chung quanh. Mẹ tôi thì không và không bao giờ dù chỉ là lời nói làm buồn người khác.
Sống cho đàn con thì mẹ quá tuỵệt vời; sống cho chồng thì không làm sao nói hết những yêu thương, hy sinh mà mẹ dành cho ba. Ngày ba con bị căn bệnh hiểm nghèo mà bệnh viện chê, mẹ con mình đạp xe đèo nhau trong cái nắng gắt, cái mệt lả để đi gõ cửa từng nhà và bác sĩ để vay tiền chữa bệnh cho ba. Hình như quyết tâm của mẹ đã làm ông trời cảm động nên ba vượt qua cơn bạo bệnh, không uổng phí công lao của mẹ.
Gia đình mình được đổi thay tốt hơn nhiều khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Cuộc sống không còn mệt mỏi như chặng đường dài vừa qua nhưng về mặt tinh thần mẹ vẫn âu lo. Giấc ngủ của mẹ vẫn chập chờn, bất an vì lo cho con cái. Mẹ còn lo cho Oanh - vợ của con, không biết khi nào mới được đoàn tụ.
Có những đêm hai mẹ con mình ngồi trò chuyện, con nhớ như in mẹ cứ đăm chiêu và lẩm bẩm “Mẹ lo cho con Oanh quá! Không biết mọi chuyện có suôn sẻ không?”. Rồi mẹ thắp nhang lạy Phật cầu cho mọi chuyện được thuận lợi. Mẹ thương con dâu như là đứa con mẹ mang nặng đẻ đau vậy. Còn Johnny của chúng con thì quá diễm phúc vì cháu được bà nội dành cho rất nhiều tình yêu thương.
Không bao giờ!
Mẹ ơi! Không bao giờ gia đình bé nhỏ chúng con quên được những ưu ái, những yêu thương của mẹ dành cho. Bởi vì không bút mực nào, không ngôn từ nào có thể diễn tả được tấm lòng biển cả ấy.
Mẹ tôi là vậy đó, là một đời âm thầm, lặng lẽ quên mình để lo cho gia đình, con cháu.
Suốt bao năm trên xứ Hoa Kỳ và đến ngày hôm nay, bao nhiêu tiền dành dụm được mẹ đã cùng với ba tôi dùng vào việc giúp các em sinh viên nghèo có điều kiện tiếp tục học. Kết quả là hôm nay đã có lớp đầu tiên ra trường, trở thành những kỹ sư, bác sĩ,… có ích cho xã hội.
Lại vẫn “thầm lặng”
Mẹ yêu!
Ngày mẹ về thăm gia đình con tại Denver tháng 4 năm nay, mỗi ngày con viết nhật ký vài dòng về mẹ.
Con được ngắm nhìn mẹ, được chính tay con nấu từng món ăn ngon cho mẹ; được đùa giỡn với mẹ và cũng có những đêm con lặng lẽ ra hiên ngồi một mình, nghĩ về mẹ rồi thổn thức thương mẹ.
Con sẽ về một ngày không xa, để được cùng các em xây cho cho gia đình mình - cho ba mẹ cùng các con của mẹ một “ngôi nhà” vĩnh cửu.
“Ngôi nhà” này con muốn nó mang nhiều kỷ niệm một thời với hàng bông giấy của căn nhà cũ trên đường Trần Hưng Đạo (Quảng Trị); có cây hoa sứ, cây dừa của căn nhà ở Yên Bái - Đống Đa (Đà Nẵng). Trong những căn nhà ấy, gia đình mình đã từng một thời sống bên nhau với bao kỷ niệm đẹp.
Một “ngôi nhà” để con có ngày được trở về bên ba mẹ và mãi mãi không bao giờ xa mẹ nữa.
Ngày đó con sẽ không còn làm người chồng, người cha nữa mà chỉ mong được làm đứa con bé nhỏ bên mẹ như năm nào; để được nằm ôm mẹ với giấc ngủ bình an mãi mãi.

                                                                  Lê Nguyên Tuấn

READ MORE - THẦM LẶNG - Lê Nguyên Tuấn