Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, October 23, 2021

HIỀN ƠI! - Thơ Hoàng Đại Nhân

 

Nhà thơ Hoàng Đại Nhân

 

HIỀN ƠI! 

Thơ Hoàng Đại Nhân

(Truyện thơ, chuyển thể từ hồi ký “Chị Hiền” của nhà văn Nguyễn Đại Duẫn, Hội VHNT Quảng Bình.)

 

Ngày tôi về dạy Trường Bổ túc 

Gặp chị ngay vừa lúc tới trường 

Chị Hiền trông thật dễ thương 

Dáng người nhỏ nhắn, má hường xinh tươi 

 

Chị nhìn tôi, nụ cười duyên dáng 

Đôi môi xinh, mắt sáng nhung huyền 

Bên tôi, chị ngỏ lời khuyên: 

“Cậu còn quá trẻ, sao lên xứ này? 

 

Cậu có biết trường đây Bổ túc 

Dạy những người cấp chức khá cao 

Nơi này sẽ lắm gian lao 

Xa dân, chẳng dễ đường vào thăm chơi”

 

Trường mới dựng giữa nơi đồi núi 

Đất hoang sơ, nắng bụi gió Lào 

Học viên tuổi tác đã cao 

Mới qua cấp I, bước vào cấp II ... 

 

Chị hơn tôi vừa hai tuổi chẵn 

Nụ cười xinh, răng khểnh rất duyên 

Vui tươi, tính cách dịu hiền 

Chị khoe quê chị nơi miền sông Gianh 

 

Làng xóm chị chạy quanh sườn núi 

Đồi tiếp đồi, rất đỗi nên thơ 

Tới mùa vàng rực nương ngô 

Khỉ về bẻ trộm lô xô cả bầy 

 

Cháu trai chị về đây cùng ở 

Tôi có thêm bạn nữa chung phòng 

Ba người cùng nấu ăn chung 

Niềm vui chia sẻ, người cùng quê hương 

 

Chiều Chủ nhật tìm đường lên núi 

Vào rừng sâu kiếm củi đã khô 

Đường về tai nạn bất ngờ 

Chị Hiền té ngã nằm đơ một mình 

 

Tôi cùng cháu vô tình về trước 

Quay lại tìm, từng bước ngó nghiêng 

Đây rồi... nghe tiếng chị rên 

Đầm đìa máu chảy một bên ống quần 

 

Chị đã ngã khi lần xuống dốc 

Cõng chị lên, tức tốc đi về 

Ôi sao mà chị nhẹ ghê 

Vô cùng ân hận, tôi tê tái lòng ... 

...

Hôm chị về nhà mong gặp mẹ 

Tôi bỗng nhiên... không thể buồn hơn 

Đêm nghe tiếng dế nỉ non 

Tự nhiên nhớ chị, tâm hồn chơi vơi. ...

 

Một ngày xuân đẹp trời, chị rủ 

Về thăm quê, bến cũ sông xưa 

Chẳng may sự cố bất ngờ 

Làm tôi đuối nước bên bờ sông Gianh 

...

Nhớ trường lớp, tôi nhanh trở lại 

Khi xuống ga còn phải đi thêm 

Giữa đường nghỉ, ngắm trăng lên 

Được ngồi bên chị trong đêm tuyệt vời 

 

Chị hôn lên má tôi vội vã 

Rồi nói rằng: “Chị quá yêu em” 

Tim tôi như trống dội lên 

Lần đầu cô gái hôn bên má mình 

 

Niềm ngây ngất vô hình chợt đến 

Tôi như người nhấp chén rượu say 

Vài ngày sau bỗng chia tay 

Tôi vào bộ đội một ngày tháng Tư 

 

Tạm biệt chị cũng từ buổi ấy 

Tôi nghe lòng biết mấy vấn vương 

Từ ngày xa cách mái trường 

Lòng tôi càng thấy nhớ thương chị nhiều 

 

Tự nhủ lòng đã yêu chị ấy 

Mà chưa từng ngỏ lấy một câu 

Hiền ơi! Nếu được từ đầu 

Lòng em giữ mãi trước sau tình này. 


              Sài Gòn 21/10/2021 

Hoàng Đại Nhân

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn,Thủ Đức.

 


Một cảnh ở Sông Gianh, Tuyên Hóa

(Ảnh mượn nhà mạng)


READ MORE - HIỀN ƠI! - Thơ Hoàng Đại Nhân

NGÀN TAY NGÀN MẮT, LỜI SUỐI REO – Thơ Tịnh Bình

 
 
               Nhà thơ Tịnh Bình


NGÀN TAY NGÀN MẮT
 
Hàn huyên thôi vãn cuộc chờ
Thuyền trăng không đáy đâu bờ bến xưa
Người còn đi sớm về trưa
Khói sương lụy vướng nắng mưa dãi dầu
 
Một đàn chim nhạn về đâu
Mây trời dẫn lối bạc đầu tháng năm
Mùa trôi vun vút xa xăm
Cành khô lạc nước tím bầm hoàng hôn
 
Cuộc người quên cả dại khôn
Bên đường cỏ dại vùi chôn sương mù
Ngàn tay nâng đóa thiên thu
Ngàn con mắt xót lệ ru phận người...
 




LỜI SUỐI REO
 
Ta về làm bạn mây trời
Bên rừng núi cũ vang lời suối reo
Gập ghềnh bậc đá cheo leo
Hoàng hôn nhuộm phía lưng đèo thung mây
 
Từng đàn chim xoãi cánh bay
Chập chờn lọn khói cuối ngày vừa lên
Lá vàng rụng xuống lãng quên
Chợt nghe tiếng suối gọi tên tuổi mình...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - NGÀN TAY NGÀN MẮT, LỜI SUỐI REO – Thơ Tịnh Bình

TIẾNG MƯA CHIỀU PHỐ LẠ, VẪN MÃI DÒNG SÔNG – Thơ Nguyên Lạc


 

 
TIẾNG MƯA CHIỀU PHỐ LẠ
 
Tiếng mưa chiều phố lạ
Gọi dĩ vãng xa về
Mưa chiều nơi xứ lạ
Sao tiếng buồn lê thê?
 
Tiếng mưa chiều phố lạ
Gọi nhớ về mưa xưa
Mưa thu đêm gác trọ
Mưa ngăn lối đường về
Mưa quế trầm môi mật
Mưa quýnh quáng đê mê
 
Tiếng mưa chiều phố lạ
Nhớ bạn bè thời qua
Oan khiên rừng núi thảm
Ai tử biệt ai về?
 
Tiếng mưa chiều phố lạ
Mưa thiên cổ vọng về
Giọt mưa hay giọt lệ
Khóc kiếp đời lưu vong!
 
Mất nhau ngày khóc ngất
Có nói thêm cũng thừa
Xác còn hồn đã mất
Lệ đời nuốt đủ chưa?
 
Tiếng mưa chiều phố lạ
Vọng cố hương mù xa
Vinh nhục đời cơm áo
Còn gì chỉ phôi pha!
 
Mưa chiều nơi xứ lạ
Mưa thê thiết nghìn trùng
Tha hương mưa buồn lắm
Cố nhân biết hay không?
 

VẪN MÃI DÒNG SÔNG
 
Tha hương nhớ tiếng đàn cò
Từng đêm nhức nhối vọng mơ câu tình
"Đờn cò lên trục kêu vang
Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng" [*]
 
"Đàn kêu tích tịch tình tang"
Giữa khuya "Dạ Cổ Hoài Lang" khơi buồn
Quê hương vẫn mãi dòng sông
Gành Hào bến vắng mắt trông lệ trào
Đêm thanh vọng tiếng nhạc rầu
Tình lang thương nhớ nỗi sầu lời ca
Đàn cò hoà điệu thiết tha
"Đường dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Vọng phu luống trông tin chàng" [**]
Hò liu cống liu xê xạng... Lời não nùng chàng ơi nhớ thương!
 
Sông vàng dải lụa trăng tuôn
Níu người sao vội xuôi nguồn từ ly?
Từ ly rồi sẽ vĩnh ly
Câu ca lệ khổ người đi nhói lòng!
 
Tha hương vẫn mãi trong hồn
Gành Hào đưa tiễn trăng tuôn lệ sầu
Đàn cò thê thiết khúc đau
Hoài Lang Dạ Cổ đêm nào... sao quên?!
 
"Đờn cò lên trục kêu vang"
Cố nhân có biết nỗi lòng viễn phương?
 
Nguyên Lạc
.............
 
[*] Ca dao
[**] Lời bài hát Dạ Cổ Hoài Lang - Cao Văn Lầu
 
READ MORE - TIẾNG MƯA CHIỀU PHỐ LẠ, VẪN MÃI DÒNG SÔNG – Thơ Nguyên Lạc

CHÙM THƠ THÁNG MƯỜI - Châu Thạch

 
                       Nhà thơ Châu Thạch 


EM THÁNG MƯỜI
        
Có phải vào tháng mười
Mình gặp nhau không nhỉ?
Anh gọi em tuyệt mỹ
Chính là em tháng mười!
 
Tháng mười trong nụ cười
Nhìn nhau chào nhau vội
Tháng mười em tinh khôi
Thông minh trên vầng trán
 
Tháng mười áo em sáng
Tháng mười màu khăn quàng
Tháng mười em thật sang
Tháng mươi em thật đẹp.
 
Tháng mười mùa thu khép
Trời sắp sửa vào đông
Sao đôi má em hồng!
Sao đôi môi em thắm!
 
Em tháng mười say đắm
Làm vui đời gian nan
Ta nhìn em mơ màng
Tháng mười mùa thu chín!!!
 
 
EM VỀ HUẾ THÁNG MƯỜI                
 
Em về Huế áo tháng mười phong ấm
Gót hồng tươi dạo bước trước rêu phong
Đẹp còn hơn hoàng hậu những trang lòng
 
Hàng tượng đá mắt nhìn theo lẳng lặng.
Em về Huế lăng vua chiều thanh vắng
Dáng thanh tao sen thắm hồ Tịnh Tâm
Bước em qua công chúa những đêm rằm
 
Vườn Thượng Uyển trăng lay tà áo nguyệt
Em về Huế, có gì như diễm tuyệt
Cổ tích xưa tiềm ẩn dáng ngày nay
Sóng Hương giang cong lượn vóc em đầy
 
Tóc tơ liễu gió bay đồi ngoạn cảnh
Em về Huế tháng mười trời se lạnh
Mây trắng bay quyến luyến vày Trường Tiền
Trên hoàng thành soi ánh nắng mơ tiên
 
Hồn vua chúa, cung tần vui đón đợi
Em về Huế tháng mười, Huế như mới
Điệu cung đình không cảm thấy buồn thương
Có cái gì như vấn vấn vương vương
 
À, có tiếng dòn thanh người Nam Bộ!
Em về Huế thuyền có qua Bạch Hổ?
Có ghé chùa Thiên mụ lắm tầng cao?
Em biết rằng Huế sẽ rất nôn nao
Vì Huế đợi chờ em từng năm tháng.                                   
 
Châu Thạch
 
READ MORE - CHÙM THƠ THÁNG MƯỜI - Châu Thạch

CÂU THƠ LỤC BÁT - Nguyễn Đức Tùng

 


Thơ lục bát là tâm hồn dân tộc: nếu thế thì tâm hồn ấy đang thay đổi. Lục bát như một nghệ thuật thơ ca cần thay đổi theo, tự làm mới, để tồn tại cùng dân tộc, một dân tộc vừa văn minh hơn vừa dung tục hơn, có học hơn nhưng bé bỏng hơn, dễ tổn thương.
Nghệ thuật thơ lục bát là nghệ thuật của câu thơ.
Câu thơ là một đơn vị ngôn ngữ đặc biệt, khác với câu văn phạm. Câu thơ là một sở hữu riêng của các nhà thơ mà các nhà văn không chia sẻ được. Sở hữu ấy, quyền năng ấy nằm ở chỗ tận cùng bên phải của câu.
Câu thơ là yếu tố mang tính âm nhạc, trong khi câu văn phạm mang tính ý nghĩa.
Mỗi câu thơ tạo ra khoảng cách giữa nó và câu sau. Rất ít câu văn xuôi đứng một mình, nhưng câu thơ có thể đứng một mình. Hơn nữa, đặc điểm của lục bát là hai câu đi kèm nhau, ít có câu nào giữ giá trị độc lập; chúng phụ thuộc nhau. Chúng ta hãy xem ví dụ sau đây trong Kiều:
 
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chưn mây cuối trời
 
Sự phụ thuộc trên có tính chất bổ sung. Câu lục có thể là câu độc lập, tuy nhiên nếu ngắt ra thì hơi thơ chưa đi hết, ý chưa trọn, lại như ra lệnh. Chữ đành lòng làm dịu lại. Trong Kiều chúng ta học được sự khiêm tốn sang trọng. Phải kết hợp với câu tám, có tính cắt nghĩa, thêm cái ý vị riêng, câu thơ mới tạo ra sự phong phú của lời dặn dò. Khả năng lặp lại của chữ, của ý, khả năng nói dài thêm của lục bát là rất cao, nó cho phép cách nói nhiều lần mà ở thể thơ khác có thể trở nên vô nghĩa.
 
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
(Phạm Thiên Thư)
 
Có những chữ gần như thừa ra. Đó là sự thừa thãi cố ý, tạo ra khoảng trống mông mênh cho trí tưởng tượng. Ta có thể gặp phương pháp này thường xuyên hơn ở Nguyễn Duy.
 
Nước như chưa nước bao giờ
Lụt như lụt tựa ngày xưa lụt về
Mặc dù có khi ông cũng lạm dụng:
Người gì người trắng như trăng
trăng gì trăng nói lăng nhăng như người
 
Lục bát là một bài thơ không cần hoàn tất và ít khi hoàn tất.
Đó là một bài tiểu luận dang dở, một truyện ngắn giữa chừng, một tiểu thuyết chưa xong, một đoạn văn xuôi bỏ ngỏ. Muốn làm mới lục bát, điều đầu tiên là phải có nhu cầu làm mới. Nhu cầu làm mới ở bên ngoài và bên trong thể thơ. Bên ngoài thể thơ là nhu cầu của tiếng nói mới, cách bày tỏ mới, những kinh nghiệm mới, là sự cạnh tranh giữa thể thơ lục bát và các thể khác, đặc biệt thơ tự do. Nhu cầu giữ vững cốt cách văn hóa của người Việt, các truyền thống nghi lễ. Nhu cầu bên trong của lục bát làm làm cho nó mãi sống được với thời gian. Một khoảnh khắc phải trở thành mới, xét riêng về hình thức hoặc cả hình thức- cấu trúc:
1. Mới ở cách dùng chữ 2. Mới ở cách ngắt câu hay đảo chữ 3. Mới ở hình ảnh 4. Mới ở nhịp điệu 5. Mới ở tư tưởng 6. Mới ở giọng điệu. Bài thơ không nhất thiết phải là một phép tu từ hay sự mô tả, nó cần xuất hiện một cách huyền bí.
 
Mái gianh ơi hỡi mái gianh
Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương
 
Trần Đăng Khoa bắt được những câu thơ như vậy. Nói bắt được là nói thơ như chim trời cá nước không của riêng ai, nhưng người bắt được phải có tài, chịu khó dầm mưa dãi nắng, chứ ngồi phòng máy lạnh uống Chivas Regal thì bắt sao được? Tôi nhớ khi đọc hai câu trên, quên mất chữ đầu tiên của câu tám. Tôi thường quên chữ đầu như vậy. Tôi thử nhiều chữ.
 
Trải bao mưa nắng mà thành quê hương
 
Về âm điệu, cũng khá, về nghĩa, tạm được. Tôi thử chữ khác: chữ chở, hình như khá hơn chữ trải, rồi chữ mang, chữ ôm. Nhưng không vừa lòng. Gần đây có dịp đọc nguyên bản, tôi giật mình: chữ ngấm của tác giả là hay hơn cả. Trần Đăng Khoa có một thuận lợi nữa là chữ “gianh”, những người ở các miền trong như tôi không nói thế, họ dùng chữ “tranh”, chữ tranh ấy trong thơ có lẽ không thú bằng chữ gianh chăng?
Có một chữ khác gần giống là chữ thấm, nhưng cũng không bằng. Sự khác nhau giữa thấm và ngấm thuộc về cái tinh tế của tiếng Việt. Chữ ngấm của tác giả còn làm tôi liên tưởng đến chữ “ngậm” trong câu của Lưu Trọng Lư:
 
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non Tây ngậm buồn
 
Chữ ngậm thật hay, đậm đà. Đó là cách chọn chữ. Thơ nào cũng cần chọn chữ, nhưng trong lục bát việc ấy quan trọng vào bậc nhất. Về luật, lục bát khá chặt chẽ, câu sáu câu tám đều đặn, chữ cuối của câu sáu vần với chữ sáu của câu tám, gọi là yêu vận, chữ cuối của câu tám lại vần với chữ cuối của câu sau. Nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài xét về âm điệu. Thơ lục bát cho phép một không gian vận động rộng rãi bên trong nó. Việc làm thơ lục bát dễ dàng, người nào cũng viết được một hai câu, mặc dù hay dở là chuyện khác, chứng tỏ khả năng ứng dụng của lục bát là rất cao. Tuy nhiên trong những cuộc vận động làm mới, lục bát khó có thể là người đi đầu. Trong hàng trăm bài thơ trong cuốn Thi nhân Việt nam của Hoài Thanh, tôi đếm chỉ có 23 bài lục bát, trong đó một phần ba là của Nguyễn Bính (7 bài), sau đó là Huy Cận, Lưu Trọng Lư, mỗi người vài bài. Như vậy thơ mới vận động đi lên không bằng lục bát mà bằng các thể thơ khác, đặc biệt bảy chữ. Thơ bảy chữ mới là lưỡi gươm xung kích của thơ mới, không phải lục bát. Con đường đi từ ca dao lục bát:
 
Cơm ăn mỗi bữa một lưng
Nước uống cầm chừng để dạ thương anh
 
đến thơ lục bát trong Kiều xa nhiều thế kỷ, nhưng sự chờ đợi, quãng trễ ấy, là xứng đáng. Câu ca dao trên thật xúc động, nhưng chưa phải là thơ. Trong nghệ thuật, xúc động chưa phải là tất cả, mặc dù gần như là tất cả. Tôi nghe có người đọc là “uống nước”, nhưng “nước uống” hay hơn. Muốn biết tại sao hay thì đọc “cơm ăn” thành “ăn cơm” là hiểu ngay. Tôi ngạc nhiên là nhiều nhà thơ hiện nay không để ý đến chuyện ấy. Thế chúng ta tưởng cứ hiện đại hay hậu hiện đại, hoặc siêu thực hay hiện thực huyền ảo, ngoại biên hay phản kháng, thì có thể tránh không cần phải làm bài tập ở nhà sao?
Thế sau khi đã có Kiều rồi, sau khi đã đạt tới đỉnh cao rồi, làm sao mà thơ lục bát vẫn còn sống?
Gặp câu:
 
Phong lưu rất mực hồng quần
 
Người đời im lặng rất lâu, không biết viết gì nữa. Thế rồi chờ khuất bóng cụ Nguyễn Du, người ta cũng viết:
 
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
(Nguyễn Bính)
 
Nghe tiếp:
 
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi
(Huy Cận)
 
Thế thì ta biết rằng sau Kiều, lục bát vẫn sống được. Người Việt vẫn cần nó. Những điều mà Nguyễn Bính, Huy Cận, Trần Huyền Trân, Đinh Hùng, Bùi Giáng nói, Nguyễn Du chưa nói, cụ không nói được. Không sang trọng bằng, không tài hoa bằng Kiều, nhưng lục bát bây giờ vẫn cần, chữ vẫn thắm.
 
Thơ đương đại ngày càng ít chú ý đến các câu chữ mà chú ý nhiều hơn đến các bài thơ, cấu trúc của nó, ẩn dụ trung tâm của nó, ý tưởng lớn của nó. Nhưng lục bát thì khác. Nếu bạn không thể viết được một câu thơ lục bát đầy đặn, ngân nga, ý tứ thăm thẳm, bạn nên làm thơ trong những thể khác. Thơ tự do chẳng hạn. Thơ có vần bao giờ cũng chậm hơn trong việc làm mới ngôn ngữ, so với thơ tự do vì những ràng buộc câu thúc đặc trưng của thể thơ mà chúng thuộc về. Lục bát rất phổ biến trước đây, gồm thơ lục bát và lục bát ca dao, ngày càng tỏ ra yếu thế so với thơ tự do và các thể thơ có vần khác như bảy chữ. Nó chỉ khá hơn thơ Đường luật, đã mai một. Một loại thơ muốn tồn tại, không thể không hay. Một loại thơ muốn phát triển thêm, không thể không mới. Cực chẳng đã, nếu không mới thì phải hay. Nếu không hay, thì phải mới. Cùng lắm thì phải khác.
 
Khác không phải là phẩm hạnh của thơ.
Nó là phẩm hạnh của thi sĩ. Thơ lục bát Việt Nam hiện nay, nhìn chung, vừa không mới vừa không hay, dù có khác. Thua lục bát thời thơ mới hay thời thơ miền Nam. Nó không dở tệ, chỉ tàm tạm, như một cô gái không đẹp không xấu, nhưng tốt bụng. Chưa có gì để khoe với thế giới cả. Tất nhiên chúng ta có thể khoe Nguyễn Du. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Trên đầu tôi, trong phòng đọc sách của thư viện Vancouver public library, nơi tôi viết những dòng này, có treo mười cái bảng rất đẹp, ghi tên mỗi người một bảng: Homer, Cervantes, Shakespeare, Goethe, Li Bai, Du Fu, Tagore, Nguyễn Du. Tôi để ý rằng ở phương Tây các thể thơ cổ điển của họ như sonnet, ballad, ode vẫn còn được viết bởi các nhà thơ đương thời. Lục bát là thể thơ giữ người ta lại lâu nhất với quá khứ, với hoài niệm, với nông thôn, tức là những gì đằm thắm, quen thuộc, dân gian nhất.
 

Thơ lục bát có thể mở rộng về hình thức, như thay đổi dấu chấm câu, cách xuống dòng. Nguyễn Du tài năng thế mà cũng không thể chấm câu vì vào thời ấy chưa có chữ quốc ngữ. Việc ấy cũng không ngăn chúng ta hôm nay được quyền chấm câu hay biến một câu lục bát thành hai ba câu ngắn. Câu thơ trên đây của Phạm Thiên Thư có thể ngắt ra như sau:
 
Thôi thì
Thôi nhé
Có ngần ấy thôi
 
Và đây là điều quan trọng: đó là sự làm mới có tính hình thức, ít có giá trị, vì người nào cũng có thể tự ngắt câu ra như tôi vừa làm vậy. Đổi mới về hình thức lục bát không phải là việc thản nhiên ngắt câu theo ý thích. Mặc dù Du Tử Lê đã từng khởi sự rất sớm:
 
cũng đành. Thôi cũng đành. Thôi
sáng, em chải lại đường ngôi chia lìa
(1989)
 
Bạn có thấy hay hơn không? Tôi không chắc. Nhưng tôi thấy khác. Không khác nhiều, nhưng khác. Cũng như:
 
Xin trăng sáng trọn đêm dài
Vén
Màng chạng vạng
Phủ dày hồn tôi.
(Nguyễn Văn Phương)
 
Do đâu mà ta biết một câu thơ là mới? Phải căn cứ vào nhạc điệu của câu thơ và ý tưởng trong câu thơ ấy. Trong thơ, làm mới có nhiều cách, mới trong hình ảnh, trong từ ngữ, trong giọng điệu, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý tưởng mới. Ý mới là xúc động mới. Trong thơ không phân biệt giữa ý tưởng và xúc động. Một ý tưởng khô khan chỉ tạo ra bài văn nghị luận; ý tưởng phải xuất phát từ một cảm xúc, sinh ra cảm xúc hay được cảm xúc sinh ra. Một cảm xúc được trừu tượng hóa thì biến thành ý tưởng, một cảm xúc được cụ thể hóa thì biến thành hình tượng. Câu thơ của Đồng Đức Bốn:
 
Một hôm ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày
 
Là mới về giọng điệu và từ ngữ văn xuôi, đời thường hóa, nhưng cảm xúc và ý tưởng không đủ sâu, nên đó là một bài thơ mới mà không hay. Trong khi câu khác cùng tác giả:
 
Xong rồi chẳng biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương
 
Sự bâng quơ vô cảm lại gây ra cảm xúc, cái thẫn thờ vô vị của đời sống trong một xã hội không có hướng đi. Cũng như trên sân khấu khi diễn viên cười thì khán giả khóc, chứ không phải khi diễn viên khóc thì khán giả lại cười. Có lẽ vì hai câu sau gần hơn với sự thật, trong khi bốn câu trước tác giả để lộ sự “dàn cảnh”. Xã hội Việt Nam ngày càng xa nông thôn, càng thành thị hóa. Dù bạn thích hay không thích, đó là đời sống thật. Tôi ngạc nhiên thấy nhiều người làm thơ lục bát vẫn chỉ nhắc đến đàn nguyệt, mùa gặt, rơm rạ, chuồng gà, trong khi có người cả đời chưa thấy cái đàn nguyệt, không biết phân biệt con trâu hay con bò, thời bé chưa hề ngủ trong đống rơm như tôi ngày nào. Tôi không nghĩ rằng những người làm thơ không được quyền viết về những điều họ chưa từng biết, tôi chỉ nói rằng những điều mà họ đang sống thì họ lại không chịu viết. Người ngày nay khó mà buông lời bên rào:
 
Thoa này bắt được hư không
Biết đâu hợp phố mà mong châu về
 
Bạn không viết về cái thoa, đã đành một nhẽ, nhưng chẳng lẽ bạn không thể viết về thỏi son của phụ nữ, chiếc giỏ xách, guốc cao gót? Hay con dao nhọn? Bạn tưởng chúng chỉ có trong phim Hollywood? Ám ảnh hiện nay là những bất công xã hội tràn lan, tệ tham nhũng, sự hành hạ tra tấn, tệ nạn trong thanh niên, sự làm nhục phụ nữ. Thơ lục bát chưa chạm tới những đề tài thời sự ấy một cách sâu sắc. Cái mạnh của thơ lục bát là gần với lời ăn tiếng nói của dân gian, nhưng đó là một dân gian của nông thôn Việt Nam ngày xưa. Bây giờ chúng ta muốn nhìn thấy một dân gian hôm nay, đường phố, chợ búa, đôi khi thô tục, với những ngôn ngữ bộc trực riêng của họ. Đó là dân gian mới, có thật, khắp nơi.
 
Chắp tay
lòng vẫn
tối hù
Khuya về nghe
tiếng con cu
gáy cườm
(Nguyễn Hàn Chung)
 
Chén này ngẩn
Chén này ngơ
Say rồi chỏng vó nằm chờ chiêm bao
Làm sao thì đã làm sao
Mày yên phận dế
Còn tao
Phận người
(Nguyễn Lâm Cẩn)
 
Trước khi có thơ tự do, thơ được gọi là văn vần, tức là viết theo thể thơ có vần. Mỗi câu thơ là một câu văn phạm hoàn chỉnh, đôi khi nhiều hơn một câu. Câu văn phạm là câu văn có chủ từ, động từ, túc từ. Do sự hiệp vần nhịp nhàng giữa câu lục và câu bát, làm cho yếu tố nhạc điệu nổi bật lên, khiến cho ngày xưa người ta không lấy làm khó chịu khi một câu thơ chưa hết ý mà đã hết chữ. Vả lại câu lục chỉ gồm sáu chữ, khá ngắn, nên khả năng nối từ câu sáu qua câu tám rất cao. Vì vậy mà lục bát có lẽ là hình thức duy nhất trong thơ Việt ở đó hai câu thơ cũng được xem là một câu: câu lục bát. Phát triển hơn thế nữa, ngay cả câu tám chữ đôi khi cũng được nối vào câu sáu chữ tiếp theo, mặc dù trường hợp này ít hơn. Vì không phải ràng buộc một cách chặt chẽ, ví dụ thơ năm chữ, số chữ quá ít, hay thơ Đường luật mà quy luật có tính khắt khe, thơ lục bát có một không gian rộng rãi, khả năng sử dụng từ ngữ của nhà thơ không bị vướng bận, vì vậy nó có thể dung chứa những chữ ít quan trọng và hư từ. Tôi nói ít quan trọng là nói về mặt ý tưởng, với nghĩa cụ thể, chứ còn trong thơ bất cứ một chữ nào cũng có thể trở thành chữ quan trọng.
 
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương
 
Chữ nào của Bùi Giáng cũng có vẻ thừa cả mà không chữ nào thừa. Tất nhiên, ở nhiều bài thơ khác, chữ của ông là thừa…thật, tức là dở. Tính chất bâng quơ của lục bát là thế mạnh của nó. Sau Bùi Giáng, là Nguyễn Duy. Lục bát có một thế mạnh khác nữa là có thể nối vào nhiều câu khác nhau, kéo dài mãi ra. Nhờ vậy mà ta có Lục Vân Tiên và Truyện Kiều. Tiếc rằng ngày nay tôi ít thấy người nào làm một bài thơ lục bát dài, các trường ca được sáng tác rất nhiều nhưng không mấy ai sử dụng thể lục bát. Trái lại có một khuynh hướng đi ngược: lục bát ngày càng ngắn. Nhiều tác giả làm thơ lục bát bốn câu, sáu câu, hai câu.
 
Lục bát có khả năng chứa những chữ mới. Chữ mới không phải là chữ không có trong từ điển mà là những chữ đã dùng rồi, nay ta dùng lại với nghĩa mới. Nghĩa mới sinh ra trong một văn cảnh mới.
 
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh.
(Trần Dạ Từ)
 
Chữ rụng rời vốn là một tính từ, chỉ tính chất, trong trường hợp này có thể trở thành động từ hoặc cả hai. Sử dụng chữ mới có khi được chấp nhận, có khi không. Trong bài thơ rất hay của Huy Cận, bài Thu rừng, có nhiều người biết, có hai câu sau đây:
 
Nai cao gót lẩn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
 
Câu lục rất hay, thời đó là mới, hơi Tây, nhưng câu tám, mỗi lần đọc hai chữ “nẻo thuộc” tôi đều thấy gượng gạo. Gần một thế kỷ rồi mà tiếng Việt vẫn không chịu chữ ấy. Nguyên Sa nổi tiếng về thơ bảy chữ, ra hải ngoại ông làm thơ lục bát:
 
Ta vô dòng điện hai chiều
Xẹt ngang cũng đủ cháy vèo thịt da
 
Mặc dù bài này nhiều người khen hay, tôi không nghĩ vậy. Nó dở. Hai chữ “ta vô” cũng không hợp với tiếng Việt. Đối với nhiều người, đọc được một bài thơ lục bát hay là một cái thú khó so sánh. Thơ đương đại thường đọc trong toàn bài, ít lẩy ra những câu đơn lẻ, khen hay, như các cụ ngày xưa. Có lẽ lục bát là ngoại lệ. Khi đọc những câu hay, sáu hoặc tám hoặc một cặp sáu tám, tôi đều nhớ. Các nhà thơ hãy học khả năng quan sát của Nguyễn Bính:
 
Ai làm cả gió đắt cau
Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non
 
Cái ý vị của câu thơ ấy, lời của một cô gái nông thôn được Nguyễn Bính diễn tả thật khéo léo. Cái cũ ấy thì nên học. Thơ lục bát cũng nói về lòng hoài niệm một cách mới mẻ:
 
Tưởng ta nhớ chú lắm sao
Này cây bông giấy bên rào năm xưa
Chẳng qua trời đổ cơn mưa
Thì thương cành mọn đong đưa một mình
 
Những người Việt ở ngoài đất nước thấy mình trong thơ Cao Tần, vì giọng điệu của bài thơ dí dỏm, cay đắng, mà vẫn thân mật, cách dùng chữ bình dân. Thơ là hiểu biết, nhưng không phải chỉ để hiểu biết, mà từ cái hiểu biết ấy, tìm đến cái gì khác nữa, sự hiện hữu, ý nghĩa được tăng cường của hiện hữu. Một bài thơ hay đánh thức mối liên hệ của ngôn ngữ và những sự vật khác, sự tỉnh thức, sự nối kết, sự hưng cảm. Hình như chỉ trong thơ, sự thành thực và sự giả vờ mới được phép xuất hiện cùng một lúc. Trong những vận động đổi mới của thơ hôm nay, còn ít có tiếng nói của thơ lục bát. Chúng ta sống trong một thời đại mà các phương tiện truyền thông phát triển như vũ bão. Thế giới gần lại, không gian không quan trọng nữa, chỉ còn thời gian.
 
Không gian sụp đổ. Thơ viết về cố hương vì vậy dễ trở thành sáo rỗng. Lâu lâu mới có một câu như của Trần Đăng Khoa trên đây. Đó là mới xét từng câu thơ, còn nếu xét toàn bài thơ, trong đó có hai câu trích dẫn trên, là một chuyện khác nữa. Chúng ta đang ở trong thời đại của sự rút ngắn không gian. Trong khi chúng ta nói quá nhiều về các các khuynh hướng, các lý thuyết, các nhà thơ điên đảo vì chủ nghĩa hiện đại rồi hậu hiện đại, tuyến tính, phi tuyến tính, thì họ bỏ qua những bước đi căn bản: việc viết sao cho đúng văn phạm một câu văn xuôi, làm thế nào để viết một câu thơ sai văn phạm mà hấp dẫn. Một bài thơ có thể vô nghĩa nhưng không thể bỏ qua nhạc tính. Thực ra không một câu thơ nào là vô nghĩa, vì nghĩa là kết quả của sự diễn dịch. Vậy chúng ta có thể cho rằng một câu thơ hay hoặc bài thơ hay là do có tính thuyết phục, tính hấp dẫn.
 

Những thay đổi nếu có của thơ lục bát không chỉ là những thay đổi về từ ngữ, phép tu từ, sự nắn nót câu chữ, cách nói khôn khéo, thông minh, mà sự thay đổi phải đến từ cả ý tưởng, hình ảnh, cảm xúc, phải là một phần của sự vận động thơ ca. Ngôn ngữ thơ ngày càng gần với văn nói: trong thơ lục bát khuynh hướng ấy cần những bước đi thận trọng hơn. Làm thơ lục bát mà dùng ngôn ngữ văn nói là rơi vào hai thái cực: hoặc quá dễ, hoặc quá khó. Bạn có thể không chắc lắm bài thơ sau đây là mới hay cũ, gần với thơ hay gần với ca dao, nhưng tôi nghĩ có lẽ bạn thích nó.
 
Ở đâu mà nước quá trong
Ở đấy sự sống sẽ không có gì
Ở đâu nước đục như chì
Sự sống cũng chẳng có gì ở trong
(Nguyễn Bảo Sinh)
 
Thơ lục bát hiện nay nhiều bài cũng có chất văn nói như thế.
Tôi cũng thích sự hài hước sắc sảo của câu thơ này:
 
Con ơi nhớ lấy lời cha [hoặc mẹ]
Cướp bánh tráng là bạn, cướp bánh đa là thù
(Lý Đợi)
 
Diễu nhại hậu hiện đại, rất tài.
Cách dùng tiếng địa phương ấm áp của Hoàng Xuân Sơn:
 
Huế buồn chi, tội rứa thê
Tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương
 
Chú ý tiếng địa phương là một điểm tinh tế trong thơ, cần những nghiên cứu sâu hơn.
Lối nghĩ khác lạ của Nguyễn Việt Anh trong câu:
 
Bao năm chẳng học được gì
Sách vương một nẻo bút lìa một nơi
Cảm ơn giọt nước không lời
Dạy ta biết cách bay hơi thế nào
 
Hay, nhưng dễ rơi vào kiểu triết lý dễ dãi.
Viết rất nhiều, vì vậy có một số bài khá lặp lại, Phạm Hiền Mây vẫn có những câu thơ riêng sáng lên, khác hẳn:
 
Lạnh rồi đừng rót nữa mưa
Nhớ anh thôi đã rất thừa mùa đông
(dẫn theo Phạm Lưu Vũ)
 
Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh:
 
Ngày về chợt gọi đò ơi!
Giật mình một chuyến rong chơi trễ tràng
Dòng sông đo đúng một gang
Ta qua không hết hành lang đời mình!
 
Hai câu trên tự nhiên mà cảm động, hai câu dưới dụng công, tưởng hay, lại sáo.
Khuynh hướng của thơ bây giờ: thông minh, dí dỏm, tự thương thân. Các nhà thơ cần chú ý tính chất sau cùng: đôi khi nó nguy hiểm.
Một điểm thú vị của lục bát hiện nay là chơi chữ. Nhưng chỗ sâu thẳm nhất của thơ không nằm ở sự chơi chữ.
 
Chỉ khi lục bát tự làm mới thì nó mới có thể trở thành một bộ phận của thơ đương đại. Bây giờ thì chưa nhiều. Người đọc hôm nay không thưởng thức một cách thụ động. Thơ lục bát cho đến nay vẫn còn là nghệ thuật của tai nghe nhiều hơn nhìn. Nhạc điệu của lục bát vẫn làm chủ nhưng ý nghĩa của nó ngày càng trở nên quan trọng. Người đọc cần và muốn tra vấn ý nghĩa của thơ lục bát, không nên và cũng không cần chọn sự thưởng thức dễ dãi. Một câu thơ được hình thành bằng cách ngắt một câu văn phạm, chẻ đôi một câu văn xuôi. Xuống dòng là một hình thức ngắt đoạn, cắt, của cấu trúc. Các tác giả lục bát hiện nay vẫn còn quá hiền lành và sử dụng một câu lục hay một câu bát thường ở thể nguyên vẹn.
 
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
 
 
Câu thơ của Nguyễn Duy chân thực, cảm động, tài hoa. Nhưng không mới, nó lẩn quẩn quanh chân mẹ. Tôi cũng thích loanh quanh bên mẹ tôi. Nhưng bà mất rồi. Biết làm sao? Thơ Nguyễn Duy mỗi câu thường là một câu văn phạm trọn vẹn. Câu thơ làm cho ngôn ngữ trở thành các vật liệu, vật chất. Một câu thơ ở trên trang viết là một tồn tại trong không gian nhưng cũng là sự chuyển động trong thời gian vì câu thơ phải được đọc lên, đọc lớn tiếng hay đọc thầm. Bạn dừng lại ở cuối câu và dừng lại giữa hai câu, đó là sự dừng lại trong không gian và cả trong thời gian.
 
Hai câu thơ sáu tám vần với nhau ở các chữ số sáu và số tám nhưng bên trong mỗi câu cũng có thể vần với nhau và giữa hai câu sáu và tám cũng có những vần lưng khác với các vần bắt buộc. Như vậy ngoài vần điệu bắt buộc của lục bát, tác giả có thể chọn sự đối xứng trong từng câu:
 
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
 
Các phép đối xứng nội bộ. Trong câu này là phép đối chặt chẽ. Kiều có những phép đối lỏng lẻo hơn. Phép đối xứng ấy không những về hình ảnh, về đối tượng, mà cả về vần điệu. Vần nội bộ trong câu thơ và phép đối xứng trong đó làm tăng áp lực bên trong một câu thơ. Có khi đối trong cả đoạn: hai đoạn tả nhan săc Thúy Vân và Thúy Kiều đối nhau. Có khi đối không chặt, chỉ đối về ý, nhưng rất mạnh:
 
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
 
Vì câu sáu ngắn, đối chữ mà ít đối hành động:
 
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
 
Nhưng cũng có:
 
Thoắt mua về, thoắt bán đi
Nhiều hơn, khi ở câu tám:
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm
 
Nếu một câu thơ có sự bắt đầu và có sự kết thúc, thì đó là cuộc vận động mà nhà thơ cần biết và kiểm soát được. Một câu thơ có thể vận động nhanh hay chậm, với lực tác động nhiều hay ít hơn, có thể dừng lại đâu đó đầu câu và cuối câu, có thể cho phép chúng ta di chuyển tiếp. Nói rằng một câu thơ là một đơn vị tách biệt so với câu văn phạm, không phải nhà thơ không quan tâm đến câu văn phạm hay chúng không quan trọng trong thơ.
 
Dù đọc nhiều lần đến đâu, một bài thơ hay bao giờ cũng là một khám phá gần như vô tận. Bài thơ dẫn đường cho ta đến cánh cửa của nó nhưng sẽ bước lùi lại; một ngôn ngữ trong sáng là cần thiết, nhưng không phải bao giờ cũng đúng cho mọi tác giả. Có những nhà thơ sử dụng ngôn ngữ mờ ảo, trong trường hợp ấy việc đọc chúng không khó khăn hơn cũng không dễ dàng hơn. Người đọc dừng lại và lắng nghe, có thể với sự tập trung lớn hơn, nhưng không nhất thiết con đường của bạn sẽ dài hơn nơi khác. Mối quan hệ giữa sự liên tục và sự đứt quãng, gián đoạn, chi phối thơ ca và nghệ thuật. Một bài thơ hay trước hết phải là một bài thơ mang lại sự ngạc nhiên thẩm mỹ. Có điều sự ngạc nhiên thẩm mỹ trong thơ lục bát thường xuất hiện nhiều hơn từ phương diện tu từ, cách dùng chữ, cách đảo câu, hơn là từ ý nghĩa. Điều tôi muốn nói là trong hình thức lục bát ấy, có cái dí dỏm và ý vị khó tìm được trong một hình thức khác. Chính sự đều đặn của các nhịp sáu tám, trong sự gò bó của nó mà nhà thơ bị buộc phải vận động như trên một miếng đất hẹp ở thành phố, người ta chỉ có thể đào sâu xuống hoặc xây nhà cao lên. Chính sự cho phép lặp lại nhiều lần, phép trùng điệp được tận dụng một cách đáng ngạc nhiên, mà thể thơ xem chừng gò bó ấy lại cho phép mở rộng các đường biên của nó.
 
Tôi vừa dùng chữ gò bó để nói về thể lục bát. Thực ra chữ ấy không đúng lắm. Khi trò chuyện với Tony Hoagland, University of Houston, nhà thơ và nhà phê bình nổi tiếng, khi tôi giải thích cho anh về thể thơ lục bát của người Việt, anh lắc đầu nói rằng đó là một trong những thể thơ ràng buộc nhất, vần điệu chặt chẽ nhất, ngay cả so với thơ Đường Trung hoa, thể sonnet của phương Tây. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên, về sau hiểu ra đúng là một nhận xét khách quan từ bên ngoài. Nhưng từ bên trong, người Việt chúng ta không thấy thế. Kinh nghiệm hàng ngày cho chúng ta biết rằng khi cần, bất kỳ một người nào cũng có thể buột miệng làm một vài câu lục bát, tất nhiên hay dở là chuyện khác. Sự phổ biến của vè, của ca dao, là ví dụ chứng minh cho điều ấy. Do những quy luật về âm thanh, đặc tính của ngôn ngữ tiếng Việt mà thể thơ lục bát là một trong những thể thơ dễ làm nhất, tự nhiên nhất. Mặc dù bị ước lệ trong giới hạn sáu hoặc tám, sự thay đổi vị trí các chữ là dễ dàng. Người viết thơ lục bát không phải là người cố làm sao để lấp đầy chữ vào một cái khung sáu ô hay tám ô mà là người tư duy trong hình thức ấy, để cho các hình ảnh và ý tưởng của mình vận động trong khung hình thức ấy, như bạn chơi bóng bàn trên mặt bàn nhỏ. Nhà thơ không hoàn toàn làm chủ ý định của mình, không suy nghĩ trước và đặt nó vào khung sáu hoặc tám; nói cách khác trong khi viết thì chính các ý tưởng ấy, xúc cảm ấy, hình ảnh ấy, ký ức ấy tự chúng bộc lộ ra trong hình thức sáu tám, như môt linh hồn chuộc lại thân xác. Bài thơ cung cấp một không gian để ý nghĩa được hình thành và được hình thành trở lại qua mỗi lần đọc.
 
Người thơ bận việc làm người
Một mai thánh hóa lên trời làm sao
 
Thơ có quyền chơi chữ, và thơ lục bát bao gồm nhiều thủ thuật chơi chữ hơn cả, như trong thơ Nguyễn Duy, vẫn khác với hiện tượng chơi chữ bình thường. Nếu ta viết nhà thơ bận việc làm người thì đó là một câu thơ trung bình, mặc dù ý sắc nhưng không độc đáo. Vì sự lặp lại người thơ làm người, hai chữ người, mới làm nên cái thi vị của câu thơ trên. Một câu thơ chỉ xuất hiện nhờ dịch chuyển các câu văn phạm hay cú pháp chưa đủ để tạo ra câu thơ. Trong khi làm thay đổi một câu nói, làm mới một cách nói, thì đó không phải là cách nói về một điều đã biết, cách nói khác, mà chính là làm thay đổi cả nội dung của nó: cách nói mới tạo ra cách hiểu mới.
 
Nhiều người đồng ý rằng lục bát có nguồn gốc từ ca dao. Mặc dù điều này có thể chưa đủ bằng chứng, và còn gây tranh cãi, tôi cũng tin rằng lục bát bắt nguồn từ dân gian, từ những bài hát ru. Ngày còn bé tôi thường nghe mẹ tôi buột miệng đọc những câu lục bát ca dao, tức cảnh rất hay. Tôi tưởng đó là những câu nhiều người biết, và tôi thật bất ngờ khi mẹ tôi bảo rằng đó là những câu mẹ tôi mới nghĩ ra. Như vậy nói lục bát bắt nguồn từ dân gian là có lý. Nó trở thành một phần của dân tộc. Tuy nhiên dân gian và dân tộc là hai khái niệm khác nhau. Dân gian là dân tộc nhưng ngược lại thì không đúng. Cổ điển và bác học cũng là dân tộc. Hiện đại và hậu hiện đại cũng là dân tộc. Vậy lục bát phải làm gì để vừa là dân gian vừa là hiện đại. Đi tìm nguồn gốc của lục bát, sự phát triển của thể loại, lịch sử của nó, là một điều chắc chắn thú vị. Nhưng tôi nghĩ việc làm thế nào để lục bát phát triển, phù hợp với thời đại mới, tương hợp với sự phát triển ngôn ngữ hiện đại, điều ấy quan trọng hơn. Hai câu:
 
Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào
(Chu Văn Sơn trích dẫn)
 
đã chạm vào cái đời sống đương đại. Ca dao đã từng đủ khả năng biểu lộ hài hước, châm biếm. Lục bát có thể chứa cả những cách luyến láy đảo câu đảo chữ.
 
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham
 
Tuy nhiên cũng đừng lẫn thơ lục bát với ca dao và hò vè, vì chúng cũng thể sáu tám:
 
Hoan hô đồng chí Hà Đăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa
 
Đó không phải là thơ lục bát mà chỉ là một loại ca dao mới viết trong thể lục bát. Thơ lục bát Việt Nam chính yếu vẫn là thơ tình. Biểu hiện những tình cảm hay gặp của người Việt Nam: tình yêu nam nữ, tình mẫu tử, tình gia đình, nhớ làng nhớ nước, hầu hết là thơ tình, mà không bày tỏ được những cảm xúc của thời mới. Nói thế là đúng với hiện tượng, nhưng chưa hiểu rằng thực ra đó là vấn đề đề tài. Trong tuyển tập “Thơ lục bát Việt Nam” do NXB Văn Hóa in năm 1994 mà tôi có sẵn trong tay, tập hợp 166 bài của 145 tác giả. Tôi thống kê được như sau, về mặt đề tài, từ phổ biến nhất đến ít phổ bi ến hơn, theo thứ tự:
thiên nhiên > tình yêu> tình gia đình> hoài niệm quê hương
Như vậy toàn bộ đề tài tập trung vào những tình cảm quen thuộc. Không có một bài thơ nào nói về đời sống đô thị, hoàn cảnh của những thanh niên mới, những tình cảm mới phức tạp. Đó là chưa kể trong các đề tài cũ thơ lục bát như chúng ta cũng không hề đi sâu vào các đề tài tế nhị. Ví dụ tình mẹ con. Thơ lục bát và thơ mẹ con nói chung thường chỉ mô tả tình mẹ thương con, tình con nhớ mẹ, tôi không mấy khi thấy sự mô tả phức tạp hơn, ghét bỏ nhau chẳng hạn.
 
Trong đời thực, chúng ta biết quan hệ ấy không đơn giản. Cha hay mẹ không những thương con mà còn đau khổ vì con, không những tự hào về chúng mà còn thất vọng về chúng. Con cái không những chỉ thương yêu cha mẹ mà còn thất vọng về họ, giận dữ, thù ghét, và đau khổ vì điều ấy. Mối quan hệ giữa con người và quê hương cũng vậy, không phải một chiều theo hướng sử thi. Tôi gặp một nhà thơ Hoa kiều gốc Hải phòng, nơi sinh của anh; năm 1980 anh bị đuổi đi. Anh đã từng sang Trung quốc nhưng không sống được ở đó, cuối cùng may mắn định cư ở Canada. Nghĩ về quê hương Việt Nam với biết bao kỷ niệm, mối tình đầu, người vợ sắp cưới phải chia tay, anh vừa yêu thương vừa buồn giận. Anh khổ sở khi phải sống với hai tình cảm trái ngược đó. Nhiều người trong chúng ta cũng vậy, đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng. Sao bạn không dám nói? Đây là nhược điểm chung của thơ Việt Nam, nhưng thể hiện rõ nhất trong thơ lục bát. Những bài nghiên cứu về thơ lục bát cho đến nay nhấn mạnh nhiều hơn về việc đi tìm nguồn gốc của lục bát, mối quan hệ của nó với dân gian dân tộc, mà ít chú trọng về sự phát triển trong tương lai.
 
Nhiều nhà thơ trong nước và ngoài nước, Nam và Bắc, già và trẻ, xưa và nay, đã góp công sức cho lục bát, tôi không thể kể tên hết được. Thời buổi bây giờ, thơ lục bát là cái chiếu hiếm hoi mà nhiều người còn có thể ngồi lại với nhau. Tất nhiên có nhiều người không muốn viết lục bát nữa, thấy nó xưa quá. Nhưng nếu biết học tập ở ca dao tục ngữ, nhà thơ vẫn có thể đưa vào những câu chữ có vần, có tính nhạc, cách kết hợp chữ cô đọng nhưng chắc chắn. Ca dao, hò vè, tục ngữ không phải là thơ, ngay những câu ca dao hay nhất. Ở miền Trung có câu ca dao ai cũng thuộc:
 
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán thằng mường nó leo
 
Nói về sự tích Huyền Trân công chúa gả cho Chế Mân đổi lấy hai châu Ô và Rí. Chưa kể sự kỳ thị “mán, mường” (politically incorrect), hai câu ấy chỉ có chức năng thông báo một tin tức và nói lên nỗi cảm thương của dân chúng. Từ câu ca dao ấy mà sinh ra hai câu này, do nhà ngôn ngữ học Nguyễn Phan Cảnh đọc cho tôi nghe:
 
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Thơm tho ai biết lẫy lừng ai hay
 
Đã là thơ. Tại sao đã? Vì nó có ít nhất mấy tính chất của thơ trữ tình: không còn giới hạn trong việc Huyền Trân. Ngôn ngữ tinh xảo hơn; thơm tho, lẫy lừng. Câu tám có phép đối đẹp. Đang là lời của người khác có thể biến thành lời của nhân vật tự nói về mình: ngôn ngữ nội tâm. Cũng không còn tính chất quan trọng bậc nhất của ca dao: sự ví von. Thơ lục bát muốn làm mới có hai cách, một là đào sâu xuống, thăm dò sâu hơn khả năng của ngôn ngữ; cách khác là mở rộng diện tích của nó, mở rộng đề tài, các mối quan tâm đối với đời sống đương đại. Giọng giễu nhại trong bài thơ sau đây của Nguyễn Thế Hoàng Linh đúng là giọng của người hôm nay.
 
Công Viên
một bà già đánh cầu lông
chừng bảy mươi tuổi mà không thấy buồn
cô con dâu trẻ luôn luôn
phải di chuyển để đỡ muôn miếng đòn
thế mà cái thằng bé con
đừng nhìn khoái chí lại còn nhe răng
bà già mãi chưa hết xăng
cô con dâu mệt
vẫn hăng như thường
một bầy đá bóng gần đường
sút như nã đạn chẳng thương dân tình
một cái xe đổ đánh ruỳnh
chúng ù té chạy
họ trình công an
bà già tranh thủ thở than
mấy lần chúng đá vào bàn tay/toạ tôi
công an hỏi han một hồi
cô con dâu trẻ bảo thôi anh à
chẳng may quả bóng lăn ra
chẳng may chẹt phải may mà không sao
chỉ vì không có chỗ nào
để chơi
chúng mới đá vào người dân
anh công an trẻ phân vân
trước bà mẹ trẻ thiên thần to cao
bạn thì xử lí ra sao
còn anh ta cứ đi vào đi ra
sau rồi anh ta bảo à
mỗi ngày tôi sẽ la cà quanh đây
vẫn phải cấm thôi kẻo đầy
người đi đường bị vạ lây thì phiền
thằng bé con vẫn hồn nhiên
tung tăng trong cái công viên kín người
vẫn ngây ngô vẫn toét cười
vẫn như những cái cây tươi quanh hồ
trái tim của nó hiền khô
lúc nào cũng muốn nói
ô! cuộc đời
trái bóng vừa bị bỏ rơi
buồn cho tuổi trẻ hèn ơi là hèn
buồn cho người lớn nhỏ nhen
tham nhà tham đất mà chèn chúng ra
trăm năm trong cõi người ta
một người tham tạo ra ba người hèn
muôn năm trong cõi đất đen
tham hèn đều được một phen nhạt phèo
tôi đi trong tiếng lá reo
còn ai ớn những hiểm nghèo thả rông
một cô ăn bún hở mông
tôi nhìn
nhìn mãi
mà không
hết buồn.
 
Tác giả có vẻ buồn nhiều thứ.
Thực ra, một nhà thơ không quan tâm đến các vấn đề xã hội chính trị không thể là nhà thơ đương đại. Trái với các nhà thơ trước đây chú trọng về việc phổ vần chặt chẽ, các nhà thơ hiện nay không đặt nặng việc hợp vần như thế, thậm chí có những trường hợp trái vần hoặc những câu lục bát không hợp vần với nhau. Thể lục bát không sử dụng vần trắc vì vậy gặp những cảnh tượng lớn lao, những hoàn cảnh khắc nghiệt, thể lục bát không vẽ ra được. Tuy vậy trong lục bát không phải chữ nào, vị trí nào cũng bắt buộc phải sử dụng vầng bằng, vì vậy các nhà thơ hiện nay có thể tối đa hóa độ linh động về vần bằng và vần trắc. Tôi xin lấy ví dụ chữ cuối của câu sáu hay câu tám đều phải là vần bằng nhưng chữ đầu tiên thì không nhất thiết phải thế. Xem Truyện Kiều ta thấy cũng có những trường hợp chữ đầu tiên là vần trắc, mặc dù chữ thứ hai không bao giờ như vậy. Tôi tự hỏi nếu tác giả sử dụng vần trắc ở chữ thứ hai thì sao. Trong lục bát, các âm tiết vần bằng càng nhiều, câu thơ càng mềm mại, âm tiết vần trắc càng cao câu thơ càng mạnh mẽ. Người Việt vốn thích thưởng thức các loại thơ êm dịu, vốn quen với những bài vần bằng nhiều hơn vần trắc, nhưng chính họ cũng phải thay đổi.
 Thơ lục bát tỉ lệ vần trắc rất thấp. Trong khi có những câu vần trắc tăng lên:
 
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
(Du Tử Lê)
 
Tỉ lệ trong câu này là năm mươi phần trăm. Nhịp căn bản của lục bát là nhịp 2 2 2 ở câu lục và 2 2 2 2 câu bát. Cách đổi nhịp ví dụ thành 3 3 hay 1 5 là cách làm thay đổi âm điệu của câu lục. Lục bát hiện đại, sau Nguyễn Du, sau Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, gần trăm năm nay, khởi từ Tản Đà, từ thơ mới, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, khuynh hướng thơ ca chính trị, cách mạng, trong miền Nam là chủ nghĩa hiện đại và hiện nay trong cả nước, phần nào chủ nghĩa hậu hiện đại. Các khuynh hướng ấy ảnh hưởng lên nội dung và phong cách như thế nào là một vấn đề chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Thơ lục bát được viết nhiều ở các nhà thơ không chuy ên nghiệp, các câu lạc bộ và ngày càng được sử dụng bởi những người viết trẻ vốn quen với thơ tự do. Sự thành công của một câu thơ tự do tùy thuộc vào cái riêng của người viết, trong khi người làm thơ lục bát dựa vào điểm mạnh của một thể thơ quen thuộc. Khuynh hướng hiện nay là sử dụng vần một cách không chặt chẽ, các câu thơ không nén chặt lại, dùng nhiều hư từ, các chữ lỏng lẻo, phép lặp lai. Trong khi vẫn có thể phát triển các biện pháp như phép đối, từ dân gian, thành ngữ cũ và mới, nhà thơ hiện nay có thể mở rộng lục bát bằng cách xây dựng các hình ảnh lớn, mô tả những hiện thực khách quan chứ không phải chỉ cuộc sống nội tâm và đôi lứa. Thơ lục bát mạnh về việc mô tả nội tâm mà yếu về việc tả cảnh, thiếu những chi tiết có thật, nặng tính quy ước. Trong thơ lục bát, tình cảm được đặt nặng hơn những yếu tố khác, mà người Việt xưa nay vẫn là giống người dễ xúc động. Bốn đề tài sau đây: lòng hoài niệm, cảnh thôn quê, tình yêu trai gái, tình gia đình, khuynh hướng ấy làm cho các nhà thơ lục bát ngày càng đi sâu vào khuynh hướng thương cảm mà các nhà phê bình phương Tây chỉ trích. Các nhà thơ có thể sử dụng một số từ dung tục đường phố, các thành ngữ mới. Đồng Đức Bốn và Nguyễn Thế Hoàng Linh giỏi về cách nói bâng quơ, mới nghe qua không đâu vào đâu, nhưng ngẫm kỹ vẫn có một điều gì đó bên trong. Thơ hay cần một tấm lòng tha thiết với cuộc sống rộng lớn ngoài kia. Vẫn biết có những người nhỏ nhen nhưng làm thơ hay. Thế thì trong con người mà người khác nhìn thấy nhỏ nhen ấy đang che dấu một con người khác, lớn hơn, chính anh ta cũng không tự biết. Thơ cần tránh sự sáo rỗng. Lục bát càng cần phải sợ nó. Sáo tức là nói quá đi một sự thật, là lặp lại những chữ đã dùng quá nhiều lần, những ý tưởng của người khác. Những chữ sáo như thế thường gặp ở nhiều nơi.
 
Nam: thân phận, áo lính bạc màu, chiến sĩ kiêu hùng, kẻ sĩ, giang hồ, mỹ nhân, lữ thứ, rượu đã mềm môi, lá me bay, chàng, nàng, bất hạnh.
Bắc: hoa sữa, anh dũng kiên cường, khắc phục, bờ sông gió thổi, mưa phùn, nón lá, hoành tráng, tâm tư, điểm nhấn, mẹ, em, giai điệu tự hào.
 
Nghe phát mệt.
Mỹ nhân hay hoa sữa không hề có lỗi. Lỗi ở chúng ta.
Thơ là khoảng hở của văn xuôi, là kẽ nứt, là sự chia tan của văn xuôi. Ở đó, sinh ra câu thơ. Nếu bạn không làm một câu thơ thì bạn không làm thơ. Trong thơ lục bát, cái giọng là một trong vài thứ quan trọng nhất. Vậy, người đọc sẽ lễ phép hỏi, xin cho tôi “nghe” một câu lục bát của anh chị.
 
Nguyễn Đức Tùng
(Đọc Thơ - Edited Version)
 
READ MORE - CÂU THƠ LỤC BÁT - Nguyễn Đức Tùng